Sunday, January 29, 2012

Doanh nhân Việt kiều: Những điều gửi gắm

Doanh nhân Việt kiều: Những điều gửi gắm
Tags: Nguyễn Xuân Phúc, Đà Nẵng, văn phòng chính phủ, Hiệp hội doanh nghiệp, ở nước ngoài, bộ ngoại giao, sự phát triển, khu du lịch, doanh nhân, việt kiều, đầu tư, đất nước, bà con, trong nước, VN


Ra mắt Ban vận động thành lập Hiệp hội doanh nhân VN ở nước ngoài Ảnh: HC

Doanh nhân VN ở nước ngoài cần thêm những “cú hích” gì để đẩy mạnh đầu tư về nước? Các phóng viên ghi nhận một số ý kiến đầy tâm huyết.

Vẫn là câu chuyện về bộ máy hành chính
Tiếp tục hội nghị doanh nhân VN ở nước ngoài do Bộ Ngoại giao tổ chức tại Đà Nẵng trong hai ngày 21–22/9, các đại biểu được chia thành nhóm thảo luận về hai lĩnh vực chính: đầu tư và thương mại - dịch vụ. Tại các diễn đàn này đã có nhiều ý kiến tâm huyết của các doanh nhân VN ở nước ngoài được trình bày với các cơ quan hữu quan trong nước, không ngoài mục đích nhằm tháo gỡ vướng mắc và tạo điều kiện thu hút mạnh mẽ hơn nữa nguồn đầu tư từ cộng đồng này.
Ông Phan Thành, Chủ tịch HĐQT Hiệp hội doanh nghiệp VN ở nước ngoài tại TP.HCM bày tỏ: “Gần 20 năm trước, khi tôi quyết định rời Canada, một trong những nơi có điều kiện sống tốt nhất thế giới, rời khỏi công việc làm ăn ổn định và phát đạt để trở về quê mẹ làm lại từ đầu, không ai trong số người thân và bạn bè của tôi cho rằng đó là một quyết định khôn ngoan. Tuy gặp vô vàn khó khăn nhưng đến ngày hôm nay, tôi có thể khẳng định rằng, quyết định ngày ấy của tôi là hoàn toàn sáng suốt!”.
Nói như vậy không có nghĩa những người như ông Thành không phải “trả giá” cho quyết định của mình. “Cái giá lớn nhất phải trả là thời gian – ông Thành bộc bạch – Chúng tôi mất quá nhiều thời gian để thích nghi với một bộ máy hành chính mà người dân thường nói vui là: “hành là chính”, một bộ máy làm nản lòng không ít nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có rất đông Việt kiều. Vì vậy, những người trụ lại tới hôm nay đều là những người có thừa tính kiên nhẫn và tình yêu đối với quê mẹ”.
Cũng vậy, ông Hồ Quang Đặng, Giám đốc Công ty Dân trí (thành viên CLB Doanh nghiệp Việt kiều) cho hay, mặc dù đã có giấy phép kinh doanh ở Cần Thơ nhưng phải mất đến hai tuần ông mới xin được mã số thuế. Nhà ở, kho xưởng, mặt bằng kinh doanh tại quận 5 (TP.HCM) do ông không có hộ khẩu, không có chứng minh nhân dân… nên phải đóng thuế bằng… USD!
Ông Đặng Xuân Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty TNHH BNC đầu tư du lịch, từng được nhận giải thưởng “Chìa khoá vàng” của thị trưởng thành phố Stockton (Mỹ) và danh hiệu “Nhà doanh nghiệp xuất sắc nhất năm 1986” thì kể: 5 năm qua, Công ty BNC đã đầu tư biến vùng đất đầy lau lách um tùm bên sông Thu Bồn (đối diện chợ Hội An) thành khu du lịch “Làng quê VN” với 26 làng nghề truyền thống của nông thôn Quảng Nam thế kỷ 19, bên cạnh nhà hàng 500 chỗ ngồi chuyên phục vụ các món ăn dân dã xứ Quảng, trung tâm mua sắm hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống, quầy bar café và 4 biệt thự để đón khách lưu trú…

Ông Đặng Xuân Nghĩa giãi bày với đại diện Uỷ ban về người VN ở nước ngoài (Ảnh: HC)
Tháng 8/2005, khu du lịch “Làng quê VN” đã khai trương giai đoạn 1 và niềm vui lớn đối với ông Nghĩa là bên cạnh du khách, nhiều trường học ở Quảng Nam, Đà Nẵng cũng đưa học sinh tới đây tham quan, học tập, giúp các em hiểu rõ hơn về bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc.
Ngay sau đó, khu du lịch “Làng quê VN” tiếp tục triển khai giai đoạn 2 với 10 biệt thự, khu bể bơi, phòng họp quốc tế… Nhưng từ tháng 10/2005 đến nay, công việc bị ngưng trệ do 31 hộ dân xung quanh đòi mởlối đi cắt khu du lịch làm hai phần và đi qua một biệt thự đã được thiết kế trong tổng thể của khu này. Khi Công ty BNC cho mở móng xây dựng biệt thự thì ban đêm bị thanh niên lén tới đập phá, san phẳng…
Trước tình hình đó, UBND thị xã Hội An đã tổ chức cuộc họp với 31 hộ dân và ra thông báo cho phép mở con đường đi cắt ngang qua khu du lịch “Làng quê VN”, mọi chi phí phát sinh do Công ty BNC chi trả, bất kể BNC đã được cấp sổ đỏ và được thuê khu đất này trong 50 năm. Để ổn định việc kinh doanh, Công ty BNC đồng ý mở đường để bà con đi lại với yêu cầu giữ nguyên thiết kế, di chuyển con đường sang trái 3m. Tuy nhiên UBND xã Cẩm Nam vẫn không đồng ý và mọi việc tiếp tục dùng dằng.
Ông Nghĩa bức xúc: “Ở đây có sự nhập nhằng giữa luật pháp và tình cảm. Nếu chính quyền địa phương giải quyết rõ ràng, minh bạch, không cho phép làm đường qua mảnh đất nhà nước đã cấp cho người khác sử dụng và nghiêm trị những người huỷ hoại tài sản thì sẽ không xảy ra tình trạng nêu trên. Cần có sự giải quyết nhất quán theo luật pháp để giúp hoạt động kinh doanh của nhà đầu tư đạt hiệu quả!”…
Vấn đề đặt ra từ những bức xúc đó là gì? Ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Chủ nhiệm CLB Việt kiều, cho rằng: “Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị thừa nhận tiềm năng và vai trò to lớn của Việt kiều đối với sự phát triển mọi mặt của đất nước. Đây cũng là tấm lòng, lương tâm của Đảng đối với mọi công dân VN dù ở trong hay ngoài nước. Nếu được áp dụng đúng đắn, Nghị quyết này sẽ tạo thêm sức mạnh cho đất nước.
Tuy nhiên, trên thực tế, do những khó khăn từ nhiều phía, từ Nghị quyết 36 đến hành động thực tiễn cònmột khoảng cách rất lớn. Mỗi lần có dịp, các cơ quan, tổ chức trong nước đều nêu ý kiến làm sao để kêu gọi trí thức Việt kiều nói riêng, bà con Việt kiều nói chung đóng góp nhiều hơn nữa để phát triển đất nước. Kêu gọi như thế về mặt lý thuyết là đúng, nhưng kêu gọi mà không thấy có hiệu quả là do chưa hiểu hết Việt kiều và đã làm cho không ít bà con Việt kiều thấy rất áy náy!”.

