Sunday, May 30, 2010

Mảnh trăng con gái

Mảnh trăng con gái Thứ bảy, 12/12/2009 21 giờ 02 GMT+7
Truyện ngắn của NHẬT HỒNG
Gia đình tôi ba má lần lượt qua đời chỉ còn lại anh em tôi nên tình cảm sâu đậm lắm! Tôi lớn hơn Nga, em gái tôi chín tuổi. Năm tôi dự định thi đại học má tôi qua đời. Tôi đành nghỉ học ở nhà chăm sóc mảnh vườn nuôi Nga ăn học. Nhớ khi má hấp hối trên giường bệnh thều thào nói với tôi: “Hai con ráng đùm bọc yêu thương nhau, nếu có điều kiện nên cho con Nga học lên đại học để nhờ tấm thân sau này!”. Tôi nhớ mãi lời trăn trối của má nên ra sức chăm sóc non một héc ta vườn lo cho em ăn học.
Nga thấy tôi thui thủi một mình sớm hôm nên nhiều lần khuyên tôi lấy vợ. Lối xóm mai mối nhiều nơi nhiều chỗ nhưng tôi chưa chịu: “Lo cho em tốt nghiệp đại học rồi anh sẽ tính sau!”. Nga rất mến thương tôi. Ngày em vào đại học, quảy gói ra đi mà cứ đi vô trở ra căn dặn: “Anh nên để tâm chăm sóc bản thân đừng lo cho em nhiều quá! Nhức đầu uống thuốc này... cảm uống thuốc này... nhớ nghe!”. Cuối tuần Nga lót tót đi về thăm tôi, vừa vô sân cô bé gọi inh ỏi, không có ở nhà cô chạy tuốt ra vườn thấy mặt mới nghe. Tôi cũng dành những món ngon đợi cuối tuần em về cùng ăn.
Lần đó, Nga về dẫn theo người bạn gái. Em giới thiệu với tôi: “Đây là Cẩm bạn học cùng khóa với em, quê ở Long Phú - Sóc Trăng”. Day sang tôi, Nga nói: “Đây là anh Hai của mình, nhiều lần giới thiệu với Cẩm rồi đó. Cẩm mất ba, còn mẹ. Mình chỉ còn anh thôi!”.
Cẩm có đôi mắt đen láy, buồn buồn, mỗi lần cười để lộ hàm răng trắng bóng rất dễ thương. Lần đầu tiên em tôi dẫn bạn gái về nhà, nhà thêm vui vui nhưng tôi không được tự nhiên cho lắm. Tôi nấu những món ăn có sẵn trong vườn như: cá nuôi dưới ao, rau củ trong vườn... Cẩm rất thích, nói:
- Anh nên coi em như em gái giống Nga vậy, đừng xem là khách em ngại không về chơi nghen!
Cuối tuần sau, Cẩm lại theo Nga về, cả nhà vui rộ. Từ đó, Cẩm hay theo Nga về chơi vào cuối tuần. Có lần tôi bận công việc ngoài vườn Nga lục tìm quần áo sứt nút, đứt chỉ khâu vá lại cho tôi. Tôi ngại ngùng vì có người lạ. Nga cười: “Anh cưới vợ đi, em sẽ không giúp anh nữa đâu”.
Trước khi Nga lên trường, tôi cụ bị nào gạo, cá khô, rau củ... và căn dặn:
- Em đừng đi chơi, chăm lo học hành, đừng nghe lời ngon ngọt của người ta lỡ ra hối hận cả đời...
Cẩm cười:
- Anh Hai như cụ bà vậy. Tụi em biết mà!
Nghỉ hè, Cẩm mời anh em tôi xuống nhà chơi. Xuống tận nhà, tôi mới biết Cẩm mang hai dòng máu: Khmer và Hoa. Ba Cẩm sớm qua đời vì hậu quả tù đày do nuôi chứa cán bộ, anh trai Cẩm hy sinh trong thời chống Mỹ. Má của Cẩm vui tính, hiền như má tôi. Bà nói:
- Không mấy khi các con xuống đây, dì làm cốm dẹp cho các con, sẵn nếp cũng vừa chín.
Tôi hăng hái cùng dì Hai - má Cẩm, Cẩm, Nga đi ra ruộng cắt nếp. Vừa cắt dì vừa giới thiệu:
- Nếp như vầy làm cốm vừa lắm, để chín quá cứng không thơm ngon, không dẹp. Cốm mà không dẹp thấy không thèm! Người ta chê.
Tôi là dân vườn ruộng nên việc cắt bó, đập rất thành thạo. Không mấy chốc hạt nếp được đập ra hơn nửa thúng giê. Dì hai bốc lên xem nói: “Nếp tốt quá, cốm thơm ngon cho mà coi”.
