Sunday, May 30, 2010

Vào đời

Vào đời Chủ nhật, 27/09/2009 09 giờ 25 GMT+7
Truyện ngắn: NGUYỄN TRỌNG HOẠT
Nhiều lần tôi nói với chị Ba, đừng dạy con theo kiểu “thi vị hóa cuộc đời”. Chị vặn lại: “Cậu nói hay nhỉ, muốn thành người tốt thì phải biết những điều tốt chứ”. Bởi lẽ đó, từ khi bé tí cho đến lúc có quyền đi bầu cử, dưới mắt Dương - cháu tôi - thế giới chỉ màu hồng. Cái màu đáng yêu ấy có được, một phần do chị tôi thanh lọc thế sự quanh mình trước khi mang đến cho con.
... Được mẹ dẫn đi chợ cắt tóc, thấy hai bà hàng cá chửi lộn đến tím tái mặt mũi, Dương tròn mắt. Thằng bé chen vào đám đông, nhướng cổ, dỏng tai thu lấy mớ âm thanh rít lên như tiếng kim khí cọ nhau. Chị nắm tay con, kéo đi. “Họ làm gì đấy mẹ?”. Chị thản nhiên: “Hai bà đóng kịch đấy”. Thằng bé lại hỏi, chị gạt đi.
Chị thường lấy tôi làm gương cho cháu: “Hồi trước rất khổ nhưng cậu Năm học giỏi lắm”. Thằng bé không biết hơn hai mươi năm trước cậu học thế nào. Nó càng không biết em trai mẹ cũng từng trốn học, mò vào vườn người ta hái trộm ổi, bị thầy phạt quỳ xơ mít đến đỏ gối. Nó cũng chẳng hay trong cuộc đua chen với đời, cậu cũng lắm phen trầy trật, lao đao; bên cái hay còn cả rổ cái dở, chứ nào chay tịnh, thánh thiện gì. Trong mắt cháu, người cậu lồng lộng là một đấng khả kính. Cả cái giải an ủi trong kỳ thi vở sạch, chữ đẹp ở trường của bé Hảo - em con dì của Dương ở Long Khánh cũng được chị Ba nhân thành điển hình để dạy con. Tất nhiên việc Hảo có năm chỉ là học sinh tiên tiến chứ không liên tục giỏi như Dương thì chị giấu tiệt.


