Sunday, June 13, 2010

Cuộc Hội Ngộ, và Lòng Biết Ơn

Hoàng Định Nam: Cuộc Hội Ngộ, và Lòng Biết Ơn
By anlac • Oct 12th, 2008 • Category: Bút Ký

Dallas những ngày đầu Thu, thời tiết thật tuyệt vời.
Và Dallas đang đón tiếp những người tù chính trị năm xưa trong cái se lạnh buổi sáng và ấm áp dịu dàng khi nắng lên. Gió mùa Thu không hắt hiu gợi những đau thương tràn ngập trong một quãng đời trầm luân dưới tận cùng địa ngục. Mà gió Thu như mơn man những tình cảm êm đềm cho khách đến từ phương xa, cho một tình tri ngộ và biết ơn .
Những người khách của Dallas, đến từ mọi nơi xa xôi, kể cả từ nước khác như Pháp, Canada….Họ đến bằng máy bay, bằng xe hơi. Rất tốn kém, trong bối cảnh kinh tế Mỹ và kinh tế toàn cầu đi xuống.Với phí tổn tiền xăng, tiền ăn ở khách sạn. Họ cũng không còn tràn đầy sinh lực của một thời tuổi trẻ. Mắt mờ chân yếu. Vậy mà có chiếc xe chất lên năm bảy ông già trên dưới bảy mươi, lái không biết bao nhiêu tiếng đồng hồ, băng qua không biết bao nhiêu là xa lộ mênh mông, thăm thẳm của nước Mỹ; mà người trẻ nhất, làm tài xế, đã là sáu mươi mấy tuổi. Rất nhiều vị đi cùng người vợ, mà trên gương mặt dù tươi tắn, nhưng dấu tích những mùa phong ba cùng chồng còn in đậm, không phai.Tóc đã bạc, lòng vẫn còn nồng.
Không phải ai cũng có bạn bè đang định cư ở Dallas để nhân dịp đến thăm chơi. Có khi họ đến để mong gặp lại những bạn bè thất tán. Chính tấm lòng là động lực mạnh nhất thúc đẩy. Cho dù có những người khách, lưng đã còng, chân đã mõi, qua bao nhiêu bão tố, từ chiến tranh đến ngục tù và sau đó lưu vong không biết bao giờ mới dứt. Cuộc đời lưu vong nơi đất khách quê người, nơi đây, cùng gia đình, họ đã ươm những mầm hy vọng tái tạo một cuộc sống xứng đáng với nhân phẩm của con người, trên quê hương thứ hai, nơi mà cha ông chưa từng góp vào một giọt máu, chưa từng góp vào một giọt mồ hôi .
Tôi thật sự kính trọng, khâm phục cái công khó của những vị khách phương xa đó. Văn nghệ có là gì, quí vị ấy có thể nằm nhà xem DVD, những chương trình ca nhạc hoành tráng gấp trăm lần. Bửa ăn được chiêu đãi chưa đủ tiện nghi, có là gì; ở nhà quí vị cũng có mâm cao cổ đầy. Vâng, nhưng những con người đã được sinh ra và lớn lên, từ thơ ấu, đã cùng thấm đẫm câu ca dao, tục ngữ mang hồn dân tộc:
“ Ăn trái nhớ kẻ trồng cây”
thì cùng mang tâm tình đó đến Dallas hội ngộ là một thôi thúc khó cưỡng.
Quá dư thừa, nếu cứ nói mãi là nếu không có chương trình ra đi có trật tự ODP mà trong đó có luôn chương trình tái định cư người tù chính trị, thì muôn đời chúng ta và gia đình sẽ như thế nào trong một chế độ mà bao nhiêu quyền lợi đều ưu tiên dành cho ” gia đình cách mạng” hay ” công nhân viên chức nhà nước”. Ngay đến, chỉ là công nhân, chỉ là cu ly, mà nhà nước công sản cũng chỉ dành ưu tiên cho gia đình liệt sĩ, cách mạng…thì chúng ta sống ra sao, nói chi đến tương lai. Và cũng quá sai lầm, hoang tưởng nếu tự cho rằng những người bại trận, bị đày ải trong các quần đảo Gulag Việt Nam kia có một giá trị hữu dụng mà chính phủ Hoa Kỳ phải bằng mọi giá, can thiệp cho họ được trả tự do và mang họ về đất Mỹ để chăm sóc, cùng với gia đình của họ.
Phải có những con người, phải có những tấm lòng, phải có những tiếng nói khuấy động lên được tấm lòng nhân đạo trong những con người chính trị lạnh lùng đương thời của chính quyền Mỹ.
