Monday, January 2, 2012

NHÀ BA GIAN Ở NÔNG THÔN VIỆT NAM VÀ PHONG THỦY LẠC VIỆT

NHÀ BA GIAN Ở NÔNG THÔN VIỆT NAM VÀ PHONG THỦY LẠC VIỆT


Phong Châu(*)

Ở các vùng nông thôn Việt Nam – nhất là các vùng miền Bắc – các căn nhà 3 gian,1 gian 2 trái, 5 gian là những kiểu nhà rất phổ biến. Sự giàu có hay nghèo hèn của chủ nhân những ngôi nhà, được thể hiện qua qui mô và vật liệu làm nhà; nhưng kiểu dáng hầu như không có sự thay đổi đáng kể. Có thể có một vài biến tấu trong kết cấu kèo, cột, sự nhô ra, thụt vào của các phòng…Ví dụ như kiểu nhà ba gian – Tứ trụ giao nguyên, một thò hai thụt – tức là ngôi nhà ba gian có vì kèo hai lớp hàng ngang, giống như hai tầng cây xuyên. Những căn nhà này được bố trí theo hàng ngang, có mặt tiền rất rộng, có thể có một hay nhiều cửa cùng hướng mặt tiền của căn nhà. Một đặc điểm nữa là kiểu bài trí đồ đạc trong nhà cũng na ná như nhau:
Căn phòng chính giữa được bố trí làm phòng khách và nhà thờ. Ngay sát tường đối diện với cửa cái người ta đặt bàn thờ - Thần, Phật và Gia tiên. Theo phép thờ cúng thường người ta đặt bàn thờ Phật ở chính giữa – nếu đứng từ ngoài nhìn vào – bàn thờ Thần đặt bên tay trái, bàn thờ Gia tiên đặt bên tay phải. Trước bàn thờ, người ta thường có đặt một bộ trường kỷ hoặc bàn ghế tiếp khách. Hai bên cột nhà trước bàn thờ, người ta thường treo hoành phi, câu đối, hoặc như nhà nào nghèo trên vách cũng treo tranh hoặc câu đối bằng giấy. Nhà thường không có chia buồng ngang, nên người ta hay đặt hai bộ ván ở hai bên nhà. Nếu có chia làm hai trái thì một bên nhà người ta để cót thóc hoặc giống cây các loại cho mùa sau. Một bên người ta làm phòng ngủ. Thông thường thì khu vực bếp làm riêng, biệt lập hoặc ngăn cách hẳn với căn nhà.
Có thể nói: Do sự phổ biến và tồn tại rất lâu đời, nên những kiểu nhà trên trở thành một lối kiến trúc đặc thù, rất phổ biến trong văn hóa nông thôn Việt Nam.
Tại sao ông cha ta lại chọn kiểu nhà này?
Nếu xét dưới góc độ Phong thủy thì những kiểu nhà này có những đặc điểm chung như sau :
* Cách bài trí nội thất trong nhà như trình bày ở trên gợi cho ta một ý niệm về sự cân bằng Âm Dương.
* Tất cả các ngôi nhà từ trước đến sau chỉ có một ngăn. Do đó, hướng nhà, hướng phòng, sơn nhà, sơn phòng đều trùng hợp.
Trong Phong thủy gọi đó là nhà Đơn trạch .
* Thông thường các căn nhà đều được bố trí theo hướng cửa chính là Nam hoặc Đông nam. Các cụ thường ví: “Lấy vợ đàn bà, làm nhà hướng Nam”.
Với sự phổ biến kiểu nhà này ở khắp một vùng nông thôn rộng lớn và tồn tại lâu đời, đã chứng tỏ một sự thống nhất về văn hóa xã hội và là một sự lựa chọn có ý thức của tiền nhân. Nhưng tại sao tiền nhân lại chọn kiểu nhà này?
Theo cái nhìn của thuật Phong Thuỷ – dù xét theo phương pháp của Dương trạch tam yếu hay Bát trạch minh cảnh và trong điều kiện kinh tế thời xưa – thì đây là một kiểu nhà bảo đảm tối ưu về mặt phong thuỷ cho một căn nhà, trong sự tương quan nội tại của căn nhà đó (Không tính tương quan của căn nhà với cảnh quan môi trường). Điều kiện cần để có sự tối ưu này là căn nhà hợp hướng với cung mạng của chủ nhà. Những sự phân tích dưới đây, được đặt giả thiết là hướng nhà hợp tuổi chủ nhà.
1) Lập luận theo Dương trạch tam yếu:
Một căn nhà được coi là tốt thì phía sau nhà phải tốt (Tọa sơn tốt – nói theo thuật ngữ Phong thuỷ) và hướng nhà phải tốt. Vì là nhà đơn, nên tất cả các phịng chính và phụ đều có hướng tốt và toạ sơn tốt.
2) Lập luận theo Bát trạch minh cảnh:
Do tất cả các phòng và nhà đều hợp hướng chủ nhà (theo giả thiết đã nêu). Bởi vậy sẽ mang lại sự thống nhất và phát tài cho gia đình.

