TÂM BÚT CÙNG TRÀ KIỆU
Đồng bệnh tương lân. Một Phật tử dưới bóng cây đa chùa Viên Giác mang nặng vết thương đời đi tâm sự cùng người theo đạo Chúa hằn sâu vết máu.
Trần Trung Ðạo đã kết “Trang Nhật Ký Ngày Giỗ Cha” bằng một tình cảm chân thực: “Những con sông Gianh trong lòng người phải cần được lấp lại. Lấp lại bằng cảm thông chứ không phải bằng những bãi xương khô, những cánh đồng nhuộm máu. Người Việt Nam cần được nghe tiếng chuông chùa nhẹ đưa, tương tự như cũng cần được nghe tiếng chuông nhà thờ thánh thoát. Hãy trao cho các thế hệ tương lai Việt Nam một cơ hội để được sống trong hòa thuận, bao dung, tha thứ. Tại sao phải mang theo một gánh nặng của phân hóa, rẽ chia, hoài nghi, mặc cảm, trong lúc dân tộc Việt Nam đang cần một đôi cánh để bay cao, để vượt qua ao hồ quá khứ, để mong đuổi kịp nhân loại, đã nhiều thế kỷ, tiến xa về phía trước?”
“Ðể tôi nối hai bờ sông Bến Hải
Nối lòng người vời vợi cách xa nhau”…
(Giấc mơ nhỏ của tôi )
Ðức Phật đã ví Ðạo như ngón tay chỉ mặt trăng, như cái bè chở người qua sông. Mình cũng có thể ví Ðạo như cái phao vớt người đang đắm tàu. Phao bằng gỗ hay bằng nhựa, phao Ấn Ðộ hay phao Do Thái, phao “nhập cảng” hay phao “dân tộc”? Điều quan trọng vẫn là phao có thể vớt được người, mà cụ thể là những người Việt mình đang chết đuối. Trong bối cảnh thực của Việt Nam, tôn giáo phải là những cái phao này, chung sức nhau mà cứu.
Trần Trung Ðạo thuộc làng Phật giáo Mã Châu sát cạnh làng Công giáo Trà Kiệu, hồi còn nhỏ vẫn thường sang chơi với bạn bè ở sân nhà thờ. Nhưng anh cũng phải nhận rằng không phải ai cũng dễ đến được với nhau như thế. Nhiều người, dù cùng là dân xứ Quảng với nhau, nhưng vẫn mang nhiều thành kiến. “Sự xa cách đó không phải tự nhiên mà có, cũng không phải chỉ đơn giản là sự cách biệt lương giáo chung chung mà thôi, nhưng những chia rẽ giữa những người đã chôn khúc nhau trên cùng mảnh đất, bắt đầu bằng máu, đổ xuống trong đêm 1 tháng 9 năm 1885 và chảy dài suốt thời kỳ thực dân đầy thù hận, khổ đau, tang tóc.”
“Nhắc lại những điều đáng ca ngợi hay nêu lên đôi điều đáng trách đó, tôi không có ý định đào sâu những vết thương đã một thời lở lói trong lòng dân tộc. Nhưng để chúng ta cùng nhìn về quá khứ một cách khách quan, chân thành, bao dung và trân trọng, để từ đó biết tránh xa những ổ gà, những hầm hố, những vết xe đổ, trên đường đi tới một tương lai tươi sáng cho đời sau…”
“Tôi chỉ mong có một ngày những người dân Quảng sẽ cùng về lại Trà Kiệu, cùng nhau lau sạch những bậc đá trên đồi Bữu Châu như lau đi những vết thương hằn sâu nhiều thế kỷ. Tôi vẫn mơ có một ngày cùng nhau xây lại đình làng Ngũ Xã Hoàng Châu và các làng mạc chung quanh Trà Kiệu, nơi đã từng là bãi chiến trường, là biên giới của phân ly, hoài nghi, xa cách. Trà Kiệu, Mã Châu, Thi Lai, Hà Mật, Kỳ Lam, Giao Thủy, Ðà Nẵng, Hội An…. là những phần thân thể đáng yêu và bất khả phân ly của xứ Quảng. Tôi yêu Trà Kiệu như yêu chính ngôi làng Mã Châu nhỏ bé của tôi.”
No comments:
Post a Comment