Sunday, December 5, 2010

Lấy chồng cho xong chuyện

Lấy chồng cho xong chuyện

Hôn nhân không phải trò chơi hay đáp số cho bài toán cuộc sống. Nó phải được xây dựng trên tình yêu chân thành. Nếu không tiên liệu trước mọi chuyện, chuyện vui nhất đời này sẽ thành nấm mồ chôn vùi tình yêu và tuổi trẻ.
“Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”
Học xong lớp 12, Mỹ Dương ở nhà giúp mẹ bán hàng. Khi đã chán ngấy cảnh bưng bê, cô quyết định lấy chồng. Năm ấy, Dương 19 tuổi. Chồng Dương chỉ hơn cô 1 tuổi, là con trai út của một gia đình kinh doanh ăn uống.
Chỉ một tháng sau khi cưới, mẹ chồng bảo con dâu ra phụ việc ở nhà hàng. Ngay cả khi cô cấn thai, người mệt lử cũng không được nghỉ.
Đã vậy, Dương còn gặp phải anh chồng trẻ con, mê bạn hơn mê vợ. Có khi gần nửa đêm, Dương về nhà vẫn không thấy chồng đâu.
Cuộc hôn nhân mà Dương tưởng sẽ đem lại cho mình cuộc sống khác, đã thất bại hoàn toàn.
Và không riêng Mỹ Dương, nhiều cô gái cũng xem việc lấy chồng như một giải pháp cho cuộc sống. Thế nhưng, cuộc hôn nhân ấy liệu có đem lại kết quả tốt đẹp không?
Để trả thù người yêu cũ
Nhiều bạn gái quyết định lấy chồng với mục đích trả thù. Họ đâu ngờ “ý đồ đen tối” nhanh chóng bị chồng phát giác.
Sau ngày cưới, người bạn đời lờ mờ nhận ra mình chỉ là một công cụ giúp vợ trả thù người yêu cũ. Ly hôn là điều tất yếu phải xảy ra.
Vì sợ mang tiếng “ê sắc…”
Nỗi lo “bị ế” cũng là một nguyên nhân khiến nhiều bạn gái quyết định lên xe hoa về nhà người. Dù chưa tìm được ý trung nhân, nhưng nhìn bạn bè xung quanh, ai cũng đã con bồng con bế cũng “sốt ruột”.
Thêm vào đó, ánh mắt soi mói và lời xì xầm của thiên hạ cũng là lý do khiến họ nhắm mắt gật đầu trước một lời cầu hôn đến đúng lúc.
Sống chung với một người mình không biết rõ tính tình tất nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Kèm theo đó là nỗi lo bất hạnh luôn ngột ngạt đón chờ. Giờ đây, họ lo bị ruồng rẫy, sợ ly hôn, sợ mang tiếng “bị chồng chê, chồng bỏ...”.
Do nỗi sợ đó, nhiều người giấu kín nỗi đau, chấp nhận sống cuộc đời tẻ lạnh bên chồng.
Để dựa dẫm vật chất
“Hào quang” của tiền bạc, danh vọng cũng khiến nhiều bạn gái chấp nhận kết hôn nhanh chóng. Chồng của họ có thể chỉ quen qua mối mai hoặc lớn gấp đôi tuổi họ.
Điều đó có nghĩa cuộc sống hôn nhân của những cô gái ấy sẽ gặp nhiều khập khiễng trong tính cách và lối sống với người bạn đời.
Sự lệ thuộc về vật chất sẽ là nguyên nhân gây mâu thuẫn, khiến họ bị tổn thương trầm trọng. Cũng có trường hợp sau khi kết hôn, tình yêu nảy sinh. Nhưng dù có yêu chồng thật sự, họ vẫn mang tiếng “lấy tiền chứ không lấy chồng”.
Kết hôn vì tình yêu lãng mạn
Những cuộc hôn nhân “sét đánh” thường cũng dễ đổ gục đúng như “bị sét đánh”. Sức mạnh tình yêu không giúp họ vượt qua vấn đề cơm áo gạo tiền. Lãng mạn bị bào mòn, rồi biến mất.
Thật ra, lãng mạn trong tình yêu không làm nên tội. Vấn đề là: Nếu chỉ dựa trên sự lãng mạn để đi đến kết hôn thì chưa đủ. Cuộc sống sau hôn nhân sẽ có nhiều ràng buộc, nhiều bổn phận, trách nhiệm, khác hẳn lúc yêu nhau.
Có thể thấy không phải lúc nào hôn nhân cũng là giải pháp tốt. Hãy cân nhắc kỹ, đừng vì động cơ nhất thời mà làm xấu đi ý nghĩa của hai chữ “hôn nhân”.
Theo Tiếp Thị Gia Đình


