Sunday, July 11, 2010

Đời xiếc nhí vỉa hè

Đời xiếc nhí vỉa hè
16/04/2007 07:41
19 giờ. Không khí các quán nhậu đã nóng lên, khách khứa ra vào tấp nập. Đây cũng là thời điểm để các “gánh xiếc rong” bắt đầu đêm mưu sinh. Các em mưu sinh bằng cái nghề có tiếng là nhiều bất trắc này mà không hề có ai dẫn dắt, an ủi…

Sàn diễn là... quán nhậu

20 giờ, ngày 7-4, tại quán nhậu 33 Nguyễn Trung Trực quận 1 TPHCM, khách khứa ngồi tràn ra vỉa hè cùng nhau “chén tạc chén thù”. Đang tưng bừng ăn uống, mọi người bổng cùng quay ra lề đường theo tiếng hú “hê… h…ê…ê” của một em nhỏ.

Em cầm 2 thanh sắt dài chừng 4 tấc, to bằng cái bút chì, trên đầu mỗi thanh đều quấn bấc đèn tẩm sẵn dầu hỏa, đã được châm lửa cháy bùng bùng. Chân đứng hình chữ V, 2 tay cầm 2 thanh lửa múa vòng tròn, lên xuống. Miệng không ngừng kêu “hê.. hê…ê”.

Âm “…ê” cuối vừa dứt, một thanh lửa bên tay phải tọt vào miệng. Thực khách chưa hết ngỡ ngàng thì em đã ngậm tắt thanh lửa thứ hai. Không một tiếng vỗ tay. Nghệ sĩ nhí vừa trình diễn màn nuốt lửa ấy tên Huy, 9 tuổi, nhà ở quận 7 TPHCM.
Tiếp theo là màn diễn của Tèo, 10 tuổi. Nét mặt Tèo rất nghiêm trang, trông như… nghệ sĩ thứ thiệt.

Em cắm cúi, lấy mũi giày hất trái banh từ dưới đất lên, hai tay đón lấy, trái banh “đậu” lại rồi xoay tròn trên ngón tay trỏ bên trái.

“Hê” 1 tiếng, em gập người ra phía trước, trái banh lượn theo lưng, vòng xuống bụng, qua chân rồi “trụ” lại ở đầu ngón tay trỏ bên phải. Đặt trái banh xuống bên đường, em vòng tròn 2 tay bưng lấy chiếc ca nhựa, đến từng bàn nhậu để nhận tiền “bo” của khách.

21 giờ 30, tại chuỗi quán nhậu trên đường Nguyễn Tri Phương, quận 10. Hai nghệ sĩ xiếc nhí đều tên là Đen, 8 tuổi và 9 tuổi đang trổ tài tiết mục xiếc rắn lục. Đen 8 tuổi đưa đi đưa lại con rắn lục xanh lè, dài chừng độ 40cm, rồi từ từ đút đầu con rắn vào… lỗ mũi.

Chừng 3 phút sau, đầu con rắn đã ngo ngoe ở… miệng cậu bé. Đen ngoáy đi ngoáy lại cái đầu để “đánh võng” con rắn lục. Con rắn lục ngoan cố trườn dần ra miệng. Khán giả hiếu kỳ nhìn theo 2 đầu so le của con rắn. Mặt Đen méo xệch, cơ mặt giần giật khi rút con rắn ra khỏi mồm.

Kết thúc tiết mục rắn, vẫn không hề có một tiếng vỗ tay. Tiếng chạm cốc, tiếng “dzô, d….z…ô…” lại vỡ ra, tưởng chừng như không thể cầm cự tiếp được sau những phút im lặng, nín thở theo dõi múa xiếc.

Đen kể: “Ngoài múa rắn, em còn chơi được các tiết mục như: nhào lộn, múa đĩa (trên mũi dao), múa lửa. Hàng tối, em và anh Đen lớn (9 tuổi) đều đi diễn ở vỉa hè các quán nhậu khắp thành phố. Tiết mục múa rắn lục là… dễ nhất trong các trò vì mình vừa làm, còn con rắn nó cũng… tự ngoi trong mũi mình. Nên, em chỉ học khoảng hai tháng là ổn. Khó nhất của trò này là mình không được sợ rắn và chịu được những cơn buồn nôn!”.

Tuổi thơ khắc khổ

Tất cả các nghệ sĩ xiếc nhí đều sành sõi các “con đường bia bọt” như: Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Tri Phương, Thái Văn Lung, Thi Sách, Nguyễn Thái Học… của TPHCM.

Hàng tối các em đều rảo qua các phố ăn nhậu này ít nhất một lượt để trình diễn các tiết mục trên. Buổi diễn bắt đầu từ quãng 19 giờ cho đến 22 giờ hoặc hơn nữa nếu các thực khách có yêu cầu. Thậm chí hôm nào đông khách, các quán nhậu tan muộn, các em có thể diễn đến rạng sáng.

Những màn xiếc vỉa hè ấy – như chính những nghệ sĩ thứ thiệt đã xác nhận – không dễ tập và nguy hiểm. Nhưng điều khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ là hầu như những đứa trẻ sáng dạ này đều mù chữ! Hai Đen thủ thỉ với tôi: “Chúng con không được đi học. Con thèm biết chữ lắm! Nhưng ban ngày con còn phải lau dọn nhà cửa”.

