Sunday, June 13, 2010

Danke Deutschland,Danke Cap Anamur

Đào Vũ Anh Hùng: Danke Deutschland,Danke Cap Anamur
By anlac • Oct 1st, 2009 • Category: Bút Ký

Tôi là người từ xa đến, lần đầu đặt chân lên đất nước Cộng hòa Liên bang Đức. Nơi đến là thương cảng Hamburg, lớn nhất quốc gia này – được mệnh danh là cửa ngõ thông thương với thế giới – đứng hạng thứ nhì Âu châu sau Rotterdam của Hòa Lan.
Đến từ bên kia quả đất, nhưng tôi không hề mang cảm giác lạ lẫm với cảnh với người ở Hamburg. Cảnh, thì bất cứ nơi nào không không phải quê hương mình, đối với tôi, cũng vậy vậy thôi, dù đẹp đẽ, sang trọng, vĩ đại đến ngần nào, văn minh tiến bộ đến ngần nào, cũng không thể bằng “Chốn quê hương đẹp hơn cả”, Quốc Văn Giáo Khoa Thư nhắc nhở. Người Việt ở đây, thì dù đa số không thân biết nhưng tôi thấy gần gụi, dễ dàng quen thuộc qua ánh mắt, nụ cười phát tỏa thứ tình gọi là tình nghĩa đồng bào, tình lân mẫn của người chung một nước.
Tôi đến địa điểm đặt tượng đài rất sớm, đi với vài người bạn trước giờ khai mạc buổi lễ đến bốn tiếng đồng hồ, người dự còn thưa thớt. Trời chớm vào thu, trong xanh, ngập nắng. Nắng đẹp dịu dàng. Không khí gây gấy lạnh. Buổi mai gió mát vờn đùa trên những ngọn cây, quyến luyến những lá cờ rực rỡ bay hoan hỉ trên nền xanh cây lá. Gió cũng nhẹ nhàng uốn lượn quấn quit những tà áo dài thiếu nữ Việt Nam trong ban tổ chức đến sớm sửa soạn cho buổi lễ… Hôm nay ngày 12 tháng 9, ngày khánh thành Tượng đài kỷ niệm thuyền nhân được tàu Cap Anamur cứu vớt 30 năm trước. Ngày thuyền nhân Việt Nam tụ họp biểu tỏ sự hàm ơn, cử chỉ vinh danh và tri ân nước Đức. Tri ân những con tàu nhân đạo đã nghe tiếng kêu bi thảm, hãi hùng, tuyệt vọng từ thăm thẳm trùng dương, nơi xa khuất bên kia địa cầu, quốc gia có tên gọi Việt Nam, sau cuộc xảy đàn tan nghé 75, rơi vào tay cộng sản.
Lần đầu tiên trong lịch sử từ thời lập quốc, người dân Việt hàng hàng lớp lớp lũ lượt ra đi, rờI bỏ miền đất quê hương chẳng biết dung người ấy, bỏ lại sau lưng tất cả, mồ mả cha ông, đời sống an bình, hạnh phúc, ruộng vườn, nhà cửa, người thân… Cái gì làm nên nỗi kinh hoàng ghê gớm ấy? Cái gì khiến người ta phải hãi hùng cuống hoảng ra đi? Cái gì khủng khiếp tang thương gây chấn động lương tâm nhân loại?… Ngàn ngàn người tị nạn trôi dạt trên những con thuyền mong manh lưu lạc ngoài biển Đông, hoang mang ngơ ngác. Hy vọng thì mong manh. Bến bờ thì vô định. Con người bé nhỏ, yếu đuối biết bao nhiêu. Họ lả mệt vì sóng gió đại dương, đói, khát, giông bão dập vùi, kinh hoàng vì nạn hải tặc chặn đường cướp bóc, hãm hiếp trẻ em, phụ nữ… Họ đã được những con tàu nhân ái cứu vớt đưa vào các trại tạm trú hoặc nhập cư Đức quốc. Ba muơi năm đã trôi qua, bao nhiêu khổ nhọc. Bao nhiêu cố gắng để vươn lên và họ đã phấn đấu để vươn lên một cách tuyệt vời. Những đứa trẻ thơ ngày đó, nay đã trưởng thành, có một sự nghiệp, một chỗ đứng đáng kiêu hãnh nơi quê hương mới. Ngày hôm nay, họ lũ lượt rủ nhau về Hamburg, như làm cuộc hành hương về đất hứa với hoan lạc niềm vui và sự tự hào… Họ đến đây để nói lời tri ân những tấm lòng hào hiệp…
