Monday, July 12, 2010

Một thời tuổi trẻ

Nhìn lại một thời tuổi trẻ
• Tác Giả Nguyễn Quang Nhàn
• Đăng ngày 18.04.09
• Chính trị Việt Nam

Nguyễn Quang Nhàn

View all articles by Nguyễn Quang Nhàn
I. Tuổi trẻ và ý thức

1. Ai cũng có một thời tuổi trẻ. Tuổi trẻ luôn là con người của thời đại. Tuổi trẻ ngày xưa lớn lên trong chiến tranh, đất nước hai miền chia cắt…khác với tuổi trẻ hôm nay sống trong bầu trời hòa bình, hai miền non nước nối liền, đang bước vào kỷ nguyên mới, nhân loại thời đại mới. Nghĩ chuyện xưa vì tuổi trẻ hôm nay. Tuổi trẻ luôn là mùa Xuân, tương lai của dân tộc, đất nước!

Hơn 30 năm đã trôi qua kể từ tháng tư năm 1975, những thanh niên Miền Nam một thời tuổi trẻ với lòng dạt dào yêu nước, “yêu cách mạng”, ý thức cuộc sống của mình gắn liền với cuộc sống và tương lai của dân tộc, yêu hòa bình, độc lập, yêu cuộc sống làm người trong một đất nước độc lập, dân chủ, tự do. Những người có ý thức về lịch sử dân tộc, hơn “một nghìn năm đô hộ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây”, luôn quý trọng, tự hào truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của dân tộc, đã “dấn thân”…Những người tuổi trẻ Miền Nam thời ấy (1960-1975) giờ đã bước vào tuổi nghỉ hưu và đang chuẩn bị nghỉ hưu. Từ thực tế cuộc sống xã hội-đất nước hiện tại, không ít người từng “một thời tuổi trẻ”, nếu nhìn lại, có lẽ ai cũng có nhiều trăn trở, nghĩ suy.

“Những ước mơ ngàn năm nay đã tới. Đất với trời nay đã thuộc về ta” !(*) Tâm hồn tuổi trẻ đã xiết bao hân hoan mừng ngày đất nước thống nhất, độc lập, dân chủ, tự do, từ nay sạch bóng quân thù (!). Khát khao, ước vọng của tuổi trẻ cho cả dân tộc nay lại bắt đầu với chặn đường lịch sử mới! Tâm hồn lãng mạn của tuổi trẻ đã đi ra trong cuộc chiến tranh yêu quý vô cùng những gì đã đạt được cùng với những ước mơ, lý tưởng về một dân tộc mới trong thời đại mới! Tuổi trẻ đã có ý thức, ý chí, tri thức, nghị lực và cả tương lai trước mặt; với tâm hồn nồng nàn yêu nước, đi đầu trong dòng sống, tầm cao lịch sử, mỗi người đã có biết bao nhiêu điều mơ ước, mong muốn đem đến cho nhân dân, dân tộc, đất nước, cho mỗi con người, mỗi tâm hồn đã trải qua bao khổ đau trong chiến tranh, trong cuộc sống, trong nổi nhục “nhược tiểu”, nghèo nàn, lạc hậu …với tất cả sự cống hiến…

