Sunday, January 29, 2012

Chuyện trai gái thời bao cấp

Chuyện trai gái thời bao cấp Thứ hai, 23/01/2012 23:24
(CATP) Bây giờ trai gái yêu đương ôm vai hót cổ thoải mái, hôn hít ngay giữa đường giữa chợ cũng không ai lấy đó làm điều. Ngay việc quan hệ tình dục cũng không còn là vấn đề gì nếu là trai chưa vợ gái chưa chồng. Ngày xưa thì khiếp lắm, cấm kị đủ đường. Là nói cái thời bao cấp thôi, chứ trước đó nữa lại càng kinh khủng khiếp. Cái thời mà trai gái yêu nhau chỉ được đánh mắt đưa mày, muốn cầm tay cầm chân, ôm vai hót cổ phải vào nơi kín đáo, nếu để cho người khác nhìn thấy thì bị coi là yêu đương không đứng đắn.

Chàng đạp xe đạp chở nàng trên đường, nàng chỉ có việc hai tay nhét đùi ngồi yên như khúc gỗ. Cô nào bạo lắm cũng chỉ nắm hờ ngang thắt lưng, chẳng có cô nào ôm eo áp ngực chàng như các cô gái thời nay. Những chiều mùa hạ, trai gái hẹn hò nhau ra bờ đê ngồi, chỗ này một cặp, chỗ kia một cặp rủ rỉ tâm tình. Nàng nhổ cỏ chàng bẻ ngón tay, nói chuyện chán thì về, chẳng dám làm gì.

Hôn hít thời này bị liệt vào hành vi giao cấu, rất xấu xa.
Đừng nói ngày xưa, ngay bây giờ vẫn còn quan niệm như thế. Năm ngoái Nguyễn Quang Thiều chả kêu ầm lên về dự luật cấm hôn nơi công cộng, may có ông Thiều kêu, báo chí làm ầm ầm người ta mới dẹp đi, nếu không thế nào luật cấm ấy cũng lọt vào top ten những luật cấm hài hước nhất.

Thời bao cấp những chuyện cụ thể chẳng có luật lệ gì, đa phần làm theo chỉ thị khi thì bằng văn bản khi thì chỉ thị mồm. Đôi khi một sếp nào đó ngồi nhậu chợt nhớ chuyện gì đó nhắc khẽ một câu, thế là thành chỉ thị. Chuyện trai gái yêu đương các sếp cũng nhắc nhở nhẹ nhàng thôi nhưng xuống cơ sở thành ra chuyện rất nghiêm trọng. Chuyện hôn hít cũng vậy, không chỉ cấm nơi công cộng mà cấm khắp nơi, sách báo phim ảnh tuyệt cấm kị. Nếp sống thời này cho đó là hành vi thiếu đứng đắn, không lịch sự. Cầm tay nhau cũng đã quá đáng lắm rồi, hi hi.

Mình nhớ xem phim, khi nào trai gái nhìn nhau đắm đuối, “mắt trong mắt tay trong tay âu yếm”, cả rạp lặng ngắt, nín thở chờ. Nhưng rồi đến khi môi này sắp dính môi kia là màn hình tối mò. Người chiếu phim đã che ống kính. Anh nào ngứa mồm la làng, nói thả tay ra cho người ta xem, lập tức có năm bảy người khác mắng cho là vô văn hóa. Sau đó thế nào cũng có người báo về cơ quan, đoàn thể, thế nào anh ta cũng bị “cạo” cho một mẻ. Suốt cả năm đó, chuyện anh ta luôn được đem ra làm ví dụ một khi các sếp nói về nếp sống mới, nói có đồng chí còn dám yêu cầu chiếu phim thả tay ra để xem cảnh hôn hít, rất đáng xấu hổ. Một câu đó thôi sếp có thể đem ra “ví dụ” cả trăm lần. Khốn khổ thế đó.

