Sunday, July 11, 2010

Dời thương hồ

“Đời nào vui bằng đời thương hồ. Xuống bể lên nguồn, gạo chợ nước sông”. Câu hát phóng khoáng quen thuộc đó của khách thương hồ cứ lan xa trên sóng nước đồng bằng.
Nhưng có lênh đênh theo ghe mới thấm thía nhiều nỗi niềm của đời thương hồ. Không chỉ sống rày đây mai đó lãng mạn, đời thương hồ là những câu chuyện tình nghĩa, mưu sinh nhọc nhằn và bao hiểm nguy trên sông nước.
Quê miệt thị trấn Vĩnh Thuận, Kiên Giang, Tư Lai (Nguyễn Tư Lai) năm nay ngoài 40 tuổi nhưng đã hơn 15 năm ngang dọc sông nước.
Hồi trẻ, anh là thầy giáo cấp I, rồi tình nguyện sang chiến trường Campuchia. Ra quân, anh về quê làm ruộng, mùa nào trúng cũng chỉ được 18-20 giạ/công, không đủ xoay xở. Quẫn quá, Tư Lai giao ruộng lại anh em, gom góp hơn chục triệu đồng mua chiếc ghe 9 tấn bằng gỗ sao. Thêm vài triệu làm vốn, vợ chồng lên ghe sống đời thương hồ.
Nơi nào trái cây vô mùa, giá rẻ là tới
Ban đầu, Tư Lai đi ghe tứ xứ, từ Vĩnh Thuận qua Hỏa Lựu, Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre… Nơi nào trái cây vô mùa, giá rẻ là anh tới. Khi thì dừa khô, lúc khóm, chuối, sắn, khoai lang…
“Nghề sông nước có tiền ra tiền vào, lại được đi đây đó, biết được nhiều chuyện lạ. Chẳng hạn gọi chục trái cây chứ ở An Giang là 12, Rạch Giá 16, Cà Mau lên tới 18. Dừa khô không đâu lớn và ngon như ở Mỹ Thuận, Bến Tre; còn khóm thì xứ Cầu Đúc (Hậu Giang) là nhất, trái ký lô tám là chuyện thường. Chuyện mua bán mỗi nơi mỗi khác. Ví như vùng Tắc Cậu, Xẻo Rô, Miệt Thứ (Kiên Giang) nếu ghe “ăn” khóm vào mùa này thì chỉ đếm trái tính tiền chứ không cân ký" - vợ Tư Lai nói rành rẽ với chúng tôi.
Đoạn kênh Xáng từ chợ Tà Đảnh vào tới Ba Thê (huyện Thoại Sơn, An Giang) dài khoảng chục kilômet, ken đặc xuồng của dân cắt lúa các nơi tụ về. Ghe đến Ba Thê, rẽ về Sóc Xoài theo kênh xáng Mỹ Hiệp Sơn rồi trổ ra kênh Rạch Giá - Hà Tiên ngược dòng lũ đầu mùa về Rạch Sỏi.
Trời đã xế bóng, Tư Lai cho ghe tăng tốc để kịp ra Tắc Cậu (Kiên Giang) “ăn” hàng. Tới vàm sông Cái Lớn (Xẻo Rô, huyện Châu Thành, Kiên Giang) gió thổi mạnh, ghe tròng trành muốn trôi ngược. Vất vả lắm Tư Lai mới cho ghe cập vào bến sông trước khu vườn của ông Hai Lắm ở ấp An Bình, xã Bình An. Chủ nhà nghe tiếng máy, đon đả ra đón và đưa khách thẳng vào nhà lớn.
Mâm cơm đặc sản miệt vườn đã dọn sẵn. Khách mua, người bán hàng vừa ăn vừa rôm rả chuyện trò như họ hàng lâu ngày gặp nhau. Xong xuôi, chủ khách mới lôi mấy trăm dừa khô ra cân và gánh xuống ghe, trả tiền sòng phẳng rồi lưu luyến chia tay, hẹn lần lấy hàng tháng sau.