2. TuổI trẻ lớn lên ở trong mỗi gia đình, mỗi làng quê, mỗi phố phường, thôn xóm, trong mỗi trường học, đoàn thể trong cuộc sống xã hội đất nước chiến tranh, tùy nhân duyên cuộc sống xã hội mà mỗi con người có những số phận riêng. Lớn lên cùng một thời nhưng mỗi người lại có con đường riêng để đi vào đời. Tuổi trẻ và dân tộc! Bằng sự ý thức, tuổi trẻ chọn con đường nào? Nếu cuộc chiến tranh chống xâm lược rõ ràng thì cả dân tộc sẽ cùng đứng lên! Qua lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc, dù bất cứ thời nào cũng đều có người yêu nước, bảo vệ tổ quốc và kẻ bán nước, làm tay sai cho bọn xâm lược. Cuộc chiến tranh VN đã chấm dứt hơn 30 năm qua đâu phải …dễ nhìn thấy, đâu phải mọi sự tỏ tường. Biết bao nhiêu câu hỏi cho những con người tuổi trẻ thời ấy bước chân vào cuộc đời với những chọn lựa. Nếu chỉ nghĩ đơn giản - lớn lên, ăn, học, có một bằng cấp, nghề nghiệp, đi làm kiếm tiền, lấy vợ, lấy chồng, sinh con, đẻ cái, sống cuộc sống bình thường trong xã hội thì không có gì để nói. Tuổi trẻ sống trong đất nước chiến tranh - cầm súng là điều không tránh khỏi. Đến tuổi là phải đi quân dịch, làm nghĩa vụ người công dân; phải cầm súng để chiến đấu theo mệnh lệnh của chế độ xã hội nhà nước cai trị. Với ý thức thân phận tuổi trẻ lớn lên trong chiến tranh, cuộc chiến tranh với nhiều ngôn từ nhưng trên chiến trường hai bên đều là người Việt, cùng chung một truyền thống lịch sử dân tộc, cùng một tiếng nói, cùng những niềm tự hào dù có khác nhau về chế độ chính trị xã hội. Một bên “chống cộng sản xâm lược”, một bên “chống Mỹ cứu nước”; Bên kia “bức màn sắt”, bên này “dân chủ, tự do”; Bên này quốc gia, bên kia cộng sản; Bên này thấy hiện diện quân - Mỹ, Úc, Tân tây lan, Đại hàn, Thái Lan, bên kia súng Nga, súng Tàu, Tiệp Khắc, cả hai bên đều “chiến đấu” bằng các phương tiện vũ khí, quân trang, quân dụng của ngoại bang được trang bị tận răng. Hào quang chiến thắng Điện biên phủ vẫn nức lòng tuổi trẻ; Văn hóa Mỹ, Pháp, Tây âu vẫn hấp dẫn cuộc sống con người…Tuổi trẻ Việt Nam đã lớn lên như những loài hoa mà mặt đất, bầu trời đầy bom đạn, khói lửa chiến tranh; có những mãnh đất mang cuộc sống, bộ mặt người, có những nơi cấu xé nhau như loài dã thú…

3. Là thế hệ sinh sau, đẻ muộn lớn lên lại trực tiếp với cuộc chiến tranh. Lửa chiến tranh ai không khiếp sợ, có ai muốn lao vào! Tuổi trẻ và chiến tranh! Ngọn lửa vô nhân, vô tính, vô tình, tuổi trẻ phải đối mặt. Có kẻ bị lùa vào như một đàn thú; có kẻ lao vào như những con thiêu thân; có kẻ xung phong bước chân vô để làm những anh hùng; có kẻ trốn chạy, hủy hoại thân mình; có kẻ sống lang thang, lây lất theo số phận nổi trôi; có kẻ có ý thức dân tộc, nhân bản vươn mình gióng lên một tiếng nói đau thương của “người nô lệ Việt Nam Da Vàng”; có kẻ ý thức dấn thân từ ngọn lửa đỏ rực. Sau ngọn lửa chiến tranh đó là gì? Với tâm hồn sáng trong yêu nước của tuổi trẻ, những người chân mới ngấp nghé bước vào đời, cầm súng trước khi cầm chén cơm do tự mình làm ra, lại là công cụ của cuộc chiến nên dù có ý thức, tuổi trẻ có nhìn thấy cũng chỉ nhìn qua bề nổi, một chút chiều sâu, mấy ai có cái nhìn sâu sắc để thấy sau ngọn lửa là gì đúng như bản chất của nó. Những bài học lịch sử trong nhà trường Miền Nam dạy cho những công dân tương lai truyền thống lịch sử bất khuất của dân tộc, những cuộc khởi nghĩa của Bà Trưng, Bà Triệu, Mai Thúc Loan đến Đinh bộ Lĩnh, Ngô Quyền mở đầu quyền độc lập, tự chủ của dân tộc sau ngót cả ngàn năm giặc Tàu đô hộ; Rồi, 10 năm kháng chiến chống quân Minh của Lê Lợi; rồi cả cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp thắng lợi và …sự phản bội của Việt Minh. Rồi đất nước cắt chia, xây dựng chế độ đệ nhất, đệ nhị cộng hòa. Bên kia “bức màn sắt” rõ mặt là người cộng sản nhưng những lãnh tụ là những người lãnh đạo “kháng chiến”; bên này Miền Nam lãnh đạo là những quan, tướng do Pháp, Mỹ sản sinh cùng với nạn tham nhũng gớm ghê, nhân dân oán ghét! Hàng triệu người Bắc di cư trốn chạy cộng sản vào Nam mà đa số lại là người theo Thiên chúa giáo, trong lịch sử lại mang danh kẻ nối giáo cho bọn thực dân Pháp xâm lược. Bên này dù sao cũng có những quyền tự do dân chủ của người công dân trong xã hội, những người có quyền nói lên những suy nghĩ, chính kiến của mình đối với đất nước, dân tộc; có những quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có nhiều đảng phái, đoàn thể xã hội dân sự, phong trào, có cả chống Mỹ, chống cộng sản, chống chiến tranh, chống độc tài, chống tham nhũng, có cả “lực lượng thứ ba…” (!)… Bên kia là gì? Thực tế của xã hội ấy nhân dân miền Nam sau năm 1975 mới “tận sống” và “tận biết” (!)… Thời kỳ ấy, bên kia đã hình thành nên cả một “Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam”, có cả “Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ…”, rồi có cả một “Chính phủ Cách mạng Lâm thời”, sau đó, 4 bên ngồi vào bàn đàm phán về Việt Nam tại Paris, trong đó có 3 bên Việt Nam một bên là Mỹ!