Doanh nhân Việt kiều có nhiều trăn trở với tiến trình gia nhập WTO của đất nước (Ảnh: HC)
Trăn trở trước thềm WTO
Hầu hết ý kiến của các doanh nhân Việt kiều đều cho rằng, tham gia vào sân chơi chung WTO, đội hình doanh nghiệp VN cần phải chuẩn bị về tinh thần, thể chất, tổ chức và trình độ để có thể thành công trong cuộc chạy đua phát triển. Trong đó, tính đồng đội, tính chủ động hợp tác và liên kết khi hội nhập đóng vai trò rất quan trọng.
Theo ông Phan Thành, bước vào sân chơi này, VN có một thuận lợi mà nhiều nước không có được. Đó là cộng đồng gần 3 triệu người VN đang sinh sống ở 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nếu biết tập hợp và phát huy thì đây sẽ là cầu nối, là đại diện đầy hiệu quả cho các doanh nghiệp trong nước tại nước sở tại. Việt kiều có nhiều điều kiện thuận lợi để nắm được thị trường, luật lệ nước sở tại và thiết lập hệ thống phân phối hàng hoá từ VN sang các nước này.
Chỉ riêng với thị trường Nga, VN có thể tăng gấp đôi kim ngạch thương mại hai chiều (năm 2005 là 1,2 tỉ USD) nếu biết khai thác mạng lưới với 80.000 người VN đang sinh sống khắp nước Nga và có mặt ở tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Vấn đề là xây dựng cơ chế hợp tác như thế nào để phát huy lợi thế của đôi bên và cùng có lợi. Nếu không biết cách liên kết với nhau, không thu hút được nguồn tài chính từ kiều bào ở nước ngoài để tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước thì sẽ thua ngay trên sân nhà!
Ông Phan Thành nhấn mạnh: “Thấy được nhu cầu đó, Hiệp hội doanh nghiệp Việt kiều tại TP.HCM đã đề xuất dự án khả thi về việc thành lập một ngân hàng Việt kiều nhằm thu hút lượng kiều hối không hề nhỏ mà kiều bào ở nước ngoài hàng năm vẫn chuyển về VN. Qua đó hỗ trợ nhu cầu tăng vốn phát triển cho các doanh nghiệp trong nước, trong đó có doanh nghiệp Việt kiều. Lãnh đạo TP.HCM cũng ủng hộ chủ trương này và đã chuyển cho Ngân hàng Nhà nước xem xét giải quyết!”.
Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Bá Anh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp VN tại Liên bang Nga cho rằng, tuy kinh tế thị trường là tự do, nhưng tính tự phát và thiếu quy hoạch sẽ hạn chế hiệu quả toàn xã hội, gây lãng phí tài nguyên và thời gian. Ở quy mô quốc gia, để phát triển bền vững, cần có một quy hoạch và chiến lược phát triển cân đối và dài hạn, khoa học và có các bước đi phù hợp. Sự điều chỉnh của Nhà nước cần được luật hoá tối đa. Đồng thời việc xây dựng quy hoạch kinh tế không nên chỉ giới hạn trong các viện nghiên cứu và các Bộ, ngành của nhà nước mà cần có sự tham gia của giới doanh nghiệp.

Bà Phùng Kim Vy, doanh nhân Việt kiều Canada thảo luận sôi nổi với các đại biểu về những vấn đề đặt ra tại hội nghị (Ảnh: HC)
Theo ông Nguyễn Bá Anh: “Việc tham gia WTO không thể hạn chế hỗ trợ của quốc gia cho các ngành then chốt có vị trí chiến lược, tạo nội lực phát triển lâu dài của đất nước như năng lượng, khai thác tài nguyên thiên nhiên, nguồn nước, tài chính - ngân hàng, giao thông đường sắt, xây dựng và khai thác không gian ngầm, thềm lục địa… Việc cổ phần hoá các lĩnh vực này cần có sự chú ý đặc biệt”.
Nhiều doanh nhân Việt kiều cũng kiến nghị, các hỗ trợ của Nhà nước thông qua các quỹ xúc tiến thương mại, đầu tư không nên thực hiện theo nguyên tắc phân bổ chỉ tiêu và quản lý theo kiểu “dự án”, “chi ngân sách” cho các cơ quan xúc tiến của ngành và địa phương mà nên chuyển sang cơ chế gắn trực tiếp với hiệu quả xúc tiến thị trường. Chẳng hạn, có thể và cần chuyển sự hỗ trợ này thông qua đấu thầu cho các doanh nghiệp tư vấn, xúc tiến hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; hoặc nghiên cứu cơ chế bù, thưởng (chi phí xúc tiến)cho các doanh nghiệp thành công về tăng trưởng xuất khẩu.
Đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp cần triệt để khắc phục tâm lý tạm bợ, chụp giựt, ỷ lại vào đặc thù thị trường có yêu cầu chưa cao (như thị trường Nga) để bán hàng kém chất lượng, không ổn định. Ngược lại, cần phải có ý thức xây dựng uy tín lâu dài, không chỉ đơn thuần cho sản phẩm của mình mà còn cho sản phẩm có xuất xứ từ VN nói chung.
Và điều mà nhiều doanh nhân Việt kiều trăn trở nhất vẫn là những hạn chế, rào cản vẫn còn đặt ra với họ khi muốn đầu tư về nước và cùng đất nước hội nhập. Theo Chủ tịch HĐQT Công ty Canada Home Deco, TGĐ Công ty TNHH liên doanh IQLinks Nguyễn Hoài Bắc, Hiến pháp và Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị đã ghi rõ, người VN đang định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của dân tộc VN. Cũng có nghĩa, đã là người VN thì dù ở bất cứ nơi đâu, khi trở về VN đều có quyền bình đẳng như nhau trước pháp luật.
"Thế nhưng thực tế vẫn còn quá nhiều điều cần nói như visa nhập cảnh, xác nhận đầu tư, mua bán nhà cửa, tìm kiếm việc làm… Nên chăng những rào cản này cần sớm được bãi bỏ vì không còn phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước và thế giới khi chúng ta đã gần kề WTO?” – ông Nguyễn Hoài Bắc kiến nghị.

Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ doanh nhân Việt kiều tại hội nghị (Ảnh: HC)
Mong bà con kiều bào hai chữ: TÂM và NHẪN
Sau hai ngày lắng nghe ý kiến của các doanh nhân Việt kiều, bài phát biểu có tính chất tổng kết hội nghị của ông Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chính phủ, đã nhận được sự tán thưởng nhiệt liệt của các đại biểu. Ghi nhận những đóng góp to lớn của bà con Việt kiều, đặc biệt là của các doanh nhân Việt kiều cho sự phát triển của đất nước trong thời gian qua nhưng ông Phúc cũng cho rằng, so với tiềm năng sẵn có thì sự huy động những đóng góp đó vẫn còn nhiều hạn chế.
Ông Nguyễn Xuân Phúc khẳng định ý kiến của các doanh nhân Việt kiều đã góp phần làm rõ thêm cơ hội phát triển của đất nước lẫn cơ hội của mỗi doanh nhân VN cả trong và ngoài nước trong giai đoạn phát triển mới. Đặc biệt là làm rõ hơn tiềm năng của cộng đồng doanh nhân VN ở nước ngoài cũng như những phương hướng để tranh thủ nguồn lực này cho sự phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của VN.
Qua hội nghị, một số vấn đề cụ thể do các doanh nhân Việt kiều nêu lên đã được các cơ quan chức năng trong nước cung cấp thông tin cập nhật, giải thích rõ ràng. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vướng mắc, tồn đọng và Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao cùng các Bộ, ngành, địa phương liên quan sẽ nhanh chóng tập hợp, nghiên cứu kỹ lưỡng để kiến nghị lên Chính phủ có các biện pháp giải quyết.
Trong đó ông Phúc đặc biệt nhấn mạnh hai điểm: Thực sự coi bà con Việt kiều là bộ phận không tách rời của dân tộc VN, có sự bình đẳng trước pháp luật đối với doanh nhân Việt kiều khi đầu tư về nước, không phân biệt đối xử. Và có sự minh bạch, rõ ràng, nhất quán từ chủ trương, chính sách vĩ mô đến các quy định pháp luật cụ thể, dễ hiểu, dễ vận dụng nhằm tạo môi trường thuận lợi, đem lại sự an tâm cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Việt kiều, để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
Tuy đất nước đã có nhiều thành công trong công cuộc đổi mới nói chung cũng như trong việc huy động nguồn lực của bà con Việt kiều nói riêng, nhưng để đạt được những yêu cầu nêu trên vẫn còn cần thêm nhiều bước đi. Vì vậy, ông Nguyễn Xuân Phúc mong bà con kiều bào nói chung, doanh nhân Việt kiều nói riêng, hai chữ: TÂM và NHẪN.
“Chữ NHẪN nhấn mạnh đến yêu cầu các cơ quan chức năng của Nhà nước cần sớm tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc đang đặt ra để tạo điều kiện thuận lợi phát huy nguồn lực của bà con Việt kiều đóng góp cho sự phát triển đất nước. Còn chữ TÂM là mong bà con Việt kiều hãy hợp sức thật chặt chẽ, hiệu quả với Chính phủ và các cơ quan chức năng trong nước trong quá trình đó.
Tôi mong bà con tin tưởng vào chính sách tiếp tục đổi mới theo đúng tinh thần của Nghị quyết Đại hội 10 của Đảng. Từ đó tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Tổ quốc mong mỏi sự đóng góp của bà con!” – ông Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Tại hội nghị này đã chính thức ra mắt Ban vận động thành lập Hiệp hội doanh nhân VN ở nước ngoài gồm 17 thành viên, do ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp VN tại Ukraina làm trưởng ban. Đây được xem là một trong những sự kiện nổi bật của hội nghị, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo doanh nhân VN trong và ngoài nước, mong muốn có một tổ chức tập hợp doanh nhân VN ở nước ngoài vì lợi ích của mỗi doanh nghiệp, của cộng đồng và đất nước.
Nhân dịp này, Bộ Ngoại giao VN và Uỷ ban về người VN ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) cũng tặng bằng khen cho 25 doanh nhân và giấy khen cho 15 doanh nghiệp VN ở nước ngoài có đóng góp xuất sắc cho sự phát triển của đất nước trong thời gian qua.
Theo Hải Châu - (VNN)



Người dựng "nhà khách" cho Việt kiều
Tags: Việt Nam, Nguyễn Ngọc Mỹ, CLB Doanh, sự hiểu biết, xuất phát từ, hội đầu tư, cuộc trò chuyện, việt kiều, doanh nhân, anh em, hành trình, kinh tế, cơ hội, người, mình

- Ông cũng là một Việt kiều. "Căn nhà khách" ông dựng gần 5 năm nay đã là nơi "trú ngụ" của hàng trăm Việt kiều khi hồi hương. Khiêm tốn chỉ nhận mình là "người bắc cầu", Chủ nhiệm CLB Doanh nhân Việt kiều Nguyễn Ngọc Mỹ, người vừa "chủ trì" chuyến "Hành trình xuyên Việt" cho các doanh nhân Việt kiều đã có cuộc trò chuyện với TS nhân dịp đầu xuân.
Gặp chủ "nhà khách"