Người đàn ông lý tưởng


Hôn nhân là một món quà. Và kết hôn với bạn là món quà tuyệt vời nhất mà nàng nhận được. Nếu vậy, phải nghĩ cách để “món quà” được độc đáo và có ý nghĩa hơn chứ nhỉ.
Chào buổi sáng
Đàn ông ngoại quốc thường chào hỏi vợ trước khi đi làm bằng nụ hôn nồng thắm. Tại sao đàn ông châu Á không học tập thói quen đẹp đẽ này?
Có thể bạn đang rất vội đến công sở, nhưng chớ quên cử chỉ cực nhỏ nhưng rất có giá trị về lãng mạn này.
Nếu ngại hay xấu hổ, bạn cũng nên chúc nàng một ngày vui vẻ. Lời nói đơn giản, chân thành và cử chỉ nho nhỏ có ý nghĩa rất lớn đối với hạnh phúc của bạn.
Như thế, nàng sẽ luôn biết bạn yêu và thường xuyên nghĩ tới nàng. Với nàng, bạn cũng là người có ý nghĩa nhất, quan trọng nhất.
Giãi bày tâm sự
Hãy bày tỏ lòng mình. Khi đã “tuy hai mà một” thì còn gì phải e ngại. Đã là gia đình, mọi người nên chia sẻ, bày tỏ cảm thông. Đó chính là sự gần gũi, tin tưởng và tình yêu hai bạn dành cho nhau.
Nếu cứ giữ kín những điều buồn phiền trong lòng thì chỉ làm ngọn lửa hạnh phúc của gia đình lụi tắt.
Bàn bạc chung
Kế hoạch chi tiêu, dạy dỗ con cái v.v. không nên chỉ quyết định một mình. Hãy cùng bàn bạc để vợ chồng thống nhất.
Bạn cũng chớ xem thường thành viên nhí trong gia đình. Tập cho con quen với nếp nhà và hiểu tình hình tài chính gia đình để không đòi hỏi quá đáng là điều hết sức cần thiết.
Có giây phút riêng tư
Đó là những thời khắc chỉ có hai người, cực kỳ lãng mạn và thú vị như hồi mới yêu, mới cưới. Đi nghỉ, ăn tối, uống cà phê, cuộc sống đơn giản và tình yêu thắm thiết vô cùng.
Ngày nghỉ cuối tuần đi thăm người thân, đi mua sắm, gặp gỡ bạn bè cũng là dịp để bạn thư giãn, thoải mái sau một tuần bận rộn công việc.
Không quên bạn bè
Bạn bè là sợi dây nối tình bằng hữu. Không phải ngẫu nhiên mà các cụ bảo “Giàu vì bạn, sang vì vợ”.
Cuộc sống không chỉ có mình ta mà còn có mọi người. Giao tiếp bạn bè giúp đời sống gia đình thêm phong phú, sinh động.
Con cái bạn cũng có cơ hội tiếp cận xã hội một cách bình đẳng, tự nhiên hơn.
Phương Minh



