Sunday, June 13, 2010

Một người thân không cùng màu da và tiếng nói

Nguyễn thị Lộc-Tưởng: Một người thân không cùng màu da và tiếng nói
By anlac • Jun 15th, 2008 • Category: Bút Ký

Cũng như bao nhiêu gia đình tị nạn khác chúng tôi tới Boston với 2 bàn tay trắng, phó thác số phận của mình cho vận mạng “may nhờ rủi chịu”. Có người không may gặp phải người bảo lãnh “hắc ám” dù là người Việt với nhau cũng bị lường gạt lợi dụng. Nếu gặp người làm ruộng (farm) “rước về” thì khổ dài dài, suốt ngày chà lết với đám dâu, bụi cải, họ không bóc lột, trả lương sòng phẳng, chỉ khổ sau khi trừ tiền ăn tiền ở thì chẳng còn được bao nhiêu, tối nghe dế kêu, sáng nghe gà gáy chẳng khác gì đi “vùng kinh tế mới” nó buồn thê thảm, đã là nông dân thì ở bất cứ quốc gia nào văn minh hay hủ lậu họ sống kham khổ, xài tiền rất chừng mực, bản thân họ đã tiện tặn thì người được họ bảo lãnh làm sao thảnh thơi. Cũng có người may mắn được người bảo trợ giúp đở tận tình lo nhà cửa công ăn việc làm. Tôi có người bạn được một gia đình trung lưu bảo lãnh, họ dành tầng trên cùng của căn nhà cho gia đình 3 người của anh tạm trú một vài tháng, anh đến ngày thứ sáu, từ phi trường về nhà họ ghé nhà hàng Tàu cho gia đình anh ăn cơm, cuối tuần họ mời bè bạn tới nhà giới thiệu cho anh làm quen với hàng xóm. Sáng thứ hai anh theo ông ta đi làm trong hãng cắt kiếng, việc làm không có gì khó khăn, mấy giờ đầu làm việc anh rất hài lòng, nhưng tới giờ ăn trưa anh đói xanh mặt, người bảo lãnh vừa hỏi vừa ra dấu “Mầy ăn chưa ?”, anh lắc đầu. Anh đâu biết là đi làm ở đây phải mang theo “cơm”, chứ không như ở VN giờ nghỉ trưa ra quán “làm” một dĩa cơm sườn, uống ly cà phê đá. Còn anh Mỹ thì cứ nghĩ ai cũng biết chuyện đi làm phải mang theo đồ ăn, thế là ông phải nhường phần ăn của mình cho anh.
Trường hợp gia đình tôi hơi đặc biệt, sau khi đến Boston được vài tháng, vô tình tôi gặp lại người cùng xóm qua trước không bao lâu, anh ta nhìn lầm cứ ngỡ tôi là “Thu Hồng” một người bạn mà cũng là bà con xa. Thế là chúng tôi có thêm bè bạn ngoài những người cùng chung sống ở “chung cư”. Trong số bè bạn của anh này có một cô người Thái làm nghề “house keeping”, cô giới thiệu cho Đông và một cậu độc thân lau chùi văn phòng sau giờ làm việc tại hãng do “thân chủ” cô làm chủ (Cậu em này chỉ làm vài tháng đến khi Đông mua được xe có thể đi một mình thì cậu nghỉ vì phải đi học). Còn phần tôi thì “clean” cho một nhà giàu sau giờ học (2- 5 chiều), vì họ cần có người lớn ở nhà khi 2 cậu con trai đi học về (có buồn không, con mình đi học về phải ở YMCA, mình vì tiền đi coi con thiên hạ, tính toán quá kỹ vì “income” thấp trả tiền cho con “after school” chỉ có vài chục một tuần không bằng tiền lương một ngày, cuối năm khai thuế được nhà nước cho thêm thì còn gì bằng, bây giờ nghĩ lại thấy mình vô trách nhiệm, cũng may con cái không hư, mới qua nghèo quá, làm ra tiền ai mà không ham).
