Sunday, December 5, 2010

Lấy Việt kiều nghĩa là mình cũng mang mác Việt kiều

Lấy Việt kiều nghĩa là mình cũng mang mác Việt kiều

Có một điều là khi lấy Việt kiều nghĩa là mình cũng mang mác Việt kiều, các cô mới thấu hiểu gánh nặng của hai chữ đấy với bà con bên Việt Nam. Hương kể: “Em sợ lễ Tết lắm chị ạ, mà chẳng cứ phải có lễ họ mới gọi, cứ đều mỗi tháng lại bị điểm danh… hết nhà người này hỏng cái này đến người kia bệnh…”.
Sang ‘xứ thần tiên’.
Sau nhiều lần lưỡng lự, Hương mới đồng ý dẫn tôi đến làm quen với nhóm bạn của cô là những cô gái từ Việt Nam sang Úc theo dạng hôn phối. Bản thân Hương cũng kết hôn với một Việt kiều Úc được gần một năm qua mai mối của anh trai đang định cư tại đây.
Khác với mường tượng của nhiều người về các cô dâu lấy chồng Việt kiều, bạn của Hương đa số là những cô gái rất giản dị, chăm chỉ, chịu khó và nhan sắc chỉ ở mức trung bình khá. Các cô đều xuất thân từ vùng miền Tây Nam bộ và đa phần có thân nhân đang sinh sống tại Úc.
Phải mất nửa buổi lạ lẫm các cô mới cởi mở nói chuyện và tâm sự về đời tư của mình.
Hương là người khởi chuyện. Cô thú nhận nước Úc khác nhiều so với tưởng tượng trước đây khi còn ở Việt Nam. Cô kể : “Hồi đó thấy các anh chị của em từ Úc về chơi, sao thấy các anh chị ấy sung sướng và thoải mái thế. Mọi người tiêu xài không cần phải suy nghĩ tính toán. Không phải mỗi chuyện tiền bạc đâu. Em cảm thấy cuộc sống của các anh chị ấy có vẻ rất thoải mái, vô lo vô nghĩ… làm sao ý… Em ngỡ rằng Úc hẳn phải là ‘xứ thần tiên’ chị ạ… ” (cười mỉm).
Phúc cũng tán thành: “Hồi đấy anh Hải, ông xã em, về Việt Nam chơi em cũng thấy như vậy… mà anh ấy ga lăng hơn đàn ông Việt Nam nhiều (cười)… À còn mấy người bà con của em cũng là Việt kiều Úc, mỗi lần về thăm quê thấy người nào người nấy đeo toàn ‘vàng hai mốt’ đầy người… Thấy sang lắm!”.
Sự thật.
Khi được hỏi vậy sang đến Úc rồi còn thấy nó ‘thần tiên’ nữa không, các cô đều im lặng một chút rồi mới trả lời. Các cô thấy cuộc sống ở đây ổn định nhưng ai cũng phải đi làm vất vả chứ chẳng sung sướng như tưởng tượng hồi còn ở Việt Nam. Mai, được người nhà tìm người ‘làm đám cưới giả’ để qua Úc, kể về ngày đầu đặt chân sang Úc: “Em xuống máy bay đến ngày thứ hai là ông anh thứ tư của em làm ở chợ cá cho em theo đi cạy hàu ngay. Họ đổ hàu ở chợ bán sỉ cho mình cạy, tính tiền cho mình theo lố… Làm một đêm như vậy đâu cũng được cả trăm bạc ấy chị ạ nhưng mà đau tay lắm… Ông ấy nói cho em đi làm luôn để em biết ở bên đây phải lao động vất vả như thế nào, các anh chị giúp bảo lãnh em sang đây thôi chứ từ nay phải tự lo đi làm mà sống.”
Hương thêm vào: “Hồi đấy em cứ tưởng mấy ông anh của em ở bên này giàu sang lắm nhưng sang tới nơi mới biết các anh ấy còn chưa trả xong tiền nhà, tiền xe. Mà bên này lạ nhỉ ai cũng mua nhà trả dần 20 năm.”