Con anh - con tôi

Trở thành “mẹ kế, cha dượng” dễ làm bạn bối rối, thậm chí nản lòng bởi “trọng trách” quá mới mẻ, bạn hoàn toàn chưa có kinh nghiệm. Một bước ngoặt lớn trong cuộc sống đây, cần học làm quen với tình hình mới.
Chấp nhận cảm xúc bản thân
Bạn rất dễ rơi vào trạng thái tự gây sức ép, bắt bản thân yêu quý hay nhanh chóng hoà đồng với con riêng của vợ/chồng mình.
Trong thực tế, để có thể yêu “con nuôi như con đẻ”, bạn phải vượt qua rất nhiều rào cản hữu hình cũng như vô hình.
Vì vậy, theo các nhà tâm lý học, chúng ta không nên vội vàng điều khiển, gượng ép cảm xúc.
Hãy cho cả bạn và đứa trẻ đủ thời gian xây dựng “tình hữu nghị”, tìm hiểu rõ về nhau. Nhờ đó, tình cảm sẽ nảy nở tự nhiên, lâu bền.
Khó khăn của “mẹ kế”
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, “mẹ kế” gặp nhiều khó khăn hơn “cha dượng” vì người mẹ luôn dành nhiều thời gian chăm sóc, ở bên con hơn người cha.
Hơn nữa theo quan niệm chung, mọi người đặt nhiều kỳ vọng hơn vào người phụ nữ trong vai trò hài hòa cuộc sống mới.
Nếu bạn gánh vác vai trò “mẹ kế” khi chưa hề có kinh nghiệm làm mẹ, sự giúp đỡ và những lời khuyên từ phía gia đình, bạn bè rất quan trọng.
Bên cạnh đó, có chồng luôn động viên, chia sẻ sẽ tiếp thêm sức mạnh cho bạn.
Thử thách cho “cha dượng”
“Cha dượng” tất nhiên cũng gánh vác thêm nhiều trách nhiệm (cả về tinh thần lẫn vật chất) khi họ vừa làm chỗ dựa cho người phụ nữ, vừa phải học cách thích nghi với cuộc sống mới.
Nếu bạn đã có con riêng, việc dung hoà các mối quan hệ “con chung, con riêng” lại càng phức tạp, đỏi hỏi lòng kiên nhẫn.
Đây có thể là thử thách khó khăn nhất khi bạn trở thành “cha dượng”, vì trẻ con hay quan sát, đánh giá từng hành động, biểu hiện tình cảm của cha.
Lời khuyên
- Để vượt qua được những thách thức này, bạn cần có cái nhìn lạc quan về tương lai của gia đình mới và không bao giờ đánh mất niềm tin, nụ cười.
- Hai người cần “thoả thuận” với nhau về kế hoạch cuộc sống mới, cùng xác định rõ vai trò và trách nhiệm mỗi người
- Hãy dành thời gian chỉ có bạn với con riêng của vợ/chồng để kéo gần khoảng cách và có cơ hội hiểu rõ hơn về trẻ. Chớ vội vàng, tất cả các mối quan hệ đều cần có thời gian.
- Nên xây dựng quan hệ với trẻ trước khi thiết lập các nguyên tắc, quy định.
Đừng cố gắng thay thế hình ảnh cha/mẹ đẻ các cháu. Hãy là bạn của đứa con đặc biệt này trước khi trở thành “mẹ kế” hay “cha dượng”.
- Học cách điều chỉnh các bất hoà trong quan hệ “con anh, con tôi, con chúng ta”. Luôn công bằng trong việc “cầm cân nảy mực”, dung hoà các mối quan hệ.
Nhìn nhận mọi rắc rối từ hai phía và biết lắng nghe, chắc chắn bạn sẽ “hoá giải” được mọi khó khăn.
- Đừng để những phản ứng của trẻ ảnh hưởng đến thái độ và tình cảm của bạn. Luôn kiên nhẫn chờ đợi và xây dựng mối quan hệ với trẻ.
- Tạo ra nhiều cơ hội thắt chặt mối quan hệ với trẻ như cùng đi picnic, tham gia các trò chơi, xem phim, đọc truyện cho trẻ ...
Cuối cùng, tất cả những gì bạn làm cần xuất phát từ tấm lòng và trái tim. Chỉ có tình cảm thực sự mới được đáp lại bằng sự yêu mến tận đáy lòng.
Hải Yến


Đàn ông là thế!

