Sunday, June 13, 2010

Đi một ngày đàng...

Đi một ngày đàng...
Thứ sáu, 30 - 4 - 2010 19 begin_of_the_skype_highlighting 30 - 4 - 2010 19 end_of_the_skype_highlighting:35

Có lẽ chính cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu lại là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự giảm giá rất hấp dẫn của các hãng du lịch trong và ngòai nước? Mấy năm nay, nhiều đợt nghỉ lễ dài ngày, khiến các hãng lữ hành trong cả nước luôn kín chỗ. Đó cũng là lý do mà chỉ sau hơn một giờ bay, ngắn hơn cả thời gian bay từ thành phố Buôn Ma Thuột của tôi tới Hà Nội ( mất gần hai tiếng), chúng tôi đã đặt chân xuống một trong năm sân bay của thủ đô Kualalampơr – Malaysia. Air Asia mà gia đình tôi lựa chọn là một hàng hàng không tư nhân. Với phương châm chiến lược “giá rẻ để thu hút đông khách”, hãng có đường bay tới nhiều quốc gia khác nhau. Sân bay nhỏ ( có lẽ cũng chỉ bằng sân bay Buôn Ma Thuột), nên không có xe đưa hành khách. Rảo bước chưa đầy 100m là vào tới phòng đợi. Mọi thủ tục đều diễn ra nhanh chóng, vì có rất nhiều quầy hải quan cửa khẩu nhập cảnh cho du khách.
Ấn tượng đầu tiên : Kualalampơr là một thành phố xanh, sạch đúng nghĩa. Đập vào mắt trước tiên là màu xanh của bạt ngàn rừng cọ, trên đường phố, trên núi đồi, giữa các cảnh quan. Malaysia chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng từ ca cao sang cọ từ năm 2000, vì dầu cọ cho giá trị kinh tế cao hơn hẳn. Nghe nói họ đã chuyển giao toàn bộ công nghệ trồng và chế biến ca cao cho Việt Nam (?). Biết tôi thường đi bộ buổi sáng, em gái tôi bảo “ chị có thể đi dạo rừng ngay cạnh khách sạn mình ở đấy”. Sáng hôm sau, tiếng chim khướu lanh lảnh, trong veo giữ đô thị cao tầng đánh thức tôi khá sớm và cứ theo con đường đổ bóng mát của những tán cây cổ thụ trên các mỏm đồi hai bên mà đi mê mải. Dường như khi xây dựng nhà cửa trong đô thị, người ta cố tình để lại những đồi cây xanh này, thì cây mới to lớn đến thế chứ? Mà ngọn đồi nào cũng sạch tưng, có thể lang thang dưới bóng cổ thụ mà không sợ bẩn giày dép.
Có nhiều loại cây trồng trên đường phố đang vào mùa hoa nở rộ, giống các loài cây ở cao nguyên, như hoa bằng lăng tím, hoa lan hồng, hoa giấy trắng và đỏ, hoa hoàng hậu vàng, cúc dại , hoa ngâu từng vạt, từng vạt nho nhỏ khoe sắc hương ven đường. Phố sạch đến nỗi các cháu tôi bỏ cả giày dép để chạy chân trần cho thích.
Có một câu chuyện rất nhỏ nhưng khiến tôi cứ suy nghĩ mãi : một cô gái trẻ bước trên quảng trường, vừa đi vừa bóc miếng giấy bóng kiếng trên miệng một chai nước. Sẽ chẳng là gì khi cô ta bỏ miếng giấy rất nhỏ ấy vào thùng rác, những vì nhẹ quá, gió thổi bật trở ra, thay vì cứ thế bỏ đi, cô ấy cúi nhặt mảnh giấy kiếng, quay lại ấn sâu vào thùng rác. ( Sau này ở các ga xe điện ngầm của Singapuor chúng tôi còn thấy những tấm bảng ghi rõ : vứt rác phạt 500$, hút thuốc phạt 1000$ ). Người bạn cùng đi thấy tôi chú ý liền bảo “ Họ nói rằng ban đầu cũng phải mất vài năm dùng hình thức phạt tiền, mới thiết lập được dần mọi ý thức tự giác nơi công cộng đấy chị ạ”. Ồ, còn biết nói gì nữa đây?
