Sunday, January 29, 2012

Ngày xưa ở Đồng Tháp Mười...

28/01/2012 | 11:39
Ngày xưa ở Đồng Tháp Mười...
(Dân Việt) - Trước giải phóng, Đồng Tháp Mười là vùng đất hoang ngập nước rộng gần 700.000ha. Bằng những nỗ lực của con người, vùng đất ấy giờ đã là “rốn lúa” của cả nước với mỗi năm 2 vụ năng suất cao…
Thực hiện chủ trương “Tiến quân về Đồng Tháp Mười”, bộ đội kinh tế và dân nghèo khắp nơi đã đổ về vùng đất mới “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội như bánh canh”. Đất rộng mênh mông nhưng chỉ có cây đưng, lác và cỏ hoang sống nổi. Trong chiến tranh, nơi đây là căn cứ địa cách mạng nên Đồng Tháp Mười còn mang trong mình vô số bom đạn do kẻ thù “rải thảm” còn sót lại. Để đánh thức đồng hoang, bộ đội và dân đã đổ không biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và rất nhiều máu…


Nhấp ngụm trà, lão nông Nguyễn Văn Tây (84 tuổi, ngụ xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng, Long An) kể chuyện khai hoang 30 năm về trước: “Con đường trước nhà qua chỉ độ 4 - 5 cây số mà có tới hơn 20 người chết vì khai hoang bị dính bom, mìn. Hai đứa con của ông Bảy Thế là Lê Văn Hứa và Lê Thị Huệ cùng dắt trâu đi cày, trâu đạp trúng mìn chống tăng, mìn nổ làm chết cả 2 cùng đôi trâu.
Gia đình ông Phan Văn Lương có đứa con lớn đi khai hoang đạp phải mìn, một chết tại chỗ, một bị thương nặng. Ông Lương ôm đứa bị thương chạy băng đồng cả chục cây số, rồi kêu ghe chở ra Bệnh viện huyện Mộc Hóa nhưng con ông đã tắt thở trước khi tới bệnh viện. Con út của ông Lương sau đó mấy tháng cũng đạp phải mìn mà chết vì cứ nhất quyết ra đồng khai hoang chứ không chịu ở nhà”.


Theo ông Phạm Kiệp - Trưởng ấp Thái Kỳ, xã Thái Trị, Vĩnh Hưng, do vùng này gần biên giới, trong chiến tranh biên giới Tây Nam quân Pol Pot đã tràn qua đây, nên các loại trái nổ thời chiến tranh biên giới chồng lên thời chiến tranh chống Mỹ, thành tầng tầng lớp lớp bom mìn. Người dân đi khai hoang, nếu dính mìn chống tăng thì cầm chắc cái chết, còn nếu bị các loại mìn cóc, mìn nhảy... thì thường chỉ bị thương.
Ông Lê Minh Đức – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An cho biết, dù bị hoang hóa, nhiễm phèn nặng nhưng vùng đất này có tiềm năng rất to lớn. Từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, người Pháp đã “thử sức” khai thác Đồng Tháp Mười nhằm biến nơi đây thành trung tâm xuất khẩu lúa gạo lớn nhất Đông Dương. Pháp đã sử dụng các phương tiện sản xuất hiện đại nhất thời đó để đào các con kênh như: Phước Xuyên, Dương Văn Dương, Nguyễn Văn Tiếp… và đưa nhiều nhà khoa học đến nghiên cứu nhưng cuối cùng đành bỏ luôn vì không chinh phục được.
Sau giải phóng, các chuyên gia nông nghiệp Hà Lan cũng đã đến khảo sát và đề nghị… không nên làm vì phèn quá nặng. Thế nhưng, những nông dân chân đất đã làm nên kỳ tích khi biến vùng đất phèn thành trung tâm sản xuất lúa, góp gần 30% sản lượng lúa cho cả ĐBSCL…
Hữu Danh
22/01/2012 | 06:20
Khoai lang Việt... xuất ngoại và bay xa
(Dân Việt) - Khoai lang từ chỗ bị người ta xem thường là “rẻ như khoai” lại "lên đời" nhờ được xuất ngoại. Vùng đất ven sông Hậu (huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) trở thành vùng chuyên canh khoai lang xuất khẩu lớn nhất miền Tây.
Giàu nhờ trồng khoai lang
Những năm 70 của thế kỷ trước, khoai lang nơi đây mang tên Mười Thới được dân thương hồ đem lên tận Sài Gòn tiêu thụ. Từ con kênh Mười Thới, bây giờ vùng trồng khoai lang đã mở rộng sang các địa phương lân cận nhờ vào giá trị kinh tế cao và được xuất khẩu.

