Sunday, May 30, 2010

Nước mắt mua Vu Lan

Nước mắt mua Vu Lan Thứ bảy, 22/08/2009 20 giờ 48 GMT+7
Truyện ngắn m NGUYỄN THANH LAN

* Chuyện người mẹ
Tôi sinh trưởng ở Rạch Súc thuộc miền sông nước Cần Thơ, ba má tôi sống bằng nghề nông. Đến tuổi kết hôn, có nhiều nơi mai mối dạm hỏi nhưng ba má tôi đồng lòng gả cho một anh chàng ở thành thị vì muốn tôi có cuộc sống nhàn hạ hơn. Về thành thị thì cũng phải làm việc vì tay có làm hàm mới nhai. Được cái là vợ chồng sống với nhau rất hòa thuận và hạnh phúc. Buổi sáng chúng tôi bán cháo lòng và hủ tiếu, buổi chiều và tối thì bán cà phê và các loại nước giải khát. Cứ bốn giờ sáng, tôi thức dậy đun hai nồi nước to, một nồi để nấu cháo, một nồi để nấu nước súp chế vào hủ tiếu. Ông xã tôi thì phóng lên xe đạp ra chợ mua thịt và xương heo rồi hối hả đạp về để kịp bán. Khi tôi ngồi bên bếp lửa để múc cháo hoặc hủ tiếu vào tô thì ổng chạy bàn và rửa tô chén. Bán xong thì mặt trời gần đứng bóng, hai vợ chồng cùng nhau nấu cơm và ăn trưa rất vui vẻ. Nghỉ trưa một chút, tôi thức dậy nấu chè đậu, cùng nấu một vài thứ trái cây để bán cocktail, ổng lại phóng lên con ngựa sắt để mua cà phê bột và chở về một cây nước đá. Buổi tối, ngoài việc chạy bàn và rửa ly, ổng phụ giúp tôi bào nước đá vì sợ tôi làm nhiều quá mỏi tay.
Cứ lặng lẽ và miệt mài làm việc như thế sau vài năm, chúng tôi mua được vài công đất.
Khi tôi có thai, ông xã mừng khấp khởi. Sinh ra được một đứa con gái, thấy ổng vui nhưng không vui lắm, tôi hiểu tại sao. Tôi cũng muốn sinh thêm một đứa con trai nhưng sau đó thì bệnh liên miên. Hết tây y chuyển qua đông y rồi chuyển trở lại tây y, đi hết bệnh viện trong tỉnh rồi đến các bệnh viện ở thành phố Hồ Chí Minh, riết rồi như “bệnh viện là nhà, bác sĩ là người thân”. Một hôm nọ, khi đi thăm khu vườn trồng cây ăn trái sau nhà, tôi thấy cần đi tiểu tiện, mà trở vào nhà thì xa, tôi đành ngồi xuống một gốc cây. Và rồi sau khi đi một vòng thăm vườn, tôi thấy mệt nên ngồi nghỉ ở gốc cây ban nãy, thấy bầy kiến vàng xúm xít nơi ấy. Tôi chợt hiểu ra. Bèn đến bệnh viện để xét nghiệm. Bác sĩ nhìn tôi với vẻ ái ngại: “Chị bị bệnh đái tháo đường”. Tôi choáng váng nhưng chồng tôi an ủi: “Bệnh quỷ cũng có thuốc tiên, em đừng lo gì hết”. Cuộc chiến đấu chống lại căn bệnh này bắt đầu, đây là một cuộc chiến dằng dai không cân sức, mà người thua cuộc là tôi. Khi trước, tôi rất thích ăn chè, bánh, mứt, nay đành từ biệt. Chồng tôi mua đường thuốc để nêm nếm vào thức ăn của tôi. Quả tình trong giai đoạn đầu, khi ăn vào tôi thấy nhờn nhợn vì nó không ngon lành gì hết. Nhưng riết rồi cũng đành chịu, khi phải “sống chung với bệnh”. Bạn bè, thân nhân mách cho đủ thứ, nào là luộc đậu đũa để ăn và lấy nước uống, nào là thịt bằm với ổi sống rồi chưng cách thủy, nào là ốc bươu hấp rượu v.v. có ăn qua rồi mới biết mùi vị của chúng khó nuốt như thế nào. Chưa kể món khổ qua hiện diện thường xuyên trong chén của tôi, cứ là khổ qua luộc, xào, kho, nấu canh... nấu nướng cách nào thì vị đắng của nó cũng cứ thấm vào lưỡi, vào mũi. Cái bệnh gì mà khổ, các món ngon ngọt trên đời này thiếu gì mà không được ăn, chỉ ăn toàn những thứ chát đắng. “Phước bất trùng lai, họa vô đơn chí”, tôi lại phát hiện ra thêm là mình bị sạn thận. Mà vì đang bị tiểu đường không thể mổ lấy sạn. Cho nên phải tìm thuốc uống để cục sạn bị mòn dần. Thế là phải uống thêm nào kim tiền thảo, nào lá từ bi vắt nước hòa với bia, nào khóm nướng vắt nước uống với men cơm rượu... Lá từ bi còn đắng gấp mấy lần khổ qua, phải bịt mũi để uống cho hết, uống rồi thì lấy tay bịt miệng lại để đừng nôn thốc nôn tháo.