Sau màu xanh, ánh mắt du khách phải dành hết sự ngưỡng mộ cho vẻ đẹp kiến trúc của những ngôi nhà cao tầng, đó là ấn tượng thứ hai . Không chỉ màu sắc hài hòa và không hề trùng lặp của hàng trăm ngôi nhà, mà mỗi khối nhà còn là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời, thể hiển rất độc đáo sự pha trộn kết hợp giữa các phong cách kiến trúc Hồi giáo, Ấn độ giáo lẫn Trung Hoa và phương Tây hiện đại một cách không hề khiên cưỡng. Cho dù đó là khu chung cư, khách sạn, khối nhà công sở hay cừa hàng…cũng đều đáng để chiêm ngưỡng.
Khách sạn nơi chúng tôi ở có 19 tầng, nằm tại một khu phố cũ những không xa khu vực trung tâm là mấy. Gọi là “ phố cũ ” vì chung quanh vẫn thấy còn những ngôi nhà thấp xập xệ, nhưng hầu hết dân đã chuyển đi, có lẽ chỉ còn chờ đến lúc đập đi xây lại, hoặc những con ngõ nhỏ. Trừ một vài biệt thự nhỏ xinh, còn gần như không hề có bóng dáng những căn nhà của tư nhân. Ra xa ngoài ngoại vi thủ đô cũng vẫn vậy. Ngay tại các khu buôn bán và sinh sống rất sầm uất của người Hoa, cũng vẫn là những khu nhà hai ba tầng liền kề, nối tiếp. Điều chúng tôi hỏi nhau là cách họ vận động thế nào, mà hàng vạn hộ dân trong thành phố, đều đồng lòng chấp nhận chuyển khỏi nhà riêng, để vào ở những chung cư cao tầng như thế chứ? Có lẽ cho dù ánh mắt lao vun vút theo tốc độ của tàu siêu tốc, cũng vẫn dễ nhận ra mỗi chung cư đều có những khu vườn chơi xanh mát, trường học dành cho trẻ em, những cửa hàng, bãi đỗ xe chăng?
Đứng trên khu siêu thị nối ngang tòa tháp đôi sáng lấp lóa cao vượt hẳn lên mọi khối nhà - biểu tượng kiêu hãnh của không chỉ của thành phố Kualalampơr, mà còn cả của châu Á - có thể nhìn khắp khu vực trung tâm thành phố và vọng ra xa hơn nữa. Ở đâu cũng đều là những tòa nhà cao tầng hiện đại với những dáng vẻ khác lạ, những con đường hai chiều sáu làn xe chạy thênh thênh, quảng trường, vườn cây cảnh xanh, hồ phun nước…Ngay cả những cột đèn đường cũng mỗi khu phố một dáng vẻ khác nhau, treo lủng liểng những chậu hoa tím hồng nở rộ, khiến cho cảnh quan vừa đẹp mắt lại vừa thoáng mát.
