Sunday, May 30, 2010

Chị tôi

Chị tôi Thứ bảy, 17/10/2009 20 giờ 41 GMT+7
Truyện ngắn của PHẠM VĂN THÚY

Chị tôi cả ngày hầu như không nói với ai một lời, kể cả tôi, đứa em thân thiết nhất. Đôi khi mẹ mắng, chị cũng ậm ừ lấy lệ. Càng lớn chị càng ít nói. Chị chỉ mở miệng phản ứng quyết liệt khi ai đó vô tình hay cố ý đụng vào nỗi đau của chị. Do suốt ngày chị lặng lẽ như người câm nên bà con lối xóm kêu chị là cô Câm, cô Cậm. Do phát âm không chuẩn nghe na ná như cầm, cẩm gì đó. Dần dà chị tôi được dân làng định danh là Cẩm. Cái tên nghe thật đẹp, dịu dàng và đầy nữ tính.
Ông trời thật bất công! Cùng mẹ sinh ra, vậy mà tôi lành lặn vẹn nguyên, còn chị tật nguyền khiếm khuyết. Chị tôi mang tật từ thuở lọt lòng. Lưng gù. Gù như không thể gù hơn: Trông cứ như có “con rùa” bám trên lưng. Đã vậy chân chị còn bị thọt. Thật tội nghiệp!
Lớn lên tôi không thấy cha! Tôi chỉ thấy mẹ và chị Cẩm khốn khổ của tôi. Mẹ bệnh mất khi tôi mới mười tuổi, còn chị tôi 20. Kể từ đó hai chị em tôi bíu ríu nhau vượt qua bao mưa nắng cuộc đời và lớn lên trong ngôi nhà xẹo xọ cùng mấy công vườn cằn cỗi của mẹ để lại.
***
Trong ngôi nhà giáp ranh đất nhà tôi có một người còn bất hạnh hơn cả chị tôi. Ngôi nhà xập xệ ấy có một thanh niên trên 20 tuổi, tên là Tửng: mắt trố, môi trề, đôi chân bại liệt. Mỗi khi di chuyển, mông anh gắn với chiếc ghế, hai bàn tay mang đôi dép. Chiều chiều anh lê ra ngõ ngóng trời, ngóng đất bằng ánh mắt vô định, chán chường. Chị em tôi có nhau để nương tựa. Còn anh không có ai chăm lo, nuôi dưỡng.
Từ ngày cha mẹ mất, anh có thói quen, khi cần gì anh thường kêu bà con lối xóm giúp. Dường như mỗi khi bất lực, với bản năng sinh tồn đơn giản nhất, con người ta thường phát ra tiếng kêu gọi sự giúp đỡ của đồng loại. Anh cũng vậy, bằng phản xạ tự nhiên, mỗi khi cần sự giúp đỡ, anh thốt ra những âm thanh cầu khẩn vọng sang, dội vào lòng chị tôi, khiến chị chạnh lòng không thể làm ngơ ngoảnh mặt. Mỗi lần nghe anh ấy kêu, chị tôi lại chạy sang, bà con chòm xóm cũng chạy sang. Họ vội vã giải quyết những yêu cầu của anh. Xong, họ lại vội vã ra về. Riêng chị tôi nấn ná ở lại. Nguyên cớ gì tôi cũng không biết. Có lẽ do chị sống đơn giản nên không bị sự tất bật, lo toan của cuộc sống chi phối, ràng buộc. Ở lại, chị chẳng ngồi không: cặm cụi quét nhà, quét sân rồi dọn dẹp trước sau cho sạch sẽ. Hai ba ngày chị lại gom quần áo của anh mang về nhà giặt giũ phơi phong. Lâu lâu chị tôi lại nhổ những ngọn cỏ rối bời đang bò quanh mép sân nhà anh Tửng.
Dạo này tôi thấy lạ: chị tôi hay sang nhà anh Tửng chơi. Có bữa tôi phải sang kêu chị về ăn cơm. Về nhà, vừa ăn chị vừa trầm ngâm bảo: “Anh Tửng sống một mình. Thấy anh nấu cơm sống sít, vương vãi thật tội nghiệp! Hay là, mỗi bữa chị em mình nấu thêm lon gạo là đủ cho cả anh Tửng ăn, chả tốn kém bao nhiêu, mà lại tiện cho cả hai nhà. Em chịu không?”. Tôi nhìn chị cười: “Chị bảo sao em chịu liền hà”. Từ đó, ngày hai bữa chị mang cơm sang cho anh. Hình như nhu cầu ăn uống của người khuyết tật chẳng bao nhiêu. Đồ ăn chị em tôi kiếm được gì anh ăn nấy, không câu nệ rau dưa, mắm muối. Anh cũng chẳng eo xèo đòi hỏi gì hơn. Ngày nào anh cũng bảo chị nấu cơm ngon, canh ngọt hơn cả mẹ anh ngày trước. Nghe anh khen chị tôi thấy mát lòng mát dạ.
