Tuesday, July 13, 2010

Mưu sinh trên sông Hương

Mưu sinh trên sông Hương
Cập nhật lúc 02:57 | 07/07/2010 (GMT+7)
Về phía hạ nguồn, sông Hương chảy qua xã Phú Mậu ( huyện Phú Vang), dòng sông mở rộng mênh mông, mút tầm mắt nhìn từ bên này sang bên kia sông.


Vạn đò trên sông Hương, phía thượng nguồn
Khoan hãy đánh giá những yếu tố khác, chỉ nhìn ở khía cạnh kinh tế, sông Hương là cội nguồn của bao sự sống. Trên một đoạn sông ngắn cỡ 2 km đoạn Bao Vinh đã đi qua, tôi đã nhìn thấy rất nhiều người dựa vào sông Hương làm kế mưu sinh, từ đời này qua đời khác. Ít nhất trên khúc sông này, hàng ngày diễn ra 3 nghề chính: nghề giăng câu bủa lưới; nghề khai thác cát sạn và nghề cào hến.

Lê Văn Trung tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã nhiều năm gắn bó với nghề cào hến. Trước đây, muốn cào được hến người dân phải trầm mình trong dòng sông. Bây giờ điều kiện kinh tế có khá hơn, sắm được ghe máy, nghề cào hến đã có nhiều cải tiến. Cách cào hến như thế này đỡ vất vả hơn trước. Thu nhập cũng cao hơn. Mỗi ngày hai anh em Trung làm từ sáng đến khoảng 11 –12 h là nghỉ, ngày nào cũng kiếm được khoảng 100 ngàn đồng.

Trung không thống kê được nhưng khẳng định với tôi rằng, hiện nay có nhiều người làm nghề cào hến . Ngay sáng hôm chúng tôi đi trên sông Hương cũng nhìn thấy cả chục chiếc thuyền đang cào hến. Cái tên Cồn Hến quen thuộc đã làm cho nhiều người nghĩ rằng đó chính là nơi có nhiều hến. Nhưng không phải vậy. Cồn Hến chỉ là nơi chế biến. Còn nơi hến nhiều nhất và nhiều người làm nghề này nhất chính là ở vùng sông Hương đoạn qua Phú Mậu. Nghề cào hến- một loại nhuyễn thể li ti - đã nuôi sống biết bao người. Hơn thế nữa, chính nó đã làm nên một món ăn bình dân trở thành đặc sản của Huế - món cơm hến.

Bên cạnh những người làm nghề cào hến, trên sông Hương còn có một nghề khác, nghề giăng câu bủa lưới. Giữa một vùng sông nước mênh mông, những chiếc thuyền câu lướt nhẹ như ru, bình thản. Tôi đã gặp nhiều người làm nghề thả lưới. Những tay lưới nhỏ chỉ để bắt một đối tượng cá duy nhất đó là cá bống. Cá bống sông Hương kho khô cũng là một đặc sản của ẩm thực Huế.

Bằng kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, mẹ Võ Thị Quýt bảo, muốn bắt được cá bống phải đi theo con nước. Những ngày trời lặng gió mới bắt được nhiều loại cá này. Trước đây khi còn trai trẻ, chồng của mẹ Quýt làm nghề quăng chài. Còn bây giờ tuổi dã về già, sức yếu, ông bà chuyển sang làm nghề thả lưới. Tuy thu nhập bất chừng, lúc nhiều lúc ít nhưng dù sao cũng sống được với nghề.

Có một nghề khác cũng tồn tại từ lâu trên đoạn sông này, Tuy có nhọc nhằn hơn nhưng bù lại cũng có thu nhập cao hơn, đó là nghề khai thác cát. Theo thời gian và kinh nghiệm nghề nghiệp, nghề xúc cát từ lòng sông cũng có nhiều cải tiến. Tuy chưa cơ giới hóa nhưng bằng những chiếc guồng quay như thế này năng suất lao động cũng đã cao hơn trước. Là một nghề nặng nhọc nhưng nếu chăm chỉ thì cũng đủ sống.

Đây chỉ là 3 nghề trên một khúc sông. Còn bao nhiêu ngành nghề khác, những cuộc đời khác dựa vào sông Hương để mưu sinh, tồn tại. Tôi đã có một ngày lang thang trên sông Hương bằng đò máy, mới nhận ra một điều rằng, sông Hương không chỉ đẹp, là một yếu tố không thể thiếu để làm cho thành phố Huế trở nên thơ mộng mà sông Hương còn như một người mẹ bao dung, che chở cho bao phận người...
Nguyên Lê (TTH)

No comments:

Post a Comment