Monday, July 12, 2010

Mỹ du ký

Mỹ du ký [1]
Lời thưa trước
Tôi có chuyến đi Mỹ từ tháng 4 đến tháng 10/2009. Thời gian 6 tháng khá dài cho một chuyến du lịch nhưng lại quá ngắn cho việc tìm hiểu một đất nước. Đây là lần đầu tiên tôi ra nước ngoài và lại đến cường quốc số 1 thế giới, nơi có nhiều người Việt tị nạn nhất, nên có nhiều ấn tượng mạnh. Có những điều quá bình thường đến độ tầm thường đối với người sống ở Mỹ như một vista point hay một rest area trên đường nhưng đối với tôi lại rất nhiều ý nghĩa. Gặp gỡ những người Việt đã ở Mỹ trên 40 năm, trên 30 năm, những bạn bè chỉ biết nhau qua mạng, những sinh viên Việt thông minh tài giỏi nhưng nói tiếng Việt không sỏi hoặc những em bé Việt 3-5 tuổi chỉ nói được tiếng Mỹ là những sự kiện hoàn toàn mới mẻ. Do đó bút ký Mỹ du này có thể không có gì thật đặc sắc, nhất là đối với người sống ở Mỹ, nhưng thể hiện những gì nhìn thấy qua đôi mắt mở lớn để nhìn và thu nhận của người viết.
“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Tôi cũng theo lời dạy của ông cha, cố gắng tìm hiểu, học hỏi cái hay cái đẹp trên xứ người là chính. Cũng có điều không hay, chưa đẹp nhưng tôi chỉ lướt qua vì không có điều kiện đi sâu tìm hiểu, trừ một vài việc có tầm quan trọng đặc biệt. Nhận ra, khâm phục cái hay cái đẹp của xứ người không phải là vọng ngoại mà chính là sự chân thực, khiêm tốn cần thiết để suy nghĩ về việc xây dựng đất nước mình.
Tôi là một người bất đồng chính kiến trong nước, qua Mỹ tiếp xúc với nhiều người, phần lớn là những người Việt tị nạn cộng sản, trong đó có những người hoạt động chính trị, với tình hình hiện nay, đó là một vấn đề người ta gọi là rất “nhạy cảm” và có thể phát sinh nhiều hệ lụy. Do đó tuy đã gặp gỡ hàng trăm người, tôi rất ít nêu tên ai, trừ những người đã được nêu qua bài viết của những người khác trên mạng liên quan đến chuyến đi của tôi. Đây là một điều gây hạn chế cho việc viết bút ký. Có bạn đã khuyên tôi: “Hãy viết đúng sự thật, nếu không đừng viết.” Đó là một lời khuyên đúng và cũng là phương châm của tôi.

Đây cũng là chút an ủi nho nhỏ mà số mệnh dành cho chúng tôi. Ảnh: TDBC
Để dung hòa, tôi chọn cách viết không phải thuần túy tự sự, tường thuật mà mang tính tổng hợp, khái quát và nhận định theo từng chủ đề, dù cách viết này ít mang phong cách bút ký thông thường. Có một số chủ đề quan trọng như về nền giáo dục Mỹ, báo chí của người Việt trên đất Mỹ nhưng tôi lại không đủ tư liệu và thời gian tìm hiểu. Bước đầu, trong ý hướng đó, thiên Mỹ du ký này gồm 7 phần dưới đây. Có thể trong tương lai, khi điều kiện cho phép, tôi lại sẽ viết Mỹ du ký phần 2 theo một dạng hoàn toàn khác.

1. Tại sao tôi “được” đi Mỹ và đi như thế nào?
2. Ấn tượng mạnh nhất trên đất Mỹ: Tình cảm bè bạn.
3. Ấn tượng mạnh nhất trên đất Mỹ: Hệ thống xa lộ và giao thông đường bộ.
4. Người Mỹ và thiên nhiên.
5. Những vấn đề chính trị của người Việt trên đất Mỹ.
6. Món ăn Việt trên đất Mỹ.
7. Một vài nhận xét về tính cách và lối sống Mỹ

Ngày 5 tháng Tư 2009, tôi và vợ tôi đặt chân xuống phi trường San Francisco trên đất Mỹ. Việc này tôi không bao giờ nghĩ đến trước đây. Đúng là chuyện trên trời rơi xuống. Hay sau này tôi thường nói đùa với các bạn: Thánh nhân độ kẻ khù khờ. Hoặc một người bạn tôi nói: Đây cũng là chút an ủi nho nhỏ mà số mệnh dành cho chúng tôi. Và chuyến du hành nửa năm trên đất Mỹ đối với chúng tôi quả là một niềm vui, một điều gì hơn thế rất nhiều, mặc dù đối với quan niệm sống của chúng tôi, mọi việc đều là “sắc sắc – không không”, nhưng cũng là hệ lụy tất nhiên của luật nhân quả trong đó có tác nhân chủ động của chính mình, đồng thời cũng là số phận an bài, theo một cách hiểu nào đó về những gì nằm ngoài tầm nhận thức của con người
1. Tại sao tôi “được” đi Mỹ và đi như thế nào?
Khoảng đầu quý 4 năm 2008, một người bạn ở Mỹ, Nguyễn Khoa Thái Anh mail hỏi tôi: Anh có muốn đi Mỹ một chuyến không? Tôi trả lời, đi cũng tốt mà không đi cũng chẳng sao. Bởi gần cả đời tôi chưa hề có dịp ra khỏi đất nước và không có phương tiện gì để ra đi. Hơn nữa với những người mang danh “bất đồng chính kiến” như tôi càng khó có cơ hội để đi, trong khi ở thời kỳ này khối kẻ đi ra nước ngoài như đi chợ.
Ít lâu sau, Thái Anh mail tiếp cho tôi, nói một số bạn ở Mỹ đã đồng ý mời tôi đi, trong đó có nhiều người ở trong ban biên tập trang web Danchimviet.com như Nguyễn Ngọc Oánh, Tưởng Năng Tiến, Nguyễn Hữu Liêm, trong số này tôi chỉ gặp Thái Anh đôi lần ở Việt Nam khi anh về nước thăm gia đình. Tôi yêu cầu các bạn nhân danh cá nhân để mời chứ không phải ban biên tập Danchimviet. Để dễ xin visa, các bạn sẽ nhờ Nguyễn Hữu Liêm lấy danh nghĩa giáo sư đại học của San Jose City College mời tôi, với tư cách một nhà văn bất đồng chính kiến, sang nói chuyện với sinh viên lớp anh dạy. Đó là một đề tài về chủ nghĩa hiện sinh liên quan đến bài giảng về triết học khóa mùa xuân 2009. Sau đó tôi đã xác định lại chủ đề buổi nói chuyện của tôi với sinh viên là “Ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh ở Việt Nam, từ triết lý đến hiện thực: Sự lựa chọn dấn thân của một trí thức ở một đất nước trong và sau chiến tranh”.
Tôi đề nghị các bạn mời cả vợ tôi cùng đi. Các bạn đồng ý nhưng chỉ lo được cho chúng tôi một vé máy bay, vé còn lại chúng tôi phải tự lo. Sau đó một người bạn khác của chúng tôi ở Mỹ đã giúp việc này. Việc ăn ở, đi lại bên Mỹ các bạn sẽ lo cho chúng tôi hoàn toàn. Ít lâu sau, khoảng tháng 10/2008, tôi nhận được giấy mời của Nguyễn Hữu Liêm. Có giấy mời rồi, tôi để đó không làm gì cả vì tôi nghĩ còn lâu mới đến ngày đi và tôi đang có mấy việc quan trọng của gia đình phải lo.
Sau Tết, chúng tôi từ Đà Lạt về Sài Gòn để tìm hiểu chuyện đi Mỹ. Có hai việc cần thiết phải giải quyết : Xin visa vào Mỹ và thăm dò thái độ của nhà cầm quyền Việt Nam.
Chúng tôi đến một công ty dịch vụ du lịch hỏi về thủ tục giấy tờ đi Mỹ. Họ nói sẽ giúp làm nhưng rất ít hi vọng vì theo kinh nghiệm của họ, lần đầu tiên cả hai vợ chồng cùng xin đi thì có đến 99% trường hợp bị từ chối. Chúng tôi nghe cũng hơi nản. Sau đó một người bạn khuyên tôi nên báo cho Tổng Lãnh sự Mỹ ở Sài Gòn về việc chúng tôi có giấy mời để thăm dò. Có lời khuyên này vì năm trước Tổng Lãnh sự Mỹ đã từng gặp tôi khi lên thăm “nhóm Dalat” để tìm hiểu quan điểm của chúng tôi đối với tình hình đất nước. Trong dịp này, ông đã cho chúng tôi địa chỉ email. Tôi theo lời khuyên này.
Thật bất ngờ, chỉ 15 phút sau khi gởi mail, Tổng Lãnh sự Mỹ cho người gọi điện thoại cho tôi ngay. Tòa Lãnh sự hứa sẽ cử người gặp chúng tôi để giúp làm thủ tục. Vậy là chỉ sau 3 ngày chúng tôi đã có visa trong tay, không qua phỏng vấn, không cần chứng minh tài sản. Visa của chúng tôi thuộc loại Multiple Entry, có thể vào ra nước Mỹ nhiều lần trong vòng một năm. Hình như từ trước ở đây ít ai xin visa nhanh và dễ dàng như thế.
Mỹ du ký [1]