Tôi giải thích cho các cô rằng nếp sống của người Úc là vậy. Họ thường làm được bao nhiêu tiêu bấy nhiêu chứ ít khi để dành, vì vậy họ có thói quen mua trả góp hơn là ở Việt Nam. Hơn thế thì cuộc sống và thu nhập ở đây khá ổn định nên người ta không phải nghĩ đến chuyện để dành một món phòng hờ khi có chuyện như ở nhà. Con cái trưởng thành thường tự lo cho mình chứ không như ở Việt Nam là bố mẹ lo mua nhà cửa cho con khi lập gia đình, ra ở riêng. Các cô nghe đều gật gù tỏ ý tán thành.
Duyên số.
Thấy các cô đã tự nhiên hơn nhiều tôi liền hỏi thăm chuyện tình yêu của các cô, làm sao các cô gặp ông xã hiện giờ của mình và lý do dẫn đến quyết định cưới.
Phúc kể trước: “Anh Hải là con của một người bạn của gia đình em ở bên này. Anh ấy gần 30 mà chưa có ai hết nên hai nhà có ý giới thiệu hai đứa với nhau. Năm 2005 anh ấy về Việt Nam chơi một tháng và ở tại nhà em. Bọn em được tạo điều kiện cho đi chơi với nhau ở Sài Gòn và Vũng Tàu cùng bên bà con của anh ấy. Em thấy anh ấy dễ thương nên cũng chịu quen… (cười). Sau đó anh ấy về lại Úc thì bọn em liên lạc qua email và chat, rồi ba tháng sau anh ấy về cưới em luôn. Đáng nhẽ em sang đây luôn lúc đấy nhưng lãnh sự quán từ chối visa của em vì nghi ngờ hôn nhân giả và quá nhanh”. Cô cho chúng tôi xem ảnh cưới của hai người và ra sức thanh minh vì đợi visa lâu quá nên cô đi chỉnh mũi lại cho cao hơn nên nhìn trong ảnh và hiện giờ hơi khác (?!?).
Bình im lặng từ đầu tới giờ mới chịu lên tiếng: “Em quen ông xã lúc sang đây chơi với bà chị của em. Em thấy anh ấy chững chạc và hào hoa, với cả mấy bà chị em vun vào quá nên em cũng ưng theo…”. Bình mới hai mươi hai tuổi, cô nom ‘rặt’ vẻ miền Tây Nam bộ với khuôn mặt tròn trịa, làn da nâu và dáng người khỏe mạnh. Chồng cô đã năm mươi mấy tuổi, là chủ một cửa hàng ở khu người Việt, chia tay vợ từ mấy chục năm trước và có mỗi một cô con gái hơn Bình hai tuổi nên khá nhiều lời đồn ra đoán vào về hôn nhân của cô.
Mai là người có chuyện tình yêu thú vị nhất. Cô đáng nhẽ chỉ định làm hôn nhân giả để sang đây nhưng gặp Tín rất chân thành chăm sóc nên sau ba tháng ở bên nhà anh chị ruột, Mai dọn về ở với ‘ông chồng hờ’. Mai nói: “Thấy cái cách anh ấy chăm sóc cho mình từng chút một mà mình cảm động. Mình đi đâu anh ấy cũng đưa xe đi rước chị ạ. Mà ngay từ đầu, anh ấy gặp mặt em, anh ấy cũng nói là không chịu làm giấy tờ, nếu ưng cưới thật thì anh ấy mới chịu làm… Mấy anh chị em xúi cứ ừ đại rồi sang tới nơi tính sau… Giờ thì tính gì nữa nhỉ… Có duyên số hết chị ạ”. Mai đang có bầu được ba tháng, khuôn mặt luôn tươi cười rạng ngời hạnh phúc.
‘Mác Việt kiều’.
Tôi trêu các cô là thế ở nhà có bị tiếng ham lấy Việt kiều không thì cô nào cũng nói là lúc đi qua đây cũng bị bà con chòm xóm nói này nói nọ, nhưng bị nói cũng không sai vì nhiều người ham giàu sang nên lấy Việt kiều lắm. Hương kể ở chỗ ông xã cô làm có ông chủ gần năm mươi mà lấy cô vợ mới 19 tuổi từ Việt Nam sang đây. Trước khi nhận ai vào làm là ông ấy cấm không được nhìn vợ ông ấy mà cái ‘bà’ đó thì suốt ngày ăn mặc hở hang ‘ưỡn ẹo’ đi lại trong hãng, hỏi làm sao đàn ông trong đấy không nhìn được chứ. Chồng Hương kể ông chủ đấy đuổi không biết bao nhiêu người làm rồi. Mọi người cũng to nhỏ không biết đến ngày hết hạn hai năm thì cô ta sẽ ‘đá đít’ ông này luôn không. (Bảo lãnh theo dạng vợ chồng phải mất hai năm thử thách mới được Bộ di trú cho nhập cư chính thức).