Nếu nhà vườn cần mua thùng mì gói, xấp vải hay bất cứ thứ gì cần mà không có dịp ra chợ thì cứ dặn thương hồ “lần sau xuống mua giùm nghen”, rồi lấy trái cây trừ tiền. “Dân thương hồ trọng chữ tín, tiền bạc đàng hoàng chứ không làm ăn “sống nhăn” bậy bạ đâu” - Tư Lai cười khà khà.
Nhọc nhằn trên sông nước
Ngược trở lại chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), chúng tôi tiếp tục theo ghe của gia đình anh Tư Hướng xuôi về mua dưa hấu miệt Thốt Nốt. Chiếc ghe 20 tấn chở gia đình bốn người và mấy ông khách vẫn rộng thênh thang.
Nhìn bộ dạng bề ngoài của Tư Hướng cũng đủ hiểu tính khí thương hồ. Nước da đen nhẻm, ăn nói bỗ bã ầm ầm hơn cả tiếng máy ghe, thậm chí nhiều lúc anh còn làm thêm điệu bộ tay chân vì sợ khách không nghe được.
Người đàn ông 52 tuổi này tên thật là Phạm Văn Tươi, quê ở huyện Kế Sách (Sóc Trăng), đã từng đi bộ đội thời chống Mỹ, hòa bình về làm quản lý khách sạn mấy năm, rồi chuyển hẳn sang nghề sông nước.
20 năm đi ghe, anh đã phải đổi ba xác ghe mới “lên đời” được chiếc ghe 20 tấn với giá trị hơn 100 triệu đồng này. Qua Trà Nóc, sông rộng, ít ghe, Tư Hướng nói: “Được chút thoải mái vậy chứ nghề ghe cực lắm. Lát quẹo vô kênh nhỏ, mấy ông sẽ rành”.
Chuyện trò chưa cạn bình trà thì ghe đã quẹo vô kênh nhỏ chằng chịt cầu, đáy lưới và mấy đoạn cong rậm rạp cây lùm không thể nhìn thấy được phía trước. Suýt chút đã có va chạm. Tư Hướng hụ còi xin qua một đoạn sông cua. Chiếc ghe trấu cỡ 40 tấn chạy ngược chiều khuất ở phía trước vẫn lù lù tiến tới. Anh mím môi, kéo ngoặt cần lái tấp vào bờ. Vợ con phía trước phải cong lưng chống sào phụ. Mồ hôi như tắm trên lưng áo họ.
Trời tờ mờ sáng, chúng tôi bị đánh thức bởi tiếng ồn ào của những người hái dưa thuê. Họ đang chờ nắng lên, làm khô ráo bớt trận mưa đêm. Vợ con Tư Hướng cũng đã chuẩn bị xong bữa cơm. Họ ăn thật nhanh để còn làm việc.
Từng nghe tâm sự nhọc nhằn của đời thương hồ, nhưng đây là lần đầu chúng tôi được chứng kiến tận mắt. Suốt cả ngày Nga và đứa em họ ướt mồ hôi như tắm dưới lòng ghe để xếp 20 tấn dưa. Còn Tư Hướng còng lưng, ngồi lựa từng trái. Vợ anh nhẹ nhất với việc tính sổ, nhưng thật ra cũng không đơn giản. 20 tấn dưa cân theo ký. Cái sổ chi chít các con số. Chỉ một chút lơ là chị có thể bị nhầm lẫn ngay.
Tối đó mới xuống ghe dưa xong, mồ hôi còn đang ướt áo, Tư Hướng đã vội vàng quay ghe chạy đêm cho kịp phiên chợ sáng mai. Dưa đã cắt mau hư. Thời gian đến với khách hàng là vàng bạc. Và đêm nay anh sẽ thức trắng...
Hiểm nguy treo đầu mũi ghe
Những ngày lênh đênh theo các ghe hàng xuôi ngược miền Tây, chúng tôi nghe biết bao chuyện bất trắc của đời thương hồ. Tuy sông nước rộng ít xảy ra tai nạn hơn giao thông trên bộ, nhưng cũng không ít hiểm nguy trước mũi ghe.
Một phần vì ghe tàu thương hồ bình thường không thể thắng được nhanh như xe cộ và nguyên nhân lớn hơn là họ hay rong ruổi chạy mò trong đêm hôm để kịp những phiên chợ lúc bình minh.
