Sunday, May 30, 2010

Chức Nữ - Ngưu Lang

Chuyện tình Chức Nữ - Ngưu Lang thời hiện đại
Thứ bảy, 03/10/2009 21 giờ 51 GMT+7
Truyện ngắn của HỒNG SA

Xưa có câu chuyện Ngưu Lang - Chức Nữ, vì yêu đương, lơ là trong công việc, nên bị tội, mỗi người ở một bên bờ sông Ngân, mỗi năm chỉ được gặp nhau một lần vào ngày mồng Bảy tháng Bảy. Ngày ấy, trời sai đàn quạ bắc cầu cho chàng và nàng sang sông gặp nhau. Vì vậy, năm nào, hễ sang tháng Bảy thì lũ quạ đều rụng cả lông đầu do phải làm cầu Ô Thước! Năm nào cũng vậy, ngày mồng Bảy tháng Bảy đều có mưa to, có khi mưa suốt cả ngày, do nước mắt của đôi vợ chồng Ngâu đã tuôn rơi và biến thành ngập lụt!
Chuyện đời xưa là vậy.
***
Mới đây thôi, bà tôi hỏi ông tôi:
- Năm nào, ngày mồng Bảy tháng Bảy, trời cũng mưa. Vậy mà năm nay, ngày mồng Bảy vừa rồi lại không có một giọt mưa nào! Trời lại còn nắng tốt nữa chớ! Sao vậy ông?
Ông tôi im lặng, tằng hắng lấy giọng mấy lần. Cuối cùng, ông tôi nói cái kiểu “chìm xuồng” cho xong chuyện:
- Có trời mà biết! Bà hỏi mấy ông khí tượng thì may ra... Chớ người phàm, mắt tục như tui thì... xin chịu!
Vốn là người hay đùa, sau mấy phút im lặng, ông lên tiếng:
- Hay là hai anh chị trên ấy hờn giận nhau chuyện gì nên “rã bành tô” rồi, còn nhớ nhung gì nữa mà khóc! Có khi phim ảnh dưới đất ảnh hưởng tới trên trời nên trên đó cũng có trào lưu sống thử, sống gấp, đi tìm cái lạ... Họ cũng đưa nhau ra tòa, bỏ nhau hàng loạt: đạo đức thế gian thay đổi thì trên trời cũng suy thoái, lộn xộn, hầm- bà- lằng...
Nghe ông tôi nói, bà tôi cãi:
- Trên trời họ chung thủy với nhau lắm, đâu có cái chuyện yêu thử, yêu vờ. Ông có thấy cặp nào ra tòa đâu mà nói vậy! Tui đoán năm nay họ không khóc là vì họ không xa nhau như năm trước. Bây giờ, điện thoại di động tràn ngập... thì họ “phôn” cho nhau lia lịa, nhắn tin cho nhau suốt ngày, đâu có nhớ nhau như trước mà phải khóc. Có thể trên đó người ta xây một cây cầu hiện đại thay cho cây cầu Ô Thước bắc ngang sông Ngân, hai anh chị có thể ra đó hú hí suốt ngày, vậy thì còn khóc cái nỗi gì!
Ông tôi cười khà khà, có vẻ khoái chí với những lý do mà bà tôi đã đưa ra. Ông lại nảy thêm một lý do khác nữa:
- Không biết chừng Ngọc Hoàng đã ra lệnh xóa tội trước thời hạn cho phạm nhân nên Ngưu Lang - Chức Nữ đã về ở bên nhau rồi trong một căn nhà loại xịn! Vậy thì còn buồn gì nữa mà khóc!
Bà tôi rất ưng cái lý do sau của ông tôi, nhưng cũng làu bàu:
- Khi vui, người ta cũng thường hay khóc! Đằng này, sao lại khô ran!
Câu chuyện của ông bà tôi tới đó tạm dừng. Thường thì vẫn thế. Từ chuyện trên trời tới chuyện dưới đất, ông bà tôi vẫn cười nói râm rang, có chuyện kéo dài đến đôi ba bữa. Nhưng hôm nay...
