Tuesday, February 1, 2011

Người viết mướn cuối cùng ở Bưu điện Trung tâm Sài Gòn

Người viết mướn cuối cùng ở Bưu điện Trung tâm Sài Gòn
Thanh trúc, phóng viên RFA
2010-07-22
Bưu Điện Sài Gòn, một kiến trúc lâu đời mang dáng nét Tây Phương, là điểm đẹp của nơi được mệnh danh “Hòn Ngọc Viễn Đông “thuở trước và thành phố Hồ Chí Minh bây giờ.

Photo courtesy N Minh Duc
Lặng lẽ và cặm cụi với công việc của mình.
Đến bưu điện trung tâm Sài Gòn, thể nào quí vị cũng thấy một người đàn ông cao tuổi, tóc bạc trắng, dáng dấp nghiêm nghị, nụ cười thân tình, cặm cụi ngồi viết bên cạnh tấm bảng có kẻ hàng chữ: “Nơi Chỉ Dẫn Và Viết Giúp”.
Người viết thư xuyên thế kỷ
Đó là ông Dương Văn Ngộ, năm nay tám mươi tuổi, đang làm công việc mà ông gọi là ‘viết mướn’ đã hai mươi năm qua. Chả biết đây có phải là người viết mướn sau cùng của thời đại này không, vào khi mà trong thành phố nhộn nhịp mọc lên nhan nhản các trung tâm hay văn phòng dịch thuật, có thể phiên dịch bất cứ loại đơn từ thư tín nào từ tiếng Việt sang tiếng Anh hay tiếng Pháp.
Người đã nhìn thấy, đã quan sát, đã ghi lại hình ảnh độc đáo của người viết mướn đó, nhiếp ảnh gia Nguyễn Minh Đức, chia sẻ :
"Mình đã mất mấy ngày để làm quen với bác, rồi thấy rất cảm kích cái việc bác làm. Có thể dùng cái từ gọi là lạc thời, cái người lạc thời ấy mà. Bởi vì cái thời buổi cơm áo gạo tiền cuộc sống xô bồ mà cái việc bác làm mình cũng thấy nó giống như một cái biểu tượng văn hoá của thành phố còn sót lại."
Ông Dương Văn Ngộ, năm nay tám mươi tuổi, đang làm công việc mà ông gọi là ‘viết mướn’ đã hai mươi năm qua. Chả biết đây có phải là người viết mướn sau cùng của thời đại này không, vào khi mà trong thành phố nhộn nhịp mọc lên nhan nhản các trung tâm hay văn phòng dịch thuật
Như vậy hàng ngày ông Dương Văn Ngộ ngồi ở đó, tại một góc chính của bưu điện thành phố, để khách hàng có nhu cầu viết đơn từ bằng tiếng Anh hay tiếng Pháp có thể hỏi ý kiến và và nhờ ông giúp một cách nhanh chóng.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Minh Đức kể tiếp:

Sáng nào cũng như sáng nào cứ 8h10' là ông Dương Văn Ngộ bước vào bưu diện. Photo courtesy Ng Minh Duc
"Thường là những kiểu như văn phòng luật sư hoặc những chỗ dịch thư từ đơn thuê đó, thứ nhất là chi phí sẽ cao, thứ hai không ai ngồi dịch ngay như vậy đâu, họ sẽ hẹn mình một hai ngày và không có được cái tình cảm giao tiếp như với bác Ngộ đâu, đó là một dạng khác rồi.
Nhưng có một cái khiến tôi cảm kích là mặc dù bác lớn tuổi rồi, con cái của bác có công ăn việc làm, mức thu nhập thực tế của họ vẫn đảm bảo cho bác có thể ở nhà an hưởng tuổi già , vui với con cháu thôi. Nhưng cái quan niệm ở bác mà tôi thấy quí nhất là bác nói “nếu không làm việc thì tôi cảm thấy không khỏe. Tôi còn làm việc được còn tự kiếm tiền được thì tôi không muốn làm phiền con cháu”.
Vừa rồi là vị khách mời thứ nhất trong mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi tối nay. Bây giờ đến vị khách mời thứ hai, ông Dương Văn Ngộ, người tự cho mình là kẻ viết mướn cuối cùng của thời đại vi tính hiện nay.
Gắn bó với Bưu Điện Saigon từ năm 17 tuổi
Năm mười bảy tuổi, cậu thanh niên Dương Văn Ngộ khởi sự làm việc tại bưu điện Sài Gòn. Năm 1990 ông về hưu, được phép làm nghề mà ông gọi là nghề viết mướn :
"Trước thì có năm sáu người, bây giờ chết hết với già hết còn một mình tôi, thành ra tôi là người duy nhất. Thiệt ra chỉ có bưu điện trung tâm Sài Gòn là có công việc này thôi, mà phải xin. Nhưng tôi chưa xin thì lãnh đạo đã cho ra ngồi đó. Có lẽ họ thấy tôi làm việc giỏi, vậy thôi."
Năm mười bảy tuổi, cậu thanh niên Dương Văn Ngộ khởi sự làm việc tại bưu điện Sài Gòn. Năm 1990 ông về hưu, được phép làm nghề mà ông gọi là nghề viết mướn
Ông Dương Văn Ngộ quên kể với Thanh Trúc rằng để làm nghề viết mướn ở Sài Gòn thì trước nhất phải có khả năng ngoại ngữ. Đúng vậy, xuất thân từ chương trình Pháp trung học Petrus Ký, bây giờ là trường Lê Hồng Phong, ông Dương Văn Ngộ nói lẫn viết tiếng Pháp thông thạo:
"Còn anh văn đó, khi tôi làm ở bưu điện tới ba mươi sáu tuổi thì bưu điện cho tôi đi học Anh Văn để phục vụ khách hàng của bưu điện, cho học tại hội Việt Mỹ. Nhưng mà xong lớp Chín thôi, không đủ đâu hết, ra ngoài phải học thêm thôi."
Phương châm làm việc
Châm ngôn, mà người viết mướn Dương Văn Ngộ theo đuổi suốt hai mươi năm hành nghề, là qui tắc, chuẩn mực, chỉ viết hay chỉ dịch những gì được yêu cầu, không thêm thắt không bịa đặt. Hãy nghe ông trình bày:
"Tôi cố gắng làm sao cho người ta hiểu mình, câu nào ra câu nấy, ngắn gọn, chấm phết đàng hoàng. Ai viết sẵn ra là tôi dịch thôi, tôi không thêm thắt gì hết, tôi chỉ sửa câu văn cho nó gọn chứ còn chuyện tình cảm của họ thì họ phải viết ra. Tôi không bịa đặt, cái đó là nhất định. "
Bao giờ cũng vậy, ông yêu cầu khách hàng thảo đơn hay thư bằng tiếng Việt trước, rồi theo đó chuyển dịch sang tiếng Anh hay tiếng Pháp:

Những đồng tiền sạch. Photo courtesy N Minh Duc
"Cái lối viết Anh văn nó khác với tiếng Việt. Một cái đơn bằng Anh văn đó, vô thì phiá bên tay mặt, ở phiá trên, là địa chỉ của mình, địa chỉ của người gởi mà không có tên, rồi ngay dưới đó là ngày tháng.
Ai viết sẵn ra là tôi dịch thôi, tôi không thêm thắt gì hết, tôi chỉ sửa câu văn cho nó gọn chứ còn chuyện tình cảm của họ thì họ phải viết ra. Tôi không bịa đặt, cái đó là nhất định.
Phia bên trái là tên của chỗ đến và cả địa chỉ nữa. Đặc biệt của cái Anh văn nó là chỗ đó, cả chỗ nhận mà cả địa chỉ chỗ nhận nữa, giống như ngoài bao thơ. Rồi mới thưa ông thưa bà gì đó và muốn trình bày gì thì trình bày.
Bởi vì, theo tôi, dầu mình có viết giỏi cách mấy mà cái hình thức không hay thì người ta cũng chê mình. Cái đó là tôi học riêng chứ trường không có dạy.
Tiếng Pháp thì cũng như vậy, cũng có formule (công thức) của nó. Thí dụ như trên cùng là ngày tháng, dưới đó là “A Monsieur Le Directeur” Hay giả tỉ “Monsieur Le Consul General De France” , thì không có địa chỉ mà ghi là Hồ Chí Minh Ville thôi. Xuống dưới mới là “Thưa Ông Lãnh Sự “rồi mới tiếp theo “J’ai l’ honneur...” gì đó. Mỗi cái nó có một formule riêng mình phải theo cung cách của người ta thì người ta mới nể mình.
Tôi không bao giờ biến chế, chỉ có hình thức là tôi sửa thôi, còn công chuyện thì người ta phải trình bày, người ta đưa ra chi tiết mình mới làm được."
Được hỏi thêm về công việc mà ông cảm thấy lý thú khi có dịp thực hiện mỗi ngày, ông Dương Văn Ngộ giải thích thêm:
"Thí dụ thư gởi cho em ruột mà muốn em rể người ngoại quốc đọc được thì bắt buộc mình phải dịch thôi. Nhưng mà tôi không bao giờ viết lấy hết, người ta viết sao thì tôi mới ý tứ đó tôi lấy ra tôi dịch. Điều có cái là mình sửa đổi, chẳng hạn như “tôi muốn” đó, thì không phải là “I want” mà “I wish” hay là “I would like” , thí dụ như vậy. Phải khéo léo chứ còn muốn xin tiền mà I want I want ...thì chừng vài lần là tiêu."
Khi am hiểu nền văn hoá của chính mình và nền văn hoá của tiếng nước người qua chữ nghĩa thông dụng hàng ngày, ông cảm thấy mình đã học được rất nhiều và yêu thích công việc của mình
Qua bao năm làm việc, ông Dương Văn Ngộ tâm sự, rằng khi am hiểu nền văn hoá của chính mình và nền văn hoá của tiếng nước người qua chữ nghĩa thông dụng hàng ngày, ông cảm thấy mình đã học được rất nhiều và yêu thích công việc của mình hơn, dù việc đó không giúp ông kiếm được nhiều tiền, trong lúc tuổi ngày càng cao và sức ngày càng yếu:
"Thường thường thì 8 giờ hoặc 8 giờ 10 tôi vô sở, có khi nhiều khách, có khi ít khách, có khi trọn ngày không có người nào viết thơ, chỉ có viết bao thơ ít cái vậy thôi.
Còn có khi làm không hết. Nhưng có cái là lúc này tôi chỉ dịch một bản dưới hai trang giấy học trò, lãnh hơn làm không nổi. Mà nếu làm cho người đó lâu quá rồi người kế tiếp sao làm cho người ta. Còn nếu đem về nhà làm thì sau bốn giờ tôi về tôi mệt không làm nổi nữa. "
Đã thế, ông nói tiếp, làm công việc này mà không hiểu luật lệ của bưu điện thì sẽ rất khó, chuyện gì không hiểu thì phải chịu khó đi hỏi những người biết rõ hơn mình:
"Vì bưu điện có luật lệ riêng của bưu điện mình phải học. Thí dụ như bây giờ, điện thoại ở Việt Nam cứ thay đổi số hoài, nhiều khi con số thêm không biết đâu mà rờ. Mấy cái đó phải chạy đi hỏi mấy cô ở bưu điện thôi vì nó thay đổi nhiều lắm. Không phải như bên cô, mã vùng 408 là cứ 408 đâu. Ở đây thay đổi nhiều lắm, chỗ tôi là 38, còn có chỗ 37, có chỗ năm mươi mấy nữa."
Dịch xong cho khách hàng một đơn từ hay một bức thư, ông Dương Văn Ngộ lại bắt tay vào lá đơn hay lá thư kế tiếp mà không bao giờ tiết lộ những chuyện riêng tư của khách.
Biết bao kỷ niệm khó quên
Dịch xong cho khách hàng một đơn từ hay một bức thư, ông Dương Văn Ngộ lại bắt tay vào lá đơn hay lá thư kế tiếp mà không bao giờ tiết lộ những chuyện riêng tư của khách.
Ông bảo kỷ niệm thì nhiều, tình cảm mà khách hàng quen hay không quen dành cho ông cũng lắm. Ông được sự tín nhiệm và quí trọng của bà con là vì đức tính giản dị, khiêm tốn và chuyên nghiệp:
"Tôi kể cái này là câu chuyện tếu thôi chứ không phải thật đâu. Có cái ông đó lập trình vi tính, ông khoe với bạn là ông lập cái máy dịch hay lắm. Ông kia biểu dịch thử, mà nhè đưa ra cái câu’Out Of Sight Out Of Mind,” tức là Xa Mặt Cách Lòng đó. Mà cái máy nó dịch “out of sight..ngoài sự thấy” nó dịch là “ đui”; rồi “out of mind ...ngoài đầu óc” nó dịch là “điên” . Ông kia ông cười quá. Dịch đúng từng chữ từng chữ nhưng trật lất. Xa mặt cách lòng mà nó dịch đui với điên, cái đó chuyện tếu thôi nhưng trên thực tế có thể có như vậy đó."
Nhưng cũng có đôi lần ông tranh cãi với khách hàng, ông kể lại, chỉ giản dị để làm sáng tỏ vấn đề rối rắm của chữ và nghĩa:
"Có một lần tôi cãi với một cô đầm, tôi noí là tôi không bao giờ viết “merci beaucoup “hay “merci bien” . Thì trong sách vở người ta dạy mình tránh nhưng người ta không cắt nghĩa tại sao.
Nếu mà từ giã thì buồn lắm bởi vì mình quen việc mấy chục năm rồi. Hơn hai chục năm rồi. Khi vô gặp người khách quen trời ơi họ mừng không thể tưởng. Mình làm mình ăn tiền của họ mà họ mừng không thể tưởng
Cô đầm hỏi tại sao thì tôi mới trả lời bởi vì “bien” và “beaucoup” là trạng từ, trạng từ đi chung với động từ. Mình có thể nói “ je vous remercie bien” hay “je vous remercie beaucoup,” bởi vì remercier là động từ. Động từ đi với trạng từ là đúng rồi, còn merci là danh từ, không đi với trạng từ.
Thì cô đầm đó hỏi “mais c’est le Francais courant,” nhưng đây là tiếng Pháp thông dụng kia mà. Tôi phản ứng liền, tôi nói tôi đồng ý với bà, nhưng mình viết nó khác, nói nó khác.
Một bà người Pháp khác vì thương tôi viết khá nên bà sửa. Thay vì