Nông dân khấm khá nhờ trồng khoai lang
Về kênh Mười Thới (ấp Tân Mỹ, xã Tân Thành, huyện Bình Tân), nông dân đang nô nức thu hoạch vụ khoai năm nay vừa trúng mùa, được giá. Đi đến đâu, người ta cũng bàn tán về năng suất, giá cả khoai lang.
Ông Nguyễn Hoàng Anh – Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết: “Diện tích khoai lang trong xã không ngừng tăng lên. Đến nay toàn xã có trên 1.400ha khoai lang cho thu nhập cao. Nhiều nông dân đã thoát nghèo nhờ khoai lang”.
Hai bên con đường nhựa vào ấp Thành An, xã Thành Đông cũng là ruộng khoai xanh ngắt. Xa xa, từng nhóm nhân công đang tất bật thu hoạch khoai lang. Cứ 1ha khoai lang thì có gần 120 người thu hoạch.
Lão nông Võ Văn Phèn (59 tuổi) có kinh nghiệm hơn 30 năm trồng khoai lang ở vùng đất này kể lại: “Nơi đây có thổ nhưỡng thích hợp là vùng đất gò cao, đất thịt pha cát rất thích hợp cho khoai lang phát triển. Nhờ trồng khoai lang mà nhiều người đã thoát nghèo, vươn lên khá giả. Bây giờ mỗi vụ khoai lang, nông dân lời vài trăm triệu là chuyện bình thường”. Gia đình ông Phèn có 1ha đất chuyên trồng khoai lang tím Nhật, khoai bí, khoai trắng sữa...
Đứng trên bờ mẫu, ông Phèn chỉ tay về 1ha phía ruộng khoai lang tím Nhật của mình khoe: Khoai lang năm nay trúng giá, vài bữa nữa thu hoạch lời ít nhất cũng hơn trăm triệu đồng. Dưới ruộng, từng liếp khoai xếp hàng thẳng tắp, xanh rờn. Những bông khoai màu tím xen lẫn trắng nhô lên khỏi thảm xanh rờn như khoe sắc. Cứ như thế xung quanh toàn khoai là khoai. Ông Phèn cho hay: Giống khoai lang rất dễ trồng, chỉ cần cày xới cho đất tơi xốp, lên thành từng liếp là khoai phát triển xanh tốt. Suốt 6 tháng chỉ bón phân NPK khoảng 60kg/ha là xong. Vì vậy nông dân trồng khoai rất khỏe.
Thấy chúng tôi ngồi nói chuyện trên bờ ruộng, ông Trần Văn Quới ở ruộng kế bên cũng sang góp chuyện. Mấy bữa trước, ruộng khoai 3,5 công (1 công 1.000m2) của ông vừa thu hoạch xong lời gần 40 triệu đồng.
Ông Quới hồ hởi khoe: “Bây giờ vùng đất này thu hoạch khoai quanh năm chứ không còn theo mùa như trước đây nữa. Vì vậy tránh cảnh dội chợ, rớt giá. Năm nay, tôi trồng khoai mùa nghịch năng suất không cao bằng nhưng bù lại giá gấp ba lần năm rồi”. Hai lão nông ngồi bàn tán rôm rả về tình hình thị trường khoai, về các món chế biến từ khoai mà dân Trung Quốc, Hongkong, Singapore... rất ưa chuộng.
Sức bật cho khoai “bay xa”
Khoai lang Bình Tân đã nổi tiếng từ lâu đời, sản phẩm từ khoai lang không chỉ tiêu thụ nội địa, mà còn được xuất khẩu đi các nước. Chính quyền địa phương, nông dân đang xây dựng thương hiệu để giúp khoai lang bay xa hơn.
Ông Nguyễn Văn Tập – Phó Trưởng phòng NNPTNT Bình Tân cho biết: “Năm nay, nông dân Bình Tân xuống giống hơn 5.000ha khoai lang với năng suất ước đạt 150.000 tấn. Khoai lang được giá nên nông dân rất phấn khởi. Sản lượng và chất lượng khoai lang đáp ứng yêu cầu cung ứng cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Từ đó sẽ là tiền đề để xây dựng thương hiệu khoai lang Bình Tân, giúp nông dân ổn định từ nghề trồng khoai lang”.
Ông Trần Văn Phước (62 tuổi) ở xã Tân Quới cho biết: “Gia đình tui trồng khoai đã 3 đời rồi, trước đây thế hệ cha tôi trồng khoai làm thủ công, chẳng có phân bón gì nên năng suất thấp, thu hoạch xong cũng chỉ bán quanh quẩn các chợ trong vùng.
Bây giờ mới thu hoạch xong, xe tải đã chạy tới nơi “ăn hàng” rồi chở tuốt lên TP. Hồ Chí Minh để xuất khẩu ra nước ngoài. Vùng khoai lang Bình Tân vào vụ thu hoạch lúc nào cũng có 20 thương lái tiêu thụ của nông dân khoảng 300 tấn khoai lang mỗi ngày. Nơi đây đã thành lập một hợp tác xã (HTX) chuyên thu mua khoai lang.
Kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 25 tỷ USD
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản cả năm 2011 xấp xỉ 25 tỷ USD, tăng 27,9% so cùng kỳ năm trước. Như vậy so với mục tiêu đặt ra cho năm 2011 là 23 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đã "về đích" thật ấn tượng.
Các mặt hàng nông sản có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong nhóm hàng này, ước đạt 13,7 tỷ USD, so với cùng kỳ năm trước tăng 33,2%; thuỷ sản ước đạt 6,1 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ; lâm sản ước đạt 4,1 tỷ USD, tăng 12,7% so cùng kỳ.
B.T.K
Ông Sơn Văn Luận – Chủ nhiệm HTX Khoai lang Tân Thành cho biết: “Khoai lang Bình Tân giờ đi khắp nơi từ Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản... mỗi ngày HTX thu mua khoảng 30 tấn khoai cung cấp cho thị trường TP. Hồ Chí Minh và các chủ vựa, thương lái bên Trung Quốc. Hiện tại, HTX đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp thương hiệu khoai lang Tân Thành và chuẩn bị cấp nhãn hiệu hàng hóa để dễ dàng trong tiêu thụ, giá cao hơn”.
Khoai lang Bình Tân vừa được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tài trợ Dự án “Năng lực tham gia thị trường của các chuỗi sản xuất nông sản thông qua đào tạo và huấn luyện” với kinh phí 110.000USD.
Tiến sĩ Lý Nguyễn Bình - Phó Trưởng khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng (Trường Đại học Cần Thơ) cho biết: “Dự án này sẽ đào tạo và tập huấn cho nông dân, cán bộ về cách trồng, thu hoạch, đóng gói… để nông sản đạt tiêu chuẩn và xuất ra thị trường nước ngoài”.
Đây là cơ hội để vùng đất trồng khoai lang từ lâu đời ở Bình Tân khẳng định được thương hiệu, vị trí của mình trên thị trường. Từ đây, sản phẩm thật bình dị là củ khoai lang sẽ được tiến xa ra thị trường thế giới.
Hoàng Mai


22/01/2012 | 06:14
Thanh long quyến rũ thế giới!
(Dân Việt) - Đó là câu nói vui nhưng lại rất thật và đúng của ông Trần Ngọc Hiệp - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Bình Thuận.
Bình Thuận là địa phương có diện tích trồng thanh long lớn nhất nước với xấp xỉ 10.000ha, sản lượng bình quân hàng năm trên 200.000 tấn. Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu cũng là nhà sản xuất và xuất khẩu thanh long hàng đầu tại VN.

Nông dân Bình Thuận thu hoạch thanh long.
Ông Hiệp tâm sự: "Tôi bắt đầu sự nghiệp chỉ với 3ha đất khai hoang trồng thanh long và một số cây rau quả ngắn ngày. Nhưng tôi đã nhận ra thanh long là trái cây đặc sản, có giá trị xuất khẩu cao vì sự hấp dẫn về hình dáng, màu sắc, hương vị và dinh dưỡng. Quả thanh long chứa nhiều nước và các chất khoáng, có thành phần dinh dưỡng phong phú, vị ngọt thanh, có tác dụng mát gan, nhuận trường, bổ sung chất xơ và rất thích hợp cho những người ăn kiêng. Thế là chúng tôi bắt đầu làm trang trại để trồng thanh long và xuất khẩu từ năm 1988".
Để trái thanh long VN chiếm lĩnh được thị trường thế giới như hôm nay không đơn giản. Ông Hiệp cho biết, ngoài việc đáp ứng điều kiện đóng gói đạt tiêu chuẩn và thanh long phải nằm trong vùng sản xuất sạch được công nhận, nhiều nước nhập khẩu còn yêu cầu tất cả các lô hàng thanh long phải qua khâu chiếu xạ trước khi xuất khẩu.
Thanh long Bình Thuận muốn có chỗ đứng vững chắc trong thị trường thế giới phải hoàn thiện quy trình sản xuất thanh long sạch bắt đầu từ các doanh nghiệp đã được cấp chứng chỉ EUREPGAP (chứng chỉ châu ÂU) để tạo nguồn hàng đạt chất lượng. Sau đó, từng bước chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho bà con trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP và hướng tới công nghệ sản xuất thanh long sạch theo đúng quy trình trên diện rộng.
Hiện nay, Hoàng Hậu đã có khoảng 300ha trồng thanh long hữu cơ (organic) theo quy trình sản xuất nông nghiệp tiêu chuẩn châu Âu (EUREPGAP) và tiêu chuẩn thị trường Mỹ. Hoàng Hậu cũng là công ty đầu tiên ở VN sản xuất thanh long theo quy mô thương mại, đồng thời là nhà xuất khẩu thanh long với quy mô lớn. Thanh long Việt mang thương hiệu Hoàng Hậu đã chiếm lĩnh phần lớn thị trường các nước châu Á, châu Âu.
Thanh long Việt mang thương hiệu Hoàng Hậu đã chiếm lĩnh phần lớn thị trường các nước châu Á, châu Âu.
"Chúng tôi luôn tâm niệm sản xuất trái cây phải đạt tiêu chuẩn nông nghiệp sạch, có giá trị toàn cầu thì mới có "giấy thông hành" để đi vào thị trường thế giới"- ông Hiệu nói.
Để trái cây VN nói chung và thanh long Việt nói riêng chiếm lĩnh được thị trường thế giới, theo ông Hiệu, các chủng loại trái cây, trong đó có thanh long, nên có quy hoạch vùng trồng và triển khai quy hoạch nhằm có diện tích lớn cho một loại trái cây. Vùng chuyên canh lớn sẽ thuận tiện cho việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, đưa được khoa học kỹ thuật vào canh tác, từ đó sản phẩm có chất lượng đồng đều về kích cỡ, màu sắc, hương vị…
Vai trò của chính quyền địa phương trong việc hình thành những vùng chuyên canh lớn cũng vô cùng quan trọng, nhất là trong việc tổ chức giúp nhà vườn liên kết với nhà khoa học, doanh nghiệp. Đặc biệt phải tăng cường giúp nông dân nhận thức tầm quan trọng của các tiêu chuẩn quốc tế trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trái cây.
Mai Nguyễn



22/01/2012 | 06:34
ĐBSCL:
Các làng nghề "tung" đủ loại hàng Tết
(Dân Việt) - Tết Nhâm Thìn 2012 đã cận kề cũng là lúc các làng nghề bánh chưng, bánh tráng, mai cảnh... đang hối hả đưa sản phẩm ra thị trường để đáp ứng nhu cầu sắm Tết của người dân.
Tấp nập bánh chưng, mai vàng
Ấp Bình Lộc, xã Bình Tân, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) từ lâu đã nổi tiếng khắp vùng với bánh chưng, bánh tét. Hơn 5 năm trở lại đây, được Công ty Trần Gia đầu tư công nghệ, bao tiêu sản phẩm, bà con nơi đây đã chuyển sang sản xuất bánh phục vụ nhu cầu thị trường quanh năm. Đặc biệt, dịp Tết Nguyên đán, những hộ sản xuất phải tăng công suất hết cỡ mới đủ sức cung ứng cho thị trường.