Ở chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), ông Hai Thuận chọn đời buôn bán trên sông nước từ sau năm 1975 đến nay cũng giữ nhiều ký ức buồn trên sông nước. Lênh đênh khắp miền Tây, hết chở củi, chở mắm rồi chở trái cây đi bán, gia đình ông Hai Thuận ngán nhất là vùng sông nước Cà Mau, Kiên Giang mà đặc biệt là đoạn từ Hộ Phòng đi Tắc Cậu.
Nước đoạn sông này thường xuyên chảy xiết, đáy lưới giăng đầy và nhiều vỏ lãi chạy ẩu. Mấy lần, ông đã đau lòng chứng kiến ghe thuyền bạn bè bị nhấn chìm trên đoạn sông nguy hiểm này.
Hôm gặp chúng tôi, ông Nguyễn Quốc Phục, chủ tàu hàng AG 11951, đang rầu lòng với trát của tòa án mời. Nối đời sông nước của cha, ông có tiếng cẩn thận, nhưng vừa rồi vẫn không tránh khỏi tai nạn ngay trên đoạn sông Vàm Cỏ, Long An.
Trong đêm tối trên đường sông về Long Xuyên, An Giang, tàu ông vượt lên, xảy ra va quệt dây chuyền với mấy chiếc tàu khác, cuối cùng một chiếc tàu bị chìm cùng toàn bộ hàng hóa. Tâm sự chuyện đó với chúng tôi, ông nghẹn giọng: “Thôi, phải trái để cho tòa phân xử. Tui chỉ ngậm ngùi với nghiệp thương hồ mong manh của mình”.
Với đời thương hồ, chiếc ghe không chỉ là phương tiện kiếm sống mà còn là mái nhà, là nơi chốn đi về của cả gia đình. Mất nó hay phải rời nó, họ như bị mất tất cả. Hiện nay, những người đi ghe không chỉ có nỗi lo tai nạn mà còn sợ cả tình trạng cướp bóc.
Nhẹ nhất thì đêm hôm bị trộm gỡ máy ghe, còn trắng trợn hơn thì cướp công khai. Tiền bạc, tư trang, thậm chí cả hàng hóa cồng kềnh cũng không từ. Anh Hồ Văn Vũ, một thương hồ quê Sóc Trăng, bán ở chợ nổi Cà Mau, kể: “Ngán nhất là các băng nhóm choai choai, chạy vỏ lãi tốc độ cao tấp vô ghe mình hỏi xin như cướp. Mình không cho, tụi nó phá ghe”.
Còn ông Hai Thuận có lần đã phải cầm cây chèo “tử thủ” với bọn cướp. Thấy ông già quyết sống mái, bọn chúng quay lui, nhưng hăm he sẽ có ngày quay lại nhấn nước ông!
Quốc Việt-Tân ĐứcTTO
Đời thương hồ (Kỳ 2): Những phiên chợ nổi
04/08/2007 08:54


Bày hàng ở chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) - Ảnh: Dương Minh Long
Trời mới hừng sáng, chợ nổi đã chộn rộn mua bán. Các ghe mới lặc lè đưa hàng ra chợ đang hối hả bày hàng bắt mắt khách. Những ghe sắp hết hàng cố gắng bán nhanh hơn để còn vào vườn.
Khách hàng cũng tranh thủ ra chợ nổi sớm để tuyển hàng cho kịp đưa lên chợ trên bờ. Tính khí người trên sông nước phóng khoáng, chân chất, hiếm khi có cảnh chèo kéo, đôi co nặng nề...
Dập dềnh chợ nổi
Ghe chúng tôi len lỏi mãi mới vào được giữa chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) lớn nhất miền Tây. Chẳng ai biết chính xác có bao nhiêu ghe thuyền đang mua, bán ở đây vì người ta liên tục đến, đi. Chỉ có thể ước chừng cả đoạn sông lớn dài hơn 1km ken đặc ghe thuyền, và ít nhất cũng có 400-500 chiếc thường xuyên có mặt trên chợ. Ngoài ra còn có hàng chục ghe thuyền bán tạp hóa, nước nôi, đồ ăn tới lui như con thoi để phục vụ dân thương hồ.