Thấy chị tôi chăm lo chu đáo cho anh Tửng, bà con lối xóm mừng thầm. Họ coi việc chị tôi lo cho anh Tửng là lẽ đương nhiên, là trách nhiệm, là định mệnh của hai số phận bất hạnh trên cõi đời này. Từ đó dường như họ ỷ lại, họ phó mặc, họ “khoán trắng” cho chị em tôi. Chị bảo không ai lo thì chị lo, xấu xa gì mà ngại.


Từ ngày sang chăm lo cho anh Tửng, tôi thấy chị tháo vát, hoạt bát hẳn lên. Chị hay cười hay nói, không lầm lì, nín câm như trước. Không những thế, chị còn hay soi kiếng, chải tóc, mặc áo nịt ngực. Tôi ghẹo dạo này chị đẹp quá ta! Mặt đỏ bừng, chị cười: “Con nít biết gì mà xía vô chuyện người lớn”. Từ ngày có chị tôi quan tâm chăm sóc, tôi thấy anh Tửng luôn vận quần áo đàng hoàng, không còn cảnh cởi trần, xà lỏn như trước nữa. Chiều chiều anh lết ra ngõ trông những đám mây hồng lơ lửng treo trên nền trời xanh thẳm. Gần đây tôi thấy chị không được khỏe, người xanh xao. Thỉnh thoảng chị ôm bụng kêu đau. Đau đến nỗi bỏ bữa. Tôi bảo không sao đâu, chắc chị bị giun nó hành. Chị gượng gạo cười: “Chị cũng nghĩ như vậy, mong sao không có chuyện gì xảy ra!”.
Đêm mưa tầm tã, tôi giật mình tỉnh giấc, quờ tay không thấy chị. Mưa gió thế này chị đi đâu? Chẳng lẽ chị sang nhà anh Tửng? Tôi vội choàng áo mưa chạy qua bên ấy. Trong nhà ánh đèn mờ ảo, vàng vọt hắt ra. Cửa không khép, bước vô, tôi trượt chân chút xíu té bổ ngửa. Tôi sững sờ thấy nền nhà ướt trơn như ngoài ngõ. Sống lưng tôi rờn rợn khi thấy trong nhà vắng lặng, không một bóng người. Tôi hốt hoảng kêu nhà có ai không? Từ trong góc nhà tiếng chị tôi run rẩy: “Hà đấy à, em giúp chị kéo mảnh áo mưa sau lưng. Mưa lớn quá trời! Nhà dột tùm lum, ướt ráo trọi, anh Tửng không còn chỗ ngả lưng”. Lúc này tôi mới thấy chị cùng anh ngồi thu lu trong góc giường. Chiếc áo mưa không đủ che kín hai người, lưng chị tôi ướt sũng. Thấy cảnh dở khóc dở cười, tôi nghèn nghẹn bảo sao chị không đưa anh về bên nhà? Anh chị cứ thế này, nước mưa thấm vô người, cảm lạnh nguy hiểm lắm nghe! Chị bảo: “Trời mưa, lầy lội, làm sao anh lết sang được? Thôi, Hà về ngủ ngon mai còn đi học”. Ngần ngừ một lúc, tôi cởi áo mưa choàng kín cho hai người. Về nhà, tôi không sao ngủ được. Bao nhiêu câu hỏi cứ lởn vởn trong đầu: Vì sao chị tôi lại tốt với anh Tửng đến vậy? Có phải họ có tình ý với nhau? Hay vì một lý do nào khác? Những câu hỏi không lời giải cứ bồng bềnh trôi trong giấc ngủ của tôi.
Một hôm đi học về ngang qua nhà dì Năm. Dì kéo tôi vô nhà, thỏ thẻ: “Hà à, con đã biết chuyện gì chưa? Chuyện chị con...”. Tôi sững sờ: “Dạ, chưa”. “Chị con có bầu với thằng Tửng”. Nghe chuyện động trời, chân tay tôi bủn rủn, mồ hôi tươm lã chã, miệng lắp bắp: “Có thiệt... không dì Năm? Chị con là người khuyết tật. Chẳng lẽ?”. Dì Năm nhìn tôi vẻ ái ngại: “Không tin con về hỏi chị con khắc biết...”.
