Wednesday, December 1, 2010

Hôn nhân thời hiện đại

Hôn nhân thời hiện đại

Bản chất của tình yêu và hôn nhân không thay đổi. Thế nhưng, cùng với vị thế của phụ nữ trong xã hội hiện đại, các cuộc hôn nhân đầu thế kỷ XXI có chút khác biệt so với thập kỷ trước. Mời bạn cùng chuyên gia tâm lý khám phá 11 xu thế hôn nhân hiện đại.
Theo các nhà tâm lý học trên thế giới, hôn nhân cũng giống như những xu thế xã hội khác, luôn thay đổi cho hợp với cuộc sống của con người trong thời điểm ấy.
Đặc biệt, hiện nay đang có cuộc cải tổ mới về luật lệ và xu hướng trong hôn nhân.
Xu thế ra riêng của các cặp vợ chồng đang tạo nên hương vị mới cho cuộc sống lứa đôi. Cùng với nhiều thay đổi khác, sự bình đẳng giới và vị thế của phụ nữ ngày nay làm biến đổi mạnh mẽ những quan niệm hôn nhân truyền thống.
11 tiêu chí hôn nhân thời đại dưới đây được xem là những luật giúp các cặp đôi theo kịp guồng quay của xu hướng hôn nhân thế kỷ XXI.

1. Sống thử trước hôn nhân
Chuyện xưa: Không một ai, kể cả người trong cuộc, chấp nhận điều này. Với mọi người, chỉ sau đêm tân hôn, cả hai mới chính thức thuộc về nhau.
Chuyện nay: Vân Anh 27 tuổi, trợ lý giám đốc của một trung tâm Anh ngữ tại Q.3, TPHCM, sống cùng bạn trai hơn nửa năm trước khi hết hôn. Không hề có chuyện phá thai ngoài ý muốn hay lụy tình, Vân Anh rất độc lập và tự chủ trong mối quan hệ của mình. Sau khi cưới, chồng Vân Anh vẫn yêu thương vợ và tôn trọng cô dù họ đã “vượt rào” từ trước.
Lý giải: Với các cô gái hiện đại, phóng khoáng nhưng không bốc đồng, sống thử trước hôn nhân là lựa chọn của tình yêu, thể hiện sự tin tưởng. Họ không quan hệ vì tò mò giới tính mà có kiến thức về sức khoẻ sinh sản và trách nhiệm với cuộc sống của mình.
Chuyên viên tâm lý Huỳnh Thị Hoài Như, phân tích: “Tuy chưa thật sự được ủng hộ, nhưng xu hướng này góp phần hình thành một khái niệm mới về sự ràng buộc. Các bạn trẻ gắn kết cuộc đời với nhau vì trách nhiệm và yêu thương tự nguyện, không vì áp lực xã hội. Tình yêu mang màu sắc dân chủ và phóng khoáng hơn”.
“Tuy nhiên, không nên vội vã nếu bạn chưa xác định rõ tình cảm và không đủ mạnh mẽ để đứng trên dư luận. Nếu kết quả tình yêu không tốt đẹp, bạn có thể bị suy sụp và rơi vào trầm cảm”.
2. Chồng không nhất thiết “cao” hơn vợ
Chuyện xưa: Đấng phu quân phải cao hơn vợ cả trình độ học thức lẫn thu nhập. Những trường hợp ngoại lệ thường bị gièm pha. Người trong cuộc sẽ bị tổn thương và hôn nhân dễ tan vỡ.
Chuyện nay: “Khi yêu nhau, tôi tốt nghiệp Đại học Kinh tế nhưng anh chỉ vừa hết cấp III. Dù học vấn và thu nhập không bằng vợ nhưng chồng tôi rất khéo vun vén gia đình để tôi yên tâm công tác. Bố mẹ tôi lúc đầu phản đối nhưng bây giờ quý rể hơn cả con gái”, chị Hiền Mai, 32 tuổi, phó phòng kinh doanh một ngân hàng thương mại tại Q. Tân Bình, TPHCM, tự hào kể về chồng.