Ở chợ nổi, người cùng quê cột ghe lại với nhau như kết bè, quay mũi ra sông đón khách. Ai không mua được ghe này, bước sang ghe khác cũng tiện. Nhưng còn lý do kết ghe lại là để nương tựa nhau chịu đựng sóng. Trên sông nước, vỏ lãi, canô, tàu cánh ngầm tốc độ cao nhiều như xe trên bộ, tạo ra sóng vỗ vào những chiếc ghe đang neo đậu tròng trành. Khi cần dịch chuyển ngắn, tất cả ghe cùng nổ máy trông rất vui mắt.
Mùa này trái cây miệt vườn đang rộ. Đủ loại dưa hấu, cóc, ổi, xoài, táo, măng cụt, chôm chôm, cam quít, dừa, khóm... bày bán ngồn ngộn trên sông nước dập dềnh. Cả một số ghe lặc lè khoai, bí, mía cây từ miệt Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Vĩnh Long cũng dồn về chợ.
Hương nông sản hòa quyện với mùi sông nước, xăng dầu chạy ghe thuyền. Tiếng người cười nói, í ới hỏi hàng, đọ giá lẫn cùng tiếng máy nổ xình xịch. Tất cả tạo thành những hương vị, âm thanh riêng biệt khó lẫn vào đâu của chợ nổi trên sông.
Hôm nay, ghe gia đình Tư Hướng bán chạy hàng. Anh mua dưa hấu loại đầu giá 1.350 đồng/kg tại vườn, về bán ở chợ này kiếm lời 100 đồng/kg. Dưa nhỏ hơn giá 900 đồng/kg, nhưng anh bán cũng bộn nhờ người các chợ nhỏ mua về bán rẻ lại cho nông dân. Mỗi chuyến Tư Hướng trung bình lời 3-4 triệu đồng, thỉnh thoảng cũng có chuyến anh kiếm 7-8 triệu đồng bù đắp cho chuyến hòa vốn hoặc lỗ.
Gần đó, ghe gia đình anh Hai Phương cũng bán sạch hàng. Họ tranh thủ trét sơn lại vỏ ghe, rồi để mấy đứa nhỏ và con chó coi ghe. Ở cuối chợ, chiếc ghe 16 tấn của chú cháu Tám Tướng đã mua hàng gần xong. Anh bán ở chợ nổi Cà Mau, chạy ghe cả ngày lên Cái Răng để mua hàng về bán lại chứ không phải vào tận vườn như các ghe ở đây.
Vừa ngồi trực tiếp chọn hàng, anh vừa nói với chúng tôi: “Mình ở miệt dưới, không rành trên đây. Nếu tìm vào vườn mua thì chi phí cũng đội lên như mua lại ở chợ này mà còn cực công, mất thời gian hơn”.
Rời chợ nổi Cái Răng, chúng tôi về miệt lúa An Giang, ghé thăm chợ nổi Long Xuyên. Trời âm u mưa, nhưng mấy trăm ghe thuyền vẫn đang tấp nập mua bán. Chợ nổi này có lẽ chỉ nhỏ hơn Cái Răng một chút, hầu hết cũng đều mua bán sỉ.
Dân thương hồ tứ xứ đổ về chợ để bán lại cho những người kinh doanh ở các chợ trên bờ An Giang, Kiên Giang. Thỉnh thoảng thương hồ hai chợ Cái Răng, Long Xuyên cũng chạy qua chạy lại, tùy lúc chợ này đông hay chợ kia vắng khách. Họ í ới hỏi thăm tình hình qua điện thoại.
Giữa sông Tiền mùa mưa gió, nhiều ghe phải neo lại thành từng chùm để nương tựa vào nhau, giảm bớt sóng gió. Ở giữa sông, vợ chồng anh Nguyễn Văn Liệt đã bán được khoảng 1/3 hàng khóm trên chiếc ghe 8 tấn. Mùa khóm rộ, giá rẻ, nhất là loại trái nhỏ. Chúng tôi ngồi nhìn họ đếm mỏi tay cả 100 trái mà chỉ bán được có 25.000 đồng.
