Cây Đa Chùa Viên Giác của Trần Trung Đạo Tâm Bút Cùng Trà Kiệu
Linh Mục Trần Cao Tường
Nhiều nhà văn hóa thường tìm cách chứng minh rằng dân mình cũng có nhiều đỉnh cao để gầy dựng lòng kiêu hãnh mà tiến lên. Ðiều này thật cần thiết, nhưng lại rất dễ tạo thêm chia rẽ xa cách vì không đồng thuận. Đôi khi còn nguy hiểm vì đó chỉ là một “cái diện” khiêu khích tự ái dân tộc để mưu đồ một “cái điểm” nhằm mục tiêu riêng cho tham vọng quyền lợi của phe phái.
Nhiều khi lại chỉ là một cách phóng chiếu con ma đen tham sân si ẩn ức bên trong ra bằng những danh nghĩa cao đẹp! Chẳng vậy mà ta thấy xảy ra nhan nhản trên tin tức hằng ngày những vụ bạo động khủng bố, xô xát tiêu diệt nhau, cũng nhân danh tôn giáo và văn hóa cả đấy chứ.
Người Do Thái thì lại có một đường lối hun đúc ý thức dân tộc rất khác lạ. Họ bắt đầu bằng việc dám đối diện với những niềm đau chung, những nỗi nhục chung, dám đối diện với những mặc cảm của dân tộc mình, chứ không tìm cách chôn vùi quên đi. Ðiều này rất đúng với qui trình của khoa tâm lý trị liệu ngày nay để lấy lại tinh thần, và cũng từ đó tạo được độ rung chung.
NHẶT MẢNH ÐỜI RƠI RỚT Ở ÐÂU ÐÂY
Nhìn như vậy, tôi thấy qua những bài thơ và văn của Trần Trung Ðạo, một sợi chỉ xuyên suốt nối kết toàn những nỗi đau riêng cũng như chung, thực trạng đầy máu và nước mắt của một Việt Nam bầm dập, bị tan hoang phá sản tinh thần trong mọi phương diện. Trần Trung Đạo thao thức đi tìm cho ra câu trả lời: “Câu hỏi lớn nhất là tại sao đất nước tôi lại phải chịu đựng nhiều chết chóc khổ đau như thế. Tôi cũng không mơ ước gì to lớn, cao xa… Giấc mơ của tôi vô cùng gần gũi và đơn giản, rằng máu Việt Nam đừng chảy nữa trên quê hương tôi đã qua nhiều thống khổ.” (Giấc Mơ Việt Nam, trang 144)
Có ai cùng quằn quại gióng lên tiếng kêu oan ức thảm khốc này không? Có ai cùng đi tìm cho ra một giải pháp không? Thế hệ của cuộc chiến đang tàn đi với tuổi đời. Việt Nam không thể để cho bị cụt đường quẩn hướng, nhưng phải mở lối cho thế hệ trẻ tiếp nối để dòng sinh mệnh dân tộc có thể chảy tới.
“Thế hệ chúng tôi lớn lên sau hiệp định Geneve. Chúng tôi bước vào đời như những khán giả bước vào rạp hát khi vở thảm kịch Việt Nam đã mở màn từ nhiều năm trước. Chúng tôi sờ soạng trong bóng đêm dày đặc để tìm một chỗ đứng, tìm một hướng đi, tìm một câu trả lời cho những cảnh máu đổ đầu rơi đang diễn ra trên sân khấu. Không có tiếng trả lời. Chung quanh chúng tôi chỉ có tiếng súng nổ vang và thây người đổ xuống. Chung quanh chúng tôi chỉ có máu và nước mắt. Chúng tôi mò mẫm đi tìm cội nguồn dân tộc trong điêu tàn đổ nát của quê hương như những đứa con lạc mẹ. Chúng tôi gõ cửa mọi căn nhà, hỏi thăm từng thầy dạy học, kính viếng các Cha, đảnh lễ các Thầy. Nhưng tại mỗi nơi, mỗi người, dân tộc mang một vóc dáng khác nhau, một định nghĩa khác nhau và được hiểu một cách khác nhau. Chúng tôi có cảm tưởng dân tộc của Cha không phải là dân tộc của Thầy, dân tộc của những người sống nhờ vào chiến tranh không phải là dân tộc của người đang chịu đựng chiến tranh.” (TTÐ, Nửa Thế Kỷ, Một Dòng Sông)
Quả thực có ai đọc Trần Trung Ðạo mà lòng mình chẳng rung động, chẳng cảm thấy gần gũi dễ xích lại với nhau hơn? Rung cảm đó trải dài trong hai tập thơ Ðổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười, Thao Thức và tác phẩm Giấc Mơ Việt Nam, là tập hợp “một số bài viết nhiều thuộc nhiều thể loại, đôi bài tham luận, dăm bài tâm bút, vài câu chuyện ngắn, về những vui buồn, đời và đạo, niềm đau riêng và nỗi lo chung.”