Thành thử cái gì cũng lén lút, đọc sách xem phim ảnh cũng phải lén lút. Nơi mình học là trường cấp III Bắc Quảng Trạch, một trường tiên tiến, nhiều năm liền là lá cờ đầu giáo dục tỉnh Quảng Bình, những năm 1969 - 1970 bỗng đâu xuất hiện cuốn sách Bí mật thành Paris. Truyện chẳng có gì, chỉ kể chuyện anh chàng cắt móng tay yêu đương mấy mụ nạ dòng giàu sang phú quý. Mấy màn yêu đương chỉ tả sơ sịa, thế mà học trò đua nhau bí mật chép tay lại cả cuốn, bí mật truyền tay nhau thì thà thì thầm vô cùng nghiêm trọng. Nhà trường ra sức truy bắt, may không bắt được ai, nếu thầy cô túm được cuốn sách trong cặp đứa nào thì đứa đó bị đuổi học là cái chắc.

Anh Thắng, anh trai của mình, hồi đó nổi lên như một thanh niên xuất sắc, mới lớp 10 đã được kết nạp Đảng, làm đến chức Phó bí thư Đoàn trường, uy danh lừng lẫy. Anh yêu chị L.A đẹp nhất trường. Nói thật từ bé đến giờ mình chưa thấy ai đẹp như chị L.A. Mình đang học lớp 7, mới bé tí nhưng toàn sưu tầm mấy chuyện “bậy bạ” lén lút đọc say sưa. Đa phần sách đó đều là sách chép tay, chị L.A cho mượn.

Một hôm anh Thắng tóm cổ được mình đang nằm tùm hum trùm chăn đọc cuốn Bí mật thành Paris. Anh hỏi sách của ai, mình khai của chị L.A cho mượn. Tưởng khai thế thì anh Thắng sẽ cho qua, ai dè anh tịch thu luôn cuốn sách. Anh không đưa chị L.A ra chi đoàn kiểm điểm nhưng gọi chị L.A ra riêng “xạc” cho một trận và cắt đứt chị luôn. Hi hi ngu thế không biết.

Sau này chị L.A yêu anh H. rất đẹp trai. Đêm trăng hai người rủ nhau ra bãi cát chơi, hai người nằm hai góc, lăn qua lăn lại, ném cát đùa nhau, chỉ thế thôi chứ chẳng có gì bậy bạ cả. Chẳng ngờ ông nông dân xách quần ra bãi cát đi ngoài, bắt được hai người, liền báo cho nhà trường. Từ đó anh H. và chị L.A được nhà trường mô tả như cặp học sinh sa đọa, đàng điếm nhất trong lịch sử của nhà trường. Kinh. Hi hi.

Trai gái muốn yêu nhau đàng hoàng thì phải báo cáo tổ chức, gia đình muốn báo thì báo chả báo thì thôi nhưng tổ chức thì phải báo cáo, nếu không thì bị coi là yêu đương bất chính. Dù yêu đương đàng hoàng, cả tổ chức lẫn gia đình đều biết vẫn hết sức ý tứ, vì biết đằng sau lưng mình luôn có người theo dõi. Ngồi nói chuyện bình thường thì không sao, chẳng có ai sau lưng mình hết. Máu lên ngồi dịch lại sát nhau cũng không sao, máu nữa mà quàng vai nàng kéo nàng vào lòng là lập tức có tiếng đằng hắng phía sau cảnh cáo. Nếu không biết hoặc bất chấp cái đằng hắng cảnh cáo kia, cứ ấn nàng nằm xuống vệ cỏ rồi hôn hít sờ soạng thì chỉ một phút sau đã thấy ba bốn người đứng vây quanh, nói yêu cầu hai người về ủy ban giải quyết.
Hồi đầu mình không hiểu ở đâu ra lực lượng này. Chính quyền không hề tổ chức, đoàn thể cũng không. Trừ một vài người có “lối sống bê tha”, “chậm tiến” họ cần phải theo dõi để “giúp đỡ”, còn lại chẳng ai hơi sức đâu đi theo dõi hết lượt trai gái yêu nhau. Về sau mới biết ở đâu cũng có những người rất nhiệt tình làm việc này, họ tự thấy trách nhiệm của mình ở khắp mọi nơi, đặc biệt việc giữ gìn nếp sống mới thì họ nhiệt tình lắm, hăng hái lắm.

