Wednesday, December 1, 2010

Nước mắt đời ca sĩ phòng trà

Nước mắt đời ca sĩ phòng trà
29/06/2010 14:46
Có lẽ vì những khó khăn cuộc sống nên có vài đêm, V.Y hát xong, với tay lấy tiền gắn trên cành hoa lén cho vào túi quần, rồi nhẹ nhàng để cành hoa không vào rổ. Cực chẳng đã V.Y mới làm vậy vì sẽ có nhiều người khác thấy. Giới ca sĩ trong nghề gọi là “ăn bẩn”…
Khi trót mang duyên kiếp cầm ca, đêm đêm phòng trà đem tiếng hát cho mọi người bỏ tiền mua vui, hỏi rằng anh ơi còn yêu em nữa không… Lời bài hát Kiếp đời của nhạc sĩ Minh Kỳ như đã phần nào nói thay lòng họ - những ca sĩ phòng trà.
Bị chủ lật lọng trắng tay

"Anh là thằng hèn! Bữa nay tui quyết lật mặt nạ anh! Đồ đạo đức giả", c a sĩ V.Y không nén nổi tức giận khi kể lại chuyện ông T., cũng là cách ta thán chuyện đời của ca sĩ phòng trà.
Tháng 4.2009, cô đang là ca sĩ phòng trà B.H và N.A ở quận 3, TP.HCM thì ông T. (nguyên chủ một phòng trà khá nổi tiếng trên đường Cao Thắng) mời xuống Cần Thơ làm ăn. Ông T. vẽ ra một kế hoạch làm ăn trên quy mô lớn: “Tụi anh mở nhà hàng ca nhạc. Ban nhạc, nhạc công tụi anh có rồi, bây giờ chỉ cần ca sĩ thôi. V.Y hợp tác với tụi anh nhé! Nói chung là anh cần khoảng 10 ca sĩ có mặt hằng đêm”.
Ca sĩ V.Y băn khoăn: “Tụi em đang hát ổn định ở Sài Gòn, bỏ về dưới liệu có phiêu lưu không anh?”. Ông T. kêu: “Ô, khỏi lo! Tụi anh tuyển người có hợp đồng đàng hoàng. Trước mắt trả lương 10 triệu đồng/ người/ tháng. Được chưa?”.

Kiếp ca sĩ phòng trà như con tằm nhả tơ...
Thật là một đề nghị hấp dẫn, nằm mơ cũng không có! Ca sĩ V.Y chạy ngược chạy xuôi, lấy uy tín của mình ra bảo đảm mới rủ được 9 ca sĩ khác bỏ Sài Gòn về Cần Thơ hát. Họ quyết đi để đổi đời dù biết rằng quyết định này khá phiêu lưu. Nếu công việc ở Cần Thơ không ra gì thì họ sẽ mất hết, không quay về chỗ làm cũ ở Sài Gòn được nữa.
Chỉ trong thời gian ngắn V.Y đã triệu tập được đủ số ca sĩ theo yêu cầu của ông T. Hợp đồng nhanh chóng được ký kết. Ngoài mức lương hời, các cô còn được chủ bao ở. Ca sĩ V.Y nói: “Thật là buồn ngủ gặp chiếu manh! Không phải ca sĩ phòng trà nào cũng được gặp sự may mắn như thế đâu”.
Thế nhưng khi xuống tận nơi, các ca sĩ mới thấy thực tế rất khác với những gì ông T. nói. Chỗ ở là ngôi nhà đang xây dở dang, thiếu đủ thứ vật dụng sinh hoạt, nằm trơ trọi giữa cánh đồng, buổi trưa trở thành “lò hấp” bởi cái nóng phả ra từ khối bê tông. Ở thì như thời tản cư. Ăn thì cơm hàng cháo chợ.
Công việc chính là hát cũng không có cơ hội phát triển, vì nhà hàng kiểu đầu voi đuôi chuột này không thu hút được khách. Đến ngày thứ ba, ông T. gọi các cô lại thông báo giải tán với lý do các cô hát… không đạt. Với cái cớ này, ông T. không trả lương cho các cô. Theo quy định, nếu không thực hiện đúng hợp đồng, phía chủ phải trả nguyên tháng lương. Tuy nhiên ở đây chủ cúp lương, dù chỉ một ngày.
Trước nguy cơ bị lật lọng, trắng tay, các cô kéo lên công an phường báo cáo vụ việc và nhờ can thiệp. Sau hai ngày kiên trì đấu tranh với tờ hợp đồng giấy trắng mực đen, phía chủ mới đồng ý trả mỗi người 3 triệu đồng để trang trải tiền cơm nước mấy ngày qua, mướn xe đò “rút tàn quân” về lại Sài Gòn.