Ðọc “Nhật Ký Ngày Giỗ Cha” tôi chảy nước mắt, và cảm thấy mắc nợ với Trần Trung Ðạo nhiều quá, vì anh đã khơi lên được trong tôi “trang nhật ký rất riêng tư” với những nỗi đau thầm kín mà xưa nay chưa sao diễn tả được. Ðọc như đọc chính truyện đời mình. Câu truyện của một người mà như điển hình cho hằng bao nhiêu triệu người khác, cho cả một dân tộc khổ đau, đầy nỗi oan ức, đầy hệ lụy! Người khác hành hạ mình và mình tự đầy đọa nhau. Ở sân chùa hay ở sân nhà thờ thì cũng một nỗi nhức nhối như nhau!
Sân chùa xưa lá rụng đã bao lần
Chiếc lá vàng như những vết dao đâm
Thời thơ ấu nghe vẫn còn đau buốt”
(Chút quà cho quê hương)
Mỗi buổi sáng tôi một mình ôm chổi
Quét lá vàng như quét nỗi cô đơn
Lá vẫn rụng khi mỗi mùa thu tới
Như đời tôi tiếp nối chuyện đau buồn…
Tôi sẽ đến ngôi chùa xưa Viên Giác
Nhặt mảnh đời rơi rớt ở đâu đây.
(Nhớ Cây Ða Chùa Viên Giác)
Nhiều vết thương vẫn còn rói tươi, bầm tím. Nhiều vết đã mưng mủ, nhức nhối. Càng tìm cách che đi để cố làm cho mình ra vẻ cũng “ngon lành” như ai thì càng làm cho cơn bệnh mặc cảm sần sượng thêm, biến thành tật ăn sâu vào máu. Càng chối bỏ hay chỉ tay đổ tội thì căn bệnh càng trầm kha!
Trong bài viết “Vu Lan, Nghĩ về Mẹ và Quê Hương”, Trần Trung Ðạo đã dám nhìn thẳng vào vết thương vẫn còn mưng mủ rất hiện thực nơi trái tim Việt Nam: “Ai cũng có một cuộc đời để sống. Nỗi bất hạnh nào rồi cũng nguôi ngoai. Vết thương nào cũng lành đi với thời gian. Tuy nhiên có một nỗi bất hạnh sau bao nhiêu năm dài vẫn còn, đó là bất hạnh của dân tộc Việt Nam.”
BỨC TƯỜNG KHÓC DO THÁI
Jean Lartéguy đã viết cả một cuốn sách dầy về Bức Tường Thành Do Thái, những bí mật của quân đội bí mật nhất thế giới. Người ta nói nhiều về những bí mật khác nhau đã tạo nên sức mạnh kỳ lạ cho dân tộc Do Thái. Nhưng cái bí mật bí mật nhất, lạ thay và mâu thuẩn thay, lại nằm ở ngay một bức tường đổ vỡ mà người Do Thái vẫn gọi là Bức Tường Khóc. Ðó là tàn tích của đền thờ Giêrusalem huy hoàng xưa kia bị tướng Titô của đoàn quân viễn chinh Roma phá tan tành “không còn hòn đá nào chồng lên hòn đá nào” vào năm 70. Và từ đó người Do Thái bị phát lưu đi khắp thế giới, sống lang thang tủi nhục vô tổ quốc…
Bức tường khóc như vậy quả là một cơn ác mộng đáng phải được quên đi mới đúng, vì nó là dấu tích của sự nhục nhằn. Ấy thế mà qua bao nhiêu thế hệ, người Do Thái từ khắp thế giới vẫn tìm về bức tường này, để nhìn rõ mặt mình chứ không trốn chạy, chứ không tiếp tục khoe mẽ huyênh hoang về văn hiến dân tộc kiêu hùng! Và để cùng khóc với nhau. Và vì cùng đau với nhau, nên mới biết thương nhau, lau vết máu cho nhau, đùm bọc nhau. Không ngờ mà người Do Thái lại chứng minh câu nói Việt là đúng: đồng bệnh tương lân.