Mỗi lần về thăm cậu, Dương lại đến giá sách và dán mắt vào đó. Thằng bé thích đọc truyện tranh với những cú đấm tóe lửa được thể hiện bằng động từ mạnh cùng nhiều dấu chấm than to bự “Bùm”, “Chóe”, “Roẹt”. Chị Ba nhăn mặt, lắc đầu rồi lấy sách cất đi. Thay vào đó, chị dúi vô tay con chồng sách người tốt việc tốt. Khi Dương đã lớn, tôi đưa sách giáo dục giới tính cho cháu đọc. Chị Ba thấy vậy, không vui: “Sao cậu vẽ đường cho hươu chạy?! Bảo cháu đọc sách về danh nhân có hơn không?”. Tôi bảo sách về những bậc hiền tài rõ là cần đọc nhưng sách khác cũng nên xem; linh thiêng như cửa chùa, người ta còn đặt ông Ác cạnh ông Thiện đó sao. Chị im nhưng vẻ không thông. Dương cũng không được mẹ cho cầm tiền. Ngay những khoản nộp cho trường, chị cũng trực tiếp trao tận tay thầy. Chị bảo để nó xài tiền sớm, dễ hư lắm.
Nhà chị tôi to, gần chợ nên rất tiện việc buôn bán, đi lại. Với quan niệm “phòng vệ từ xa” chị vay tiền, mua đất cất nhà tụt sâu vào trong xóm, sát chân núi. Kéo theo là cuộc phân chia hòa bình, kiểu như Lạc Long Quân và Âu Cơ. Mẹ tổng quản nhà gần chợ cùng lũ hàng hóa ngổn ngang, ba quản gia nhà trong xóm và chăm hai đứa nhỏ. Tôi lắc đầu: “Sao lại bày cảnh chia lìa lứa đôi thế kia”. Chị giảng giải: “Để chúng nó gần chợ, tôi lo lắm cậu ạ, đánh chửi, đề đóm, hút xách cứ giăng ra đấy, nhiễm vào bọn trẻ là đứt”. Tôi những muốn kêu lên: chị ơi, chị không thể nuôi các cháu trong lồng kính và càng không thể cầm tay dắt chúng qua đường mãi được.
Dương chăm ngoan, học giỏi. Ngoài giờ đến trường, nó tự giam mình trong phòng; lúc nhỏ thì đọc ra rả như quốc kêu mùa hạ, khi lớn thì tầm ngầm, lặng lẽ cùng đèn sách. Đồ chừng, thằng bé không có thú vui nào khác, ngoài học. Lẽ thường khi đã ham thì học giỏi do đó việc Dương đều đều rinh phần thưởng đã thành niềm vui không thể thiếu của người thân. Tôi khuyên cháu, ngoài việc học nên dành thời gian chơi thể thao, thưởng thức văn nghệ, giao lưu bạn bè để thư giãn. Chị tôi gạt ngang: “Lo mà học, không bồ bịch, chơi bời gì cả!”. Bạn của Dương đến chơi, chị xét nét từ lời chào đến cách ăn mặc. Nhân vật nào khiến chị gai mắt, dị ứng là chị cảnh báo với con ngay, cứ như sợ lây bệnh truyền nhiễm.
Đứa cháu trầm tính, có phần rụt rè của tôi là kẻ đa cảm. Cái đẹp đây đó đã đi vào những vần thơ vụng dại nhưng đầy yêu thương của cháu. Một ngôi sao băng, một chiều mưa gió, người đàn bà gù gánh nước thuê ở chợ, em bé đánh giày lang thang trong nắng cháy...đã làm bật lên buồn thương tha thiết của nó. Tôi từng chứng kiến những giọt lệ trong như sương của Dương bên trang sách, từng thấy thằng bé ngồi lặng bên bờ sông, bâng khuâng nhìn hoàng hôn giã biệt những con sóng.
Về giỗ họ, Dương khoanh tay đứng hàng giờ nghe bài văn tế có phần lê thê kể về công đức của tiền nhân. Tôi nhận ra trong đôi mắt trẻ ngời lên niềm tự hào, khâm phục khi nghe kể về ông tổ phía đằng ngoại- tướng quân họ Nguyễn Cảnh. Nặng lòng với nỗi niềm ấy, Dương tìm đọc trong sách báo, thống kê những công trình hiện mang tên vị tướng đã có công phò vua thời Hậu Trần đánh giặc Minh và “mang gươm đi mở cõi”. Tôi định nói với cháu, bên những trung thần như tướng quân họ Nguyễn Cảnh còn có những gian thần và buồn thay ông đã chết vì bọn người ấy, nhưng sợ cháu hẫng hụt nên thôi.