***
Câu chuyện về thời tiết với bà như vô tình đã gợi lại cho ông tôi những suy tư. Ông im lặng ngồi nhìn về phía xa xa... Đã quen với cái tính của ông tôi, bà cũng im lặng, để mặc tình cho ông tôi sống lại với kỷ niệm ngày xưa, tức là thời thơ ấu ở quê nhà hoặc thời chinh chiến...


Nội tôi vừa lớn đã thoát ly gia đình đi chiến đấu. Những gì đang khuấy động trong tâm hồn của nội xoay quanh những chuyện nhớ, chuyện thương mà nội thường nói đi, nói lại cho cả nhà nghe. Mỗi khi có các đồng chí của nội đến chơi nhà, các cụ thường vui với nhau vài xị, thế là các cụ cứ trút sạch ra bao nhiêu chuyện tâm tình, làm cho cả nhà tôi vui với đời lính cũng nhiều, mà khóc vì nó cũng không phải ít. Lần nầy, qua câu chuyện Chức Nữ - Ngưu Lang, chắc là những chuyện nhớ, chuyện thương của một thời xưa đang trở về với nội...
***
Hồi ấy, làng T-H của tôi tuy không cách xa tỉnh lỵ là bao, nhưng đã bị coi như một vùng sâu lắm, xa lắm. Dân trong làng nhiều người chưa hề được thấy đèn điện, nhà lầu... Đường sá trong làng chật hẹp lúc mưa dầm, hoặc lúc thủy triều lên lầy lội. Xuồng là phương tiện giao thông quan trọng nhứt tại địa phương. Nhưng đâu phải nhà nào cũng sắm được một chiếc xuồng. Mùa nước nổi, học sinh đến trường hay các bà, các cô đi chợ thường bị ướt loi ngoi, lạnh run cằm cặp. Chỉ được cái tình làng nghĩa xóm thì ấm áp quanh năm!
Ở xóm C-Đ, nhà của Nữ và nhà của Nam đối diện nhau, cách nhau một con rạch nhỏ. Hai gia đình đều làm nghề dệt vải nên thường qua lại với nhau. Cùng với những thước vải thô sơ ra đời, đã hình thành một mối tình chơn chất của Nam và Nữ mà bà con gọi vui là Chức Nữ - Ngưu Lang! Sợi nhớ, sợi thương cứ bện chặt vào nhau. Hai gia đình cũng thuộc vào loại “môn đăng, hộ đối” vì cái nghèo cũng gần giống như nhau, đều thuộc vào loại quanh năm chuyên bán lưng cho trời, bán mặt cho đất. Dệt vải chỉ là nghề phụ để kiếm sống khi không thể ra đồng. Không có ông Tơ, bà Nguyệt nào se duyên, kết tóc, chỉ hai con thoi trò chuyện với nhau. Hễ bên này cất tiếng thì bên kia đáp lời. Tiếng thoi trổi nhịp sáng, chiều, cần cù, nhẫn nại. Vẫn tiếng “lộc cộc” ngày nào, nhưng với mối tình ngày càng bền chặt, những tiếng khô khốc ấy như mềm mại, trữ tình, như biết nói những lời tha thiết, yêu thương. Chúng vang xa hơn, mang những tình cảm mặn mà báo cùng thôn xóm về một niềm vui chung do tập thể tạo thành.