Đối với một chuyến du lịch, thì chỉ nhu cầu “ xem gì” ở Malaysia đã có đủ cho mọi sở thích lựa chọn. Vì thời gian không nhiều, chúng tôi chỉ đến được một vài địa chỉ, nhưng đều rất ấn tượng. Sau Tháp đôi, quảng trường thành phố và siêu thị, là thành phố Pu Tra Ja Ya, có nghĩa là thành phố hành chính ( còn được gọi là thành phố thông minh ).Tất tần tật các cơ quan của chính phủ đều tập trung ở đây. Cách Thủ đô Kualalampơr 40 km, nhưng chỉ mất 15 phút xe điện siêu tốc và thêm 20 phút xe buýt nữa là vào đến trung tâm thành phố. Malaysia có lẽ là nước duy nhất trên thế giới chuyển được các cơ quan đầu não quốc gia ra khỏi thủ đô chăng? Điều đặc biệt thú vị là mỗi công sở một dạng kiến trúc và màu sắc riêng, rất dễ phân biệt. như tòa nhà đồ sộ của chính phủ màu xanh lá cây nhạt, đền thờ Hồi giáo màu hồng pha nâu, Bộ Môi trường màu xanh lục, Bộ công nghiệp màu cà phê sữa, Bộ Quốc phòng màu nâu đất…
Ấn tượng thứ ba là giao thông. Đi một chuyến du lịch tự túc ngắn ngày, muốn thử nghiệm nên cả nhà nhất trí lựa chọn đủ mọi phương tiện giao thông có thể, trên cả ba hệ thống đường ngầm, đường mặt đất lẫn đường trên cao của Malaysia : tàu siêu tốc, tàu điện ngầm không người lái, không người bán và soát vé, xe buýt, taxi. Thậm chí thử cả sang bên kia đường bằng hầm chui lẫn cầu vượt. Bởi nơi nào cũng có bản đồ hướng dẫn cụ thể ở từng chặng dừng của mỗi loại phương tiện, nên việc đi lại rất dễ dàng, không sợ lạc và cũng rất nhanh, rất đúng giờ. Ví dụ như hệ thống xe buýt từ sân bay về thành phố, cách 100km, cứ đúng nửa tiếng lại có một chuyến, cứ việc ngồi chờ. Chúng tôi khởi hành trước giờ bay của Hà Nội, nên cháu tôi sang chậm hơn, một giờ sau đã có mặt ở khách sạn. Hôm sau đón hai chị em cô cháu gái, chỉ căn đúng giờ bay từ thành phố Hồ Chí Minh, đến đón tại trạm dừng cuối cùng của xe buýt là đã gặp nhau. Thành phố rộng lớn vậy mà không ồn ào, cho dẫu ôtô là phương tiện đi lại chính nên đông nghìn nghịt. Nhiều lần chúng tôi sang đường không đúng luật ở nơi không có đèn đường, vẫn được các lái xe dừng lại, vẫy tay một cách lịch sự, nhường đường cho người đi bộ.
Ngày thứ hai cả nhà bắt đầu cũng bằng tàu điện ngầm, rồi lại xe buýt. Thêm 25 phút cáp treo nữa là tới khu giải trí Ghen Ting. Nếu đi xe ôtô riêng ( điều này thì hình như mọi gia đình đều có), có thể đến đây bằng hệ thống đường cao tốc, với tám làn xe chạy êm ru hơn 40km, từ thủ đô đến thẳng tận trung tâm, tít trên đỉnh núi cao vòi vọi. Đường, xe buýt, cáp treo, cả vài trăm cột đèn đường thắp sáng bằng pin năng lượng mặt trời, lẫn toàn bộ khu giải trí đặc biệt hoàn hảo này, đều thực hiện từ ý tưởng của ông Lim Goh Tong
( 1918- 2007). Là người gốc Hoa, sau khi lang bạt làm ăn nhiều nơi, ông trở về Malaysia, được chính phủ chính thức cho phép đầu tư xây dựng toàn bộ khu vực này. Năm 2005 đã diễn ra lễ kỷ niệm 20 năm hoạt động của Ghen Ting rất hoành tráng.
Đầu tiên chỉ là các sòng bạc, sau đó Lim Goh Tong mở rộng ra những lĩnh vực kinh doanh và vui chơi giải trí, khách sạn, nhà hàng…Chỉ tính riêng khối nhà cao tầng dành cho các nhân viên phục vụ tại đây, đã tương tự vài ba khách sạn thuộc loại ba, bốn sao rồi.