Có một điều là khi lấy Việt kiều nghĩa là mình cũng mang mác Việt kiều, các cô mới thấu hiểu gánh nặng của hai chữ đấy với bà con bên Việt Nam. Hương kể: “Em sợ lễ Tết lắm chị ạ, mà chẳng cứ phải có lễ họ mới gọi, cứ đều mỗi tháng lại bị điểm danh… hết nhà người này hỏng cái này đến người kia bệnh…”.
Ngoài Bình ra thì đời sống của các cô cũng khá vất vả. Chồng của các cô, người làm việc trong hãng, người đi chở hàng thuê và ở nhà ăn thất nghiệp cũng có. Các cô cũng phải làm mướn ở các chợ và cửa hàng của người Việt để phụ thêm thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên do lấy được người mình yêu thương nên các cô đều cảm thấy rất hạnh phúc và ổn định. Mai nói: “Điều sướng nhất ở đây là họ rất chiều phụ nữ. Chồng em bảo ở Úc nhất là trẻ em và phụ nữ, nhì là chó mèo và cuối cùng là đàn ông…” (cười lớn).
Mai Ly
Posted in Uncategorized | Thẻ: Úc, cuộc đời, duyên phận, kinh nghiệm, lấy chồng, nước ngoài, tâm sự, Việt Kiều


Hồ sơ tìm tình trên mạng
Tôi là một người như mọi người nên cũng mang cái tâm tình “ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau” mà sốt vó lên khi đến trước cái tuổi người phụ nữ “đã toan về già” vẫn chưa tìm thấy bóng dáng một người cần tôi và làm cho tôi thấy cần người ấy.
Trong một thời đại người ta có thể ngồi tại nhà mua từ . . . cây kim đến cả tòa nhà bằng một cú click, tôi quyết định đi tìm một nửa của mình ở trang web vietsingle.
Trước khi bước vào kinh doanh, người ta phải tìm hiểu thị trường nên dấn bước vào tình trường – dù là trường “ảo” – tôi cũng thận trọng dạo lòng vòng, ghé qua rất nhiều “hồ sơ”, làm vài “nghiên cứu” nhỏ xem mình nên “đầu tư bước đầu” thế nào để “tậu” được một tấm chân tình có thể “xài” mãi đến mai sau. Cuối cùng, tôi bắt tay vô viết cho mình một cái hồ sơ, mà sau này đọc lại, thấy cũng giống . . . một cái gì đó nhưng dứt khoát không phải là một bộ hồ sơ có thể vác đi tìm bạn đời. Dù vậy, tôi cũng hết mình bám sát mẫu “đơn”, cố tạo ra một thứ thật ấn tượng. Bộ hồ sơ của tôi mang tên: TÌNH YÊU LÃNG MẠN, xin trích lại vài mục cho mọi người thưởng lãm.
Từ thành phố: Ngõ vắng xôn xao
Đất nước: Việt Nam
Tôn giáo: Không có
Học vấn: Đại học
Rồi tiếp tục là khai báo chiều cao, cân nặng, các thứ vân vân . . và . .v. .v.
Giờ rảnh rỗi:
Một trong những trò nhảm nhí tôi làm khi rảnh rỗi là vào vietsingle lang thang đọc hồ sơ. Từ những “pé kute 18t” đến những “gay tìm BF”, từ những anh chàng tuổi đôi mươi hai bàn tay trắng (như cái đầu của anh ta) đến những ông già gần xuống lỗ . . . Có lang thang mới biết, hóa ra lắm người trên cõi đời này cũng rảnh rỗi, cũng cô đơn và cũng . . . dở hơi như mình!
Mỗi lần đọc một hồ sơ, tôi lại tự hỏi sau cái nick đó thực sự là một người thế nào, họ cần gì và tìm gì ? Nhiều người viết chính tả sai loạn cả lên cứ khăng khăng tìm cho ra một người “trí thức, thông minh và có địa vị xã hội” “chân thật yêu mình”. Điều này không sai bởi ai cũng có quyền ước mơ, có quyền mưu cầu hạnh phúc theo cách của mình – nhưng như thế thì cũng hài hước với các kiểu như: “em thích một người đàng ông trững trạc”!