Phụ nữ hay buộc tội nam giới cố tình làm mình tổn thương. Thực tế các chàng không “ác” đến vậy. Chẳng qua cách họ nhìn nhận xung quanh chưa đúng với thực tế nên mới dẫn đến những ứng xử sai lầm.
“Tôi luôn đúng”
Người có tư tưởng này không nhận thấy rằng ý kiến của anh ta dẫu sao cũng chỉ mang tính cá nhân.
Thường thì anh ta thấy những người thân không nghĩ như mình, hay không làm theo ý mình. Kết quả là sẽ có sự ép buộc nào đó, bằng không anh chàng đùng đùng nổi giận còn “nạn nhân” thì cảm thấy bị xúc phạm ghê gớm.
Thái độ không tôn trọng những suy nghĩ, cách ứng xử và niềm tin của người khác thường là chướng ngại vật trong gây dựng quan hệ của các chàng.
Trên thực tế, một người đàn ông càng thành công lại càng có một niềm tin kỳ lạ: “mình làm gì cũng đúng!”
“Trục trặc tình cảm có thể giải quyết được bằng biện pháp logic, phi tình cảm”
Rất nhiều chàng dùng ý chí và tự chủ đáp lại sự sợ hãi hay những vấn đề tình cảm. Anh ta cho rằng rắc rối đến do mình có một lỗi “nhỏ” nào đó chứ không chịu thừa nhận đó là sự hiểu lầm nghiêm trọng về người khác và về tình cảm của chính mình.
Anh ta luôn tin rằng mình dễ dàng tìm ra câu trả lời cho mọi tình huống. Thực tế, mọi việc phức tạp hơn nhiều.
Chính những suy nghĩ sai lầm này khiến phái mạnh không thấy được mình cần phải làm gì khi gặp rắc rối. Kết cục là, họ lặp lại sai lầm và những điều khiến người khác phải buồn phiền.
“Phái nữ là những sinh linh yếu đuối cần được che chở”
Chàng thấy mình có lỗi và phải chịu trách nhiệm khi có chuyện gì xảy ra, nhưng vẫn giấu kín tình cảm và “tránh không làm nàng khổ”.
Như vậy chỉ càng làm cho mọi việc thêm tồi tệ. Nàng không biết gì về chuyện xảy ra, còn chàng lại dằn vặt khi cứ phải giấu giếm. Cuối cùng mối quan hệ của hai người rơi vào tình trạng bế tắc, tuyệt vọng.
“Sex đối với nàng cũng quan trọng như đối với ta”
Cánh mày râu cho rằng mình sẽ bị nàng bỏ rơi nếu để cuộc sống phòng the “trục trặc”. Thực tế không phải vậy. Các nàng cần tình cảm, sự quan tâm chăm sóc hơn cần tình dục.
Những bất an về tình dục chỉ do nguyên nhân sinh lý chứ không thuộc về yếu tố tâm lý hay tinh thần.
Khi “có vấn đề”, đàn ông thường phủ nhận những lý do sâu kín liên quan đến tâm lý, tình cảm và quay sang các biện pháp trị liệu sinh lý, thường không mang lại hiệu quả.
“Chuyện gì kia chứ?”
Các chàng thường không thấy rằng mình đang gây đau khổ cho người khác, và bỏ qua những bất hòa cho đến khi quá muộn.
Nếu có nhận ra, anh ta cũng chỉ coi đó là “chuyện cỏn con”, rồi dàn hòa qua quýt cho xong chuyện. Điều này càng khiến các nàng giận dữ hơn.
Khi tất cả đổ vỡ, anh chàng lại nói: “Tôi chẳng hiểu tại sao lại xảy ra như vậy. Mọi chuyện vẫn tốt đẹp như thường… À cũng có vài chuyện nhỏ, nhưng đáng gì đâu …”
“Tôi luôn tự chủ”
Có nhiều người quá tin mình hoàn toàn tự chủ được bản thân nên không phân biệt nổi người nào yêu thương mình thực sự, người nào chỉ quyến rũ mình bằng những mánh khóe.
Anh ta tin chắc rằng một cô nàng tỏ ra ngưỡng mộ, thán phục mình từ cái nhìn đầu tiên, nghĩa là cô ấy “hấp dẫn không chịu được”. Anh chàng chẳng hay rằng, mình đang bị lừa phỉnh. Thế mới hay!
Đừng lo, cứ vui lên đi!
Khi những người thân kể cho anh ta nghe về khó khăn trong cuộc sống, anh ta thường đáp lại bằng những câu quen thuộc như: “Cứ cười lên đi, rồi em sẽ cảm thấy dễ chịu” hoặc “Cứ làm những gì em muốn, chẳng có vấn đề gì đâu”…
Kiểu trả lời như vậy chỉ chứng tỏ chàng ta lo cho bản thân mình mà chẳng thèm quan tâm đến cảm xúc của ai khác nữa.
Minh Minh