Tôi hiểu chuyến đi này là một thử thách. Không khôn ngoan sẽ bị “đốt cháy”. Ảnh: TDBC
Vậy là qua một cửa ải. Cửa ải thứ hai là công an của nhà nước Việt Nam và đây mới là việc phức tạp. Chúng tôi phải thăm dò trước vì chúng tôi biết dù đã có passport, visa, vé máy bay nhưng đến phi trường vẫn có thể bị chặn lại. Chúng tôi không muốn rơi vào hoàn cảnh đó. Một người quen có mối quan hệ với công an đã làm giúp việc này và được người có thẩm quyền trả lời chuyện chúng tôi đi Mỹ không có gì trở ngại nhưng trước khi đi cần phải gặp họ.
Sau đó công an chủ động mời tôi gặp mặt hai lần. Họ gặp nói chuyện theo kiểu rất nhẹ nhàng, lịch sự như bạn bè gặp nhau trước khi đi xa. Họ nói kiểu “làm việc” đối với chúng tôi ngày trước là trong “thời kỳ quá độ” thôi. Ngày nay công an đã “tiến bộ” rất nhiều rồi. Tôi chẳng ngại và chẳng lạ gì cách làm việc của công an. Chúng tôi đã “làm việc” với họ cả trăm lần trong suốt hơn 10 năm qua, khi “lên bộ”, khi “xuống phường”, khi ở cơ quan, lúc ở quán café, lúc gay gắt, lúc nhẹ nhàng, tùy thời điểm, sự việc và mục đích của họ.
Hai lần gặp này công an đặt vấn đề: Họ có thể không cho chúng tôi đi dù chúng tôi đã có passport, visa vì Bộ Công an có quyền không cho nếu chúng tôi vi phạm điều gì đó. (Đúng như chúng tôi nghĩ, “vi phạm” có thể là chuyện hình sự, trốn thuế hay liên quan đến an ninh quốc gia…, muốn là có ngay, chẳng khó gì cả.) Tuy nhiên, nếu không cho đi, chúng tôi càng nổi tiếng và nhà nước lại mang tiếng là vi phạm nhân quyền. Vả lại chính sách của nhà nước bây giờ đã khác, thông thoáng hơn trước. Họ nói biết rõ chúng tôi chưa đi nhưng các hội đoàn chính trị ở ngoài đã sẵn sàng đón tiếp và mong chúng tôi khi qua Mỹ sẽ không làm gì, tuyên bố gì “có hại cho đất nước” và không bị lợi dụng hay gài bẫy. Họ còn nói thêm nếu chuyến đi của tôi không có vấn đề gì thì các bạn khác trong “nhóm Dalat” cũng có thể tiếp tục đi.
Chúng tôi đã suy nghĩ và tham khảo ý kiến của các bạn trong “nhóm Dalat” về vấn đề này trước khi gặp công an. Đúng là một chuyến đi rất phức tạp chứ không phải chuyến đi bình thường của mọi người. Đi để trở về chứ không phải đi luôn để tị nạn chính trị. Tôi nói với công an: Từ hơn 20 năm qua, chúng tôi đã là những người bất đồng chính kiến và nhà nước cũng công nhận như thế. Vậy thì dù ở trong nước hay ra nước ngoài, chúng tôi luôn giữ quan điểm độc lập của mình. Chúng tôi có thể gặp bất cứ ai, nói bất cứ chuyện gì nhưng mục đích của chúng tôi là đi thăm nước Mỹ và bạn bè nên chúng tôi sẽ không tiếp xúc với các tổ chức chính trị mà chỉ gặp gỡ mọi người với tính cách cá nhân và sẽ không công khai tuyên bố, trả lời phỏng vấn trên đài, báo. Những điều cần nói, chúng tôi đã nói trong các tác phẩm và hàng trăm bài viết của mình trên Internet. Chúng tôi đứng trong nước để nói chứ không đợi ra ngoài mới nói và dĩ nhiên chúng tôi không bao giờ nói hay làm cái gì “có hại cho đất nước”.
Tôi hiểu chuyến đi này là một thử thách. Không khôn ngoan sẽ bị “đốt cháy”. Chưa biết phía nào đốt nhưng ai đốt thì nhà nước Việt Nam vẫn có lợi. Các bạn ở Đà Lạt cũng thấy hết khía cạnh khó khăn phức tạp, đóng góp nhiều ý kiến, ủng hộ việc tôi đi “tiền trạm” và chúc tôi “chân cứng đá mềm”, “dĩ bất biến ứng vạn biến” chứ khó lường hết chuyện gì sẽ xảy ra. Vợ tôi đôi khi cũng cảm thấy nản không muốn đi nữa do thấy chuyến đi quá phức tạp và trong quá khứ chúng tôi đã quá đủ rắc rối rồi. Chúng tôi chuẩn bị mọi thứ cần thiết và chỉ thực sự yên tâm, biết mình có thể thực sự ra đi khi máy bay đã cất cánh rời phi trường Tân Sơn Nhất.
Qua đến Mỹ, khi gặp bạn bè, cùng những người mới quen biết, việc chúng tôi đi Mỹ trở thành một câu hỏi, dù họ nói ra hay không. Tôi hiểu từ lâu tôi được biết là một người bất đồng chính kiến, gặp nhiều khó khăn, bị quản chế, bao vây, cô lập, bây giờ tôi được đi ra nước ngoài, người ta sẽ đặt câu hỏi là do đâu: Chính sách của nhà nước cởi mở hơn? Tôi đã có thỏa thuận gì đó với nhà nước? Thậm chí tôi là “đối lập cuội” bây giờ đi thực hiện một nhiệm vụ nào đó của công an?… Câu hỏi này càng rõ rệt hơn thời gian sau đó khi tôi đã sang Mỹ, xảy ra vụ luật sư Lê Công Định và một số người khác bị bắt.
Tôi nghĩ việc mọi người đặt câu hỏi về chuyến đi của tôi là chuyện tự nhiên và tùy trường hợp, tôi đã trình bày, giải thích cho họ những gì đã xảy ra. Phản ứng của người nghe có khác nhau. Nhiều người mừng cho tôi đã có dịp đi ra nước ngoài sau bao nhiêu năm bị bao vây kềm kẹp. Có người cảnh giác tôi về những nguy hiểm mà tôi có thể gặp từ nhiều phía vì họ biết tôi từ trước vẫn là “người đi giữa hai lằn đạn”. Họ biết rõ thế nào là bị “đốt cháy” hay “vô hiệu hóa” trên đất Mỹ này qua rất nhiều trường hợp trong quá khứ. Rõ ràng trong việc tôi đi nhà nước hoàn toàn có lợi vì được tiếng tôn trọng nhân quyền, không gây khó khăn cho người bất đồng chính kiến. Nếu tôi bị nghi ngờ sẽ “mất tác dụng”. Còn tôi bị “đốt cháy” lại càng hay, đỡ đi một mối lo. Đây là những người yêu mến tôi và tôi biết cũng có những người hoài nghi, nhất là những người không có thiện cảm với tôi từ trước, thậm chí ác cảm, vì khác chính kiến (do tôi viết bài trên Internet và đã từng tranh luận với nhiều người về những vấn đề chính trị gai góc) dù tôi chưa hề gặp họ.
Dù sao tôi cũng chẳng bận tâm lắm về chuyện này vì tôi luôn nghĩ mình trong sáng, “thật vàng chẳng sợ gì lửa”. Tuy nhiên tôi vẫn giữ nguyên tắc đã xác định trước khi đi: Tôi có thể gặp bất cứ ai với tư cách cá nhân, trao đổi bất cứ vấn đề gì nhưng không tiếp xúc với các tổ chức chính trị, không trả lời phỏng vấn đài, báo, không “tuyên bố chính trị” rùm beng. Dù vậy, một thời gian không lâu sau tôi đã gặp “sự cố Berkeley” vì có người viết bài vu cáo tôi đi thực hiện nghị quyết 36 của nhà nước Việt Nam trong buổi gặp gỡ với Hội Sinh Viên Việt Nam ở Đại học Berkeley. Tôi đã viết bài trả lời, sau đó có thêm các bài của Nguyễn Khoa Thái Anh, một người trong cuộc và của Bùi Văn Phú, một người hoàn toàn khách quan không quen biết gì chúng tôi, cũng giúp làm sáng tỏ thêm vấn đề. Tất cả tạo nên một đề tài “nóng” trên vài trang mạng một thời gian.
Có phải đây là một vụ “đốt cháy” mà tôi đã từng được cảnh báo? Nhưng tôi không phải là loại “dễ cháy” và cũng dám tự hào thuộc loại “cây gỗ vuông chành chạnh” không dễ để cho ai muốn “lăn long lóc” thế nào cũng được. Vài ngày sau, tôi quên ngay chuyện đó và các bạn bè tử tế ở đây cũng khuyên tôi như vậy. Cái trò này ở hải ngoại chẳng mới mẻ gì, ngay giữa những người “hải ngoại chống cộng” với nhau. Có người nói đùa nón cối hiện nay ở trong nước khan hiếm vì đã xuất khẩu ra nước ngoài phần lớn. Vì thế ở đây người ta tha hồ “chụp nón cối” cho người khác. Có người yếu bóng vía cũng sợ. Có người quá nhạy cảm cũng mất ăn mất ngủ. Đây là một kiểu “chống cộng có lợi cho cộng sản” cần phải nghiên cứu để xem ai thực sự đứng đằng sau, vì ý đồ gì.
Mấy tháng sau, vào ngày10/7/2009, Mai Thái Lĩnh, bạn tôi trong “nhóm Dalat” bị chặn ở sân bay không cho xuất cảnh dù mới được cấp passport và có visa vào Mỹ, Canada. Lĩnh lập tức thông báo cho mọi người, viết bài tố cáo và đơn khiếu nại đưa lên mạng. Chúng tôi phân tích có lẽ do tình hình chuyển biến sau những vụ bắt bớ và vấn đề khai thác bauxite tây nguyên ngày càng nóng lên nên nhà nước thay đổi sách lược. Chuyện sách lược đối phó với những người bất đồng chính kiến, từng người, từng thời điểm nhằm mục đích răn đe, mua chuộc, gây chia rẽ…, ngay trong “nhóm Dalat”, chúng tôi chẳng lạ gì từ nhiều năm qua. Nếu chúng tôi đi chậm vào thời điểm này biết đâu cũng có thể gặp trường hợp như Lĩnh. Cũng may chúng tôi đã đi rồi nhưng chúng tôi cũng sắp trở về. Trở về e sẽ còn lắm chuyện. Dù sao tới đâu hay đó.
Mỹ du ký [2]
2. Ấn tượng mạnh nhất trên đất Mỹ: Tình cảm bè bạn.
Nhiều lần, qua những thời điểm khác nhau cho đến khi sắp trở về, các bạn tôi hỏi ấn tượng mạnh nhất của tôi khi sang Mỹ là gì, tôi vẫn trả lời có hai ấn tượng mạnh mà thứ nhất là tình cảm bè bạn.
Lần đầu đến sân bay San Fransisco, chúng tôi được nhiều người ra đón. Ngoài một số bạn trong nhóm mời chúng tôi sang Mỹ còn có gia đình của một người bạn cũ từ thuở nhỏ. Anh đưa cả gia đình 7 người gồm vợ, con, dâu, cháu cùng đi. Chúng tôi ôm nhau vui mừng và chuyện trò rôm rả cả nửa giờ ở sảnh chờ trước khi rời sân bay.
Hôm đầu tiên chúng tôi được đưa về nhà của Nguyễn Hữu Liêm là người đã gởi giấy mời chúng tôi sang Mỹ. Trước đây tôi chưa hề quen anh. Anh dành cho chúng tôi một phòng lớn nhất, đẹp nhất trong nhà mà anh gọi là “honeymoon suite” để chúng tôi hưởng “tuần trăng mật thứ hai” trên đất Mỹ và nói chúng tôi muốn ở đó bao lâu cũng được. Tuy nhiên hôm sau tôi đề nghị chuyển về nhà anh bạn cũ vì chúng tôi đã từng gặp, thân thiết với cả gia đình anh nên sẽ cảm thấy thoải mái hơn. Đây sẽ là “hậu cứ vững chắc” để chúng tôi trở về nghỉ ngơi sau những chuyến đi đây đó.
Về những người gọi là bạn trên đất Mỹ, thực sự chúng tôi chỉ có vài người bạn cũ hay đã từng gặp đôi lần ở Việt Nam, nhưng sau mấy tháng, chúng tôi đã gặp và trở thành bạn có thể đến vài chục người, hay hơn nữa. Tất cả đều khởi đầu từ Internet. Đó là những người quen biết qua trao đổi email, qua đọc bài của nhau hay tranh luận với nhau trên mạng. Một vài người đã đọc sách và bài viết của tôi từ mươi năm trước coi chúng tôi như bạn “cố tri”. Không gian ảo đã tạo điều kiện cho chúng tôi trò chuyện, hiểu nhau, có thiện cảm với nhau mà không cần gặp gỡ. Chưa kể một số học trò và đồng nghiệp cũ xa cách từ rất lâu bởi cuộc chiến tang thương. Bây giờ chúng tôi đã sang Mỹ, mọi người đều mong muốn gặp mặt.
Chúng tôi cảm nhận chân tình nồng nhiệt của bạn bè từ những việc rất nhỏ mà họ đã chăm sóc cho chúng tôi đến việc chia sẻ tư tưởng, quan điểm về những vấn đề chung của đất nước.
Ngay ngày thứ hai đến Mỹ, các bạn đã lo chúng tôi hai cell phone để chúng tôi có thể tiện liên lạc với mọi người. Nhiều người tự động mua tặng hay cho chúng tôi mượn những thứ mà họ nghĩ chúng tôi sẽ cần, từ bàn chải, kem đánh răng (dù chúng tôi đã có, nhưng không “hại điện” bằng), đủ loại thuốc bổ (có lẽ vì thấy chúng tôi gầy quá), máy laptop, vali nhỏ xách tay (thật tiện lợi khi đi đây đó), máy ghi âm bỏ túi, đủ thứ sách báo, bản đồ, cả quần áo giày dép… Hầu như chúng tôi không thiếu thứ gì để có thể sống thoải mái trong thời gian ở đây.
Các bạn đã mua vé máy bay mời chúng tôi đến chỗ họ chơi, đưa đón ở sân bay, lo ăn ở chu đáo. Có người không ngại lái xe vài trăm mile để đón chúng tôi về nhà. Nhiều người nhà cửa rộng rãi dư phòng cho khách nhưng cũng có người nhà ít phòng, có con nhỏ, họ cũng sắp xếp nhường phòng cho chúng tôi. Trước khi tiễn khách, có người đã chuẩn bị thức ăn mang theo ăn đường vì lo chúng tôi không quen ăn đồ Mỹ trên máy bay hay xe lửa. Một lần, lúc chúng tôi sắp lên đường, có cô học trò cũ sáng sớm còn chạy ra chợ mua bánh mì và café nóng đem đến (vì cô nghe vợ tôi khen bánh mì Lee ngon và chúng tôi ở nhà bạn gần nhà của cô). Tôi nói đùa sao tử tế quá vậy. Cô trả lời bằng cách hát vui nhại một bài hát thời thượng “Hãy tốt với tôi bây giờ…”


