Wednesday, December 1, 2010

Khi người phụ nữ Việt ra đi

Khi người phụ nữ Việt ra đi
(TT&VH) - Kết thúc những cuộc hôn nhân quốc tế hiện nay tại Hàn Quốc, trong đó có việc lấy người Việt Nam, là không ít những món nợ nần chồng chất, những đứa trẻ không có mẹ hoặc không có cha, thậm chí mất cả cha lẫn mẹ.

Câu chuyện thứ nhất

Chúng tôi nhận dịch lá thư gần như “tuyệt mệnh” này của một người đàn ông Hàn Quốc gửi cho cô vợ bé bỏng đang ở Việt Nam. Tâm trạng của ông ta rất không tốt và muốn kết liễu đời mình. Và đây không phải là trường hợp duy nhất ở Hàn Quốc hiện nay. Vấn đề kết hôn quốc tế giữa Việt Nam và Hàn Quốc không chỉ đẩy các cô dâu vào bi kịch nữa mà là cả với những người đàn ông Hàn Quốc và lũ trẻ nhỏ.

Trang đầu và trang cuối lá thư của cô dâu Huỳnh Mai, người bị chồng sát hại làm chấn động dư luận Việt Nam và Hàn Quốc

“Tôi viết thư này với tâm trạng nặng trĩu.

Jin Sil(*)! Mặc dù rất nặng nề nhưng tôi không muốn sống thêm một chút nào nữa.

Không phải Suyon lừa dối tôi, cuộc đời này lừa dối tôi, mà chỉ bởi vì tôi chán ghét cuộc đời mình mà không muốn sống nữa. Như Jin Sil biết đấy, khi người mẹ sống cùng tôi suốt 40 năm cuộc đời qua đời thì tôi đã thật sự cô đơn đến muốn chết.

Nhưng vì Jin Sil, người từ Việt Nam xa xôi chỉ tin tưởng một mình tôi mà đến đây, nên tôi đã cố gắng tỉnh táo lại để sống cho thật tốt. Trong quá khứ Jin Sil đã có bạn trai và con gái, giờ đã 5 tuổi là sự thật đã làm cho tôi vô cùng khủng hoảng, cảm giác của sự phản bội và căm ghét em lúc đó đã đầy trong tôi, nhưng cho đến bây giờ thì điều đó không còn quan trọng nữa.

Tôi đã tha thứ cho em rồi.

Tuy nhiên cũng không phải là còn tình yêu đối với em nữa.

Và tôi cũng đã tha thứ cả cho Y.J. Joen và giám đốc trung tâm môi giới J. Korea, người đã biết sự thật mà không nói cho tôi biết. Cả hai người đã quỳ gối trước mặt tôi để cầu xin tha thứ. Vì vậy tôi đã tha thứ cho họ. Giám đốc của J.Korea đã cảm thấy có trách nhiệm với lương tâm nên đã viết cam kết là, trong 5 tháng nữa sẽ đóng cửa Cty mà không hoạt động nữa. Ông ta cũng đã hứa rằng sẽ không làm môi giới hôn nhân quốc tế nữa. Nếu có làm lại nữa thì vì lo sợ sự báo thù của tôi mà ông ta sẽ không dám làm.

Tuy nhiên người giám đốc ở Việt Nam vẫn còn biện minh mà không công nhận lỗi lầm của mình.

…………….

Vì vậy nếu sau này sự kiện xảy ra cảnh sát sẽ tìm đến Jin Sil để hỏi về giấy tờ vợ chồng. Có thể có những vấn đề phiền phức ấy sẽ phát sinh nên tôi đang cố gắng làm thật nhanh xong đơn li hôn.

Nếu Jin Sil đến Hàn Quốc để làm giấy tờ li hôn thì sẽ xong nhanh nhưng nếu em không sang thì theo luật phải đợi thêm 6 tháng nữa.

……..

Tôi lo lắng cho em như vậy cũng chỉ là vì thời gian 2 năm chúng ta đã sống cùng nhau. Nếu như em không muốn sang Hàn Quốc để làm giấy tờ li hôn thì tôi cũng không ép em thêm nữa. Dẫu sao thì mặc dù là mất thời gian nhưng kết quả thì cũng giống nhau cả thôi. Nhưng tôi muốn nói thêm một lần nữa là để tránh trường hợp công an đến để gây rối làm phiền em, nên cho em cơ hội đó; tuy nhiên nếu em không muốn thì tôi cũng chẳng có gì phải lo lắng nữa.

Lí do quan trọng mà 28 này tôi sang Việt Nam là mang ảnh thờ của mẹ về. Tôi sẽ mang hình đó về cho anh ở Jungjongdo để nhờ anh thờ cúng cho mẹ. Bởi nếu tôi chết đi thì chẳng có ai thờ mẹ nữa. Nếu không phải là ảnh thờ của mẹ thì tôi cũng không muốn về nhà Jin Sil ở Việt Nam làm gì. Chỉ 6 tháng nữa là sẽ tự động li hôn được thôi, mặc dù vậy thì tôi cũng muốn bày tỏ rõ lòng mình và chào lần cuối cho đúng đạo lí.