Nơi Đông “cờ lin” có ông chủ trẻ tên Austin W. Burke, ông là con trai út trong gia đình có 4 anh em, 3 trai một gái (người anh lớn qua đời), ông cùng người anh kế cai quản xí nghiệp ông cha để lại (hãng đại lý beer Miller và một vài loại beer nước ngoài cho vùng New England), ông rất thich lính, trong nhà ông có rất nhiều mô hình về những trận đánh nổi tiếng trên thế giới của thời đệ nhất và đệ nhị thế chiến. Ông suýt tí là lính Mỹ ở VN, ông rất buồn vì miền Nam VN thất thủ, ông theo dõi tình cảnh của thuyền nhân Việt Nam, khi biết Đông từ VN mới tới hình như có sợi dây vô hình nào đó ràng buộc, sau giờ làm việc cứ là cà để nói chuyện với Đông (phần lớn nhờ thằng em làm thông dịch) sau cùng ông đề nghị Đông đưa tôi đến nhà ông để tiếp bà vợ dọn dẹp mỗi tuần vào ngày thứ bảy, nói là đi dọn dẹp chứ thật ra nhà cửa họ sạch sẽ, chỉ giúp bà hút bụi, khoảng 2, 3 chục phút là xong, thời gian còn lại ông dạy chúng tôi tiếng anh hoặc nói về VN, lúc đầu chỉ có vợ chồng tôi, sau đó cả gia đình đến nhà ông mỗi tuần, mấy đứa nhỏ tha hồ lội với con ông ở hồ tắm sau nhà. Ông thương chúng như con, con ông coi chúng như em, biết chúng tôi không phải là người công giáo, nhưng lễ Easter mấy đứa nhỏ cũng được giỏ trứng. Ngày Noel thì bọn chúng được quà, tết Việt Nam thì ông lì xì để chúng không quên tục lệ quê hương.
Ông có lối sống hết sức là giản dị, nhiều người cho là ông bà quá hà tiện khi nghe tôi kể ngày sinh nhật 18 tuổi thằng con trai duy nhất xin mua cái áo da 250 đô, bà không đồng ý, khuyên con chờ 2 năm nữa chứ bây giờ đang lớn mua chỉ bận được 1,2 lần rồi bỏ. Trong khi đó ông bà không tiếc khi cho vợ chồng tôi 250 mỗi Noel và 50 đô mỗi tuần để nói dóc nhiều hơn làm. Hai đứa con gái sinh đôi của ông bà mãi tới ngày đi dự dạ hội ở trường năm học lớp 11 mới được mặc cái áo đầm mắc tiền (nhưng đến khi ra trường đại học bà tặng cho chiếc xe Mercedes).
Nếu các ông có bà xã không thích chạy xe trên xa lộ, xin thông cảm cho người “bạn già” của mình vì chúng ta từ một xứ ít xe cộ, nhưng nếu so sánh với bà vợ của ông thì bà già VN mình đáng khen thưởng hơn vì bà chẳng những không thích lái trên xa lộ mà còn không chịu ngồi trên xe cho người khác lái, bà thà tốn xăng đi một vòng để tránh quẹo trái. Họ có nhà nghỉ mát ở Vermont, muốn đi tới nơi phải đi thật sớm tránh giờ cao điểm chạy “lane” trong với vận tốc chậm nhất theo luật (lẹ nhất 65 chậm nhất 45). Còn ông sau khi thoát chết vì chuyến máy bay ông đi bị bão tuyết lúc còn trẻ, ông không bao giờ đi máy bay, vì thế họ chỉ đi vacation nơi nào có xe lửa hoặc du thuyền. Họ thường đi xe lửa xuống Florida sau đó đi du thuyền tới các nước lân cận. Bà kể khi gia đình đi Âu châu (đi xe lửa xuống New York sau đó đi du thuyền qua Âu Châu, lần đầu đi 7 tuần khoảng năm 1976, vài năm sau đi lần thứ nhì 5 tuần, phải mất 6 ngày đi và 6 ngày về trên tàu), khi tàu cập bến ở Anh 1 tuần, gia đình ông ở Hotel, để tiện việc đi đó đi đây hơn nữa ở tàu lâu quá đâm ra chán, có một lần sau khi đi chơi về, anh gác cổng Hotel không cho họ vào, yêu cầu họ đi cửa sau. Ông hỏi tại sao, anh kênh cái mặt trả lời “cửa này dành cho khách hạng sang”. Ông yêu cầu gặp manager, khi người manager gặp họ xin lỗi lia lịa, anh gác cổng há mồm không ngờ những người ăn mặc không “Ăng Lê” chút nào lại dám mướn phòng gần cả ngàn đồng một đêm.