Công nhân lựa bánh, phơi bánh tại HTX Làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông.
Anh Trần Thanh Toàn - Giám đốc Công ty Trần Gia cho biết, để làng nghề đứng vững và phát triển được, chất lượng phải được đặt lên hàng đầu. Từ công đoạn chọn lá dong, nếp, nhân đều phải sử dụng nguyên liệu sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Hiện nay để phục vụ tết, mỗi ngày cả ấp cho ra lò gần 30 tấn bánh mỗi ngày. Từ đầu tháng 11 âm lịch, đơn đặt hàng đã liên tiếp xuất hiện. Hàng được các siêu thị lớn trong nước tin tưởng nên đầu ra rất ổn định. Bên cạnh đó, bà con Việt kiều khắp nơi trên thế giới cũng tìm mua với số lượng lớn. Theo anh Toàn, cuộc sống hiện đại khiến nhiều người không có thời gian tự chuẩn bị nhưng vẫn không muốn bỏ phong tục tập quán tốt đẹp của cha ông để lại.
Bên cạnh bánh chưng, những vùng trồng mai truyền thống ở TP.HCM cũng hứa hẹn bội thu. Ông Trần Tới (phường Thạnh Xuân, quận 12, TP.HCM) có vườn mai hơn 5.000 gốc chuẩn bị ra hoa đúng dịp Tết Nguyên đán cho biết: “Năm nay, hai đợt triều cường cao nhất trong năm đến sớm nhưng phường Thạnh Xuân không bị ngập nên mai phát triển bình thường. Tết này, chúng tôi chắc chắn sẽ bội thu”.
Ông Nguyễn Tính - chủ một vườn mai khác bật mí, năm nay các vườn mai tự tin bởi họ có trong tay “đặc sản quý” mai giảo. Loại mai này có trung bình từ 8 đến 10 cánh hoa, gấp đôi so với mai thường nên được ưa chuộng. Giá bán mỗi gốc mai hiện cao hơn năm ngoái khoảng 300.000 đồng, từ 2 - 2,3 triệu đồng/gốc, tùy theo độ tuổi, dáng cây. Riêng mai giảo có giá cao hơn mai thường khoảng 400.000 đồng/gốc.
Bánh tráng lại hụt hơi
Bên cạnh những làng nghề đang tất bật chuẩn bị hàng tết vẫn có nhiều mặt hàng truyền thống đang trong tình trạng “hụt hơi”, nguy cơ mất tết, trong đó có bánh tráng. “Bên siêu thị đã thúc giao hàng dữ lắm rồi nhưng HTX vẫn chưa đủ nhân công chứ nói gì tới đủ bánh cho Tết” - ông Lê Thế Khải - Chủ nhiệm HTX Làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông (Ấp Phú Bình, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM) than thở.
“Mai nở sớm thì năm nào cũng có, nhưng nếu người trồng biết cách chăm sóc mai tốt, vẫn có những chậu mai đẹp cho ngày xuân”.
Nghệ nhân Mã Văn Phương (Hiệp Bình Chánh,Thủ Đức)
Theo ông Khải, bánh tráng là mặt hàng truyền thống mà hầu như gia đình nào cũng “thủ sẵn” trong những ngày Tết. Do vậy, lượng tiêu thụ trong thời gian này có khi tăng gần chục lần. Tuy nhiên, do việc làm bánh tráng tốn nhiều lao động chân tay, lợi nhuận lại không bao nhiêu nên nhiều lò bánh liên tục “tắt lửa”. “Cả HTX có 60 cái máy tráng, cần ít nhất là 10 – 15 công nhân phơi bánh thì nay chỉ có 4 người, chủ yếu là người lao động nhập cư, bữa làm bữa nghỉ khiến HTX không đủ hàng để giao” - ông Khải cho biết thêm.
Hiện tại, HTX Làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông đã ký hợp đồng cung cấp cho các siêu thị như Co.opMart, Vinatex,…gần 11 tấn bánh tráng phục vụ Tết Nguyên đán. Số lượng này giảm một nửa so với cùng kỳ năm trước. Nhiều lò bánh cá nhân tại làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông cũng cho biết, giá bánh dù có tăng so với ngày thường từ 3.000 – 5.000 đồng/kg nhưng chi phí cho công nhân lựa bánh, bao bì, nhãn mác… đều tăng nên người làm bánh vẫn không có lãi bao nhiêu. Mỗi ngày, làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông cho ra lò khoảng 30 tấn bánh, phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước.
Thuận Hải - Đình Thức


Phát triển nghề khai thác cá ngừ đại dương
Cập nhật lúc 01:18, Chủ nhật, 29/01/2012 (GMT+7)


Niềm vui của ngư dân khi trúng đậm cá ngừ đại dương.