Nửa tin nửa ngờ, tôi hớt hải chạy về. Chị không có nhà. Đã đứng bóng, chị còn đi đâu? Tôi chạy sang nhà anh Tửng, thấy chị đang giác hơi cho anh. Tôi đứng chết lặng, chăm chắm ngó bụng chị. Thấy tôi không vui, chị bảo: “Em ngó gì mà dữ vậy?”. Tôi không kìm được, giọng nóng hực: “Chị không nghe người ta đồn ầm lên sao? Chị còn sang đây. Chị không biết mắc cỡ à”. Mặt chị bỗng tái mét. Chị ấp úng như có vật gì nghẹn trong cổ: “Anh Tửng đang bệnh... đợi chị giác xong. Có gì... về bên nhà nói...”. Anh Tửng thấy vậy bảo: “Thôi Cẩm về đi, giác vậy được rồi...”.
Về nhà, tôi gay gắt: “Người ta đồn chị có bầu với anh Tửng. Hai người tật nguyền, mai mốt sinh con khuyết tật. Hậu quả khôn lường. Chị có hiểu không?”. Chị đứng chết trân, đôi mắt đỏ hoe bảo: “Em phải tin chị. Chị chẳng có bầu bí gì đâu. Họ nói mặc họ”. Tôi hậm hực: “Chị bảo không có gì sao cái bụng lại lùm lùm thế kia. Chị phải chấm dứt ngay quan hệ với anh Tửng. Không tôi bỏ nhà đi bụi cho chị coi!...”. Miệng chị méo xẹo, nghẹn ngào: “Chị cũng không hiểu sao mỗi ngày bụng lại bự ra. Thỉnh thoảng chị thấy quặn đau. Em bỏ đi chị làm sao sống nổi!”. Bất ngờ chị tôi ôm bụng gục xuống. “Con rùa” trên lưng hình như cũng nhấp nhỏm theo tiếng nấc của chị. Thấy vậy, lòng tôi bỗng trào dâng niềm xót thương vô hạn. Nâng chị dậy, dìu lên giường. Dầu còn giận chị, song tôi không nỡ nặng lời thêm.
Hôm sau đi học về, không thấy chị, tôi hớt hải hỏi bà con lối xóm. Không ai biết chị đi đâu. Hoảng quá, tôi chạy qua hỏi dì Năm. Dì bảo, Cẩm nó dặn con, chiều mai nó về. Ở nhà con nhớ mang cơm sang cho Tửng.
Tôi ngóng hoài, chiều hôm sau chị về thật. Chân cà thửng cà thọt, vậy mà tay xách một giỏ đầy. Buông giỏ, lấy ra hai đòn bánh tét, chị bảo đòn này phần em, còn phần này mang sang cho anh Tửng. Chị mang về mười mấy thang thuốc nam. Tôi hỏi thuốc gì, chị ậm ừ bảo thuốc trị bệnh đàn bà ấy mà. Mỗi ngày chị nấu một thang uống. Chẳng hiểu sao trong xóm biết, họ xầm xì chị tôi uống thuốc phá thai. Thật quá đáng! Tôi về mách chị. Chị tôi nổi máu la om sòm. Bà con khuyên mãi chị mới nguôi.
Theo chỉ dẫn của thầy, chị tôi uống mấy đợt thuốc liền, vậy mà cái bụng vẫn bự ra. Đó là điều chị tôi lo lắng nhất. Một hôm học sớm về, tôi thấy chị dùng vải nịt bụng lại. Nịt chặt đến nỗi bụng nhỏ như người bình thường. Tôi hỏi sao chị phải làm vậy? Chị bảo nịt lại cho gọn, để xóm ấp còn kêu chị đi làm, đồng thời để họ khỏi xầm xì chuyện này chuyện nọ... Buông cặp, tôi ôm chầm lấy chị, hai hàng nước mắt ứa ra.