Ngay từ trạm trung chuyển xe buýt ( cũng của Ghen Ting ), đã có sẵn các bản đồ cùng với sự hướng dẫn tỷ mỷ, để du khách có thể lựa chọn từng loại hình dịch vụ phù hợp với sở thích, thời gian, lẫn túi tiền của mình. Và đều được đáp ứng ở mức tuyệt hảo nhất. Trẻ em thì có vườn chơi màu sắc vui tươi, với hàng trăm trò khác nhau từ nhẹ nhàng đến cảm giác cực mạnh. Các quý bà thích mua sắm thì có hệ thống siêu thị với những gian hàng ngợp vì chủng loại hàng hóa khiến chân đi mỏi, mắt nhìn hoa cà hoa cải và ví cầm tay chỉ muốn liên tục mở ra. Cần thư giãn đã có các khu nghỉ dưỡng ( spa) mang đậm không gian rừng núi, đầy đủ tiện nghi. Đông đảo nhất và cũng hiện đại chắc bậc nhất thế giới là khu đánh bạc, với hàng chục loại hình đỏ đen khác nhau, dành cho mọi đối tượng, đến từ mọi quốc gia, mọi lứa tuổi, giới tính và giai cấp, miễn có tiền rủng rỉnh trong túi là được. Buổi sáng trước khi đi, lễ tân ở khách sạn đã dặn “ ăn mặc đàng hoàng, đừng mang dép lê, họ không cho vào đâu”. Cháu gái tôi dù mê tít, nhưng xem hộ chiếu thấy thiếu 5 tháng tuổi, bảo vệ không cho vào, đành đứng ngoài mà tiếc nuối . Tất cả, ai đã vào đến nơi nào ở đây rồi, đều khó mà dứt ra. Chính vì vậy mà cho dù giá cả không rẻ gì ( chỉ riêng vé vào cửa theo kiểu trọn gói đã là 44 ringit- tương đương 220.000VNĐ), chưa kể tiền tàu điện siêu tốc, ôtô buýt, cáp treo…mà vẫn đông nườm nượp, cả khách quốc tế lẫn khách nội địa. Không kể hàng chục chuyến xe buýt trung chuyển liên tục nửa giờ một chuyến, các bãi đỗ và trong những tòa nhà bốn tầng lầu chuyên để xe ôtô, đều thấy kín đặc xe.
Muốn chơi cả ngày để xem được nhiều, người hướng dẫn khuyên chúng tôi nên mua trọn gói, do đó có thêm bữa ăn trưa tự chọn trong nhà hàng gồm hàng trăm món ăn châu Âu, châu Á, Ấn Độ…Điều thú vị là mấy gian phòng ăn rộng không chỉ rất sang trọng, mà còn là nơi trưng bày một số vật dụng sinh hoạt dùng là đồ đựng rất cổ xưa của châu Á, bằng nhiều chất liệu khác nhau : tre nứa, gỗ, đồng, gốm sứ…Có những chiếc ống gỗ bầu, cao từ 1-1,5m, đen bóng; những chiếc trống đồng ghi rõ xuất xứ từ Dong Son; một chiếc gùi rất giống hình dạng của người Mnông ở Tây Nguyên; những chiếc ching núm có gờ cao hơn các bộ ching chêng quê tôi. Bạn được hưởng thụ văn hóa vật chất châu Á từ ngon miệng cho đến lạ mắt. Cũng có nghĩa là nhu cầu thứ hai “ chơi gì” của du khách đã được đáp ứng.
Giờ của Malaysia sớm hơn giờ Việt Nam một tiếng. Do không chỉnh đồng hồ từ ngày mới tới, nên khi chiều theo cáp treo rời khu Ghen Ting, mấy đứa cháu tôi vẫn còn tiếc nuối vì đi muộn quá, không kịp chơi gì đã đến giờ phải về. Có lẽ phải ở lại vài ngày mới có thể đi xem hết được các dịch vụ trong khu này. Thâm tâm ai cũng muốn còn có lần được trở lại. Nhưng còn đảo Setosa đang đợi chúng tôi.
Chỉ cần năm phút trên tàu siêu tốc, vụt qua những khoảng không gian rộng đang hối hả đổ beton và cát để lấn biển xây nhà, là đã có thể ung dung trên đặt chân lên một trong những hòn đảo xinh đẹp bậc nhất của đất nước quần đảo này. Âm thanh tuyệt hảo của nhạc nước, pháo hoa đủ màu sắc, các cây trái và hình ảnh mô phỏng Vạn lý trường thành lần lượt thay đổi màu đèn nhấp nháy rất cuốn hút.
Ngày thứ ba, chúng tôi theo tuyến xe “ Hot on hot of ” – mua một vé được quyền đi 24 giờ, qua 22 bến đỗ, mỗi bến dừng là một điểm tham quan của thành phố. Những nơi đặc biệt như cung điện Hoàng gia, Bảo tàng nghệ thuật, Tháp truyền hình, Tháp đôi…xe sẽ dừng 15’ cho du khách hoặc chụp ảnh, hoặc dừng chân xem kỹ. Nếu lỡ, khi ra có thể đón chuyến xe khác đi tiếp. Chỗ nào cũng tràn đầy vẻ đẹp, sự hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên và do con người tạo dựng.