Chị Liên - vợ anh Liệt - vẫn cười tươi: “Không sao. Lúc này lúc kia mà. Phải chia sẻ nhau sống, chứ dân quê nghèo mà cứ giá cao thì làm sao mua bán nổi”. Lòng dạ thương hồ chân chất, họ chẳng giấu nhau điều gì, kể cả chuyện lời lỗ. Chị Liên cho hay mùa này lời được 50-100 đồng/kg khóm là “ngon” rồi. Vợ chồng chọn nghề lênh đênh sông nước mười năm cứ nghèo, nhưng họ vẫn hạnh phúc.
Ở chợ nổi Long Xuyên, đa số dân thương hồ chỉ chọn bán một loại hàng. Ghe chuyên bán khóm, ghe chuyên bán bí, dừa, khoai. Khách hàng tùy nhu cầu sẽ cặp ghe họ, việc cạnh tranh bán phá giá hay xung đột hầu như không có. Khi chúng tôi cặp ghe vợ chồng anh Bé Năm, hàng khóm đã bán gần hết.
Đôi vợ chồng đi ghe hơn mười năm có con gái, con rể cũng theo nghề ghe. Họ đã có ghe riêng bán ở miệt Thoại Sơn, Châu Đốc... Tâm sự với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Tào - vợ anh Bé Năm - cho biết nghề thương hồ bây giờ vẫn sống được nhưng khó khăn hơn trước: “Người bán đông hơn. Một gia đình đi ghe lâu thế nào cũng thêm một vài đứa con theo nghề, sắm ghe riêng. Chưa kể nhiều người quê bây giờ không đất cũng ráng sắm một chiếc ghe nhỏ kiếm sống. Rồi đường sá tốt hơn, nhiều khách hàng chuyển sang mua bán trên chợ cho tiện”.
Tuy nhiên, đa số thương hồ vẫn nói sẽ không rời ghe, vì dù sao cũng dễ kiếm đồng ra đồng vô hơn làm ruộng.
Thương đoàn trên sông
Hầu hết dân thương hồ mà chúng tôi được gặp ở các chợ nổi đều có cuộc sống trung bình. Sau mỗi tháng lênh đênh, họ chỉ dư được một vài triệu đồng đủ đắp đổi qua ngày hoặc nuôi cha mẹ già, con nhỏ đi học trên bờ. Tuy nhiên, một số người may mắn hoặc giỏi giang cũng khấm khá được với nghề.
Buổi chiều ở chợ nổi Long Xuyên, anh em Hai Xế ngồi nhâm nhi rượu đế với mấy con khô nướng trên mui ghe được bọc inox sáng choang và không giấu sự tự hào về thương đoàn của gia đình đông nhất chợ: “Dân đi ghe miệt này ai cũng biết đoàn ghe Hai Xế, vì bảy chiếc ghe của chúng tôi lúc nào cũng cặp kè và chỉ bán dưa hấu với bí rợ”.
Hai Xế kể cách nay 25 năm, lần đầu tiên anh bước xuống chiếc ghe nhỏ xíu chỉ để thoát cảnh nghèo trên bờ. Rồi sự siêng năng và đầu óc biết tính toán đã giúp họ phất lên, nâng cấp được xác ghe có tải trọng gần 30 tấn. Mấy người em Năm Lân, Kim Lợi, Chí Nhọn, Út Tài... cũng lần lượt theo chân anh xuống ghe và khấm khá dần với nghiệp gạo chợ nước sông.
Ngồi nhìn anh em, con cháu đông lít chít đến mức không nhớ hết nổi trên bảy chiếc ghe tải trọng 20-30 tấn, Hai Xế cười khà khà: “Sắp tới sẽ thêm ghe nữa, vì con cháu lập gia đình chuẩn bị ra ghe riêng”. Người em nhỏ nhất là Út Tài mới 32 tuổi đã 13 năm kinh nghiệm đi ghe cho rằng buôn bán trên sông nước bây giờ khó hơn trước, nhưng nếu giỏi chuyển đổi vẫn sống được.