Hãy tốt với tôi bây giờ... Từ bên trái: chị Bạch Yến, chị Tuyết, Tác giả, đạo diễn Trần Văn Thủy, nhà văn Hoàng Khởi Phong. Ảnh: NKTA
Hôm chúng tôi đến Seattle, mấy bạn ở Canada đã rủ nhau “vượt biên giới” lái xe đi về mất gần 10 tiếng đồng hồ chỉ để gặp mặt trò chuyện với chúng tôi trong chốc lát. Ở đâu, các bạn cũng dành rất nhiều thời gian đưa chúng tôi đi xem các thắng cảnh trong vùng, có khi thời gian lái xe mất cả ngày trời, không chút nề hà. Các bạn quá hăng hái làm chúng tôi mệt phờ người như mấy hôm đi Las Vegas ở Nevada, Universal Studios ở Hollywood hay Trung tâm Không gian Lyndon B. Johnson Space Center của N.A.S.A. ở Houston, Texas, phải “chạy sô” liên tục để có thể xem được nhiều thứ, chụp được nhiều hình.
Chúng tôi đã được các bạn đưa đi thăm viếng nhiều nơi ở 12 tiểu bang và thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Từ tây sang đông, chúng tôi cảm nhận cảnh sắc nước Mỹ qua hai mùa xuân – hạ và qua 3 múi giờ khác nhau. Đầu tiên là California, tiểu bang Vàng, dù chỉ là một vùng đất bán sa mạc, đồi núi trơ trụi, nhưng người Mỹ đã làm nên một vùng đất hứa, về sau lừng danh thế giới với kinh đô điện ảnh Hollywood, thung lũng điện tử Silicon, nơi tập trung đông đảo nhất người Việt tị nạn mà người ta có thể sống quanh năm không cần nói tiếng Mỹ. Chúng tôi cũng đã đi qua Nevada, một vùng sa mạc khô cằn nóng cháy nhưng với Las Vegas đã trở thành nơi vui chơi giải trí, cờ bạc mãi dâm công khai, hoạt động suốt ngày đêm, nổi tiếng nhất thế giới với những công trình kiến trúc vô cùng đặc sắc làm cho người ta thấy thế nào là sức mạnh của nước Mỹ. Cực Tây bắc là tiểu bang Washington giáp Canada gần như quanh năm mưa phùn thổn thức nên cây cối xanh tươi, với thành phố cảng Seattle nổi tiếng được mệnh danh là thành phố Ngọc Bích, càng nổi tiếng hơn với bộ phim tình cảm lãng mạn “Đêm trắng ở Seattle” với hai tài tử lừng danh Tom Hanks và Meg Ryan mà khán giả Việt Nam cũng đã từng xem.
Phần giữa nước Mỹ, ở cực nam, chúng tôi đã thăm viếng bang Texas, không còn bóng dáng những chú chăn bò phi ngựa bắn súng năm xưa nhưng vẫn còn nhiều người thích đội mũ cao bồi, dừng chân ở Dallas rồi đến Houston, thành phố lớn thứ ba nước Mỹ với Trung tâm nghiên cứu không gian N.A.S.A., cái tên mà mới nghe mọi người đã kính nể vì những công trình khoa học không gian mang tầm vóc thế kỷ. Cao hơn về phía bắc, chúng tôi đi vào đại bình nguyên Colorado, một mặt bằng mênh mông ở độ cao hơn 3000 feet với công viên đá đỏ Red Rock Park nơi người ta xây dựng một nhà hát ngoài trời độc đáo trên sườn núi và công viên quốc gia Rocky Mountain Park có xa lộ ở độ cao trên dưới 10.000 feet. Cao hơn nữa về phía cực bắc là tiểu bang Minnesota nổi tiếng lạnh giá nhưng mùa này vẫn còn ấm áp, nơi có vẻ “nhà quê” nhưng lại tự hào có Mall of America lớn nhất nước Mỹ mà phụ nữ mơ ước ít nhất trong đời được một lần đến mua sắm. Lại còn hệ thống skyway độc đáo nối liền các khu phố ở Minneapolis bằng đường trên không có kính che để có thể đi lại trong thời tiết băng giá.
Mỹ du ký [2]
Ở miền Đông, từ phía nam, chúng tôi đã đến South và North Carolina, nơi có nhiều lưu vết của dân đào vàng, những cuộc chiến tranh giành độc lập thời kỳ lập quốc và cuộc nội chiến. Hai lần chúng tôi đến Washington D.C. và hai tiểu bang Virginia, Maryland, vùng có nhà cửa cổ kính, cây cối xanh tươi bao quanh thủ đô. Ở đây các bạn đã đưa chúng tôi vào thăm bên trong Tòa Bạch Ốc và Tòa nhà Quốc Hội, trung tâm quyền lực của nước Mỹ và vô số nhà bảo tàng, đài tưởng niệm không sao đi hết trong thời gian một vài tuần. Từ đây chúng tôi còn được đưa đi New York để chiêm ngưỡng thành phố lớn nhất nước Mỹ, trung tâm kinh tế, thương mại, tài chánh với những tòa nhà cao tầng che hết ánh sáng mặt trời, nơi có Tòa nhà Liên Hiệp Quốc và tượng Nữ thần Tự do nổi tiếng, cũng là thành phố ồn ào náo nhiệt nhất với tiếng còi hụ của xe cảnh sát, xe cứu thương liên hồi và những chiếc taxi vàng chạy bạt mạng, lạng lách không thua gì ở Sài Gòn. Chúng tôi còn được bạn đón về Pittsburg, bang Pennsylvania, nơi vàng son của kỹ nghệ sắt thép đã lụi tàn nhưng nay lại nổi danh với những trường đại học và các trung tâm y tế có tầm cỡ thế giới.
Chúng tôi đã được các bạn tận tình đưa đến những nơi danh lam thắng cảnh, các cơ sở văn hóa, dự các sinh hoạt đặc thù trên đất Mỹ.
Khu nghỉ mát tuyệt vời Lake Tahoe ở Bắc Cali với đủ thú vui trượt tuyết, bơi thuyền, câu cá, cắm trại, leo núi… (Thái Anh đã kỳ công tổ chức cho chúng tôi một chuyến đi chung với chị Trần Khánh Tuyết ở Berkeley, nhà văn Hoàng Khởi Phong từ Nam Cali lên, đạo diễn Trần Văn Thủy từ Việt Nam sang. Chúng tôi đã lần đầu được hưởng thú ngủ trong một nhà nghỉ giữa rừng khi bên ngoài vẫn còn ít tuyết chưa tan và đốt lò sưởi trò chuyện thâu đêm với thân tình chia sẻ giữa những người có quá khứ hoàn toàn khác nhau). Japanese Park, công viên lâu đời của người Nhật ngay trong thành phố San Jose với những cây cao lớn cũng cắt xén theo kiểu bonsai và dưới các hồ dày đặc những con cá lớn mang giống từ Nhật sang. Cầu Golden Gate và những con phố dốc hơn 45 độ ngoằn ngoèo nổi tiếng ở San Francisco. The Huntington library, Art Collections, and Botanical Garden với hàng chục khu vườn đặc trưng của Trung Quốc, Nhật Bản, Úc châu, miền nhiệt đới, sa mạc, vườn hồng, hồ hoa súng… Yosemite National Park, nơi tự hào là một trong một trong 100 địa điểm trên thế giới mà mọi người nên đến trước khi chết. Armstrong Redwoods State Natural Reserve với những cây redwood trên 1300 năm tuổi. Red Rocks Amphitheatre, nhà hát lộ thiên độc đáo làm trên sườn núi đá đỏ gần Denver. Khu hải cảng Harbor District ở Half Moon Bay, San Mateo County với các tàu đánh cá đậu dày đặc, nơi bán sò cua tươi sống và đặc biệt trên tường các restroom có phù điêu nghêu sò ốc hến. Các bể cá lộng lẫy ở Monterey Bay Aquarium và khu vực Pebble Beach and Del Monte Forest của dân nhà giàu gần đó với con đường 17-Mile Drive nổi tiếng, lái xe vào phải trả tiền để ngắm nhà đẹp của thiên hạ. Hồ Superior lớn nhất trong Ngũ đại hồ nhìn ra mênh mông như biển, giáp giới Canada, bên cạnh thành phố du lịch Duluth. Đại lộ Sunset Boulevard, nơi khắc tên các ngôi sao nổi tiếng Hollywood trên lề đường và những người ăn mặc hóa trang theo các tài tử trong những bộ phim thời thượng nhảy nhót làm trò cho du khách để lấy tiền khi có người muốn chụp hình chung. Học viện Không Lực Hoa Kỳ USAF Academy ở Denver, nơi đào tạo phi công, vẫn còn trưng bày chiếc máy bay B52 từng tham chiến ở Việt Nam. Hai thung lũng Napa và Sonoma ở bắc Cali, nơi trồng nho và sản xuất rượu vang nổi tiếng của Mỹ, trong hai năm có cuộc thi vang quốc tế, vượt qua cả rượu vang Pháp, trở thành rượu vang ngon nhất thế giới. Các công ty sản xuất rượu vang ở đây đều có phòng trưng bày giới thiệu sản phẩm và cho khách nếm miễn phí. (Hôm bạn đưa chúng tôi ghé vào một cửa hàng ở Napa, người phụ trách bảo do suy thoái kinh tế nên muốn nếm rượu mỗi người phải trả 5 đô la, nhưng sau khi nghe bạn giới thiệu (xạo) chúng tôi từ một vùng trồng nho của Việt Nam qua nghiên cứu rượu vang Mỹ, ông ta bèn cho miễn phí, lại còn “đặc cách” chụp hình chung.)
Hệ thống nhà bảo tàng đa dạng The Smithsonian Museums về lịch sử tự nhiên, lịch sử nước Mỹ, hàng không và không gian, người da đỏ…trong những tòa nhà nhiều tầng mênh mông được xây dựng hai bên khu vực gọi là The Mall của thủ đô, với vô số hiện vật, nếu xem cẩn thận có thể cả tháng cũng đi không hết. Richard Nixon Library and Birthplace Foundation ở Nam Cali không quên trưng bày tư liệu về vụ Watergate tai tiếng. The Charlotte Museum of History đang trưng bày hiện vật của những chiếc tàu đắm. Khu bảo tàng Sutter’s Fort phục chế toàn bộ doanh trại, nhà ở, vật dụng sinh hoạt của những người khai sáng ra vùng Sacramento, thủ phủ của bang California ngày nay. Khu bảo tồn Kings Mountain có sa bàn, vũ khí và chiếu phim tái hiện trận đánh quân Anh giành độc lập năm 1780. Đặc biệt là bảo tàng mới xây dựng về báo chí Newseum trưng bày tư liệu của 5 thế kỷ báo chí trong 6 tầng lầu của một tòa nhà trên một đại lộ chính của thủ đô, có thể đọc trang đầu hàng ngày qua bảng điện tử của gần 100 tờ báo lớn trên thế giới. The Billy Graham Library, nhà bảo tàng của mục sư lừng danh - hiện vẫn còn sống, bằng những kỹ thuật công nghệ hiện đại nhất…
Các đài tưởng niệm nổi tiếng ở Washington D.C. chung quanh khu vực gọi là National Mall and Memory Parks như đài tưởng niệm các tổng thống Washington, Lincohn, Jefferson, các đài tưởng niệm thế chiến thứ II, chiến tranh Triều Tiên, đặc biệt là bức tường đá đen độc đáo, thấp xuống dưới mặt đất, ghi tên 58.000 lính Mỹ hi sinh trong chiến tranh Việt Nam. Chúng tôi đến thăm Vietnam Veterans Memorial tình cờ đúng vào ngày lễ Memory Day nên có đông đảo cựu binh và gia đình các chiến sĩ trận vong mang hoa, cờ đến viếng. Nhiều nơi khác mà chúng tôi đi qua cũng có đài tưởng niệm của các lính Mỹ ở địa phương đó hi sinh trong chiến tranh VN, nổi bật là đài tưởng niệm của binh chủng Thủy Quân Lục Chiến Mỹ bên cạnh nghĩa trang quốc gia Arlington.
Chúng tôi cũng được đi thăm các nhà thờ, thánh tích Thiên Chúa giáo như National Shrine Grotto of Lourdes, nơi hành hương nổi tiếng, Mother Cabrini Shrine trên đỉnh đồi lộng gió ( hai nơi này có nước thánh cho tín đồ uống tại chỗ và mang về), The Cathedral of St John the Divine, nhà thờ lớn nhất thế giới, Basilica of the National Shrine of the Immaculate Conception với cách kiến trúc đặc trưng của Mỹ, rất lớn nhưng không hề có cột; một số chùa của người Việt như chùa Đạo Quang, tu viện Kim Sơn, chùa Vạn Hạnh trong rừng, một chùa đặc biệt của người Tàu thuộc thành phố Ukiah (Mendocino County, California) cách San Francisco 110 miles (180 km) về phía Bắc, chùa Vạn Phật với 10.000 bức tượng (Ten thousand Buddhas). Còn đi thăm cả vài nghĩa trang như Oak Hills ở San Jose, Resurrection Cemetery ở Minnesota, diện tích như một thành phố nhỏ, với các đường xe hơi có đặt tên, là nơi yên nghỉ của người thuộc nhiều quốc tịch, nhiều tôn giáo với những bia mộ đơn sơ trong khung cảnh thanh bình tĩnh lặng đầy cây và hoa không khác gì công viên.
Dĩ nhiên các bạn cũng đưa chúng tôi đi thăm các cơ sở văn hóa giáo dục, thư viện và các nhà sách Việt, Mỹ. Thư viện DR Martin Luther King, JR Library của thành phố San Jose khá lớn, với 6 tầng lầu, trang bị hiện đại, có khu sách tiếng Việt. Tôi rất vui khi thấy 4 cuốn sách của mình và một cuốn sách của Hà Sĩ Phu có mặt trên kệ và hình như cũng đã có khá nhiều người mượn đọc do dấu vết lật sách và những ghi chú, gạch dưới trong sách. Ngoài hai trường San Jose City College va U.C. Berkeley mà tôi đã vào bên trong để nói chuyện với sinh viên, các bạn còn đưa chúng tôi đi xem cơ sở của một số trường đại học, trong đó có những trường nổi tiếng ở Mỹ, lúc này sinh viên đang nghỉ hè, như Stanford ở Cali, Georgetown ở D.C., Columbia ở New York, Pittsburgh… Trường nào cũng chiếm một không gian rộng lớn, dù ở trong thành phố hay ngoại ô, với cơ sở giảng dạy, thư viện, phòng thí nghiệm, nhà ở cho sinh viên, khu ăn uống mua sắm, bệnh viện, nơi chơi thể thao… Một vài trường có kiến trúc cổ và phong cách tôn giáo.
Mỹ du ký [2]
Một số cơ sở và sinh hoạt đặc biệt, đối với chúng tôi rất cần thiết để hiểu về cuộc sống của người Mỹ, nhất là người Việt tại Mỹ: Nơi nuôi cá hồi ở sông American River bằng cách ngăn đập, dẫn cá cho “vượt vũ môn” để bắt cá lấy trứng, cho thụ tinh, nuôi cá con lớn lên thả xuống biển, một cách bảo vệ môi trường công phu và độc đáo. Lễ tốt nghiệp của trường tiểu học nhỏ Curtner School nhưng có học sinh của hơn 30 quốc tịch gốc khác nhau. Đêm trình diễn vở kịch Gió mùa (Monsoon) rất công phu của Hội Sinh Viên Việt Nam ở Đại Học UC Berkeley, kỷ niệm 30 năm thành lập hội mà diễn viên chỉ nói tiếng Mỹ, thỉnh thoảng mới xen vào vài câu tiếng Việt với giọng lơ lớ. Buổi biểu diễn nghệ thuật Recital 2009 kỷ niệm 30 năm thành lập của trường múa Jensen School for the Performing Arts. Đêm trình diễn của đoàn Cirque du Soleil với chủ đề The Beatles Love (trên nền nhạc Beatles) với trình độ nghệ thuật và kỹ thuật đỉnh cao thế giới ở The Mirage, casino and resort của Las Vegas. Hội chợ nông nghiệp hàng năm của một hạt, 61th Montegomery County Agricultural Fair với các cuộc thi vịt, dê, cừu, cỡi ngựa và đủ loại trò chơi. Hội chợ hàng năm State Fair của tiểu bang Minnesota chiếm cả mấy dãy phố với người tham dự đông như kiến. Buổi biểu diễn văn nghệ gây quỹ Mùa Thu Cho Em lần thứ 15 của Hội Thiện Nguyện VNHelp với các ca sĩ Khánh Ly, Đức Huy, Tuyết Minh và Đức Tuấn từ trong nước ra mà người nghe đã vỗ nhịp và hát theo bài “Gia tài của mẹ” của Trịnh Công Sơn do Khánh Ly hát. Một buổi lễ mở đầu tuần Vu Lan ở một ngôi chùa trong rừng bang Maryland. Một đêm cầu nguyện có trình diễn guitar classique nơi một thánh thất Tin Lành Baptist. Một buổi thiền tập thể của môn phái Yoga Ananda Marga trong một thiền đường ở lưng chừng núi thành phố Los Altos Hills với chỉ chừng 20 người dự nhưng có đến gần 10 quốc tịch. Cuộc biểu tình chống Trung quốc xâm lăng trước tòa đại sứ Trung quốc ở thủ đô Washington. Cuộc biểu tình của những người ủng hộ tổ chức Tamils ở Sri Lanka trước Tòa Nhà Trắng kêu gọi tổng thống Obama giúp đỡ. Một chuyến đi tour bằng xe bus để “tham quan” nhà máy xử lý nước thải Water Pollution Control Plant của thành phố San Jose và hạt Santa Clara để giúp người dân tận mắt trông thấy việc làm của nhà máy để hiểu thêm về việc gìn giữ môi trường và góp ý cho nhà máy trong việc phát triển. Một buổi sáng sớm trước khi mặt trời mọc và thủy triều lên ở bờ biển Dillon Beach, California xem người ta (phần lớn là người Việt) đi bắt “vòi voi”, một loại ốc lớn có đầu như vòi voi (thực ra giống “của quý” của đàn ông hơn), được quảng cáo là thứ thực phẩm bổ dưỡng “ông ăn bà khen”. Người bắt phải đào cát trong cái ống sâu từ nửa đến 1 mét, chúi xuống ngập trong nước để lôi ra cái vòi voi. Không dễ gì có những cơ hội như thế. …
Chúng tôi có may mắn được ở lại trong nhà khoảng 20 người Việt, mỗi nơi vài ba ngày, chưa kể thăm viếng nhà một số người khác, để có thể hiểu thêm về cách sinh hoạt gia đình của người Việt. Đủ loại nhà. Người ở nhà thuê, người ở trong một căn nhà đến 3-40 năm với trang thiết bị cũ kỹ, người ở nhà mới xây dựng trang bị hiện đại, có nhà trị giá đến 4 triệu đô bên hồ với du thuyền sang trọng. Nhà trong phố, nhà biệt thự, nhà bên hồ, nhà trong rừng, nhà trên núi (Nghe nói ở Mỹ nhà càng lên vùng cao, trên núi càng đắt tiền dù lái xe đi về khá nguy hiểm vì có những đoạn đường rất dốc, không có chỗ tránh. Chúng tôi đã đi qua một con đường trên núi mà cư dân nhà giàu vùng đó không cho phát quang hai bên để đường giữ vẻ hoang sơ). Lại còn được tiếp xúc với nhiều mẫu người Việt trên đất Mỹ, từ những người làm công nhân bình thường đến những người thành đạt. Có những người sang du học từ đầu thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, sau năm 1975 là những người di tản, thuyền nhân tị nạn cộng sản, đi theo diện H.O., đoàn tụ gia đình, du học, và những thanh niên sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ, không nói được hoặc không rành tiếng Việt. Còn gì thú vị và hữu ích hơn khi tiếp xúc để tìm hiểu với các lứa tuổi từ 20 cho đến 80. Chúng tôi đã có những buổi nói chuyện cởi mở về mọi vấn đề, khi năm ba người, lúc một hai chục người. Có khi chỉ với một người trong tâm tình riêng tư nơi quán rượu trên bờ sông Potomac như cảnh “tha hương ngộ cố tri” hay bên dòng suối nhỏ lặng trầm trong công viên Alum Rock Park, nơi những con ó bay liệng trên bầu trời. Có lúc là với một đôi vợ chồng bên ly rượu chếnh choáng dưới ngọn nến huyền ảo đêm khuya mà câu chuyện đời, chuyện mình nồng nàn như lửa.
Các bạn cho chúng tôi ăn thử các món thức ăn của Mỹ, Mễ, Pháp và Việt Nam ở các loại nhà hàng, kể cả các món buffet Mỹ, Tàu, Nhật mà chúng tôi chỉ ăn được đôi chút. Có bạn còn đưa chúng tôi cùng đi tập thể dục, tắm hơi cho thư giãn. Ngày sinh nhật của hai chúng tôi, dù ở đâu, cũng được các bạn tổ chức vui vẻ, có bánh sinh nhật, hoa tươi, quà tặng.
Chúng tôi đã di chuyển bằng nhiều loại phương tiện. Hàng chục chuyến bay ngang dọc nước Mỹ với các hãng American, United, Delta, Alaska, Jet Blue, EastWest, Northwest, Frontier; xe lửa Amtrak Coast Starlight từ Los Angeles, qua San Jose lên đến Seattle; xe đò Hoàng đi Nam-Bắc Cali; xe bus Greyhound của Mỹ đi xuyên tiểu bang, xe bus Hola của Tàu đi từ Washington D.C. lên New York (xe bus Mỹ không cung cấp nước uống và bánh mì như xe đò Hoàng hay xe đò chất lượng cao ở Việt Nam. Khi mới lên xe, cần nước để uống thuốc chống nôn, vợ tôi hỏi tài xế, anh ta chỉ xuống đường bảo tự đi mua lấy làm cả xe cười ầm lên. Không phải cái gì Mỹ cũng hơn Việt nam đâu nhé!); Metro dưới lòng đất thủ đô; Cruise độc đáo qua hai vùng nước ngọt và mặn bằng cách nâng hạ tàu từ hai mực nước, lên cao hay xuống thấp ở Seattle…
Làm thế nào chúng tôi có thể ở lại và đi nhiều vùng trên đất Mỹ trong vòng 6 tháng khi chỉ có vài trăm đô la trong túi? Chỉ có chân tình bè bạn mới có thể giúp chúng tôi làm được điều gần như phi thường này. Chân tình này có thực dù là ở người mới gặp lần đầu hay đã quen biết nhau từ gần nửa thế kỷ. Có vài trường hợp rất đặc biệt. Một người là cựu sĩ quan Nhảy Dù, một nhà văn đã từng tranh luận với tôi khá gay gắt trên mạng, đã mời tôi đến Colorado chơi trong 6 ngày và hứa trước là sẽ chỉ đi chơi, không nói chuyện chính trị. Một người là bạn cũ của tôi từ thời trung học, đã từng cùng yêu một cô bé học trò và cùng thất vọng vì tình, sau này là sĩ quan một binh chủng thuộc loại thiện chiến, hiện nhà của anh là “hậu cứ vững chắc” của tôi trong thời gian tôi ở trên đất Mỹ. Cả hai người này đều là sĩ quan tác chiến, từng bị thương tích trên chiến trường và dĩ nhiên họ hiểu rõ tôi từng là một “cựu phản chiến” và “cựu Việt cộng”. Một người khác là cựu sĩ quan quân y cùng với cô em gái nguyên là giáo sư văn chương, chỉ mới quen biết, đã sẵn lòng chở chúng tôi đi đây đó uống café nhiều lần, đi bất cứ đâu khi chúng tôi cần, đưa chúng tôi đi giới thiệu với tất cả gia đình, bạn bè quen biết ở San Jose và sau này đã tích cực giúp tôi phát hành một số lượng khá lớn cuốn sách mới xuất bản của tôi trong thời gian kỷ lục.
Giữa các chuyến đi, chúng tôi trở về nhà người bạn cũ để nghỉ ngơi lấy sức. Có lẽ thời gian chúng tôi ở đây gần một nửa thời gian trên đất Mỹ. Từ trước chưa bao giờ chúng tôi ở nhà ai (không phải nhà mình) lâu như vậy. Nhưng chúng tôi và chủ nhà đều thoải mái mặc dù bạn tôi nói từ trước chưa hề có khách nào ở lại nhà. Tôi có đọc một cuốn sách trong đó nhắc đến một số phong tục và tính cách của người Mỹ, có câu đại khái “Khách ở đến ngày thứ ba bắt đầu bốc mùi”, được giải thích là người ta không thích khách ở lâu trong nhà mình. Tôi đem câu này ra nói với anh chị bạn, anh chị phản đối ngay. Nếu không muốn người ta sẽ nói thẳng, từ chối, còn đã “welcome” thì phải vui vẻ, sao lại nghĩ như vậy được. Hay là tâm lý người Mỹ khác người Việt?
Chúng tôi ở nhà anh chị bạn, ngày được ăn ba bữa như ở Việt Nam. Sáng ăn theo kiểu Mỹ hay ăn xôi lạp xường, xôi muối mè, khoai lang, khoai mì luộc… Trưa, chiều ăn cơm Việt Nam có đủ ba món canh, xào, mặn. Thức ăn hầu như không thiếu món gì vẫn ăn ở trong nước: canh bí xanh, bí đỏ, su su, bồ ngót, tần ô, mồng tơi, cua-rau đay… Rau muống, rau lang, rau dền luộc… Các loại cá kho như cá rô, cá nục, cá bống, cá cơm… Thịt heo, bò, gà nấu canh hay chiên, xào… Thỉnh thoảng ăn chơi các món phở, bún bò, bánh canh, các món bánh Huế (bánh bột lọc, nậm, ít, bèo, ướt, ram)… Thứ gì cũng có nhưng dĩ nhiên hơi có “mùi Mỹ” chứ không hoàn toàn mùi Việt Nam. Chị bạn của chúng tôi quả là “một trong những người phụ nữ đảm đang và chu đáo nhất nước Mỹ” mà chúng tôi đã từng gặp. Xin nói quá đi một chút như thế để khen tặng chị.
Nhiều khi chúng tôi cũng hơi ngạc nhiên không hiểu sao mọi người quá tốt với mình như vậy. Chúng tôi tự thấy chưa làm gì được cho ai. Có lẽ vì chúng tôi đã chọn một thái độ sống trung thực trong nghịch cảnh dù phải trả giá đắt, cuộc sống của chúng tôi đã chịu những thiệt thòi nào đó mà mọi người muốn bù đắp, mặc dù chúng tôi biết vô số người đã chịu đựng khổ nạn hơn chúng tôi rất nhiều, kể cả những người ở bên này. Mặt khác có lẽ do những tác phẩm đã xuất bản ở Mỹ và những bài viết của tôi trên mạng, cùng với “danh tiếng” của “nhóm Dalat”, những “hiền sĩ cao nguyên” như có người đã “phong tặng” mà tôi là một thành viên, đã được một số người tìm hiểu, có cảm tình và quý trọng từ 20 năm qua. Cho đến nay, tôi đã có 4 tác phẩm xuất bản ở Mỹ. Trong dịp đi này các bạn cũng đã giúp tôi phát hành nốt 100 bản cuối cùng của cuốn sách thứ 4 “Mảnh trời xanh trên thung lũng”. Các sách khác đều đã tuyệt bản. Trong tháng 12/2009, các bạn và những người phụ trách nhà xuất bản Tiếng Quê Hương rất nhiệt tình lại giúp tôi xuất bản tiếp cuốn sách thứ 5 chuyên về chính luận, với tựa đề “Tiếng chim báo bão”.
Trong bút ký này tôi muốn kể tên và cám ơn tất cả mọi người vì những ân tình mà mọi người đã dành cho mình. Nhưng vì những lý do tế nhị, tôi không làm được như thế và tôi cũng sẽ không nhắc tên cụ thể, trừ những người mà các bài viết của người khác trên mạng đã nêu ra như đã nói trong “Lời thưa trước”, đặc biệt khi đề cập đến những vấn đề chính trị, để tránh những phiền toái có thể xẩy ra. Đây cũng chính là điều đáng buồn của hoàn cảnh hôm nay. Cũng có thể có người đón tiếp chúng tôi với ý đồ chính trị nào đó nhưng không có hậu ý xấu và cũng không hoàn toàn vắng bóng tình cảm. Nếu ý đồ chính trị tốt, đó cũng là điều đáng hoan nghênh. Dù sao, tôi sẽ viết một cách trung thực những gì tôi cảm nhận. Đó là điều suốt một đời trải lòng trên trang giấy tôi không bao giờ từ bỏ.
Mỹ du ký [3]
3) Ấn tượng mạnh nhất trên đất Mỹ: Hệ thống xa lộ và giao thông đường bộ.
Trên một phương diện, đối với tôi, tình cảm bạn bè là ấn tượng mạnh nhất khi đến Mỹ, trên phương diện khác, đó là hệ thống xa lộ và giao thông đường bộ.

