Sunday, February 27, 2011

LỜI THỀ GÓP PHẦN KHƠI DÒNG SINH MỆNH

LỄ GIẢI OAN: LỜI THỀ GÓP PHẦN KHƠI DÒNG SINH MỆNH
Tôi đã từng nghe truyện kể về một vị thiền sư ngồi yên lặng chín năm nhìn vào vách đá. Câu chuyện vỏn vẹn chỉ có thế, vậy mà biết bao nhiêu sách vở vẫn không sao giải thích thỏa đáng.
Họa sĩ Malevitch hình như đã diễn tả được phần nào qua bức “Khung Vuông Trắng Trên Nền Trắng.” Bức họa này hiện đang để trong Bảo Tàng Viện Nghệ Thuật Tân Thời MOMA ở New York. Nhiều khoảng cách tựu trung cũng chỉ là một khoảng cách: khoảng cách giữa khung trắng và nền trắng, giữa những vết dao đâm và cõi lành phía đàng sau kia, giữa chỗ ngồi vô thường và quê hương hằng thể. Quê hương ở đàng sau “vách đá”, là khoảng trống đầy tràn, là khung trời vời vợi.
À đây rồi, điều mình tìm kiếm từ lâu thì đang hiện ra, trên khoảng trống mênh mông, trong một cõi tâm mang tình cảm chân thực biết cảm thương và nối kết, hơn tất cả những cuộc phê phán hay tranh luận vô bổ. Chân không diệu hữu là vậy. Khi lòng mình đã vượt qua được tham sân si thì tình thân thương gặp gỡ mới có cơ phát triển. Trong “chu kỳ sinh, trụ, dị, diệt của nhân sinh tạo vật, “ Trần Trung Ðạo chỉ “xin được làm một que củi nhỏ để ngọn lửa hy vọng, tình người, tình đất nước, trong lòng mỗi người chúng ta, đừng tắt.”
Ðúng vậy. Chỉ có trái tim tinh ròng biết thương cảm mới vượt qua được những khoảng cách mà nối vào được với thiên thu tròn đầy. Đúng đây là khởi đầu cho tiến trình tâm lý trị liệu giải thoát để Việt Nam được chữa lành. Cần phải biến thành nghi lễ hẳn hòi. Ðây cũng là nhiệm vụ của tôn giáo và của những nhà nghệ sĩ đích thực, như họa sĩ Thái Tuấn quan niệm: “Công việc làm nghệ thuật là thu tất cả về một mối… cái xác cái hồn, cái cũ cái mới, cái quốc tế cái dân tộc. Trong công việc sáng tạo, người nghệ sĩ không làm gì khác hơn, mới lạ hơn là nhờ tác phẩm để hàn gắn lại cuộc đời đã quá tả tơi rách nát bởi những phân chia. Hắn phải vượt khỏi những khoảng cách, mới có thể xóa bỏ những khoảng cách. Khoảng cách giữa nghệ thuật và kỹ thuật, giữa con người và thiên nhiên; giữa con người và con người, tư bản cộng sản, da trắng da đen, công giáo phật giáo, trí óc trái tim.” (Tuyển Tập Tranh và Tiểu Luận, trang 26-27).
Muốn vượt qua được những khoảng cách do những cực đoan quá khích, do tham vọng nhỏ nhoi bệnh hoạn, phải cần đến cái tâm nhân ái, bao dung, trung đạo, nhận ra được nét đẹp và cần thiết của những chiếc phao khác, của những đạo khác. Như vậy, công cuộc phục hưng tộc Việt cũng phải bắt đầu từ việc giải oan cho chính lòng mình, giải thoát được những khoảng cách và uẩn khúc ở ngay trong trái tim mình.
Trần Trung Ðạo đã vượt qua nhiều khoảng cách, để biết đau, biết nhục, biết thương, mà đến được một thứ đạo tinh ròng: “Ðối với tôi, tôn giáo nào đem lại sự an lạc, hạnh phúc cho con người thì tôn giáo đó là tôn giáo của tôi và bất cứ ai đeo đuổi mục tiêu đem lại an lạc, tự do, cơm áo cho đồng bào tôi người đó là Thầy tôi, là Cha tôi.” (TTÐ, Giấc Mơ Việt Nam, trang 144)
Ðồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt? Lời yểm của Mã Viện chả lẽ cứ mãi ám ảnh một lớp người bất hạnh mang quá nhiều thương tích tật nguyền trong một dạng thức tâm lý không mấy bình thường? Thì đây, mắt mình rưng rưng nhìn thấy một dòng sông tình thương chảy đến từ những con tim nhân ái, biết đau, biết nhục với vận nước… và biết làm một cái gì cho dân mình có thể ngóc đầu lên dù phải hy sinh rất nhiều, như một lời thề trước Ðền Hát Môn. Số mệnh bao giờ cũng đi liền với một sứ mệnh và một sử mệnh. Ðó chính là lời thề của mỗi người góp phần khơi cho dòng sinh mệnh dân tộc chảy tới:
Trụ đồng gẫy, núi Giao Chỉ vẫn còn cao
Ngọn Cẩm Khê vẫn đầy, dòng sông Hát vẫn chảy.
LM Trần Cao Tường

No comments:

Post a Comment