Ngày xưa mỗi năm ông bà tổ chức tiệc Noel ở nhà đãi bè bạn và nhân viên cao cấp trong hãng, chúng tôi tiếp bà một tay trang trí nhà cửa và nấu thêm cơm chiên, chả giò (bà đặt đồ ăn và người chiêu đãi từ nhà hàng đến phục vụ khách), khi tiệc sắp bắt đầu chúng tôi ra về, có lần ông bà tìm mọi cách không cho chúng tôi đi. Ông giới thiệu với mọi người chúng tôi từ VN tới, đa số Mỹ da trắng nhà giàu rất khinh người nhưng khinh lịch sự không tỏ thái độ, thấy ông săn đón chúng tôi, bọn họ trố mắt nhìn, nhất là người anh rể của ông, một luật sư kiêm giáo sư trường đại học, những người làm trong hãng ông không cần giới thiệu vì ai mà không biết vợ chồng thằng “cờ lin”. Thái độ của ông làm cái mặc cảm nghèo khó của chúng tôi không còn nữa, từ đó mỗi năm cả gia đình tôi đều dự tiệc nhà ông. Tôi nhớ vào khoảng năm 1983 đứa con gái út của ông lúc đó học lớp 6 (bây giờ nó là luật sư) mất căn bản toán đại số, ông rước thầy về dạy, ông thầy giỏi quá nói “thao thao bất tuyệt” càng nói con bé càng không hiểu, nó khóc lóc đòi nghỉ học, tôi kêu nó đưa bài tôi chỉ cho. Tôi nói với nó hồi nhỏ tôi học toán đại số, thầy không bao giờ giải thích tại sao, chỉ biết hễ bên nầy cộng đem qua bên kia thành trừ, hễ bên kia chia đem qua bên này thành nhơn, nó hỏi tại sao, tôi trả lời “Bây giờ mầy còn nhỏ không cần biết tại sao chỉ cần biết kết quả đúng là được rồi, khi lớn lên sẽ hiểu tại sao” (nói cho qua vì cả tôi cũng không hiểu tại sao), những bài toán 1, 2 ẩn số quá dễ, hơn nữa lúc đó tôi cũng đang học toán ở trường, một công hai việc. Nó theo phương pháp cổ truyền của người Việt, giải được bài toán khó, từ từ có căn bản toán, không còn sợ nữa.
Đến cuối năm 1983, Đông nói với ông không đi học nữa, dự định học lái xe truck, ông nói: “Lái xe truck mầy phải xuyên bang bỏ vợ con ở nhà cho ai, để tao tính cho”. Thế là vài tuần sau ông kêu Đông kiếm người thế chỗ “cờ lin”, vào hãng làm chính thức (ca nhì), cứ tưởng chỉ làm công nhân thường nhưng khi nhận job ổng giới thiệu với mọi người “training supervisor”, có người than với ổng “Nó nói tao không hiểu” ông trả lời “Nó nói mầy không hiểu nhưng tao hiểu, nghe riết rồi quen”. Sau khi Đông nhận job hãng càng ngày càng phát triển, Đông gọi một số công nhân người Việt, người Việt mình làm việc siêng năng hơn Mỹ nên ông rất thích, tuy nhiên Đông cũng gặp một vài bực mình, đôi khi phải đứng giữa 2 áp lực: Mỹ thì kỳ thị, Việt Nam mình thì họ lại nghĩ nhờ có họ Đông mới có Job, thằng boss Mỹ sai thì họ chạy như chết, Đông kêu làm thì họ ầm ừ cho qua, khi gặp khó khăn thì năn nỉ nói dùm (cũng may số người này không có bao nhiêu), lúc Đông nằm bịnh viện mổ phổi gần 2 tháng công nhân Mỹ đến thăm mỗi ngày, nói dóc cười giỡn báo cáo tình hình trong kho, còn mấy anh Việt Nam không thấy người nào tới, không chừng họ còn vái đừng trở lại để họ có cơ hội “thế chỗ”. Thật ra đó là vì mình giận nói vậy, chớ người Việt mình đâu quá tệ, có lẽ có sợ vào bịnh viện gặp xui, chứ mấy năm gần đây đôi khi gặp người lạ họ tay bắt mặt mừng vui vẻ nói: “anh quên tôi rồi sao, hồi đó tôi làm với anh, thằng… đi chung với thằng… nhớ chưa cha?”. Cách đây 2 tuần, có người chận vợ chồng tôi trước chợ Tàu hỏi: “Xin lỗi chú phải chú Đông Redemco không?”. Đông gật đầu, thế là ôi thôi trăm truyện đổ ra… “Chú nhớ thằng Tuấn ‘Hà Nội’ không? Cái thằng mà em chút nữa là đánh lộn với nó về chuyện Nguyễn văn Trỗi đó … Mới gặp nó trong chợ, nó đóng sàn gỗ giàu lắm, nó bây giờ nói “Đế Quốc Mỹ muôn năm” chớ không còn “Bác muôn năm”. Tôi chợt nhớ có lần Đông kể cho tôi nghe chuyện xảy ra trong hãng, một công nhân Miền Nam hỏi một công nhân miền Bắc khi NVT “lấy thân chèn pháo” anh ta nói gì. Anh Miền Bắc trả lời NVT nói: “HCM muôn năm”, anh Miền Nam cãi lại “không đâu hắn nói: Địch mẹ thằng nào xô ông đấy”, thế là 2 bên xung đột, cũng may không xảy ra chuyện lớn. Lúc đó ông kêu Đông lên văn phòng, sau khi hỏi đầu đuôi, ông vừa cười vừa nói: “Lần sau nhận người nên cẩn thận, chỉ nhận một bên dễ làm việc”.