Lý giải: Theo chuyên viên tư vấn Hồ Thị Tuyết Mai, do chế độ phụ quyền, vị trí và cơ hội của nam giới ngày trước luôn được “đặc cách”. Thế nhưng với sự phát triển của việc bình đẳng giới, phụ nữ có điều kiện nâng cao kiến thức lẫn thu nhập của mình. “Cao thấp” giờ đây không được xem là mặc nhiên của riêng ai.
Tuy nhiên, người phụ nữ cũng không vì thế mà tỏ ra hơn chồng. Khuynh hướng vợ hơn chồng cần sự điều tiết khéo léo từ phía người vợ để giữ gìn hạnh phúc. Phụ nữ cần tâm lý, tế nhị và luôn bày tỏ sự tôn trọng chồng để cả hai cảm thấy thoải mái.
3. “Một túp lều tranh, hai trái tim vàng” chỉ là cổ tích
Chuyện xưa: Hai người yêu nhau có thể tiến đến hôn nhân dù đang rỗng túi và không có tấc đất trong tay.
Chuyện nay: Hầu hết các bạn trẻ chỉ tiến đến hôn nhân khi sở hữu cơ ngơi vững vàng và khoản dành dụm tương đối trong tài khoản.
Khi điều kiện kinh tế của đối phương không như mong muốn, người còn lại sẽ đắn đo trước quyết định đi tiếp hay chuyển hướng. Phải chăng tình yêu ngày nay trở nên thực dụng?
Lý giải: Theo chuyên viên tâm lý Ngô Thị Đẹp, Trung tâm tư vấn IFC, khi nền kinh tế chung phát triển ở mức thấp, nhu cầu con người chỉ dừng ở ăn no, mặc ấm. Hiện nay, nhu cầu sống ngày càng tăng, sự lo lắng về kinh tế trở thành nỗi ám ảnh buộc người trong cuộc phải bảo đảm kinh tế tiền hôn nhân.
“Qua nhiều ca tư vấn, tôi nhận thấy các cặp vợ chồng chỉ chấp nhận tình trạng chật vật kinh tế trong thời gian đầu. Về lâu dài, va chạm thực tế khiến đôi bên vỡ mộng, dẫn đến hôn nhân tan vỡ. Kinh tế vững chắc là nền tảng cho một cuộc hôn nhân vững bền lẫn sự sung túc cho đời sau”, chị Ngô Thị Đẹp cho biết.
Các bạn trẻ cần phải nhớ bản chất tình yêu và hôn nhân, dù ở thời đại nào cũng không thay đổi. Đó vẫn là sự gắn kết vô điều kiện giữa hai tâm hồn.
Với sự thay đổi khách quan của cuộc sống, sự gắn kết này cũng phải tự điều chỉnh để thích nghi. Tuy nhiên, đừng tự biến mình trở thành người thực dụng.
4. Không còn chuyện “ý chồng là ý trời”
Chuyện xưa: “Bố tôi quan niệm con gái không cần học nhiều nên lần lượt cho các chị nghỉ học, riêng tôi, con út nên được ưu tiên. Không lay chuyển được bố, các chị ôm chân mẹ mà khóc, nhưng bà chỉ im lặng. Từ bé, tôi đã quen với chuyện bố là người quyết định mọi thứ. “Nhiệm vụ” của mẹ là lắng nghe, thi hành và ủng hộ”, chị Thùy Anh, 35 tuổi, trưởng nhóm phát triển sản phẩm của Công ty liên doanh Ngọc Hàm, Q.6, TPHCM, tâm sự.
Chuyện nay: Chị Thùy Anh ý thức xây dựng một gia đình dân chủ và tôn trọng nhau ngay từ khi mới cưới. Bất cứ chuyện gì, dù lớn hay nhỏ, đều được vợ chồng thảo luận và thống nhất ý kiến. Giữ chức giám đốc điều hành ở một công ty dầu khí đa quốc gia nhưng anh Trọng Nhân, chồng chị Thùy Anh, rất nể vợ vì cách cư xử khéo léo và suy nghĩ thấu đáo.