Hệ thống xa lộ 101 South (phía Nam) San Jose. Ảnh: interstate80.info
Lần đầu được các bạn đưa từ sân bay San Fransisco về San Jose, tôi thật sự bị choáng ngợp. Ở trong nước đi xe quen với tốc độ tối đa là 60 – 70 km/g, bình thường 40 – 50 km/g, sang đây ra xa lộ, tốc độ trung bình cũng 60 miles (gần 100 km/g) , ngồi trên xe cứ lên ruột, thấy dễ tai nạn quá. Đã thế anh bạn lái xe còn cứ nói chuyện huyên thuyên, đôi khi còn nói điện thoại (dù bị cấm), chuyển lane, qua mặt, ra vào (exit – entrance) freeway nhanh như chớp. Phải khá lâu chúng tôi mới quen dần với tốc độ ở đây, cũng như thói quen thắt seat belt khi ngồi lên xe.
Chúng tôi đã đi xe hơi trên những freeway khá dài như đường 5 Nam – Bắc Cali, đường từ Dallas đến Houston ở Texas, từ Pittsburg (Pennsylvania) hay Charlotte (North Carolina) lên Washington D.C., từ D.C. ra sân bay Dulles, từ Denver, Colorado hướng về New Mexico…Thật ngạc nhiên trước những con đường hàng trăm mile thẳng như kẻ chỉ, thậm chí người lái xe không cần đảo tay lái trong cả giờ đồng hồ. Các freeway ít nhất có hai lane (cho mỗi chiều), có cái 4-5-6 lane, chưa kể hai lane sát lề trái và phải chỉ dành cho trường hợp phải dừng khẩn cấp. Có nơi như lúc qua cầu vào San Fransisco, ở trạm thu tiền, tôi đếm thấy có đến 16 lane. Vô số “biển báo giao thông” trên các tuyến đường, chưa quen nhìn hoa cả mắt và tưởng như rất khó chạy đúng đường lúc lái xe với tốc độ cao. Tuy nhiên khi đã quen, ngay tôi cũng cảm thấy việc lái xe không khó lắm. Các biển báo rất lớn, ngang đường trên cao hay bên lề cho người lái xe biết rất rõ từ xa 2 – 3 mile, được lặp lại khi đến gần ½, 1 mile, thậm chí vài trăm feet, cần chuyển làn nào, ra exit nào để đi đến đâu. Nhầm một exit phải đi rất xa mới quay lại được. Ở Virginia, tôi thấy các biển báo nhắc nhở cài seat belt theo kiểu có vần để dễ nhớ “Stick it or ticket”. Cũng ngộ!
Freeway đúng nghĩa không hề có đường giao cắt nên có thể chạy với tốc độ cao, những nơi đường giao cắt đều có cầu vượt. Cầu vượt vô số kể, có nơi hai ba tầng. Expressway cũng có thể chạy với tốc độ cao nhưng có giao lộ với đèn xanh đèn đỏ. Ở Mỹ có nhiều loại đường mà nhiều người ở Mỹ lâu cũng không phân biệt được rõ ràng tính chất của từng loại. Từ đường cụt ngắn nhất (court) đến way, road, street, drive, rồi avenue, boulevard, parkway, expressway, highway, spikeway…, lại có thêm có carpool lane dành cho xe chở 2 hay 3 người trở lên, bike lane dành riêng cho người đi xe đạp, trail là đường đi bộ trong công viên, trong rừng. Chưa kể lại còn đường dành cho người tàn tật đi xe lăn (không có bậc cấp) khi lên xuống lề đường, vào nhà, cho đến tận con đường đi vào rừng sâu ngắm cảnh ở National Park, Virginia mà chúng tôi đã có dịp thăm. Mô tô chỉ có loại phân khối lớn, chạy chung trên đường xe hơi. Họa hoằn lắm tôi mới thấy một vài người đi xe gắn máy nhỏ hay vespa trong thành phố. Loại xe này ra freeway sẽ bị các xe lớn tốc độ cao hút vào. Trong các khu dân cư nhiều đường nhỏ đều ghi rõ đường nào “no thru” tức là đường cụt, không thông qua được đường khác. Hèn gì đã có người định nghĩa “người Mỹ là loại động vật di chuyển bằng bốn bánh”.
Chúng tôi đã được các bạn chở đi trên rất nhiều đường, tất cả các loại đường đều tráng nhựa láng. Sau 6 tháng đi qua không biết bao nhiêu ngàn dặm, chúng tôi chỉ gặp vài “ổ gà” trên con đường nhỏ ở một khu hẻo lánh . Người ta nói nếu lái xe gặp ổ gà bị hư hỏng hay tai nạn có quyền đòi nhà nước bồi thường. Đường vạch sơn phân cách hai lane ngược chiều (trường hợp đường hẹp không có con lươn hoặc dãi phân cách) hay đường vạch sát lề thường được làm răn reo để khi bánh xe chạm vào, rung lên phát ra tiếng động nhắc nhở người lái lơ đễnh hay đang ngủ gật. Các dãi phân cách đủ cao hay được trồng cây che chắn để người lái xe không bị chói mắt bởi đèn xe ngược chiều ban đêm. Quả thật người ta đã nghĩ đến mọi chi tiết để bảo đảm việc lái xe được an toàn. Những con đường vòng quanh núi như ở Berkeley Hills, Alum Rock ở San Jose hay trong rừng ở Lake Tahoe, Pittsburgh, có chỗ rất ít người đi cũng tráng nhựa phẳng lì và biển báo các loại đầy đủ. Người ta chỉ sửa chữa, tu bổ đường vào ban đêm, chặn từng lane để làm nên không hề gây cản trở lưu thông.
Ở khu dân cư, các con đường rất yên tĩnh, thanh bình. Xe hơi đậu lềnh khênh ngoài đường và rất ít người đi bộ hay ra đứng chơi trước nhà (thường người ta chơi ở sân sau). Mọi nhà đều cửa đóng im ỉm. Thỉnh thoảng mới có người đi bộ tập thể dục hay xe đến lấy rác gây ra tiếng ồn trong chốc lát. Khúc đường ngắn nhất, chỉ có mấy nhà ở, cũng phải đủ rộng để xe lấy rác, xe thư và xe chữa lửa ra vào.

Cầu Bay Bridge và Golden Gate nhìn từ Berkeley Hills. Ảnh: QTLuong. terragalleria.com
Điều tôi đặc biệt chú ý và thích thú vì nó mang lại tiện lợi cho người đi xe là các passing lane, vista point và rest area trên đường. Thường ở các con đường hẹp, nhất là đường đèo, mỗi chiều chỉ có một lane, muốn vượt rất khó, nguy hiểm hoặc không thể được. Để giải quyết vấn đề này, thỉnh thoảng người ta lại mở rộng đường những nơi địa thế thuận lợi, thêm một lane nữa khoảng vài trăm feet để xe có thể vượt nhau khi có những xe lớn hay chạy chậm ngáng đường. Các passing lane này đều có biển báo trước và các xe chạy chậm thường tự ý nhường đường cho xe sau vượt qua. Vista point là điểm đậu xe ở những nơi có phong cảnh đẹp, tầm nhìn bao quát để khách có thể dừng xe nghỉ ngơi ngắm cảnh, chụp hình. (Ở Berkeley Hills, nơi nhìn được toàn thể vùng Vịnh phía trước có cầu Golden Gate và Bay Bridge còn được gọi văn vẻ là inspiration point, có lẽ vì ở gần trung tâm nghiên cứu, sáng tạo của các nhà khoa học). Rest area là trạm nghỉ chân trên các tuyến đường dài do nhà nước làm. Đây thường là những khu vực rộng rãi, cây cối mát mẻ, có thể đậu nhiều xe, có nhà vệ sinh, thùng rác, nhân viên phục vụ. Trạm của tư nhân thường kèm theo trạm xăng và cửa hàng bán thức ăn nhanh, hàng tạp hóa. Mac Donald và In & out là hai thương hiệu thường có mặt ở các trạm này.
Việc “chấp hành luật lệ giao thông” cũng là điều đáng nói. Hầu như rất ít thấy bóng dáng cảnh sát giao thông trên đường, trừ thỉnh thoảng có vài xe tuần tra chớp đèn chạy trên freeway hay cảnh sát trực tiếp cầm máy bắn tốc độ (khá hiếm, tôi chỉ thấy một lần trên một con đường ở Virginia). Việc kiểm tra luật lệ được cảnh báo thực hiện bằng radar, camera hay máy bay trên cao, chưa kể còn có biển báo khuyến khích người lái xe trên đường báo cáo cho cảnh sát về những người lái xe khác có dấu hiệu say xỉn có thể gây tai nạn. Chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ được cảnh báo sẽ bị phạt khoảng trên $300 trong khi xả rác phạt tới $1000. Có lẽ nhờ thế mà đường mới giữ được sạch sẽ.
Không thấy bóng dáng cảnh sát nhưng đừng xem thường, họ có thể lập tức xuất hiện bất cứ nơi nào, có người nói xuất hiện như ma hoặc các camera làm thay cho họ. Khi đã bị phạt thì khỏi năn nỉ và gặp rắc rối vô cùng, ngoài việc đóng tiền còn phải ra tòa, đi học luật, đi làm vệ sinh công cộng, tăng tiền bảo hiểm xe, thu bằng lái. Bị thu bằng lái xe ở Mỹ coi như què, khỏi đi làm việc. Cùng với việc trừng phạt nghiêm minh các vi phạm, có lẽ giáo dục và nếp sống xã hội đã làm cho người Mỹ thực hiện luật giao thông rất nghiêm chỉnh và tự giác. Tuy vậy cũng có người vi phạm, thường là chạy quá tốc độ trên freeway. Một anh bạn chở chúng tôi từ bắc về nam Cali, hơn 400 mile chỉ chạy mất 5 tiếng, kể cả nửa giờ nghỉ dọc đường. Ở Westminster, anh lạng lách “phóng nhanh vượt ẩu” suýt cho chúng tôi “hôn cột điện” và ở một freeway khác bị cảnh sát hú còi rượt theo phạt chạy quá tốc độ. Anh còn cố cãi là đang chạy theo flow cùng với các xe khác, chỉ chuyển lane, tại sao lại phạt. Viên cảnh sát “mặt sắt đen sì” cứ lập biên bản. Anh nói riêng với chúng tôi có lẽ nó thấy trên xe toàn dân châu Á, tưởng đi đánh bạc về nên phạt cho bõ ghét. Bực quá anh không lái xe được nữa, phải giao cho người khác lái. Theo tôi thấy anh bị phạt là đáng, còn kêu ca nỗi gì?!
Đêm khuya, nơi vắng vẻ, gặp đèn đỏ, dù không có xe nào khác trên các hướng, những người lái xe cũng kiên nhẫn đợi đèn xanh (có thể camera trên cao cũng đang chăm chú nhìn họ). Sắp đến giao lộ, có bảng Stop hay chữ Stop trên đường, bắt buộc xe phải dừng lại hoàn toàn, bốn bánh đứng im tại chỗ trước khi chạy tiếp. Trong các phố nhỏ, ngay những nơi không có tín hiệu đèn, khi người đi bộ qua đường mới bước xuống lòng đường hay chưa đi hết đường, người lái xe bắt buộc phải nhường và thường họ nhường một cách lịch sự, thậm chí vẫy tay mời người đi bộ đi trước dù người kia còn đứng trên lề. Những điều này tôi thấy khắp mọi nơi khi được các bạn chở đi rong ruổi trên vô số nẻo đường của nước Mỹ.
Mỹ du ký [3]

Một nét văn minh khác: Xe chở học sinh đi học. Ảnh: flick.com
Một nét văn minh khác thể hiện trong việc bảo đảm an toàn cho học sinh. Các xe bus chở học sinh đi học khi ngừng lại, đưa bảng Stop ra là tất cả các xe đều phải ngừng để nhường đường cho học sinh đi qua. Ở Virginia, gần nhà một người bạn, buổi sáng và chiều vào giờ đi học và tan học, tôi thấy một người lái xe đến, mặc đồng phục đặc biệt, xuống xe đứng cầm tấm bảng Stop chặn xe, chỉ để cho một vài em học sinh băng ngang đường đến trường gần đó. Xong việc, ông ta lái xe đi.
Một điều đáng ngạc nhiên nữa là xe chạy trên đường nhiều vô kể nhưng lại hầu như không nghe tiếng còi xe. Người ta chỉ ấn còi khi nhắc nhở người trước lơ đãng không chịu chạy khi đã có đèn xanh hoặc bực mình vì thấy một người lái ẩu khi qua mặt hay chạy sai luật có thể gây tai nạn, điều hiếm khi xảy ra. Chả bù với ở trong nước lúc nào ra đường cũng nghe còi xe đinh tai nhức óc, nhất là xe tải bất ngờ bấm còi sát cạnh làm người đi xe gắn máy giật mình muốn rớt xuống xe.
Người lái xe hiện nay không rành đường, không muốn chú ý nhiều hay đi tới địa chỉ lạ, ở xa, có thể yên chí với máy định vị GPS. Xe đời mới, đắt tiền có máy gắn sẵn trên bảng trước mắt. Xe cũ có thể mua máy rời gắn vào. Chỉ cần gõ địa chỉ là được hướng dẫn (qua bản đồ hiển thị đường đi và lời nhắc nhở) đi đến nơi về đến chốn không sợ lạc. Một cái máy nhỏ gắn vào hiện nay chỉ khoảng trên dưới $100, có loại rất hiện đại, thêm nhiều chức năng so với loại máy cũ. Lái xe quá tốc độ cho phép trên đường sẽ có còi nhắc nhở, gần trường học cũng được báo hiệu để chú ý cẩn thận. Máy còn ước tính được thời gian đi mất bao lâu, hỏi người lái xe muốn đi nhanh hay chậm (nhanh thì ra freeway nhưng đường lại xa hơn), có muốn tránh đường phải nộp tiền “mãi lộ” không?… Thật là quá hiện đại!