Đến đây, một vấn đề được đặt ra: Theo đồ hình Hậu thiên bát quái từ bản văn cổ chữ Hán thì Hậu thiên bát quái Văn Vương phân Đông & Tây trạch như sau:
ĐÔNG TÂY TRẠCH
BÁT QUÁI VĂN VƯƠNG

Như vậy, bạn đọc cũng thấy chỉ có người mạng cung thuộc Đông Tứ trạch mới có cơ hội được cặp sơn hướng tốt nhất là Bắc – Nam (Phúc Đức). Còn cặp sơn hướng tốt nhất của người Tây Tứ trạch là Tây Nam và Đông Bắc chỉ thuộc loại trung bình (Sinh khí). Không lẽ thuật Phong Thuỷ Đông phương lại chỉ ưu ái cho người thuộc Đông tứ trạch?
Nhưng với đồ hình Hậu thiên bát quái đã hiệu chỉnh của Nguyễn Vũ Tuấn Anh (Tìm về cội nguồn Kinh Dịch. Nxb VHTT 2002) thì có sự cân bằng giữa Đông và Tây trạch vì cặp sơn hướng Tây Bắc – Đông Nam (Càn & Khôn) cho người Tây tứ trạch (Phúc Đức) tương ứng với cặp Bắc – Nam (Khảm & Ly) của Đông tứ trạch .
Xin xem hình minh hoạ sau:
ĐÔNG TÂY TRẠCH
HẬU THIÊN LẠC VIỆT

Trên cơ sở này chúng ta xem hình minh hoạ dưới đây cho một căn nhà truyền thống theo Phong thuỷ Lạc Việt:
TỌA BẮC HƯỚNG NAM
Khảm & Ly
Phúc Đức trạch thuộc Đông tứ trạch

TỌA TÂY BẮC - HƯỚNG TÂY NAM
Càn & Khôn
Phúc Đức trạch thuộc Tây tứ trạch

Qua hình trên, bạn đọc cũng nhận thấy: Đây là điều kiện tối ưu về phong thuỷ cho một căn nhà ở nông thôn Việt Nam (Với yếu tố cần là hợp hướng với cung mạng chủ nhà) dù luận theo phương pháp của Dương trạch tam yếu hay Bát trạch minh cảnh.
Phải chăng sự hợp nhất trong cách giải thích về Phong thuỷ theo hai trường phái khác nhau cho căn nhà truyền thống của Việt Nam là cơ sở của một giả thuyết cho rằng:
Những phương pháp ứng dụng khác nhau của các trường phái Phong Thuỷ hiện nay, ngày xưa vốn bắt đầu từ một phương pháp thống nhất và nhất quán. Nhưng sự thăng trầm về lịch sử khiến nó bị thất truyền và tán lạc? Chính từ những yếu tố tương tác khác nhau và những phương pháp ứng dụng của nó , mà người Hán sưu tầm được - từ những mảnh vụn còn lại của một nền văn minh Lạc Việt đã sụp đổ - người ta đã coi là những trường phái khác nhau và mâu thuẫn đến khó tin, dù cùng một phương pháp luận của thuyết Âm Dương Ngũ hành?
Sự phổ biến trong kiến trúc của một kiểu dáng nhà ở các vùng nông thôn Việt Nam là một yếu tố nữa cho thấy sự thống nhất về văn hóa và tri thức, đã chứng tỏ rằng:
Khoa Phong thủy lưu truyền trong văn hóa Đông phương, nguyên thủy vốn là một phương pháp nhất quán và hoàn chỉnh; thuộc về một nền văn minh một thời huyền vĩ ở miến Nam sông Dương Tử. Khi nền văn minh này bị sụp đổ vào thế kỷ thứ III trước CN, chính nền văn minh Hán đã tiếp thu một cách rời rạc những mảnh vụn của nó và lập thành những cái mà người ta quen gọi là gọi là trường phái; hỗn độn, mâu thuẫn và không đầu, không đuôi và chỉ là phương pháp ứng dụng.
Người viết hy vọng những nhà nghiên cứu quan tâm sẽ đóng góp những ý kiến quý báu.