Nhiều “anh” ở cái tuổi có cháu nội thì lại nôn nao tìm một “bạn gái xinh tươi”, lại còn đặt thẳng vấn đề “tuổi dưới 25″ mới ghê cơ chứ!
Nhiều người Việt cả đời đôi chân và tầm mắt chưa ra khỏi lũy tre làng, lại cố “sắm” cho mình những dòng tự bạch bằng thứ tiếng Anh . . . giả cầy, hẳn là hướng đến những mục tiêu cách xa mình đến mấy cái đại dương. Cái thứ ngôn ngữ ấy, người Việt đọc hẳn không khỏi tủi lòng; còn người nước ngoài, nếu lỡ đọc, chắc không nhìn ra đó là tiếng mẹ đẻ của mình (!).
Chợt nghĩ đến những cô gái từ nhiều miền quê trôi dạt vào Sài Gòn, sống tạm bợ chờ ngày xếp hàng cho vài người đàn ông nước ngoài coi mắt (nhân tiện săm soi và sờ nắn – theo đúng nghĩa đen của những từ này, những gì họ được coi). Đối với những cô gái ấy, và có lẽ còn với nhiều người trong chúng ta đây, hình như “nước ngoài” là một cái gì đó rất thiên đường, rất sáng láng, đẹp đẽ – đẹp như những bộ phim Hàn mà nhà đài vẫn nhồi vào tai vào mắt, nhồi cả vào tư tưởng của chúng ta mỗi ngày! Họ là những cô gái nghèo, họ có cái lý do của đồng tiền, của giấc mơ một bước đổi đời, cho dù cái lý do ấy chẳng hề chính đáng để biện minh cho việc bỏ danh dự thật của mình đổi lấy cái “danh dự” ảo là tiền tài vật chất. Họ đáng trách nhưng cũng đáng thương.
Lại có nhiều bạn nữ trình độ đại học, đang sống và làm việc giữa lòng Sài Gòn nhưng vẫn rạch ròi tuyên bố với thế giới “em chỉ muốn tìm chồng ở hải ngoại mà thôi”. Có khi còn dứt khoát hơn: “em sẽ không trả lời thư cho các anh trong nước”. Cái đó thì lý giải thế nào? Mà đâu chỉ các cô, nhiều anh cũng mơ một chiếc cầu bắc sang bờ kia của Đại Tây Dương mang hình dáng người con gái: “Anh mong tìm được người bạn gái ở nước ngoài.” (trong khi rất nhiều người ở nước ngoài lại thiết tha: “anh muốn tìm cho mình một người bạn gái ở VN”.) Tình yêu chân thành và lãng mạn có hiện diện ở đây không? Những Nguyễn Bính, Xuân Diệu của tình yêu mộc mạc ngày xưa, giá được sống ở thời a-còng để “xem người ta yêu”, hẳn chỉ có nước…khóc thét!
Nhiều hồ sơ đọc nghe sao mà tha thiết, chân thành: “Anh tìm một người phụ nữ trí thức, hiền ngoan để cùng anh đi suốt quãng đời còn lại”. Và rồi anh ta viết thư làm quen cũng rất chân thành với chủ đề của hồ sơ là “Em muốn làm tình” hay “Find sex partner” ..v..v… Gì thế này? Một con người đứng sau một cái nick có thể tự biến mình thành một con tắc kè hoa, thay màu vô tư đến là chóng mặt.
Hóa ra, từ những chỗ ảo và những kiểu ảo thế này, ta có thể có được một góc nhìn cuộc đời và con người vừa thật, vừa thú vị. Ít ra, nó cũng thật hơn những gì vẫn được khoe là chân thật.
Tôi là:
Tôi là một người không biết mình có lãng mạn hay không (cũng bày đặt bắt chước người ta nói vậy thôi) nhưng lãng mạn là gì? Có phải đó là khi anh muốn sở hữu một cô gái trẻ đẹp, sọ rỗng chân dài nhưng lại quả quyết với mình và với người rằng anh yêu cô ta không chỉ vì cô ta đẹp. Hay đó là khi em không chịu tin rằng “người phụ nữ luôn muốn nhận được mọi thứ ở một người đàn ông, trong khi đàn ông lại chỉ cần duy có một điều thôi ở mọi người phụ nữ.”