Chủ nhiệm CLB Doanh nhân Việt kiều Nguyễn Ngọc Mỹ: "Tôi chỉ là người bắc cầu"... Ảnh Nguyệt Minh
Cho rằng mình đã tích luỹ được "vốn kinh nghiệm kha khá" trong 5 năm về nước hoạt động kinh doanh, ý tưởng thành lập CLB Doanh nhân Việt kiều của Nguyễn Ngọc Mỹ bắt đầu từ năm 1997 với "tham vọng" chia sẻ sự hiểu biết, mối quan hệ cũng như kinh nghiệm thực tế cho những anh em Việt kiều.
Ba năm sau đó, CLB chính thức có giấy phép mở cửa tại TP.HCM và hiện CLB đã hoạt động ở Hà Nội, Vũng Tàu, Cần Thơ.
Giai đoạn đầu thành lập CLB, ông có nhận được nhiều sự cổ vũ của kiều bào không?
Hỗ trợ trên tinh thần thì có và cũng có một số anh em Việt kiều giúp đỡ, hỗ trợ bằng vật chất. Tôi cũng có cậy nhờ những anh em Việt kiều đã về đây lâu, lại có sự hiểu biết sâu sắc về nhiều chuyên ngành, lĩnh vực mà tôi không nắm hết được để nhờ họ lo giúp khâu hỗ trợ kiến thức, kinh nghiệm cho những anh em mới.
Ông tự tin rằng mình có đủ uy tín để thành lập một CLB như vậy?
Uy tín và lòng tin thì tôi không có thể khẳng định được nhưng vì ý tưởng của tôi xuất phát từ mục đích tốt, có ích nên có nhiều anh em Việt kiều ủng hộ thôi.
Xây dựng một mô hình CLB Doanh nhân Việt kiều như hiện nay, điều gì làm ông tâm đắc?
Điều tâm đắc thứ nhất của tôi là đã làm được những việc tôi thấy ấm lòng và có ích cho mọi người. Còn nhiều việc mình cũng đã làm, nó không hiện hữu bằng những kết quả cụ thể, có thể chỉ là vô hình thôi mà mình không nắm hết được. Ví dụ như khi một Việt kiều muốn gặp gỡ, trao đổi với một anh TNHH trong nước, thì tôi làm người bắc cầu cho họ. Sau đó, họ thoả thuận, ký kết, hợp tác làm ăn ra sao, lợi nhuận, kết quả thu được thế nào, cái đó tôi không nắm rõ. Chỉ biết rằng, mình đã làm được điều có ích cho cả hai bên là đã thấy mãn nguyện lắm rồi.
Với những anh em thành viên gặp khó khăn, rắc rối về vấn đề này, thủ tục kia... thì CLB, với tư cách pháp nhân, đã đứng ra gửi thư hay đơn từ đi chỗ này chỗ nọ, hoặc trực tiếp đề đạt, kiến nghị với các cấp chính quyền để tìm cách tháo gỡ.
Ngoài ra, mỗi khi có chủ trương, chính sách gì của Nhà nước, CLB doanh nhân Việt kiều đều vận động anh em thực hiện, hưởng ứng. Điều này nó mang tính tập thể chứ không phải cá nhân đơn lẻ và có đường hướng rõ ràng.
"Thời gian ở VN chiếm 90% quỹ thời gian sống hiện nay của tôi"
Cùng gia đình định cư ở Úc từ năm 1978, đến năm 1983, sau chuyến sang Trung Quốc công tác, bồi hồi vì bắt gặp một số phong cảnh không khác gì Việt Nam, ông bắt đầu nung nấu ý định trở về quê hương.
Đến năm 1992, tôi mới có cơ hội thực hiện ước mơ của mình. Và từ đó đến nay, hành trình Việt Nam - Australia - Việt Nam cứ đều đặn trong thời gian biểu của ông. Nguyễn Ngọc Mỹ tâm sự: "Với tôi, càng ngày thời gian dành cho Việt Nam càng nhiều, chiếm tới 90% tổng quỹ thời gian sống và làm việc của tôi hiện tại".
Đang điều hành một công ty riêng với khoảng 300 nhân viên ở Australia, ông có phải đắn đo nhiều không khi quyết định về Việt Nam đầu tư?
Tôi không đắn đo vì không hề có ý định từ bỏ công việc làm ăn ở bên đó. Khi về Việt Nam, tôi thu hẹp quy mô để dồn sức phát triển ở trong nước. Sau khi có thế đứng bài bản của một doanh nhân ở trong nước, tôi sẽ quay trở lại Australia để đưa Công ty tăng tốc phát triển với một tư cách mới, một tâm thế và sức mạnh mới - đó là sức mạnh từ sự hợp tác, liên minh với các doanh nhân trong nước để cùng phát triển, vươn tới nắm bắt cơ hội làm ăn trên toàn cầu. Và để thực hiện được dự định đó, cần ít nhất 10 năm nữa để tích lũy, chuẩn bị.
Công việc hiện nay có ảnh hưởng đến đời sống gia đình ông không?
Gia đình tôi hiện đã về Việt Nam hết rồi. Bốn đứa con của tôi đã trưởng thành và đều lập Công ty riêng, làm ăn sinh sống tại Việt Nam. Hiệu quả làm ăn cũng rất tốt. Danh nghĩa là đôi quê nhưng giờ hầu như tôi chỉ ở một chốn.
Ngoài CLB doanh nhân Việt kiều, ông còn hoạt động nào khác ở VN?
Có chứ. Tôi có đầu tư trong lĩnh vực xây dựng, đến nay cũng xây được 4 - 5 ngôi nhà cao tầng rồi. "Trainning" cũng được cỡ ngàn thợ thầy rồi. Rồi thì đầu tư vô trường đua chó, đua ngựa... Nhìn chung, việc đầu tư của tôi ở VN rất hiệu quả.
Việt kiều là những nhà marketting tốt nhất...
Bản thân là "cầu nối" giữa Việt kiều với quê hương, ông có dự định gì để gắn kết chặt chẽ sợi dây tình cảm của kiều bào với đất nước mình hoặc thu hút nhiều người trong số đó trở về quê không?
Tôi lại không có ý tưởng lôi kéo, thu hút Việt kiều trở về quê hương. Vì như tôi đã nói ở trên, trong hiện tại và tương lai, Việt kiều sẽ là những nhà marketting tốt nhất cho các mặt hàng, sản phẩm chiến lược trong nước vươn ra thị trường quốc tế nhờ lợi thế cũng như sự hiểu biết của họ ở khắp năm châu, bốn biển. Vậy tại sao mình phải lôi kéo họ về trong khi ở nước ngoài, họ sẽ giúp ích được rất nhiều cho đất nước?
Tôi tin rằng trong những năm tới, qua hướng phát triển kinh tế của Việt Nam, những mặt hàng chiến lược để xuất khẩu nó cũng rất cần một số anh em Việt kiều giúp đỡ về đầu ra. Bởi vì, họ là những người tiền phương trong nền kinh tế chiến lược toàn cầu. Tại mỗi nơi họ sống, họ nắm vững thông tin về thị trường, kinh tế, chiến lược và marketting hơn.
Ông có nhận xét gì về tính hiệu quả của các dự án mà Việt kiều đang đầu tư tại Việt Nam?
Tôi nghĩ rằng sự đóng góp của Việt kiều thì kiều hối là vấn đề quan trọng nhất, là thành quả lớn nhất. Tuy hiện tại số lượng Việt kiều đầu tư trong nước khá lớn, lên tới hàng ngàn người nhưng do một chốn đôi quê cho nên rất khó khăn trong vấn đề quản lý, điều hành, chăm sóc công việc, định hướng phát triển cho Công ty, dự án... Điều này cũng làm giảm tính hiệu quả của các dự án chương trình đầu tư trong nước của nhiều anh em Việt kiều.
Đóng góp lớn thứ hai là vai trò của nhà marketting. Tôi cho rằng, trong hiện tại và tương lai, đây sẽ là đóng góp quan trọng, quyết định khá nhiều đến sự thành bại của chiến lược phát triển kinh tế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Việt kiều có lợi thế là vừa nắm rất rõ thị trường tiêu thụ ở các nước, vừa biết kỹ xuất xứ mặt hàng ở nước mình. Chứ còn đưa một ông Tây vô đây cho ông ta hiểu hết về Việt Nam cũng mất tới 3 năm, ngược lại tham tán thương mại mà cho hiểu hết về nước ông ta đến cũng mất tối thiểu chừng đó thời gian. Tận dụng chất xám và kinh nghiệm của Việt kiều trong lĩnh vực này là hiệu quả hơn cả.
Theo ông, động lực nào để hút Việt kiều và kiều hối gửi về ngày một nhiều, xuất phát từ tình cảm hay vì cơ hội kinh tế?
Tôi không tin hiện tượng đó xuất phát từ vấn đề tình cảm, vì tình cảm của Việt kiều đối với quê hương trước sau như một - vẫn vậy. Cách suy nghĩ logic ở đây là lượng Việt kiều ngày một đông. Ví như một gia đình trước kia chỉ có một cặp vợ chồng và một đứa con thì nay có hai, ba, rồi thì thế hệ cháu chắt. Tương tự như vậy, gia đình tôi trước chỉ có hai người làm, bây giờ có tới 6 người làm, lẽ tất nhiên số lượng tiền dư trong gia đình cũng theo đó mà tăng lên thì tiền gửi về Việt Nam sẽ ngày một nhiều hơn.
Ngoài ra, lượng người về đầu tư nhiều hơn còn do chính sách mở cửa thông thoáng của Nhà nước, Chính phủ cũng như sự thuận tiện hơn hẳn của các phương tiện đi lại giữa Việt Nam và các nước.
Tôi tin theo đà này, kiều hối sẽ ngày một tăng cao. Hiện số lượng kiều hối gửi về nước cũng tương đương với đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, trong khi đầu tư nước ngoài vào Việt Nam người ta còn lấy lãi, thu hồi vốn thì kiều hối gửi về phần lớn là sự đầu tư "một đi không đòi hỏi ...trở lại", ít ra là một nửa cho gia đình, một nửa cho tương lai con cháu và bản thân Việt kiều khi về hưu, muốn quay về sinh sống tại quê hương.
Để nguồn kiều hối đó không bị phung phí, sinh lời đúng mục đích, tôi cho rằng, Nhà nước cũng nên tính toán thế nào để nghiên cứu, hướng dẫn cho luồng nước chảy nó vô những chỗ trũng cần thiết, để làm cho guồng máy kinh tế càng ngày càng mạnh, đừng để cho nó phung phí, bốc hơi.
Chúng tôi đã thực sự bất ngờ...
Bất ngờ và cảm động. Đó là cảm giác của chúng tôi khi trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc với lãnh đạo các địa phương qua hành trình xuyên Việt vừa qua. Sự hiểu biết và tâm thế chủ động của họ làm chúng tôi phải ngạc nhiên, không như hình dung ban đầu. Họ đã chủ động tìm hiểu và tự đổi mới cách nghĩ, cách tư duy.
Ông Mỹ tâm sự.
Qua hành trình này, liệu sự hiểu biết, cập nhật đầy đủ thông tin sẽ giúp bà con Việt kiều mạnh dạn hơn để triển khai những dự án đầu tư ở quê hương mà bấy lâu họ ấp ủ?
Sau chuyến đi, chúng tôi rút ra rằng, nếu ai chỉ có ý định đầu tư ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM thì quả là sai lầm. Chính các địa phương, với chi phí đầu tư rẻ và nhiều lợi thế khác mới đem lại nhiều cơ hội đầu tư, làm ăn hiệu quả cho Việt kiều cũng như các nhà đầu tư khác. Thực lòng mà nói, chuyến hành trình xuyên Việt lần này đã giúp quy trình thủ tục đầu tư của nhiều anh em Việt kiều đã được rút ngắn, giản tiện rất nhiều lần.
Bản thân ông có dự định gì sau chuyến đi này?
Anh em chúng tôi sẽ bắt tay sàng lọc, tổng hợp những cơ hội, kinh nghiệm đầu tư tại mỗi địa phương mình đi qua để xây dựng một thư viện về các cơ hội đầu tư tiềm năng, trong đó phân loại rõ từng lĩnh vực, cấp độ để không chỉ các thành viên tham gia hành trình mà Việt kiều ta khắp thế giới đều có thể tìm hiểu cơ hội đầu tư về Việt Nam qua thư viện đó.
Nếu được "tiếp thị" Việt Nam với người nước ngoài và chính những kiều bào sống xa tổ quốc, ông sẽ nói gì?
Có đi hết VN mới biết đất nước mình tuyệt đẹp, không đâu sánh bằng...
Xin cảm ơn ông!
• Nguyệt Minh
thực hiện
Tổ chức tất niên cho Việt kiều ngay ở quê hương: Trang trọng và ấm cúng
Tags: Dinh Thống Nhất, Việt Nam, Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất, ở nước ngoài, được chuẩn bị, lần đầu tiên, cuộc họp mặt, việt kiều, bà con, tất niên, về nước, ấm cúng, ăn tết, người