Lý giải: Theo chị Hoài Như, bình đẳng giới mở ra vị thế và quyền lực ngang bằng giữa hai phái. Người phụ nữ có chính kiến riêng, kinh tế độc lập nên tiếng nói của họ trong gia đình cũng có sức nặng hơn. Không chỉ mang tính nhân văn, sự chuyển biến này giúp thế hệ sau tôn trọng và hiểu đúng hơn vai trò người mẹ.
“Tuy nhiên, không ít phụ nữ thành đạt vẫn giữ thói quen không bộc lộ cảm xúc trong gia đình. Điều này rất tai hại vì người vợ dễ rơi vào trầm cảm. Giải pháp duy nhất là từng bước thay đổi vị trí độc tôn của người chồng. Phái mạnh không dễ chấp nhận điều này, người vợ cần kiên nhẫn”, chị Hoài Như khuyên.
5. Hôn nhân là quyết định của mỗi người
Chuyện xưa: “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” được xem như luật bất thành văn. Tự do yêu đương, tự do hôn nhân gần như là không tưởng với mọi người.
Chuyện nay: Những cá nhân từ 18 tuổi trở lên có quyền tự quyết hôn nhân của mình. Sự tự do này được minh hoạ vui bởi câu thành ngữ cải biên: “Con đặt đâu cha mẹ... chịu đó”.
Theo khảo sát của chúng tôi, 98% bạn trẻ trong độ tuổi từ 25-35 phản đối cuộc hôn nhân được xếp đặt và gượng ép.
Lý giải: Chuyên viên tư vấn Hồ Thị Tuyết Mai phân tích: “Ảnh hưởng quan niệm môn đăng hộ đối tồn tại từ thời phong kiến, các cuộc hôn nhân cách đây hơn một thập niên thường do cha mẹ quyết định. Sự phụ thuộc vào gia đình do nền kinh tế tự cung tự cấp khiến nhiều người không dám tự chủ hôn nhân của mình”.
Thế kỷ XXI có thể xem như niên kỷ “tuyệt chủng” của sự mai mối. Các bậc cha mẹ hiện nay tân tiến và phóng khoáng hơn trong việc dựng vợ, gả chồng cho con. Nhiều bạn trẻ tự đi đăng ký kết hôn và tổ chức hôn lễ nếu vấp phải sự phản đối từ gia đình. Sự độc lập kinh tế giúp họ dám đấu tranh cho tình yêu. Đây là chuyển biến tích cực vì hôn nhân không thể phó thác vào may rủi.

6. Quên đi khái niệm “bà nội trợ”
Chuyện xưa: Gia đình Anh Vũ, 25 tuổi, kỹ sư điện, ngụ ở Q.6, TPHCM, theo đúng kiểu mẫu truyền thống. Bố của Vũ làm giám đốc một công ty tài chính, mẹ anh là nội trợ ở nhà và chăm con. Tư tưởng “phụ nữ chỉ nên ở nhà” được bố Vũ in sâu vào tâm trí anh đến ngày trưởng thành.
Chuyện nay: Anh Vũ nhiều lần để vuột mất tình yêu chỉ vì lời đề nghị: “Sau khi cưới, anh muốn em ở nhà chăm sóc gia đình”.
Nhìn xung quanh, Vũ nhận ra mình lạc hậu và cổ hủ khi tìm cách trói buộc khát vọng của người yêu. Những người vợ giỏi việc cơ quan, đảm việc nhà không còn hiếm nữa.
Lý giải: Với điều kiện học hành và sự tiến thân hạn chế ngày trước, phụ nữ không dễ tìm được thu nhập cao và vị thế quan trọng trong xã hội.