Chuyến tàu của tình yêu

Hạnh phúc và khổ đau cùng đồng hành trong chuyến tàu của tình yêu. Nhiều lúc bạn tự hỏi “Sao yêu lại khó khăn đến thế?”. Câu trả lời luôn là một ẩn số bởi có quá nhiều đáp án khác nhau.
Tình yêu có khổ đau và hạnh phúc
Đúng vậy. Bạn đã phải “hôn rất nhiều con ếch trước khi trao được nụ hôn cho vị hoàng tử”. Và trước khi chuyến tàu tình yêu đến được trạm dừng cuối cùng, rất nhiều người đã trải qua đau khổ, đã tan nát trái tim.
Trong tình yêu, bạn luôn vươn tới những gì đẹp nhất, kì diệu nhất nhưng đường đi tới đích lại không dễ dàng. Vì đó là bản chất của tình yêu: cho và nhận, yêu và được yêu.
Khi tình yêu đi sai quy luật đó, bạn gặp đau khổ. Còn khi tình yêu đi đúng quy luật, bạn sẽ có hạnh phúc.
Bạn có thể chưa nhìn thấy đích đến nhưng hãy luôn biết trân trọng và thận trọng trên con đường mình đang đi. Con đường đó trải thảm hoa hồng hay chông gai, bạn là người quyết định.
Để đến được bến bờ hạnh phúc
Mở rộng “mục đích” của mối quan hệ
Một mối quan hệ thường có hai mục đích: hữu hình và vô hình. Mục đích hữu hình là có được một người ở bên cạnh để chia sẻ mọi buồn vui trong cuộc sống.
Nhưng đôi khi những rắc rối về tài chính, tình dục, hoặc con cái sẽ lái con tàu vào vùng bão táp, nên bạn cần mục đích “vô hình” - học để trở thành một con người lạc quan, yêu cuộc sống dù có chuyện gì xảy ra - làm hành trang cho mỗi chuyến đi.
Khi bạn có thể vượt qua và nhìn nhận tất cả những khó khăn là bài học giúp mình mạnh mẽ hơn, biết yêu và trân trọng tình yêu, cuộc sống, thì chắc chắn chuyến tàu của bạn sẽ qua sóng gió và cập bến.
Dùng “gương” thay “kính lúp”
Điều đó có nghĩa bạn nên nhìn nhận sự việc từ hai phía, đừng biến mình thành người luôn phóng đại mọi việc.
Soi rọi trong gương là việc tự nhận thức, cũng là bước đầu tiên trong quá trình thay đổi tích cực, giúp bạn học cách hoàn thiện mình và có cuộc sống luôn vui vẻ và lạc quan.
Ví dụ:
- Khi bạn dùng “kính lúp”: Tôi cảm thấy thất vọng vì anh ấy không kiếm đủ tiền cho gia đình”.
- Khi bạn dùng “gương”: Tai sao tôi lại đổ lỗi cho anh ấy? Có phải do tôi lo sợ sẽ không thể tự giải quyết được vấn đề tài chính và đang phụ thuộc hoàn toàn vào anh ấy không?
- Dùng “kính lúp”: Tôi cáu giận vì cô ấy đang dành quá nhiều thời gian cho bạn bè.
- Dùng “gương”: Liệu cuộc sống của tôi có quá tù túng không khi tôi chẳng biết làm gì nếu không có cô ấy ở bên, dù chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi?
Đã đến lúc tôi cần cân bằng lại cuộc sống, mở rộng thêm mối quan hệ để không bắt cô ấy trở thành “cái bóng” của mình.
Tôn trọng và yêu thương
Hãy học cách thể hiện tình yêu của mình với mọi người xung quanh, với người bạn đời. Hãy nói cho họ biết bạn yêu họ biết nhường nào. Nói “Em yêu anh/Anh yêu em” hàng ngày để mỗi ngày qua đi không vô nghĩa.
Điều cuối cùng phải làm bây giờ là dũng cảm bước lên tàu, để đón nhận yêu thương và sẵn sàng đối mặt khi bão táp. Luôn nhớ rằng sau tất cả thử thách, bạn sẽ đến được bến bờ hạnh phúc và điều đó xứng đáng để bạn mạo hiểm.
Bạn có nghe con tàu của mình đang hát: “Đôi khi, cần phải chạy thật xa để có thể thấy ai đó đang đuổi theo mình… Đôi khi cần phải nói nhỏ hơn để được thấy có người đang lắng nghe…
Đôi khi cần có quyết định sai lầm chỉ để thấy được ai sẽ ở đó để giúp bạn sửa chữa... Đôi khi cần để người bạn yêu ra đi để thấy họ có đủ yêu bạn để quay về...” Dũng cảm lên bạn nhé.
Hải Yế

