Tuesday, July 13, 2010

Trâu thôn Chầm

Trâu thôn Chầm
Cập nhật lúc 11:12 | 12/07/2010 (GMT+7)
Trên bờ hồ Khe Lầy, đàn trâu đi khoan thai trong bóng chiều tà. Bóng của đàn trâu soi xuống mặt hồ. Bất chợt, đến vùng nước quen, cả đàn xuống tắm mình trong làn nước trong xanh đầy thích thú. Một lúc sau, chúng mới lên bờ, men theo con đường về làng. Hình ảnh này, từ lâu, đã trở thành một nét đẹp dân dã, đầy chất quê ở thôn Chầm (xã Hương Hồ - huyện Hương Trà).


Đồng quê thương nhớ - Ảnh minh họa từ internet
Năm 1979, thôn kinh tế mới Chầm được thành lập. Từ rất nhiều miền quê trong tỉnh như Lộc Hải, Lộc Trì, Phú An, Phú Hồ, Hương Toàn ... người dân đến đây xây dựng vùng đất mới, dưới chân dãy Trường Sơn hùng vĩ. Đất hoang với rừng thiêng nước độc, để vỡ đất cày cấy, gieo trỉa, bà con phải dựa vào sức của những con trâu đưa từ quê lên. Thế là trâu cũng đi “kinh tế mới” với chủ. Dường như, lên đây, đàn trâu cũng đã tìm thấy cho mình mảnh đất màu mỡ, yên bình để sống, để sinh sôi.

Đàn trâu gắn bó với người dân nơi đây như hình với bóng. Mọi công việc, từ khai phá đất hoang, kéo gỗ vào thời Chầm mới thành lập, đến cày bừa mỗi mùa lúa đến, trâu lúc nào cũng ở bên người. Nhờ đó, từng khoảng đất đồi núi, từng thửa ruộng dọc các con khe đã trở mình, mang lại sức sống mới cho người dân thôn Chầm. Có sự chung sức ấy của trâu, bà con nơi đây đã dần xây dựng Chầm - một làng quê mới dưới chân dãy Trường Sơn, ngày một tươi đẹp hơn, khấm khá hơn.

Ông Nguyễn Văn Uẩn - Chủ nhiệm HTX Hương Hồ 2 bảo: “Thuở mới thành lập, người không đông mà công việc quá nhiều nên trâu đã trở thành một lực lượng lao động quan trọng của chúng tôi. Quả thực, nếu không có trâu thì có nhiều việc khó hoàn thành”.

Mỗi sáng, dọc các đường làng, mưa cũng như nắng, từng đàn trâu dăm bảy con nối đuôi nhau đi ăn cỏ. Đã quen đường, cả đàn cứ thế mà đi, hướng về phía các cánh rừng bên trong Khe Lầy, các thửa ruộng của làng. Vừa đi, chúng vừa tranh thủ gặm một vài bụi cỏ ven đường một cách nhẩn nha. Thỉnh thoảng, tiếng gọi đàn của trâu làm vỡ tan không khí yên lặng buổi sáng sớm. Một ngày làm việc mới của thôn Chầm bắt đầu như thế.

Trên các cánh đồng của Chầm, hiện nay, máy móc đã được sử dụng cho công việc đồng áng. Nhưng trâu vẫn góp sức cùng bà con như thuở ban đầu. Mặc dù, có nhiều người dư sức mua vài ba chiếc máy cày, tuy nhiên, họ vẫn sử dụng trâu để cày, bừa, làm đất như ngày nào mới lên xây dựng vùng đất này. Có lẽ, có một điều thay đổi khi máy cày xuất hiện trên cánh đồng của Chầm, đó là con trâu được nghỉ ngơi, thảnh thơi gặm cỏ hơn ngày trước vì công việc không còn nhiều như trước. Tuy vậy, bà con vẫn giữ gìn, chăm sóc và phát triển đàn trâu của mình.