Lãng mạn còn là khi chúng ta thấy những điều mà trên thực tế không thể tin được, nhưng khi nó áp dụng vào trường hợp của mình thì tự nhiên trở thành …. có lý ghê nơi! Không tin ư? – Bạn sẽ dễ dàng tìm thấy trên trang web vietsingle nhiều anh chàng vô tư ghi trong hồ sơ mình là anh ta muốn tìm một người phụ nữ “biết nấu ăn, giỏi làm việc nhà” – cứ như đăng tin tìm . . . cô giúp việc. Có anh huênh hoang “anh đã có mọi thứ ở trên đời” để chào mời các cô hám của ..v..v.. Lúc viết, anh ta hiểu rõ mình viết thế để “được” gì chứ, nhưng diễn đạt rất hay: “anh chỉ cần một tấm chân tình – không cần biết em là ai và em từ đâu đến”.
Thực tế là tình yêu, dù thánh thiện và thiêng liêng, nhưng lại thường vô tư tung tăng đi qua ngõ dạ dày – như nhà văn Nam Cao từng viết: “Trước khi đặt nụ hôn lên đôi môi hoa của người yêu, cũng nên nghĩ đến chuyện đổ thức ăn vào đấy đã”. Có lẽ vì biết thế nên các cô (đa số là các bà – vì kinh nghiệm đầy mình rồi) khéo léo viết hồ sơ khoe mình thích đi chợ nấu ăn và còn nấu rất ngon, ngây thơ nghĩ rằng chỉ cần nói như thế là có thể dễ dàng dẫn các anh từ trang vietsingle vào bếp của mình, rồi từ bếp … lên giường và cuối cùng là lôi được anh ta đến một lễ cưới. Thiệt tình “lãng mạn” ghê!
Nếu thực sự là người lãng mạn, bạn hãy thả bộ trên bãi biển mỗi chiều để nhìn ngắm mây trời, mơ về một chiều gió lộng bạn sẽ gặp một nửa của mình cũng đang lang thang như mình và . . . tìm gì không biết nữa. Anh ta sẽ vô tình đâm sầm vào bạn với nụ cười làm hồn bạn tê tái. Sau lưng hai người, từ giây phút ấy trở đi, là mũi tên của thần Cupid. Rồi cả hai sẽ bắt đầu một chuyện tình thắm thiết, nắm tay cùng nhau vượt qua bao sóng gió (bắt buộc phải có à nghen) trên con đường đi đến nhà thờ. Đôi khi, chàng phải bị mất trí nhớ tạm thời vì một tai nạn vô duyên, thỉnh thoảng nàng cũng phải bị ung thư hay máu trắng. Có thể thiên tình sử thắm thiết của bạn sẽ có cơ hội trở nên thảm thiết khi chỉ còn lại một người. Nhưng . . . .
Thế mới là lãng mạn! Phim Hàn Quốc đã chẳng dạy ta như thế còn gì?
Trong vietsingle cũng như nhiều trang web tình yêu đang nở rộ như nấm sau mưa hôm nay còn có rất nhiều người thấy mình “vĩ đại”, nhất quyết tránh xa những thứ “tầm thường” của người phàm tục. Bất chấp đang ở độ tuổi nào, đang trong hoàn cảnh sống nào thì thú vui của họ trong giờ rảnh rỗi nhất định phải là câu cá, ngắm trăng, dạo mát trên bãi biển, cắm hoa, thậm chí có người chỉ thích nghe chim hót . . . Nói vậy nghe mới . . . sang, mới thanh cao và … lãng mạn hơn những thú vui bình dân kiểu đọc sách báo, xem tivi, hay những thú vui “bác học” hơn như học hành, viết lách hay nghiên cứu cái gì đó.
Tìm kiếm:
Mặc tất cả những điều trên, và cả những điều tôi nghĩ mà chưa viết ra đây, tôi vẫn muốn tìm (chứ không phải thử tìm) một người nào đó – một người đơn giản nhưng đừng đơn điệu. Cá tính chứ không …cá biệt. Lãng mạn vừa đủ để không tự biến mình thành lãng nhách.