Hôm sau chị nhờ tôi viết giùm tờ đơn. Cầm đơn, chị xăng xái cứ như người thắng kiện ai không bằng! Chị tìm ông ấp trưởng. Coi xong đơn, ấp trưởng ký cái rẹt. Ông bảo việc này cô phải lên xã, lên huyện mới giải quyết được. Chị lại lên gặp ông chủ tịch xã. Coi xong, chủ tịch ký cái rộp. Ông nhìn chị tôi vẻ thương cảm bảo, cô sang Hội Chữ thập đỏ họ sẽ hướng dẫn thêm.
Sáng hôm sau chị tôi lật đật đón xe lên huyện. Sau khi coi đơn và nghe chị tôi trình bày, bà chủ tịch Hội Chữ thập đỏ cảm động bảo chị tôi yên tâm, đợt tới sẽ giải quyết trường hợp cá biệt này.
Về nhà không kịp tắm rửa ăn uống, chị tôi chạy sang báo tin cho anh Tửng. Anh nghi hoặc bảo Cẩm chớ vội mừng. Họ hứa môi hứa mép, khi nào nhận được mới chắc ăn. Chị cười: “Họ nói thiệt đó. Làm cán bộ, không lẽ họ nói dóc!”.
Chị tôi và anh Tửng cũng không phải đợi chờ lâu. Mấy tháng sau, Hội Chữ thập đỏ huyện gửi tặng anh chiếc xe lăn. Bữa ấy có mặt ông chủ tịch xã, ông trưởng ấp và đông đủ bà con trong xóm. Người ta chúc mừng. Người ta đặt anh Tửng lên xe lăn. Người ta hướng dẫn anh tiến tới tiến lui, quẹo trái quẹo phải một cách tỉ mỉ, rồi họ lại tất bật ra về. Đặt anh lên xe, ai là người giúp anh xuống? Không ai khác, người đó đương nhiên là chị tôi. Chị tôi đẩy xe vòng vèo trong sân mấy vòng. Bỗng anh Tửng quay người lại cầm tay chị tôi nói trong thổn thức: “Cám ơn Cẩm đã hết lòng giúp tôi. Không biết lấy gì đền ơn Cẩm, tôi áy náy lắm!”. Chị tôi dịu dàng: “Cẩm giúp Tửng có đáng gì mà ơn với huệ. Tửng có biết tôi xin xe cho Tửng là nhằm mục đích gì không?”. Tửng ngơ ngác, lắc đầu. “Cẩm muốn Tửng có việc phù hợp để làm. Có xe, hàng ngày Tửng ra đại lý vé số đi bán dạo. Có việc làm vừa khỏe vừa vui, lại có đồng ra đồng vào tiêu xài. Bọn mình khuyết tật, ăn không ngồi rồi buồn chịu sao thấu! Mà nhờ vả bà con hoài cũng không nên. Tửng thấy thế nào. Có đồng ý không?”. Tửng xiết chặt tay chị tôi, run run: “Tôi không ngờ Cẩm tốt với tôi đến vậy! Cẩm không chỉ xin xe mà còn tạo cho tôi một công việc...”. Bất chợt chị tôi bắt gặp ánh mắt rạo rực của anh. Chị bối rối, quay mặt giấu một nụ cười hạnh phúc.
***
Ngày tháng mải miết trôi. Tôi linh cảm, thời gian đối với chị đầy bất ổn. Sự bất ổn rất gần, gần tới mức tôi có thể nắm bắt được.
Đang ngủ say, tôi giật mình tỉnh giấc khi thấy chị ôm bụng kêu rên vật vã. Mồ hôi tươm lã chã, người chị lạnh ngắt. Tôi hoảng hốt sang kêu dì Năm và lối xóm. Họ lấy dầu gió và nước nóng chườm bụng chị tôi cả giờ đồng hồ mà không thấy đỡ. Chị tôi vẫn ôm bụng lăn lóc kêu đau. Xem chừng mỗi lúc mỗi đau hơn. Cuối cùng mọi người đưa chị tôi đến bệnh viện. Sau khi chụp chiếu, xét nghiệm và hội chẩn, bác sĩ kết luận: Bệnh nhân có khối u lớn trong ổ bụng, cần phải mổ ngay. Tôi ôm chầm lấy dì Năm, nức nở. Cuối cùng dì Năm đứng ra bảo lãnh.
Mấy đêm thức trắng chăm sóc chị, tôi thiếp đi trong mộng mị. Chị tôi được mổ ngon lành và hết bệnh. “Con rùa” trên lưng chị bỗng dưng biến mất. Bữa ra viện, tôi, dì Năm và anh Tửng đón chị về trong nắng chiều vàng như mật...

No comments:

Post a Comment