Dẫu sao thì trong lòng tôi cũng đã nhất quyết li hôn với em rồi, nên cũng mong em đừng luyến tiếc gì nữa. Và ngay cả bây giờ khi tôi muốn chết thì cũng mong em hiểu đó không phải là do chuyện lần này. Không phải vì Jin Sil mà tôi muốn chết đâu. Giờ đây thì tôi cũng không yêu và cũng không ghét em nữa. Tuy nhiên để đến với mẹ tôi ở trên kia một cách thanh thản thì tôi chỉ muốn giải quyết cho rõ ràng mọi chuyện thôi”.

Câu chuyện thứ 2

Ngày 22/10/2008, báo chí Hàn Quốc có đăng câu chuyện về một người khuyết tật ngôn ngữ và chậm phát triển trí tuệ sống ở làng Dumesangun vùng Kyongnam, đã một mình bay sang Hà Nội tìm vợ, khiến cho những người chứng kiến không khỏi không đau lòng. Do bị khuyết tật như vậy, lại sống với bố mẹ ở nông thôn và làm việc đồng áng, gia cảnh cũng không được dư giả nên người đàn ông khuyết tật này đến 40 tuổi vẫn chưa lấy được vợ.

Theo cảnh sát địa phương, người đàn ông 44 tuổi này tháng 12 năm ngoái đã kết hôn với một cô dâu Việt Nam xinh đẹp mới 20 tuổi tên là D.

Nhiều gia đình tan vỡ, đẩy người đàn ông và con cái ra đường ăn xin

Trong một thời gian ngắn ngủi, chỉ vài ngày thì cô dâu Việt Nam đã bỏ trốn. Khi vợ trốn biệt tăm tích, ông ta không thể hiểu được do vợ không thích ứng được điều kiện ở nông thôn Hàn Quốc, hay do cô ta không thể chấp nhận được một ông chồng nói năng chậm chạp, hoặc cô ấy lấy chồng chỉ vì âm mưu kết hôn giả.

Mặc dù như vậy, nhưng ông không thể quên được D, với quyết tâm là sang tận Việt Nam tìm vợ. Ngày 16/10 vừa qua ông đã đi xe bus từ làng tới sân bay Incheon (khoảng 500km), sau đó mua vé khứ hồi và sang Việt Nam.

Việc ông nói năng không rõ ràng nên đi từ làng đến sân bay quốc tế và sang đến Hà Nội và thông qua các của khẩu, hải quan rồi đến Hà Nội được coi là một thành tích lạ lùng. Khi sang Việt Nam, không thông hiểu ngôn ngữ, K không thể làm được gì ở Việt Nam, sau 2 ngày ăn ngủ ngoài đường như một kẻ ăn mày, đến ngày 18/10 ông được cảnh sát Việt Nam phát hiện và được chuyển đến phòng an ninh của Hàn Quốc tại Hà Nội.

Ông Lee Sang Jeon, phòng an ninh tại Việt Nam cho biết, khi nhận được điện thoại của cảnh sát VN thì thấy ông K. như người sắp chết đói. Hỏi tại sao tới được đây, ông K. nói, tôi đi xe bus rồi đi máy bay đến đây. Thế làm sao anh lên được máy bay? Trả lời: cứ thế lên thôi!

Mặc dù như vậy, khi đến Hà Nội ông nhớ rất rõ ràng, và K cho biết, vợ của ông ở Hải Phòng và nói cả tên vợ cho ông Lee biết. Tuy nhiên, sau đó kiểm tra thì thấy tên vợ ông khác hoàn toàn so với cách K phát âm.

Cảnh sát đã vào cuộc để xác định nhân thân D. và kết quả tìm được là ngày 13/12/2007 D có sang Hàn Quốc, nhưng không thấy quay trở về và cũng không có dấu hiệu cô ấy đã sang nước khác. Kết cục là K không biết tìm vợ ở đâu nên đã sang Việt Nam tìm vợ mà không tính toán gì.

Một người Hàn Quốc điều hành khách sạn ở Hà Nội thấy tình cảnh khó khăn của K đã cho ông ăn nghỉ ở đó. Cảnh sát Lee đã bàn bạc với Cục quản lý xuất nhập cảnh của Việt Nam và mua vé cho ông về nước vào ngày 19/10.

Sáng 20/10, K đã về sân bay Incheon một cách an toàn, cùng với sự giúp đỡ của phòng cảnh sát sân bay đã đưa ông trở về nhà. Hàng xóm của K cho biết, khi nghe thấy việc K đã sang Việt Nam tìm vợ đã trở về thì họ vô cùng sửng sốt. Nhưng do ông K cũng ít có giao thiệp với những người xung quanh nên cũng không biết kết cục sẽ ra sao.

(*) Tên nhân vật (gọi ở nhà) được thay đổi

Đón đọc bài 2: Bi kịch của các gia đình đa văn hoá

No comments:

Post a Comment