Hoa trên bàn để khách gắn tiền tặng ca sĩ....
Hỏi V.Y: “Sao ngay từ đầu chị không từ chối, phải đỡ thua thiệt hơn không?”. V.Y lắc đầu với cái nhìn buồn bã: “Các anh không hiểu sự khổ cực của đời ca sĩ phòng trà tụi đâu”. Uống một hớp bia, V.Y kể: “10 triệu đồng/ tháng là món tiền khá lớn đối với ca sĩ phòng trà như em”. Đêm đêm V.Y phải đi hát nhiều nơi nhưng không được trả lương mà chỉ trả theo bài, mỗi bài 25.000 đồng. “Nhận thù lao mà rơi nước mắt” - V.Y thở dài.
Số tiền này không đủ cho cô đổ xăng, son phấn, áo quần phục trang phục vụ cho cái nghề ca hát của mình. Nhưng V.Y còn may mắn hơn một số ca sĩ khác. Thấy giọng ca của cô có nhiều khách yêu cầu, chủ phòng trà N.A (một Việt kiều Mỹ) đưa cô vào danh sách ca sĩ của quán, mỗi đêm trả thêm cho cô 50.000 đồng.
Thật ra ca sĩ phòng trà còn có một nguồn thu quan trọng khác là tiền bông (hoa). Khách phòng trà sau mỗi bài hát thường kẹp tiền vào cành hoa nhựa lên sân khấu tặng ca sĩ giữa tiếng vỗ tay tán thưởng. Mỗi cành hoa thường kẹp tờ 10.000 đồng, 20.000 đồng, khách sộp thì nhiều hơn. Cuối buổi diễn, tiền bông được đếm, chia cho ban nhạc 30%, còn lại chia đều cho các ca sĩ có mặt.

Phòng trà thường đông khách vào dịp giáp tết. Lúc đó tiền bông cũng góp một phần giúp cái tết của họ bớt tủi thân, nhọc nhằn. Nhưng sau tết trở đi là ế dài dài. Năm nay kinh tế bị ảnh hưởng bởi suy thoái thế giới, lại đúng mùa World Cup Nam Phi kéo dài cả tháng trời, nhiều phòng trà đêm đêm hầu như vắng bóng người.
Có đêm đã 22 giờ, V.Y gọi điện thoại tâm sự cảnh ca sĩ, nhạc công ngồi ngáp vì vắng khách… Có lẽ vì những khó khăn cuộc sống nên có vài đêm, V.Y hát xong, với tay lấy tiền gắn trên cành hoa lén cho vào túi quần, rồi nhẹ nhàng để cành hoa không vào rổ. Cực chẳng đã V.Y mới làm vậy vì sẽ có nhiều người khác thấy. Giới ca sĩ trong nghề gọi là “ăn bẩn”…
Những tiếng thở dài
Mỗi cảnh đời ca sĩ phòng trà mỗi khác nhưng ai cũng vất vả bươn chải với cuộc sống để tồn tại. Bây giờ V.Y vẫn đi hát hằng đêm, nhưng đôi mắt của cô buồn hơn, trầm hơn, ít nói hơn. Năm nay trên dưới 30 tuổi, đã một lần đổ vỡ, cô ở vậy nuôi cậu con trai học lớp 5. V.Y vẫn còn ngoại hình khá đầy đặn. Hơn nữa, nhờ lớp son phấn dưới ánh đèn mờ nên trông cô có phần trẻ hơn, xinh hơn.
Cô thích dòng nhạc trữ tình của Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên, Trịnh Công Sơn, Phạm Duy… Chính giọng ca của V.Y đã giúp lôi kéo một số khách trung thành đến với phòng trà B.H, N.A. Những cành hoa nhựa kẹp tiền được gửi lên sân khầu nhiều hơn, những tiếng vỗ tay to hơn, gương mặt của V.Y rạng rỡ, hạnh phúc hơn… Nhưng đó là những phút giây của hào quang ngắn ngủi, phù du.
Khi đã khá quen biết, chờ V.Y hát xong, chúng tôi mời cô đến ngồi cùng bàn. Cô không uống nhiều bia, chỉ thi thoảng mới dùng một chai Heineken. Thường cô uống cam vắt, nhưng V.Y hút thuốc khá nhiều. Hỏi sao hút thuốc nhiều như vậy, V.Y trả lời do thói quen, sau khi ly dị lại càng hút tợn. Vì buồn cũng có. Cô hút trong khoảng thời gian chờ tới lượt mình hát, những đêm về vò võ một mình.

Ca sĩ phòng trà sống được cũng nhờ những bông hoa kẹp tiền thế này
Tại phòng trà A.N, chúng tôi làm quen với ca sĩ T.D mới 27 tuổi, có con trai 1 tuổi gửi bà ngoại trông. Tối tối cô đi hát kiếm tiền nuôi con. Không người đỡ đầu, T.D tự đến xin hát ở một số phòng trà ở quận 3, Bình Thạnh để có chút tiền bông của khách. Ngoài ra, một số khách thích sự dịu dàng của T.D, sau mỗi bài hát “bo” riêng cho cô.
“Em dành dụm lắm cũng chỉ đủ tiền mua sữa cho con thôi, nhưng vậy là may lắm rồi” - T.D tâm sự. Tại phòng trà G.T gần chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh có nam ca sĩ Q.T. Anh hát dòng nhạc Pháp rất hay và sang trọng. Nay đã hơn 50 tuổi đời và 25 năm làm ca sĩ phòng trà, anh vẫn ở nhà thuê, nuôi vợ và hai con. Trong giọng ca của người ca sĩ từng trải này, chúng tôi nghe vừa có tiếng thở dài, vừa có nụ cười của người ngộ đạo.
Theo Pháp Luật TP.HCM

No comments:

Post a Comment