Mình có ông thầy dạy thể dục cấp III rất hăng say làm chuyện này. Nhà trường không hề giao nhiệm vụ cho thầy, tự thầy tập hợp một số học sinh lập thành một đội gọi là Đội săn bắt hủ hóa. Tối nào cũng vậy, thầy dắt cả đội đi đi bò bò vào rừng trâm bầu, cồn hoang, bãi cát, bờ đê... săn lùng các “cặp đối tượng”. Từ năm 1965 đến 1975, trong vòng mười năm hàng trăm “cặp đối tượng” bị Đội săn bắt hủ hóa của thầy hoặc tóm gọn hoặc đuổi chạy bán sống bán chết.

Có lần mình rủ thằng Thủy, con cậu ruột của mình, lừa Đội săn bắt hủ hóa cái chơi. Trong nhà mình có mấy đứa con gái ở trọ, mình lấy áo quần chúng nó mặc vào, lấy giẻ độn ngực rồi đeo cooc-sê vào, đội nón lên để che cái đầu trọc. Tối đó trăng sáng, mình khoác tay thằng Thủy đi ra rặng trâm bầu. Vừa vào rặng trâm bầu đã thấy vài cái bóng bám theo sau lưng. Mình và thằng Thủy cứ đi sâu vào rặng trâm bầu, rồi chui vào bụi rậm. Hai đứa ôm nhau vờ rên rỉ giọng Bắc, nói anh ơi xướng xướng, em ơi xướng xướng.

Thầy và mấy đứa học trò nhảy đại đến bụi cây, lên đạn đánh rốp, nói yêu cầu anh chị ra khỏi bụi ngay. Mình giả giọng con gái Bắc, nói “em xợ nắm, xin nhà chường tha cho em”. Thầy hét lên, nói “các đồng chí, bắt sống khẩn trương bọn dâm ô trụy lạc”. Mấy đứa học trò lôi cổ mình và thằng Thủy ra. Có thằng còn tranh thủ bóp hai nùi giẻ trên ngực mình mấy bóp. Biết bị mắc lừa thầy tức lắm, nói học sinh mất dạy, dám lừa cả thầy. Nói rồi thầy phủi đít quần đi một mạch về nhà. Từ đó cho đến khi mình rời trường cấp III thầy không bao giờ nhìn nửa mặt mình, hi hi.

Bây giờ thầy già rồi, mỗi lần gặp thầy mình đều nhắc lại chuyện đó trêu thầy. Thầy nhăn răng cười, nói thừa nhận tui ngu, có ai yêu đương chỉ bằng nước bọt không đâu, sao lại bắt người ta mấy chuyện đó chớ. Mình nói giả sử cấp trên bảo thầy đi bắt thì cũng không sao, đằng này thầy tự nguyện tự giác đi làm mấy chuyện đó mới tức cười. Thầy cười cái hậc, nói rứa mới ngu, tui nghèo khó từ hồi đó đến giờ cũng vì mấy cái ngu đó thôi, suốt đời ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, ngu chi ngu tàn bạo.
Nguyễn Quang Lập

Trinh sát kể chuyện Tác giả 200 lá thư tình Thứ hai, 23/01/2012 23:24

Minh họa: ĐỨC LÂM
(CATP) Vâng, đây là một chuyện tình, chuyện tình thuần túy, nhưng ở phần cuối của nó lại xảy ra nhiều tình tiết nguy hiểm, khiến chúng tôi phải tham gia xử lý bằng biện pháp nghiệp vụ thường chỉ áp dụng cho một vụ án.

Khu cư xá có hai dãy phố nằm song song, độ chừng năm mươi nóc gia, từ lâu được gọi là “dãy nhà cô tịch”. Nhưng từ giữa năm 1990, không khí trong khu phố này bỗng trở nên sôi động ngầm, khi có một gia đình trưởng giả dọn về ở ngôi nhà cuối phố. Trong gia đình mới đến, có một cô con gái nhan sắc mỹ miều, kể chi những đấng mày râu, các thiếu nữ trong vùng còn phải ganh tị với con người có những nét gần như toàn mỹ ấy. Sự sôi động ngầm bắt đầu là từ đây.

Chéo góc nhà cô gái độ mươi thước có anh chàng làm rất nhiều nghề, đẹp trai, tính tình hiền lành, tuổi trạc ba mươi. Chính anh ta là người đầu tiên “phát hiện” ra luồng gió mới của khu phố và cũng chính anh ta là người đầu tiên mạnh dạn tiếp xúc với cô gái bằng... thư, chỉ sau một tuần lễ gia đình mới đến an cư.