8 mẫu đàn ông sợ lấy vợ

Họ đều là những người đã “có tuổi” nhưng chưa thấy yên bề gia thất. Song mỗi người lại có một cách lý giải khác nhau cho sự “muộn mằn” ấy của mình. Hãy thử điểm mặt chỉ tên các chàng và tìm hiểu nguyên nhân.
1. Tín đồ của “Tậu trâu, xây nhà, lấy vợ”
Mẫu đàn ông này khi chưa làm được hai việc lớn là “tậu trâu, xây nhà”, cũng có nghĩa là chưa vững vàng về tài chính, thì họ sẽ không tiến tới hôn nhân.
Họ muốn chuẩn bị chu đáo cho tương lai để thực sự là trụ cột, có thể đảm bảo vật chất cho gia đình.
Nếu người bạn yêu thuộc mẫu này thì bạn chỉ còn mỗi một cách làm “hậu phương” vững chắc, động viên khuyến khích chàng mau chóng hoàn thành hai việc lớn kia.
2. Chàng đam mê sự nghiệp
Một người dành 18/24 tiếng cho công việc. Mọi thứ với chàng đều quy về mục đích thăng tiến, cơ hội trong sự nghiệp. Chàng không có cả thời gian dành cho bạn.
Có lẽ nếu không có sức ép từ phía gia đình và mọi người xung quanh thì việc “thành thân” mãi mãi là “thứ xa xỉ” với chàng.
3. Ông chủ của chính mình
Với chàng, cuộc sống tự do đi sớm về muộn, hội hè tụ tập đã trở nên quá quen thuộc. Từ điển của chàng không có chỗ cho “đi xin phép, về khai báo”.
Chàng có thể yêu và muốn ở bên bạn nhưng nếu đề cập tới hôn nhân, chắc chắc chàng sẽ lảng tránh.
Đàn ông kiểu này sợ sự thay đổi lớn trong cuộc sống, sợ phải thích nghi. Bởi thế, họ cố trì hoãn, được càng lâu càng tốt, kể cả khi chàng không phải lo đến hai chuyện lớn “tậu trâu, xây nhà”.
4. Chàng sợ “lên chức bố”
Mẫu đàn ông này sợ gánh trách nhiệm làm “phụ huynh” khi còn quá trẻ. Họ cảm thấy bối rối khi nghĩ tới lập gia đình, có con. Với họ, đó là một gánh nặng do chưa có sự chuẩn bị tâm lý.
Bên cạnh đó, họ cũng muốn đảm bảo tốt nhất về tài chính khi đón nhận thêm một thành viên mới trong gia đình, muốn có thêm thời gian để trang bị kiến thức và kinh nghiệm làm bố.
5. Chàng “kén”
Thế ra đây không phải đặc quyền của phái đẹp. Đàn ông thành đạt, ổn định công việc, có thể ngãng ra để “tìm hiểu đối tượng” chưa chắc đã sớm yên bề gia thất vì họ còn mất nhiều thời gian “tuyển” vợ tương lai.
Chỉ khi họ gặp được người phụ nữ hội tụ mọi phẩm chất mong muốn thì chuyện chấm dứt những tháng ngày độc thân mới thành hiện thực.
6. Chàng đào hoa
Rất nhiều đàn ông có vẻ ngoài bảnh bao, tương lai sáng lạn, vô số phụ nữ vây quanh nhưng rốt cuộc vẫn “giường đơn gối chiếc”.
Chung quy cũng tại cái số “đào hoa”. Họ có thể có nhiều người đẹp bên cạnh. Nhu cầu của họ luôn được các nàng đáp ứng mà chẳng thấy nàng nào đòi hỏi lại gì.
Vậy nên với họ, cuộc sống “phòng không” chẳng khác đã kết hôn là mấy. Có khi lấy vợ vào, họ lại phải bỏ “thói quen” luôn có nhiều phụ nữ bên cạnh.
7. Chàng chưa “trưởng thành”
Ngày càng có nhiều đàn ông “chậm trưởng thành” do họ là con một trong gia đình, được bố mẹ “chăm sóc” và đối xử như con nít. Dù đã đi làm, đã qua tuổi đôi mươi, nhưng trong mắt bố mẹ, chàng vẫn là “cu Tí”.
Hậu quả là các chàng này khó gây ấn tượng được với phụ nữ để đi đến hôn nhân. Cuối cùng họ thường tuân theo sự sắp đặt của phụ huynh khi thấy bạn bè xung quanh đã yên bề gia thất.
8. Chàng “năng lực” kém
“Năng lực” này rất quan trọng với đàn ông, nó như “cái sĩ diện” của họ. Vì thế, các chàng chưa sẵn sàng đi tới hôn nhân nếu “trình độ” chưa được cải thiện, nâng cao.
Họ cần có nhiều thời gian hơn những người đàn ông khác để xây dựng sự tự tin và “niềm tự hào” trước khi trở thành một đức ông chồng thực thụ.
Hải Yến