Một mùa xuân mới lại về, các con tàu khai thác cá ngừ đại dương với các khoang đầy ắp cá băng băng rẽ sóng cập bờ. Các ngư dân hối hả hò nhau lên cá, kịp về với gia đình ngày đầu năm mới.
Ðến với các làng cá ven biển ba tỉnh miền trung: Bình Ðịnh, Phú Yên, Khánh Hòa vào mùa cá ngừ đại dương, ở đâu cũng gặp không khí sôi động, khẩn trương. Nhìn ánh mắt mọi người, ai ai cũng rạng rỡ cười vui bởi được mùa cá ngừ, được giá. Giá cá ngừ đại dương ở Phú Yên thời điểm này có ngày lên đến 200 nghìn đồng/kg (tăng gần hai lần so với năm 2010) và tin liên doanh khai thác, chế biến, xuất khẩu cá ngừ đại dương Phú Yên - Nhật Bản được cấp phép và chính thức hoạt động vào những ngày đầu Xuân Nhâm Thìn càng làm nức lòng ngư dân trong ngày Xuân mới.
Nhớ lại những năm đầu của thập kỷ 90 của thế kỷ trước, nghề câu cá ngừ đại dương được du nhập từ Nhật Bản vào Việt Nam, nguồn lợi cá ngừ dồi dào, cá bán vào thị trường Nhật Bản được giá, mang lại lợi nhuận cao đã thu hút mạnh đầu tư của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản, sau đó lan rộng đến cộng đồng ngư dân ba tỉnh Bình Ðịnh, Phú Yên, Khánh Hòa, từ đó mở ra hướng phát triển hiệu quả cho khai thác hải sản xa bờ.
Mới đó mà đã hơn 20 năm, dù là một nghề hái ra tiền từ biển, nhưng đến nay vẫn chỉ có ngư dân ba tỉnh Bình Ðịnh, Phú Yên, Khánh Hòa khai thác hiệu quả cá ngừ đại dương. Nói chuyện với các lão ngư mới hiểu rằng: Ba tỉnh này có "mặt tiền" hướng ra Biển Ðông, có khoảng cách gần nhất tới các ngư trường có nguồn lợi cá ngừ đại dương di cư hằng năm. Lợi thế đó giúp ngư dân giảm đáng kể các chi phí đi biển, nhất là nhiên liệu, nước đá và thời gian bảo quản cá ngừ sau thu hoạch. Hơn nữa, ngư dân vùng biển này vốn có truyền thống với nghề câu cá nhám và cá mập nên dễ dàng tiếp nhận nghề câu cá ngừ đại dương. Nhưng việc thích nghi với một nghề gian khổ, đầy hiểm nguy trên biển xa hàng nghìn dặm, với cuộc sống xa nhà, xa bờ tháng này qua tháng khác, đòi hỏi phải có cả quá trình tích lũy kinh nghiệm. Xa xưa thời Quang Trung - Nguyễn Huệ, ngư dân Bình Ðịnh là nòng cốt tinh nhuệ của lực lượng thủy binh được rèn luyện tinh thần thượng võ, có khả năng chịu đựng gian khổ, đi biển dài ngày, và ý chí không ngừng mở mang bờ cõi, dọc theo bờ biển đi đến đâu sinh cơ, lập nghiệp ở đó. Ngày nay, nhiều ngư dân làm ăn giỏi, phát đạt ở hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa có nguồn gốc di cư từ Bình Ðịnh. Nên đã có câu ca: "Ai về Bình Ðịnh thăm cha, Phú Yên thăm mẹ, Khánh Hòa thăm em". Thật thú vị khi nghề khai thác cá ngừ đại dương hôm nay được du nhập nhờ có chính sách đổi mới, mở cửa, nhưng bám rễ được và phát triển hiệu quả ở ba tỉnh miền trung lại do có mạch nối với truyền thống, lịch sử xa xưa.
Khai thác cá ngừ đại dương, một loài cá di cư theo đàn, nên kích thước cá đồng đều và sản lượng lớn. Do đó, nếu không có thị trường, nghề khai thác cá ngừ đại dương không thể phát triển được. Hiện nay, đã có hơn 30 doanh nghiệp chế biến thủy sản tham gia xuất, nhập khẩu cá ngừ. Ngoài sản lượng cá ngừ khai thác trên Biển Ðông, hằng năm các doanh nghiệp đã nhập khẩu khoảng hơn 40 nghìn tấn cá ngừ nguyên liệu từ 42 nước và vùng lãnh thổ để tái chế biến xuất khẩu. Tiềm năng thị trường xuất khẩu cá ngừ còn rất lớn. Sản phẩm cá ngừ Việt Nam đã được xuất khẩu sang 87 thị trường khác nhau. Nhu cầu tiêu dùng cá ngừ trên thế giới vẫn tiếp tục tăng cao, trong khi giá trị xuất khẩu từ nguồn nguyên liệu cá ngừ trong nước chưa tới 30% tổng doanh số xuất khẩu cá ngừ hiện nay và trữ lượng cá ngừ cho phép khai thác trên biển Việt Nam còn khá lớn, hiện mới chỉ khai thác khoảng 20% sản lượng cho phép. Ngoài ra, việc cải tiến công nghệ bảo quản sau thu hoạch trên các tàu cá của ngư dân còn có thể nâng giá trị sản phẩm cá ngừ lên hơn 30% so với hiện tại. Thực tế đó cho thấy khả năng cá ngừ sẽ là mặt hàng thứ ba trong các mặt hàng thủy sản Việt Nam (sau tôm và cá tra) đạt doanh số xuất khẩu 1 tỷ USD trong thời gian tới là khả thi. Ðây là cơ sở để xây dựng nghề khai thác cá ngừ đại dương thành nghề cá công nghiệp - một mũi nhọn khai thác xa bờ trong chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam, theo đó hình thành một lực lượng dân sự làm kinh tế hoạt động hiệu quả trên Biển Ðông với đoàn tàu khai thác cá tới 2.000 chiếc, trong đó có hơn 1.000 tàu làm nghề câu ở vùng biển từ phía nam quần đảo Hoàng Sa xuống phía tây và nam quần đảo Trường Sa với hơn hai vạn lao động trẻ, khỏe thường xuyên bám biển sản xuất, khẳng định chủ quyền của nhân dân ta trên vùng biển, đảo thân yêu của Tổ quốc.
Triển vọng nghề cá ngừ đại dương thật sáng sủa, nhưng chung quanh câu chuyện ngày Xuân, ngư dân vẫn nhiều băn khoăn. Thực trạng khai thác cá ngừ đại dương nước ta vẫn là nhỏ lẻ, thủ công, tự phát. Ðể phát triển bền vững, khai thác cá ngừ đại dương phải được xây dựng theo hướng nghề cá công nghiệp. Việc khó nhất hiện nay là lao động trực tiếp khai thác cá ngừ trên biển hơn hai vạn người đang làm việc theo kinh nghiệm của nghề cá nhỏ ven bờ, không qua đào tạo, xa lạ với phong cách làm việc công nghiệp. Ước mong của các ngư dân là Nhà nước có một dự án đào tạo lao động đánh cá ngừ đại dương theo mô hình công nghiệp. Theo dự án này, những ngư dân sẽ được đào tạo nghề, công nghệ khai thác, bảo quản, các kiến thức về thương mại, tiếp thị, an toàn đi biển, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, Luật Biển quốc tế, các kiến thức về an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển đảo... Ðồng thời, cần tăng cường vai trò quản lý nhà nước, chú trọng việc tổ chức, phối hợp hoạt động hiệu quả giữa các lực lượng hải quân, cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng, kiểm ngư... để bảo vệ, hỗ trợ cho ngư dân khai thác cá an toàn trên các vùng biển của nước ta. Việc cần làm ngay là Nhà nước sớm ban hành khung pháp lý về quản lý nghề cá ngừ đại dương.
Cùng với tăng cường quản lý Nhà nước, cần có các biện pháp tổ chức và quản lý sản xuất, kinh doanh trong nội bộ cộng đồng. Hiện nay mô hình tổ chức sản xuất trên biển vẫn chỉ là tổ, nhóm tự phát giản đơn. Giữa ngư dân và các doanh nghiệp, các đại lý, nậu vựa thu mua sản phẩm không có sự liên kết, liên doanh. Sự chia cắt giữa sản xuất với kinh doanh là một tồn tại lớn hiện nay. Cần tổ chức hợp tác giữa các lực lượng tham gia sản xuất, kinh doanh cá ngừ, giữa các doanh nghiệp và cộng đồng ngư dân. Nền tảng vật chất của tổ chức là các cơ sở kỹ thuật hạ tầng, hậu cần dịch vụ do Nhà nước đầu tư được giao cho các hội, hiệp hội tổ chức quản lý khai thác, sử dụng. Doanh nghiệp có vốn, có đầu ra, ngư dân có nguyên liệu, phối hợp lại, loại bỏ các khâu trung gian, nâng cao chất lượng bảo quản, giảm thất thoát sau thu hoạch, tạo nên vòng xoay nhanh của đồng vốn, bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững, hài hòa lợi ích của các thành phần kinh tế.
Tết đến, Xuân về quanh mâm cỗ đầy với cá ngừ đỏ tươi bên bánh chưng xanh, các câu chuyện làm ăn rôm rả, những mong muốn, ước mơ của các gia đình ngư dân, đón Xuân Nhâm Thìn sẽ có sự đổi thay mạnh mẽ trong quản lý khai thác cá ngừ đại dương, để doanh nhân và ngư dân được cùng nhau góp sức, chung tay tạo nên bước chuyển đột phá từ nghề cá nhỏ ven bờ sang nghề cá công nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, xây dựng nước ta thành một quốc gia giàu mạnh từ biển trong thế kỷ 21 và thực hiện trọn vẹn lời dặn của Bác Hồ "Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ".
NGÔ ANH TUẤN


+ Chữ to
- Chữ nhỏ
Bản in
In ra PDF



Ðể Bình Phước phát triển bền vững
Cập nhật lúc 01:18, Chủ nhật, 29/01/2012 (GMT+7)


Khu trung tâm thị xã Ðồng Xoài (Bình Phước).