Cái garage, điển hình của nếp sống tiêu thụ Mỹ! Ảnh: flick.com
Một chuyện vui mọi người thường nhắc đến liên quan đến xe cộ là chuyện cái gara. Ở Mỹ hầu như tất cả các nhà trong khu dân cư đều có gara. Cửa gara ngay mặt tiền nhà, rất lớn vì thường để đến 2, 3 chiếc xe trong khi cửa chính vào nhà lại nhỏ xíu bên cạnh hoặc nằm bên hông. Cửa gara được điều khiển đóng mở bằng remote gắn trên xe rất thuận tiện vì không cần xuống xe mở cửa, người ta cũng đưa xe được vào gara, đóng lại rồi mở cửa vào nhà bằng cửa phụ ở gara. Tiện lợi là thế nhưng gara lại không để xe (hoặc chỉ để một nửa) mà để đồ phế thải, đồ cũ, cả đồ mới mua hay được tặng nhiều quá không dùng tới. Nói tóm lại đó là nhà kho. Chiếc xe hơi đồ chơi nhỏ giá vài chục đồng để trong gara khi chiếc xe hơi thật giá vài chục ngàn đồng lại để quanh năm ngoài trời phơi mưa nắng. Quả là nghịch lý nhưng hầu như ai cũng làm thế. Thỉnh thoảng gara đầy quá, người ta lại mở garage sale, bầy ra sân bán đồ cũ cho người qua đường, vừa bán vừa cho. Đúng là điển hình của nếp sống tiêu thụ Mỹ!
Nhìn hệ thống xa lộ, đường sá ở Mỹ đủ thấy sự giàu có hùng mạnh của nước Mỹ. Phải có một tiềm lực kinh tế ghê gớm mới xây dựng được cơ sở hạ tầng như thế. Nhiều xe cộ đương nhiên phải lệ thuộc xăng dầu. Thử tưởng tượng một ngày không có xăng dầu nước Mỹ sẽ đình trệ như thế nào khi hàng trăm triệu chiếc xe không lăn bánh. Chẳng trách các chính phủ Mỹ đều quan tâm và tìm cách chi phối các quốc gia có trữ lượng và sản xuất xăng dầu.

Khu nghỉ ngơi (Rest Area): dấu chỉ văn minh và tổ chức của một quốc gia. Ảnh: aaroads.com
Trông người lại ngẫm đến ta. Tôi biết chỉ một bang California, diện tích còn lớn hơn cả nước Việt Nam, tiềm lực kinh tế lớn hơn nhiều cường quốc trên thế giới. Ước gì cả nước Việt Nam có được một xa lộ ra hồn như freeway số 5 (đường Nam – Bắc Cali qua Oregon, lên Washiongton State, đến tận nơi giáp giới Canada) nối liền hai đầu của đất nước. Chưa nói đến nhiều, chỉ cần một thôi nhưng đã hơn 30 năm sau chiến tranh vẫn không có được. Con đường gọi là “đại lộ Hồ Chí Minh” hay “đại lộ Trường Sơn” làm ra rồi nhưng không có bao nhiêu xe chạy, tại sao? Cái gọi là “xa lộ Sài Gòn – Biên Hòa” năm xưa bây giờ có hàng vài chục đường giao cắt, đủ mọi loại xe đâm ngang đâm dọc, còn có thể gọi là xa lộ được nữa không? Xa lộ đúng nghĩa may ra chỉ có vài chục cây số đường dẫn vào Hà Nội từ mấy hướng, đoạn đường từ sân bay Liên Khương đến đèo Prenn, Đà lạt và đoạn đường từ Sài Gòn đi miền Tây vừa mới khánh thành. Chỉ thế thôi.
Những passing lane, vista point, rest area đâu phải khó làm và tốn kém lắm. Đó là dấu chỉ trình độ văn minh và tổ chức của một quốc gia thôi.
Mỹ du ký [4]
4. Người Mỹ và thiên nhiên
Đất nước Mỹ thật rộng lớn. Đi máy bay từ đông sang tây, hàng giờ liền bay qua rừng núi, sa mạc. Các thành phố Mỹ rất lớn nhưng chỉ có một số ít đại đô thị như New York, Chicago, Los Angeles, Houston…, còn phần lớn dàn trải ra nhiều trung tâm phụ chung quanh các khu phố chính gọi là downtown. Các city, đơn vị hành chính nhỏ nhất của Mỹ, có đủ mọi loại cơ sở hành chính, kinh tế, giáo dục, vui chơi giải trí…nằm liên kế nhau hay cách khoảng không xa là nơi tập trung dân cư. Tuy vậy nhìn từ trên cao, các thành phố nằm lọt giữa rừng núi mênh mông. Có lẽ vì cuộc sống đô thị gò bó, làm việc căng thẳng trong những căn phòng kín mít với máy điều hòa, nên người Mỹ rất thích ra ngoài thiên nhiên.

Một khu buôn bán của người Việt tại Houston, Texas. Ảnh: TDBC
Cuối tuần là dịp cho mọi người đi dã ngoại. Dễ nhất là đi xe đạp ra các công viên, rừng cây lân cận hay tổ chức cả gia đình đi picnic ở các công viên không xa lắm. Ở các park nhỏ của city thường có lối đi bộ, vườn hoa, cây xanh, thảm cỏ, khu vui chơi cho trẻ em, nơi rộng hơn như các State park có lò nướng thịt, bàn ăn dã chiến (nhà nước trang bị sẵn, ai sử dụng cũng được). Mọi người tha hồ vui đùa trong khung cảnh thoáng đãng và không khí trong lành của thiên nhiên. Đối với các bạn trẻ hay các gia đình thích đi xa, họ tổ chức đi mô tô hay cả gia đình chuẩn bị mọi thứ cần thiết chất lên xe hơi đi đến các công viên lớn cách xa có thể vài giờ hay nửa ngày lái xe, ở lại cắm trại ngủ qua đêm. Nơi đây họ có thể đi bộ, tắm hồ, bơi thuyền, đi xe đạp, leo núi, trượt tuyết tùy theo mùa. Trên freeway, cuối tuần các xe hơi có buộc thêm vài chiếc xe đạp đằng sau hay kéo theo chiếc ca nô, mobile home là hình ảnh thường thấy. Các park quanh năm lúc nào cũng có người đến vui chơi nghỉ dưỡng.
Chúng tôi cũng đã được một người con trong gia đình một người bạn đưa đi chơi ca nô ở hồ vùng Sonoma County, một cái hồ rất dài, quanh co, có nhiều nhánh chạy dọc theo thung lũng. Vô số ca nô lớn nhỏ được xe kéo đến nằm đầy bãi đậu xe chờ lượt xuống hồ. Muốn đưa ca nô xuống phải quay đầu xe, chạy giật lùi từ trên đầu dốc xuống mép nước. Nơi đây không có chỗ neo đậu thường xuyên cho ca nô nên người ta phải để ở nhà và lúc nào đi chơi mới kéo đến. Anh bạn trẻ có ca nô còn làm dịch vụ chở thuê cho người khác. Hôm đó có một phụ nữ Mỹ đưa hai con nhỏ đi chơi. Họ thay phiên nhau ngồi trên một chiếc xuồng nhỏ do ca nô kéo phía sau. Anh chàng lái ca nô tăng tốc dễ đến hơn 50 cây số/giờ, lượn qua lại và quay đầu nhanh như chớp, chúng tôi phải bám chặt vào sàn ca nô để khỏi văng xuống nước, lúc ngược gió chúng tôi không mở mắt nổi thế mà hai chú bé, có lẽ chưa đến 10 tuổi, ngồi trên xuồng phía sau quay tít như chong chóng vẫn không tỏ ra sợ hãi. Đúng là một bài học về sự can đảm.
Theo một số liệu thống kê chính thức, Mỹ có 271 công viên quốc gia (national park). Riêng bang California tôi được xem một danh sách công viên của bang (state park), không đánh số thứ tự, ước chừng hơn 200. Lại còn các công viên nhỏ của city ở các khu dân cư, có thể nói là vô sô kể. Tất cả các công viên đều được tổ chức rất khoa học, chu đáo, thuận tiện cho mọi người đến vui chơi giải trí. Nhiều công viên có lịch sử hàng trăm năm.

Yosemite - California. Ảnh: TDBC
Yosemite là một trong những national park nổi tiếng, được thành lập bởi một đạo luật của Quốc Hội từ 1.10.1890. Công viên này mở cửa quanh năm, bao gồm 263 dặm đường có thể lái xe (road), 800 dặm đường đi bộ (hiking trail), độ cao từ 2000 feet đến 13.000 feet, có 2 trong 10 thác nước lớn nhất thế giới, mỗi năm đón khoảng 3,5 triệu khách. Với diện tích rộng lớn và địa hình đa dạng, Yosemite có đủ mọi loại hình cho khách vui chơi theo sở thích: ngắm cảnh chụp hình, đi bộ, leo núi, đi xe đạp, bơi lội, chèo thuyền, câu cá, trượt tuyết, cắm trại…Tuy giữa thiên nhiên nhưng công viên có đủ các tiện nghi phục vụ cho khách theo nhu cầu, sở thích và túi tiền như nhà vệ sinh, nơi đậu xe, khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng ăn, lều cắm trại, nơi mua sắm, nhà bảo tàng, thậm chí cả nhà thờ. Dĩ nhiên các công trình này được xây dựng hài hòa với khung cảnh thiên nhiên chung quanh. Đây là một công viên kiểu mẫu mà tôi đã được các bạn đưa đến, tuy chỉ là “cỡi ngựa xem hoa”. Nếu có thời gian, người ta có thể ở đây hàng tuần không chán hoặc lâu lâu lại đến.
Ngoài Yosemite, các bạn còn đưa chúng tôi đến một số công viên lớn rất đáng nhớ như Rocky Moutain Park ở Colorado, Great Fall Park ở Virginia, khu du lịch Lake Tahoe ở bắc California, Alum Rock Park và Japanese Park ở San Jose, Armstrong Redwoods State Natural Reserve ở Sonoma County.

Rocky Mountain Park. Ảnh: climatesurprise.files.wordpress.com
Từ Denver, Colorado phải lái xe mất gần 3 giờ mới đến khu Rocky Mountain Park. Đây là dẫy núi đá được coi là xương sống của bắc Mỹ. Đường chạy ngang qua nhiều rừng thông. Chúng tôi dừng lại ở một vista point bên hồ. Ở đây đã bắt đầu có những tảng đá lớn ven đường. Một loại cỏ sợi dài lơ thơ phơ phất trong gió trên dải đất viền quanh hồ làm cho mặt hồ thêm dịu dàng mặc dù ở đây gió bắt đầu thổi mạnh. Lên cao nữa, ở một vista point khác, gió mạnh hơn nữa. Ra khỏi xe mọi người phải mặc thêm áo khóac và hơi khó khăn khi chụp hình vì gió lồng lộng, tóc bay tung tóe. Đây là điểm cao của một sườn núi, phía dưới là vực sâu, nhìn ra xa các rặng núi nhấp nhô trùng điệp, thỉnh thoảng có dòng suối bạc đổ xuống như một đường trắng nổi bật trên mầu xanh cây rừng. Lên cao hơn nữa, đường đèo quanh co, gió cuồng loạn, không gian khoáng đạt. Núi tiếp núi. Núi cao còn có núi cao hơn. Trên đỉnh những ngọn cao nhất còn những đám tuyết trắng điểm xuyết mầu xanh đậm của rừng và mầu xanh lơ của bầu trời. Ra khỏi xe ở một vista point cao nhất, thấy mình đứng lồng lộng ngang trời, chung quanh trải dần ra xa là núi, là mây vờn, là tuyết trắng, gió ào ạt quật ngang dọc tơi bời. Con người thật nhỏ nhoi giữa thiên nhiên hùng vĩ.
Anh bạn nhà văn, cựu đại úy Nhảy Dù, khi mời chúng tôi lên đây chơi viết mail nói: Colorado sẽ làm anh nhớ Đà Lạt nhưng chỉ dám so sánh với Pleiku thôi chứ không dám so với Đà Lạt của anh đâu. Đúng là nói đùa. Colorado được coi là đại bình nguyên trên cao của nước Mỹ, về diện tích và sự hùng vĩ thật khó cao nguyên nào sánh bằng. Vòng quanh Rocky Mountain Park này con đường đèo quanh co có nơi đạt tới độ cao 12.183 feet, được coi là con đường cao nhất bắc Mỹ. Trong khu vực công viên này còn có 72 đỉnh cao hơn 12.000 feet, trong đó có đỉnh Long Peak cao đến 14.259 feet. Vì thế người Mỹ tự hào gọi công viên này là “the top of the world for everybody”. Con đường chạy quanh công viên này phải mất vài giờ lái xe. Khái niệm công viên ở đây thật khác xa với hình ảnh những khu đất trồng cây xanh nho nhỏ như ta vẫn hình dung.
Mỹ du ký [4]
Cũng ở Colorado, anh bạn còn chịu khó lái xe đưa chúng tôi đi đến nơi có cầu treo cao nhất thế giới có tên là Royal Gorge Bridge. Tuy là dân địa phương nhưng không nghiên cứu kỹ bản đồ, dù có máy định vị GPS, anh bạn lái xe lạc đường, phải chạy gần 4g mới tới nơi. Các freeway tiếp nối nhau, dài hun hút, băng qua những vùng bán sa mạc mênh mông trơ trụi, nhìn đằng trước chỉ thấy những rặng núi mờ xa phía chân trời. Tôi nghĩ thầm cầu treo phải bắc qua sông, qua suối, như vậy chắc phải chạy đến tận chân núi mới đến. Quả nhiên như vậy. Cuối cùng các rặng núi cũng gần hơn, gần hơn nữa và có một thành phố nhỏ dưới chân núi, Canon city. Từ đây lại đi tiếp qua rất nhiều dãy đồi, núi thấp, cây lưa thưa không có gì hấp dẫn. Đúng là nơi “sơn cùng thủy tận”, khỉ ho cò gáy. Ấy thế nhưng khi vào đến nơi mới thấy chuyến đi không uổng.

Chiếc cầu treo cao nhất thế giới. Ảnh: photobucket
Đằng trước khu du lịch này xe cộ đậu dày đặc. Dân Mỹ quả thích đi chơi. Chiếc cầu treo cao nhất thế giới (world’s highest suspension bridge) cao 1053 feet, dài 1260 feet, rộng 18 feet (5 m) này xe hơi chạy qua được nhưng chỉ có thể bò chầm chậm vì nó đong đưa trong gió. Từ đầu cầu nhìn xuống đã lạnh người vì phía dưới là vực sâu hun hút với các hẻm núi hẹp, dòng sông Arkansas River quanh co ẩn hiện nhỏ xíu như một giải thắt lưng. Đi bộ qua cầu, người sợ độ cao hay yếu bóng vía không dám đi hay phải bám chặt vào lan can bằng dây của cầu vì cầu cứ đong đưa như chiếc võng trong những ngọn gió luồn qua hẻm núi kêu vù vù, thổi tung quần áo.
Người Mỹ rất biết cách khai thác thiên nhiên. “Ăn theo” chiếc cầu trao cao nhất thế giới này lại có thêm mấy thứ cũng “nhất thế giới” là đường xe điện trên không (Aerial Tram) dài nhất thế giới (2.200 feet), xích đu (skycoaster) cao nhất thế giới (100 feet, nếu tính từ sông Arkansas River phía dưới cao đến 1.300 feet), đường xe lửa dốc (incline railway) nhất thế giới (45 độ), với chiều dài 1.550 feet. Đường xe lửa này chạy từ trên đồi cao ngoài xa, đâm xuống vực rồi chạy dọc theo bờ sông dưới hẻm núi. Chưa kể chung quanh khu vực này còn có chỗ cắm trại, leo núi, cỡi ngựa, vườn thú hoang dã, lại còn có cả nhà hát, viện bảo tàng, tiệm ăn, đủ mọi thứ phục vụ cho khách du lịch từ xa đến lưu trú vài ngày.
Great Fall National Park ở Virginia lại có đặc điểm khác. Đây là khu rừng dọc theo con sông Potomac từ Washington D.C. ngược về phía thượng nguồn. Anh bạn nhiếp ảnh gia kiêm nhà báo lái xe đưa chúng tôi qua cầu sang phía tả ngạn rồi ngược lên thượng nguồn, theo con đường có các biệt thự sang trọng nằm trong rừng của cư dân nhà giàu ở ngoại ô thủ đô . Đến khu trung tâm ở lối vào công viên, chúng tôi đậu xe lại và bắt đầu đi bộ. Cảnh gây ấn tượng đầu tiên lại là con sông đào dọc theo sông Potomac. Anh bạn giải thích, ngày trước khi chưa có phương tiện giao thông gì khác, muốn đưa hàng hóa từ DC lên vùng cao và ngược lại, người ta dùng thuyền. Nhưng sông ở thượng nguồn có nhiều ghềnh thác thuyền không đi được nên có người đã nghĩ ra việc đào một con sông nhỏ (bề ngang cũng hơn 5m) song song với sông Potomac. Thuyền đi trên sông này không phải chèo mà do ngựa chạy trên bộ hai bên kéo. Những nơi nào quá dốc, người ta phải xây dựng những âu thuyền, bơm nước đầy lên hay hạ xuống để đưa thuyền qua. Con sông đào hai bên có đường cho ngựa kéo thuyền – phương tiện giao thông độc đáo này không phải chỉ dài vài dặm mà đến mấy trăm dặm, làm tốn không biết bao nhiêu công sức tiền của, chỉ có người Mỹ mới dám có những ý tưởng và việc làm táo bạo như thế. Từ khi có đường xe lửa, con sông này không dùng tới nữa và con đường hai bên dành cho những người đi bộ hay đi xe đạp tập thể dục.
Vẫn giữ cảnh thiên nhiên hoang sơ nhưng người ta xây dựng những chiếc cầu bắc qua nhiều con suối, ghềnh thác và những con đường nhỏ chạy sâu vào trong rừng cho đến tận con sông rộng lớn chia đôi hai bang Virginia và Maryland. Những chỗ dốc ở các trail này đều được xây dựng thuận lợi cho người tàn tật và tôi đã thấy một người đi xe lăn được đẩy vào tận cuối đường ngắm cảnh sông hùng vĩ cùng với chúng tôi. Những người tàn tật ở Mỹ được tôn trọng, chăm sóc và nhiều điều khoản liên quan đến việc phục vụ họ đã trở thành luật trong việc xây dựng nhà cửa, đường sá, chỗ đậu xe.