Còn một điều nữa: nếu bạn là người hay xài mấy thứ triết lý sặc mùi “sữa” dẫy đầy trên các blog hiện nay, hay thích xài những “kỹ năng” dở hơi người ta truyền …net cho nhau, dạy nhau học cách cư xử kiểu “đối phó” với những mối quan hệ của mình . . v v . . . mà không thích xài những thứ sinh ra từ bộ óc và tấm lòng mình – thì xin bạn vui lòng đừng viết cho tôi.
Có lẽ bạn sẽ mắng tôi : đã vác xác lên tìm tình ở vietsingle mà còn bày đặt kén chọn? Kén chọn thì có gì sai? Chúng ta nên chọn những gì chúng ta có thể chọn. Mà chọn cho mình – ở đây còn có nghĩa là chọn cho người. Tôi không tin vào tình yêu sét đánh, càng không tin tình yêu hoàng tử – lọ lem. Có thể tôi sai nhưng tôi tuyệt đối tin rằng trong tình yêu, dù ít, dù nhiều – luôn luôn có sự âm-thầm-lựa-chọn.
Với những người sẽ viết cho tôi (chắc là ít lắm), tôi xin cảm ơn trước! Dù có nhận được hồi âm hay không, tôi mong bạn vẫn cứ vui lòng!
Với cái hồ sơ dài ngoằng đọc đến là mắc ngán đó, không ngờ tôi nhận được khá nhiều thư. Chuyện tìm tình trên mạng có lắm muộn phiền nhưng không thiếu chuyện “vui” – không thua gì bản thân “tình yêu” ngoài đời thật. Chuyện về những lá thư cùng những câu chuyện hoàn toàn thật đằng sau những cái nickname – nếu bạn còn nhã hứng nghe thêm, tôi sẵn lòng được chia sẻ vào một ngày nào đó!
Đoan Phương


Chuyện người, chuyện đời
Khoảng 6 giờ chiều, tiệm trở nên thưa khách dần. Số khách còn lại đa số là đàn ông là đàn ông độc thân, đàn ông có vợ, đàn bà có chồng … Người độc thân, cô đơn, buồn là chuyện dĩ nhiên, nhưng người có chồng, kẻ có vợ mà cũng lắm chuyện nặng nề. Họ tìm đến nơi đây chắc uống rượu cho say, để quên nổi niềm, nhưng chả quên được gì mà còn hao xu và say nghiêng say ngả, còn mối sầu thì vẫn trơ trơ …
Một chị khoảng 35 tuổi, có mái tóc mun dài, mặc chiếc áo đỏ thẫm nổi bậc trên khuôn mặt hốc hác của người thiếu ngủ, chị từ VN sang Pháp được hai năm nay, buồn quá chị đâm ra uống rượu. Hôm nay, chị đến ngồi cùng bàn với tôi, tôi biết chị sắp nói gì nên yên lặng nghe chị kể lễ: Ông chồng chị 70 tuổi, ở Pháp về VN, gặp chị, bị tiếng sét tình ái đánh trúng, nên ông cưới chị đem qua Pháp. Sang Pháp, chị năn nỉ ông chồng xây lại căn nhà cho bà mẹ hiện đang ở VN, có tiếng lấy chồng Việt kiều mà để mẹ ở căn nhà xập xệ “mất mặt” với bà con quá ! Ông chồng chìu vợ, bay về VN xây nhà cho mẹ vợ.
Nhà mẹ vợ xây xong, chị nhận được thư chồng thú thật là tiếng sét ban đầu là tiếng sét dỏm. Bây giờ ông mới bị trúng tiếng sét thiệt, mà “người ấy” không ai khác chính là bà … mẹ vợ kém ông 10 tuổi, ông xin lỗi cô và tình nguyện ở lại VN luôn. Mặc dầu biết mẹ già có người thương yêu, chị mừng cho mẹ, nhưng trong lòng vẫn xót xa dầu thực lòng chị cũng không nặng tình gì lắm với ông chồng già.
Qua Pháp được hai năm mà chị về VN ba lần rồi. Tôi lại hỏi chị đi máy bay Vietnam Airline, chị nói lúc trước có, sau này đi Air Á Rập, vừa rẽ, chiêu đãi viên lại tử tế, không như Vietnam Airline các cô áo xanh bây giờ không còn tử tế với khách nữa, còn coi thường khách nữa là khác, nhất là khách Việt. Các cô chỉ tử tế với khách ngoại quốc thôi.