Hình ảnh của ông Dương Văn Ngộ, chắc sẽ tồn tại trong trí nhớ mọi người một thời gian, chẳng như một mai không còn bóng dáng ông ngồi cặm cụi viết thơ viết đơn...Courtesy Ng M Duc
“beaucoup avant” thì phải noí là” bien avant”. Đó, nghĩa là có người sửa nhưng người ta thấy mình khá thì người ta sửa cho mình hay hơn."
Bây giờ, nếu phải rời bỏ công việc thường ngày này, ông Dương Văn Ngộ bày tỏ, lòng ông sẽ thấy tiếc lắm:
"Nếu mà từ giã thì buồn lắm bởi vì mình quen việc mấy chục năm rồi. Hơn hai chục năm rồi. Khi vô gặp người khách quen trời ơi họ mừng không thể tưởng. Mình làm mình ăn tiền của họ mà họ mừng không thể tưởng. Thành ra ráng được ngày nào hay ngày nấy."
Ngoại quốc cũng biết "Người Viết Thư Xuyên Thế Kỷ"
Người viết mướn Dương Văn Ngộ , mà nhiếp ảnh gia Nguyễn Minh Đức ở trong nước gọi là Người Viết Thư Xuyên Thế Kỷ, bởi trước ông chỉ đôi ba người hiếm hoi mà nay không còn, rồi sau ông chắc chẳng ai tiếp nối công việc đặc biệt đó nữa. Điều an ủi là ông đang được nhiều người chú ý, kể cả báo chí nước ngoài:
"Nếu ở Mỹ thì có tờ Viet Tribune, một ông đó gốc Hải Phòng, trước ở Sài Gòn, ông vô ra bưu điện thường lắm thành ra khi thấy cái địa chỉ của tôi trong đó cái ông cắt bài báo gởi về cho tôi. Còn ở Canada thì có tờ Travel. Mà trước khi đó là một tờ báo Đức, tờ Spiegel, tạp chí có tiếng ở bên Đức, đăng lên trước, thành ra đài truyền hình mới biết tôi mới là theo sau.
Người ngoại quốc thì phần nhiều họ lịch sự lắm. Họ không quấy rầy tới mình, nhưng có những lúc mình rảnh ngó lên chào hỏi họ thì họ lại xin chụp riêng với mình.
Cũng vui lắm chứ, mình cũng phải sao đó người ta mới thích mình. Nhưng mà cũng mệt lắm. Bây giờ mỗi tháng hoặc là đài truyền hình truyền thanh gì đó hay báo, ít lắm là hai chỗ tới phỏng vấn. Còn những người họ coi báo này kia, họ ưu ái tới hỏi là thường lắm. Có những bữa mà ba bốn chục người đến chụp hình. Người ngoại quốc họ biết hay người hướng dẫn nói cho họ biết, họ tới chụp hình .
Người ngoại quốc thì phần nhiều họ lịch sự lắm. Họ không quấy rầy tới mình, nhưng có những lúc mình rảnh ngó lên chào hỏi họ thì họ lại xin chụp riêng với mình.
Có lẽ cái nghề này là cái nghề hơi lạ, bên xứ họ không có. Ở Việt Nam này thì ngoài Hà Nội không có, còn ở Sài Gòn chỉ có tôi thôi. Không kể mấy trung tâm mà có bảng hiệu thì nó lại khác."
Hình ảnh của ông Dương Văn Ngộ, tấm bảng “Nơi Chỉ Dẫn Và Viết Giúp” theo ông bao năm, chắc sẽ tồn tại trong trí nhớ mọi người một thời gian...
Đó là câu chuyện của người viết mướn Dương Văn Ngộ, tuổi đã cao, ngày rời công việc cũng gần kề. Chị Diễm, con gái của ông Ngộ, cho biết thị giác của thân phụ đã kém nhiều, nếu qua lần giải phẩu mắt cườm sắp tới thì không chắc ông có thể làm việc trở lại.
Hình ảnh của ông Dương Văn Ngộ, tấm bảng “Nơi Chỉ Dẫn Và Viết Giúp” theo ông bao năm, chắc sẽ tồn tại trong trí nhớ mọi người một thời gian, chẳng như một mai không còn bóng dáng ông ngồi cặm cụi viết thơ viết đơn giùm tại bưu điện trung tâm Sài Gòn nữa.
Nhưng thà vậy, ông cứ về vui hưởng tuổi già , còn hơn có lúc ngồi đó mà gợi cho người ta nhớ những câu thơ man mác sầu của Vũ Đình Liên, nói về một ông đồ lạc thời:
Ông đồ vẫn ngồi đấy,
Qua đường không ai hay.
Lá vàng rơi trên giấy,
Ngoài đường mưa bụi bay.
Thanh Trúc kính chào tạm biệt, hẹn quí vị tối thứ Năm tuần tới.