Chồng tôi vất vả trăm bề vì trước đây có hai người cùng làm, bây giờ thì chỉ có ổng là trụ cột chính. Con gái tôi thì vô tư, chỉ có cắp cặp đi học rồi về nhà thì nhởn nhơ ăn, ngủ, đi chơi, chẳng hề phụ giúp gì cho cha mẹ nó. Được cái nó học rất giỏi. Mỗi khi đi họp phụ huynh học sinh, chúng tôi đều phổng mũi vì nghe giáo viên khen ngợi cháu. Nó cứ học một lèo từ cấp một, cấp hai, cấp ba rồi lên đại học. Trong những cơn đau quằn quại, tôi cố nén không rên để chồng đừng lo, để con đừng bị phân tâm trong việc học. Mà nó cũng vô tình thật, cứ ung dung học hành. Có lần tôi nằm viện hết ba tuần lễ mà nó chỉ vào thăm qua loa, nói là bận ôn thi. Một bữa ăn đám giỗ, nó ngồi cạnh người dì. Dì nói: “Sao ít thấy con lo cho má?”. Nó nói: “Tại con phải lo học để sau này bon chen với đời, có việc làm ngon lành thì mới có nhiều tiền lo cho ba má lúc tuổi già”.
Sau khi xuất viện, tay và chân phải của tôi bị giảm chức năng, khi đi thì chân hơi cọ quẹt trên mặt đất, còn cánh tay phải thì vụng về như bà già tám mươi. Khi đi khám bệnh, trong thời gian dằng dặc chờ đợi bác sĩ kêu đến tên mình, bệnh nhân chúng tôi kháo chuyện với nhau. Họ nói bệnh tôi như vậy là còn nhẹ, còn may, chứ tiểu đường mà bị sạn thận lẫn huyết áp cao như thế có nhiều người bị tai biến mạch máu não thành bán thân bất toại phải nằm một chỗ, tiêu tiểu cũng phải có người lau chùi và thay quần áo cho. Nặng hơn nữa thì trở thành người thực vật, cứ nằm hôn mê bất tỉnh nhân sự, người thân cứ đến giờ thì đổ thức ăn, thức uống vào ống thông tới dạ dày. Thế thôi, người thực vật cứ như một khúc cây, tất cả lệ thuộc vào sự chăm sóc của thân nhân.