Chào đón các Việt kiều về nước ăn Tết sáng 23/1/2005 tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, TP.HCM
Chiều nay 30/1, khoảng 600 Việt kiều đại diện cho hàng chục ngàn bà con Việt kiều về nước ăn Tết, sẽ họp mặt tất niên tại Dinh Thống Nhất (TP.HCM). Công tác đón tiếp đã được chuẩn bị chu đáo để cuộc trở về đón xuân của những người con xa xứ được ấm cúng, thân tình như những anh em trong nhà.
Ép mai nở... sớm!
Từ 10 giờ sáng nay, các nhà vườn ở huyện Hóc Môn (TP.HCM) được phân công sẽ lần lượt kéo quân vào... Dinh Thống Nhất. Nhiệm vụ của họ là phác họa lên một hình ảnh quê nhà thật gần gũi, đầm ấm để đón các bà con Việt kiều đến dự tất niên: hai mâm ngũ quả lớn đặt ở hai đầu cột phía trước sảnh, giữa sảnh là một cây mai tươi thắm, những bó rơm nằm rải rác ở ngoài sảnh gợi nhớ đồng quê thanh bình...
Mấy hôm nay, ông Phan Thành (Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt kiều TP.HCM) đang làm một chuyện “không giống ai” là cố ép cho cây mai... nở sớm! Chẳng qua bởi trong cuộc họp mặt tất niên của bà con Việt kiều, Ban tổ chức muốn có một cây mai nở thật đẹp vào... 21 tháng chạp (!). Hỏi thuê các nhà vườn thì họ cũng có thể cho mai nở sớm, nhưng nở xong thì cây mai coi như vất đi, không còn nụ nở vào mùng 1 Tết nữa. Các nhà vườn không dám cho thuê, còn nếu cho thuê thì lấy giá cao. Nghe Ban tổ chức trình bày khó khăn như vậy, ông Phan Thành mới tình nguyện hy sinh... cây mai của mình.
Trong cộng đồng bà con Việt kiều, Dinh Thống Nhất là địa điểm lịch sử có ít nhiều kỷ niệm lưu trong ký ức mỗi người. Nơi đây đúng 30 năm trước, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của toàn dân tộc thắng lợi hoàn toàn, kết thúc tại Dinh Thống Nhất... Trên 10 năm qua, cuộc họp mặt tất niên với bà con Việt kiều về nước ăn Tết hầu như chỉ diễn ra trong khuôn viên của Ủy ban Về người VN ở nước ngoài TP.HCM, vốn nhỏ nên hạn chế về số người tham dự. Tết năm nay, lần đầu tiên cuộc họp mặt tất niên của bà con Việt kiều được tổ chức tại Dinh Thống Nhất, trong đó sẽ có không ít người sau 30 năm lại chầm chậm rảo từng bước chân trên chốn xưa.
Số Việt kiều về nước qua cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất:
Năm 2002: 342.000 lượt
Năm 2003: 297.000 lượt (sụt giảm do dịch SARS)
Năm 2004: 402.000 lượt
(Nguồn: Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM)
Số liệu trên chỉ mới tính ở cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, chưa tính ở cửa khẩu Nội Bài, Đà Nẵng.
Một ngoại lệ mà Dinh Thống Nhất du di cho Ban tổ chức tất niên là chương trình văn nghệ được diễn ra trên... cầu thang ở lầu 1. Cầu thang này có trải tấm thảm sang trọng, từ trước đến nay chưa bao giờ có cuộc trình diễn, buổi diễn nào được thực hiện vì sợ hư thảm. Đây là lần đầu tiên chương trình văn nghệ phục vụ bà con Việt kiều được diễn ra ngay trên cầu thang với điều kiện tấm thảm đã được phủ lên một tấm nhựa che lại.
Việt kiều ngạc nhiên ngay từ sân bay
Chuyện gây ngạc nhiên, xúc động nhất đối với bà con Việt kiều về quê ăn Tết năm nay chính là sự đón tiếp, chăm sóc ngay từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất của lực lượng thanh niên tình nguyện (TNTN) thuộc Cụm cảng Hàng không sân bay miền Nam. Từ trên lầu 1 của nhà ga quốc tế, làm thủ tục nhập cảnh xong, đi xuống cầu thang là bà con Việt kiều "đụng" ngay các TNTN áo xanh. "Từng cánh tay nối từng cánh tay": Cánh tay của Việt kiều nối với cánh tay của các TNTN. Sáng chủ nhật 23/1, khi xuống cầu thang một cụ bà khuỵu ngã, hai cô TNTN áo xanh chạy vội tới đỡ lên ngay. Những phụ nữ Việt kiều bồng con nhỏ, tay xách nách mang cũng được các cô TNTN áo xanh chạy tới bồng giúp em bé. Rồi TNTN lại dìu các người già, phụ khuân vác hành lý đưa qua máy soi của hải quan, chất lên xe đẩy...
Những ngày cận Tết, các TNTN vẫn nhiệt tình như thế. Mồ hôi lấm tấm trên những chiếc áo xanh, nhưng họ vẫn vui vẻ, hăng hái. Duy nhất có cánh tay bà con Việt kiều đưa ra, nhưng cánh tay của TNTN từ chối thẳng: chuyện bồi dưỡng! Chị Trịnh Thị Thanh Nga (Việt kiều Canada) nói: "8 năm rồi tôi mới trở về thăm quê hương. Tôi thực sự xúc động và ấn tượng trước sự giúp đỡ nhiệt tình của các em TNTN. Nếu không có các em, tôi khó lòng xoay xở với đống hành lý và đứa con nhỏ". Một Việt kiều trên 60 tuổi tâm sự: "Tôi vốn là một người lính chế độ cũ Sài Gòn. Mấy chục năm nay, tôi nghe một số người xuyên tạc hình ảnh Việt Nam nên không muốn về. Đây là lần đầu tiên tôi về nước, nhiều thứ đổi thay quá. Tôi như không tin nổi vào việc làm tự nguyện của các em". Ông bà John Nguyen (Việt kiều Mỹ) bày tỏ: "Các anh công an cũng như hải quan đều tỏ thái độ thân thiện và gần gũi, xem chúng tôi như người thân. Chúng tôi sẽ quảng bá tin vui này sau khi về lại Mỹ”...
Chiều nay, Thủ tướng Phan Văn Khải sẽ chúc Tết bà con Việt kiều. Đây cũng là cuộc gặp đầu tiên của Thủ tướng với Việt kiều từ sau khi Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người VN ở nước ngoài được ban hành với những chủ trương, chính sách mở rộng cửa đón "một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam". Con gà Ất Dậu sắp sửa gáy vang, kêu gọi mọi người Việt Nam chung sức, chung lòng đưa đất nước đi lên.
Quốc Minh
Có bao nhiêu Việt kiều về nước đón Tết ?
Năm 2004 đã có 402.000 lượt Việt kiều về nước qua cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (chưa tính sân bay quốc tế Nội Bài, Đà Nẵng). Chỉ riêng Tết Giáp Thân 2004 đã có trên 100.000 lượt Việt kiều về nước đón Tết. Trong đó, có 40.000 Việt kiều về nước đón Tết ở TP.HCM (có nghĩa là vào ngày giao thừa, trên địa bàn TP.HCM đang có 40.000 Việt kiều).
Còn năm 2005, các cơ quan chức năng dự báo, chắc chắn số Việt kiều về thăm quê hương sẽ vượt xa con số 500.000 bởi nhiều chính sách mới của Đảng và Nhà nước đã tạo ra luồng gió mới, với nhiều thuận lợi cho Việt kiều về nước đầu tư làm ăn, thăm thân nhân. Trong đó, riêng Tết Ất Dậu 2005 chắc chắn có không dưới 120.000 Việt kiều về quê ăn Tết.
Theo thông tin mới nhất, tính từ đầu năm đến hôm nay 30/1 (tức 21 tháng chạp), số Việt kiều nhập cảnh qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất đã trên 46.000 lượt, và số Việt kiều đang có mặt tại TP.HCM đã trên 35.000 người. Còn 10 ngày nữa đến tết, dòng Việt kiều vẫn đang tấp nập đổ về nước.