“Em gái ơi, hàng chục lá thư rồi mà sao chẳng đáp lời anh một tiếng. Sao nỡ nhẫn tâm như vậy?

Em có biết rằng, từ ngày em về đây, anh thấy cuộc đời thật đáng sống và cuộc sống của anh sẽ có ý nghĩa, sung sướng biết chừng nào khi được một tiếng nói của em. Nói đi em, một tiếng thôi, dù đó là ngôn từ đưa anh vào giấc ngủ bình yên hay đó là hình ảnh kinh hoàng của một cơn ác mộng.

Nói đi em, anh đang chờ đợi từng ngày...”.
Tình yêu là thế, dù con người có cá tính hiền lành cách mấy cũng không thể kiềm hãm nổi lòng. Đến mười lá thư không được hồi âm chàng trai vẫn không thối chí, trong những lá thư tiếp theo, mỗi lúc, chàng trai càng thể hiện sự xúc cảm mãnh liệt trong trái tim.

“Nếu sống bên nhau, anh nghĩ rằng đôi ta sẽ hạnh phúc. Bởi vì, anh biết rất nhiều nghề, không sợ đói khổ. Ở xóm này, tivi hư anh nhận sửa, xe gắn máy không nổ anh cũng làm cho nó chạy được, nhà dột anh cũng biết thay tôn, hớt tóc anh cắt rất đẹp, giặt ủi anh lành nghề hơn phụ nữ...

Đây là lá thư thứ năm mươi, anh đã thổ lộ tình cảm với em từ mùa nắng sang đến mùa mưa. Cho dù em không nói một lời, hình ảnh của em vẫn không tách khỏi linh hồn của anh...”.

Nghĩ rằng văn chương của mình còn nhạt nhẽo, chưa bóng bẩy, chưa đủ sức làm lay động tâm hồn cô gái, những lá thư sau này anh chàng si tình lại cho thêm thơ và nhạc.

“... Một chiều rừng mưa được tin em gái mất chiếc thuyền như vỡ đôi... Em ơi, trong tình khúc “Những đồi hoa sim”, phải chăng những lời này là bi thương nhất? Nhưng đó là nghịch cảnh của một mối tình trong chiến tranh. Còn anh, tuy ở cách em có mấy bước chân, tuy mỗi ngày vẫn nhìn thấy nhau, nhưng lại không nghe được em nói, không cười trọn vẹn được một lần... Lòng anh như đồi sim, tím chiều hoang biền biệt...”.

Tình cảm có lúc được bộc lộ êm đềm như một dòng sông, nhưng cũng có lúc sóng dậy, cuồng phong như giữa lòng biển cả.

“Đây là lá thư thứ một trăm mà anh ngồi viết giữa đêm khuya. Cô em xinh đẹp ơi, nếu cứ hành hạ anh bằng cái trò im lặng, thì anh sẽ tự giết mình. Nếu mai đây em không còn thấy hình bóng anh trong “dãy nhà cô tịch”, thì em hãy thắp giùm ba nén nhang an ủi một linh hồn...”.

Cái lợi thế của chàng trai là ngôi nhà nằm trên đường đi, lối về của cô gái. Ngày hai buổi, sớm mai và chiều tà, anh ta luôn đứng trước cổng nhà chờ cô gái đi qua. Dù bắt gặp đôi mắt van xin hay cái nhìn đưa tình, cô gái vẫn xem anh chàng hàng xóm là người xa lạ, thái độ thản nhiên, họa hoằn lắm cô ta mới nở nụ cười bí ẩn. Những nụ cười mỉm hiếm hoi ấy, vô tình như những giọt mưa rơi trên sa mạc, khích lệ ý chí đang rã rời của người lữ khách lạc loài. Tuy đã yêu cầu cô gái chuẩn bị ba nén nhang, nhưng anh chàng lại viết thật nhiều thư, có ngày chủ nhật gởi đến ba lá, có hôm bận việc đi xa, anh ta viết sẵn bốn năm lá, ghi ngày nối tiếp nhau, gởi cùng một lượt. Có lá thư gởi đi lúc sáu giờ chiều, chỉ ghi vỏn vẹn một câu: “Em ăn cơm chưa?”.