Cách đây hơn 10 năm, khi máy cày chưa được bà con sử dụng, cả thôn Chầm cũng chỉ có khoảng 80 con trâu lớn bé. Nhưng hiện nay, thôn Chầm có hơn 100 con. Không chỉ phát triển đàn trâu để sử dụng sức kéo khi cần mà bà con còn nuôi để kinh doanh.

Ông Lê Viết Đáo, một người lên vùng kinh tế mới Chầm, từ thuở ban đầu, đến nay, có thể nói là một nông dân thành đạt của thôn, nhưng ông vẫn duy trì đàn trâu 15 con của mình. Ông nói: “Trước, tui nuôi để cày bừa cũng chỉ từ 5 – 7 con. Nhưng bây giờ tui nuôi và phát triển đàn trâu ngày một nhiều là vì kinh tế. Thử tính coi, một năm trong 8 trâu mẹ chỉ cần 3 trâu mẹ đẻ 3 nghé. Nuôi nghé 10 – 11 tháng là bán được từ 5 – 7 triệu. Thành thử 3 nghé như rứa tui cũng có hơn 15 triệu ròng. Đó là chưa kể trâu đẻ nhiều hơn rứa và trâu đực trưởng thành nữa. Tuy không lớn với nhiều người nhưng nông dân mình thì rứa cũng khá rồi ”. Rít điếu thuốc, ông nhìn đàn trâu nói thêm: “Tui nuôi trâu cũng vì tui gắn bó và thấy không thể xa đàn trâu của mình được”.

Nhìn đàn trâu của Chầm, những lái buôn chuyên mua trâu mê tít. Bởi lẽ, đàn trâu của Chầm lúc nào cũng béo tốt, sừng bóng lông mượt. Có được điều đó, cứ rảnh rỗi hoặc lúc nghỉ ngơi, bà con lại đến bên con trâu vuốt ve, chăm chút từng ly từng tý. Ngoài sự chăm sóc chu đáo, theo bà con, còn một yếu tố nữa, đó chính là từng buổi chiều, sau khi đi ăn về, đàn trâu lại tắm mình trong dòng nước mát lạnh và trong xanh của hồ Khe Lầy. Có lẽ điều ấy cũng đúng khi một lần chúng ta được chứng kiến cảnh đó.

Giờ đây, Chầm đã mang trong mình những dấu ấn của sự phát triển. Đường bê tông qua các xóm. Những ngôi nhà to, đẹp đang được xây dựng ngày càng nhiều. Nhìn căn nhà khang trang của ông Nguyễn Thế Sự, người phương xa sẽ nghĩ ông có rừng, có đất nhiều hay làm công việc gì đó có nhiều tiền nên xây được nhà như thế. Nhưng không, tất cả của ông đều từ con trâu. Ông Sự bảo: “Tui có được như hôm nay là nhờ trâu. Tui thì con đông, ăn học tốn kém. Nhưng tui nuôi trâu để làm việc và nuôi trâu để bán nên cũng đỡ. Nuôi, phát triển bầy trâu và bán khi cần nên mới có tiền cho con ăn học. Chớ ruộng đất chỉ mấy sào thì lấy mô? Rồi xây nhà xây cửa nữa. Không có trâu thì không được như ri mô”. Nhìn ông chăm chút đàn trâu 12 con của mình, mới thấm thía câu tục ngữ: “Con trâu là đầu cơ nghiệp”.

Cuộc sống hiện đại đã khiến cho ở các miền quê khác, hình ảnh thanh bình của đàn trâu gặm cỏ giữa đồng đang ngày càng ít đi. Nhưng ở đất Chầm, bao năm qua vẫn thế và sẽ là không bình thường nếu không còn hình ảnh ấy. Người và trâu đã cùng nhau đi qua khó khăn để xây dựng thôn Chầm. Vì thế, mặc dù cuộc sống cũng có những điều mới mẻ đang từng ngày đến với đất Chầm, nhưng có lẽ, tình cảm gắn bó của bà con với đàn trâu của mình là khó thay đổi. Bà con Chầm vẫn nuôi trâu như nuôi “cái tình” của mình vậy.

Đình Đính (TTH)

No comments:

Post a Comment