Con tôi tốt nghiệp đại học. Hồi tôi mới phát bệnh, con mới học lớp một, nay nó tốt nghiệp đại học, vậy là tôi bệnh dai dẳng mười sáu năm rồi. Lúc sau này chồng tôi thấy tôi bệnh nhiều khó thể giúp buôn bán nên dẹp tất cả đồ nghề buôn bán, theo các bạn làm nghề điện, sáng đi chiều về. Thỉnh thoảng có những công trình lắp điện ở xa thì ổng đi cả tuần lễ mới về. Ổng vẫn săn sóc tôi ân cần chu đáo, nhưng tình vợ chồng thật ra chỉ còn cái nghĩa, vì tôi không thể đáp ứng cái tình được. Ngày ăn mừng con tôi tốt nghiệp đại học cũng là ngày lễ đính hôn của nó. Vì tôi chỉ có một đứa con nên đề nghị với đàng trai là gả ở chứ không gả đi, bên ấy thì có đông con trai nên cũng đồng ý. Hai vợ chồng nó đều có mức lương cao, bên nhà chồng cho tiền chúng nó mua được cái nền nhà ở gần nhà tôi. Chúng nó dành dụm cùng vay mượn thêm, xây cất được ngôi nhà hai tầng rất khang trang, rước vợ chồng tôi về ở chung cho vui. Căn nhà cũ thì khóa lại, chờ bán hoặc cho thuê. Nhà mới rất đẹp, nhưng vợ chồng tôi không thấy vui. Số tiền nợ trở thành gánh nặng cho chúng nó, nên những bữa ăn trở nên thật thanh đạm, mà gương mặt chúng nó thường dàu dàu khiến vợ chồng tôi cảm thấy áy náy, mặc dù có góp gạo nấu cơm chung. Buổi sáng trước khi đi làm, con gái tôi vuốt ve con chó nhỏ rồi phóng lên xe máy cùng chạy song song với chồng nó, nói nói cười cười chứ không hề ngó ngàng gì đến vợ chồng tôi. Tôi nhớ căn nhà cũ, chồng tôi cũng vậy, thế là chúng tôi trở lại mái nhà xưa.
Rồi tôi được làm bà ngoại. Nhìn đứa bé kháu khỉnh có nhiều nét giống mẹ nó ngày xưa, tôi thấy tình thương dào dạt. Con tôi mướn một người giữ trẻ và làm công việc trong nhà, nó năn nỉ tôi nhờ đến trông hộ nhà cửa những lúc nó đi vắng, tôi vui vẻ nhận lời ngay vì thấy mình vẫn có ích cho con và lại được gần gũi cháu.
Lúc này con gái tôi rất thường tới lui gần gũi tôi. Có lẽ là sau khi có con, nó đã biết thế nào là chín chữ cù lao. Và cũng có thể là nó thông cảm vơi nỗi buồn của người mẹ đau yếu triền miên nên không được hưởng trọn vẹn hạnh phúc gia đình. Chỉ cần con tôi thương tôi như thế là tôi đã mãn nguyện rồi. Chồng tôi càng cưng chìu tôi rất mực.
Một ngày nọ, chồng tôi vừa lãnh tiền công, ổng biểu tôi lên xe ổng chở đi siêu thị sắm đồ. Chuyến về, gần tới nhà bỗng tôi thấy mệt và chóng mặt. Tôi hối thúc ổng về mau mau. Xe ngừng ngay cổng nhà, nhưng chân tôi chợt lạnh và nặng như hóa đá, đầu óc quay cuồng. Chồng tôi hốt hoảng tri hô lên, những người buôn bán ở gần đó đổ xô tới. Tôi cảm thấy họ xúm đến khiêng tôi vô nhà, tôi nôn thốc nôn tháo rồi chìm vào cơn mê nặng trĩu...