Trong một đất nước cùng một lịch sử truyền thống dân tộc, địa lý bị cắt chia, bên này là “duyên” của bên kia; bên kia đã “trồng”, “cấy” được “nhân” vào bên này, có những “thuận duyên” trong mặt đất bầu trời của “thế giới tự do” (!). Cuộc chiến tranh trong một dân tộc, một đất nước ai cũng dành “chính nghĩa” về mình; ai cũng tự khoác áo cho minh vì dân, vì nước; ai cũng vì Tổ quốc Việt Nam; ai cũng tự cho mình là tốt đẹp!…
4. Việt Nam trước ngày 30/4 ấy, ba màu cờ trên 2 miền đất nước. Trên chiến trường những người tuổi trẻ VN cầm súng bắn nhau. Tuổi trẻ luôn là con người của thời đại, nhiều lãng mạn, hoài vọng, ước mơ; trọng chân lý, chống bất công; yêu công bằng, tự do, độc lập, tự chủ. Nhưng trong chiến tranh, tuổi trẻ lại luôn luôn là đối tượng, một công cụ của kẻ thống trị, lãnh đạo chiến tranh…Tuổi trẻ cần có ý thức chọn lựa hay không? Muốn hay không muốn, tuổi trẻ đều phải cầm súng, trừ những kẻ đặc quyền, đặc lợi, người có trường hợp “gia cảnh”. Sự ý thức của tuổi trẻ hình thành trong những điều kiện nhân - duyên, trong một môi trường, điều kiện gia đình - xã hội nhất định. Kẻ thống trị bao giờ cũng bắt con người trong xã hội phải tuân theo trật tự xã hội với những công cụ quyền lực và luật pháp của mình thời chiến. Trung thành với tổ quốc là trung thành với chế độ (!). Tuổi trẻ Miền Nam, dù sao cũng có sự tự do của mình, tối thiểu là tự do tư tưởng, ngôn luận, có chính kiến, ý thức được vai trò công dân của mình trong xã hội… Nếu không có tự do, dân chủ, con người trở thành một công cụ của kẻ nắm quyền lực. Nhưng con người bao giờ cũng là con người có “tính bản thiện”, có ý thức, nhân bản, tự do… nên dù có dùng quyền lực - công an, mật vụ, tòa án, nhà tù để đàn áp, ép buộc cách này, cách khác, con người cũng đều vươn đến sự tự do, đấu tranh và chấp nhận hy sinh cả mạng sống để dành quyền tự do của chính mình và của cả xã hội - quyền sống làm người với đầy đủ giá trị của nó… khác với chế độ xã hội không có những quyền tự do, dân chủ ấy!

Những người tuổi trẻ hai bên lao vào cuộc chiến, nếu có ý thức, ai cũng có một lòng yêu nước sắt son! Ở bên này Miền Nam những người tuổi trẻ hướng về “ngọn cờ giải phóng” họ cho là có “chính nghĩa", đi theo, gọi là “lý tưởng cách mạng” (!). Họ có biết “cách mạng” là gì? xã hội ”mùa xuân của loài người” là như thế nào !? Trong thực tế cuộc sống xã hội họ không chấp nhận xã hội Miền Nam hiện diện bóng quân xâm lược. Họ yêu quý truyền thống lịch sử dân tộc anh hùng…Họ “lợi dụng tự do, dân chủ” xuống đường đấu tranh đòi quyền sống, đòi dân chủ - dân sinh, đòi hòa bình, tự do, độc lập… Họ thao thức sống, tâm hồn đầy ắp ước mơ, không hề nghĩ đến quyền lợi riêng tư. Chấp nhận hy sinh. Luôn yêu mặt trời chân lý!..