Dành cho quý ông bị “cắm sừng”

Đối sách với người vợ ngoại tình dưới đây do một nhóm chuyên gia Tâm lý Hôn nhân hàng đầu của nước Mỹ đề xuất đang thịnh hành ở nhiều nước phát triển và thu được những kết quả rất đáng khích lệ.
Bản chất “ngoại tình” của phụ nữ
Nếu đa số đàn ông ngoại tình chủ yếu vì động cơ tình dục thì đàn bà lại ngoại tình vì lý do tình cảm. Họ đến với đàn ông khác không phải chỉ để thỏa mãn nhu cầu sinh lý mà vì họ yêu anh ta.
Cho nên nói chung phụ nữ ít “chán cơm thèm phở” hơn đàn ông, nhưng một khi đã bập vào “của lạ” thì chẳng dễ gì gỡ ra được.
Oái oăm thay, những chị có máu trăng hoa như thế phần lớn đều hấp dẫn hoặc ít ra cũng có nét gì đó “bỏ bùa” những gã đàn ông theo đuổi mình, nên chẳng mấy ông chồng dễ dàng chia tay họ mà không đau đớn.
Phản ứng bồng bột của các quý ông
Khi phát hiện vợ ngoài tình, hầu hết đàn ông phát điên, không ít người “giáo dục” vợ bằng chân tay. Song thực tế cho thấy, càng dữ dằn, hung bạo bao nhiêu, càng đẩy vợ về phía tình địch bấy nhiêu. Nhiều cuộc hôn nhân đổ vỡ ngoài dự kiến ban đầu của họ.
Trong trường hợp này, ly dị đem vợ nộp cho kẻ kia không khó. Cái khó là làm thế nào chặn đứng được ngoại tình, không để mất người phụ nữ mình yêu. Đó không phải là “nhiệm vụ bất khả thi” mà hoàn toàn trong khả năng của bạn.
Biết địch biết ta
Một điều chắc chắn, kẻ tình địch kia đã làm được cái gì đó có sức cuốn hút cực mạnh đến nỗi vợ bạn sẵn sàng mạo hiểm đánh đổi cả chồng, con, cả sự êm ấm của gia đình.
Hãy tìm hiểu cái gì gã nhân tình kia làm được mà bạn thì không, cái gì ở hắn quan trọng với vợ bạn đến thế. Nếu bây giờ bạn có thể làm cho cô ấy cái mà gã kia làm được, thì ngoại tình sẽ chấm dứt và gia đình bạn lại an toàn.
Vì thế, cần bằng mọi cách trò chuyện hết sức tế nhị với vợ, gợi mở để biết gã có “ngón nghề” gì mà bạn lại không biết.
Nói đến chuyện này, có thể bạn sẽ đau đớn, sẽ không kiềm chế được và xúc phạm cô ấy nặng nề hay đưa ra “tối hậu thư”: “Cô chọn đi, tôi hay nó?”. Nhưng như vậy chẳng giải quyết được gì.
Bạn nên để vợ mình hiểu rằng cô ấy quan trọng với cuộc đời bạn và bạn sẵn sàng tha thứ, làm tất cả những gì cô ấy mong muốn. Có như vậy, trong con mắt người vợ không chung thủy, hình ảnh bạn mới trở nên đáng mến và cao thượng hơn.
Tạo cơ hội để “phản công”
Trong cái gia đình đông đúc của bạn, không chỉ có hai người với nhau mà còn con, còn mẹ và em gái cô ấy, thế là vợ chồng bạn thiếu những phút giây riêng tư cần có giữa hai người.