Thông dịch viên tiếng Việt ở Hoa Kỳ
Đỗ Hiếu, phóng viên RFA
2010-10-12
Vấn đề đọc thông, nói thạo một ngôn ngữ không phải là chuyện đơn giản. Vấn đề trở nên khó khăn hơn khi người ta phải sinh sống tại một nơi mà tiếng ‘mẹ đẻ’ không được sử dụng trong giao tiếp hằng ngày.

AFP PHOTO / RAVEENDRAN
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng (phải) và Tổng thư ký Đảng Cộng sản Ấn Độ Prakash Karat (trái) trong một cuộc họp tại New Delhi hôm 06/7/2007. Người ngồi giữa là thông dịch viên.

Khó khăn trong vấn đề thông hiểu ngôn ngữ điạ phương là tình trạng chung của khá nhiều người Việt khi đến định cư tại một quốc gia Âu Mỹ khác. Trong một hoàn cảnh nào đó, khi cần phải trình bày về một sự việc cụ thể, rõ ràng trên nhiều lãnh vực khác nhau, họ phải nhờ đến một ngươì, thường là đồng hương, nói năng lưu loát ngôn ngữ của quốc gia nơi họ đang sinh sống.
Người giúp cho hai đối tượng không nói cùng ngôn ngữ hiểu được nhau đó được gọi tên là ‘phiên dịch hay thông dịch viên’; trước đây có lúc còn gọi là ‘thông ngôn’.
Tạp chí Câu Chuyện Hàng Tuần hôm nay xin giới thiệu đến quý vị đôi nét về công việc của người phiên dịch viên trên đất Mỹ.
Là chiếc cầu nối
Yêu cầu chính của công tác phiên dịch, thông ngôn hay biên dịch là chuyển lời nói, câu viết … từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác mà không làm thay đổi ý nghĩa của lời nói hay câu văn đó. Người thông dịch, phiên dịch có nhiệm vụ chuyển văn bản hay lời đối thoại từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác một cách trung thực, chính xác, đầy đủ, giúp cho những người không sử dụng cùng một ngôn ngữ thông hiểu nhau.
Nhiệm vụ chính của người thông ngôn và phiên dịch viên được tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc Ủy Ban Cứu người Vượt Biển, một tổ chức lâu nay chuyên giúp đỡ người Việt tại Hoa Kỳ khi họ cần đến dịch vụ cần thiết này, trình bày:
“Vấn đề thông ngôn và phiên dịch là một khâu rất quan trọng để nối kết những người có nhu cầu. Văn phòng chúng tôi có hai lãnh vực cung ứng các dịch vụ giúp giải quyết các nhu cầu này. Hàng ngày đồng bào có những người cần đi bác sĩ, khám sức khỏe, khi tiếp xúc với một số dịch vụ, mà không rành Anh ngữ thì chúng tôi có những nhân viên quản lý hồ sơ, hướng dẫn những người cao niên, phụ huynh học sinh hoặc nạn nhân bạo hành, để tiếp cận với các dịch vụ cần thiết hàng ngày như sức khỏe, sức khỏe tâm thần, tài chánh, xã hội, giáo dục.”
Tổ chức này cũng có một đội ngũ thông dịch chuyên môn để phục vụ cho những công tác của tập thể hay cộng đồng khi cần tiếp xúc, liên lạc, gặp gỡ với các cơ quan công quyền: lập pháp hay hành pháp Hoa Kỳ:
Vấn đề thông ngôn và phiên dịch là một khâu rất quan trọng để nối kết những người có nhu cầu. Văn phòng chúng tôi có hai lãnh vực cung ứng các dịch vụ giúp giải quyết các nhu cầu này.
TS Nguyễn Đình Thắng