Họp mặt tất niên Việt kiều về quê ăn Tết: Đầm ấm với cội nguồn dân tộc
Tags: Phan Văn Khải, Nguyễn Cao Kỳ, Dinh Thống Nhất, Ảnh D, UBND TP, ở nước ngoài, người Việt Nam, đi vòng quanh, trong không khí, việt kiều, bà con, thủ tướng, tất niên, họp mặt, đến



Thủ tướng Phan Văn Khải chúc mừng bà con Việt kiều được tặng bằng khen. Ảnh D.Đ.Minh
Chiều tối 30/1 (tức 21 tháng chạp âm lịch), trong không khí tươi vui của mùa xuân đang về, đông đảo bà con Việt kiều về nước ăn Tết đã tham dự buổi tất niên do UBND TP.HCM tổ chức tại Dinh Thống Nhất. Thủ tướng Phan Văn Khải cũng đến chung vui. Đến dự họp mặt tất niên có hơn 600 Việt kiều từ 20 nước, và khoảng 100 Việt kiều đã hồi hương. Buổi họp mặt bắt đầu lúc 17h30, nhưng rất đông Việt kiều đã đến sớm để trò chuyện cuối năm, đi vòng quanh thăm Dinh Thống Nhất, trong đó có ông Nguyễn Cao Kỳ.
Ông Nguyễn Chơn Trung, Chủ nhiệm Ủy ban Về người VN ở nước ngoài TP.HCM cho biết: "Năm 2004, tổng vốn đầu tư của bà con Việt kiều tại TP.HCM là 630 tỉ đồng; lượng kiều hối chuyển về trên địa bàn thành phố 1,840 tỉ USD (đạt 60% so với lượng kiều hối chuyển về trong cả nước). Hoạt động của trí thức Việt kiều cũng gia tăng đáng kể trên nhiều lĩnh vực... Đó chính là tấm lòng của bà con hướng về đất nước và thành phố. Đặc biệt chuyến về thăm quê hương của thiền sư Thích Nhất Hạnh và ông Nguyễn Cao Kỳ đã chứng minh rằng dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, dù ở xa quê hương đến đâu, người Việt Nam cũng không bao giờ quên cội


Niềm vui ngày họp mặt. Ảnh D.Đ.Minh
nguồn, lá bao giờ cũng rụng về cội".
Thủ tướng Phan Văn Khải thay mặt Đảng và Nhà nước, đồng bào cả nước và nhân danh cá nhân đã chúc bà con Việt kiều về quê ăn Tết vui vẻ, gặp nhiều may mắn. Sau khi khái quát lại những thành tựu về kinh tế - xã hội mà đất nước đạt được trong năm 2004, Thủ tướng đã dành nhiều thời gian nói chuyện với bà con Việt kiều. Thủ tướng nói: "Trong trận chiến đấu mới chống nghèo nàn, lạc hậu, đất nước rất cần sự đóng góp công sức, trí tuệ của mọi người Việt Nam ở nước ngoài, không phân biệt thành phần, quá khứ, địa vị...". Thủ tướng nhấn mạnh: "Bà con người Việt Nam ở nước ngoài đều là máu của máu Việt Nam, đều là thịt của thịt Việt Nam".


Thủ tướng Phan Văn Khải và ông Nguyễn Cao Kỳ (trái) dự họp mặt tất niên. Ảnh D.Đ.Minh
Đề cập đến vấn đề khối đại đoàn kết toàn dân, Thủ tướng Phan Văn Khải nói: "Tôi muốn trích hai câu trong quyển sách mà thiền sư Thích Nhất Hạnh tặng tôi. Quyển sách nói về tuổi trẻ, tình yêu, lý tưởng. Câu thứ nhất: Con người một khi không tiếp xúc được với gốc rễ của mình thì không thể sống có hạnh phúc (trang 11). Câu thứ hai: Sự thật quan trọng của tôi, đang sống trong tôi là không còn hận thù, kỳ thị, điều này làm cho tôi rất hạnh phúc". Thủ tướng lại nói tiếp: "Tôi nghĩ ông Kỳ (Nguyễn Cao Kỳ - PV) cũng đồng tình với tôi". Cả hội trường vang lên một tràng pháo tay kéo dài. Ông Nguyễn Cao Kỳ ngồi ở bên dưới gật gù.
Thủ tướng Phan Văn Khải cũng chân thành chỉ ra một điểm yếu của bà con Việt kiều, đó là tinh thần đoàn kết. Ở Mỹ chưa thành lập được Hội người Việt Nam ở nước ngoài là tại vì... không ai chịu ai! Thủ tướng lưu ý: Bà con mình phải tương trợ nhau, đùm bọc lẫn nhau. Trong đợt quyên góp ủng hộ nạn nhân sóng thần, Việt Nam tuy là một nước còn nghèo nhưng cả nước vẫn đồng lòng ủng hộ, cả những em học sinh cấp 1 cũng để dành tiền ăn sáng cha mẹ cho để ủng hộ cho các nạn nhân sóng thần. (Sau khi kết thúc cuộc gặp mặt tất niên với bà con Việt kiều, đi ra tới cổng, Thủ tướng Phan Văn Khải không quên dừng lại bỏ tiền vào thùng quyên góp ủng hộ nạn nhân sóng thần).