Một ngày đầu năm 1991, giáp Tết âm lịch, chàng trai chợt ngỡ ngàng khi thấy trước nhà cô gái treo đèn, kết hoa. Dò hỏi, anh ta biết được hai hôm nữa cô gái sẽ theo chồng, cuộc đời sẽ trao trọn vẹn cho ai sau buổi lễ vu qui đó. Thất vọng nặng nề và tự ái cũng dồn dập, anh càng lại lấy giấy, viết ra:

“Thế là cô em đã phụ tình tôi, biến cuộc đợi chờ mòn mỏi của tôi thành trò đùa vô ý nghĩa. Không ai đưa cô em ra khỏi ngôi nhà có giàn thiên lý ấy được đâu. Nếu không ngăn chặn được lễ vu qui của cô em, tôi cũng sẽ tự hủy mình để cho ngày vui của cô em có nhiều ấn tượng...

Hai người chia tay sao chẳng nói điều chi.
Trước ngày chia ly sao chẳng nói điều gì...?”.

Đến lúc này, gia đình cô gái hốt hoảng mang lá thư có ghi ngoài phong bì hai chữ “tối khẩn” ấy đến báo công an phường.

Theo lời trình bày của cô Tuyết Trinh, đó là lá thư thứ hai trăm mà cô đã nhận được của anh chàng hàng xóm si tình trong vòng tám tháng qua. Cô Trinh đang học năm cuối cùng của ngành dược, chồng sắp cưới của cô là một bác sĩ mới đi tu nghiệp nước ngoài về. Cô Trinh nói thật, anh chàng lối xóm ấy cũng dễ thương, có thể là một người chồng tốt, nhưng cô đã có người yêu từ sáu năm về trước và chỉ trông đợi ý trung nhân thành tài trở về. Cô lo lắng một vụ án dưới hình thức nào đó sẽ xảy ra tại tiệc cưới của cô, vì trong những lá thư mới nhất cô nhận được, anh chàng kia thường dùng lời lẽ tang thương, nặng nề và nội dung trong lá thư thứ hai trăm chính là giọt nước tình cảm làm tràn ly vốn đã chứa nhiều phiền lụy.

Thấy vấn đề khá phức tạp, theo yêu cầu của công an phường, Đội cảnh sát hình sự cử tôi đến tham gia bàn bạc cách giải quyết. Qua lời trình bày của cô Trinh, thì anh chàng kia đang yêu đơn phương, từ mù quáng dẫn đến sự điên loạn. Thực tế đã có nhiều chứng minh, sự điên loạn trong tình yêu thường gây những hậu quả khủng khiếp và khó thuyết phục những con người đang mù quáng ấy nhanh chóng tỉnh mộng. Trong lá thư thứ hai trăm có kèm theo lời đe dọa, nhưng chưa đủ bằng chứng để dùng biện pháp cưỡng chế anh chàng kia và việc này về lâu dài xét thấy không có lợi. Nếu để anh ta ở nhà, tổ chức canh phòng thì cũng chưa chắc đạt được hiệu quả. Tiếng pháo, những lời chúc tụng sẽ làm anh ta điên tiết lên. Còn gặp gỡ, thuyết phục, trấn an tư tưởng anh ta ngay lúc này có lẽ đã quá muộn...
Cuối cùng, tôi đề nghị công an phường thực hiện cách phòng ngừa theo biện pháp của tôi.

Ngày chủ nhật, đúng ngày cô Trinh lên xe hoa, từ tờ mờ sáng, tôi đến nhà anh chàng si tình ấy, mời anh ta ra một quán cà phê. Đêm qua, theo tin tức của công an phường, anh chàng này đã đi mua hai lít xăng để sẵn ở sau nhà. Đúng là một sự chuẩn bị có ý thức gây nên chuyện khốc liệt.

- Anh là Võ Văn, một đội viên dân phòng từ lâu nổi tiếng tích cực, sao lúc rày anh hoạt động hơi yếu vậy?

Nghe tôi hỏi, Võ Văn ngơ ngác. Một lúc sau, anh ta mới nói chuyện tự nhiên.
Tôi đi thẳng vào chuyện:

- Hôm nay, thay mặt đơn vị, tôi đến nhờ anh và một số anh em dân phòng tham gia cùng chúng tôi phá một vụ án.