Anh em Út Tài thuê xe tải ra tận Quảng Ngãi, Đắc Nông, Bình Phước tuyển hàng “ngon” đưa về bảy chiếc ghe chở đi bán. Các thương hồ có một, hai ghe khó làm được như vậy vì không chịu nổi chi phí.
Út Tài bế đứa con nhỏ xíu trong lòng, cười hào sảng: “Người già nhất có mặt trong đoàn ghe chúng tôi 68 tuổi, nhỏ nhất thì còn ẵm ngửa. Chưa tính ông bà già đi ghe đến năm 88 tuổi mới lên bờ”.
Thương đoàn Hai Xế hiện dư khả năng nâng cấp ghe lớn hơn nữa nhưng chưa muốn làm. Họ nói ghe 20-30 tấn buôn bán trên sông là vừa, ghe lớn quá dễ tồn hàng và khó vô vườn trong kênh rạch nhỏ.
Anh em Hai Xế cưa cạn chai rượu, chân chất cho hay họ muốn dâu rể tương lai đều theo nghiệp gạo chợ nước sông, “vì dù sao nó cũng tự do, thoải mái hơn nhiều nghề trên bờ”. Sóng dập dềnh trên sông Tiền đầu mùa lũ làm những người đang bàn chuyện làm ăn trên mui ghe lắc lư theo tiếng cười hào sảng. Hôm nay họ bán ế vì mưa gió ảm đạm, nhưng họ tin ngày mai mặt trời sẽ sáng hơn.
Q.VIỆT - T.ĐỨC (TT)
Đời thương hồ (Kỳ 3): Chuyện tình sông nước
05/08/2007 09:14


Hạnh phúc đời thương hồ: vợ chồng Thảo - Ngọc
Với những chàng trai, cô gái chọn đời sống sông nước, lấy ghe làm nhà thì chuyện tình cảm của họ cũng lênh đênh, khó định như dòng sông chảy trôi. Duyên số đưa đẩy họ đến với nhau rồi thành đôi lứa kết quyện vào nhau ở nơi những con sông hội tụ ngã năm, ngã bảy.
Cô gái thương hồ lấy tay che mặt, giấu nụ cười mắc cỡ khi nghe chúng tôi hỏi chuyện tình duyên trên chiếc ghe đang neo đậu chơi vơi giữa sông Hậu. 12 tuổi, cô đã theo ba má bước xuống sông nước mưu sinh.
Bây giờ, cô 19 tuổi, đã có một mối tình, nhưng đôi bạn nhiều khi hàng tháng mới được ngồi bên nhau một lần. “Thôi thì chỉ biết tin nhau vậy thôi. Anh ấy xa mặt cách lòng, không thương em nữa thì đành chịu chứ làm sao bây giờ!” - cô gái cười buồn, rồi dõi mắt ngóng theo những bóng ghe thấp thoáng ở xa xa.
Duyên phận trên sông
Bóng trăng trung tuần trên mặt sông khi tụ tròn lúc vỡ tan theo từng đợt sóng lao xao ở chợ nổi Long Xuyên. Chúng tôi ngồi lặng lẽ nghe cô gái có cái tên đẹp là Nguyễn Thị Trúc Ly tâm sự chuyện tình duyên. Ba má cô ngày xưa theo con nước mà đến với nhau, bây giờ đời cô cũng vậy. Một chuyến rong ruổi về chợ nổi Châu Đốc, ghe cô tình cờ neo đậu gần bên ghe người bạn Hồ Quý Thấp.
Những lời hỏi thăm chuyện bán buôn, những lần ánh mắt tình cờ chạm nhau, rồi một đêm trăng hai người ngồi hai mạn ghe e thẹn tâm sự bâng quơ. Và cuối cùng họ đã đến với nhau. Đời thương hồ nếu không là những ngày neo đậu bận rộn bán buôn thì cũng là những chuyến rong ruổi đi tìm mua hàng hóa khắp nơi. Đôi trai gái trẻ ít có dịp được ngồi bên nhau. Họ thề hẹn. Họ trông đợi. Và họ hi vọng vào duyên số.
Những ngày lênh đênh theo ghe thương hồ, chúng tôi được nghe rất nhiều nỗi niềm duyên tình trên sông nước. Đời người dài theo những chuyến ghe ngược xuôi, chuyện tình duyên thường bị cách trở nhưng cũng nhiều lãng mạn và kết thúc đẹp.