Một kiều bào xúc động rơi nước mắt. Ảnh D.Đ.Minh
Nhiều phát biểu của bà con Việt kiều như Giáo sư - tiến sĩ Trần Văn Khê (Việt kiều Pháp), Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng (Việt kiều Bỉ)... đã gây xúc động mạnh trong cả hội trường về cảm nghĩ khi được về nước đón Tết, và nói thay nỗi niềm cho những bà con Việt kiều còn ở nơi đất khách, quê người không có được cái không khí đón xuân ở quê nhà. Ông Phan Thành (Việt kiều Canada), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt kiều TP.HCM đã kiến nghị với Thủ tướng một số nguyện vọng của đông đảo Việt kiều: "Thứ nhất, Nhà nước sớm ban hành các chính sách thông thoáng, cởi mở về thủ tục xuất nhập cảnh và thời gian lưu lại tại Việt Nam đối với Việt kiều. Nếu được nên áp dụng việc lấy visa tại sân bay đối với bà con Việt kiều. Việc này làm giảm thời gian xin visa, tạo điều kiện cho bà con về nước nhiều hơn. Thứ hai, mặc dù Chính phủ đã tạo điều kiện cho Việt kiều mua nhà dễ dàng hơn, song khi thực hiện nó, trên thực tế việc mua bán nhà còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều địa phương chưa được hướng dẫn cụ thể cách làm, nên khâu thực hiện bị trở ngại, kéo dài mất nhiều thời gian...".
UBND TP.HCM đã tặng bằng khen cho 13 Việt kiều có nhiều thành tích đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Cuộc họp mặt tất niên của bà con Việt kiều kết thúc với chương trình văn nghệ đậm đà bản sắc dân tộc. Ông Nguyễn Đăng Hưng nói: "Tôi có cảm tưởng Xuân Ất Dậu sẽ khơi mào cho một vận hội mới của dân tộc Việt Nam".
Trần Hùng
Công ty CP Việt kiều, ngân hàng CP Việt kiều - Việt kiều nói gì?
Tags: CP Việt, Cty Cổ, Cty CP Việt, phát triển kinh tế, ngân hàng cổ phần, việc thành lập, sự đóng góp, những dự án, người Việt Nam, việt kiều, chúng ta, doanh nhân, tổ chức, thực hiện, đến

Nhiều doanh nghiệp Việt kiều đã có ý kiến đóng góp tại buổi thảo luận của Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt kiều về việc thành lập Cty CP Việt kiều, ngân hàng CP Việt kiều.

Các doanh nhân lắng nghe trình bày các dự án tại OV-CLUB
Ông Nguyễn Trọng Tường - Việt kiều Úc: Dự án cần nêu rõ các vấn đề về sự góp vốn của thành viên là doanh nhân Việt kiều như: Vốn hoạt động bao gồm các thành phần tổ chức, cá nhân người Việt Nam trong nước và ngoài nước? Hay thành viên chỉ là người Việt kiều ở trong nước hay cá nhân, tổ chức người Việt Nam ở ngoài nước?
Tôi có một lưu ý: Trong hoạt động kinh doanh ngân hàng, nếu nói đến ngân hàng cổ phần đồng nghĩa với ngân hàng tư nhân và vấn đề tài chính của ngân hàng thì có tính quốc tế. Ngân hàng Cổ phần Việt kiều thành lập với tổ chức nhân sự chỉ là người Việt Nam, nếu trong tương lai ngân hàng sẽ phát triển hơn thì có thể không có sự tham gia cổ phần của những cá nhân và các tổ chức không phải là người Việt Nam trong và ngoài nước hay không?
Vấn đề liên kết với các ngân hàng nước ngoài, theo cảm nghĩ của tôi, đây là sự liên kết trong công việc, nhưng trong tương lai, các thành viên của ngân hàng cổ phần Việt kiều có thể được phép bán cổ phần cho những cổ đông không phải là người Việt Nam không?

Ông Nguyễn Ngọc Mỹ - Chủ nhiệm OV-CLUB
Hoạt động tài chính của ngân hàng là không biên giới, nếu tên gọi của Ngân hàng không phải là Ngân hàng Nhà nước, thì Ngân hàng Cổ phần có thể cho phép mua bán cổ phần ra bên ngoài. Nếu có sự giới hạn trong khuôn khổ có tính pháp lý như ngân hàng nhà nước thì sẽ bó buột rất nhiều sự đóng góp của các cổ đông.
Ý tưởng của OV - CLUB trong việc tập hợp các doanh nhân Việt kiều cùng làm kinh tế, đóng góp xây dựng đất nước được Nhà nước ủng hộ là sức mạnh tinh thần của anh em Việt kiều.
Nếu anh em Việt kiều mang nhiều quốc tịch khác nhau, một khi họ tham gia, đến một lúc nào đó, nguồn vốn của họ lên đến một con số mà họ không thể bán cổ phần để lấy lời như cổ phần trong quỹ tiền tệ quốc tế, ngân hàng; hoặc một khi quyền lợi chính đáng khó có thể thực hiện thì sẽ giới hạn rất nhiều sự tham gia của Việt kiều, trừ sự đóng góp ý kiến của họ. Đây là vấn đề kỹ thuật tài chính cần phải tính trước.
Ông Nguyễn Ngọc Mỹ - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt kiều: Trước hết, chúng ta tính đến việc thành lập “bộ khung”, tổ chức việc tham gia của một số thành viên các cổ đông Việt kiều như thế nào, nhằm chuẩn bị cho dự án sẽ thành lập ngân hàng Việt kiều, tạo điều kiện cho doanh nhân Việt kiều về vốn đầu tư. Cụ thể và chi tiết về việc ngân hàng sẽ được tổ chức và hoạt động như thế nào, chúng ta sẽ nghiên cứu kỹ và bàn tính trong thời gian tới

Ông Khoa cho rằng: cần tập trung vào việc sớm thành lập Công ty Cổ phần Việt kiều
Ông Khoa - Việt kiều Mỹ: Nói về các dự án, chúng ta nên tập trung vào việc làm thế nào để Cty Cổ phần Việt kiều sớm được thành lập. Vấn đề ngân hàng là vấn đề tôi mới nghe hôm nay sẽ từng bước tính sau. Chúng ta cần phải kêu gọi sự đóng góp của một số doanh nhân Việt kiều tâm huyết để lập Cty Cổ phần, như “chiếc nôi” đầu tiên, sau khi Cty hoạt động hiệu quả rồi, theo từng giai đoạn, khi có đủ “lực” thực sự, chúng ta sẽ tính đến việc thành lập ngân hàng.
Ông Nguyễn Ngọc Điển - Việt kiều Mỹ: Chúng tôi thấy được sự nhiệt tâm của một số anh em ở OV- CLUB cùng thực hiện việc thành lập Cty Cổ phần Việt kiều. Chúng ta không chỉ làm kinh tế, mà còn cố gắng đóng góp công sức và tiền bạc cũng như trí tuệ làm cho dân giàu, nước mạnh.
Chúng ta phải xúc tiến cho tốt để dự án sớm đi vào hoạt động. Chúng tôi mong muốn các doanh nhân cùng đóng góp cho chương trình và dự án này. Từ Mỹ về Việt Nam, chúng tôi đang thực hiện một chương trình với Sài Gòn Tourist về quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới, khi chương trình hoàn tất, chúng tôi sẽ phổ biến những dự án của các anh trên trang web của chúng tôi. Chúng tôi hy họng sẽ có một ảnh hưởng lớn trong việc thu hút Việt kiều tham gia chương trình này.