Bà con trong xóm ai cũng mong cho Nữ với Nam nên vợ, nên chồng. Họ bàn nhau, rồi kẻ góp cây, người góp sức, bắc một cây cầu khỉ qua con rạch để tiện việc đi lại, và chủ yếu là để cho “chàng Ngưu” và “ả Chức” của họ có điều kiện thường xuyên qua lại để củng cố mối tình mà họ rất nâng niu. Người trong xóm ai có việc qua cầu mà gặp “Chức Nữ” hoặc “Ngưu Lang” đều muốn nhường cho họ qua trước để họ sớm được gặp nhau. Ai cũng sẵn sàng làm một con ô thước để nối nhịp cầu. Cây cầu khỉ tuy lắc lư nhưng đã gắn kết mối tình ngày càng thêm vững chắc. Nó đứng đó như làm nhân chứng cho một mối tình, sẵn sàng đưa đón đôi bạn tình bất cứ lúc nào, không có định kỳ hằng năm như chiếc cầu ô thước! Không có sự chểnh mảng nào trong công việc như Ngưu Lang - Chức Nữ. Tưởng không có trở ngại nào phá vỡ được mối tình của đôi bạn trẻ. Cuộc hôn nhân chỉ còn bị đình trệ bởi một điều duy nhứt là cái nghèo. Bà con góp ý nên tiến hành hôn lễ thật giản đơn, tiết kiệm. Không lễ vật nào bằng cái nghĩa, cái tình. Nhưng cả hai gia đình đều muốn chậm lại...
***
Thời cuộc có nhiều thay đổi. Không khí ở mọi nơi như nóng lên bởi luồng gió cách mạng từ xa tràn về. Đêm đêm, nơi này hội họp, nơi khác tập tành. Tiếng hát rộn ràng vang động khắp đường quê, làm át đi tiếng lộc cộc thoi đưa. Tiếng thoi dần dần cũng thưa đi vì cả hai “Chức Nữ - Ngưu Lang” đều được thu hút vào các cuộc sinh hoạt của các đoàn thể cứu quốc.
Cách mạng Tháng Tám Nam và Nữ trở thành hai cán bộ nòng cốt của địa phương. Nhiều bà con góp ý hai người nên làm lễ tuyên hôn theo kiểu “đời sống mới”, nhưng Nam và Nữ đều thuyết phục gia đình nên chậm lại để tập trung vào việc làng, việc xóm, việc riêng tư đâu gấp gáp gì. Cả hai gia đình đều đồng tình. Bà con cũng vui lòng.
Nhưng chưa đầy một tháng, giặc Pháp trở lại chiếm đóng nhiều nơi, đưa lực lượng vào nông thôn càn quét. Ở làng T-H chúng tôi người thương binh đầu tiên là Nữ. Khi một cánh quân của địch vào làng, Nữ cùng một số thanh niên đưa người già và trẻ em đi vào một nơi ẩn nấp an toàn, rồi trở ra phía trước phá những cây cầu khỉ làm chậm bước tiến của địch. Ở một cây cầu trên đoạn rạch hiểm trở, Nữ không phá, mà gài bẫy cho hai nhịp giữa chênh nhau. Mấy tên địch bước lên, cầu sụp đổ, hất chúng xuống nước. Bọn còn lại bắn loạn xị vào phía trong, nhưng không tên nào dám xông vào. Chúng đốt vội mấy căn nhà rồi rút. Bên ta, trong trận đánh đầu tiên của cuộc kháng chiến ở địa phương nầy, thu được một súng do địch đánh rơi dưới rạch mà không dám lặn để mò. Nữ bị thương. Vết thương không nặng, nhưng cũng mất hơn một tháng điều trị. Nam đã tận tình lo cho Nữ trong những ngày chạy chữa, thuốc men. Vết thương đã làm cho tình cảm càng thêm bền chặt. Nghĩa vụ và tình riêng đã động viên Nam vào bộ đội. Nữ vào du kích.
Chiến tranh. Ai mà lường trước được. Địch đã biến xóm C-Đ thành một căn cứ quân sự để kiểm soát một vùng rộng lớn xung quanh. Thế là nhân dân phải chạy giặc: người đi vào vùng giải phóng, người di tản sang các tỉnh khác. Nữ và ba má ở lại lấy chiếc tam bản làm nhà, lênh đênh trên sông nước. Chiến tranh ngày càng ác liệt. Mọi người đều bị thu hút vào việc kháng chiến. Chuyện riêng tư hầu như gác lại, chờ đến ngày thắng lợi sẽ hay! Chuyện hôn nhân của Nam và Nữ cũng đành để đó. Cả hai đều không có một mảnh tin nào của nhau. Tất cả bây giờ chỉ là ký ức, niềm tin và hy vọng.
