Sunday, May 30, 2010

Niềm tin

Niềm tin Thứ bảy, 20/03/2010 20 giờ 08 GMT+7
Truyện ngắn của: TRẦM NGUYÊN Ý ANH
Đêm hun hút sâu. Dù cái lạnh se da mùa Tết lùa vào, Hạnh vẫn để mở cửa sổ. Chị nhìn xuống đường. Vài người chở hàng vụt qua. Mấy anh chị công nhân dọn rác... Lòng phố buồn như lòng chị. Đêm nay Thịnh lại trực. Không hiểu sao mấy tháng nay Thịnh lại trực đêm nhiều quá! Phận làm vợ (mà lại là người vợ hiền như Hạnh) chỉ biết cảm thông với công việc của chồng. Ai biểu chị lấy chồng là công an.
***
Ngày mới quen... như là duyên nợ – vừa ra khỏi shop thời trang, Hạnh bị hai tên đi trên xe gắn máy vụt qua giựt túi xách. Đang bàng hoàng, chưa kịp kêu cứu, Hạnh bỗng thấy một thanh niên ngồi trên xe gắn máy đuổi theo hai tên cướp. Anh chạy vượt lên, quặt đầu xe chặn lại. Hai tên cướp ngã xuống đường. Anh nhào tới khống chế và bắt được cả hai. Quần chúng đổ xô lại. Anh trả lại Hạnh túi xách. Hạnh lí nhí mấy lời cảm ơn. Sau đó, Hạnh theo anh về trụ sở công an để cho lời khai. Thì ra anh là một trinh sát công an. Ba mẹ Hạnh mời anh tới nhà. Ông bà vừa nghỉ hưu nên rất buồn, mong là nhà có khách tới lui. Là một trinh sát tài năng và dũng cảm, thế nhưng... anh lại bẽn lẽn, rụt rè ngày tới nhà Hạnh dùng cơm. Ba mẹ Hạnh là trí thức, rất sành tâm lý, đã đánh giá cao người trai trẻ nầy “Con chọn không nhầm người rồi, con gái ơi! Cậu ta đúng là người trong mộng của nhiều cô gái đó!”. Hạnh đỏ mặt “Ba mẹ chọc con hoài! Biết người ta có người yêu chưa mà chọn với không”. Phần anh – bữa cơm và không khí gia đình quá thân thiện khiến anh mạnh dạn và tự nhiên hơn. Lần thứ hai và bao nhiêu lần nữa anh tới nhà. Anh và Hạnh đã yêu nhau. Một năm sau họ cưới. Hạnh là con một nên anh tới ở rể. Cha mẹ nhường trọn tầng lầu cho con gái và chàng rể quý. Họ có cả một không gian riêng. Cầu thang lộ thiên nên chuyện đi sớm về tối của Thịnh đều không ảnh hưởng tới ông bà.
***
Chiếc đồng hồ treo tường thong thả điểm một tiếng. Hạnh đã nghe lạnh. Chị đóng cửa sổ rồi vào nằm với con. Bé Hạnh Nguyên đã hơn hai tuổi. Căn phòng đã từng là tổ ấm tràn ngập hạnh phúc của đôi uyên ương, bây giờ sao lạnh lẽo và buồn tủi quá! Hạnh ôm con vào lòng, nhớ lại những lúc mặn nồng bên nhau. Nhớ gương mặt hồn nhiên như con trẻ của Thịnh khi ngủ. Hạnh yêu chồng yêu đến cả tiếng ngáy. Có mấy cô bạn đồng nghiệp thường than phiền tiếng ngáy của chồng, báo chí đưa tin có một người vợ xin ly dị chồng chỉ vì chồng ngáy lớn quá! Bé Hạnh Nguyên trở mình rồi khóc thét lên. Hạnh dỗ con mà nước mắt bỗng lăn dài trên má. Những lúc Thịnh ngủ nhà. Mỗi lần con bé mớ khóc Thịnh tỉnh ngủ liền và dỗ con. Còn những đêm Thịnh vắng nhà, Hạnh không tài nào ngon giấc. Thiếu hơi ấm của chồng, Hạnh nghe lòng trống trải và luôn cả sự yên ổn trong lòng cũng không còn. Ôm bé Hạnh Nguyên trong lòng, Hạnh lại nghe