Việt kiều Lộc: "Liệu Việt kiều có tin tưởng gửi tiền vào ngân hàng Việt kiều ở Việt Nam không?"
Anh Lộc - Doanh nhân trẻ (lần đầu tiên từ Mỹ Việt Nam) - đặt vấn đề: Lòng tin của Việt kiều đối với việc thành lập Cty Cổ phần Việt kiều và Ngân hàng Việt kiều sẽ như thế nào? Liệu họ có đủ tin cậy để tham gia góp vốn vào dự án này của các ông không?
Ông Nguyễn Trọng Nguyễn - Việt kiều Mỹ: Đây là cấu trúc của một Cty Cổ phần OV, có nghĩa là chúng tôi sẽ tổ chức như một Cty nước ngoài, phải tuân thủ luật pháp, phải thẳng thắn… Ở Việt Nam hiện nay chưa có Cty Cổ phần Việt kiều.
Chúng ta đang nói đến dự án này, và lấy ý kiến việc xúc tiến thành lập một bộ máy điều hành nhằm kêu gọi sự góp phần của các doanh nhân việt kiều vào Cty Cổ phần. Tôi tin rằng, sau khi có Cty Cổ phần Việt kiều, những dự án đầu tư phát triển kinh tế của các doanh nhân Việt kiều ở Việt Nam sẽ thực hiện tốt hơn.
Giải thích thêm về các dự án, ông Nguyễn Ngọc Mỹ khẳng định: Tất cả các dự án này sẽ do Hội đồng Quản trị điều hành, chứ không phải do OV - CLUB. Cty Việt Hải Đăng của OV - CLUB sẽ hỗ trợ ban đầu và tham gia vào Cty. Bên cạnh đó là sự đóng góp vốn của các thành viên khác, hoặc các Cty Việt kiều ở các địa phương cùng tham gia dưới sự quản lý của Tổng Giám đốc Cty.
Nếu trong Hội đồng Quản trị, một Cty Việt kiều nào đó góp vốn 30 - 40% sẽ có thể giữ chức Chủ tịch HĐQT để quản lý. Nếu nhóm anh em Việt kiều nào thực hiện ý tưởng này để thành lập Cty, điều đó chúng ta sẽ có một lợi thế cùng chung một mục đích phát triển thương mại và kinh tế của các doanh nhân Việt kiều, chứ không phải của riêng Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt kiều.
Nếu OV - CLUB đứng ra tổ chức, thì OV - CLUB cũng chỉ là thành viên của Cty Cổ phần Việt kiều. Cty Cổ phần Việt kiều hoạt động độc lập theo chức năng riêng của nó. OV - CLUB sẽ hỗ trợ về thông tin, về chiến lược hoạt động của Cty, cũng như những kinh nghiệm về thực hiện chính sách phát triển kinh tế của Việt Nam.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hà (trái)
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hà – thành viên của OV - CLUB: Với những dự án đã đưa ra, hy vọng các doanh nhân Việt kiều sẽ đóng góp thêm nhiều ý kiến. Về mục tiêu, cần nói rõ thêm rằng, chúng ta phải xác định những dự án này không chỉ góp phần xây dựng và phát triển kinh tế, mà còn góp phần phát triển xã hội, phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.
Bà con kiều bào chúng ta có 3 khả năng có thể đóng góp cho đất nước. Đó là sự đóng góp về nguồn vốn, đóng góp về trình độ khoa học kỹ thuật và kiều bào là cầu nối giữa Việt Nam với thế giới. Việt Nam sắp gia nhập WTO, điều đó tạo nhiều thuận lợi cho đất nước. Sự đóng góp rất lớn của bà con kiều bào về kinh nghiệm và thương trường quốc tế, cũng như luật pháp quốc tế khi Việt Nam gia nhập WTO .
Chúng ta cần phải thể hiện cho rõ về 3 khái niệm: Thương mại, dịch vụ và đầu tư (liên doanh, 100% vốn, hay liên kết…) trong chương trình. Chúng ta cần phải có lộ trình riêng, từ không đến có, từ nhỏ đến lớn và chuẩn bị chi tiết, đồng thời từng bước một thực hiện theo từng giai đoạn.
Chúng ta cần phải tranh thủ sự ủng hộ của các cơ quan chức năng của chính quyền các địa phương, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của Trung ương, đặc biệt là sự ủng hộ của TPHCM.
Tôi có thể nói rõ hơn với anh Lộc - Việt kiều Mỹ về vấn đề có hay không có niềm tin?
Việt Nam có niềm tin, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước và còn những vấn đề khác, chứ nếu không đất nước chúng ta sau gần 20 năm đổi mới thì không thể nào có được như ngày hôm nay. Chúng ta chưa hài lòng với tình hình hiện nay, vì còn những vấn đề khác chưa đáp ứng được yêu cầu cho sự phát triển của đất nước. Sự ra đời của Cty Cổ phần Việt kiều này, một phần sẽ tháo gỡ những khó khăn và đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Ông Trương Minh
Ông Trương Minh – Việt kiều Mỹ: Dự án này rất hay cho Việt kiều khi về Việt Nam đầu tư. Tôi thấy rằng, nếu Việt kiều cùng góp sức với nhau về vốn, về kỹ thuật và chuyên môn để thành lập Cty với một định hướng hoạt động chung theo đường lối và luật pháp của Nhà nước, cũng như tranh thủ sự ủng hộ của Nhà nước để phát triển kinh tế vẫn tốt hơn.
Chúng ta cần có thời gian ngồi lại với nhau trong tháng tới, cùng có kế hoạch và sẽ tiến hành như thế nào, cũng như cần có những tên tuổi của các nhà cố vấn, ban cố vấn điều hành là những ai?… Những dự án cần phải chuẩn bị chi tiết hơn về kế hoạch, về sự góp vốn của cổ đông. Ngoài ra, những dự án cụ thể thực hiện ở từng địa phương, chúng ta cần phải thực hiện từng bước.
Ông Lê Hoàng Thế - Việt kiều Nhật: Theo ý kiến của tôi, cần xin phép Chính phủ thành lập Ngân hàng Cổ phần Việt kiều. Cần phải thay đổi một số thuật ngữ như: “vốn vận động” đề nghị nên gọi là “vốn cổ đông sáng lập”, trong “lĩnh vực hoạt động chính yếu” của Cty cần phải thêm chức năng “dịch vụ tài chính”. Thuật ngữ “liên kết với các ngân hàng nước ngoài” có thể ghi rõ “liên kết với các tổ chức tài chính nước ngoài” (trong đó có ngân hàng).
Trong những cuộc họp sắp tới xung quanh vấn đề tổ chức Cty Cổ phần Việt kiều, tôi đề nghị có sự trình bày các dự án của Cty cụ thể trong OV-CLUB hoặc Cty của Việt kiều về các vấn đề: Hiện đã và đang thực hiện dự án, với tổng vốn là bao nhiêu? Sẽ hoàn vốn trong thời gian bao lâu? Định hướng phát triển ra sao, Cty đã có bao nhiêu cổ phần tham gia, trị giá của mỗi cổ phần là bao nhiêu?.v.v..
(Theo Người viễn xứ)

No comments:

Post a Comment