Sunday, May 30, 2010

Con gần, con xa

Truyện ngắn * NGUYỄN KIM Con gần, con xa
Thứ hai, 26/10/2009 09 giờ 16 GMT+7

Bà Năm nằm duỗi chân trên võng, bình thản hứng cơn gió mát thổi nhè nhẹ từ hướng bờ kinh. Từng đàn chim bay nhanh theo đội hình rẽ quạt như nôn nóng về tổ trước khi bóng đêm ập xuống. Một thoáng cảm giác êm đềm, thơ thới của tuổi già. Bất giác, bà chăm chú nhìn hai bàn tay mình: những vết chai sần, khe nứt không liền da gợi nhớ quãng thời gian dài mấy mươi năm dầm sương dãi nắng trên ruộng đồng, kinh rạch để kiếm sống cho mình và nuôi bốn đứa con nhỏ dại. Bà cười buồn tự ví bàn tay mình giống như nhánh gừng cong queo... à mà không phải, nó giống củ khoai từ háp nắng thì đúng hơn. Ông Năm hiền lành, thương vợ thương con mà mất đi thiệt đột ngột quá chừng. Bà Năm nhớ lại lúc con út Hậu được hai tuổi thì phát nóng sốt ba ngày không dứt. Ông nóng ruột chống xuồng vượt sông Cái tìm thầy hốt thuốc, mặc bà can ngăn bởi lo dòng nước lũ tháng mười còn cuồn cuộn ngoài kia. Lúc trở về, xuồng lật úp và tới chiều bà con tìm thấy xác ông vướng vào gốc bần già, tay còn ghì chặt cái giỏ đệm đeo bên hông, trong đó ba thang thuốc Nam gói trong giấy báo ướt sũng.
Bẵng đi nhiều năm cơ cực, nỗi đau lại ập đến. Ngay hôm hăm lăm tháng Chạp tảo mộ ông bà, nhà nghèo cúng kiến có con vịt, bà Năm còn nhớ rất rõ. Khuya đó, chừng ba giờ sáng thằng Nghĩa, hai Nghĩa, về thăm bà. Nó ở trần, mặc cái quần nylon dầu còn ướt nước, túi dết đeo hông. Bà sợ cho con, thương cho con, nước mắt chảy ròng ròng. Thằng cứng rắn giống cha, nó ôm bà, thì thầm nói chuyện thời thế rồi an ủi bà gắng chịu đựng mà sống. Trong bóng tối, bà xúc cho bịch gạo, mớ cá trắng kho mặn rồi hối thúc con đi mà lòng đau như cắt. Gần sáng, nghe súng nổ rộ hướng đầu kinh, bà hối hả ra chợ nghe ngóng vừa kịp thấy... thấy tụi lính biệt kích kéo lê xác thằng Nghĩa phơi thị uy ở cột đèn bến ghe. Bà nghẹn thở, đổ sụp xuống như thân chuối gầy gặp bão...
Mãi theo dòng suy nghĩ, út Hậu đến bên cạnh bà lúc nào không hay:
- Má nằm ngoài này gió máy quá chừng... ủa... má khóc hả?
Cầm tay con gái, bà Năm đăm chiêu:
- Hổng sao đâu con! Chà... tới Tết này mày cũng... cũng bốn mươi rồi. Má giờ còn lo mỗi mình con, hồi đó tại má...
Hậu cúi xuống, gượng cười:
- Tại con muốn vậy, lỡ... con có chồng rồi má hủ hỉ với ai đây? Mà bỏ chuyện đó đi... à... má ơi! Tuần sau giỗ ba có vợ chồng anh Ba với anh Tư về, phải cúng kiến cho tươm tất một chút...
- Ờ... nhưng liệu vừa sức thôi. Mấy đứa cũng tệ, hay khoe khoang giàu có đủ thứ cùng thiên hạ mà tới giỗ cha chẳng nghe phụ trợ em út chi hết. Má nuôi các con nên biết tính ý từng đứa mà!
- Má đừng nói, mấy ảnh nghe được lại buồn. Ai biết bổn phận thì biết. Con mới lãnh tiền dạy kèm ngoài giờ, mình làm khéo khéo chừng ba mâm mời ít chòm xóm cho có qua có lại. Thôi, con vô hâm lại xoong cháo, chút má ăn...
Nhìn theo cô gái út bằng ánh mắt thương yêu, bà Năm cảm thấy mình được an ủi rất nhiều...