Nghe hai em rủ rỉ tâm sự, bất giác tôi nhìn lại chúng và chạnh lòng, cả hai đều gầy gò và nhất là hai bàn tay của các em - mỏng manh và đen thui! Nhưng anh Sơn (sinh năm 1987) người “tài xế”, kiêm luôn “cai” của các em cười như giễu với tôi: “Học cái gì mà học! Vẽ chuyện. Còn tên tuổi hả, cứ trông tụi nó thế nào thì kêu thế ấy. Việc gì phải thắc mắc!”
Khoảng 18 giờ 30 hàng ngày, Sơn chở 2 em Đen từ đường Lê Văn Lương quận 7, sang bên quận 1 để “mãi võ sơn đông”. Những tài xế kiêm “cai” như Sơn không hề xuất hiện trước đám đông mà thường đậu xe ở dưới gốc cây, hay con hẻm gần các quán nhậu, rồi “thả” các chú bé tự vác đồ nghề đến trước các quán nhậu múa may.

Diễn xong, các em trở về kèm theo chiếc ca đựng tiền “bo” của khán giả “nộp” cho Sơn với ánh mắt lấm lét. Bàn tay đen sì run run cầm tờ 10 ngàn polyme mới “dâng” lên cho Sơn- đang ngồi vắt vẻo trên yên xe máy. Quơ lấy đống tiền lủng nhủng từ 2 chiếc ca, Sơn giậm máy, rú ga.

Hai cậu bé thấy vậy, mau mau chất 2 trái banh lên trước khung xe. Đen 8 tuổi leo phắt lên ngồi co quắp trước mặt Sơn, sau 2 trái banh. Đen 9 tuổi thì ôm túi đồ nghề ngồi phía sau. Xe vút đi trên đường. Cả hai bé Đen đều rũ ra vì mệt và bụi bặm.

Với các em như Huy, Tường, Cường (2 anh em), Tèo còn may mắn hơn. Ban ngày các em được học ở Trường học tình thương Phước Thiện phường Tân Quy, quận 7. Nhiều khi phải đi diễn xa ở các tỉnh theo đoàn, chuyện học hành của các em phải gác lại. Các em may mắn hơn là vì vẫn còn có mái ấm gia đình để tựa vào, nhưng cuộc bươn chải, mưu sinh của các em không vì thế mà bớt vất vả.

Những cậu bé trên dưới 10 tuổi này là những lao động chính trong nhà. Hàng tối, tiền kiếm được các em đều đưa cho mẹ để trang trải cuộc sống. Mặc dù mới 9 tuổi nhưng tôi thấy sự già dặn và nỗi buồn thăm thẳm trong đôi mắt Huy. Ba Huy đã bỏ mẹ con em đi theo người khác, anh trai Huy thì bệnh tật nằm nhà. Mẹ bán chè cháo gần đường Nguyễn Thị Thập quận 7 - để còn trông người con trai lớn.

Chỉ có Huy là được tung tẩy “đi xa” và thực sự là lao động chính. Có đêm, Huy đưa cho mẹ được 80 ngàn- những đồng tiền từ mồ hôi, tủi nhục của mình. Có tiền, cả nhà mừng mừng tủi tủi vì tiền ăn, tiền thuốc của 3 mẹ con ngày hôm sau đã “có chỗ” mà tính.

Với Tèo, món “đinh” của em là múa banh. Em kể: “Trò đó, con luyện với trái banh hơn 1 năm trời. Phải học giữ thăng bằng, khéo léo thì banh mới không rớt và uyển chuyển. Còn múa lửa như Huy làm thì phải chọn hướng gió. Người phải luôn đứng cùng hướng gió để giơ thanh lửa lên nó không táp vào mặt mình”. Em muốn được theo học xiếc và ảo thuật tại một trường nghệ thuật. Tèo nhớ mãi kỷ niệm của nhóm, có vị khách ngà ngà rượu, thấy các em múa lửa cũng múa bỡn chơi. Ai dè, ngậm thanh lửa vào, lửa không tắt mà còn phỏng mồm.

Đời xiếc nhí lề đường, chuyện vui thì ít mà kỷ niệm buồn thì nhiều. Huy kể : “Có hôm, khách say rượu, nôn cả vào người con khi con cầm ca đến xin tiền. Nhiều khách còn nói rất “xẵng”: mày diễn thì mày cứ diễn, việc gì cứ phải “hê” với “hê”. Có người đã không cho tiền nhưng rất “bạo” tay, tát và véo tai con đuổi đi chỗ khác.”- giọng méo xệch oan ức, Tèo tâm sự.

Chỉ với đống đạo cụ đơn giản, 1 bộ đồ diễn, lận lưng dăm ba trò diễn học từ những ông thầy bán chuyên nghiệp, hàng tối những nghệ sĩ nhí lại tất bật bươn chải cho cuộc sống và dần xây ước mơ của mình.

Phải có một nghị lực phi thường, một “sức đề kháng” cao thì các em mới chống chọi được với cuộc sống xô bồ trong các quán nhậu. Hy vọng khi đọc đến đây, bạn đọc sẽ không còn cho rằng, chúng tôi đã dùng sai hai từ “nghệ sĩ” khi nói về các em. Và, liệu chúng ta có thể làm được gì để giúp các em không?
Theo Đường Loan/SGGP

No comments:

Post a Comment