Armstrong Redwoods State Natural Reserve. Ảnh: savetheredwoods.org
Ở California, từ Santa Rosa đến Armstrong Redwoods State Natural Reserve thuộc Sonoma County trong hệ thống State Parks của California không xa lắm, khoảng nửa giờ lái xe. Redwood là loại cây cao nhất và sống lâu năm nhất trong các loài thực vật trên thế giới. Cây cao nhất đến 381 feet và cây sống lâu nhất khoảng 2000 năm tuổi. Những con số kinh khủng. Riêng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Armstrong Redwoods này đã có cây được đặt tên Parson Jones Tree cao 310 feet và cây Colonel Armstrong Tree cao 308 feet già hơn 1400 năm. Từ chỗ đậu xe, chỉ hơn 10 phút đi bộ, chúng tôi đã có thể chiêm ngưỡng hai cây cổ thụ khổng lồ hùng vĩ này, thân không phải lớn lắm nhưng ngọn của nó lẫn trong ngọn các cây lân cận và mất hút trên trời xanh.
Những nơi không phải là công viên mà là các khu du lịch như Lake Tahoe ở Cali hay Duluth bên hồ Superior ở Minnesota, thiên nhiên cũng được chăm sóc chu đáo để giữ gìn cảnh quan và nét hoang dã vốn có. Nhà cửa và các công trình xây dựng phục vụ du lịch, vui chơi giải trí không phá vỡ sự hài hòa của cảnh quan thiên nhiên. Người ta có thể làm nhà trong rừng nhưng chỉ được phép đốn hạ các cây trên diện tích xây dựng. Nhà ở Mỹ phần lớn làm bằng gỗ, một điều hầu như trái với sự tưởng tượng của những người lần đầu đến đây, nhưng không vì thế mà rừng bị tàn phá. Nhu cầu của con người và sự bền vững của thiên nhiên đã được giải quyết một cách thích đáng trên cơ sở khoa học kỹ thuật và tư duy lành mạnh của con người.
Người Mỹ không những bảo tồn thiên nhiên mà còn góp phần sáng tạo làm cho thiên nhiên đẹp hơn. Tôi rất có ấn tượng với các vườn thực vật và vườn hoa hồng ở một số nơi. Trong không gian rộng lớn của Huntington Library, and Art Collection, and Botanical Garden ở Nam California người ta xây dựng hơn 10 khu vườn đặc trưng khác nhau: vườn Nhật Bản, Trung Quốc, Úc châu, nhiệt đới…, đặc biệt là vườn sa mạc, nơi có các cây gai xương rồng đủ loại lạ lùng mà nghe nói phải dùng kỹ thuật đặc biệt để duy trì nhiệt độ cao phù hợp với các loại thực vật này. Các Rose Garden ở San Jose, Sacramento hay trong Huntington Library là cả một công trình tôn vinh sắc đẹp của hoa hồng với hàng ngàn gốc đủ màu, khi nở rộ có thể làm người ta choáng ngợp vì sự rực rỡ của nữ hoàng các loài hoa này. Không những chỉ giữ gìn thiên nhiên mà người Mỹ còn góp phần làm đẹp thêm thiên nhiên. Các botanical garden và rose garden là những ví dụ.
Càng đi nhiều công viên mới thấy lòng yêu thiên nhiên và ý thức, phương cách hữu hiệu để gìn giữ môi trường của người Mỹ. Ở đâu cũng được chăm chút đến từng gốc cây ngọn cỏ. Vô số bảng chỉ dẫn cho biết nên đi đâu, làm gì và những điều không nên làm. Có điều đôi khi tưởng như quá khe khắt như trong rừng mà chỉ được đi trên trail, không được bước xuống cỏ, không được lấy bất cứ thứ gì trong rừng ra, kể cả những cành khô. Có lẽ phải nghiêm nhặt như thế mới bảo vệ được rừng. Tình yêu và sự quý trọng thiên nhiên được hun đúc, giáo dục từ bé cho trẻ con qua nhiều phương tiện, trong đó có những chương trình và hoạt động đặc biệt dành cho thiếu nhi khi cha mẹ đưa con vào công viên. Các tình nguyện viên được huy động ở mọi lứa tuổi để góp phần gìn giữ bảo vệ rừng. Và có nguyên cả một bộ trong chính phủ để lo việc này là Bộ Nội vụ (US Department of the Interior) . Các công viên quốc gia được coi là nơi gìn giữ những gì là đặc trưng đích thực của nước Mỹ. Khẩu hiệu dành cho du khách ở các công viên là “Leave only footprints, take only memories”, không khác mấy với khẩu hiệu của hướng đạo sinh khi đi cắm trại.
Mỹ du ký [5]

