Sunday, January 29, 2012

Việt kiều ước vọng làm giàu năm Hợi ở đất mẹ

Việt kiều ước vọng làm giàu năm Hợi ở đất mẹ
Tags: Hà Tôn Vinh, Hawaii TP HCM, Hội nhập kinh tế, Đại học Hawaii, chưa bao giờ, ở nước ngoài, người Việt Nam, việt kiều, làm giàu, cơ hội, về nước, đất nước, đầu tư, thành

"Chưa bao giờ cơ hội làm giàu tại Việt Nam rõ rệt như năm nay, sau khi ta đã gia nhập WTO. Dù không còn trẻ nhưng tôi vẫn về nước để kinh doanh và tự hào đã góp phần làm giàu đất nước", mùng 5 Tết, giáo sư Việt kiều Hà Tôn Vinh đã có mặt tại chi nhánh Đại học Hawaii TP HCM và trò chuyện với TS
.
> Việt kiều muốn về quê chơi chứng khoán / Rộng cửa đón Việt kiều về đầu tư
Không ít Việt kiều đang nung nấu ý chí làm giàu trong nước và tự tin rằng mình sẽ thành công. Trò chuyện với TS đầu năm, đại diện của các thế hệ người Việt Nam đang sống ở nước ngoài đều khẳng định chọn con đường về nước kinh doanh trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới.

Anh Dương Cao Phong, Việt kiều Pháp. Ảnh: P.A.
Dương Cao Phong, sinh năm 1973 tại Pháp. Lớn lên và được thụ hưởng nền giáo dục của đất nước này, Phong quyết định về hẳn Việt Nam từ 6 tháng nay để tham gia thành lập một công ty kinh doanh dịch vụ phần mềm và gánh trách nhiệm là Phó giám đốc. Anh nói bằng thứ tiếng Việt chưa chuẩn xác: "Tốt nghiệp ngành kỹ sư máy tính, quyết định về nước làm ăn của tôi khiến nhiều bạn ngỡ ngàng nhưng gia đình thì ủng hộ. Tôi đi về Việt Nam từ nhiều năm nay để tìm kiếm cơ hội đầu tư, nhưng chính thức kinh doanh từ giữa năm ngoái. Tôi cho rằng, 2007 mở ra rất nhiều cơ hội làm ăn, khi Việt Nam mới trở thành thành viên WTO.
Hiện công ty của tôi chuyên về những dịch vụ xử lý thông tin IT cho khách hàng. Tại Việt Nam, công việc này khá mới mẻ nhưng nhu cầu xử lý thông tin của doanh nghiệp khi hội nhập kinh tế thế giới sẽ rất lớn. Tôi rất tự tin, chắc là mình sẽ thành công, thậm chí nuôi nhiều hoài bão sẽ phát triển dịch vụ tương tự như Ấn Độ chẳng hạn.
Sau khi tôi về nước, nhiều người bạn của tôi cũng muốn hành động tương tự. Em tôi sắp ra trường cũng mong được mang sức mình làm giàu trước hết là cho bản thân, sau đó cho đất nước. Thế hệ thứ 2 của chúng tôi được đào tạo ở nước ngoài, có tư duy kinh doanh hiện đại và được thuận lợi vì quen với nền kinh tế hội nhập, nên khi về nước làm ăn tôi nghĩ thành công rất dễ dàng".