Buổi tối, chúng tôi lên tháp truyền hình cao 420m để ngắm thành phố đẹp lung linh như một hòn ngọc tỏa sáng trong đêm; xem biểu diễn rồi hòa chung trong một điệu nhảy với các nữ nghệ sỹ trong một chương trình múa dân gian Malaysia ngắn; ngó qua một vườn nuôi trăn mini, rồi theo chuyến xe cuối ngày về khách sạn.
Ấn tượng thứ tư dành cho con người . Trước tiên là tầm nhìn của các nhà lãnh đạo về quy hoạch xây dựng đất nước ( với Tháp đôi, tháp truyền hình cao nhất châu Á, tòa nhà tự xoay, các công trình lấn biển…); về tổ chức và chất lượng cuộc sống của người dân. Tiếp theo là hình ảnh các đại gia không chỉ làm giàu cho bản thân, mà còn cho cả đất nước ( như Lim Goh Tong). Sau nữa là vẻ đẹp và sự thân thiện của con người. Là một đất nước với nhiều thành phần dân tộc có nguồn gốc khác nhau: Trung Quốc, Ấn Độ, và một số vùng Trung Á, nên nhiều chủng loại nhân học khác nhau. Có lẽ do sự lai tạo của hôn nhân, mà dù gái hay trai, đều có những gương mặt đẹp như nghệ thuật chạm khắc và đủ màu da. Không ai tò mò chú ý đến ai. Hình ảnh dễ thương nhất là của nữ giới Malay mắt đen lay láy, sống mũi cao, với những chiếc khăn voan mỏng tang đủ màu sắc quấn khéo, trùm từ đầu xuống cổ, cho dù họ mặc váy hay quần ống dài, ống lửng ( không phải loại khăn đen trùm kín người chỉ hở hai con mắt như một vài phụ nữ A Rập mà chúng tôi gặp trong khách sạn hay nhà hàng). Đồng phục nữ sinh các trường trung học cũng vậy, chỉ khác nhau về màu vải thôi. Đặc biệt, gần như tất cả những người lái xe taxi mà chúng tôi vô tình vẫy tay hay nhờ khách sạn gọi, đều thông thạo tiếng Anh, rất nhiệt tình, tranh thủ quảng bá cho đất nước mình. Thậm chí chúng tôi ra nhầm sân bay khi từ Sing về thành phố Hồ Chí Minh, đã đi hơn 10km, người lái xe vẫn vui vẻ quay lại , đưa chúng tôi đi thêm 20’ đường cao tốc nữa, để đến đúng sân bay giá rẻ, mà không hề lấy thêm một đồng nào.
Ấn tượng thứ năm có thể là những siêu thị ngờm ngợp hàng hóa, lộng lẫy sắc màu, từ cách trình bày gian hàng cho đến sự đa dạng của sản phẩm. Đang mùa du lịch nên chỗ nào cũng khuyến mãi. Nhưng dẫu có treo bảng giảm giá từ 20-30% , với khách quốc tế còn được hạ thêm 10% nữa, thì so với đồng tiền Việt Nam, vẫn còn thuộc loại “ trên trời”. Xem cho thỏa con mắt thôi, chứ mua thì…có lẽ để về Việt Nam, cái chính là cũng đẹp và rẻ hơn là cái chắc.
Có một bất ngờ trong chuyến đi, trên một trong những chuyến xe điện siêu tốc, chúng tôi gặp hai thanh niên quê Nghệ An đang làm công nhân xây dựng khối nhà 10 tầng ngay cạnh khách sạn gia đình tôi ở. Họ rất vui vì được gặp “ đồng hương” để nói tiếng Việt, nên chỉ đường rất cặn kẽ để khỏi phải đi tìm bến xe xa, giảm bớt chi phí đi lại. Hai bạn trẻ này sang đây đã 7 năm, có giấy tờ tùy thân, có việc làm ổn định và mức lương khá. Họ cũng ngậm ngùi khi kể với chúng tôi về thân phận những công nhân người Việt khác trốn ở lại. Hiểu thêm một thực tế không mấy vui vẻ gì của người xuất khẩu lao động mà báo chí ở nhà đã từng đưa tin.