Họ là ai? Có thể nói, họ là những người tuổi trẻ VN yêu nước. Tình cảm yêu nước của tuổi trẻ luôn sáng trong, không hề bị vẫn đục. Họ là con của những gia đình lao động bình thường trong xã hội; của những gia đình “có truyền thống cách mạng” (!); con của những cán bộ công chức trong bộ máy “ngụy quyền”; con của những tướng tá “làm tay sai cho địch”; con của những gia đình tư sản, tiểu thương, tiểu chủ; con của “ngụy quân, ngụy quyền” (!), của gia đình các tầng lớp trong xã hội… Với lòng yêu nước, có lý tưởng, sống có ước mơ… họ đã đến với phong trào tuổi trẻ yêu nước. Họ là những thanh niên, sinh viên, học sinh đang ngồi trên giảng đường đại học hoặc trong những trường trung học hoặc đang lao động trong các ngành nghề xã hội…-”Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”!… Ai là người không yêu nước? Nhưng đối với những người có mục đích, ý đồ chính trị bè phái, độc quyền, họ dùng mọi thủ đoạn, sách lược để “vận động, tập hợp” mọi tầng lớp nhân dân, tuổi trẻ đi vào lò lửa chiến tranh, ”trấn áp, cô lập, phân hóa, lôi kéo, tranh thủ”… miễn sao đạt được mục đích chính trị, còn sau đó như thế nào lại là vấn đề khác. Khi “nhiệm vụ cách mạng” đã hoàn thành (!) không ít người lòng yêu nước đã bị hụt hẩng! Là một người tuổi trẻ Việt Nam yêu nước, người công dân trong xã hội họ đâu có ý thức rằng, cái “mặt trận”, cái Liên minh”, những cái lực lượng kia…”chỉ là những “tập hợp”, “đoàn kết” có tính giai đoạn, theo từng nhiệm vụ… còn con người họ cần, họ chọn lựa cho “sự nghiệp” lâu dài lại là một con người khác, con người của thành phần, của giai cấp; của những gia đình có “truyền thống”, của những người ít học để đào tạo thành một tầng lớp “tinh hoa” mới!…

Với truyền thống của người VN, ai cũng có lòng yêu nước, chống xâm lược, ai cũng quý độc lập, tự do; ai cũng có ý thức về một đất nước, dân tộc tự chủ… nên trong cuộc chiến tranh chống xâm lược kẻ lãnh đạo chiến tranh luôn khoác áo người yêu nước để động viên, thu hút lòng yêu nước của nhân dân, của tuổi trẻ. Tuổi trẻ với tinh thần yêu nước trong sáng đã chấp nhận hy sinh tự do cá nhân mình để đứng vào trong một tổ chức, chịu sự lãnh đạo của môt tổ chức mà mình cho là có chính nghĩa, là dân tộc hơn cả ….

Tuổi trẻ với cả lòng nhiệt huyết nhưng vẫn luôn là “tuổi trẻ” nên dễ bị lừa mị, ảo tưởng theo một đường lối tuyên truyền đánh vào tâm lý, nhất là tinh thần bất khuất chống ngoại xâm của dân tộc (!). Nhưng vì là tuổi trẻ, đằng sau sự hy sinh cho hiện tại bằng tham gia vào cuộc chiến, tuổi trẻ còn ước mơ một đất nước VN sau này khi không còn chiến tranh, và có lẽ, không ai ngu xuẩn để chọn cho mình một ước mơ, lý tưởng phủ nhận đi chính mình, phủ nhận một xã hội có những quyền tự do, dân chủ, dù là tối thiểu để mình có quyền sống làm người, làm một công dân sống bình thường trong xã hội dân chủ, tự do… Một xã hội mình nghĩ là rất tốt đẹp, rất nhân bản, xã hội “người với người sống để yêu nhau” (!), xã hội tất cả “vì nhân dân, dân tộc, tổ quốc” (!?) …Tuổi trẻ cũng đã có những nóng vội, cả tin - tin vào tính nhân bản của con người, vào lòng yêu nước chân chính của mỗi con người VN, nhất là những người đã từng được đánh bóng, tô hồng những ánh hào quang, lại thiếu kinh nghiệm sống, nhất là chính trị nên tuổi trẻ đã bỏ ngoài tai tất cả, kể cả kinh nghiệm của những người đi trước về một xã hội “không có con người” để tham gia tranh đấu. Một cuộc chiến tranh đã huy động cả truyền thống hơn 4 nghìn năm đấu tranh giữ nước và dựng nước của dân tộc (!), nâng lên thành cả “chủ nghĩa yêu nước” (!)… Trong những điều kiện nhân - duyên ấy, tuổi trẻ vẫn là tuổi trẻ - ước mơ lớn, ảo vọng nhiều!…

No comments:

Post a Comment