Tôi đứng trong đám đông. Như kẻ ngoại cuộc im lặng quan sát khối người kéo đến đông dần, tạo nên quang cảnh náo nhiệt tưng bừng của một ngày đặc biệt hơn tất cả những ngày lễ hội. Trên từng gương mặt trẻ già, nam nữ, ai ai cũng sáng nét vui rạng rỡ. Trong ánh mắt. Tiếng cười. Giọng nói. Những cử chỉ vồn vã đón chào nhau, bộc tỏa tình thân thiện. Tôi nghe được những lời thầm lặng ấp ủ trong mỗi trái tim chứa đầy ơn nghĩa chỉ muốn cất lên, nói cho thế giới biết rằng, ba mươi năm trước, chúng tôi đã được tái sinh. Thượng đế đã gửi tàu Cap Anamur đến tận biển Đông cứu vớt chúng tôi, những linh hồn khốn khổ nạn nhân của bọn phi cầm phi thú dã man, phi nhân tính. Nước Đức đã mở rộng vòng tay đón nhận, che chở, nâng đỡ, đùm bọc, cho chúng tôi đời sống và đất sống xứng đáng của con người. Chúng tôi được yên bình, hạnh phúc, được hưởng mọi thứ quyền của con người trong xã hội văn minh của cộng đồng nhân loại. Những đứa trẻ măng thơ sống còn của 30 năm trước, nay đã là những công dân gương mẫu của quốc gia này, tạo nên thành quả học vấn xuất chúng, sự nghiệp và chức vị rạng danh dân tộc Việt trên quê hương thứ hai… Hôm nay, họ đã đồng loạt cất tiếng ân cần tri ân nước Đức, tri ân con tàu cứu nạn biển Đông, tri ân nhân dân Đức cùng những người Đức hào hiệp, đầy nhân ái trong Ủy ban Cap Anamur, đã đưa tay cứu vớt trên một vạn thuyền nhân may mắn. Ơn đức đó ngàn năm không quên. Đời đời ghi tạc.
Và hôm nay, ngày 12 tháng 9 tại bến tàu thương cảng Hamburg, ngay chỗ xuất phát và trở về buông neo ngơi nghỉ của Cap Anamur sau những chuyến hải hành cứu nạn, đài kỷ niệm công trình cứu vớt thuyền nhân vừa hoàn tất xây dựng, tổ chức lễ khánh thành. Tấm vải vàng che phủ tượng đài được mở tung ra trong tiếng vỗ tay, reo hò mừng rỡ… Hầu như tất cả mọi người chứng kiến giây phút thiêng liêng đó đều váng vất niềm xúc cảm, lòng dạ tưng bừng, tim bồi hồi rung động khi nghe những âm thanh nén giữ từ sâu kín buồng tim bỗng bật tung thành tiếng. Tiếng hát trẻ trung đầy tràn sinh lực từ hàng ngũ những thanh niên nam nữ Việt Nam đứng dàn hàng ngang trước Tượng đài, trong một bất ngờ, vút cao giọng theo nhịp đàn trình tấu bản chào cờ Đức Quốc, rồi là lời quốc ca hùng tráng Việt Nam, “Này công dân ơi Quốc gia đến ngày giải phóng…” Ôi cảm giác thật diệu kỳ cho mãnh lực của lòng yêu nước khi nhìn thấy lá cờ VNCH bay phất phới bên cờ Đức quốc, nghe tiếng Quốc ca lồng lộng thinh không trong phút giây lịch sử, ngùi ngậm thơ Hồ Dzếnh:
“…Lần giở trang sách xưa
Nhớ thời áp bức
Việt Nam ơi..!