Hết ba ngày chúng tôi bay đi Singapuor. Chuyến bay hết chừng 45’.
Sing làm tôi hơi thất vọng, bởi không nhiều lắm những nơi để xem. Chắc chắn là nước bạn cũng có nhiều cảnh quan đẹp, nhưng không có bất cứ sự hướng dẫn công cộng nào để có thể tự mình “ chơi, xem” như ở Malaysia. Hơn nữa, cho dù hàng hóa cũng tràn ngập mọi siêu thị, nhưng do mức sống cao, nên giá cả đắt gấp đôi, so với tiền Việt và tiền Malay. Cũng không có nơi nào để có thể tìm hiểu được về văn hóa truyền thống. Ở đây, rất ít bắt gặp hình ảnh chị em phụ nữ trùm khăn. Vẫn rất nhiều nhà cao tầng và chung cư, nhưng kiến trúc không độc đáo và lạ mắt như ở Kualalampơr, ngoài ngôi nhà hát opera hình trái sầu riêng và biểu tượng con sư tử mình cá. Tuy vậy, trong khu triển lãm thủ đô tương lai có thể hình dung được quy mô phát triển, mở rộng ra cả bốn hướng của thành phố.
Đêm cuối, chuyến dạo chơi trên sông của chúng tôi thật sự thú vị, bởi không chỉ cảnh quan sông nước, với hàng hàng những quán giải khát sáng đèn vàng và người đông nghìn nghịt hai bên bờ. Chỉ có một đoạn sông ngăn ngắn, đủ để thuyền du lịch chạy chậm trong vòng nửa giờ, mà có tới bốn cây cầu bắc ngang, rất thuận lợi cho người và xe qua lại. Giai điệu đậm chất âm nhạc dân gian Hoa và Malaysia trên thuyền lúc rộn ràng, lúc trữ tình rất hợp cảnh ( khiến tôi quên cả nỗi bực bội vì có một bài hát đã từng nghe giới thiệu là của nhạc sỹ Việt Nam nào đó – cái “ sự” đạo nhạc đó của giới trẻ thật đáng buồn ) .
Từ Singgapor bay về thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ mất hơn một giờ. Chuyến du lịch qua hai nước, mất khoảng 7 triệu đồng một người. Về hưu như hai vợ chồng tôi, gom góp trích ra hàng tháng từ gần nửa lương, thì có thể mỗi năm đủ một chuyến đi chơi “ dối già”. Được cái là, như câu các cụ dạy “ đi một ngày đàng học một sàng khôn” thấy bao nhiêu điều hay. Khuyên bạn, nếu muốn đi du lịch mà ít tiền, chỉ nên tới Malysia xem và chơi thôi, đủ thích rồi. Đừng mua sắm gì. Việt Nam mình gi gỉ gì gi cái gì cũng có và hợp với mọi túi tiền. Thêm nữa lại “ được tiếng” là hưởng ứng cuộc vận động “ Người Việt dùng hàng Việt”. Thêm nữa, chỉ nên đi từ đầu năm cho đến cuối tháng 4 thôi. Bởi những tháng sau là mùa bão hình thành từ biển Đông đấy.
Tôi luôn tự hào vì mình là người Việt Nam. Nhưng vẫn khôgn khỏi nghĩ và ước gì ngành du lịch của chúng ta – một đất nước rất giàu tài nguyên thiên nhiên, văn hóa truyền thống vô cùng độc đáo – có thêm nhiều những dịch vụ “ xem, chơi ” dành cho du khách và tạo được ấn tượng như cách Malaysia làm thì hay biết mấy. Đặc biệt, mọi người dân đều có ý thức giữ gìn sự xanh, sạch, đẹp cho chính mình như nước bạn, có lẽ hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế còn đẹp hơn biết bao nhiêu.

No comments:

Post a Comment