Giáo sư Hà Tôn Vinh. Ảnh: P.A.
Giáo sư Hà Tôn Vinh, Trường Đại học Hawaii, Mỹ, về nước từ năm 1995 mang nhiều cảm giác bỡ ngỡ, thậm chí e dè ban đầu, để thăm dò cơ hội làm ăn trong nước. Sau nhiều chuyến đi về, ông quyết định ở lại Hà Nội mở các khóa liên kết đào tạo giữa trường Hawaii với Đại học Quốc gia. Chỉ đến trước Tết, giáo sư Việt kiều này mới chính thức thành lập Chi nhánh Trường đại học Hawaii tại TP HCM và bắt đầu kinh doanh giáo dục.
"Thời điểm này là cơ hội lớn để mình làm giàu cho bản thân và đất nước. Bỏ qua cơ hội WTO, khó có thể tìm kiếm được những dịp thuận lợi hơn để đầu tư. Tôi mở chi nhánh Đại học Hawaii đúng lúc này cũng là tận dụng cơ hội ấy. Tôi là giáo sư nhưng bây giờ cũng là một doanh nhân nữa.
Hội nhập kinh tế thế giới, Việt Nam đang vươn lên với những ưu thế mới. Các cơ chế chính sách, pháp luật cũng rõ ràng và bảo đảm an toàn hơn cho nhà đầu tư nên không có lý do gì mà ta từ chối cơ hội làm giàu cả. Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, vòng tay của đất nước cũng phải mở rộng hơn nữa với kiều bào để họ yên tâm về nước.
Trong cộng đồng Việt kiều đang tồn tại 2 tư tưởng đối lập. Nhiều người ủng hộ Việt Nam, nhưng cũng có một số người tư tưởng cực đoan. Tôi cho rằng, một bộ phận nhỏ này hiện đang rất thiếu thông tin về tình hình kinh tế chính trị trong nước, thậm chí hơn 30 năm nay họ chưa một lần về Việt Nam để xem đổi mới như thế nào. Cả nhiều bạn bè tôi cũng vậy. Vấn đề là đất nước hãy cho họ thấy Việt Nam nay khác như thế nào, nhiều cơ hội làm ăn ra sao. Mà tôi cho rằng, để Việt kiều nói với Việt kiều thì sự thuyết phục hiệu quả nhất.
Cho nên tôi cũng đề nghị nhà nước hãy làm một chương trình dành cho Việt kiều, quy tụ cả 2 luồng tư tưởng để chúng tôi cùng thảo luận với nhau về những cơ hội dành cho đất nước và giới thiệu những hình ảnh về một Việt Nam mới, thoáng hơn".

Ông Phan Thành với chiếc ống điếu trứ danh. Ảnh: P.A.
Ông Phan Thành hiện là Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Việt kiều tại TP HCM. Theo ông, chưa bao giờ người Việt Nam ở nước ngoài quan tâm đến cơ hội làm ăn và ước muốn về nước mạnh mẽ như thời điểm hiện nay. Nhiều người đã nhờ hiệp hội doanh nghiệp làm cầu nối để tìm hiểu cách thức làm ăn trong nước. Tất cả là nhờ sự kiện Việt Nam vào WTO, những chính sách trong nước đã thay đổi.
"Tôi về nước đầu tư cả chục năm nay, hiểu rõ từng quá trình, đường đi nước bước và sự thay đổi của đất nước trong ngần ấy năm. Tôi nói rằng: "Hãy về nước và bạn sẽ không phải hối hận với quyết định đó". Ngay các doanh nghiệp Việt kiều chúng tôi, ngoài việc điều hành hiệu quả công ty riêng của mình, còn đang tính chuyện thành lập một ngân hàng dành riêng cho Việt kiều để hỗ trợ đầu tư và kinh doanh trong nước. Sau khi có giấy phép đầu tư, Ngân hàng người Việt Nam ở nước ngoài sẽ sớm hoạt động, có thể trong năm nay".
Phan Anh (ghi)
Việt Báo (Theo_VnExpress.net)





