Monday, May 31, 2010

Hà Nội băm sáu phố phường

Thạch Lam với nét đẹp văn hóa đặc sắc trong Hà Nội băm sáu phố phường
Lê Minh Truyên

Hà Nội băm sáu phố phường là tập tuỳ bút xuất sắc của Thạch Lam do NXB Đời Nay xuất bản năm 1943. Đây là những trang viết về các giá trị văn hoá Hà Nội với nhiều nét đặc sắc. Trong từng mục, từng đoạn của Hà Nội băm sáu phố phường, mọi sự ghi chép của nhà văn đều hướng theo mục đích: cái đẹp. Đọc kỹ tác phẩm, nhìn vấn đề theo định hướng đó, ta thấy Thạch Lam quan tâm đến hai mảng văn hoá nổi bật của một Hà Nội ngàn năm văn hiến, nơi hội tụ tinh hoa văn hoá dân tộc. Đó là mảng vật thể văn hoá và văn hoá phi vật thể. Trong bài viết này, chúng tội xin đề cập một số ý kiến về những văn hóa phi vật thể và văn hóa vật thể.

Tuy Thạch Lam chỉ dành một số ít trang (khoảng 1/4) so với mảng thứ hai nhưng theo chúng tôi, đây là mảng Thạch Lam rất tâm huyết. Những biển hàng là bài viết rất lành. Nhà văn rủ rỉ kể về một nét độc đáo của Hà Nội: chỉ có Hàng Đào là một trong số ba mươi sáu phố phường có các biển hàng vẽ hình con vật mà chỉ là các con vật hiền “không có con nào dữ cả”: trâu vàng, bò vàng, cá chép vàng, lạc đà, con gà trống, con hươu sao, con kỳ lân, con phượng hoàng, con rùa, con vịt che ô, con voi.v..v. Có chăng con tê giác là con vật dữ, “nhưng con tê giác ở Hàng Đào thì lành lắm: nó không cắn ai bao giờ”. “Không có hổ vàng, sư tử vàng” (Những biển hàng). Gắn với các biểu tượng này là một vài câu chuyện mang tính chất giai thoại không xác định tạo một nét hấp dẫn bình dị. Tất cả điều đó kết hợp thành một nét đẹp độc đáo mà một ai yêu Hà Nội chưa tận độ, hoặc không chuyên tâm tìm hiểu thì khó mà phát hiện được.

Nâng niu trân trọng những nét đẹp mang tầm vóc lịch sử văn hoá dân tộc, Thạch Lam không đồng tình với một số việc, một số hiện tượng chưa đẹp . Mục Người ta viết chữ Tây: Vẫn là chuyện biển hàng, nhưng “bây giờ các biển hàng viết chữ Pháp chiếm đến chín phần mười trong các biển hàng. Nhiều hàng, tuy chỉ giao thiệp với khách hàng Việt Nam thôi, cũng toàn chữ Pháp, cũng như ngày xưa họ đã dùng toàn chữ Nho”. Người sử dụng không nắm vững mẹo luật, sai nghĩa, sai chính tả thành ra lố bịch, phản cái đẹp, thiếu văn hoá. Thạch Lam chắc cũng không thích gì phải dẫn ra nhiều trường hợp sai sót đến thế nhưng không thể không làm. Ông không phải là người hoài cổ, nhưng ông thực sự tiếc những cái đẹp mang chiều sâu văn hoá của dân tộc bị mai một khi quan sát và suy ngẫm về Những biển hàng.Ông nâng niu, trân trọng giá trị văn hóa, những nét đẹp ẩn chứa trong từng vật thể này. Bởi ở đó kết đọng những phẩm chất tốt đẹp của một thương hiệu, là kết tinh những giá trị thư pháp, là truyền thống quý báu, là công sức của nhiều thế hệ vun đắp mới có được. “Tạng” của ông không khi nào gay gắt, đốp chát nhưng quả là ông ngỡ ngàng và đau buồn khi thấy “Tất cả cái gì cũng thay mới: người ta không những thấy có biển hàng, người ta thấy cả bề mặt cái cửa hàng nữa. Và sự thay đổi bề ngoài ấy đem đến cho phố xá Hà Nội một vẻ mới riêng, hơi lạ lùng và đột ngột .”