Quá nhiều tài liệu lưu trữ trong trang mạng Viện Đại Học Texas Tech, để cho ai có một chút lòng, thật sự muốn tìm hiểu, Hội Gia Đình Tù Nhân Chính Trị Việt Nam(The Famillies of Vietnamese Political Prisoners Association- viết tắt FVPPA) đã làm gì để giúp cho các người cựu tù nhân chính trị đang ở Việt Nam. Những ai nghi ngờ xin hãy cứ vào đó để thấy tận mắt. Và đương nhiên không ai chối cải, chính phủ Hoa Kỳ, nhân dân Hoa Kỳ là ân nhân của chúng ta.
Những con người từng ngang dọc một thời, sống như những anh hùng da ngựa bọc thây, sẵn sàng mang sinh mạng ra để bảo vệ tự do cho người khác, thì càng phải ân oán phân minh.
Cũng là tục ngữ mang hồn dân tộc
“Môt miếng khi đói bằng một gói khi no”
Huống chi khi cái chết gần kề mà chung quanh là tuyệt lộ. Lại được những bàn tay đưa ra cứu vớt.
Những người mà cưụ Tổng Thống Ronald Reagan đã nói với bà Khúc Minh Thơ rằng: “ Những người anh hùng Việt Nam sẽ không bao giờ bị bỏ quên”.Và, giọt nước mắt đã bật trào ra, tiếng khóc nghẹn ngào vui sướng từ trái tim của bà Khúc Minh Thơ đã bật trào ra. Chỉ giọt nước mắt đó không thôi, cũng đủ làm dịu bao nhiêu đau thương chồng chất lên bao gia đình người tù năm xưa, nếu tấm lòng ai đủ mềm mại tình người và nhân cách để thẩm thấu. Huống chi, bà cùng bao nhiêu vị phụ nữ trong Gia Đình Tù Nhân Chính Trị, thời bấy giờ, đã bỏ ra biết bao công sức, nào là gặp gỡ các giới chức thẩm quyền trong chính quyền Hoa Kỳ, và nào là nói ra sao để họ động lòng. Bởi chính sách tái định cư tù cải tạo ở Việt Nam không hề có sẵn trong luật pháp, hiến pháp gì của Mỹ cả. Bà Khúc Minh Thơ đã làm rung động được trái tim của toàn thể quốc hội Hoa Kỳ, để họ đồng ủng hộ mà đưa ra một nghị quyết và chuẩn chi ngân sách để thực hiện.
Những ngày ấy, tiền không túi rỗng, lao đao khốn khó từng ngày để kiếm miếng ăn tại Việt Nam, tên bà Khúc Minh Thơ và Hội Gia Đình Tù Nhân Chính Trị Việt Nam là một trong những niếm hy vọng của chúng tôi. Là ánh sáng cuối đường hầm của chúng tôi. Nhưng thật sự mà nói, thông tin chỉ là truyền miệng. Chúng tôi không tường tận những gì về những hoạt động của Hội Gia Đình Tù Nhân Chính Trị Việt Nam.
Sau khi đặt chân đến đất Mỹ, vội vàng lao vào cuộc kiếm sống và tương lai cho con cái, chúng tôi thật sự quên lãng làm thế nào mình được đến đây. Có chăng là những gì trước mắt cần phải biết và phải cám ơn, như ai đưa đón chúng tôi tại phi trường, ai chở đi làm giấy tờ, ai thông dịch khi đi bệnh viện, ai giúp điền đơn xin wellfaire, ai giúp kiếm việc làm…
Những vị ân nhân đầu tiên, chúng tôi thực sự quên lãng. Mang ơn rồi quên lãng, không là nhân cách của một con người, huống chi là nhân cách những con người được tổng thống Reagan gọi đó là anh hùng .
Dịp này , thêm một lần nữa, phải mang ơn những ai đã cung cấp những thông tin trên báo chí, trên diễn đàn internet, để chúng tôi biết rõ, ai là ân nhân của mình. Xin cám ơn các vị, những bài viết từ Huy Phương, Nguyễn ngọc Chấn,Vi Anh, Giao Chỉ( cựu đại tá Vũ Văn Lộc. Hiện nay ông là giám đốc viện bảo tàng Thuyền Nhân Việt Nam tại Sanjosé) và tất cả các tài liệu được sưu tầm từ những tờ báo địa phương như Người Viêt Dallas, Trẻ Magazine (Nhật Hoàng và Đinh Yên Thảo). Chúng tôi tin tưởng vào nhân cách viết văn của các vị trên, nên chúng tôi tin vào những chứng cứ, cũng như chúng tôi tin vào những chứng cứ nên tin vào giá trị cầm bút của các vị.
Truy tìm những bằng chứng lịch sữ để biết ai là ân nhân, đó là một việc không thể không làm, nếu ai quả thật có một trái tim. Một giọt nước mắt nhỏ xuống chia xẻ buồn vui cho mình, mình không thể quên, huống chi chính họ là những người góp một bàn tay thay đổi vận mạng của mình.