Lòng ngươi nguội đau chưa?
Hận muốn thoát ra thơ
Tình tan vào uất ức
Hồn đau run mơ tưởng bóng cờ
Ghi dấu những ngày quốc nhục. “
Tôi nhìn sang một phụ nữ trung niên người Đức đứng sát hàng rào sắt nơi tôi đang đứng dơ cao máy ảnh bấm vài tấm toàn cảnh người tham dự, mỗi người vẫy phất hai lá cờ Đức-Việt khi bản Quốc ca chấm dứt. Người đàn bà cũng nhìn tôi, lấy khăn chấm nước mắt, miệng mỉm cười hơi cúi xuống như cử chỉ chào hỏi. Đôi mắt bà đỏ hoe, tôi thấy hình như tôi cũng phập phồng muốn khóc trong giây phút ấy. Chung quanh tôi có nhiều người đã khóc nghẹn ngào không che dấu. Những giọt nước mắt sung sướng, cảm động. Có một thoáng, tôi rợn người cảm xúc, tưởng như cỏ cây hoa lá và những lá cờ đang bay lượn dịu dàng kia cũng có linh hồn, hay u hiển linh hồn những người đã vùi thân trong lòng biển cả ngày xưa hôm nay theo gió bay về góp mặt cùng người sống reo lên lời hoan hỉ mừng cho buổi lễ. Tôi tiến đến bên người đàn bà, cúi chào và hỏi một câu tiếng Anh. Bà cười bằng đôi mắt vui vẻ, “Vâng, tôi biết. Ông từ đâu tới…?” Chúng tôi trao đổi vài câu xã giao. Tôi biết tên bà là Helga Gwildis. Bà Gwildis lại lấy khăn chấm nước mắt, “Buổi lễ tuyệt vời. Tôi chưa bao giờ xúc động đến thế, chưa bao giờ được nghe bản quốc ca của nước Đức chúng tôi hay đến thế. Các thanh niên thiếu nữ Việt Nam hát bằng tiếng Đức thật tuyệt vời. Nhìn kìa, họ trẻ trung và dễ thương quá. Hôm nay là ngày lịch sử không bao giờ mờ nhạt của Hamburg, của nước Đức”!
Phải, hôm nay là ngày lịch sử của cả thuyền nhân tị nạn Việt. “Danke Deutschland, Danke Cap Anamur – Tạ ơn nước Đức, Tạ ơn Cap Anamur” Tượng đài Thuyền nhân là dấu tích lịch sử, ghi chép lời tri ân nước Đức mà cũng là lời dõng dạc nói với thế giới về thảm cảnh bỏ nước ra đi tị nạn bằng thuyền, vạch mặt chỉ danh chính bọn tàn hung cộng sản Việt nam là tác nhân gây nên khổ nạn. Đây còn là dấu tích tuyên xưng lòng nhân ái, nhắc nhở giá trị của tình thương yêu vượt gianh giới thời không để muôn đời tồn tại. Tượng đài bé nhỏ, giản dị nhưng trang trọng chứa đầy ý nghĩa, ai nhìn thấy cũng phải nói là “đẹp”, rất đẹp, thanh thoát và ý nghĩa. Tác phẩm điêu khắc bằng đồng do một cô bé Việt Nam 14 tuổi, thế hệ thứ hai, thứ ba của thuyền nhân được tầu Cap Anamur vớt, chau chuốt gói ghém tất cả lòng thành và tâm ý tạo nên, với những dòng khắc nổi bằng ba ngôn ngữ Đức – Anh – Việt trên hai trang sách mở:
“Tri ân nhân dân, chính quyền nước Đức, chính quyền Tiểu bang Hamburg nơi xuất phát của các con tàu Cap Anamur, đã tiếp nhận người Việt tỵ nạn cộng sản.
Tri ân Ủy Ban Cap Anamur do Tiến sĩ Rupert Neudeck sáng lập, đã cứu vớt 11,300thuyền nhân Việt Nam.
