Sunday, February 27, 2011

BƯỚC ÐẦU MỘT CUỘC CHỮA BỆNH

BƯỚC ÐẦU MỘT CUỘC CHỮA BỆNH
Có một điều ít người dám nói tới, là hình như tộc Việt mình bị một chứng bệnh di truyền rất nguy hiểm. Ðó là bệnh oan thành bệnh ức và mặc cảm, một trạng thái tâm lý không mấy lành mạnh. Cái số mệnh của mình trong suốt lịch sử chẳng được mấy ngày an bình và phát đạt, thành ra cái nét văn hóa căn bản vẫn là cái bản năng cố mà sống còn. Suốt một ngàn năm đằng đẵng qua quá nhiều đời bị nô lệ Tàu nên vết thương và nỗi đau hằn sâu vào máu như một di sản, mang mặc cảm thấp cổ bé miệng nên luôn phải cố ráng mà bù vào một cái gì cho đỡ tủi. Theo khoa trị liệu tâm lý ngày nay, vết thương này nếu không được chữa lành sẽ tiếp tục quằn quại giẫy giụa hoặc phải tìm cách gỡ gạc bù trừ, làm thành những hệ lụy tâm lý khủng khiếp mà ta vẫn gọi là vòng hệ lụy nghiệt ngã.
Ngày xưa còn bé, đọc “Ngựa Chứng Sân Trường” hay “Vết Thù Hằn Trên Lưng Ngựa Hoang” của Duyên Anh, tôi đã học bài học nhập môn về tâm lý qua hiện tượng giẫy giụa khi bị thương. Hình ảnh một con ngựa bị đâm nhiều nhát máu me lai láng. Nó chạy tứ tung mà chẳng biết chạy đâu, vùng vằng hung hãn cắn cấu làm người khác bị thương theo. Người khác bị thương lại giẫy giụa la hét làm người khác nữa bị thương. Và cứ thế thành cái vòng hệ lụy nghiệt ngã đầy khổ nạn. Cả một lớp người bị thương bầm dập lại chỉ còn biết tìm cách cắn cấu đổ tội cho nhau mà quên mất cái nguyên nhân chính. Rồi cuối cùng con ngựa cũng lăn ra chết. Nó nằm vật xuống bên vực núi, nét mặt trở nên hồn nhiên hiền từ như ngày nó vào đời, chỉ trừ mấy giọt nước mắt còn đọng lại chưa kịp khô. Thật tội nghiệp.
Ðọc lịch sử ai mà chẳng thấy ngay cả những thời cực thịnh như nhà Lý, Trần, Lê… cũng chỉ được mấy năm đầu của mỗi triều đại tạm gọi là yên ổn. Mình loay hoay mãi mà vẫn chưa tìm ra đường xây dựng được một hệ tư tưởng riêng hay một công trình gì to lớn, vì cơn bệnh trầm kha vẫn còn hằn đó, nên đành “gà què ăn quẩn cối xay” giành giật một chút quyền lực và cái lợi nhỏ nhoi! “Ðá đáp người ngoài” không nổi thì đi “cứ hoài đá nhau” vậy. Chẳng lạ gì ngay đến đời con cháu của những triều đại có công lập lại cơ đồ thì đã phát sinh nhiều tai biến do chính người mình tạo ra cho nhau. Có cái gì bất ổn như một chứng bệnh tâm lý. Nhà Trần diệt nhà Lý. Con cháu Lê Lợi đưa công thần Nguyễn Trãi ra mà giết tới ba đời thật tàn ác! Rồi Trịnh Nguyễn gianh đất giành dân làm ra được sông Gianh! Cũng nhằm xây cơ đồ nhà mình chứ chắc gì vì dân vì nước! Đưa mấy cái đầu lâu của anh em nhà Tây Sơn ra mà trả thù kiểu đó liệu có chút nhân bản? Ðặng Trần Thường đánh chết bạn học là Ngô Thời Nhiệm ngay tại Văn Miếu. Phe hoàng tử Ðảm thiên Tàu diệt phe anh là hoàng tử Cảnh thiên Tây phương, rồi nhân danh văn hóa mà bít cửa với văn minh mới để đi thụt lùi thành cái hệ lụy đầy tủi nhục và nước mắt vẫn còn chảy tới ngày nay!
Vì thế, dám đối diện với bóng đen đau buồn và cùng cảm được nỗi nhục chung phải là bước đầu tiên chữa bệnh tâm lý như William A. Miller viết trong “Make Friends with Your Shadow” (Hãy Làm Bạn Với Bóng Đen Của Mình) theo khuynh hướng tâm lý phân tích của Karl Jung. Bao lâu còn đứng chỉ tay đổ tội trút rách nhiệm thì cơn bệnh còn nặng thêm!
Quả thật, cuộc chữa bệnh cho chính mình và dân mình để hồi sinh phải bắt đầu bằng trái tim biết cảm thương cái đau của nhau và cái nhục chung. Sau một cuộc chiến chẳng có ai là kẻ thắng, mà cả dân tộc là những người thua, Trần Trung Ðạo cảm thương anh thương binh miền Bắc trên đôi nạng gỗ bên vỉa hè cuộc sống cũng như người lính già miền Nam chết bên lề xa lộ San Jose! Chừng nào cảm thấy được người con gái vượt biên tên là Thu Cúc thắt cổ chết trong trại cấm, những thiếu nữ bị bán đi làm vợ bên Tàu hoặc những bé gái bị bắt làm điếm bên Thái, hay ngay cả những người trẻ ở hải ngoại phải mặc cảm che giấu gốc gác hèn yếu của mình… là chính em gái của mình, là con hay cháu gái của mình, thì đời mình từ đây chắc sẽ không thể “bằng chân như vại” như vậy được nữa! Ðây chả lẽ không phải là niềm đau và nỗi nhục chung sao? Ðây không phải là những Bức Tường Khóc Việt Nam hôm nay hay sao?
“…Anh bước đi giữa trời đất Bắc
Hà nội mưa phùn lạnh kẽ xương
Chiếc nạng gỗ khua từng tiếng nấc
Gõ nhịp thương đau xuống mặt đường…”
(Nỗi buồn chiến thắng)
“…Người lính già Việt Nam
Như con thú hoang lạc loài
Trên freeway nhộn nhịp
Một tiếng rên thảng thốt chảy trong mưa
Một chiếc lá cuốn đi theo cơn gió cuối mùa
Một tiếng nấc rã rời trong đêm vắng
Vợ anh đâu?
Sao không về đây vuốt mắt
Con anh đâu?
Sao không đến vấn khăn tang…”
(Người lính già vừa chết đêm qua)
“…Vĩnh biệt em người con yêu xứ Huế
Ngủ đi em đừng óan hận cuộc đời
Anh đứng lặng nghe đau từ tim phế
Xin thơ nầy lau vết máu em rơi.”
(Vĩnh biệt em, Thu Cúc )
“Người con gái Việt Nam trên đại lộ Sri Ayuthaya
Ðang nhắm mắt nhìn đời trôi vô tận
Lịch sử Việt Nam vinh nhục thăng trầm bao nhiêu bận
Nhưng chưa bao giờ đen tối hơn hôm nay….”
(Người con gái Việt Nam trên đại lộ Sri Ayuthaya)
”Em xứ lạ cuộc đời nhiều thay đổi
Tóc nhuộm vàng che những vết thương đau…”

No comments:

Post a Comment