Bức Tường này được chiếm lại trong trận chiến 6 ngày vào năm 1967. Sư đoàn Dù đã không dám dùng bom đạn sợ bức tường thiêng liêng này bị tàn phá, nên họ đã cận chiến tổn thất nặng nề mới đạt được. Ðoàn quân đã nhào tới hôn bức tường, và lớn tiếng hò vang: ”Năm nay chúng ta về lại Giêruslem” sau gần hai ngàn năm lang bạt.
Kể từ đó, những người lính Dù, đoàn quân tinh nhuệ nhất của Do Thái, sau mỗi khóa huấn luyện, đều phải đến làm lễ tuyên thệ trước Bức Tường Khóc. Trước hết, họ phải đi bộ 40 cây số, khởi hành từ rạng đông mãi tới tối mới đến được bức tường này. Họ chưa có quyền mang vũ khí và chỉ mang một túi đeo lưng với trang bị cá nhân, vì họ chưa phải là hiệp sĩ thần thánh dính liền với lễ nghi tuyên thệ. Trong nghi lễ, vị chỉ huy nói bằng một giọng sắt thép: ”Các bạn lại sắp biết thế nào là sợ hãi, là khổ đau, là máu, là nước mắt. Chúng ta đừng có ảo vọng. Chiến tranh lại đến với chúng ta, và một lần nữa chúng ta phải thắng để khỏi bị tiêu diệt. Vì thế đây là những điều tôi cầu chúc anh em: một công cuộc huấn luyện cực kỳ khó nhọc, gay go. Tôi chúc các bạn đổ mồ hôi, chịu đói khát và nhọc mệt.” (Jean Lartéguy, Bức Tường Thành Do Thái, trang 273)
BỨC TƯỜNG KHÓC VIỆT NAM
Tháng giêng năm 2000 tôi có dịp về tận đền Hát Môn để đứng tê tái lặng nghe lịch sử khóc nỗi oan nghiệt của dòng tộc mình. Bức Tường Khóc Việt Nam là đây. Câu hát trong trường ca Mẹ Việt Nam của nhạc sĩ Phạm Duy đang vang vọng đâu đây bật lên từ tiềm thức cộng thông của cả một dân tộc. Nỗi oan dằng dặc suốt chiều dài và chiều dày của lịch sử từ cái ngày Hai Bà Trưng trầm mình trong dòng sông Hát; rồi Mã Viện đã bẻ gẫy và chôn đi biểu tượng tinh thần của một lớp dân mà ông ta miệt thị là “Nam Man” (dân Mọi phương Nam) với câu trù yểm: Ðồng trụ chiết, Giao chỉ diệt! Sau đó là một ngàn năm trầm luân mất mặt.
Nhớ xưa, nhớ Mẹ, nhớ Mẹ xưa,
Mẹ xuống sông rửa nhục anh hùng.
Mẹ trôi trên dòng sông Hát,
Nước ngược xuôi đưa Mẹ đi muôn nơi.
Nhớ chăng, nhớ Mẹ, nhớ Mẹ chăng?
Chôn đáy sông mối hận yêu chồng…
Chàng Trương có buồn thương, khóc…
Rước Mẹ lên, nước thiêng sẽ giải oan.
Ðể gầy dựng tinh thần, người Do Thái đã làm lễ nghi tuyên thệ tại Bức Tường Khóc, tại đồi Massada nơi cha ông họ đã tử thủ và thà chết tập thể chứ không chịu đầu hàng. Chỉ khi biết cùng khóc với nhau, cùng nhục với nhau, người dân một nước mới thực quyết tâm nắm tay nhau mà cùng cố ngóc đầu lên. Mong rằng một ngày nào đó người dân Việt cũng sẽ biến Ðền Hát Môn thành nơi tuyên thệ như vậy mà phục sinh hồn Việt thay vì những phóng chiếu mặc cảm khác. Ðã đến lúc người mình cùng trở về Ðền Hát Môn mà thương lịch sử khổ đau, thương một lớp dân bất hạnh và cùng tìm câu trả lời, như Nguyễn Thùy và Trần Minh Xuân trong Tinh Thần Việt Nam:
Hỡi lịch sử ta thương mình quá đỗi
Ta thương mình bởi chính nỗi ta đau.
No comments:
Post a Comment