Sunday, December 5, 2010

Câu lạc bộ chê chồng

Câu lạc bộ chê chồng

“Nếu có kiếp sau, mình thề không bao giờ đồng ý lấy ổng. Lương đã thấp mà lại còn không biết điều. Người khô như ngói, chẳng biết tặng vợ lấy một bông hoa. Ngồi chờ sự lãng mạn của lão ấy thì có mà... mọc râu”.
Phát pháo đầu tiên là của chị Vân, người hay “ca cẩm” về chồng một cách hăng say với các thành viên câu lạc bộ.
Đây đúng là địa chỉ lý tưởng cho những ai muốn “xả” cơn bực tức và chê chồng cho sướng miệng. Phiên họp thường diễn ra vào cuối tuần, tại bất cứ nơi đâu: quán cà-phê, nhà hàng hoặc nhà riêng của các thành viên.
Khi ấy, bao nhiêu tật xấu của quý ông đều được các bà vợ đem ra “mổ xẻ”, bình luận, chê bai.
Chị Kim, công tác tại một công ty dệt may, than thở: “Chồng tôi ở bẩn không ai bì nổi!”.
Chỉ cần có thế, không khí của câu lạc bộ như được hun nóng lên. Mai Phương, một thạc sĩ trẻ vừa kết hôn, nói với vẻ mặt rầu rĩ: “Ngày trước, em lấy anh ấy vì tính tình hiền lành, ít nói. Nào ngờ, chính sự ít nói ấy đã giúp anh ta che giấu một cái đầu rỗng tuếch”.
Chị Hằng, một “lão làng” cất giọng: “Tôi lấy chồng đã 20 năm, một tay quán xuyến gia đình. Tôi vất vả như thế, ông ấy cũng chẳng phụ giúp vợ được gì. Trong chuyện vợ chồng, ông ấy cũng “xìu xìu, ển ển” mới điên chứ”.
Cứ thế, hết người này đến người khác lôi tất tần tật thói xấu của chồng ra “băm vụn”. Thậm chí, họ còn tranh nhau nói để chứng tỏ mình là người khổ nhất.
Chẳng biết ai khổ hơn ai, nhưng hậu quả của các cuộc họp này xem ra nhãn tiền. Hình ảnh người chồng, người cha bỗng dưng bị bóp méo và xuống cấp trầm trọng trong mắt vợ, con và cả bạn bè của vợ.
Cứ tưởng chị em phụ nữ ngồi lại với nhau để tìm ra giải pháp giúp chồng sửa đổi. Nào ngờ hành động lời nói của họ đã gián tiếp đẩy hạnh phúc gia đình ra xa tầm tay và dần đi đến bờ vực thẳm.
Những người phụ nữ ấy chỉ biết chê trách chồng cho thỏa lòng tức tối. Họ quên hoặc cố tình không nhớ rằng chồng mình cũng có những ưu điểm.
Chẳng hạn như anh Khang, chồng chị Hồng, là mẫu đàn ông hiền lành, sống thanh đạm. Anh không đam mê kiếm tiền nhưng luôn là hậu phương vững chắc cho chị.
Anh chăm lo con cái học hành, phụng dưỡng bố mẹ hai bên để chị yên tâm công tác. Tiếc thay, anh lại không đáp ứng được những đòi hỏi quá cao của vợ.
Quả thật, những thành viên trong câu lạc bộ chê chồng đã vô tình bộc lộ mình là người vợ yếu kém. Họ không đủ khả năng “tề gia”, thuyết phục và trợ giúp chồng từ bỏ thói xấu.
Vợ chồng chung sống với nhau không chỉ vì tình mà còn vì nghĩa. Khi những cảm xúc lãng mạn qua đi, người trong cuộc cần giữ lại những ấn tượng tốt đẹp về nhau để ngọn lửa yêu thương còn nồng ấm mãi.
Việc lớn tiếng chỉ trích chồng mình có phải là hành động khôn ngoan của các bà vợ?
Theo Tiếp Thị & Gia Đình