Trong Dallas có biết bao nhiêu hôi đoàn đã tuyên bố bất hợp tác với ngày hội ngộ Cựu Tù Nhân Chính Trị do bà KHúc Minh Thơ tổ chức. Nhưng đồng thời, cũng có rất nhiều hội đoàn khác, và cũng có không biết bao nhiêu là thiện nguyện viên, mà trong đó không biết bao nhiêu là người không hề là cưụ tù nhân chính trị, đã đến giúp ban tổ chức. Giúp một cách thầm lặng. Họ tình nguyện ra phi trường đưa đón khách phương xa, họ tình nguyện chứa khách trong nhà. Họ tình nguyện đi dán bích chương, giăng cờ, trang trí sân khấu và vô số công việc linh tinh khác. Người ta chỉ biết những người nổi bật như ông Đặng Hiếu Sinh, Bà Angie Hồ Quang, ông Thái Hoá Lộc. Nhưng nếu chỉ có mấy người đó không thôi, chẳng làm gì được cả. Nên trong ba ngày hội ngộ 3,4 và 5 tháng 10, 2008 này, phải nói là thật hoành tráng, ít sơ sót nhất.
Những đóng góp của Hội Quảng Đà DFW không nhỏ. Bửa ăn trưa picnic chiêu đãi cho hàng ngàn người mà chỉ do những người phụ nữ trong hội đảm trách, từ bỏ tiền ra nấu nướng đến phục vụ. Những phụ nữ này, có người là vợ con của những cựu tù nhân chính trị, có người không. Có người chỉ là bạn bè. Những thiện nguyện viên mà hội QĐ nhờ cậy, trong toán đồng phục, là những em Sinh viên, có em nói tiếng việt không rành, và có em chỉ là bạn với các cháu trong hội thôi. Vậy mà, trong khi quan khách ăn uống vui vẻ, các em lặng lẽ dọn dẹp, lượm rác. Bigtro là một tiệm ăn ở Dallas, cũng tặng cho Đêm Tấm Tình là đêm thứ 2 của ba ngày hội ngộ một ngàn phần ăn. Người chủ nhà hàng nầy cũng không là cựu tù nhân chính trị.
Trong đêm văn nghệ mang tên Ba Hình Ảnh, Một Cuộc Đời Của Cựu Tù Nhân Chính Trị là đêm thứ ba của 3 ngày hội ngộ, Việt Dzũng rưng rưng nói, rồi chúng ta sẽ không còn nữa, kẻ trước nguời sau, sẽ ra đi, nhưng bây giờ hãy cư xử với nhau bằng trái tim. Câu này ngụ ý nhắn gởi những cá nhân nào đã lên tiếng hay những ai đã chạy theo lời kêu gọi bất hợp tác với ngày hội ngộ này hãy nghĩ đến cái tình với nhau.
Trong nghi lễ buổi sáng cùng ngày, nữ khoa học gia Dương Nguyệt Ánh có phát biểu rằng tôi không bao giờ quên ơn những người đã chiến đấu và chết cho tự do, nhất là tự do của người khác, khi cô bày tỏ lòng tri ân đối với năm mưới tám ngàn quân nhân Mỹ đã hy sinh tại Việt Nam. Cô cũng cám ơn những người cựu tù nhân bị lưu đày trong các trại cải tạo, và những người đã nằm xuống vì chiến đấu cho sự tự do an bình của miền Nam VN trong đó có gia đình cô và cá nhân cô, ngay cả cho gia đình cô được di tản an lành đến bến bờ tự do ngày 30 tháng Tư năm Bảy lăm. Họ ở lại để gia đình cô được ra đi. Khi ấy cô mới 15 tuổi. Các bạn có nghe trái tim mình thắt lại khi nghe những lời ấy không, từ một người thuộc thế hệ thứ hai.
Ban tổ chức mời cô tới tham dự và phát biểu để vinh danh những người cựu tù nhân chính trị, để vinh danh người lính Mỹ. Ban Tổ Chức không mời cô tới để vinh danh bà Khúc Minh Thơ. Nói lên một lời tri ân với bà Khúc Minh Thơ, cùng hội Gia ĐìnhTù Nhân Chính Trị Việt Nam, là tiếng lòng của những ai còn biết đến ơn nghĩa. Là của tôi. Là của bạn.
Hàng mấy ngàn người tham dự, không phải ai cũng có dịp nói lời cám ơn với bà, và càng không bao giờ trả hết ơn nghĩa cho bà, nhưng sự có mặt thầm lặng là cách duy nhất ai cũng làm được, để nói lên lời cám ơn với một trong những ân nhân của mình, dù không thật biết hết những gì bà đã làm năm xưa cho mình và gia đình.
Một giọt nước mắt nhỏ xuống chia xẻ buồn vui, còn không thể quên, huống chi một ân nghĩa, không ít thì nhiều, đã thay đổi được cuộc đời của mình và gia đình, không nhiều thì ít .
Ngày Chủ Nhật 05/10/08
HĐN

No comments:

Post a Comment