Nguyễn Thị Thảo, 23 tuổi, chị gái Trúc Ly, cũng có chồng Nguyễn Chí Ngọc theo nghề ghe. Hai người ở hai miền quê khác nhau, tình cờ quen biết trong một buổi đợi khách trên chợ nổi Long Xuyên.
Họ yêu nhau được hai năm, ba Thảo thách cưới, Ngọc phải ra ghe riêng để chứng tỏ mình. Bây giờ, cặp vợ chồng trẻ Thảo - Ngọc đã có ghe riêng. Họ thường lấy hàng ở chợ nổi Cái Răng để về miệt Thoại Sơn, An Giang bán. Đứa con đầu lòng của họ đang thành hình trong bụng mẹ. Ngọc vui mừng: “Em đang cải tạo lại khoang ghe để mai mốt con cái có chỗ ở. Ba má đi ghe thì con cũng sống trên ghe thôi”.
Ở chợ nổi Cái Răng, nhiều người biết đến đại gia đình ông Hai Thuận, một thương hồ 81 tuổi gốc Cần Thơ đang có bốn người con nối nghiệp cha. Tuy nhiên, ấn tượng làm họ nhớ nhất về gia đình ông là các đám cưới trên ghe vui dậy sóng. Vợ chồng ông Hai Thuận cải tạo chiếc ghe 50 tấn thành một nhà bè di động. Đám cưới của các con - Dương Vĩnh Bé, Dương Thị Ngọc Anh, Dương Thị Ngọc Thúy đều được tổ chức trên chiếc ghe bè này. Khách khứa đi ghe đến dự không mừng họ mau có nhà cao cửa rộng, mà chúc họ sớm đóng được ghe lớn hơn ghe ba má mình.
Ông Hai Thuận cười ngất, nói đó cũng là mong muốn của ông. Trong các con dâu ông Hai Thuận có một cô từng đi theo phụ ghe cho cha con ông. Không hiểu tình duyên trai gái bén lửa thế nào mà cô gái yêu luôn người con trai và thành vợ thành chồng. Cưới xong, họ ra được ghe riêng. Chồng lo việc chạy ghe, vợ xoay xở chuyện bán buôn. Các dâu rể khác của ông cũng đều là những người đã có nghề đi ghe từ nhỏ. Kết duyên vợ chồng, họ tiếp tục lấy chiếc ghe làm nhà. Con cái họ bây giờ lại chuẩn bị nối nghiệp sông nước của ông cha.
Hôm theo ghe cặp chợ nổi Long Xuyên, chúng tôi được dân thương hồ ở đây kể chuyện một đám cưới thương hồ bao nguyên chiếc phà hạng nặng để thết đãi hơn 300 thực khách vui say lúy túy. Chú rể Trương Văn Cường theo nghề ghe của cha từ nhỏ, rồi tình cờ quen và yêu một cô gái thương hồ xinh đẹp. Cả dòng họ nội, ngoại sống nghề buôn bán trên sông nước. Họ khấm khá, có nhà lớn trên bờ nhưng vẫn quyết định làm đám cưới dưới sông cho con. Ba của Cường cười khà khà nói: “Dựng vợ gả chồng dưới sông không chỉ vui mà còn hợp tình, hợp đạo. Con mình đã sinh ra và phó thác luôn cả đời nó cho sông nước thì chuyện tình duyên cũng phải trên sông nước. Có vậy hà bá không giận mà bạn bè thương hồ đi dự cũng vui, tiện hơn”.
Bèo dạt hoa trôi
Nhiều khách thương hồ chúng tôi được gặp đều có bạn có đôi, tay chèo tay lái, đỡ đần nhau sớm tối. Nhưng cũng có những phận đời thương hồ như bèo dạt hoa trôi quanh năm chỉ vò võ một mình, một mái chèo với sông nước.