Ông là người thấy rõ giá trị những tiến bộ của thời đại mới, bởi ông là người có vốn Tây học uyên thâm, trẻ trung, rất nhạy cảm với cái mới. Đồng thời ông cũng luôn có ý thức nâng niu và bảo tồn truyền thống. Ông thấy: “Những phố gạch thẳng và rộng rãi, với từng dãy nhà giống nhau đứng xếp hàng, thẳng và đứng hàng, đó là biểu hiện của văn minh” . Nhưng cũng vì nó mà mất đi vẻ tự nhiên, vẻ yên tĩnh của những giá trị ổn định trong đời sống của một Thăng Long- Hà Nội cổ kính mang vẻ đẹp xưa- một Hà Nội giản dị mà hài hoà, mộc mạc mà chan chứa tình người, ấm tình làng xóm, với những nét sinh hoạt thân quen đậm đà bản sắc văn hoá. Trang văn nhắc đến một vài lối ngõ con : “ngõ Phất Lộc… ngõ Trung Yên”,.. ngọn cỏ Ô Quan Chưởng không có gì khác lạ mà sao thức dậy trong lòng người yêu Hà Nội bao nỗi xót xa. Hình ảnh “Bên này một cửa hàng tạp hoá có đầy đủ quả sơn đen, có chồng giấy bản và ống bút nho, có cô hàng thuỳ mỵ mà hàng phố vẫn khen là gái đảm đang. Bên kia, nhà một ông cụ Tú, có tiếng trẻ học vang, có cậu học trò xinh trai đứng hầu chè thầy bên tràng kỷ” không cao sang, lộng lẫy, xa hoa nhưng thật đẹp, đầy cảm mến. Đáng yêu sao Hà Nội một thời tuy không có nhà cao tầng, ít tiện nghi như châu Âu hiện đại nhưng lại tiềm tàng bao nét đẹp cổ điển phương Đông với một lối kiến trúc riêng: “Giữa nhà, mảnh sân vuông lộ thiên, có bể non bộ và cá vàng, có dãy chậu lan, có bể đựng nước và trên tường có câu đối chữ Nho. Đôi khi đi qua một cánh cửa hé mở chúng ta thoáng nhìn vào: bóng một thiếu nữ nhẹ qua sân, hình dáng một cụ già cúi mình trên cây cảnh. Tất cả cuộc đời của những kẻ bên trong, cuộc đời xưa, những ý nghĩ cũ, những hy vọng và mong ước khác bây giờ “.

Yêu Hà Nội nghĩ về những giá trị của một nền văn hoá đang bị tàn phai, bị thay thế, Thạch Lam không kìm giữ được tâm thế điềm tĩnh vốn có của mình đã phải đau xót thốt lên: “Không còn gì của Hà Nội ngoài năm sáu mươi năm trở về trước. Thăng Long của vua Lê, của chúa Trịnh không còn dấu vết nào: đâu còn những cung điện ngày xưa, những phụ đế của các bậc công hầu, khanh tướng? Thỉnh thoảng một vài tên gọi còn khắc lại, một vài đống đất còn ghi dấu, thế thôi”.

Đặc biệt, những suy nghĩ, quan niệm và trăn trở của nhà văn, dưới góc nhìn văn hoá ngày nay vẫn còn nguyên giá trị. Ông không chịu được sự lai căng, pha tạp làm tổn thương đến giá trị trường tồn của những công trình mang giá trị biểu trưng của dân tộc:Hình ảnh Hồ Gươm, Tháp Rùa, Đền Ngọc Sơn là một cái gì thiêng liêng, cao quý trong tâm thức của người Hà Nội nói riêng, người Việt nói chung. Mọi sự đổi thay, gán ghép cho dù mới chỉ trong ý định cũng không thể chấp nhận. Với tầm nhìn văn hoá vượt thời đại, bằng cảm quan nghệ thuật tinh tế, Thạch Lam sớm nhận ra nét đẹp hoàn mĩ và giá trị thực của các di sản văn hoá này. Với ông, những việc làm cho dù với dụng ý tốt đẹp như mắc thêm đèn điện chiếu sáng, đắp tượng đài, làm bót cảnh sát để giữ gìn an ninh... nhưng thiếu mất cái nhìn của người có con mắt văn hoá sắp đặt thì đều chỉ là “sự thêm thắt xấu xa”, là “bôi nhọ vẻ đẹp”. Nhìn những cột điện thẳng tắp, sừng sững, dây điện nhằng nhịt, với những cái “bình tích” bằng sứ trắng, ông thấy cột điện “như một thứ cây già mọi rợ, vụng về. Cái cây đó làm cho vẻ đẹp của cổng đền Ngọc Sơn giảm mất đến chín phần mười”.

Không phải ông phản đối việc đưa văn minh công nghiệp vào việc làm đẹp, mà ông nói rõ : “ Muốn sáng cổng, sáng cầu thì thiếu gì cách: mắc đèn vào những chỗ lõm, khuất khúc của cổng và của cầu: đèn để như thế vừa được kín đáo, vừa không làm giảm vẻ đẹp, không kể đến lối ánh sáng đập lại ấy dịu dàng và làm tôn cảnh đền hơn lên. Đằng này, mắc những vòng sắt với cách hoa hoét rẻ tiền kia vào cái cổng đẹp đẽ có lối kiến trúc riêng, có vẻ cổ sơ ấy, thực là một cách đập phá mĩ thuật tai hại không gì bằng” .

Điều đó chứng tỏ khả năng nhìn nhận cái đẹp của Thạch Lam thật tinh tế, sâu sắc, nhất là những giá trị văn hoá cổ truyền dân tộc, ẩn chứa trong từng vật thể và phi vật thể như những gì ông đã thể hiện.

(Theo TCCN - 4/2006)

No comments:

Post a Comment