2 - Chuyện người cha
Tôi được nhiều người khen là đẹp trai, ăn nói vụng về nhưng có duyên, có nhiều tài vặt như: làm ảo thuật, đàn hát kể cả làm thơ, sửa điện, sửa ống khóa.... Những ngón nghề trên là tôi học lóm chứ không qua trường lớp chính qui nào cả. Tôi còn chưa nói rằng tôi còn có nghề xem chỉ tay. Đây mới thật sự là điều thu hút phái nữ, vì các cô bạn ai cũng muốn biết trước hậu vận của mình. Mà “Tổ” cũng độ tôi hay sao ấy, mỗi lần tôi “phán” thì hình như các cô tự suy luận thấy đúng bon hoàn cảnh của riêng mình, nên lại càng tin dữ. Do vậy có cô mê tôi vì tiếng đàn giọng hát, có cô thích tôi vì tôi nói chuyện y như nhà tiên tri. Khi cha mẹ tôi thấy tôi “du học” ở Sài Gòn tạm gọi là thành tài thì kêu về Cần Thơ để cưới vợ rồi mua bán làm ăn với người ta, chớ lông bông hoài sao được. Trời hỡi, thời buổi này mà còn bị ép lấy vợ nữa, trong khi người ta có cả đống bạn là con gái Sài Thành. Nhưng khi được bố trí đi xem mắt “cô ấy” thì tôi có cảm tình ngay và lí nhí nói : “Dạ, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy ạ!”. Vợ chồng tôi vô cùng hạnh phúc. Nếu nàng sản sinh cho tôi một hoàng tử nữa thì hạnh phúc này thật viên mãn. Tôi “biết điều” như thế nhưng không hiểu sao Con Tạo trêu ngươi dường như thử thách tôi vậy. Vợ tôi đang mạnh khỏe, hồng hào như vậy bỗng mắc liên tiếp nhiều chứng bệnh. Mấy công đất tậu được rồi cũng phải bán dần để trị bệnh cho bả. Thôi kệ, người sống là đống vàng mà. Có những lúc dường như bà ấy đã bình phục, cười với tôi xem có duyên ớn. Nhưng thật ra, mầm bệnh vẫn đang tiềm ẩn, hủy hoại dần sức khỏe của người vợ yêu quý. Trong khi đó, tôi, một người đàn ông trung niên tràn trề sinh lực... Tôi có tìm nơi để giải quyết phần sinh lực dư thừa, nhưng chưa bao giờ có ý nghĩ phụ bạc người vợ tào khang.
Hôm đó lãnh được món tiền công kha khá, tôi rủ vợ đi siêu thị chơi, khi về đến nhà thì phát sinh chuyện. Thấy vợ rũ xuống như tàu lá chuối héo, tôi hoảng hốt kêu ầm ĩ. Nhiều người xúm đến tiếp khiêng bà ấy vô nhà. Tôi run run bấm điện thoại báo cho con hay và gọi xe ta-xi chở bà ấy đi cấp cứu. Vợ tôi tiếp tục nôn mửa trên đường đi và ngay cả khi vào bệnh viện. Siêu âm cho biết bà ấy bị tai biến mạch máu não trái, trúng nhằm mạch máu rất sâu không thể nào giải phẫu. Con tôi bật khóc, tôi thì chết điếng trong lòng. Bác sĩ bảo đây là đột quị, phải qua mười ngày thì mới tạm kết luận về bệnh trạng. Thương cảnh nhà tôi đơn chiếc, bà con nội ngoại luân phiên vô bệnh viện giúp chăm sóc bệnh nhân cả ngày lẫn đêm. Quá thời hạn mười ngày, ai nấy thở phào nhẹ nhõm, hy vọng vợ tôi sẽ bình phục. Tay và chân phải của bà ấy bị liệt, bù lại tay và chân trái hoạt động huơ qua huơ lại rất dữ, thỉnh thoảng mắt mở lờ đờ rồi nhắm lại ngay. Bác sĩ phải đặt ống thông vào dạ dày để đổ súp, đổ sữa. Con tôi xin công ty nghỉ chỉ được mấy ngày đầu, sau đó phải tiếp tục đi làm, mọi sự để tôi và bà con chăm sóc giùm. Tội nghiệp, buổi trưa con tôi chỉ ăn qua loa rồi chạy vô bệnh viện lau mặt lau tay hoặc đút cho mẹ nó chút nước cam vắt, xong phải hộc tốc đi làm buổi chiều. Buổi tối, sau khi lo cơm nước và săn sóc đứa con nhỏ, nó trở vô bệnh viện vuốt ve mẹ, nói chuyện với mẹ. Gọi là nói chuyện thật ra chỉ là độc thoại vì bà mẹ có nói chuyện được đâu. Khi về, nó gom hết những quần áo dơ của mẹ đem về giặt. Tôi thấy con gầy rộc đi. Còn bản thân tôi, tôi không nghĩ tới, nhưng những người thân gặp tôi đều quở là sao tôi phờ phạc quá, coi chừng lỡ ngã bệnh thì khổ, đứa con phải lo cho cả cha và mẹ. Con tôi lặng im săn sóc mẹ, chẳng hề có câu nói với cha. Tôi nghĩ nó hờn giận điều gì đó, nhưng chẳng biết đó là điều gì, vì suốt thời gian qua tôi toàn tâm toàn ý lo nuôi vợ, có khi mệt không muốn ăn và không thể ngủ được. Chỉ khi nào có người trực thay, tôi mới tạm ngả lưng, lấy điện thoại di động ra chơi games cho đỡ căng thẳng thần kinh rồi họa hoằn khi mỏi mòn quá thì ngủ thiếp đi một chút. Thấm thoát vợ tôi nhập viện đã ba tháng, nhưng vẫn cứ nằm thiêm thiếp trong giấc ngủ triền miên. Tết Nguyên đán sắp đến với những nụ mai xanh tươi chúm chím, bác sĩ cho vợ tôi xuất viện: “Để các bác còn về nhà ăn tết nữa chứ, sau đó cứ hai tuần thì đưa bác gái đến tái khám”. Tôi lo sợ: “Hay là đã đến nước thầy chạy, bác sĩ chê rồi!”, nhưng rồi lắc đầu xua ý nghĩ đó.