Tưởng niệm các đồng hương tỵ nạn cộng sản đã bỏ mình trên đường tìm tự do.”
Bấy nhiêu lời lẽ hàm ơn có đủ gói ghém tất cả ngần ấy tấm lòng muốn ngỏ cùng thế giới? Cho nhân loại hiểu nguyên ủy tại sao lại có “thuyền nhân”? Tại sao hôm nay lại có tượng đài? Cộng sản đê tiện đã có những cố gắng vận động phá hủy bia tưởng niệm thuyền nhân tỵ nạn dựng lên tại các trại tạm trú Đông Nam Á. Những quốc gia nhu nhược này khiếp sợ bạo lực đã làm theo ý chúng. Nhưng tượng đài Hamburg dựng lên trong thời điểm này, rõ ràng là cái tát đích đáng giáng thẳng vào mặt bọn bạo quyền Hà Nội. Là một ngang nhiên thách đố của cộng đồng người Việt Hamburg đối với quân tàn ác. Chúng gây áp lực ngoại giao, hăm he dọa dẫm chính trị và kinh tế, khiến Ủy ban Xây dựng Tượng đài vấp bao nhiêu trở ngại, cản ngăn, áp lực, đe dọa. Mọi ngườI thắc thỏm âu lo và hồi hộp đợi chờ kết quả vận động xây dựng tượng đài. Chống phá đến từ mọi phía, chính quyền, cộng đồng Do Thái, Việt cộng và ngay cả những người bạn mang tâm đố kị… Khổ thân cho Huấn, người đứng mũi chịu sào, còng lưng hứng đỡ tất cả những ngón đòn thù nghịch, phải tả xung hữu đột, kiên trì và khôn khéo tìm phương vận động, hóa giải và hàn gắn để cuối cùng Huấn và bằng hữu đã vượt qua giông bão trò đời, sau những tháng năm vất vả.
Tượng đài như cái bào thai có bao nhiêu bà mẹ nóng lòng sốt ruột trông mong đứa con chung cưng quý ra đời ròng rã gần bốn năm trời. Hôm nay đứa bé đã chào đời suông sẻ, khôi ngô đĩnh ngộ. Tất cả mọi người đều cố len đến gần chiêm ngưỡng tượng đài. Hai trang sách mở đánh dấu trang sử Việt mang vết đen ô nhục nhưng rực rỡ niềm tin chứng tỏ tinh thần phấn đấu cùng sức đề kháng quyết liệt, chọn lựa dứt khoát, hy sinh để ra đi vì lý tưởng Tự Do và quyền sống. Ba mươi năm trước, Ủy Ban Cap Anamur thành hình dưới sự điều hành và vận động của Tiến sĩ Rupert Neudeck nhân hậu và cương quyết. Ông đã có quyết định can đảm nhất định cứu người giữa thời điểm nhiều quốc gia còn thờ ơ ngoảnh mặt trước thảm nạn thuyền nhân. Nhiều con tàu đi qua cố tình bỏ mặc họ chết chìm. Có nơi đã đem họ lên bờ, rồi cưỡng bức họ hồi hương, trở về nơi xuất phát. Hình ảnh những thuyền nhân bất hạnh gào khóc giẫy giụa, bị bẻ tay xoắn tóc khiêng ném lên xe đưa ra phi trường ép buộc trở lại Việt Nam, là những hình ảnh xấu xa bôi đen giá trị lương tâm nhân loại.