Nghe hai tiếng vụ án, Võ Văn giựt mình. Tôi ngầm hiểu, anh ta đang liên tưởng đến chuyện của mình.

- Vụ án này hết sức nghiêm trọng - tôi thản nhiên nói tiếp - địa điểm tại một cửa hàng kinh doanh vàng bạc ở phường khác, cùng quận. Đối tượng, theo chúng tôi nắm, chính xác chỉ có hai tên, nhưng rất lợi hại, chúng là người cư ngụ ở phường này. Do yếu tố nghiệp vụ, chúng tôi không thể bố trí nhiều công an, cũng do làm dân phòng nhiều năm, các anh có thể dễ dàng phát hiện hai tên tội phạm ấy, nên chúng tôi nhờ các anh hỗ trợ, mai phục phát hiện chúng từ xa, còn việc xông vào đấu sức với chúng là phần của chúng tôi.

- Chừng nào làm? - Võ Văn hỏi.
- Ngay từ bây giờ phải lên đường. Bọn cướp sẽ đến bất cứ lúc nào khi cửa hàng mở cửa.

Võ Văn nhíu mày, nghĩ ngợi. Biết là thừa nhưng tôi nói thêm:
- Anh nên tích cực giúp đỡ cơ quan điều tra. Ngày hôm nay coi như anh bỏ công đi sửa một chiếc tivi, chúng tôi sẽ đền bù công sức cho anh.

- Nhờ người khác đi. Bữa nay sao tôi thấy người khó chịu quá, chân đau, tay trái bị trật, mắt mờ mờ, bụng buồn nôn...

Võ Văn tìm cách khước từ, nhưng tôi ra sức dỗ dành:
- Anh không làm gì hết, đến hiện trường chỉ ngồi quan sát thôi. Anh là đội viên dân phòng có tiếng nhất phường này, nếu anh từ chối, chúng tôi còn biết chọn ai nữa? Cố gắng lên, một lát tôi mua thuốc giảm đau cho.

Hớp hết ly cà phê, Võ Văn dịu giọng:
- Đi chừng nào về?
- Cũng sớm thôi, chừng nào bọn cướp đến, một lúc sau là chúng mình về.

Võ Văn đứng dậy. Trước khi leo lên xe ngồi phía sau tôi, anh ta còn tần ngần nhìn về phía “dãy nhà cô tịch”.

Tôi phóng xe đến một quán cà phê khác. Tại đây, đã có một anh dân phòng ngồi đợi sẵn. Tôi chỉ cửa hàng kinh doanh vàng bạc sáng loáng ở góc ngã tư đối diện cách tầm quan sát khoảng ba mươi mét:

- Đó là địa điểm bọn cướp sẽ gây án. Anh Võ Văn ngồi đây với tôi, còn anh này cứ lấy xe đạp chạy lòng vòng, cảnh giới chúng từ xa.

Thấy Võ Văn không thích thú gì với vụ án được gọi hết sức nghiêm trọng này, tôi đành phải gợi chuyện nói với anh ta. Nghe tôi kể chuyện đánh án, có lúc anh ta biểu lộ sự lý thú, hỏi dồn dập, nhưng có lúc anh ta lại ngồi thẫn thờ, ruồi đậu trên mặt cũng không thèm đuổi.

Thời gian trôi chậm chạp. Đến giữa trưa, Võ Văn tỏ vẻ mệt mỏi, đòi về nhà ngủ một chút rồi trở ra. Dĩ nhiên, tôi không chấp nhận, động viên anh ta liên tục:

- Cố gắng thêm một chút anh bạn. Chiến trường đã phơi bày, giờ phút chết chóc đã đến, anh bạn thối lui được sao?

Còn anh dân phòng kia thỉnh thoảng đến báo những hiện tượng khả nghi, những dấu hiệu hết sức buồn cười, nhưng tôi cũng giả vờ làm động tác quan trọng để thu hút sự chú ý của Võ Văn. Cũng có lúc Võ Văn trông thấy điều gì đó, chăm chú quan sát với thái độ như... trinh sát hình sự.

Mặt trời nghiêng về hướng tây, Võ Văn lại tỏ ra sốt ruột:
- Chúng nó chừng nào đến?
- Chờ xem. Càng về cuối càng phải cẩn thận.
- Cho tôi về nhà một lát, trở ra ngay.