3- Chuyện người con
Tôi sinh ra đời dưới một ngôi sao may mắn. Vì dù gia đình không phải giàu có, tôi được cha mẹ hết sức cưng chìu, lo lắng từng li từng tí. Trời lại phú cho tôi đầu óc thông minh, học đâu hiểu đấy. Tôi là niềm hãnh diện cho cha mẹ, ông bà. Bên nội vốn có truyền thống hiếu học, cho nên việc tôi miệt mài học tập được ông bà nội và các cô chú khuyến khích, làm ngơ cho tôi cái tánh “lươi huyền” không thèm rớ tới việc nhà. Mà mẹ tôi cũng hết mực thương con, cho nên bà chỉ hề hà với lối xóm: “Thôi kệ, nó ăn chưa no lo chưa tới, khi nào lớn hẳn hay”. Trong mắt của người mẹ thì luôn luôn con mình là còn nhỏ dại. Và tôi thì ỷ lại vào tình thương đó, nghĩ đó như là chuyện đương nhiên. Học giỏi, đỗ đạt cao, lãnh lương lớn, gặp người chồng tốt, bên nhà chồng khá giả cho tiền mua đất cất nhà. Hình như tôi chỉ mới biết lo nghĩ suy tính từ sau khi cất nhà, vì ham cất đẹp cho bằng chị bằng em mà chúng tôi phải gánh số nợ quá lớn. Thương ba má hồi nào tới giờ ở trong căn nhà nhỏ bé, cũ kỹ, tôi bàn với chồng nên rước cha mẹ tôi về ở chung. Chồng tôi nhất trí, vì ít khi nào anh làm phật ý tôi. Tôi rất hãnh diện khi nghe cô bác láng giềng khen: “Ồ, anh chị Tám có phước quá, bây giờ được ở nhà cao cửa rộng, con cái phụng dưỡng đủ đầy”. Chúng tôi làm thinh, không dám tiết lộ rằng nợ của chúng tôi đang đầy ra đấy, vì sĩ diện, và cũng vì nghĩ rằng họ giúp lời chứ đâu giúp của, giúp đũa chứ đâu giúp cơm. Tôi rất yêu quý chồng tôi, vì đó là người cùng chia sẻ thương yêu bùi ngọt cùng gánh nặng cuộc đời. Hình như mẹ tôi không vui, vì thấy “cục cưng” của bà dồn tình cảm cho người khác. Nhưng mẹ ngày xưa cũng vậy, mẹ cũng rời bỏ nhà ông bà ngoại để lo cho hạnh phúc riêng của mình đấy thôi. Còn con hiện nay thì không rời bỏ, trái lại đã rước cha mẹ về ở chung nhà, khi nào nợ vơi thì sẽ ăn uống sung sướng hơn, tạm thời xin đồng cam cộng khổ. Có lẽ vì mẹ bị nhiều căn bệnh hành hạ, và suốt ngày mẹ ở nhà vò võ một mình nên thường có ý nghĩ bi quan. Con đâu thể ngày nào cũng phải thanh minh, giải thích, vì con có những nỗi lo âu riêng khi phải chen chân trong xã hội. Rồi cha mẹ trở lại căn nhà xưa, khiến trong lòng con hụt hẫng. Cũng may đứa cháu ra đời làm sợi dây nối cho tình cảm gia đình trở lại gần gũi. Những ngày chủ nhật không đi làm, tôi thường ẵm con đến nhà mẹ, lui tới thăm dò xem tâm trạng của mẹ thế nào, rất vui khi thấy sức khỏe mẹ vẫn bình thường. Nhưng thình lình mẹ bị đột quị, bác sĩ khuyên nên chuẩn bị tâm lý. Lúc này tôi mới giật mình, vì chưa đáp đền được chút gì trong muôn một. Những lúc lau rửa cho mẹ, bàn tay trái của mẹ có khi nắm chặt tay tôi, dù tôi biết rằng đó chỉ là cử động vô thức chứ mẹ còn hiểu biết gì đâu, nhưng con