15 năm tái lập tỉnh, Bình Phước đang độ chín. Ai từng qua vùng đất này, đều không khỏi ngỡ ngàng về sự đổi thay của vùng đất nghèo khó xưa, nay là xứ sở bạt ngàn vườn cao-su, điều, cà-phê..., đô thị-công nghiệp phát triển, xứng danh Sông Bé oai hùng.
Từ ngã tư sinh ra đô thị
Năm 1997, khi mới tách tỉnh, Bình Phước có năm huyện vùng núi nghèo, nay phát triển thành ba thị xã, bảy huyện với 113 xã, phường và thị trấn. Ấn tượng hơn cả là thị xã Ðồng Xoài. 15 năm trước, Ðồng Xoài chỉ là ngã tư đường, nơi khách dừng chân khi từ Tây Nguyên đi TP Hồ Chí Minh và ngược lại. Nguyên Chủ tịch UBND xã Ðồng Xoài từ năm 1975 Bùi Xuân Kim cho biết, khu vực này trước kia lác đác vài căn nhà cấp 4, còn lại là nhà ván gỗ, tranh tre. Trung tâm thương mại bây giờ, xưa là chợ cóc, lèo tèo vài món hàng trao đổi. Giờ đây, Ðồng Xoài trở thành trung tâm kinh tế, chính trị của Bình Phước, diện tích 169,6 km2, dân số gần 100 nghìn người, sầm uất chẳng kém gì các khu đô thị lâu đời.
Từ TP Hồ Chí Minh đến trung tâm tỉnh Bình Phước khoảng 110 km. Hai bên đường đến Bình Phước ngập một mầu xanh của rừng cao-su, điều, tiêu, cà-phê... Thấp thoáng dưới tán lá xanh là cụm dân cư tươi mầu ngói mới. Chẳng nói người ở xa, người dân sinh sống tại địa phương cũng ngỡ ngàng trước sự đổi thay nhanh của Bình Phước. Ðến Ðồng Xoài, đứng trên đỉnh đồi, hay căn nhà cao tầng ngắm thị xã vào buổi sáng lãng đãng sương mù, hoặc buổi chiều tà sẽ thấy Ðồng Xoài chẳng kém Ðà Lạt, Sa Pa là mấy. Cũng mặt hồ Suối Lam trong vắt. Phố phường thấp thoáng dưới tán cây, men theo những triền đồi.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Phước Võ Ðình Tuyến, cho biết, lúc tái lập tỉnh như người mới ra ở riêng, khó khăn vất vả, thiếu thốn tứ bề. Mạng lưới giao thông đường bộ xuống cấp nặng, đi họp tại TP Hồ Chí Minh phải mất đứt một ngày. Và người ta nhận ngay ra dân Bình Phước, vì quần áo nhuốm đầy bụi đỏ. Hiện nay, các tuyến đường đến huyện ở Bình Phước đã nhựa hóa được 96% và 100% số xã có đường xe ô-tô. Từ Ðồng Xoài về Bình Dương, TP Hồ Chí Minh chỉ mất độ hai giờ.
Nhiều cán bộ lão thành của Bình Phước bộc bạch, cái lo nhất của Ðảng bộ, chính quyền Bình Phước lúc bấy giờ, là tỉnh có gần 500 nghìn dân, thì 18% là hộ nghèo, hơn 40% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số đói thường xuyên, trường học, bệnh viện, đường điện, cơ sở hạ tầng..., vừa thiếu, vừa yếu. Trước tình hình đó, tỉnh lo cứu đói, xây trường học, bệnh viện, kéo điện, ổn định đời sống nhân dân trước, sau đó xây trụ sở làm việc cho các cơ quan hành chính của tỉnh. Ðến nay, dân số đã gần một triệu, nhưng không còn hộ đói, tỷ lệ hộ người dân tộc thiểu số nghèo, theo chuẩn mới là 7,6%. Tỉnh đang trồng hơn 4.000 ha cao-su, gây quỹ giảm hộ nghèo, tăng hộ khá, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa khu vực và dân tộc thiểu số.
"Có thực mới vực được đạo". Khi kinh tế phát triển, Bình Phước ưu tiên chấn hưng giáo dục, y tế... Ðến nay 100% số xã có trường học, trạm y tế, trung tâm văn hóa khang trang, 91,5% số hộ trong tỉnh dùng điện lưới quốc gia... Bình Phước đã hướng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. 100% số học sinh của Trường THPT chuyên Quang Trung thi đậu đại học, đứng đầu cả nước. Tỉnh cũng chăm lo sức khỏe cho người dân, cấp thẻ bảo hiểm y tế và khám chữa bệnh miễn phí cho 100% số hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Sẽ mở rộng Bệnh viện Ða khoa lên 600 giường, thiết bị y tế tiên tiến, đủ sức khám chữa bệnh cho nhân dân trong tỉnh, giảm tải cho tuyến trên.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trương Tấn Thiệu, từ một tỉnh thuần nông, cơ cấu công nghiệp năm 1997, toàn tỉnh có 181 doanh nghiệp hoạt động, với vốn đăng ký 35 tỷ đồng. Năm 2011 tỉnh có tám khu công nghiệp, 18 tiểu khu công nghiệp, một khu kinh tế cửa khẩu, tổng diện tích 5.219,14 ha, thu hút hơn 3.400 doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, với số vốn đăng ký hơn 23.200 tỷ đồng. So với năm 1997, gấp gần 20 lần về số doanh nghiệp và gấp trăm lần vốn đăng ký. Sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp của Bình Phước xuất khẩu đến 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổng thu ngân sách từ 153 tỷ đồng, thu nhập bình quân chỉ đạt 2,2 triệu đồng/người/năm. Năm 2011, thu ngân sách đạt 3.500 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu gần 520 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người 27,2 triệu đồng/năm, mức sống của người dân được nâng lên rõ rệt. Ðồng bào dân tộc thiểu số đã có của ăn của để, không còn sống du canh, du cư.
Phát triển chưa xứng với tiềm năng
Thành tựu phát triển kinh tế-xã hội những năm qua mang ý nghĩa thiết thực, càng ý nghĩa hơn với tỉnh "mới ra ở riêng" như Bình Phước. Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo của tỉnh vẫn cho rằng, Bình Phước phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; khai thác, sử dụng tài nguyên, đặc biệt là sử dụng tài nguyên đất chưa hợp lý, còn lãng phí; các khu công nghiệp, khu kinh tế chưa thu hút được nhà đầu tư lớn; ô nhiễm môi trường gia tăng... Ðó là dấu hiệu của phát triển chưa bền vững. Chẳng hạn, việc chặt bỏ hàng nghìn ha cao-su làm khu công nghiệp, đô thị, nhưng hiệu quả kinh tế thấp là chưa dự báo sát nhu cầu phát triển công nghiệp của tỉnh. Ðơn cử là các khu công nghiệp chiếm 5.219,14 ha đất, nhưng tỷ lệ lấp đầy chỉ khoảng 14%. Khu kinh tế cửa khẩu Hoàng Diệu, Hoa Lư rộng hàng nghìn ha cũng chưa khởi sắc. Khu đô thị ở các huyện Ðồng Phú, Hớn Quản, Chơn Thành...vẫn chờ nhà đầu tư.
Việc sử dụng, khai thác đất rừng lãng phí và phức tạp. Khi tái lập, tỉnh có hơn 300 nghìn ha đất lâm nghiệp, chủ yếu là rừng già, rừng đặc dụng. Do quản lý lỏng lẻo, chồng chéo, mỗi năm Bình Phước để dân xâm canh, phá hàng nghìn ha rừng, làm suy giảm hệ đa dạng sinh học, suy thoái môi trường và nguồn nước sông Ðồng Nai và sông Bé. Ðáng lưu ý là, lợi dụng việc UBND tỉnh cho phép chuyển đổi rừng nghèo kiệt, nhiều công ty đã biến hàng nghìn ha rừng đệm, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ trồng cao-su thành rừng nghèo kiệt để bán gỗ kiếm lời. Nhiều chuyên gia, nhà phân tích kinh tế cho rằng, Bình Phước mới chỉ khai thác tài nguyên đất trồng cây cao-su, cây điều. Chưa gắn trồng trọt với chăn nuôi, chưa kết nối được công nghiệp và dịch vụ-du lịch, chủ yếu bán nguyên liệu thô, vì vậy hiệu quả kinh tế thấp. Ngay cả khai thác tài nguyên khoáng sản cũng còn nhỏ lẻ, chưa gắn khai thác với chế biến công nghiệp.
Ðối với du lịch, Bình Phước là tỉnh có hàng chục khu di tích lịch sử-văn hóa từ thời chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, nổi tiếng như: Căn cứ Quân ủy Bộ Chỉ huy các lực lượng giải phóng miền nam Việt Nam; Di tích lịch sử cách mạng Núi Bà Rá, thời kỳ chống thực dân Pháp; Sóc Bom Bo; Phú Riềng Ðỏ... Các thắng cảnh như: Tràng Cỏ Bàu Lạch; núi Bà Rá - thủy điện Thác Mơ; rừng nguyên sinh Tây Cát Tiên và Vườn quốc gia Bù Gia Mập... đều có thể khai thác du lịch và nghỉ dưỡng... Tuy nhiên, hầu hết các điểm trên, cả du lịch bằng đường bộ qua Cam-pu-chia, Thái-lan chưa được đầu tư, khai thác đúng tầm. Vì thế, chưa tạo động lực cho ngành dịch vụ-du lịch phát triển.
Ðể phát triển bền vững, Bình Phước cần thực hiện tốt các chính sách về an sinh xã hội, hỗ trợ kịp thời các đối tượng cận nghèo, người thu nhập thấp gặp nhiều khó khăn. Khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, đầu tư kiểu giữ đất chờ thời tại các khu đô thị, khu công nghiệp và khu kinh tế hiện nay. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực và thu hút nhân tài về làm việc tại địa phương. Về lâu dài, cần định hướng thu hút đầu tư, phát triển công nghệ cao, đồng thời quan tâm phát triển dịch vụ, thương mại, du lịch. Tổ chức khai thác, chế biến khoáng sản phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, đạt lợi ích kinh tế cao.
Khẩn trương hoàn thiện các công trình, dự án trọng điểm giao thông huyết mạch trên địa bàn tỉnh như: Quốc lộ 13, 14 và Phước Long - Bù Gia Mập; Ðồng Phú - Bình Dương và nâng cấp các tuyến giao thông liên vùng, liên huyện... để việc giao thương hàng hóa nhanh, an toàn, từ đó thúc đẩy sản xuất và dịch vụ-du lịch phát triển. Ðẩy nhanh tiến độ trồng 4.000 ha cao-su, tạo quỹ xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, ưu tiên lao động là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và các hộ bị thu hồi đất,...
LÊ THẨM