Trong khi gã người tình kia lại có được những phút giây ở riêng bên vợ bạn, họ gặp những nhu cầu cảm xúc quan trọng nhất. Chưa chắc cô ấy đã yêu hắn đến thế, nhưng trong môi trường chỉ có hai người, hắn hấp dẫn hơn bạn.
Gợi ý trên cho thấy bạn không nên chủ quan vì những điều gã kia có mà bạn không có. Sau khi xác định những gì tình địch làm được mà bạn không làm được, hãy đề nghị cô ấy cho bạn một cơ hội để chứng tỏ rằng bạn cũng có thể làm được.
Chẳng hạn, một khoảng thời gian chỉ có hai người để bạn thể hiện hết mình xem. Hãy đề nghị với vợ một tour du lịch dăm bảy ngày.
Nếu cô ấy cần một người bạn tâm giao, bạn sẽ trở thành người như thế. Mấy năm qua cô ấy đã mất liên hệ tình cảm với bạn. Phải tận dụng cơ hội này để kết nối lại những gì đã đứt.
Nhớ rằng, lúc này “ngân hàng tình yêu” của cô ấy đang suy thoái. Bạn hãy đặt thêm từng đơn vị tình yêu vào đó chứ đừng rút đi. Sao cho cô ấy ít phòng thủ với bạn và cởi mở hơn.
Ván bài cuối cùng
Nếu sau đó cô ấy vẫn có những động thái liên hệ với người tình và không có vẻ muốn đáp lại những cố gắng của bạn, hãy nói với cô ấy rằng sức chịu đựng của bạn có giới hạn, Hoặc bạn hoặc cô ấy sẽ ra đi khỏi ngôi nhà này.
Từ lúc đó, bạn không nói chuyện cũng không tiếp xúc với cô ấy nữa. Dù có phải chia tay, ít ra cái cuối cùng mà cô ấy còn nhớ về bạn là hình ảnh một người chồng tử tế đã cố gắng như thế nào để làm cô ấy hạnh phúc.
Đừng bao giờ nói một lời thô bỉ, ngay cả khi bỏ đi, bạn vẫn nên dịu dàng nói rằng không còn gì để nói nữa.
Nên nhớ rằng, trong thời gian vợ bạn ăn ở hai lòng, cô ta cùng lúc có cả hai người đàn ông - bạn và gã kia - mỗi người đáp ứng một nhu cầu cảm xúc và cô ấy được cả hai “thế giới”, dĩ nhiên là mãn nguyện.
Giờ bạn rút đi, trao cả gánh nặng ấy cho gã tình nhân kia, tạo cơ hội cho gã chiếm đoạt cô ấy hoàn toàn. Nếu gã thành công, cuộc hôn nhân của bạn coi như chấm hết.
Nhưng nếu gã không làm được - mà thường là thế - nó sẽ mở mắt cho vợ bạn nhìn thấy sự thực về mối quan hệ bất chính này: Khi phải đối mặt với tất cả những nhu cầu của cô ấy, gã tình nhân kia không làm được cái mà bạn đã làm.
Sau khi bạn tách ra, cô ấy liền “đi bước nữa” với kẻ kia thì không còn gì để nói.
Nhưng nếu điều đó không xảy ra mà trái lại, gã rút khỏi cuộc chơi để tiếp tục săn đuổi con mồi khác, hoặc quay trở lại với vợ v.v., thì lời khuyên của nhà tư vấn dành cho bạn là:
Hãy trở về với kế hoạch ban đầu, học cách đáp ứng những nhu cầu cảm xúc của người vợ từng lầm lỡ.
Theo Đẹp

No comments:

Post a Comment