Thấy đứa cháu hiền ngoan, luôn nâng niu cái đẹp với lòng yêu thương rộng mở, tôi vừa mừng vừa phấp phỏng nỗi lo xa. Tâm hồn trong trắng kia đã chuẩn bị những gì để đề kháng với bao điều không mong đợi khi cháu rời vòng tay của người mẹ luôn mang lại cho con điều tốt đẹp.
Học xong đại học Kỹ thuật, khoa Nhiệt điện lạnh, Dương về làm cho một công ty có trăm phần trăm vốn nước ngoài. Cầm tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi, Dương rời cổng trường đại học đến thẳng chỗ làm có thu nhập cao ngất ngưởng. Chị tôi vui lắm. Chị làm cơm mời anh em trong nhà, “đánh” một bữa tưng bừng gọi là mừng cho việc học tập của cháu đã thành “chánh quả”. Cả bữa cơm, Dương chỉ ăn và nhấm nháp cùng nước lọc. Tôi cười, bảo hãy uống tí cay cay để biết vị khác của đời, nhưng vừa nâng cốc bia lên miệng, nó đã chạy ra ngoài, phun phì phì như ngậm phải thuốc độc. Thấy các cậu, các chú hút thuốc, thằng bé chun mũi, nhăn mặt, đưa tay xua đám khói trông thật khổ. Rồi cát bụi của đời đang ẩn hiện đâu đó hẳn sẽ làm cháu khó chịu hơn - tôi thầm nghĩ.
Đi làm mới gần năm, Dương mua được xe máy, điện thoại di động xịn. Ngoài các khoản chi tiêu thiết yếu, tiền lương còn lại Dương đưa hết cho mẹ. Chị rỉ tai tôi: “Dồn lại đó để sau này lo việc lớn cho cháu, cậu ạ”. Cũng dễ dàng như khi vào làm, Dương đột ngột bỏ cái công ty với mức lương khiến lắm người ao ước. Tôi chỉ biết điều này khi cháu đã xin vào làm ở nhà máy bia của tỉnh. Làm ở đó chưa được sáu tháng, Dương lại nghỉ, chờ xin việc khác.
Chị Ba gọi điện bảo tôi về. Vừa thấy em trai, chị nổ luôn: “Sao dạo này thằng bé lầm lì, ỉu xìu, tôi chẳng hiểu ra làm sao!”. “Bình tĩnh” - tôi cười, động viên chị rồi gọi Dương xuống. Gặp lại sau bốn tháng, tôi thấy cháu gầy, đen đi nhiều. Đôi mắt buồn cùng vẻ mặt ủ rũ hệt như bầu trời mùa đông của Dương khiến tôi ái ngại. “Sao thế?”. Như không nghe cậu hỏi, chàng trai ngồi im, cúi đầu, hai tay buông xuôi trông thật thiểu não. Nén lòng, tôi gợi chuyện: “Điều gì đã đến với cháu ở cái công ty nước ngoài ấy?”. Lâu thật lâu, Dương mới cất giọng rời rạc: “Nhìn thằng giám đốc người nước ngoài ngược đãi, mạt sát công nhân mình, cháu thấy tức, nhục; không chịu được, cậu ạ”. “Thế còn ở nhà máy bia?”. “Ở đó phù hợp với chuyên ngành đã học nên cháu làm tốt, được lãnh đạo tín nhiệm. Thế là một số kẻ ganh ghét, gièm pha, đặt điều nói xấu sau lưng. Cháu chán lắm!” - giọng Dương ấm ức lẫn ngao ngán.
Đâu rồi, đứa cháu phơi phới yêu đời của tôi! Sao mới hừng hực khí thế, bỗng chốc xẹp lép như quả bóng hết hơi thế kia?! Những muốn thốt lên nhưng tôi ngồi lặng với bao suy tư chợt đến. “Cứ mỗi lần gặp chuyện buồn ở nơi làm, cháu lại bỏ việc - Tôi hỏi Dương- Thế cháu tìm nơi chỉ toàn niềm vui, toàn những điều tốt đẹp ở đâu?”. Dương lúng túng, nhìn lảng đi nơi khác. Đôi môi đỏ tươi mím lại, vầng trán thanh xuân rịn mồ hôi, khuôn mặt trẻ ra chiều nghĩ ngợi. Tôi vỗ vai cháu: “Trốn chạy trước cái xấu hoặc vì nó mà lãnh cảm với đời là không nên, cháu ạ”.
Dương ngước nhìn tôi, bất chợt cháu đưa tay nắm lấy tay tôi rồi đứng lên nheo mắt nhìn ra khoảng sân đầy nắng.

No comments:

Post a Comment