Biến tướng của quan niệm “ăn gì bổ nấy”
Nhiều người nước ngoài, đa số là Âu Mỹ, luôn ngạc nhiên với việc ăn thịt động vật hoang dã ở các nước phương Đông, trong đó có VN.
Săn bắt thú rừng (ảnh chụp tại Hà Giang) - Ảnh: THANH ĐẠM
Vậy tại sao ở VN nhiều người lại thích ăn thịt động vật hoang dã? Trước hết xin lý giải từ góc độ văn hóa ẩm thực. Từ xưa đến nay các nước phương Đông đều có quan niệm khá phổ biến về ăn uống là “ăn gì bổ nấy”. Từ đó, các động vật quý hiếm hoặc có những đặc điểm vượt trội đều được ưa chuộng và nhiều người có tiền của luôn cất công tìm kiếm để ăn với hi vọng trường sinh bất lão. Nào là hươu, nai, gấu, khỉ, hổ, tê giác, rùa, rắn... loài động vật hoang dã nào cũng có một vài đặc điểm về sự dẻo dai, khỏe mạnh, sống lâu... nên nhiều người ăn thịt chúng với mong muốn chuyển các ưu điểm từ chúng vào cơ thể mình. Có thể nói đây là quan niệm ấu trĩ, sai lầm đã ăn sâu vào tiềm thức của người phương Đông.
Trước đây tôi thường tiếp xúc với các doanh nhân Đài Loan khi làm ăn tại Bình Dương. Tôi thấy cứ mỗi cuối tuần họ lại đi tìm các quán rắn và chỉ rắn hổ mang hoang dã mới chịu ăn, với lời giải thích ăn thịt rắn giúp cơ thể dẻo dai, có sức làm việc...
Từ quan niệm như vậy, việc tiếp đãi nhau bằng động vật hoang dã hiện nay đã biến tướng thành sự “sang trọng”, “sành điệu” mà giới lắm tiền nhiều của rất ưa chuộng. Trong quan hệ làm ăn, thời buổi này dẫn nhau đi nhậu bằng các món ăn thông thường bị coi là không tôn trọng đối tác, không xứng tầm để tạo quan hệ. Phải ăn món gì vừa độc đáo, vừa quý hiếm, lúc đó câu chuyện trên bàn nhậu mới rôm rả. Phải nhậu món gì vừa bổ âm, bổ dương, bổ tì bổ vị... mới có sức đưa chiến hữu đi tăng hai, tăng ba...
Sự quý hiếm của các món ăn từ động vật hoang dã mới giúp việc tâng bốc nịnh nọt anh Hai, anh Ba, nào là món này bảo đảm anh dùng xong là khỏe đến sáng, ăn món này bảo đảm hết đau lưng... Từ đó, không động vật hoang dã bất thành cuộc tiếp.
Bản thân tôi cũng hay tiếp khách nước ngoài (Âu Mỹ), họ rất chuộng các món ăn nhẹ nhàng, nhiều rau quả của VN. Nhưng khi có các dự án mà cần tiếp khách VN thì y như rằng không kiếm ra món “độc” từ động vật hoang dã để mời thì khó ăn khó nói lắm!
Vì vậy, dù Nhà nước ta đã có khuyến cáo rất nhiều về việc bảo vệ động vật hoang dã và các nhà hàng, quán ăn đều trưng lên tấm bảng cam kết không sử dụng động vật hoang dã, nhưng nếu vào các quán quen, ngồi phòng VIP, nói nhỏ với chủ quán một câu là rắn hổ mang được đưa lên tận bàn, rùa lão được cắt tiết ngay trước mắt, pín nai nguyên bộ...
Để giải quyết tình trạng trên, thiết nghĩ cần cụ thể hóa và đẩy mạnh các biện pháp tổng hợp giữa giáo dục ý thức cho người dân với việc ban hành và thực thi các luật lệ liên quan tới bảo vệ môi trường tự nhiên như ông Thomas Osborn đã đề nghị trong bài báo nói trên. Theo đó, việc kiểm tra các nhà hàng, các địa điểm trực tiếp tiêu thụ động vật hoang dã là quan trọng nhất. Và nên chăng có quy định phạt thật nặng những người ăn thịt động vật hoang dã?
LÊ ĐỊNH (Đà Nẵng)
No comments:
Post a Comment