Cơm sôi nhỏ lửa

Các xung đột là không tránh khỏi, nhất là trong đời sống vợ chồng. Đây là thời khắc khó khăn cần phải vượt qua, nhưng cũng là một dạng trao đổi mang tính xây dựng.
Chiến tranh giữa hai vì sao
Mọi tình huống đều có thể dẫn đến xung đột, tùy mức độ tự do “ngôn luận” của mỗi cá nhân. “Thủ phạm” là những trái ngược về lợi ích, ham muốn hay tình cảm bị xúc phạm.
Cặp vợ chồng nào cũng có lúc bùng nổ chiến tranh - thời khắc khủng hoảng nhưng cần thiết cho một mối quan hệ thành công. Trường hợp có bất đồng, chín chắn bày tỏ là cách giải quyết tốt nhất.
Trên thực tế, có những người chứa chất trong mình sự chua xót, khiêu khích đặc biệt. Họ thích thống trị và lấy cãi cọ làm niềm vui.
Ở một số người khác, xung đột lại là tự vệ, nhằm che giấu sự yếu đuối nào đó (do từng phải chịu các chuyện tương tự trước đây, như sống trong gia đình có bố mẹ thường xuyên cãi cọ, đánh lộn).
Để đối phó thành công với xung đột, trước hết, mỗi người phải hiểu người kia. Cần nhìn nhận rằng gia đình không phải là tòa án, nơi người này cố giành phần thắng hay đổ lỗi, trách nhiệm cho người kia.
Nên tạo cơ hội cho mỗi người bày tỏ suy nghĩ, chấp nhận lắng nghe và công nhận các ý kiến trái ngược. Cuộc chiến sẽ tiêu tan khi bạn tôn trọng bản thân và tôn trọng chồng/vợ, quan tâm đến lợi ích của bạn đời. Cởi mở và lắng nghe đưa hai người xích lại gần nhau, tiến tới hòa giải.
Nguy hiểm và cám dỗ cố hữu tồn tại trong mọi xung đột chính là người này cố tìm cách thống trị người kia, khiến cả hai lâm vào bế tắc.
Ngay cả khi bạn hiểu rất rõ quan điểm của đối phương, bạn vẫn không thể chấp nhận. Tuy giải pháp chưa có nhưng bất đồng đã được làm sáng tỏ.
Tình yêu không đồng nghĩa với việc người ta phải từ bỏ bản thân. Khi một người muốn điều mà người kia không mong đợi, không có giải pháp tự nhiên thì chia tay là lối thoát.
Nối lại đối thoại
Bạn cảm thấy lúng túng sau một cuộc cãi vã, phần vì do những gì đã xảy ra, phần vì không biết làm thế nào để hàn gắn mảnh vỡ tình cảm. Vậy đâu là bí quyết giúp cơm lành canh ngọt trở lại?
Nuốt kiêu hãnh
Trên chiến trường của xung đột, những trách mắng hay lăng nhục sẽ nhường chỗ cho thất vọng. Người ta không biết làm thế nào thoát ra khỏi tình trạng đó.
Bạn có biết một cố gắng nho nhỏ cũng đủ để mọi việc ổn thỏa? Hãy nuốt lại kiêu hãnh, chủ động cứu nguy tình cảm và chứng minh sự chín chắn. Hờn dỗi không làm tình hình sáng sủa hơn, còn im lặng “đào sâu” khoảng cách giữa hai người.
Sau đó, chính bạn phải xem xét lại liệu những trách móc của cả hai có quá đáng? Những yêu cầu của anh/cô ấy có tương thích với các nguyên tắc của bạn?
Cần thời gian
Bạn tự nhủ ngay cả khi thoát ra khỏi cãi vã với rất nhiều “thương tích”, người ta vẫn hiểu về mình cũng như người khác, hiểu những điểm yếu và điểm mạnh của nhau.
Tuy nhiên, không nên chờ đến khi giọt nước tràn ly mới nói với bạn đời. Hãy thảo luận càng nhanh càng tốt để tránh tình hình vượt quá tầm kiểm soát.
Nếu cảm thấy bị phản bội và tổn thương sâu sắc, hãy dành thời gian suy ngẫm. Bởi ngay lúc đó, bạn chưa có đủ khách quan và tỉnh táo để nhìn nhận vấn đề.
Chấp nhận khác biệt
Không có nghệ thuật cãi nhau nhưng chúng ta hãy nghĩ rằng xung đột có thể mang tính xây dựng. Nó cho phép chúng ta khẳng định lại các quan điểm, rèn giũa tính cách.
Cãi nhau cũng là cách đối thoại về các ham muốn, nhu cầu, các thiếu hụt nhằm tiến tới quan hệ tốt nhất, là cách giúp mọi người hiểu rõ nhau.
Bạn hãy học yêu những khác biệt, đôi khi là những khiếm khuyết nho nhỏ. Nên tránh “vạ miệng” trách mắng, nhất là khi điều đó không tốt, không quan trọng.
Tránh xung đột
Dĩ nhiên, đây vẫn được coi là cách phòng tránh tốt nhất. Khi thấy căng thẳng leo thang, hãy nghĩ đến việc lắng nghe và tôn trọng quan điểm người kia, ngay cả bạn có quan điểm hoàn toàn khác.
Sau đó, tự đặt trách nhiệm cho bản thân, cách thức giải quyết để không cãi vã bằng mọi giá. Khuyến khích sự quan tâm và đối thoại, bạn sẽ hiểu rõ hơn những ham muốn, nhu cầu, yêu sách của bạn đời.
Dù sao đi nữa, giông tố rồi sẽ qua rất nhanh. Một cuộc xung đột nhanh chóng bị lãng quên sau những khoảnh khắc hạnh phúc chia sẻ giữa bạn bè hay chồng vợ.
Ngọc Nhàn