nhớ da diết vòng tay Thịnh. Đã lâu rồi họ không quan hệ gối chăn. Rất nhiều lý do: Thịnh bận trực, Thịnh mệt mỏi... Hạnh bắt đầu nghi ngờ... Nhưng nghi gì mới được! Thịnh rất yêu thương vợ con. Ngoài “chuyện ấy” ra, anh vẫn không thay đổi chút nào trong sinh hoạt gia đình. Vẫn đưa vợ con đi chơi vào ngày nghỉ. Vẫn mua quà (mà gần đây còn nhiều hơn lúc trước). Có lần, Hạnh nghe một chị bạn rất sành tâm lý đàn ông, phát biểu “Này nhé! Khi nào các đức ông chồng bỗng dưng chăm sóc nhiều hơn cho mình như mua quà hay đưa đi chơi - thì liệu đấy! Kẻ có lỗi thường muốn chuộc lỗi...”. Hạnh không tin Thịnh có lỗi với mình. Trực giác cho chị biết Thịnh không thể có người phụ nữ khác. Nhưng lòng chị vẫn không yên. Hay là anh bị bịnh. Hạnh đọc báo thấy các bác sĩ thường bảo người đàn ông bị áp lực công việc quá lớn sẽ mất dần khả năng tình dục. Nhưng nếu vậy tại sao anh lại không nói với chị. Có chuyện gì phải giấu. Vợ chồng thì phải chia sẻ với nhau. Hay là anh mặc cảm? Hạnh quay cuồng với bao câu hỏi trong đầu. Mai này, chị sẽ hỏi anh. Nhưng không được... Mình làm sao đề cập chuyện ấy được. Anh sẽ đánh giá mình... Đồng hồ lại điểm bốn tiếng. Hạnh ngồi dậy, đắp mền cho con rồi xuống bếp chuẩn bị bữa ăn sáng cho cả nhà.
***
Thịnh vừa từ phòng khám đặc biệt của bịnh viện bước ra. Phòng khám và chăm sóc sức khỏe cho các cán bộ, chiến sĩ bị lây nhiễm HIV trong lúc làm nhiệm vụ. Tên tội phạm khi biết mình không thoát được, đã như một con thú điên, đâm bổ vào người Thịnh. Hắn làm Thịnh bị thương, rồi cố làm vây máu lên vết thương anh. Về tới cơ quan điều tra, hắn cười nham hiểm “Tao có chết cũng kéo mầy theo! Chết chắc rồi con ạ!”. Chỉ trừ lãnh đạo và vài người biết chuyện. Những người khác thì không. Thịnh buồn và lo cho vợ con hơn. Đã chấp nhận là một chiến sĩ công an phải ngày ngày đương đầu với tội phạm – những tên tội phạm đặc biệt nguy hiểm thì anh đã chuẩn bị tâm lý. Các đồng chí của anh chẳng phải đã hy sinh đó sao? Nhưng trường hợp của anh thì trớ trêu quá! Lãnh đạo tin anh. Các bác sĩ tin anh. Nhưng còn Hạnh – cô có tin anh không? Một vấn đề tế nhị như vầy làm sao anh giải thích được. Càng nghĩ, anh càng thấy thương vợ. Từ khi biết mình bị lây nhiễm HIV từ tên tội phạm trong đường dây buôn bán ma túy, Thịnh như rơi từ trên cao xuống. Anh không về nhà hai ngày, buồn bã ngủ ở phòng trực cơ quan. Chú Năm Trưởng phòng Công tác Chính trị đã vào ngủ với anh một đêm, hết lời khuyên bảo “Cháu phải vững tinh thần. Đã là một chiến sĩ công an thì chuyện sống chết phải coi thường. Án phá được. Tên đầu sỏ đã bị bắt. Chuyên án đã kết thúc. Chẳng phải cháu đã làm được việc cho dân cho nước đó sao! Bên cạnh cháu lúc này có chú, có các anh. Còn chuyện gia đình thì tùy cháu. Hãy để mọi chuyện lắng xuống, cháu sẽ có cách. Nếu cần chú lên tiếng, chú sẵn sàng!”.