Bình Ðịnh tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu
Cập nhật lúc 01:18, Chủ nhật, 29/01/2012 (GMT+7)


Chế biến đá gra-nít xuất khẩu ở Công ty Sông Kon, tỉnh Bình Ðịnh.

Năm 2011, hoạt động xuất khẩu của Bình Ðịnh tuy chưa hoàn thành mục tiêu đề ra, nhưng đánh dấu một cuộc bứt phá. Hàng hóa của Bình Ðịnh đã xuất khẩu sang 84 nước và vùng lãnh thổ, trong đó, châu Á - 26 nước, đạt 210 triệu USD, tăng 23,5%; châu Âu - 31 nước, đạt 182 triệu USD; châu Mỹ - 13 nước, đạt 18 triệu USD...
Thách thức mới
Tình hình hoạt động xuất khẩu năm 2011 của tỉnh Bình Ðịnh diễn ra trong khi nền kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp khó lường. Trong nước, tác động rõ nhất là tình hình lạm phát, mặt bằng lãi suất cao, giá cả nguyên, nhiên, vật liệu và nhiều loại hàng hóa biến động tăng. Trên thị trường thế giới, những rào cản mới về kỹ thuật, môi trường trong thương mại quốc tế đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu. Hầu hết các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Bình Ðịnh lại là DN vừa và nhỏ.
Ðặc trưng của mô hình DN này là thiếu vốn dẫn đến ba cái chậm: chậm cơ cấu lại mặt hàng xuất khẩu; chậm đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ để nâng cao năng lực sản xuất; chậm xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế như ISO 9000, HACCP... Do vậy, sức cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu của Bình Ðịnh trên thị trường xuất khẩu thấp. Mặt khác, trong các mặt hàng xuất khẩu truyền thống của Bình Ðịnh thì mặt hàng gỗ tinh chế các loại chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu, và chủ yếu là sản phẩm gỗ tinh chế ngoại thất (chiếm 94%), trong khi thị trường nhập khẩu chính là châu Âu lại khó khăn do gặp khủng hoảng tài chính.
Trước tình hình đó, với sự tham mưu của Sở Công thương và chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh Bình Ðịnh, sự hỗ trợ của trung ương và địa phương, nhất là ngành điện, ngành ngân hàng, các DN xuất khẩu Bình Ðịnh đã làm cuộc bứt phá để về đích năm 2011. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2011 thực hiện 440,2 triệu USD, đạt 95,7% kế hoạch năm, tăng 3% so với năm 2010. Trong đó: nhóm hàng nông sản đạt 82 triệu USD, tăng 18,4%; nhóm lâm sản đạt 249,2 triệu USD, giảm 6,4%; nhóm hải sản đạt 39 triệu USD, giảm 7,1%; nhóm khoáng sản và vật liệu xây dựng đạt 42 triệu USD, tăng 47%; nhóm hàng công nghiệp tiêu dùng, chế biến 28 triệu USD, tăng 31,7% so với năm 2010.
Chìa khóa cho xuất khẩu năm 2012
Nhìn vào hoạt động xuất khẩu năm 2012 con đường vẫn còn nhiều khó khăn do kinh tế thế giới vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường, những rào cản kỹ thuật, tài chính mới xuất hiện. Ở trong nước, kinh tế vĩ mô chưa thật ổn định, sức cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu của Bình Ðịnh vẫn trong tình trạng bị động về vốn, giá đầu vào biến động tăng, mẫu mã, dây chuyền thiết bị và nhân lực tay nghề cao... Bên cạnh đó, những thách thức mới cũng có khả năng xuất hiện sớm như: tình hình hạn hán thiên tai, nguy cơ giảm sản lượng nhiều loại hàng nông sản, thủy sản.
Mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2012 của Bình Ðịnh là 480 triệu USD, tăng 9,1% so với năm 2011. Chìa khóa "đầu tiên" để đạt mục tiêu này vẫn là tháo gỡ khó khăn về vốn. Bình Ðịnh cần tiến hành thực hiện tốt các chính sách tài chính, tiền tệ theo Nghị định 75/2011/NÐ-CP, ngày 30-8-2011 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước; có chính sách hỗ trợ các DN chế biến gỗ, thủy sản trên địa bàn giảm lãi suất vay vốn để mua nguyên liệu. Tiếp đến là sử dụng nội lực từ các DN trong đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ và đa dạng hóa mặt hàng nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu, nhất là những mặt hàng trái vụ, mặt hàng gỗ nội thất, xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa... Tập trung khai thác những mặt hàng có ưu thế cạnh tranh của địa phương, hàm lượng giá trị gia tăng như: đá gra-nít, ti-tan tinh luyện, may mặc, sắn lát, dăm gỗ bạch đàn, thủy sản...
Mặt khác, Bình Ðịnh cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng tầm nhìn vào thị trường thế giới, phát huy vai trò của các hiệp hội ngành hàng của địa phương, câu lạc bộ DN trẻ, các hiệp hội ngành hàng của tỉnh liên kết với các hiệp hội của trung ương để nhận được hỗ trợ và tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia; vận động DN tham gia vào các Cổng thông tin thương mại điện tử quốc gia, Sàn giao dịch thương mại điện tử chuyên ngành đồ gỗ Bình Ðịnh.
VĂN THUẬN



+ Chữ to
- Chữ nhỏ
Bản in
In ra PDF



Bắc Ninh tạo thế và lực để cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2015
Cập nhật lúc 02:56, Thứ bảy, 28/01/2012 (GMT+7)


Dự án Khu chung cư cho người thu nhập thấp tại thành phố Bắc Ninh đang được xây dựng tại Khu đô thị mới Hòa Long - Kinh Bắc (Bắc Ninh).