... Chín giờ sáng, vợ chồng anh Ba đi xe con từ Sài Gòn ngang Long An rước luôn anh Tư cùng về dự đám giỗ cha. Bà Năm vui mừng lẫn chút hãnh diện với những người hàng xóm đến phụ nấu nướng. Hậu ra chào anh chị, sắp xếp bánh trái lên bàn thờ rồi trở ra sau bếp. Bà Năm săm soi chiếc áo ấm con dâu mua cho, tần ngần nhìn dòng chữ ghi đậm bên trong lai áo, ngước lên dò hỏi. Anh Ba cười thản nhiên:
- Con viết “áo này tặng riêng má” đó mà!
Anh Tư bỗng dưng cười khan. Bà mẹ lắc đầu vẻ không bằng lòng:
- Con ghi vậy hơi kỳ, hổng lẽ con sợ ai đó ngoài má lấy áo này bận hay sao?
Không ngờ phản ứng của mẹ, anh Ba hơi lúng túng phân trần:
- Dạ...tánh con quá cẩn thận, thành ra...
- Thôi, bây lo phụ một tay sắp xếp bàn ghế sẵn. Con Hậu nó thức từ bốn giờ sáng làm gà vịt cực vàng trời, nãy giờ nhờ bà con chắc sắp dọn cúng được rồi! À... sao vợ thằng Ba hổng cho sắp nhỏ về chơi?
Cô con dâu nhỏ nhẹ trả lời:
- Dạ... nghỉ lễ nhưng tụi nó học sớm học chiều. Vợ chồng con về đám giỗ đây cũng phải tranh thủ thời gian lắm. Nhờ chị giúp việc giỏi giang đưa rước, bằng không vợ chồng con có lẽ khó mà về được...
Anh tài xế ngồi gần nói xen vào:
- Bác Năm thấy đất Sài Gòn làm ăn bon chen, công việc anh chị Ba đây dồn dập bất kể giờ giấc...
Bác Năm thở dài, buông thỏng một câu:
- Ờ... ngẫm ra người ta bị lệ thuộc nhiều cũng vì ba cái đồng tiền, đời nào cũng vậy!
... Hai anh em trầm ngâm đi quanh miếng đất cạnh gian nhà trồng chừng hai chục gốc dừa và cái ao nhỏ. Anh Ba chỉ tay vào nhà, giọng tự hào:
- Chú thấy tôi bỏ ra hai chục triệu sửa lại căn nhà, xây tường khang trang cho má dưỡng già có xứng đáng không? Lúc trước nhà vừa thiếc vừa lá coi thiệt tệ... Con út Hậu vậy mà có phước, sẵn ổ...
Coi bộ khó chịu, anh Tư chậm bước:
- Anh cho tôi nói lại...Trước đây là nhà tình nghĩa do chính quyền xã và phòng giáo dục phối hợp giúp đỡ xây cất. Anh chê xấu, bỏ tiền ra cất lại cho má thuận tiện sinh hoạt là từ lòng hiếu đạo. Tôi nghèo nên... bó tay. Nhưng cũng có chút buồn và khó xử mỗi khi chạm mặt anh em, bà con trong xã cho dù họ chẳng nói chi. Giá như anh tính sớm một chút, nhường suất nhà đó cho bà con gặp khó khăn hơn thì tốt biết bao!
- Ờ... tôi quên nghĩ tới chuyện ấy. Thôi, mình vô đốt nhang cho ba!
Đám giỗ chỉ có ba mâm nhưng không khí thật ấm cúng, cởi mở giữa tình láng giềng. Xong tiệc, cả nhà quần tụ nói chuyện ở bộ ván trước sân. Cô Út bưng mấy thúng chén dĩa ra cầu ao rửa nên không có mặt. Bà Năm dè dặt mở lời:
- Nhà nước sắp làm lộ lớn tráng nhựa, hổm rày đo đạc, vận động những nhà hai bên đường. Đất mình thụt vô mất đâu chừng sáu chục mét vuông, má hổng xin đền bù...
Anh Ba cắt ngang lời:
- Uổng! tấc đất tấc vàng. Con ở thành phố...
Bà Năm cười hệch hạc:
- Trên con khác. Ở đây đất rẻ rề... Với lại, đường mở rộng thì dân mình có lợi trong chuyện đi lại, làm ăn, má ký tên rồi. Sẵn dịp, người ta làm giấy nhà đất luôn. Má định cho con Hậu đứng tên cho nó an tâm, tội nghiệp...
Lấy cớ phụ Hậu, vợ anh Ba bước ra ngoài. Anh Tư đốt điếu thuốc, nhìn lên làn khói:
- Má tính vậy cũng phải, nó đơn chiếc mà cực công gần gũi, chăm sóc má. Xin lỗi má... con vì sinh kế, hoàn cảnh sống xa xôi...
Anh Ba trầm ngâm:
- Hay má sang tên cho nó cái nhà này thôi, còn cuộc đất kế bên để con với chú Tư...
Anh Tư lắc đầu:
- Tôi lập nghiệp bên vợ, má đã cho miếng ruộng bán lấy tiền làm vốn rồi, giờ tôi đâu dám đòi hỏi gì nữa!
Ngó bâng quơ ra con kinh dài tít tắp, bà Năm chợt thấp giọng:
- Tự nhiên má nhớ anh Hai bây...Lúc đồn bót giăng giăng, bom đạn cùng trời... má gởi mấy đứa ra nhà cậu Sáu ở Mỹ Tho học hành. Thằng Nghĩa năm ấy mười bảy tuổi, nhất định không đi mà đòi vô du kích, đòi thoát ly theo mấy anh mấy chú đánh giặc. Cha bây ưng ý gật đầu liền, năm sau xui rủi ổng chết. Còn anh Hai bây, tới giáp tết năm...
Im lặng một lúc, bà mẹ nói sang chuyện khác:
- Má suy nghĩ lung lắm... Trong nhà có thằng Ba được ăn học tới nơi tới chốn, giờ làm ăn thành đạt. Hồi đó, cả nhà chịu cực khổ, lam lũ, dành dụm cho con an tâm học hành không thua sút bạn bè, rồi má còn lo vợ cho bây. Ông bà nói giàu út ăn, nghèo út chịu, má nghèo thì con Hậu chịu. Giờ má mới nói, hồi nó học Cao đẳng sư phạm trên tỉnh, thấy eo hẹp quá má tính hỏi xin thằng Ba hàng tháng giúp phần nào, con Hậu khăng khăng không đồng ý. Chừng má lên thăm, biết nó làm thêm kiếm tiền đi học. Tan trường phải hối hả đi làm, đứng bán hàng từ sáu giờ chiều tới mười giờ đêm, nó chịu đựng mà chưa hề mở miệng trách ai một lời. Ngồi xe đò về nhà, má khóc suốt...
Anh Ba chớp chớp mắt ngó mông xa xa. Anh Tư bóp nhẹ đôi tay gầy của mẹ, khóe mắt rưng rưng. Ngó kỹ khuôn mặt hai con trai, bà Năm chợt cười:
- Hai đứa tóc cũng có sợi bạc rồi, mau thiệt! Má thương con Hậu, hồi lâu có mấy đám đánh tiếng hỏi mà nó hổng chịu ai, cứ biểu ở vậy để lo lắng, ủi an má. Riết má phát giận. Năm rồi má bệnh, tụi con về thăm rồi đi. Suốt hơn nửa tháng trời, con Hậu không an giấc để trông chừng má, chuyện dơ dáy cũng một tay nó. Em con dạy học trường xã, lương có là bao mà chậm trễ hoài, phải may vá thêu thùa thêm. Không phải má trách, nhưng lỡ mai đây má có mệnh hệ gì chưa chắc tụi con về kịp vuốt mắt má mà chỉ có em con kề cận thôi. Chung núm ruột thì cùng xót cùng đau con ơi!...Chuyện đất đai nếu đứa nào buồn vui thì má sẵn sàng chia liền, má không muốn anh em hờn giận nhau...
Hậu khệ nệ kéo quày dừa xiêm từ nhà sau lên, cười vui:
- Biết mấy anh ưa uống nước dừa, hồi qua em nhờ người ta hái sẵn. Tiện xe, chừng về chở hai bao dừa em đã lột vỏ cho tụi cháu... Ý! em quên lấy ly...
Cổ họng anh Ba như nghẹn thắt. Anh Tư dũi dụi mắt bỏ ra ngồi tán chuyện cùng anh lái xe nằm võng tòng teng ngoài vườn. Người con dâu khoác chiếc áo ấm cho mẹ chồng. Bà Năm cài nút, vô tình lật lai áo lên thấy dòng chữ ghi tặng đã được xóa sạch. Ôm vai mẹ, anh Ba thấp giọng:
- Giấy tờ nhà đất, má nhắc út Hậu làm luôn quyền sở hữu nhà nghen! Lệ phí trước bạ này nọ để con lo giúp cho. Con xin lỗi má...
Vui theo tâm trạng của chồng, vợ anh chỉ tay ra hàng dừa nhắc nhở:
- Tháng này trời giông gió nhiều, má đừng đi ra đó thường...nguy hiểm lắm!
Hậu nắm tay anh Tư lại chỗ quày dừa. Ngước lên nhìn mẹ thấy thoáng nét cười trong cái gật đầu, anh vung vài nhát dao bổ dừa, miệng reo lên:
- Vừa ăn quá! nhỏ Hậu giỏi thiệt...
Đưa ánh mắt bao dung nhìn các con rồi lướt qua bàn thờ chồng cùng đứa con trai lớn, bà Năm cảm thấy mãn nguyện với cảnh gia đình đoàn tụ, thuận hòa...

No comments:

Post a Comment