Posted in Uncategorized | Thẻ: cuộc đời, duyên phận, lấy chồng, Mỹ, nước ngoài, tâm sự, tìm chồng, Việt Kiều, yêu, đối tượng



Tôi và anh quen nhau trên Internet

Tôi và anh quen nhau trên Internet, tính đến nay chúng tôi đã có 2000 ngày nói chuyện và 3 lần gặp mặt nhau trước khi cưới.
Lúc đó tôi mới băt đầu cuộc sống sinh viên còn anh đã đi làm và công việc đã ổn định ở chân trời xa xăm. Anh đã từng ngỏ lời với tôi nhưng tôi im lặng, vì tôi sợ anh đùa cợt với tôi, tôi sợ anh làm trái tim tôi bị tổn thương. Anh biết suy nghĩ của tôi nên anh chỉ biết làm mọi việc để chứng minh anh đến với tôi thật lòng. Anh chịu khó viết thư, chụp hình, viết email, gởi thiệp, gọi điện…
Tuy anh là người lạnh lùng trầm tính nhưng anh đối xử với tôi rất dịu dàng. Điều đó làm cho tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi được nói chuyện anh. Ngược lại tôi rất thương anh, rất yêu anh nhưng tôi không thể nói với anh điều đó. Vì tôi muốn trước khi tình yêu đến, chúng tôi phải có sự kiểm chứng của trái tim.
Một chuyện đã xảy ra, anh cho tôi biết anh sắp phải đi lính ở Iraq 3 năm. Trong 3 năm đó anh sẽ ít viết và chuyện trò với tôi. Tôi bàng hoàng hụt hẫng xen lẫn sự đau khổ. Anh đã quyết định đi xa tôi, giờ đây tôi thấy mình yêu anh hơn bất cứ ai, trái tim tôi luôn hiện lên bóng hình anh, vậy mà tôi từng nói với anh rằng, anh và tôi chỉ là những người bạn, tôi chỉ có thể là một người em gái tốt bụng của anh.
Tôi đã viết những dòng tâm sự của mình lên trang thư viết cho anh, lá thư tôi viết cho anh là cả một bài thơ mang dòng tâm sự của tôi dành cho anh, và những lời nhắc nhở anh trước khi anh đi lính. Và điều quan trọng tôi đã nói được rằng tôi sẽ đợi đến ngày anh về, tôi mãi là cô gái bé bỏng của anh.
Hôm nay tôi thật hạnh phúc được anh tin tưởng nói với tôi rằng: “Hãy đợi anh về nhé, cô bé khó tính của anh”. Anh ơi, em muốn nói với anh: “Anh đi nhớ giữ gìn mạng sống và sức khoẻ, làm tốt công việc để mau trở về cùng em anh nhé! Anh hãy tin em luôn ở bên anh. Em yêu anh.”
Tôi mong những email của anh gởi. Chiến trường Iraq nguy hiểm và trắc trở, không những vậy lính bị hạn chế vào Internet. Mỗi lần nhận được email của anh tôi mừng đến chảy nước mắt vì chứng tỏ anh còn sống. Xem trên tivi hằng ngày tôi lúc nào cũng thấy chết chóc do bom mìn.
Rồi 3 năm dài dằng dặc qua mau. Chiến trường Iraq để lại cho anh một vết thẹo trên mặt. Không vì thế tôi kinh tởm và sợ sệt. Anh được giải ngũ để trở thành dự bị và xin được việc làm tốt. Tôi cũng có việc làm tốt sau khi ra trường.
Anh dành dụm tiền và ít tháng sau về Việt Nam làm đám cưới với tôi. Tôi hạnh phúc muốn xỉu mấy lần trong ngày cưới. Nhiều người xầm xì về gương mặt có thẹo của anh nhưng tôi như không hề nghe thấy.
Năm sau, tôi được đoàn tụ với anh bên Mỹ và sống trọn đời trọn kiếp với anh. Chúng tôi dự định có đến 5 đứa con. Hiện tại chúng tôi cật lực làm việc để đặt cọ mua được căn nhà thật rộng để chào đón những đứa con trong tương lai.
Tôi rất hạnh phúc!

No comments:

Post a Comment