Sau khi chu du hơn 74 quốc gia trong 30 năm qua, GS Augustine Hà Tôn Vinh về VN công tác tại Khoa Quản trị Kinh doanh, ĐHQG Hà Nội với hàng ngàn cổ vật tàu đắm quý hiếm.
GS Augustine Hà Tôn Vinh từng là một trong số 200 DN trẻ thành đạt ở Mỹ vào năm 1989. Nhiều người quen của ông không thể hiểu tại sao một người thành đạt ở Mỹ như ông lại trở về Việt Nam.
Thể theo nguyện vọng của người cha và cũng theo tiếng gọi từ trong sâu thẳm trái tim mình, Hà Tôn Vinh đã thực hiện chuyến vi hành đầu tiên trở lại quê hương năm 1995 và rồi quyết định gắn bó với Việt Nam.
Vị giáo sư với mức lương khiêm tốn
Thấy tôi ngạc nhiên, ông Vinh vội thanh minh: “Thực ra, khi được mời về dạy học tại một trường đại học ở Việt Nam, tôi đã nhận lời, nhưng không nghĩ đến chuyện nhận...lương.
Tuy nhiên Khoa QTKD rất ưu ái tôi và giúp cho tôi có cơ hội đóng góp vào các quỹ từ thiện. Khi thì giúp đỡ trẻ em nạn nhân chất độc da cam, lúc lại giúp đỡ những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn...”.
Ông được mời làm giáo sư thỉnh giảng tại Khoa Quản trị Kinh doanh Đại học Quốc gia Hà Nội với các chuyên đề như tài chính dự án, tài chính cơ sở hạ tầng, quản lý dự án, quản lý hợp đồng, quản lý tập đoàn...
Những người theo học chủ yếu là các lãnh đạo và quản lý thuộc các Tổng Cty lớn như Bưu chính viễn thông, Hàng không, Thủy sản, Dệt may... Gần đây nhất, ông tham gia giảng dạy chương trình Cao học Quản trị Kinh doanh Đại học Hawaii và Đại học Quốc gia Hà Nội.
Có vẻ như công việc mới đem lại cho ông những niềm vui giản dị, trái ngược hẳn với những thăng trầm trong cuộc đời. Augustine Hà Tôn Vinh đã có một thời trai trẻ khá oanh liệt. Từ năm 1980-1981, ông khởi sự bằng việc mua bán máy tính và chỉ vài năm sau đã được liệt vào hàng triệu phú ở Mỹ, tiền gửi trong nhà băng đến vài triệu USD. Nhưng sau đó ông khánh kiệt khi lao vào kinh doanh đa quốc gia và phải tiến hành khởi nghiệp lại khi trong túi còn đúng… 2 đô la.
Kho cổ vật trong lòng Hà Nội
Ngôi nhà của ông ngay mặt phố ở Hà Nội. Bước vào nhà, đã thấy giáo mác sừng sững làm tấm bình phong che chắn cho kho đồ cổ bên trong. Bộ sưu tập đồ cổ trục vớt từ những chiếc tàu đắm ở các vùng biển Indonesia, Malaysia, Philippines, châu Phi, biển Đông... được bày ngay ngắn trong từng tủ kính. Một bảo tàng cổ vật hiện ra lung linh trong ánh đèn lazer trầm mặc mà tĩnh lặng.
Ngoài vai trò của một chuyên gia, cố vấn tài chính, Augustine Hà Tôn Vinh còn được biết đến với bộ sưu tập bình vôi cổ lớn nhất Việt Nam khoảng 300 loại bình vôi các niên đại khác nhau. Bộ sưu tập cổ vật của ông là nơi tham khảo của nhiều chuyên gia ở các bảo tàng Mỹ, Trung Quốc, Australia...
Ông Vinh còn có hai chiếc bình vôi to “kỷ lục”, nặng trên 10 kg và một chiếc bình vôi độc nhất vô nhị vì có lỗ cao đến hơn 20 cm, vượt quai xách đến cả gang tay.
Ông dự định đưa bộ sưu tập bình vôi ra nước ngoài triển lãm và mở một triển lãm ở trong nước mang tên “Văn hoá cổ của Việt Nam qua bình vôi”. Ông Vinh thường xuyên được mời ra nước ngoài nói chuyện về kinh nghiệm sưu tầm cổ vật.
Hiện ông đang có ý định xây dựng một bảo tàng tư nhân cho bộ sưu tập cổ vật tàu đắm của mình tại Hội An, Vũng tàu, Phú Quốc...
Theo ông Vinh, cổ vật và văn hóa là của mọi người, của nhân loại. Ngoại trừ một số ít báu vật quốc gia hay các cổ vật quý hiếm, Nhà nước nên cho phép các nhà sưu tập tư nhân trong nước bán hay cho các bảo tàng nước ngoài, các đại học, các tổ chức quốc tế mượn.
Hiện ông và một số bạn trẻ đang hoàn thành một cơ sở dữ liệu và trang web về cổ vật. Đây sẽ là nơi cập nhật tin tức và kho dữ liệu về cổ vật trong và ngoài nước.
Theo Tiền Phong Online

No comments:

Post a Comment