- Trên đường anh về, chúng nó đến thì sao? Mà anh có bận chi chuyện nhà cửa, sống một mình, ngày ăn ba bữa là xong. Còn bọn tôi, vợ con nheo nhóc, nhà cửa xác xơ, có lúc cả tuần lễ chưa được về nhà nhìn mặt vợ con.

- Tôi sốt ruột quá!
- Lại sốt ruột. Tôi còn sốt ruột gấp trăm lần anh. Nếu hôm nay bọn tội phạm đó không ra mặt, thì tôi còn phải mất thêm nhiều thời gian nữa.

Mỗi lần Võ Văn đưa ra yêu sách, tôi liền tìm cách gạt bỏ. Tôi còn nói, theo nguyên tắc nghiệp vụ, mỗi khi lâm trận các thành viên tham gia vụ án chỉ được rút lui khi có lệnh. Nếu hoạt động tự do, theo ý riêng, trong trường hợp bị đối phương phát hiện hoặc chuyên án bị vỡ, thì người làm sai nguyên tắc phải chịu xử lý nặng nề.

Trời tối, tôi gọi hai đĩa cơm sườn, bảo Võ Văn ăn lấy lại sức.
- Như vậy làm đến bao giờ? - Võ Văn lại nôn nóng.
- Chừng nào cửa hàng bên kia đóng cửa. Mình qua xúi họ đóng cửa đi!
Tôi cười. Võ Văn nuốt từng hột cơm như người ta nhai thuốc đắng.

- Đến quá 9 giờ đêm, cửa hàng kia mới đóng cửa. Vào thời điểm Tết nhứt nên họ mới mở cửa lâu như vậy.
- Mệt quá, còn phải theo dõi chúng nó dài dài nữa! - tôi thở dài, rồi chở Võ Văn trở về nhà.

Vừa xuống xe, anh ta hướng ngay đôi mắt về phía ngôi nhà có gắn tấm bảng “Vu qui”. Tiệc tàn từ lâu, chỉ còn xác pháo hồng rải trên nền đất. Tôi chào tạm biệt Võ Văn, anh ta lủi thủi bước vào nhà với những ý nghĩ chỉ mình tôi đoán được.
Tôi đã tháo xong “cái ngòi nổ”, mất đúng mười lăm tiếng đồng hồ!

Sáng hôm sau, tôi lại đến mời Võ Văn đi uống cà phê. Anh ta có vẻ khó chịu nhưng cũng đi theo. Tôi nói rõ đã dựng màn kịch để ngăn chặn hành động điên rồ của anh ta.

Võ Văn hết sức bất ngờ:
- Thật vậy sao? Tôi mắc mưu công an?
Tôi cười:
- Không phải mắc mưu mà là... sự chấp nhận tự nguyện.

- Các anh... nghề quá! - Võ Văn nể phục.
- Dĩ nhiên, nếu không thì hôm nay chưa chắc chúng mình đã cùng ngồi uống cà phê tại đây.

Võ Văn thú nhận, lần đầu tiên anh ta thấm mùi vị tình yêu và định làm ngọn đuốc sống để người ta hiểu được tình cảm của anh.
Tôi hỏi:

- Anh đã được gì trong tình yêu ấy, một khi người ta không có chút tình cảm nào với mình, một khi sự liều lĩnh của mình chỉ làm trò cười cho thiên hạ?
Sau hai tiếng đồng hồ tâm sự. Võ Văn hối hận trước ý nghĩ còn trẻ con của mình. Anh ta nắm tay tôi, tỏ thiện cảm:

- Cám ơn anh đã cứu giúp tôi.
- Cả cô gái đã “lỡ bước sang ngang” nữa chớ!
Cuộc chia tay vui vẻ.