Dì Hai cho nếp vào nồi đất dùng que tre rang. Nếp vừa nổ một lúc dì trút vào cối tầm vông, tôi cùng Cẩm dùng chài cán dài quết. Những hạt nếp nóng hổi quết ra thơm phức. Dì Hai tiếp tục rang mẻ khác, tôi tiếp tục quết.
Tôi cầm chén cốm chưa ăn nghe thơm lừng hương nếp. Ngọt, béo nồng nàn trong cổ. Ngon miệng tôi ních ba chén lưng lưng. Dì hai nhìn tôi cười: “Ăn thêm đi con! Hôm nay, dì muốn các con tận mắt thấy quết cốm dẹp để mai kia mốt nọ có gia đình biết cách quết cốm cho con cháu ăn, món cốm dân giả của quê mình”.
Hai ngày ở nhà Cẩm tôi học được nhiều điều ở người mẹ, người đàn bà người Khmer trải qua nhiều gian khó trong những năm chiến tranh, trong bom đạn một tay dì nuôi con, nuôi chồng, chứa cán bộ trong hầm bí mật.
* * *
Đỡ lấy gói cốm dì Hai cho, lòng tôi đầy xúc động. Tôi nắm chặt tay dì không muốn rời xa. Khi xoay lưng đi dì còn nói vói theo: “Cốm để năm ba ngày không sao, ăn bao nhiêu trộn bấy nhiêu”.
Cẩm theo Nga về nhà tôi thường xuyên. Có lần tôi hỏi Cẩm: “Em có về thăm má không?”. “Có! Mà về chơi với Nga mới vui”. Lần nọ, Nga về một mình. Lên mâm cơm Nga thỏ thẻ nói với tôi:
- Nè! Có người ta thương anh rồi đó.
- Ai mà khùng vậy?
- Người ta không khùng. Tương lai là kỹ sư đó! Nhưng phải thưởng cái gì em mới nói...
Tôi muốn hứa cho Nga bộ quần áo vụ thu hoạch trái cây tới.
Nga cười cười kể:
... Đêm nọ hai đứa ngủ không được, Cẩm thỏ thẻ với em:
- Nga à! Nếu lỡ tao làm chị mày, mày nghĩ sao!
- Thì... khi ấy tao gọi bằng chị chớ sao?
Cẩm nói:
- Lần anh Hai về nhà quết cốm dẹp má mình khen: “Con trai nhanh nhẹn giỏi dắn, nói năng từ tốn, ước gì con được người chồng như vậy má có chết cũng vui. Má năm nay già rồi, biết sống được bao lâu. Sợ rồi đây con lỡ lầm chọn thằng chồng không ra gì khổ cả đời. Hay là con cưới thằng Hai làm chồng đi, cho má ăn đám cưới, má sớm biết mặt cháu ngoại!”.
Tao trả lời:
- Còn bận học hành mà chồng vợ gì má ơi! Nhưng thiệt tình xem tới xem lui tao thấy anh Hai dễ thương thiệt!
... Ngày nào ra trường, tao tìm chỗ làm gần nhà. Chồng và vợ không nhứt thiết phải cùng ngành nghề với nhau. Có sao đâu, miễn là tâm đầu ý hiệp thì hạnh phúc thôi. Mà tao để ý rồi, khi gia đình mà người chồng lo làm ăn không cờ bạc rượu chè, vợ thì đảm đương việc nhà việc cơ quan thì gia đình đó ắt hạnh phúc. Hạnh phúc không cầu cạnh ở ai, không ai ban cho mà tự hai người biết vun quén chăm sóc mới bền bỉ. Khu vườn của mầy mà cất một căn nhà gọn gàng ở gần mé mương, xây thêm nhà mát trên đó, những đêm rằm hai người ra đó thưởng trăng tình tứ biết mấy! Trăng ở vườn, ở quê mới tỏa ra hết sự mượt mà sự quyến rũ. Còn trăng ở phố lạc lõng vô hồn bởi muôn ánh đèn.
... Tôi nuốt miếng cơm muốn nghẹn vì bất ngờ, cố làm ra vẻ tự nhiên:
- Cẩm đẹp, có học, mai mốt ra trường là kỹ sư thiếu gì con trai đeo đuổi, lo gì không gặp được người tốt. Hơn nữa anh lớn hơn Cẩm tám tuổi lại là dân làm vườn không hợp với Cẩm đâu? Nói vậy chớ sau này thành chồng vợ e rằng không có hạnh phúc. Tốt nhất, em nên khuyên cho Cẩm hiểu tường tận đừng suy nghĩ như vậy không nên.
Nga nguýt tôi:
- Anh có khùng không. Con gái gạ ý thương anh mà anh còn... Có phước ba đời mới được con Cẩm thương. Em biết tính nết của nó được lắm. Em gọi bằng chị rồi.
- Đừng. Đừng em à!
Nga trêu:
- Anh cũng nghiên cứu về cây trái như kỹ sư chớ bộ! Quản lý cả mẫu vườn cây trái.