Little Saigon, miền Nam California.
5. Những vấn đề chính trị của người Việt trên đất Mỹ
Trong sáu tháng ở Mỹ, tôi may mắn được tiếp xúc với khá nhiều thành phần người Việt, từ lứa tuổi 20 cho đến trên dưới 80. Có thể vì tôi được tiếng là một người bất đồng chính kiến từ trong nước ra nên mọi người gặp tôi đều thích nói chuyện chính trị. Thật cũng lạ lùng khi người ta say mê đến vậy. Người ta nói chuyện hàng buổi, thậm chí thâu đêm hay suốt trên đường lái xe. Tôi có cảm tưởng có người “quên ăn quên ăn quên ngủ vì lo đất nước” dù đất nước xa hàng vạn dặm và trong cuộc sống hàng ngày họ chẳng thể làm được gì nhiều cho đất nước. Có lần đang lúc nói chuyện với một nhóm trong nhà một người, bỗng chủ nhà nghe điện thoại rồi đưa cho tôi, bảo có một bạn trẻ muốn gặp tôi. Tôi nghe một giọng gấp gáp: “Sao anh? Có thể làm được gì không anh báo cho tôi tham gia với? Tôi sốt ruột quá!”. Thì ra đây cũng là một người cũng được mời tới dự buổi gặp gỡ nhưng vì bận việc không đến được nhưng trên đường lái xe, anh ta đã gọi điện để hỏi vì rất nóng lòng. Đó là tâm trạng của những người xa quê hương vẫn canh cánh bên lòng một ước mong sẽ làm được điều gì cho đất nước.
Có thể nói không sai rằng đại bộ phận người Việt ở Mỹ đều có tư tưởng chống cộng tuy cách thể hiện có khác nhau. Một người bày tỏ quan điểm: “Tôi qua Mỹ từ năm 1975, chỉ lo học hành, làm việc, nuôi gia đình, không hề tham gia bất cứ tổ chức hay hoạt động chính trị nào, kể cả các cuộc biểu tình chống cộng nhưng tôi không bao giờ làm điều gì đi ngược với cộng đồng. Cộng đồng người Việt ở Mỹ là nạn nhân cộng sản và chúng tôi không bao giờ quên điều đó.” Tôi tin rằng đây là quan điểm và thái độ của “đám đông thầm lặng” người Việt Nam trên đất Mỹ. Điều này cũng dễ hiểu vì hầu hết trong số họ đều là những người tị nạn cộng sản sau năm 1975 và thực tế đường lối, chính sách của nhà cầm quyền trong nước chưa thể làm họ nghĩ khác hơn. Tuy nhiên khi có cơ hội đi sâu tìm hiểu, như trong chuyến đi Mỹ của tôi lần này, vấn đề này thể hiện phức tạp và đa dạng, nhiều mức độ khác biệt hơn.
Thái độ chống cộng có lẽ biểu lộ rõ nhất qua các cuộc biểu tình chống cộng trên đường phố và các bài viết trên báo, trên mạng. Tôi đã chứng kiến vài cuộc biểu tình với rất nhiều cờ vàng ba sọc đỏ và những khẩu hiệu, những lời phát biểu “tố cộng” chát chúa. Đỉnh điểm của thái độ chống cộng đến mức “chống nhau” giữa người Việt trên đất Mỹ có lẽ là cuộc biểu tình dai dẳng hơn hai năm trước tòa soạn báo Người Việt ở Little Saigon, Orange County, Nam Cali, nơi được coi là thủ đô của người Việt tị nạn cộng sản trên đất Mỹ.
Anh bạn đưa tôi vào thăm báo Người Việt. Con đường nhỏ có nhiều tòa soạn các báo khác, báo Người Việt ở tận cuối đường nhưng cơ sở rộng rãi và bề thế nhất. Trước cửa tòa soạn, bên kia đường, có một chiếc xe nhỏ đang đậu, toàn bộ mui được sơn thành cờ vàng ba sọc đỏ và mấy câu khẩu hiệu “Đả đảo tay sai cộng sản”, “Vẫn còn những kẻ tiếp tay cho Việt gian cộng sản”. Xế bên kia đường là một chiếc xe khác và mấy người mặc áo rằn ri cầm máy ảnh công khai chụp hình những người ra vào tòa soạn. Nghe nói trước đây người ta còn làm một tượng Trần Hưng Đạo đứng chỉ tay vào tòa soạn với lời thề “cải biên” “Không diệt được tay sai cộng sản thề không trở về” và lúc nào cũng có vài chục người đứng hô khẩu hiệu đả đảo báo Người Việt. Bây giờ người biểu tình không còn đông như trước, chỉ còn vài ba người và khách ra vào tòa soạn vì công việc bình thường, không còn lo ngại như trước. Báo Người Việt là một trong những tờ báo Việt ngữ đầu tiên, lâu năm nhất, có số lượng phát hành lớn nhất, có độc giả đông đảo nhất, niềm kiêu hãnh của người Việt tị nạn ở Mỹ, do những người chống cộng thực hiện, ấy thế mà bây giờ bị một số người kết án là tay sai cộng sản. Nội tình của vụ việc này rất phức tạp, có nhiều giả thuyết khác nhau, nhưng tình hình này có thể coi là một kỷ lục thế giới về việc biểu tình và thái độ chống cộng cực đoan nhất của một số người.
Thái độ chống cộng quyết liệt còn thể hiện ở các bài viết trên các diễn đàn báo giấy, báo mạng, phát thanh truyền hình và thông tin trên vô số email group và email cá nhân. Nội dung từ cũ đến mới, không thiếu một đề tài nào, từ chủ nghĩa Mác – Lênin, tiểu sử Hồ Chí Minh cho đến đường lối chính sách của nhà nước cộng sản Việt Nam, các tội ác điển hình, chuyện tù cải tạo, tình hình tiêu cực trên các lãnh vực trong nước cho đến việc đàn áp các người đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo… Phần lớn các lọai báo giấy được phát không, (còn gọi là “báo chợ” vì chỉ sống nhờ quảng cáo và phổ biến ở các chợ, cửa hàng) được đọc nhiều và các chương trình phát thanh cũng được nghe nhiều khi người ta lái xe. Các email group và cá nhân nhanh chóng chuyển cho nhau các bài viết trên mạng và thư từ riêng liên quan đến các nội dung này.Tất cả đã tạo ra tác động hầu như tức thì đến cách suy nghĩ của đa số người Việt ở Mỹ, nhất là về các vấn đề thời sự, đôi khi bị nhiễu loạn bởi các thông tin giả hay các chuyện đặt điều, vu cáo vô tội vạ.
Có một số người được gọi là “chống cộng đến chiều”, coi chuyện chống cộng như lẽ sống, như lý do tồn tại. Họ thề không đội trời chung với cộng sản; thề không về Việt Nam khi đất nước còn cộng sản thống trị; không tán thành việc người khác đi về Việt Nam để làm ăn, làm từ thiện, đi du lịch; tẩy chay các văn nghệ sĩ từ Việt Nam qua, thậm chí muốn thế giới cấm vận Việt Nam, không chấp nhận bất cứ điều gì được coi là tốt ở những người cộng sản hay tình hình trong nước.
Một số người không “chửi rủa”, phân tích các vấn đề chính trị cũng có cơ sở, lý lẽ nhưng họ chỉ gặp nhau và bàn chuyện chính trị vào dịp cuối tuần, khi gặp ở nhà này, lúc nhà khác, trong bàn ăn, bên ly rượu. Họ là những người đã lớn tuổi, trí thức, có thể có chức vụ vai vế trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước đây. Họ chống cộng nhưng không cực đoan và thú nhận đã là những người bất lực trước thời cuộc, chỉ muốn sống nốt thời gian còn lại bình yên ở xứ người, không hi vọng gì sẽ thấy quê hương thay đổi trước lúc đi xa.
Một số khác có quan điểm và hành động chống cộng tích cực hơn. Họ tỉnh táo phân tích thế mạnh, thế yếu của chính quyền cộng sản trong nước và của người Việt tị nạn hải ngoại để tìm ra phương thức đấu tranh hiệu quả nhất. Họ nhận rõ con đường bạo động vũ trang, lật đổ là bất khả thi nên chủ yếu đấu tranh chính trị trên nhiều mặt. Ở hải ngoại, họ có những hoạt động để duy trì tinh thần chống cộng trong cộng đồng và truyền thừa cho lớp trẻ, vận động chính phủ Mỹ và các chính phủ khác, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ gây sức ép lên chính quyền trong nước, nhất là trên lãnh vực tôn giáo và nhân quyền. Họ cũng tìm cách tác động lên nhận thức của người trong nước thông qua phương tiện truyền thông đại chúng, các chiến dịch “chuyển lửa về quê hương”, kể cả những hoạt động bí mật từ trong nước, tuy rất ít. Những người này hoạt động một cách kiên trì, thầm lặng, nhất là khi tình hình chia rẽ ở hải ngoại thêm trầm trọng với sự tố cáo lẫn nhau gây nhiễu loạn và chán ngán trên các phương tiện truyền thông. Cũng có người tích cực hoạt động, rèn luyện bản lĩnh chính trị và giữ gìn nhân cách, hi vọng một ngày nào đó có thể về nước tham gia tranh cử, công khai hoạt động chính trị để thực hiện lý tưởng của mình.
Một xu hướng mới đáng chú ý là tập trung ủng hộ những người có khả năng đi vào sinh hoạt gọi là chính mạch của chính trường Mỹ. Họ tin rằng nếu người Việt có chân trong các cơ quan dân cử của tiểu bang, liên bang hay các chức vụ trong cơ quan công quyền Mỹ, vừa bảo vệ quyền lợi và nâng cao vị thế của người Việt trên đất Mỹ vừa có thể đề xuất hay ủng hộ các chính sách của Mỹ liên quan đến Việt Nam có lợi cho cuộc vận động dân chủ hóa đất nước. Vì thế những cuộc vận động gây quỹ và ủng hộ trong các cuộc bầu cử có ứng cử viên người Việt dần dần được nhiều người tham gia tích cực.
Cũng có các xu hướng nhìn bề ngoài có vẻ như ngược lại với các xu hướng trên đây, mang tính cách cá nhân, ban đầu chỉ là số lượng rất nhỏ nhưng ngày càng phát triển.
Đầu tiên là công tác từ thiện. Một số người thấy mình cần phải làm gì đó để giúp đỡ đồng bào trong nước đang gặp khó khăn, nhất là khi tình hình đời sống của họ đã ổn định và thấy một thành phần người dân trong nước quá khốn khổ. Họ tìm cách giúp đỡ cho các chùa, nhà thờ, những người bị bão lụt, những người tàn tật, bệnh hoạn, các cơ sở từ thiện… Họ làm việc này một cách âm thầm, ban đầu còn phải thông qua một vài tổ chức tôn giáo, từ thiện trong nước, sau này chỉ thông qua bà con bạn bè hoặc về nước trực tiếp đến gặp những người cần được giúp đỡ. Cũng có người, hay nhóm, công khai tổ chức các cuộc quyên góp thông qua các tiệc gây quỹ, đêm văn nghệ… và việc này cũng bị một số người trong cộng đồng gây khó khăn, tố cáo là thân cộng. Ban đầu đối với họ đây cũng là thử thách lớn nhưng rồi họ đã vượt qua được để tiếp tục công việc.
Có người khẳng định quê hương là của người Việt Nam, chế độ nào cũng tạm thời, sẽ qua đi nên dù chế độ trong nước thế nào, họ vẫn về nước thăm quê hương. Ngay cả những người không còn bà con trong nước, họ vẫn về để đi du lịch, tìm lại những chốn cũ có nhiều kỷ niệm hay đến những nơi mà trước đây họ chưa có dịp đi qua. Họ cũng khuyến khích và đưa con cái về nước, tạo lập mối liên hệ tình cảm để thế hệ sau không mất gốc. Những người này khác với những người chỉ về nước để hưởng thụ, ăn chơi và tỏ ra ta đây là “Việt kiều”, khi chính sách của nhà cầm quyền đổi chiều, không lên án nhưng lại tìm cách chiêu dụ người Việt ở hải ngoại được gọi là “khúc ruột ngàn gặm”. Cũng có người vì lý do riêng không về nước được nhưng họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì, dù nhỏ nhất, như giúp đỡ một người quen, ở trong nước, hay chính trên đất Mỹ, giải quyết một khó khăn nào đó về tài chính hay giúp nâng cao nhận thức về tình hình.
Thái độ và hành động tích cực nhất trong xu hướng này là ngấm ngầm hay công khai hợp tác với nhà cầm quyền trong nước, thông qua các hoạt động kinh tế hay hợp tác về khoa học, giáo dục. Đây là những người vì muốn làm ăn kinh tế, hoặc có cảm tình với cộng sản từ trước qua cuộc chiến tranh, hoặc cho rằng chỉ có thể chuyển hóa nhà cầm quyền bằng phương thức tiếp cận, hợp tác chứ không thể chống đối từ xa. Trong số này cũng có sự khác biệt về sắc thái. Có người hợp tác gần như vô điều kiện, chỉ vụ lợi nhưng cũng có người có ý hướng chuyển hóa thực, dù chỉ làm được trong phạm vi nhỏ hẹp, thông qua các quan hệ cá nhân. Đây là xu hướng bị đa số cộng đồng chống đối nhưng không ngăn cản được.
Trên đây là khái quát những xu thế chính trị của người Việt tị nạn ở Mỹ mà tôi nhận biết hoặc do chính họ nói ra qua các cuộc tiếp xúc cá nhân hay từng nhóm nhỏ ở nhiều địa phương khác nhau, từ miền Tây sang miền Đông, từ các nơi đông người Việt như Nam-Bắc Cali, Texas, Washington D.C. hay các nơi ít người Việt hơn như Seattle (bang Washington), Carolina, Minnesota, Pennsylvania. Trong bối cảnh đó, nổi lên mấy vấn đề lớn là sự chia rẽ trong cộng đồng, hòa giải hay không hòa giải với người cộng sản, sự kế thừa nơi lớp trẻ và sự yếu kém về kinh tế.
Sự chia rẽ trong cộng đồng là điều có thực, không những thế còn lên đến đỉnh điểm làm nhiều người chán ngán. Do bất đồng về nhận thức, phương pháp và đôi khi cũng vì quyền lợi, người ta tố cáo nhau là thân cộng, tay sai cộng sản, còn được gọi là “chụp nón cối”. Không chỉ đối với những đảng viên cộng sản phản tỉnh từ trong nước ra (như Bùi Tín, Vũ Thư Hiên…) mà đối với những người ở tù cộng sản lâu năm (như Đoàn Viết Hoạt, Nguyễn Chí Thiện, Phan Nhật Nam…, riêng Nguyễn Chí Thiện bị coi là người giả do cộng sản đánh ra, còn người thật đã bị giết) và những người đã ở Mỹ nhiều năm hoạt động chống cộng như các người chủ chốt ở báo Người Việt, báo Việt Weekly, hay cả nghị viên như Madison Nguyễn đều đã từng bị tố cáo là thân cộng, tay sai, cò mồi cho cộng sản, thậm chí có người còn viết cả cuốn sách nêu đích danh “những tên đặc công đỏ”. Những người tố cáo này đều sử dụng báo chí, truyền thông, với những ngôn từ đôi khi rất đao búa. Những người tử tế ban đầu còn thanh minh, lên tiếng, tranh luận nhưng rồi đâm ra chán ngán, rút về im lặng, để cho những kẻ ồn ào tha hồ độc chiếm diễn đàn.
Một số tổ chức thấy cần thiết phải hợp nhất để tăng thêm sức mạnh đã đề nghị các hình thức liên minh, liên kết, hợp nhất nhưng không thực hiện được. Những đảng phái, tổ chức hình thành lâu năm muốn giữ bản sắc, truyền thống của mình, không muốn hòa tan trong tổ chức mới. Phần khác những người đứng đầu các tổ chức đều cho mình xứng đáng là lãnh tụ, không ai chịu phục, nhường ai, nên tất cả các cố gắng hợp nhất đều không thành công. Một số tổ chức nhỏ, mới thành lập, muốn họp nhau “xóa bài làm lại” nhưng lực lượng lại không đáng kể. Đây là tình hình gây thất vọng lớn đối với những người có tâm huyết. Tuy nhiên cũng có người nhận định trái ngược lại, cho rằng không cần thống nhất, hợp nhất, chỉ cần có mục tiêu chung và mỗi tổ chức sẽ có cách làm có hiệu quả riêng góp phần vào cái chung.
Sự khác biệt trong cộng đồng còn nằm ở tâm lý hận thù hay không hận thù, hòa giải hay không hòa giải với người cộng sản. Tuy rằng tâm lý chung của cộng đồng là ghét, sợ cộng sản nhưng sắc thái khác nhau tùy hoàn cảnh. Nhiều cựu quân nhân cho rằng khi còn chiến tranh họ không căm thù cộng sản hay không căm thù như hiện nay mà chỉ coi những người lính cộng sản là kẻ địch trên chiến trường, ai không giết sẽ bị giết. Sự căm thù chỉ trở nên sâu sắc sau khi bại trận và họ bị đối xử tàn tệ, đặc biệt trong các “trại cải tạo”. Sau này đa số đều cho rằng không thể hòa giải với người cộng sản vì cộng sản luôn lừa bịp trong vấn đề này nhưng cũng có người cho rằng họ sẵn sàng bỏ qua quá khứ nếu những người cộng sản biết nhận ra những sai lầm, có lời xin lỗi và thực tâm thực hiện hòa giải. Điều này những người cộng sản đã không đáp ứng nên nó chỉ là một giả thiết hay ước vọng chưa thành hiện thực.
Do hoàn cảnh kinh tế, khả năng hội nhập khác nhau giữa những người di tản sang Mỹ ngay từ năm 1975 và những người vượt biên, đi theo diện H.O. sau này, khó khăn hơn, nên tâm lý cũng khác nhau. Tuy những người trước vẫn giúp đỡ những người sau trong thời gian đầu, nhưng hoàn cảnh sống quá khác biệt, lại thêm tâm lý và cách đối xử vẫn còn mang tính cách cấp trên-cấp dưới của một số người trước đây có chức vụ, cấp bậc cao hơn, nay không còn phù hợp, làm cho sự gắn kết giữa một số bộ phận cộng đồng không được chặt chẽ, đôi khi còn có sự chia rẽ nghiêm trọng.
Vấn đề đáng quan ngại chung cho mọi gia đình Việt Nam ở Mỹ là những nỗi lo lắng cho thế hệ thứ hai. Trước tiên là vấn đề ngôn ngữ. Vì các cháu học ở trường Mỹ, thời gian giao tiếp với bạn bè nhiều hơn với gia đình, thường xuyên nói tiếng Mỹ, nên dần dần không nói được tiếng Việt, đa số nghe được chứ không nói được hay không thành thạo tiếng mẹ đẻ. Trong nhiều gia đình, bố mẹ nói với con bằng tiếng Việt nhưng con chỉ trả lời bằng tiếng Mỹ, còn giữa bọn trẻ với nhau, đương nhiên chúng đều không nói tiếng Việt vì diễn đạt quá khó khăn. Cách nghĩ, cách sống theo kiểu Mỹ, trong đó vấn đề tôn trọng tự do cá nhân được đặt nặng và sự tự lập sớm đã tạo ra một khoảng cách rất lớn giữa bố mẹ và con cái, đào sâu sự cách biệt vốn có giữa hai thế hệ. Nhiều bố mẹ cho rằng con cái không hư hỏng, không dính ma túy đã là may mắn lớn, còn lại con cái muốn làm gì thì làm. Chuyện học hành, bè bạn, yêu đương, kết hôn, sinh con…, những vấn đề hết sức quan trọng của các bậc cha mẹ người Việt đối với con cháu, có vẻ như thoát khỏi tầm tay khi họ sống ở Mỹ. Trong hoàn cảnh đó, những ai muốn con cái nối chí cha mẹ tiếp tục con đường chống cộng quả thật vô cùng khó khăn khi lớp trẻ đã hội nhập sâu vào xã hội Mỹ có những quan tâm hoàn toàn khác. Tuy vậy cũng vẫn có những bạn trẻ quan tâm đến tình hình trong nước và vẫn muốn làm điều gì đó để giúp Việt Nam.
Trong buổi trao đổi với Hội Sinh Viên Việt Nam ở đại học UC Berkeley về đề tài “Sinh viên Việt Nam ở hải ngoại có muốn và có thể làm gì giúp quê hương Việt Nam?”, nhiều ý kiến và câu hỏi của các bạn trẻ rất đáng chú ý: Tại sao nhà nước Việt Nam lại gây khó khăn cho nnhững người ở nước ngoài về làm từ thiện? Làm thế nào để hiểu người trong nước thực sự cần gì trước khi giúp đỡ? Không thông thạo tiếng mẹ đẻ là một trở ngại rất lớn cho việc hội nhập với chính quê hương mình. Nên giúp cần câu cá thay vì giúp cá. Giúp nhận thức về tự do dân chủ hay giúp tiền bạc? Nếu người trong nước không tự đứng lên đòi tự do dân chủ thì người ở hải ngoại không có lý do gì để làm thay. Nếu người ở hải ngoại không giúp đỡ, để nhân dân thực sự khốn cùng , họ có vùng lên lật đổ chế độ không? … Những ý kiến trao đổi sôi nổi về các vấn đề đó chứng tỏ sự trưởng thành và lành mạnh trong tư duy, đồng thời cũng nói lên tình cảm đối với dân tộc, đất nước của một bộ phận người trẻ ở hải ngoại.