vẫn xúc động đến chảy nước mắt. Phải chi ngày trước lúc mẹ còn đủ tri giác mà mình có can đảm bày tỏ với mẹ. Tôi nhớ khi đọc tác phẩm “Bông hồng cài áo” của thiền sư Nhất Hạnh có đoạn: “Chiều nay, khi đi học về, hoặc khi đi làm việc về, anh hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và thật bền. Anh sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi anh sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ, để trông thấy mẹ và để biết rằng mẹ đang sống và đang ngồi bên anh. Cầm tay mẹ, anh sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Anh hỏi: “mẹ ơi, mẹ có biết không?”. Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên và sẽ nhìn anh, vừa cười vừa hỏi: “biết gì?” - Vẫn nhìn vào mắt mẹ, vẫn giữ nụ cười trầm lặng và bền, anh sẽ hỏi tiếp: “mẹ có biết là con thương mẹ không?”. Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù anh lớn ba bốn mươi tuổi, chị lớn ba bốn mươi tuổi, thì anh cũng hỏi câu ấy, chị cũng hỏi câu ấy, em cũng hỏi câu ấy. Bởi vì anh, bởi vì chị, bởi vì em đều là con của mẹ. Mẹ và anh sẽ sung sướng, sẽ được sống trong ý thức tình thương bất diệt. Và ngày mai mẹ mất, anh sẽ không hối hận, đau lòng, tiếc rằng anh không có mẹ”.
Tiếc rằng, khi mẹ còn mạnh khỏe, tỉnh táo, tôi đã không hỏi mẹ câu đó. Trong niềm ân hận đối với mẹ, tôi thấy buồn giận cha. Bệnh tình của mẹ trầm trọng như thế mà sao cứ thấy cha hay cầm điện thoại di động bấm tới bấm lui hoài nhỉ, liên lạc với người đàn bà nào vậy?
Lâu lắm rồi tôi không đi chùa. Đêm nay rằm tháng bảy, tôi đến chùa cầu nguyện cho hương linh của mẹ được vãng sanh miền Cực Lạc. Đứa em bà con vừa dắt xe vào bãi giữ xe vừa nói: “Đáng lẽ hôm nay em hẹn với bạn chơi games, nhưng thôi, đi chùa cho được phước”. – “Em ghiền chơi games lắm hả” – “Chơi games vui lắm chớ, chính cậu Tám - ba của chị - cũng ghiền lắm, mà cậu chơi trong điện thoại di động thôi” – “Hả? Chơi games trong điện thoại di động à? Ủa vậy ra...”.
Tiếng đọc kinh Vu Lan và Báo hiếu đều đều vang bên tai tôi. Tôi miên man suy nghĩ, chẳng hiểu mình có trách lầm cha hay không? Tôi máy móc niệm theo: “Nam mô đại hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát”. Các sư cô bưng mâm hoa hồng chuẩn bị cài áo cho Phật tử, có bốn loại tất cả: bông hồng nơ xanh, bông hồng nơ trắng, bông trắng nơ xanh, bông trắng nơ trắng - khiến tôi ngẩn ngơ. Lâu quá không đi chùa nên mình không hiểu hết, chỉ biết rằng “Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng”. Vị sư cô dịu dàng giải thích: “Nếu con còn cha thì được cài nơ xanh, nếu cha qua đời thì cài nơ trắng. Vậy con cài loại bông và nơ nào?”. Tôi chỉ vào bông hoa màu trắng có nơ xanh mà nước mắt chợt ứa ra.

No comments:

Post a Comment