Tôi nghiêm mặt:
- Đừng đùa nữa Nga. Tình cảm không phải chuyện đùa. Em nên nghiêm túc đi!
- Em nói thiệt đó! Để coi!
* * *
Chừng như từ ấy, Cẩm ít lên nhà tôi. Có lẽ, chuyện kể với Nga làm cho cô thẹn không chừng!
Một trưa, vừa ở ngoài vườn vô tôi nhận được điện thoại Nga báo Cẩm bị đụng xe nặng lắm, đang cấp cứu ở bệnh viện. Tôi đóng cửa nhà tức tốc xuống bệnh viện. Cẩm bị chấn thương nằm mê man. Tôi vừa bước vào, Cẩm cũng vừa mở mắt. Thấy tôi Cẩm có vẻ mừng. Tôi đến gần. Cẩm thều thào:
- Em thương anh thiệt. Mà không được rồi. Anh nhớ chăm sóc má giùm em nghe. Hứa với em đi...
Tôi gật đầu. Cẩm nắm chặt tay tôi, rồi đôi mi từ từ khép lại, bàn tay buông lỏng. Tôi hoảng hốt gọi bác sĩ. Mọi người lắc đầu. Bàn tay của Cẩm thật mềm, rịn mồ hôi như luyến tiếc không muốn rời xa sự sống, rời xa tôi. Lần đâu tiên tôi nắm tay em cũng là lần cuối cùng. Cẩm nằm đó, dịu dàng như cánh hoa đầy hương nhụy trinh nguyên. Tôi chảy nước mắt...
Khi chiếc quan tài từ từ chui vô lò hỏa táng, tôi và Nga đứng nép sát bên dì Hai. Mọi người lặng lẽ khóc nhưng dì Hai không khóc. Chừng như dì không còn nước mắt để nhểu xuống đất khóc mầm măng non vừa nhú lên bị tàn rụi. Tôi nhìn chiếc quan tài tưởng tượng như Cẩm đang ngủ trong đó. Giấc ngủ thật bình yên không lo toan và sợ hãi. Đôi mắt... đôi môi như hoa rắc đầy hương phấn trong vườn đang vào thời kết trái. Tôi vội kéo chiếc quan tài dừng lại, không muốn mất Cẩm. Cẩm phải bên tôi. Bên tôi...
Như có nhiều cánh tay trì kéo không cho tôi đến gần bên Cẩm. Tôi nhìn rõ trên chót vót ống khói có một làn khói trắng mong manh thả dài uốn lượn lên trời, trong làn khói ấy còn nguyên hình hài của Cẩm đang ngủ ngon. Cụm khói bay về nhà tôi cùng với ánh trăng non êm đềm phả xuống khu vườn, và có nụ cười xinh xắn của Cẩm.
Tôi và Nga ở nán lại chơi với dì Hai cho dì đỡ cô quạnh. Nga khuyên dì Hai thu xếp nhà cửa lên nhà tụi con chăm sóc dì. Dì nói:
- Mất con đã buồn rồi! Bỏ nhà bỏ xứ lại buồn sâu thêm! Thôi, để dì ở vậy, còn có lối xóm và sự đùm bọc của bà con...
Lúc chia tay ra về tôi nắm bàn tay dì Hai. Bàn tay chai cứng, con queo như que củi, nhưng có hơi ấm. Hơi ấm truyền qua, tôi có cảm giác như hơi người mẹ nắm tay con. Căn nhà nhỏ đơn côi với người đàn bà còm cõi thui thủi vô ra một mình cứ ám ảnh tôi hoài.
* * *
Ngày giỗ đầu tiên của Cẩm, dì Hai nhắn anh em tôi xuống chơi. Vừa bước vô nhà tôi bỗng giựt mình với cái dáng của Cẩm. Cẩm! Không phải! Vài giây hoa mắt, giống chớ không phải Cẩm. Dì hai giới thiệu: “Đây là Ly, má nó với dì là chị em ruột. Nó vai em của Cẩm. Từ ngày Cẩm mất ba má Ly cho sang đây ở hủ hỉ với dì cho đỡ buồn. Coi Ly như con của dì”.
Day qua tôi dì Hai nói:
- Đây là Nga bạn học với Cẩm và anh Hai Vân, anh ruột của Nga. Con chào hỏi đi!
Đám giỗ Cẩm dì Hai làm cũng đơn sơ. Một con vịt, con gà xào nấu cúng rồi cùng nhau ăn.
Sau bữa ăn, dì Hai nói:
- Sẵn có số nếp từ Cà Mau gởi cho, nếp mùa thơm ngon lắm. Dì quết cốm cho các con ăn. Cũng để nhớ con Cẩm ngày nào nó còn quết cốm ở trong căn nhà này, bên cái cối này...
Tôi ngậm ngùi nhìn lên bàn thờ. Tấm hình của Cẩm thật trẻ, tươi vui, trong đôi mắt như muốn nói cái gì đó mà chưa kịp.

No comments:

Post a Comment