Năm 2011, năm đầu tiên Bắc Ninh thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 18, Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2011-2015. Mặc dù là một năm hết sức khó khăn, thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24-2-2011 của Chính phủ về các giải pháp tập trung chủ yếu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự giám sát của HÐND, UBND tỉnh đã chủ động tham mưu trình HÐND tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách về kinh tế - xã hội; đồng thời xây dựng, ban hành nhiều chỉ thị, kế hoạch và các văn bản chỉ đạo, điều hành tập trung, quyết liệt trên các lĩnh vực; xác định và lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm, mục tiêu, giải pháp đột phá ngay từ đầu năm, với tinh thần quyết tâm cao, thể hiện ở năm mục tiêu ưu tiên và ba nhiệm vụ tập trung; phân công trách nhiệm rõ ràng, gắn trách nhiệm người đứng đầu; trong thực thi công vụ; phối hợp chặt chẽ với Thường trực HÐND tỉnh, các ban, cơ quan Ðảng, MTTQ và các đoàn thể nhân dân trong tỉnh, tranh thủ sự chỉ đạo, giúp đỡ của T.Ư, sự tham gia tích cực của doanh nghiệp và toàn thể nhân dân... Bắc Ninh đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2011, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra (Thể hiện qua 10 kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2011). Trong tình hình khó khăn chung của đất nước, hoạt động kinh tế của nhiều địa phương khác tăng trưởng chững lại và thấp hơn năm trước, thì Bắc Ninh vẫn tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao: Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) ước tăng 16,24%, vượt kế hoạch đề ra (cao gấp 27 lần cả nước); trong đó khu vực công nghiệp - XDCB tăng cao nhất, đạt 23,74%, dịch vụ tăng 9,91%, nông, lâm, thủy sản tăng 1,16%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực: Khu vực công nghiệp - XDCB chiếm 70,6%; dịch vụ 20,8%; nông, lâm, thủy sản 8,6%.
Ðóng góp phần lớn vào sự tăng trưởng và phát triển này chính là sản xuất công nghiệp. Năm 2011, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tăng cao, đạt hơn 59,7 nghìn tỷ đồng, vượt 55,9% kế hoạch và tăng 62,2% so với năm 2010 (gần đạt mục tiêu Ðại hội đến năm 2015).
Cùng với sự tăng trưởng cao của sản xuất công nghiệp, năm 2011, nông nghiệp Bắc Ninh cũng bội thu, được mùa lớn nhất từ trước đến nay, tạo niềm tin, phấn khởi cho bà con nông dân, góp phần ổn định kinh tế - xã hội. Trong điều kiện đất nông nghiệp giảm hơn 7.000 ha, nhưng do năng suất lúa đạt cao nhất (bình quân cả năm đạt 63,1 tạ/ha) góp phần cho sản lượng lương thực có hạt đạt 477,6 nghìn tấn (tăng 26,8 nghìn tấn so với năm 2010).
Thương mại dịch vụ, xuất, nhập khẩu có nhiều khởi sắc, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 4,68 tỷ USD (lần đầu tiên Bắc Ninh đã xuất siêu gần một tỷ USD). Hoạt động tài chính ngân hàng có nhiều chuyển biến tích cực, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 6.800 tỷ đồng, là năm đầu tiên tỉnh tự cân đối được ngân sách và có phần điều tiết về Trung ương. Các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, kế hoạch hóa gia đình, văn hóa TDTT, phát thanh truyền hình có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội được quan tâm; quốc phòng - an ninh được củng cố, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác giải quyết KNTC của công dân được tập trung chỉ đạo tốt hơn; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực, công tác tư pháp, cải cách hành chính có nhiều chuyển biến, được các tổ chức, doanh nghiệp và công dân hoan nghênh; hệ thống chính trị được củng cố... Ðây là những dấu ấn quan trọng khẳng định những thành công và bước đi vững chắc của tỉnh trên con đường thực hiện CNH, HÐH.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh còn bộc lộ những hạn chế đó là: Kinh tế tuy tiếp tục tăng trưởng cao nhưng chưa bền vững. Sản xuất công nghiệp tăng cao song chủ yếu dựa vào doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn. Lạm phát tăng cao gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất, kinh doanh và đời sống dân cư. Tăng trưởng và phát triển dịch vụ còn chậm. Công tác đầu tư XDCB còn khó khăn, một số dự án chậm triển khai, giải phóng mặt bằng ở một số nơi còn chậm tiến độ, nhiều dự án đất dân cư dịch vụ chưa được thực hiện hiệu quả. Một số hoạt động thuộc lĩnh vực xã hội chất lượng chưa cao, ô nhiễm môi trường nông thôn và làng nghề còn chậm được giải quyết...
Bước sang năm 2012 là năm kỷ niệm 15 năm tái lập tỉnh, 65 năm Ngày thương binh, liệt sĩ, 100 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Văn Cừ, cố Tổng Bí thư của Ðảng, người con ưu tú của quê hương Bắc Ninh. Ðây là dịp để Ðảng bộ, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân Bắc Ninh phát động và tổ chức các phong trào thi đua trên các lĩnh vực, nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội đề ra. Trên cơ sở đánh giá toàn diện những thành tựu cũng như hạn chế của năm 2011, đồng thời dự báo tình hình, lường trước những thuận lợi, khó khăn, thách thức trong thời gian tới, Ðảng bộ, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp và toàn thể nhân dân trong tỉnh cần có quyết tâm cao hơn, vượt qua mọi khó khăn thử thách, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chủ trương của Trung ương, Nghị quyết 11 của Chính phủ, Kết luận của Thủ tướng Chính phủ khi về thăm và làm việc tại Bắc Ninh, Nghị quyết của Tỉnh ủy, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết HÐND tỉnh khóa 17 kỳ họp thứ tư vừa thông qua với phương hướng, nhiệm vụ chung của năm 2012 là: Tập trung mọi nỗ lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, chủ động phòng ngừa không để lạm phát tăng cao, tiếp đà tăng trưởng trên cơ sở nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính cạnh tranh và bền vững của sự phát triển; tiếp tục thực hiện tốt năm mục tiêu ưu tiên và ba nhiệm vụ tập trung. Ðổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cấu trúc nền kinh tế theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 3, khóa XI đã đề ra. Huy động tối đa, sử dụng và quản lý tốt các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân. Giữ vững ổn định chính trị, tăng cường củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Các chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được trong năm 2012 là:
- Tổng sản phẩm (GDP) trong tỉnh tăng từ 14% - 15%; kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng CNH, HÐH; phấn đấu cơ cấu: khu vực công nghiệp - xây dựng 72,4%; dịch vụ 20,1%; nông, lâm nghiệp và thủy sản 7,5%.
- GTSX công nghiệp - xây dựng (giá CÐ 1994) đạt 83.684,2 tỷ đồng, tăng 33% so với 2011. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản 2.712,0 tỷ đồng, tăng 5% so với 2011.
- Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn 28.547,4 tỷ đồng, tăng 20%.
- Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 9,5 tỷ USD, tăng 200% so với năm 2011.
- Thu NSNN 7.522 tỷ đồng, tăng 14,1% so năm 2011.
- Tạo việc làm cho 27.000 lao động; tỷ lệ lao động được đào tạo chiếm 51%.
- Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn mới 2011) còn 4,45%.
- Tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh: 95%...
Ðể đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2012, đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó phải chọn đúng các khâu đột phá nhằm tạo ra những tiền đề giải phóng mọi tiềm năng, khai thác có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển. Vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp chủ yếu trong năm 2012 cần thực thi là:
Thứ nhất, về công tác quy hoạch: Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ quy hoạch vùng đô thị Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tổ chức thực hiện tốt quy hoạch đô thị và nông thôn, kế hoạch sử dụng đất của các cấp, quản lý và sử dụng có hiệu quả đất đai; tập trung cao trong giải phóng mặt bằng, nhất là các dự án quan trọng, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Thứ hai, về nông nghiệp, nông thôn, nông dân: Tổ chức tốt sản xuất vụ đông xuân năm 2011 - 2012, tiếp tục mở rộng diện tích lúa lai bình quân cao hơn năm trước. Ðẩy nhanh việc đưa chăn nuôi tập trung ra ngoài khu dân cư; Rà soát, điều chỉnh tiến độ xây dựng nông thôn mới bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế và nguồn lực của tỉnh. Ðẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới ở tám xã điểm và các xã khác theo lộ trình đã đặt ra trên cơ sở quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch theo hướng nâng cao tiêu chí và tầm nhìn. Nâng cao hơn nữa nhận thức về xây dựng nông thôn mới để huy động cộng đồng doanh nghiệp, người dân tự giác tham gia.
Thứ ba, về công nghiệp - XDCB: Tăng cường thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Ðẩy mạnh thu hút các dự án FDI có công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, thân thiện với môi trường, thu nhiều ngân sách. Từng bước điều chỉnh cơ cấu đầu tư theo hướng giảm dần tỷ trọng đầu tư công. Tiếp tục rà soát, thực hiện đình, giãn, hoãn tiến độ xây dựng một số công trình chưa cấp bách. Không phê duyệt, khởi công dự án mới khi chưa có nguồn vốn và chưa cấp bách để tập trung vốn bổ sung cho các dự án trọng điểm, các dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2012. Tăng cường công tác quản lý chất lượng, công trình xây dựng cơ bản. Rà soát, chấm dứt hợp đồng đối với nhà thầu không đủ năng lực, trong đó quan tâm hơn nữa đến công tác triển khai, giám sát cộng đồng. Tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình đã được khởi công như: Cầu qua sông Ðuống; Khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Văn Cừ; cải tạo quốc lộ 38, đường 295B; bổ sung nhà máy nước sạch thành phố... Rà soát các dự án đầu tư chậm đưa vào sử dụng, nhất là các dự án bức xúc được cử tri nêu nhiều. Yêu cầu chủ đầu tư phải đăng ký tiến độ thi công, chứng minh nguồn tài chính bảo đảm trước khi thực hiện. Kiên quyết thu hồi giấy phép đối với nhà đầu tư không đủ năng lực. Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai, triển khai có hiệu quả các dự án dân cư dịch vụ. Khắc phục triệt để tình trạng khai thác trái phép cát sỏi lòng sông, bảo đảm cung cấp nước sạch cho nhân dân. Ðẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà máy xử lý nước thải làng nghề Phong Khê, xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, nông thôn, bãi rác Ðồng Ngo, đưa Nhà máy xử lý rác Phù Lãng, Quế Võ vào hoạt động.
Thứ tư, về tài chính, thương mại: Tập trung các biện pháp để tăng thu bằng các giải pháp quyết liệt, kiên quyết không để tình trạng nợ đọng, nhất là nợ từ các dự án thuê đất, giao đất, đấu giá quyền sử dụng đất và xây nhà ở để bán. Ðẩy mạnh sản xuất để tăng thu từ lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, giảm dần tỷ trọng thu từ đất. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc kê khai thu, nộp thuế.
Thứ năm, về văn hóa - xã hội: Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, thực chất ở các cấp học. Xây dựng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục theo quy định chuẩn hóa của Bộ Giáo dục và Ðào tạo. Chú trọng việc giáo dục ý thức, trách nhiệm, tính trật tự kỷ luật, kỷ cương, tinh thần yêu quê hương, đất nước cho học sinh, sinh viên; thực hiện có hiệu quả chương trình kiên cố hóa trường, lớp học. Tập trung hoàn thành dự án xây dựng Trường THPT chuyên Bắc Ninh và từng bước triển khai xây dựng hệ thống trường THCS trọng điểm cấp huyện. Chú trọng công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, nhất là di sản văn hóa đã được xếp hạng. Nâng cao chất lượng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", xây dựng làng, khu phố, gia đình, công sở văn hóa; thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 22-NQ/2011-NQHÐND17 ngày 19-7-2011 của HÐND tỉnh về việc quy định một số điều thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và tổ chức ngày truyền thống, đón nhận các danh hiệu thi đua trên địa bàn tỉnh. Trước hết, yêu cầu các đồng chí lãnh đạo các ngành, các cấp phải nêu cao tính tự giác, tiền phong gương mẫu thực hiện. Nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh ở tất cả các tuyến. Ðẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ công. Thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo và các chính sách an sinh xã hội. Quan tâm các đối tượng chính sách, có kế hoạch, giải pháp cụ thể cho từng khu vực, đối tượng nghèo. Xây dựng và triển khai có hiệu quả kế hoạch tổ chức kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2012).
Thứ sáu, về công tác nội chính: Tập trung giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, các điểm phức tạp về an ninh nông thôn. Củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh trật tự, ổn định chính trị. Tạo chuyển biến rõ rệt về trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực. Tổ chức đợt cao điểm tiến công truy quét tội phạm và tệ nạn xã hội, nhất là dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn. Ðẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, việc thực hiện quyết định, kết luận sau thanh tra, kiểm tra; tập trung thanh tra về lĩnh vực đất đai, xây dựng cơ bản, tài chính công, mua sắm, các dự án trọng điểm và trách nhiệm người đứng đầu. Tập trung giải quyết án hình sự, án kinh tế liên quan đến chiếm dụng vốn tín dụng đen, lừa đảo chiếm đoạt tài sản (liên quan hoạt động công chứng, ngân hàng, kinh doanh bất động sản)... Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, chỉ đạo điều hành quyết liệt, thực hiện quy định, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, xây dựng các tiêu chí cụ thể để đánh giá, đồng thời phân cấp, phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể; nâng cao trách nhiệm của từng cá nhân đối với công việc được giao.
Trong xu thế biến động không ngừng của tình hình thế giới và những khó khăn, thách thức đặt ra trong năm 2012, đòi hỏi các cấp, các ngành trong tỉnh cần nghiêm túc chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Ðảng, Chính phủ, của Tỉnh ủy, HÐND, UBND tỉnh, phối hợp chặt chẽ với MTTQ và các đoàn thể, phát huy sức mạnh tổng hợp, đồng tâm hiệp lực với tinh thần đoàn kết, quyết tâm đổi mới và sáng tạo cao nhất của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, nhằm phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, tạo tiền đề phấn đấu sớm đưa tỉnh Bắc Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2015 và trở thành thành phố trực thuộc T.Ư vào năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 18. Với sức sống của một mùa xuân mới đang về, với thành tựu đạt được những năm qua và truyền thống tốt đẹp của quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc, tin tưởng rằng, với sự vào cuộc quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, Bắc Ninh sẽ tiếp tục đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực, thực hiện thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ năm 2012, đưa Bắc Ninh vững bước trên con đường CNH, HÐH và ngày càng giàu đẹp, văn minh.
NGUYỄN NHÂN CHIẾN Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh

No comments:

Post a Comment