Một tuần lễ sau, Võ Văn đến tìm tôi, trên tay cầm chiếc phong bì lớn, còn dán kín. Anh ta cười, nói rất hồn nhiên:

- Quà của cô Trinh gởi cho tôi, cô mới về thăm nhà.
Tôi mở phong bì ra xem, trong đó đựng toàn là tro. Tro của hai trăm lá thư tình mà anh chàng hàng xóm đã viết cho cô gái xinh đẹp trong suốt tám tháng trời!
Trần Tử Văn





Tòa Mỹ: Cựu LM Việt Bồi Thường 84,450 Đô
(01/20/2012) (Xem: 949)
Tòa Mỹ: Cựu LM Việt Bồi Thường 84,450 Đô, Lấy từ xứ đạo Đức Mẹ La Vang, Đức Mẹ VN ở VA

NORFOLK, VA. -- Một cựu linh mục của 2 nhà thờ Công Giáo Việt Nam hôm 19-1-2012 đã nhận tội biển thủ 84,450 đôla từ giáo phận.
Cựu LM Joseph Quoc Hai Nguyen nhìn nhận rằng ông đã lấy tiền từ giaó phận Richmond từ năm 2003 tới 2008. Hai Nguyen, 66 tuổi, đã lãnh đaọ 2 giáo xứ Đức Mẹ La Vang ở Norfolk và Đức Mẹ Việt Nam ở Hampton, theo hồ sơ tòa.
Ra tòa ngày 19-1-2012, ông Hai Nguyen trao cho giáo phận tờ chi phiếu tiền mặt đầy đủ khoản tiền đã biển thủ. Ông bị kết 4 tội biển thủ cấp đaị hình và bị một án treo. Ông sẽ không vào tù nếu vẫn hành xử đúng quy định trong khi quản thúc với án treo.
Hai Nguyen trở về từ Texas. nơi ông về hưu, để ra tòa Virginia.
Luật sư của Hai Nguyen là Robert Morecock nói thân chủ của ông đã sám hối, và trước kia chưa từng có tiền án.
Công tố John Dunlap nói giáo phận đã đồng ý với bản án, và đương sự đã bồi thường đầy đủ.
Sarah Rabin, giám đốc tài chánh của giaó phận, nói tiền này sẽ hoàn trả 2 nhà thờ.
Hai Nguyen đã về hưu từ giáo phận này tháng 10-2008. Nhưng cuộc kiểm toán thường lệ hồ sơ tài chánh của 2 nhà thờ đã khám phá các ra chi phí khả nghi.

1 comment:

  1. CALLING ON THE NAME OF THE LORD?

    What is the meaning of calling on the name of the Lord? Many assume that believing in Jesus and saying a form of a sinner's prayer constitutes, calling on the name of the Lord. The problem with that theory is none of the conversions under the New Covenant support that assumption. Not one time is anyone ever told to believe and say the sinner's prayer in order to be saved.

    The apostle Peter on the Day of Pentecost quoted the prophet Joel, Acts 2:21 And it shall come to pass that whoever calls on the name of the Lord shall be saved." (NKJV)

    The apostle Peter preached the first gospel sermon under the New Covenant. Peter did not tell the 3000 converts to believe and say the sinner's prayer.

    Peter preached the death, burial, and resurrection of Jesus. He preached Jesus as both Lord and Christ. When they heard this they asked Peter and the rest of the brethren what they should do?(Acts 2:22-37) Peter told them what to do. Acts 2:38 Peter said to them, "Repent, and let every one of you be baptized in the name of Jesus Christ for the remission of sins; and you shall receive the gift of the Holy Spirit.(NKJV)

    How did the 3000 on the Day of Pentecost call on the name of the Lord and become saved?
    1. They believed that Jesus was both Lord and Christ.
    2. They believed that God raised Jesus from the grave.
    3. They repented. Repentance is a change of heart. Repentance means to be converted so that God may forgive your sins. Repentance is to make the intellectual commitment to turn from sin and turn toward God. (Acts 3:19, Acts 2:38)
    4. They were immersed in water (baptized) so that their sins could be forgiven.

    How did the 3000 on the Day of Pentecost not call on the name of the Lord?
    1. They did not say a sinner's prayer.
    2. Not one person was asked to pray for forgiveness.
    3. Not one single man was told to be baptized as a testimony of his faith.
    4. No one was told that water baptism was a just an act of obedience.
    5. No one was informed they were saved the very minute they believed.
    6. Not one person was told that water baptism was not essential for the forgiveness of sins.
    7. Not one person was told to be baptized so they could join a denominational church.

    Jesus said he that believes and is baptized shall be saved. (Mark 16"16) Jesus did not say he who believes and says a sinner's prayer shall be saved.


    You ARE INVITED TO READ MY BLOG POSTINGS--Steve Finnell

    ReplyDelete