***
Thời gian cứ trôi qua. Trong chiến tranh, người ta dễ quên nhau. Nhưng những bà con ở xóm C-Đ thỉnh thoảng cũng gặp lại nhau ở những miền quê mới, với những hoàn cảnh khác nhau. Phải tha phương cầu thực, nhưng không ai quên quê nhà với những kỷ niệm đầy nghĩa, đầy tình. Chuyện tình của Nữ và Nam thường được nhiều người nhắc đến như một biểu tượng đẹp đẽ về quan hệ lứa đôi mà ai cũng có góp phần xây dựng. Ai cũng thở dài khi biết rằng Nam đi chiến đấu ở chiến trường xa còn Nữ vẫn lênh đênh cuộc sống giang hồ rày đó, mai đây, lo nuôi cha mẹ già yếu, ốm đau, giữ mãi mối tình với Nam mà không chịu lấy chồng, mặc dù con thuyền nhỏ cũng đã có những lần gặp nơi có thể làm bến đậu. Người ta lại nhắc đến chuyện Chức Nữ - Ngưu Lang. Người ta lại ước ao có đàn ô thước mỗi năm chịu khó bắc cầu giúp đôi bạn tình gặp gỡ một lần, thỏa nỗi nhớ mong. Nhưng chiến tranh kéo dài! Rồi bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc. Đất nước chia hai miền! Con sông Bến Hải đâu có lớn lao gì, mà đôi bờ như nghìn trùng xa cách.
***
Năm 1970. Trong cuộc Đại hội Thi đua các Lực lượng Vũ trang của Miền, trong số các đại biểu lên báo cáo điển hình có hai người trùng tên là Hoài Nam, nhưng lại là một nam, một nữ. Họ là người cùng quê, nhưng khác đơn vị. Hoài Nam nam là cán bộ thuộc binh chủng đặc công, trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Pháp, tập kết ra Bắc, vượt Trường Sơn về chiến đấu ở chiến trường miền Đông. Hoài Nam nữ cũng đã qua cuộc kháng chiến chín năm, chuyên vận chuyển vũ khí qua các đồn bót địch. Cô tên thật là Lê Thị Nữ. Thì ra, Nữ đã lấy tên Nam để đặt cho mình!
Đại hội Thi đua được thêm một niềm vui mới là sự gặp gỡ của hai người mà ai cũng gọi vui là Chức Nữ - Ngưu Lang. Ban lãnh đạo Đại hội đã cho phép họ thành vợ, thành chồng. Hôn lễ được tiến hành ngay trong thời gian Đại hội. Khách mời và tiệc rượu chưa có cuộc hôn nhân nào bằng trong thời chiến, vì đó là toàn bộ đại biểu dự Đại hội, và tiệc rượu là bữa liên hoan trọng thể mừng Đại hội thành công.
Rồi thì ai về đơn vị nấy, thực hiện đúng câu khẩu hiệu thường thấy ở các cuộc lễ tân hôn thời kháng chiến: “Vui duyên mới, không quên nhiệm vụ”! Mãi đến sau ngày toàn thắng, Nam và Nữ mới trở về làng cũ, bà con của xóm nhỏ năm xưa cũng tụ hội về...
***
Nam và Nữ chính là ông bà nội của tôi. Ông bà tôi không có con, nhưng lại có cháu nội. Lớn lên tôi mới biết: ông nội ruột của tôi là một người đồng chí của nội tôi. Hai người đã có nhiều thời gian sống chết bên nhau, nên nội tôi đem tôi về nuôi khi ruột thịt của tôi không còn ai nữa. Tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng khi được hưởng cái ấm cúng gia đình của một đôi “Ngưu Lang - Chức Nữ” đã trưởng thành trong cách mạng. Và tôi hiểu rõ vì sao câu chuyện tình ở tận trên trời đã làm xao xuyến tâm hồn ông tôi mỗi lần nghe ai nhắc đến.

No comments:

Post a Comment