Lúc chúng tôi cặp ghe dì Nguyễn Thị Mai trên chợ nổi Long Xuyên, dì đang nhen lửa bữa cơm chiều. Cái nồi nhỏ xíu, có lẽ chỉ đủ cho một miệng ăn. Manh chiếu lạnh lẽo trải ghe cũng chỉ lọt một thân nằm. Người đàn bà 67 tuổi có biệt danh Hai Quẹo như đàn ông này biết cầm chèo từ năm 7 tuổi. Suốt cuộc đời rong ruổi khắp sông nước miền Tây, dì rành như lòng bàn tay xoáy nước nào dữ, luồng lạch nào cạn, nhưng dì vẫn không thể có được một người bạn đời để đỡ đần sớm hôm.
Ngồi nhìn các đôi vợ chồng, con cái đang quây quần trong bữa cơm chiều trên những chiếc ghe neo đậu gần bên, dì Hai Quẹo cười buồn: “Hồi còn xuân sắc, tui nghĩ mình phải ráng làm, đỡ đần cho ba má. Quay đi quay lại, mình chợt già mất rồi”.
Chúng tôi ngồi lặng nhìn mái tóc đã bạc bay phất phơ theo ngọn gió sông mà thấm thía tâm trạng của đời thương hồ già cô đơn.
Hồi còn chiến tranh, dì phụ ba má chèo ghe đi bán bí rợ, bí xanh dọc theo miệt Cần Thơ, Long Xuyên, Cà Mau. Những ánh mắt tình cảm ngóng trông và những lời ướm hỏi đã thoảng đến với cô gái thương hồ siêng năng. Dì cũng nghe xốn xang con tim, nhưng rồi vẫn lắc đầu để nhường anh em mình ra riêng trước. Khi họ đã yên bề gia thất, dì lại thấy mình phải có trách nhiệm với ba má.
Và ngày qua ngày, mái tóc cô gái trên sông nước bạc dần theo thời gian, nhưng mái chèo vẫn cô đơn. Ba dì đi ghe ròng rã tới năm 88 tuổi, rồi mất vì bệnh già. Bây giờ, dì lại tiếp tục nuôi mẹ già 97 tuổi mà vẫn chưa hề nghĩ đến một ngày nào đó sẽ bỏ ghe lên bờ.
Lênh đênh ghé các chợ nổi miền Tây, rồi những ngày lặng lẽ theo ghe thương hồ ngược xuôi vô miệt vườn mua hàng, chúng tôi thấm thía tâm sự từ đáy lòng của người đàn bà đã đi ghe gần 70 tuổi này: “Nhìn chợ nổi đông đúc, nhộn nhạo vậy chứ đời thương hồ dễ cô đơn lắm. Thời gian vò võ sống dưới ghe nhiều hơn trên bờ, làm sao có bạn bè đông được!”.
Nhiều hoàn cảnh như Phạm Thị Thanh Nga theo ghe từ lúc ba má còn ẵm ngửa trên tay, đến khi lấy chồng phải nhờ ông mai bà mối. Cô gái thương hồ quê Sóc Trăng này là lao động chính trên chiếc ghe hàng 20 tấn, mỗi ngày của cô là chuỗi làm việc không nghỉ trên ghe. Hễ tạm dừng chuyện sắp đặt hàng hóa, bán buôn, cô lại xắn tay lo cơm nước, dọn dẹp cho ba má đến tận lúc đi ngủ. Không có thời gian và điều kiện để quen biết bạn trai, tình duyên đến muộn với cô bằng mai mối, nhưng cũng hạnh phúc là hai người tâm đầu ý hợp với nhau.
Nga chỉ hơi buồn là sau đám cưới cô sẽ phải bỏ ghe để lên bờ theo chồng: “Ảnh làm vườn, muốn em cũng theo nghề này để vợ chồng được gần nhau”. Cô gái nói mà dõi mắt nhìn theo những lượn sóng nhấp nhô trên sông. Cả đời sống trên sông nước, cô đã coi chiếc ghe như mái nhà của mình rồi.
Một thương hồ mù chữ ở chợ nổi Cà Mau nói với con: “Ba má rồi cũng già, ghe rồi cũng hư, chỉ có chữ nghĩa là tài sản để lại cho con”. Nhưng chữ nghĩa cho trẻ em ở đâu trên sông nước đồng bằng?

No comments:

Post a Comment