“Chúng tôi có một đội ngũ với những người được sự chứng thực có khả năng về thông dịch, tức là certified interpretor, translator, để giúp khi cần làm việc với cơ quan chính quyền, bộ phủ, như giúp thông dịch tại những buổi điều trần tại quốc hội Hoa Kỳ, hoặc những buổi họp lớn giữa chính quyền như Tòa Bạch Ốc, Bộ Lao động với người dân vùng bị ảnh hưởng bởi dầu tràn, ở Vùng Vịnh.”
Thông dịch viên tại Mỹ có thể phục vụ hay giúp đỡ cho các đồng hương không nói hay viết rành rẽ tiếng Anh trong nhiều lãnh vực khác nhau qua các sinh hoạt đa dạng của đời sống hàng ngày; một thông dịch viên, bà Thu Ân chia sẻ:
“Điều tất yếu của người thông ngôn hay phiên dịch là cần có khiếu về ngoại ngữ. Hiểu, nói, viết thông thạo, nhuần nhuyễn tiếng mẹ đẻ của mình là tiếng Việt và ngôn ngữ chính của đất nước Hoa Kỳ là tiếng Anh, nơi mình đang sinh sống. Khi đi vào vấn đề chuyên môn nào, mình phải học hỏi, trao dồi những từ chuyên môn của ngành đó, như ở tòa án, bệnh viện, văn phòng bác sĩ gia đình hay chuyên khoa.
Nên chọn những từ ngữ một cách khéo léo, khi thông dịch khỏi va chạm về vấn đề văn hóa, sắc tộc. Phải biết sắp xếp, tổ chức, luôn phải thật đúng giờ, khi làm việc chỉ dịch sát nghĩa, rành mạch lời nói của đôi bên, không thêm hay bớt. Ngoài ra cũng cần sự mềm dịu và kiên nhẫn với những bệnh nhân khó tính, vì bị đau đớn nhiều trong tai nạn xảy ra cho họ. Có những ca dịch, phải theo bệnh nhân hơn một năm trời, tùy theo mức độ phục hồi, cho đến khi bác sĩ không làm gì giúp thêm cho họ được nữa. Riêng tôi thì được thêm những người bạn qúy trong đời.”
Công việc thông dịch cho các đồng hương về những sinh hoạt trong cuộc sống là phổ biến. Tuy vậy, có những ngươì được chọn để làm công tác này cho những dịp quan trọng như các cuộc gặp giữa những vị lãnh đạo quốc gia, một hội nghị quốc tế lớn... Chắc hẳn khi đảm nhận công tác đó, người phiên dịch cần phải có thêm nhiều chuẩn bị đặc biệt khác nữa.
Chia sẻ kinh nghiệm
Ông Vương Thanh là người thông ngôn chính thức trong các phiên họp thượng đỉnh Mỹ-Việt , kể lại hoàn cảnh và cơ hội đưa ông đến với công việc thông ngôn, phiên dịch đặc biệt này:

Thông dịch viên tiếng Việt trong buổi hội thảo 15 năm quan hệ Việt - Mỹ hôm 14/9/2010. RFA photo
“Đó là do công tác của Phòng Ngôn ngữ, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đây là lý do tại sao tôi đã có những cơ hội đó.”
Dịp này ông đã kể lại về những nguyên thủ và cấp lãnh đạo quốc gia Mỹ-Việt mà ông được dịp làm người thông ngôn:
“Tôi làm công việc này khá lâu rồi và được rất nhiều cơ hội làm việc với họ, phía bên Hoa Kỳ thì có tổng thống Bill Clinton, tổng thống George Bush, tổng thống Barack Obama. Còn bên phía Việt Nam thì tính đến ngày hôm nay, tôi đã làm việc với chủ tịch nước Lương, tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam, ông Phiêu, rồi ông Mạnh, cựu thủ tướng Khải, hiện thời bây giờ là thủ tướng Dũng.
Rất nhiều cấp lãnh đạo, nhất là trong thời gian mà lãnh tụ cấp cao của hai quốc gia Việt Nam và Hoa Kỳ gặp nhau trong vòng 10 năm qua, tôi đã có cơ hội làm việc trong những hội nghị ấy.”
Làm công việc thông dịch cho cấp lãnh đạo quốc gia, đó có phải là một trọng trách, một thử thách quá lớn, một kỳ thi gay go hay không? Ông Thanh tâm sự:
“Tôi cũng không biết phải nói làm sao, tại vì những lần mà tôi làm việc đó, cũng may mắn là chưa có chuyện gì đáng tiếc xảy ra. Theo cá nhân thì mình cứ phải cố gắng, tập trung, trau dồi, cải tiến nghề nghiệp của mình, làm như vậy để tránh chuyện đáng tiếc có thể xảy ra.”
Trong trường hợp nếu để chuyện đáng tiếc xảy ra một khi người có trách nhiệm mà dịch sai, không nói đúng hay diễn đạt một ý hoàn toàn trái ngược thì hậu quả sẽ ra sao?
Luật sư Phan Quốc Cường, chuyên làm công tác thông dịch phục vụ người Việt trong vùng Washington DC giải thích:
“Cái lỗi hay cái tai nạn có thể xảy ra thường xuyên, tùy theo môi trường làm việc, nhất là trong hoàn cảnh có nhiều áp lực như trước tòa án.
Một khi nhận ra là mình dịch sai thì nên sửa đổi ngay lập tức, nên báo cho thân chủ hay các bên liên quan, biết được lỗi đó và mình xin lỗi một cách trực tiếp, rồi xin dịch lại. Tùy theo hoàn cảnh mà mức độ của hậu quả khác biệt nhau. Trong phiên tòa mà anh dịch sai thì dữ kiện đó sẽ được đưa vào hồ sơ chính thức của tòa án, là anh đã nói như vậy.
Nếu không có những người phiên dịch viên khác trong tòa hay không có sự khám phá ra sau này thì những lời khai của nhân chứng hay bị cáo người Việt có thể trở thành dữ kiện chính trong vụ án đó, ảnh hưởng đến quyết định của quan tòa, nếu luật sư hai bên không khám phá ra.
Còn ở bệnh viện, việc chẩn đóan bệnh của một người, nếu thông dịch viên không hiểu rõ những lời bệnh nhân muốn nói gì, mình diễn đạt sai ý của anh ta nói về tình trạng bệnh tật, thì củng ảnh hưởng đến kết qủa chẩn đoán và điều trị bệnh.”
Một khi nhận ra là mình dịch sai thì nên sửa đổi ngay lập tức, nên báo cho thân chủ hay các bên liên quan, biết được lỗi đó và mình xin lỗi một cách trực tiếp, rồi xin dịch lại.
LS Phan Quốc Cường

Khi tìm hiểu thêm về nghề thông ngôn, phiên dịch, có một thắc mắc được nêu lên, một câu nói vui là nếu sau khi dịch mà chiến tranh giữa hai nước xảy ra thì đó có phải là lỗi của người thông dịch không?
Luật sư Cường giải đáp:
“Người thông dịch viên cũng có một phần lỗi trong đó, nhưng lỗi anh ta có thể nhỏ hơn, nếu chiến tranh giữa hai nước mà dễ dàng xảy ra như vậy, chỉ vì một lời nói thông dịch, hai vị nguyên thủ quốc gia không biết, không có những kỹ thuật, những bước kiểm tra, mức độ chính xác về phía bên kia thì đó là lỗi của cấp lãnh đạo hơn là của người thông dịch. Họ chỉ có thể làm tận tụy công việc của mình trong một hoàn cảnh nào đó.”
Nhiều người cho rằng, công việc phiên dịch tuy được hưởng thu nhập cao, lãnh lương hậu, nhưng lại khá vất vả, áp lực nặng nề, đôi khi phải chịu cảnh nhịn ăn, chịu khát, đợi đến khi xong việc mới có gì cho vào bụng, ông Chu Huy góp ý về điều này:

Cựu Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải (trái) lắng nghe thông dịch viên (giữa) trong cuộc họp với Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Carlos Gutierrez (phải) tại Washington, DC hôm 21/6/2005. AFP photo
“Tôi công nhận là có vất vả, vì phải chạy theo sự suy nghĩ của người khác để mình có thể dịch ra được, chuyển ý nghĩ của một người theo một cách dễ hiểu cho người nói thứ tiếng khác. Dĩ nhiên là có áp lực, vì trong trường hợp “dịch đuổi” (vừa nghe là dịch ngay tức khắc câu nói đó) phải làm sao bắt kịp theo thời gian, khi người ta nói xong thì mình cũng phải nói xong, chứ người ta dứt lời mà mình vẫn cứ tiếp tục dịch thì nhiều khi mình không kịp dịch cho người khác.
Có chuyện buồn cười là khi đi ăn chung với người mình phải dịch dùm, thí dụ được dọn ăn món thịt bò, phải ráng cắt miếng thịt cho nhỏ, chứ cắt miếng thịt lớn mà bỏ vô miệng rồi, người đang nói và bắt dịch thì mình chưa nuốt xong mà phải dịch liền thì qủa thật là chuyện tếu.”
Vui buồn nghề nghiệp
Về những chuyện vui buồn khi làm nghề phiên dịch được đi tới nhiều nước, ông Huy kể lại:
“Toàn vui chứ không thấy buồn, nếu nói về nỗi buồn nghề nghiệp thì phải nói là vui nhiều buồn ít nếu mình thích cái nghề này. Chuyện buồn tôi gặp là khi đi dịch cho người Mỹ, họ xem và đối xử với mình là một người bạn, một phụ tá, trong công việc. Còn bên Việt Nam thì khi anh là một thông dịch viên, đi dịch cho một quan lớn người Việt, ông đó đối xử với thông dịch viên như là tay sai, hay một thư ký. Ông hết sai cái này đến sai cái khác, những chuyện không liên quan gì đến công việc phiên dịch, đến nghề nghiệp.
Qua những kinh nghiệm đi dịch chung với các thông dịch viên từ Việt Nam qua, lúc đi cùng với mấy ông lớn , thì tôi thấy cách đối xử đó là chuyện buồn trong nghề này.”
Bên cạnh công việc thông ngôn sử dụng lời nói, ngôn ngữ, còn có nghề biên dịch dùng chữ viết chuyển từ tiếng nước này sang tiếng nước khác, một dịch giả lâu năm, giáo sư Tâm Việt, phân tích thêm về kỹ năng này:
“Dịch nói gọi là thông ngôn, dịch viết là phiên dịch, vấn đề phiên dịch có nhiều giai tần, nhiều cấp, từ những chuyện đơn sơ như bài báo đến việc dịch như chúng tôi đã làm với quyển “Một ngàn năm thi ca Việt Nam” hay “Hoa Địa Ngục” của Nguyễn Chí Thiện, đòi hỏi phải có kỹ năng cao cấp hơn là người dịch bình thường.
Trong tiếng Tây Phương có câu “dịch là phản” theo như câu nói của người Ý. Có thể nói có rất nhiều tác phẩm của nhân loại như là Thánh kinh, Kinh Phật đều được thế giới biết đến qua những bản dịch, chứ chúng ta không thể đọc được các thứ tiếng gốc, như tiếng Araméen hay tiếng Do Thái cổ.
Nghề phiên dịch rất quan trọng, nếu muốn đem tri thức của thế giới về với người đọc Việt Nam hay là cái đẹp, cái hay của Việt Nam ra văn hóa thế giới.”
Ông kể lại về đoạn đường dài đã trải qua khi tìm đến với các bậc thầy quốc tế trong ngành dịch thuật, hầu hoàn thành những công trình phục vụ cho nền văn hóa:
“Cách đây hơn 30 năm, tôi đã có dịp đến với quý thầy về dịch như ông Donald Keene hay Ivan Morris dịch từ tiếng Nhật sang tiếng Anh, lần đó tôi có phát biểu rằng, dịch là một nghệ thuật đòi hỏi không những năng khiếu về ngôn ngữ mà còn cần cả niềm tin, là từ ngôn ngữ gốc, chúng ta có những cái đáng để đem ra khoe với thế giới.
Chuyện buồn tôi gặp là khi đi dịch cho người Mỹ, họ xem và đối xử với mình là một người bạn. Còn khi dịch cho một quan lớn người Việt, ông đó đối xử với thông dịch viên như là tay sai, hay một thư ký.
Ô. Chu Huy - thông dịch viên

Niềm tin là chúng ta nắm được đủ về cái ngôn ngữ đối tượng, mà chúng ta dịch sang, có đủ chữ, đủ sự phong phú, biểu hiện được những điều chúng ta muốn nói, từ tiếng gốc, thế nên không có bao nhiêu người đi vào lãnh vực dịch thuật văn học Việt Nam.”
Cha của một nạn nhân bị tàn phế trong tai nạn lao động, nay không còn sức làm việc nữa, nói về sự giúp đỡ của người thông ngôn, phiên dịch viên và kết quả mà anh đạt được sau nhiều tháng tranh cãi gay go giữa nhiều bên liên hệ, ông Phát cho biết:
“Người thông ngôn đó rất tốt, hiểu được hoàn cảnh của tôi, nhờ kinh nghiệm chuyên môn trong khi làm việc với bên bệnh viện của người Mỹ. Thông ngôn rất lưu loát, rành rẽ về nhiệm vụ của mình. Coi như ước nguyện của chúng tôi chừng 70% mà nhờ họ giúp nên đạt được gần 100%.”
Tạp chí câu chuyện hàng tuần kỳ này xin tạm dừng ở đây. Xin tạm biệt và hẹn gặp quý vị vào tuần tới.

No comments:

Post a Comment