Vừa về đến nhà, Thịnh đã trông thấy bé Hạnh Nguyên ngồi trong xích đu với ông ngoại. Con bé vừa thấy ba đã mừng rỡ “Ba về rồi! Ba ẵm con!”. Thịnh ẵm con và chào cha vợ. Nhìn vẻ phờ phạc của Thịnh, ông Thế Hoàng ân cần “Dạo nầy ba thấy con tiều tụy quá! Công việc thì phải làm, nhưng phải lo cho sức khỏe. Con ngủ hay vào ăn sáng rồi hẵng ngủ?”. Thịnh cười xởi lởi “Dạ! Ba đừng bận tâm. Chẳng qua con thức đêm nên ba thấy vậy. Ngủ một giấc sẽ đâu vào đó thôi”. Anh ẵm con lên lầu và gặp Hạnh đang thu dọn mền gối. “Anh ngủ độ hai tiếng. Chín giờ còn có cuộc họp, em kêu giúp nghe!”. Nói rồi, Thịnh nằm vật xuống giường như đang buồn ngủ lắm. Hạnh muốn hỏi Thịnh mấy câu, nhưng thấy anh như vậy, lại thôi. Chị kéo mền đắp cho anh rồi xuống nhà ăn sáng. Vừa ngồi vào bàn, ba Hạnh biểu “Con nấu gì bồi dưỡng cho thằng Thịnh, dạo này nó sa sút quá! Hay có chuyện gì phải lo. Con là vợ phải quan tâm tới chồng nhiều một chút”. Hạnh giựt mình như vừa bị chọc đúng chỗ yếu “Dạ! Con cũng có hỏi, nhưng anh nói không có gì!”. Hạnh ăn qua loa rồi ẵm bé Hạnh Nguyên ra ngoài xích đu. Chị buồn bã và lo lắng. Không còn là nỗi lo của riêng mình nữa. Ba mẹ chắc đã quan tâm, mình phải nói chuyện với anh, phải hỏi cho ra lẽ.
***
Buổi tối hôm đó Hạnh biết chuyện của anh. Anh nói: “Hay là mình ly dị đi em! Anh không muốn làm khổ em và con. Anh chỉ muốn em được hạnh phúc”. Hạnh nức nở khóc. Chị thấy thương chồng quá! Sao anh lại giấu chị? Sao chuyện đớn đau nhường nầy mà anh lại gánh chịu một mình. Hạnh tuy đau buồn nhưng lòng nhẹ nhõm “Mình là vợ chồng. Hạnh phúc hay khổ đau phải cùng chia sẻ. Em sẽ cùng anh đi cho hết quãng đường còn lại. Anh đừng tuyệt vọng. Có các chú các anh. Y học càng ngày càng tiến bộ. Em nghe nói đã có thuốc đặc trị rồi mà! Mọi người sẽ không bỏ anh đâu”. Thịnh ôm chầm lấy Hạnh. Họ khóc. Thịnh như đã được kéo lên từ giếng sâu thăm thẳm của tuyệt vọng.
***
Hạnh ẵm bé Hạnh Nguyên. Thịnh hai tay ôm hai giỏ hoa cúc đại đóa rực rỡ, cố lánh ra khỏi chợ hoa. Thịnh cười hớn hở “Em coi, cặp bông nầy chắc ba mẹ thích lắm. Rồi cũng phải mua cho ông bà nội một cặp như vậy!”. Hạnh cũng cười với chồng. Chiều nay mình qua thăm ông bà rồi đi Tết luôn. Mấy ngày Tết anh bận quá! Thôi thì mình chúc Tết ông bà luôn vậy. Thịnh nghe mắt cay cay. Sao trời lại ban cho anh người phụ nữ tuyệt vời nầy. Anh có phước quá! Ba mẹ Thịnh đón con và dâu về thăm với nụ cười rạng rỡ. Bé Hạnh Nguyên được bà nội cho rất nhiều quà và cả bao lì xì đỏ. Câu chuyện bi hùng của Thịnh chỉ hai vợ chồng chia sẻ. Ba mẹ hai bên đều không hay biết. Họ chỉ biết một điều con dâu của anh chị và con rể đều là những đứa con hiếu kính. Hạnh và Thịnh hòa theo dòng người đang hớn hở đón mừng một mùa xuân mới với hy vọng và niềm tin: tất cả đau buồn đã qua đi vì họ hiểu nhau và cũng biết đồng cam cộng khổ.

No comments:

Post a Comment