Trong ngày lễ Anniversary 40 năm của ông bà cách đây 2 năm (2005), con ông âm thầm mời những người bạn cũ của ông bà ngày xưa để ông bà ngạc nhiên. Đây cũng là cơ hội vợ chồng tôi gặp lại những người quen biết của cái thời “cờ lin”. Nhìn họ xơ xác, than thân trách phận mà thấy tội. Cuộc đời đâu ai biết được ngày mai sẽ ra sao, “Nhân định khó thắng Thiên”, ai cũng có cái số, có ai muốn nghèo, muốn khổ đâu. Tôi thường nghĩ những gì tôi có ngày hôm nay không phải “hay” mà là “hên”. Cũng như ông, hôm thứ năm lễ “Gà Tây” chúng tôi gặp ông, thấy ông quá ốm, hình ảnh Châu văn Xuân, thằng rể của bà suôi vừa mới qua đời làm tôi lo sợ, tôi khuyên ông đi bịnh viện đừng để như Xuân. Ông cười nói “tụi bây lo quá, tao không sao đâu, kể chuyện tụi bây đi VN, chuyện Uyển ở Úc cho tao nghe”. Trong lòng cũng không yên, tối chúa nhật tôi gọi ông với dự định sẽ đưa ông đi khám bịnh ở Boston sáng thứ hai, bà trả lời điện thoại trong nước mắt, ông đang ở bịnh viện, bác sĩ cho biết ông bị ung thư phổi và gan. Tin ông bịnh làm tôi bàng hoàng, không ngờ điều chúng tôi lo lắng đã thành sự thật. Cũng vì bà không dám đi xa lộ, ông không muốn bà gặp khó khăn khi thăm nuôi nên chọn cái bịnh viện gần nhà, một bịnh viện tệ nhất ở Massachusetts vào đó thì chỉ có chờ chết thôi. Sau nhiều ngày và nhiều người khuyên luôn cả một bác sĩ trẻ nói nhỏ với ông “Tao là mầy tao đã rời bệnh viện này lâu rồi”, ông đồng ý đi nơi khác thì lại gặp bao nhiêu phiền phức giấy tờ. Sau cùng ông cũng rời bệnh viện địa phương hồi tối, xe cứu thương đưa ông đến bệnh viện nổi tiếng ở Boston bằng xa lộ, chúng tôi dẫn đường cho bà và 2 cô con gái tới nơi bằng đường nhỏ. Chúng tôi tới sau ông gần 2 tiếng đồng hồ vì đường nhỏ có nhiều đèn xanh đèn đỏ, lại ban đêm, sợ họ không theo kịp sẽ lạc, Boston lúc này không an toàn, lạc vô vùng Mỹ đen thì rủi nhiều may ít. Bệnh viện quá lớn muốn tìm ra chỗ đậu xe và chỗ ông nằm cũng hơn nửa tiếng. Không hiểu sao lúc này người ta bị ung thư nhiều quá, có thể vì khí hậu ô nhiễm hay thức ăn có nhiều hoá chất, khu trị ung thư có hơn 2 trăm giường, thế mà không có phòng trống, luôn cả phòng đặc biệt trả thêm 350 đô một ngày, loại phòng này có thêm giường cho người nuôi. Ông phải nằm chung phòng với bịnh nhân khác, bà phải nằm ngủ lang thang nơi phòng thăm, dù ông bà có thật nhiều tiền cũng phải bù lăng bù lóc trong bệnh viện như bao nhiêu người nghèo khác, đủ thấy câu “Có tiền mua tiên cũng được” không còn đúng.
Gần 25 năm tình như ruột thịt, ông chưa từng tới Việt Nam, chưa đặt chân tới Châu Đốc nhưng ông biết ở Châu Đốc có Trường trung học Thủ Khoa Nghĩa, có núi Sam, có bảy núi (dù nói tên không trúng giọng), có Đại Hội Châu Đốc hằng năm (CĐ Reunion) những đề tài nầy khi gặp nhau cứ lập đi lập lại không chán. Bây giờ nhìn ông trên giường bệnh, đang “vật lộn” với tử thần, tôi chỉ biết cầu trời phật phù hộ cho ông qua cơn khổ ải.
Nguyễn thị Lộc Tưởng
ThatSonChauDoc.com

No comments:

Post a Comment