Tuy nhiên, phái nữ ngày nay không mấy khó khăn để tạo dựng sự nghiệp riêng cho mình. Họ thoát khỏi vai trò nội trợ không chỉ vì lợi nhuận kinh tế mà cả khao khát tự khẳng định mình. Những nữ doanh nhân thành đạt xuất hiện ngày càng nhiều là minh chứng rõ nhất cho điều này.
“Đa phần, quý ông đón nhận xu thế này một cách hoà bình và tạo mọi điều kiện cho vợ phát triển. Thế nhưng, không ít người ích kỷ, chuyên quyền, tìm cách cản trở bước tiến của vợ. Nguyên nhân vì họ tiếp thu truyền thống lâu đời của gia đình và ngại sự thay đổi. Người vợ cần khéo léo và kiên nhẫn để thay đổi quan niệm của bạn đời”, chị Ngô Thị Đẹp phân tích.
7. Xu thế ở riêng
Chuyện xưa: “Về nhà chồng” là con đường duy nhất của các tân nương. Đạo tam tòng buộc họ phải gắn bó với mái nhà tam đại đồng đường đến cuối đời.
Chuyện nay: Câu hỏi quan tâm dành cho các bạn gái sắp cưới thường xoay quanh chuyện ở nhà chồng hay ở riêng. Trái với trước kia, xu thế ở riêng được ủng hộ và trở hành lựa chọn chung.
Lý giải: Với kinh tế phát triển và tư tưởng độc lập của các nàng dâu hiện đại, họ thường chọn cách ở riêng. Xu thế này lan rộng vì họ cần không gian riêng và ngại sự va chạm trong cuộc sống chung với nhiều tiểu gia đình.
Ở nhà chồng hay không đều có những ưu điểm nhất định. Tùy hoàn cảnh của mỗi gia đình, các bạn nên cân nhắc và có sự lựa chọn phù hợp.
Cần nhớ dù ở chung hay riêng, sự độc lập về không gian, kinh tế và tôn trọng lẫn nhau vẫn cần được bảo đảm.
8. Trinh nữ về nhà chồng
Chuyện xưa: Các cô dâu trong đêm tân hôn phải để lại “dấu vết” trên tấm drap giường trắng. Nếu không chứng minh được cái ngàn vàng, hạnh phúc lẫn phẩm hạnh của họ đều bị đe doạ.
Chuyện nay: Nhiều cuộc khảo sát cho thấy, 60- 70% quý ông hiện đại không áp đặt cái ngàn vàng của người yêu một cách thiển cận.
Anh Nguyễn Văn Tấn, 29 tuổi, chuyên viên thiết kế phần mềm của một công ty tin học trên đường Tôn Thất Tùng, Q.1, TPHCM, cho biết: “Điều duy nhất tôi quan tâm là cô ấy sống như thế nào, các mối quan hệ với người khác phái ra sao... Vẫn còn nhiều điều thú vị để yêu một người vợ hơn là chăm chăm “bới lông tìm vết”.
Lý giải: Do quan niệm khắt khe về trinh tiết và trình độ y học giới hạn, “dấu vết” được đặt lên hàng đầu trong việc chọn vợ xưa. Thế nhưng, với sự phóng khoáng hiện nay, cùng những lý giải đầy tính khoa học, cái ngàn vàng được nhìn nhận bao dung và chính xác hơn.
Đây là sự chuyển biến tích cực và công bằng đối với các cô gái trẻ. Tuy nhiên, đừng vin vào đó để sống dễ dãi. “Vàng thật” đồng nghĩa với việc phải có trách nhiệm với tình yêu và với chính mình.
9. Bếp núc là nhiệm vụ của hai ta
Chuyện xưa: Các đức ông chồng không bao giờ bước chân qua ngưỡng bếp, đi chợ, nấu ăn... lại càng “chống chỉ định”.