Ghen


Có từ bản năng của con người, đôi khi giúp duy trì mối quan hệ bền vững. Nhưng ghen cũng như con dao hai lưỡi. Nếu không được kiểm soát chặt chẽ, thứ tình cảm này rất dễ thành "thảm họa" gia đình.
Ghen là gì?
Một cảm xúc rất phức tạp, lẫn lộn mà ai cũng ít nhất một lần nếm trải. Ghen bao gồm những rung động của cảm xúc, suy nghĩ và thay đổi trong hành vi, cư xử.
Để ghen chỉ là “gia vị” tình yêu
Hãy biết kiểm soát, để ghen chỉ là rung chấn nhỏ trong quan hệ của hai người. Có ghen thì hai người mới nhận ra được tình yêu không phải lúc nào cũng là "chuyện đương nhiên”.
“Ghen tốt” là sợi dây xích hai người lại gần hơn, hiểu rõ tình cảm của nhau hơn. Ghen còn là liều “doping” khiến cảm xúc trở nên mãnh liệt, chuyện gối chăn vì thế cũng say mê hơn.
Kê đủ toa cho “liều thuốc” của cơn ghen, bạn sẽ có được tình yêu thật gắn bó, ngọt ngào.
“Ghen quá mất khôn”
Hay “ghen mù quáng”, là lúc bạn quá ghen tới nỗi không kiểm soát được cảm xúc, hành động của mình. Kiểu ghen này sẽ gây “chấn động mạnh” lên mối quan hệ của hai người dù bạn chưa chắc đã có căn cứ để ghen.
Nếu bạn là Hoạn Thư
Để kiểm soát được “ba máu sáu cơn” của mình bạn phải thực sự bình tĩnh và kiên nhẫn.
Trăm nghe không bằng một thấy, cần nhìn tận mắt “hiện trường” rồi hãy nghĩ đến chuyện ghen.
Ngay cả khi bạn thấy điều gì đó, vẫn nên bình tĩnh tự hỏi “điều này liệu có bao nhiêu phần sự thật?”, “nguyên nhân nào làm tình cảm hai người xuống dốc?”.
Khi có dấu hiệu ghen, trước hết bạn cần tự nhủ “anh/cô ấy yêu mình”. Vững tâm rằng người ấy vẫn dành tình yêu cho mình, bạn chắc chắn sẽ không để cơn ghen đi quá giới hạn.
Nên bình tĩnh trao đổi thẳng thắn. Luôn nhớ rằng phải lắng nghe đối phương. Những lời giải thích hợp lý có khi sẽ giúp bạn “hạ hỏa”.
Có nhiều cách để giải thích một vấn đề, bạn đừng vội vàng khăng khăng khẳng định nguyên nhân vội. Cần tìm hiểu lý do thực sự trước khi “kết tội” người mình yêu.
Câu “có yêu thì mới ghen” cho thấy ghen tuông chính là dấu hiệu của tình yêu. Nhưng hãy để thứ tình cảm “nguy hiểm” này luôn chỉ là gia vị thôi bạn nhé.
Hải Yến

No comments:

Post a Comment