Tôi thấy đôi mắt hoe đỏ ứa ra dòng lệ tủi mừng sung sướng của một người đàn ông không quen nhưng tự nhiên chạm mặt, nắm lấy tay tôi, nói như nói với một người bạn tâm tình, “Tôi ở đây 30 năm, chưa bao giờ nhìn thấy cảnh này. Những người Đức lãnh đạo các cấp chính quyền lần đầu tiên đến với chúng ta và đến khá đông, nghiêm chỉnh chào cờ VNCH, nói những lời nhiệt nồng ca ngợi người Việt… Nói thật là tôi không thể ngờ lại xảy ra sự việc đáng kinh ngạc, khó tin như vậy. Quả thật tôi chưa hề thấy một hiện tượng ngoạn mục như thế này từ xưa tại bất cứ nơi nào trên nước Đức.” Người Đức đã tuyên dương và cảm kích trước hành động tri ân của thuyền nhân tị nạn Việt. Bộ trưởng bộ Nội Vụ CHLB Đức phát biểu, “Sự hội nhập của người Việt Nam trong xã hội Đức hôm nay là một thành công lịch sử trên đất nước này. Chính những «Boat People», những Thuyền Nhân Tỵ Nạn cộng sản Việt Nam đã được cứu sống và đã đến với chúng ta, tích cực đóng góp cho đất nước chúng ta thêm phồn thịnh. Họ thành công trong cuộc sống, họ hội nhập tốt đẹp, không hề là gánh nặng cho đất nước này, trái lại còn làm cho Đức quốc phong phú hơn…”
Arnold Vaatz, phó Chủ tịch Liên Đảng Dân Chủ & Xã HộI Thiên Chúa Giáo tại Quốc Hội Đức tuyên bố, “Biến cố thuyền nhân Việt Nam 30 năm trước, chính là chất xúc tác làm dấy động, khiến dân chúng Đức nhận thức được giá trị của hai chữ Tự Do mà nung đúc ý chí quật khởi, để mười năm sau, bức tường ô nhục Bá Linh xụp đổ, chúng ta xóa bỏ hai miền Đông và Tây Đức đối đầu chủ nghĩa… Chúng tôi phải cám ơn người tị nạn Việt Nam…”
Nhân vật đặc biệt được chú ý nhiều nhất, ngoài Tiến sĩ Rupert Neudeck, là Tiến sĩ Philipp Roesler, Bộ trưởng Kinh Tế kiêm Bộ trưởng Lao Động và bộ Giao Thông của bang Niedersachsen, một bộ trưởng trẻ nhất của CHLB Đức từ trước đến nay. Tiến sĩ Roesler là người Đức gốc Việt, được một gia đình Đức nhận làm con nuôi từ một viện mồ côi tại Nam Việt Nam khi ông mới vài tháng tuổi. Ông ứng khẩu đọc một bài diễn văn dài, ý nghĩa và súc tich, hãnh diện nhận mình nguồn gốc Việt thuần túy và cho biết mặc dầu trong thời gian qua, bị áp lực từ nhiều phía – chính trị và phi chính trị – ngăn cản ông đến dự lễ khánh thành tượng đài, nhưng ông bất chấp. Sang năm ông vẫn cầm đầu phái bộ Kinh Tế Âu Châu qua Hà Nội dự hội nghị các cấp bộ trưởng do lời mời của cộng sản Việt.
Cecilia Trúc Phạm, thuyền nhân được tàu Cap Anamur vớt năm 1980 khi cô mới 8 tuổi, đã nghẹn ngào kể lại hồi ức cuộc vượt biển đầy xúc động. Cecilia kết thúc bài nói chuyện của cô, “…Hamburg là quê hương mới của tôi mà tôi không thể không nhắc đến. Cạnh đó còn có quê hương xưa của tôi. Việt Nam là quê cha, đất tổ. Việt Nam là nơi tôi đã được sinh ra. Vì khi rời khỏi Sài Gòn, tuổi tôi còn rất nhỏ, nên trong một thời gian dài tôi đã tưởng rằng, trong tim tôi chỉ có chỗ cho một thành phố quê hương thôi. Nhưng hôm nay, tôi có thể nói ra với đầy hãnh diện rằng, trong tôi đang có hai quả tim đập chung một nhịp cho hai thành phố, mỗi thành phố có mỗi cách riêng của nó, đều tạo cho tôi cảm giác đẹp là tôi đang ở trên quê hương đích thực của mình… Danke Deutschland, Danke Cap Anamur” !
Đào Vũ Anh Hùng

No comments:

Post a Comment