Chuyện nay: “Trước ngày cưới, tôi và bà xã thoả thuận là không câu nệ việc nhà. Ai về sớm, ai rảnh rỗi... thì tự xắn tay vào bếp. Cô ấy làm thông dịch viên, lịch làm việc không cố định nên tôi thường xuyên lãnh trách nhiệm nội trợ”, anh Thành Công, 29 tuổi, nhân viên kinh doanh của Công ty Tấn Thành trên đường Bạch Vân, Q.5 TPHCM, bộc bạch.
Lý giải: Cùng với bình đẳng giới và vị thế xã hội của phụ nữ hiện đại, quan niệm “chồng chứa vợ tôi” dần lui vào quá khứ. Không một phái yếu hiện đại nào chấp nhận yêu cầu “khoán trắng” việc nội trợ từ bạn đời của họ.
“Tuy là chuyển biến tích cực nhưng không ít ông chồng ngấm ngầm “bất phục”.
Để cải thiện, mỗi quý ông phải thay đổi cách suy nghĩ và tình yêu dành cho vợ. Hãy xem vợ là bạn đời đúng nghĩa thay cho mệnh đề “cô sen không công” của thế kỷ trước”, chuyên viên tư vấn tâm lý Tuyết Mai khuyên.
10. Ngoại tình không được phép ở cả hai phái
Chuyện xưa: Phụ nữ ngoại tình bị sỉ vả. Quý ông ngoại tình được xem là bản lĩnh và đào hoa.
Chuyện nay: Dù bạn thuộc giới nào, nếu vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình, vẫn bị xử phạt, lên án. Bên cạnh đó, phụ nữ ý thức rõ quyền lợi của mình nên ít khi chấp nhận cảnh “bà nhỏ, bà to”.
Lý giải: Quan niệm “đàn ông có quyền năm thê bảy thiếp” xuất phát từ chế độ phụ quyền và bất bình đẳng của xã hội xưa. Từ trong gốc rễ, các ông không chấp nhận vị thế ngang bằng giữa vợ và mình. Thế nhưng, sự độc lập và khát khao bình đẳng giới của phụ nữ hiện đại đang dần xoay chuyển quan niệm lệch lạc này.
Trên thực tế, sự xoay chuyển này chưa thật sự mạnh mẽ, xã hội vẫn tồn tại phổ biến cảnh chồng chung. Điều này đỏi hỏi giới nữ phải quyết liệt hơn nữa để bảo vệ quyền lợi của mình.
11. Không còn cảnh “thập nữ viết vô”
Chuyện xưa: Gần 50 tuổi, có hai cô con gái xinh xắn nhưng chị Hà Mỹ, kế toán một công ty dược phẩm tại Q.5 TPHCM, vẫn bị ám ảnh bởi hai chữ “tuyệt tự”.
Nhà chồng chị vốn có cây gia phả lâu đời. Ngay nhánh chống chị có ghi rõ hai chữ “tuyệt tự” đỏ như son. Mặc cảm có lỗi với chồng cùng cảm giác lo sợ anh ấy có người khác khiến chị chẳng lúc nào yên.
Chuyện nay: Những cặp vợ chồng sinh ra “công chúa” nhưng vẫn rất đầm ấm và hạnh phúc. Dù tỉ lệ chưa cao nhưng không ít ông chồng khẳng định giới tính của con không quan trọng.
Lý giải: Khoảng 10 năm gần đây, vai trò tích cực của phụ nữ trong gia đình đang làm lung lay quan niệm “nhất nam viết hữu”. Từ kinh nghiệm của mình, các bà mẹ và ông bố trẻ nhận thấy giới tính không quyết định nhân cách cũng như sự thành đạt của thế hệ sau. Chính vì thế, họ không đặt nặng vấn đề sinh con trai hay gái mà là nuôi dạy con thế nào.
“Tuy nhiên, quan niệm con trai nối dõi đã in sâu vào tư tưởng nhiều người. Để thuyết phục bố mẹ, các cặp vợ chồng hiện đại cần hết sức kiên nhẫn”, chị Ngô Thị Đẹp nhận định.
Dep1001.vn (Nguồn: Sưu tầm

No comments:

Post a Comment