PHONG CHÂU


Chuyện làm giàu của người Vân Kiều


Anh Mai bên chiếc xe tải của gia đình.
KTNT - Từ đôi bàn tay trắng, bằng sự cần cù và lối suy nghĩ táo bạo trong cách làm ăn, nhiều đồng bào Vân Kiều ở huyện miền núi Đắk Rông (Quảng Trị) đã vươn lên làm giàu chính đáng.
Thu nhập cao nhờ suy nghĩ táo bạo
Đến bản KLu, xã Đắk Rông hỏi chàng thanh niên Hồ Văn Mai ai cũng biết. Khi chúng tôi ghé thăm cũng là lúc Mai đang lau chùi chiếc xe tải mới coóng. Mai hồ hởi khoe: "Giờ gia đình mình có thể sống khoẻ nhờ chiếc xe tải này rồi".
Năm nay mới 33 tuổi nhưng mức thu nhập hàng tháng của Mai được xếp vào hàng "khủng". "Nhiều người không tin mình làm nghề lái xe chở hàng thuê lại có thu nhập 25-30 triệu đồng/tháng. Họ còn cho rằng mình chở hàng mờ ám mới được trả nhiều tiền vậy nhưng nói thật là mình chỉ nhận vận chuyển hàng bình thường thôi", Mai giải thích. Nhấp ngụm nước dưới bóng râm nơi chiếc xe tải đang đỗ, Mai chậm rãi kể chuyện đời mình.
Anh sinh ra trong một gia đình nghèo nên học đến bậc trung học cơ sở, anh đã phải nghỉ học. Một thời gian sau đó, anh được bố mẹ cưới chị Hồ Thị Khanh về làm vợ để mong anh sớm ổn định cuộc sống. Nhưng cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ những ngày đầu hết sức chật vật, thiếu thốn với mảnh rẫy khô cằn quanh năm trồng lúa, ngô vụ được vụ mất... Khó khăn càng chồng chất khi những đứa con lần lượt ra đời. Đến đầu năm 2006, anh bàn với vợ vay tiền mua ô tô chuyên chở khách để chạy. Ban đầu chị Khanh hết sức phản đối, can ngăn. Nhưng anh cố gắng thuyết phục nhiều lần nên chị cũng đồng ý. Bằng số tiền ít ỏi và được sự giúp đỡ của anh em, anh vay thêm tiền mua lại chiếc xe ô tô khách 12 chỗ ngồi giá 120 triệu đồng.

Đến đầu năm 2009, nhận thấy nhu cầu vận chuyển các loại nông sản, vật liệu xây dựng trên địa bàn ngày càng lớn, Mai quyết định bán chiếc xe khách đang chạy, vay thêm tiền mua chiếc xe tải chuyên vận chuyển. Sau khi mua được xe, cứ đến mùa thu hoạch là anh lại đánh xe vào các xã có địa hình khó khăn để chuyên chở sắn, càphê và các loại nông sản cho bà con ra các điểm tập kết thu mua, sau đó chở phân bón vào cho bà con. "Hiện, bình quân mỗi ngày mình chạy 10 chuyến cát, sạn vào công trình thuỷ điện, cứ mỗi chuyến được trả 600.000 đồng. Sau khi trừ chi phí, mỗi ngày cật lực làm việc mình cũng bỏ túi 1- 2 triệu đồng. Ngoài chở cát, sạn cho công trình thuỷ điện mình còn tranh thủ chở vật liệu xây dựng cho nhiều gia đình xây dựng nhà ở trong vùng", Mai khoe. Ngoài thu nhập từ chiếc xe tải, vợ chồng Mai còn trồng 3ha sắn, 4ha rừng tràm.
Người phụ nữ Vân Kiều làm kinh tế giỏi
Tạm biệt gia đình anh Mai, chúng tôi đến thăm gia đình bà Hồ Thị Đơn khi bà đang tắm cho đàn lợn của mình. "Dù khổ thế nào đi nữa mình cũng cố gắng làm nhiều việc để có tiền nuôi con, mong cuộc đời của các con bớt khổ", bà Đơn mở đầu câu chuyện.

Bà Hồ Thị Đơn chăm sóc đàn heo.

Bà kể, trước kia chồng bà công tác trong ngành công an, để có thể nuôi đàn con 7 đứa, vợ chồng bà đã quần quật khai hoang đất để làm rẫy, trồng rừng. Nhờ cần cù chịu khó, hiện gia đình bà đang sở hữu 10ha rừng trồng từ 3- 5 năm tuổi. Ngoài ra, sau khi được tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi, bà Đơn đầu tư xây dựng một dãy chuồng nuôi lợn. Bà cũng thả nuôi trong vườn hàng trăm con gà và nuôi 5 con dúi rừng.
Ngoài thời gian chăm sóc đàn gà, lợn, hàng ngày bà còn dệt thổ cẩm bán cho du khách. "Mình biết dệt thổ cẩm từ năm 2006. Trước đây, có thời gian nhiều, có tháng mình dệt được 10- 15 tấm thổ cẩm (giá mỗi tấm từ 200.000 - 250.000 đồng) nên cũng có thu nhập khá. Mỗi tháng thu nhập từ chăn nuôi, trồng trọt và dệt thổ cẩm của gia đình cũng đạt hơn 5 triệu đồng. Ngoài ra, trong năm tới, khi số rừng trồng của gia đình mình khai thác thì số tiền thu được lên đến hàng trăm triệu đồng", bà Đơn vui vẻ cho biết.
Dù phải nhọc nhằn làm lụng vất vả để nuôi con nhưng đến bây giờ bà vẫn thấy mình hạnh phúc vì các con đều đã trưởng thành. "Vậy là những nhọc nhằn của vợ chồng mình đã được đền đáp xứng đáng", ngồi bên những đứa cháu ngoại kháu khỉnh, bà Đơn nở nụ cười mãn nguyện và nói với chúng tôi như thế.
Lê Mai

No comments:

Post a Comment