Một vấn đề gây ngạc nhiên là sự yếu kém về tài chính của những người Việt hoạt động chính trị trên đất Mỹ. Cứ nhìn con số hàng 5-7 tỷ đô la người Việt hàng năm gởi về nước cho thân nhân thì thấy đó là một tiềm năng rất lớn. Nhưng đó là tiền để giúp gia đình của từng cá nhân cộng lại. Còn khi cần huy động để làm một công việc chính trị gì đó trên đất Mỹ không phải dễ dàng (Có lẽ thời kỳ mà việc vận động ủng hộ được hàng triệu đô la đã qua). Những người tích cực hoạt động chính trị hiện nay phần lớn không khá giả, hoặc phải làm việc để nuôi gia đình, hoặc đã về hưu. Vì thế khi cần huy động tiền bạc rất khó khăn hoặc được rất ít ỏi. Điều này là hạn chế rất lớn. Ngay việc làm một tờ báo đứng đắn hay duy trì một trang web cũng không phải là điều dễ dàng, có lúc phải buông bỏ trận địa vì thiếu tài chính và người làm. Hầu hết các tờ báo của người Việt ở Mỹ chỉ do một vài người làm, chồng chủ bút vợ chủ nhiệm là chuyện không hiếm. Tòa soạn thường là nhà riêng hoặc một văn phòng nhỏ đi thuê, có khi chỉ là một gara, nhà chứa hàng. Tòa soạn bề thế nhất là của báo Người Việt ở Orange County với hàng chục phòng, có hội trường riêng và vài chục nhân viên. Trong khi đó, những hoạt động do chính quyền trong nước đưa ra thực hiện trên đất Mỹ, công khai hay ngấm ngầm đều được tài trợ rất lớn. Đây cũng là vấn đề bắt đầu gây lo ngại cho cộng đồng người Việt ở hải ngoại.
Bức tranh toàn cảnh về chính trị của người Việt ở Mỹ quả thật phức tạp. Nó quan trọng và hầu như chiếm hết tâm trí của thế hệ thứ nhất, những người mang đầy ký ức không vui về hoàn cảnh đất nước mình. Thế hệ thứ hai sẽ khác cha anh mình rất nhiều. Như đã có người lo ngại, những gì gọi là vốn quý của người Việt trên đất Mỹ như tài năng, trí tuệ, mối quan hệ quốc tế sẽ không còn là của dân tộc Việt nữa mà sẽ trở thành tài sản của đất nước Mỹ. Vấn nạn này không phải chỉ là điều âu lo của người Việt hải ngoại mà đúng ra cũng phải chính là của chính quyền trong nước. Đối với nhà cầm quyền, chỉ có sự thay đổi chế độ với những chính sách thực tâm vì đất nước, tạo sự hòa giải và cơ hội cho người Việt hải ngoại mới có thể mang lại một cơ may cho dân tộc trong vấn đề này. Với thế hệ thứ hai của người Việt trên đất Mỹ, họ không có gì cần phải hòa giải với nhà cầm quyền trong nước và nhà cầm quyền cũng không thể thu phục được họ nếu đất nước không trở thành một quốc gia có tự do dân chủ mà họ có thể hãnh diện khi nghĩ về nguồn cội của mình.
Mỹ du ký [6]
6. Món ăn Việt trên đất Mỹ
Ngày đầu tiên đặt chân xuống sân bay San Francisco, gần giờ trưa, các bạn đưa chúng tôi đến ăn ở một nhà hàng trước khu Grand Century, San Jose, một trung tâm thương mại của người Việt mới xây dựng. Chúng tôi cũng được dẫn đảo qua một vòng cho biết. Bên trong có nhiều cửa hàng bán đủ mọi thứ từ quần áo, mỹ phẩm, nữ trang, tạp hóa, sách báo…, nhiều nhất là các cửa hàng ăn, phần lớn lấy tên theo các tiệm ăn nổi tiếng của Sài Gòn ngày xưa. Phía trước quán café Paloma có chỗ ngồi ngoài trời, thiên hạ tha hồ hút thuốc lá, vứt tàn bừa bãi. Đoạn đường trước khu này cách đây không lâu đã làm dấy lên sự tranh cãi dữ dội trong cộng đồng về chuyện đặt tên Little Saigon hay tên khác, liên quan đến cô nghị viên Madison Nguyễn.
Bữa ăn đầu tiên này các bạn lại cho ăn món… Tàu. Có lẽ vì khá đông người, có nam có nữ, có già có trẻ, “bá nhân bá bao tử”. Cái gọi là “điểm xấm” của Tàu này gồm hàng trăm món, linh tinh lục cục. Nhiều người phục vụ lần lượt đẩy đến các xe nhỏ, mỗi xe hàng chục món, tha hồ chọn. Chúng tôi không hợp khẩu vị với các món Tàu vì quá nhiều dầu mỡ, ăn rất ngán, lại đang mệt sau chuyến bay gần 20 giờ, nên chỉ ăn được chút chút, cốt là làm quen, cùng vui trò chuyện với các bạn trong lần đầu gặp mặt. Vài người uống bia, nhưng mỗi người một chai thôi. Ăn xong khi thanh toán tiền, ai cũng rút ví góp vào “theo kiểu Mỹ” (?). Chuyện này thật khác với trong nước. Khi nhậu người ta tha hồ cụng ly “dô dô” và gọi bia, hết két này sang két khác. Thanh toán thì “khổ chủ” mời phải trả, nên một bữa nhậu hơi đông 5-7 người, phải chi 5-7 trăm ngàn hay bạc triệu là chuyện thường, thật vô cùng lãng phí
Một tiệm bún bò huế ở San Jose. Ảnh: TDBC
Cái “văn hóa ăn uống” ở Mỹ này đúng là điểm son. Sau này được mời dự nhiều cuộc ăn uống, ngay khi ở nhà, chúng tôi thấy mọi người đều uống rất chừng mực, thường là uống bia hay rượu vang, ít uống rượu mạnh. Nếu ai uống nhiều phải có vợ đi theo để … lái xe về, vì có hơi bia rượu mà cầm lái thì dễ mất bằng lái, vào tù như chơi. Còn không thì phải ngủ lại hay nhờ bạn khác không uống rượu đưa về. Dân Việt Nam vốn “bạt mạng” trong chuyện này nhưng qua Mỹ cũng phải “nhập gia tùy tục” và dần trở thành một nếp văn hóa sống. Thỉnh thoảng cũng có người xé rào, nhưng phải lo lái xe chạy về nhà trước khi rượu ngấm hay lúc đêm khuya vắng vẻ, ít xe xộ.
Anh chàng nhà báo thường tự xưng là “thượng dân”, thấy chúng tôi ở Đà Lạt qua, dù sao cũng là miền núi, nên nhận đại là họ hàng “đồng bào thiểu số”. Mấy lần mời đi ăn, cùng với các bạn khác, đều hẹn đến quán Cao Nguyên, hình như ở vùng Evergreen của San Jose. Gởi mail mời đi “nhậu” mà bao giờ cũng thông báo trước thực đơn gồm các món gì. Đúng là người “sắc tộc” nên thật thà, có sao nói vậy. Nhưng cái tiệm Cao Nguyên này, tuy có cái bục cao cao giữa nhà, thực đơn cũng tương tự như các tiệm khác của người bình nguyên. Cũng gà chiên bơ, gỏi tôm, sườn xào chua ngọt, các loại cá, lẩu hải sản… gì gì nữa tôi quên rồi. Hình như có món đặc biệt là heo giả cầy.
Các bạn hay cho chúng tôi ăn món Việt Nam, thường nhất là phở và bún bò, được coi như “quốc hồn quốc túy”. Trước khi nói đến chất lượng, điều ấn tượng nhất là chuyện “tô lớn, tô nhỏ”. Mới đầu chỉ với một tô nhỏ, tôi không thể nào ăn hết một nửa. Đến tô lớn, có nơi to bằng cái thau (như chỗ Phở Xe Lửa), e rằng tôi phải bơi trong đó. Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị, yêu cầu là hai người chúng tôi chỉ gọi, ăn chung một tô nhỏ thôi. Các bạn nhất định không chịu, nói làm thế “Mỹ nó cười cho”. Có người còn “bất kể nguyện vọng” của chúng tôi, cứ kêu cho mỗi người một tô lớn, đành cố hết sức, nhưng phải bỏ lại rất nhiều. Ấy thế mà nhiều người ở lâu bên đó đã quen, “làm” một tô lớn có khi vẫn còn chưa đủ.
Thành phần các món trong phở, bún bò đều đủ các thứ, không khác gì Việt Nam. Thịt bò đương nhiên là nhiều và mềm, cũng có đủ tái, nạm, gầu, gân…Giò heo thì cỡ đại (heo Mỹ mà), có cả tiết. Rau ăn ghém và gia vị không thiếu gì: Xà lách, rau thơm, rau húng, bắp chuối, chanh, ớt trái, ớt sa tế, nước mắm, hành, tỏi…Nói chung không khác gì ở Việt Nam. Chỉ có bánh phở và bún hình như không phải là kiểu “tươi” mới lấy trong lò ra như ở trong nước mà là phở, bún khô đem nhúng nước sôi. Cộng với các thứ nguyên liệu chính đều là sản phẩm của Mỹ, nên nói chung là “có mùi Mỹ”, ăn cũng ngon nhưng không giống lắm hương vị phở, bún bò ở quê nhà.
Cho đến nay, phở đã trở thành một món ăn “thương hiệu Việt” được người Mỹ ưa chuộng. Các khu phố người Việt đều có nhiều tiệm phở, ngay các khu phố người Mỹ cũng có nơi có. Một số tiệm có chi nhánh ở nhiều tiểu bang với hàng chục cửa hàng. Chúng tôi đã thấy vài tiệm phở toàn là khách ăn người Mỹ và đến giờ trưa, khách đến đông phải xếp hàng chờ lấy chỗ. Một ông chủ tiệm phở nói với tôi tiệm của ông được cơ quan phụ trách an toàn vệ sinh thực phẩm kiểm định, đánh giá tốt, đầy đủ chất bổ dưỡng, không có thành phần gì có hại cho sức khỏe, nên khách Mỹ rất tín nhiệm. Phần khác, món phở Việt Nam đối với người Mỹ ăn lạ miệng, nóng, nhiều rau, lại giá rẻ nên trong thời buổi kinh tế suy thoái dân Mỹ “khoái” là phải.
Một số tiệm chuyên bán các món bánh Huế như bánh khoái, bánh bèo, bánh nậm, bánh bột lọc, bánh ít. Lá chuối gói bánh nậm, bộc lọc hình như được nhập từ Mễ (?). Những thứ rất tầm thường, dễ kiếm trong nước nhưng ở Mỹ đôi khi khó tìm. Hiện nay một số tiệm chuyên sản xuất loại bánh này để bán cho khách mang về nhà. Nhà nào muốn ăn chỉ việc ra mua về bỏ vào lò vi ba hâm lại là xong. Bánh chưng, bánh tét, bánh giò cũng được làm như thế và bán thường xuyên trong các tiệm bán thức ăn của người Việt. Lại còn các loại xôi như xôi vò, xôi gấc, xôi đậu và khoai mì, khoai lang luộc đều được nấu sẵn, cho vào hộp ni lông sạch sẽ, rất tiện cho các buổi đi chơi xa.
Đó là các món ăn chơi dễ làm. Một số món phức tạp như cơm hến Huế, bánh đúc Bắc, các gia đình có người sành vẫn làm được. Chúng tôi đã được hai gia đình người Huế và người Bắc chính gốc đãi ăn hai món “đặc sản” này. Tưởng là tầm thường, ai ngờ làm quá công phu, nhìn thấy sốt ruột và ái ngại cho chủ nhà quá. Hai vợ chồng làm quần quật suốt một buổi sáng mới ra được “thành phẩm” để đãi khách vì có quá nhiều “công đoạn”. Có người vừa làm vừa tra cứu sách vì thỉnh thoảng mới làm nên họ cũng quên. Có thể đây cũng là cách để họ hoài nhớ quê hương.
Các bạn đã đưa chúng tôi đến nhiều quán ăn Việt ở các khu Việt Nam như Bolsa, Brookhurst ở Little Saigon, Nam Cali; Story ở San Jose; Saigon Plaza ở Houston, Texas; Eden ở Virginia… Trừ một số ít nhà hàng rộng đến gần cả ngàn mét vuông, có thể tổ chức đám cưới hay phục vụ cùng lúc hàng trăm thực khách, các tiệm ăn này không lớn và sang trọng nhưng đều sạch sẽ, lịch sự. Các người phục vụ thường là người Việt, đôi khi cũng có người Mễ. Một chi tiết nhỏ cũng hơi đặc biệt là các hiệu ăn Việt Nam đều có tăm xỉa răng nhưng không để ở bàn mà để ở quầy, ai cần tự động lên lấy. Chắc chỉ có dân Việt có thói quen xỉa răng nhiều hơn các dân tộc khác.
Một món kể cũng đặc biệt Việt Nam là món bánh mì thịt. Vỏ bánh mì giòn, bên trong có phết bơ, pa tê, thịt… hay xíu mại, tưới nước xốt, thêm nhiều đồ chua và lá ngò tươi, đối với nhiều người có lẽ ăn ngon hơn hamburger của Mỹ. Bánh mì Lee của một người Việt đã trở thành thương hiệu nổi tiếng và được sử dụng phục vụ cho khách trên chuyến xe đò Hoàng chạy Nam – Bắc Cali.
Dù ở Mỹ lâu năm, nhiều gia đình vẫn ăn cơm theo kiểu Việt Nam, chỉ trừ khi có lễ lạc hay mời bạn bè, người ta mới làm các món ăn theo kiểu Mỹ, đặc biệt là món nướng barbecue mà nhà nào cũng có lò nướng để sẵn ngoài sân. Ăn cơm gia đình, như ở nhà anh bạn chúng tôi đang ở, có đủ mọi món bình thường của người Việt. Món canh có canh bí đỏ, bí đao, bầu, mướp ngọt, mướp đắng, tần ô, các loại cá… Món mặn có thịt, cá kho (cá bống, cá cơm kho tộ, kho tiêu)… Rau luộc không thiếu rau dền, rau muống, rau lang… (Riêng rau muống, tôi nghe có người kể chuyện, ban đầu một số người Việt thấy trồng rau muống bán được tiền, nhiều người thi nhau trồng ở các ao hồ công cộng, sau đó bị dân Mỹ kiện, phải thu hẹp vào các mảnh đất riêng). Các loại gia vị như nước mắm, xì dầu, tiêu, tương ớt hay các loại mắm như mắm tôm, mắm ruốc, mắm cái; các thứ ăn ghém như giá, dưa giá, cà pháo, đồ chua ngâm giấm đều có cả ( làm giá sống cũng là một công việc làm ăn của người Việt ở Mỹ và nhiều nước khác). Tuy nhiên có lẽ những người lớn tuổi thích ăn món Việt, còn bọn trẻ lại khoái đồ Mỹ. Nơi nhà anh bạn chúng tôi ở, cậu con trai không ăn chung với gia đình mà lúc đói tự làm món Mỹ có sẵn trong tủ lạnh.
Ngoài những trái cây của Mỹ như nho, táo, cam, mơ, đào…, các loại trái cây dân Việt thường ăn như chuối, xoài, ổi, nhãn… ở Mỹ đều có nhưng là sản phẩm của các nước khác. Chuối, xoài rất nhiều, phần lớn nhập từ Mễ. Trái cây bày bán ở siêu thụ trông rất bắt mắt, độ lớn và độ chín đều tăm tắp, mới trông giống như đồ giả bằng nhựa nhưng hương vị ăn vào không đậm đà như trái cây Việt Nam. Ổi, mít giá đắt kinh khủng. Ăn được một trái mít ở Mỹ quả là kỳ công nhưng chị bạn chủ nhà của tôi vẫn thỉnh thoảng mua về đãi khách. Có một số chị nói chỉ thích về Việt Nam vào mùa hè để ăn trái cây cho thỏa thích. Đó cũng là một khía cạnh của lòng hoài hương.
Một anh bạn ở Sacramento dẫn tôi đi khoe vườn trồng các thứ cây gia vị lấy giống từ Việt Nam. Vườn nhỏ thôi nhưng hầu như không thiếu thứ gì: rau răm, rau thơm, húng, tía tô, dắp cá, ớt… trồng từng khoảnh riêng được chăm bón cẩn thận và là niềm tự hào của anh. Khách nào thích anh thường hái tặng vì hương vị rất đậm đà, khác hẳn các loại rau này bán ở siêu thị, không biết xuất xứ từ đâu, lá lớn, xanh mướt nhưng không nồng nàn bằng. Nhiều người trồng cây ăn trái ở nhà cho ….vui. Chanh rụng đầy không hái hay để già thành to lớn, sần sùi như quả bười, hồng (trái) sóc ăn nhiều hơn người. Có lần chúng tôi đi dạo trong một công viên nhỏ ở Milpitas gần San Jose, sát với hàng rào nhà ở, một ông cụ người Việt mới hái một trái bí to trong vườn, thấy chúng tôi, gọi lại biếu. Cụ có vẻ rất sung sướng vì đã tặng cho đồng hương một sản phẩm từ bàn tay chăm bón của mình.
Nói đến món ăn, có lẽ cũng nên nhắc đến món uống. Thứ món uống phổ thông nhất của người Việt là trà, café. Trà có nhiều nhưng phần lớn là trà tàu, các thương hiệu trà Việt Nam chưa đủ sức cạnh tranh trên đất Mỹ. Với café, sự khác biệt ngoài hương vị là cách pha chế. Thương hiệu Starbucks nổi tiếng nhất nước Mỹ, pha chế bằng máy, ở đâu cũng có nhưng chúng tôi không thể thưởng thức được. Một ly café lớn tôi uống cả ngày không hết, vừa nhiều vừa nhạt. Starbucks có rất nhiều loại café, kể cả các loại trộn kem, thích hợp cho phụ nữ. Có loại espresso chế ra một chút xíu, đậm đặc như keo, nhấp môi vào là tim nhảy thình thịch, uống cũng không thú. Người Việt đã quen lối pha café phin kiểu tây nhỏ giọt. Các quán café và quán ăn của người Việt thường có café đen, sữa, nóng hay đá pha theo kiểu Việt Nam, có nơi rất ngon. Một lần người quen dẫn chúng tôi đến quán M và Tôi ở San Jose, thấy dân báo chí và những kẻ vô công rồi nghề tha hồ ngồi nhâm nhi café , phì phèo thuốc lá tán dóc hay xem tivi cá cược bóng đá giữa mấy cô tiếp viên mặc quần áo “hơi nghèo” lượn lờ. Nhân tiện cũng nói luôn có lần chúng tôi được dẫn vào quán café Quyên trên đường Story, San Jose, mấy cô tiếp viên “quá nghèo”, chỉ mặc bikini hai mảnh nhỏ xíu. Còn quán Em Quyên gần đó, các cô chỉ “cận nghèo”, có quần áo nhưng hơi thiếu vải. Đừng nói là người Việt ở Mỹ “không nghèo” nhé, dù các cô này chân dài và rất xinh.
Ngoài các món ăn Việt, thỉnh thoảng các bạn cũng đưa chúng tôi đi ăn món ăn các nước khác cho biết. Nhà hàng Mỹ ở Union City, Cali hay tiệm Real Steak ở Virginia. Món ăn Pháp ở tiệm La Madeleine – Country French Cafe với cách bài trí theo kiểu nhà nông thôn với kềm búa, cưa, bánh xe bò treo trên tường ở Virginia. Món ăn Ý ở nhà hàng Olive Garden (Italian Restaurant) South Carolina và một nhà hàng ở Virginia. Món ăn Tàu trong các khu phố Tàu ở Seattle, San Jose, New York (khu phố Tàu ở New York có một công viên bẩn kinh khủng, đứng trấn giữ bởi tượng của một ông quan Tàu, hình như là Viên thế Khải, nhà vệ sinh công cộng bốc mùi hôi, chuột cống chạy tứ tung và ăn mày nằm la liệt). Món ăn Nhật ở Las Vegas. Món ăn Mễ ở các trạm nghỉ chân có cây xăng trên đường từ Wesminster đi Las Vegas. Món ăn Thái gần với Việt Nam, dễ ăn nhất và tiệm của họ rất lịch sự, như Krungthai, Authentic Thai Cuisine, trình bày trang nhã với các phù điêu, tranh tượng đặc trưng của xứ sở. Ngày cuối trước khi rời Mỹ, mấy bạn mời chúng tôi đi ăn món Hi Lạp, chả hiểu là món gì. Cũng may là các nhà hàng này đều có thực đơn in hình các món ăn, nếu nhìn vào thấy không “kinh khủng” lắm thì chỉ đại là được. Các bạn còn đưa đi ăn buffet của Mỹ, Nhật, Tàu nhưng đối với chúng tôi quả thật phí tiền vì ăn không nổi, nhất là với các món hải sản cua tôm càng que rất lớn, lấy từ trong tủ lạnh ra lạnh ngắt như ma, bì sao được với tôm hấp bia, cua rang me, cua rang muối bốc khói ngay ở các quán bình dân như quán Tư Ốc đường Ung Văn Khiêm, Quận Bình Thạnh, Sài Gòn.
Sau sáu tháng ở Mỹ, hình như chúng tôi chỉ lên cân được vài pound, nhìn qua vẫn ốm yếu như xưa. Có bạn “tức giận” bảo: “Sao ông bà không chịu ăn nhiều cho mập lên. Đi Mỹ về mà như thế người ta sẽ cho “đế quốc Mỹ” không nuôi nổi ông bà hay sao?” Đành phụ lòng các bạn thôi. Chúng tôi vốn thuộc tạng người gầy, lại khá cao. “Triết lý ăn uống” của chúng tôi là không bao giờ ăn no, chỉ ăn vào một nửa đến hai phần ba bao tử thôi. Gần một đời người ăn uống “thuần Việt” nên khó tiếp nhận những khẩu vị mới. Mặt khác biết đâu cũng vì vậy mà chúng tôi có thể chứng tỏ không bị “bơ sữa của đế quốc Mỹ” mua chuộc?!

No comments:

Post a Comment