Sunday, May 30, 2010

Trương Chi ơi

- Trương Chi ơi, đời đã khác rồi!
Cái chái bếp Thứ bảy, 11/07/2009 21 giờ 45 GMT+7
Nhà tôi làm theo kiểu xưa, một gian lớn ba căn và một gian nhỏ liền kề gọi là chái bếp. Cửa bếp thông ra sân sau, nơi có bể nước mưa và mười lăm bậc gạch dẫn xuống cầu ao rợp bóng mát cây sung già. Ngồi rửa chén mà đám bèo hoa tím Nhật Bản cứ xòe đuôi quấn quýt. Lũ cá lòng tong bé xíu cùng đám cá cờ dưới ao lượn lờ canh có thức ăn là nhào vào cướp mồi. Bàn ăn nhìn về hướng đông, khi mở cửa sổ ra sẽ được ánh nắng tạt vào và gió từ bụi tre qua liếp húng lủi thổi vào thơm mát. Trong gian bếp chật nhưng sạch sẽ này là nơi chứng kiến những dòng mồ hôi âm thầm đổ ra của mẹ và nội để lo cho gia đình tôi bữa cơm ngon canh ngọt.
Mẹ tôi nổi tiếng trong họ nhờ món rau sắng nấu trứng cua đồng. Khách đến nhà thế nào cha cũng ra ruộng bắt vài xâu cua cho mẹ trổ tài. Mẹ lựa những con cua bự nhất, khều trứng ra khỏi yếm của nó rồi buộc túm lại trong cuống lá khoai sọ, ba túm cho một nồi canh. Sau khi đun nước sôi mẹ cho nước mắm cốt và hành khô, đợi bốc mùi thật thơm rồi cho trứng cua vào, quết tí mỡ lên rau rồi tước cho vào nồi, ăn một lần nhớ cả đời. Mẹ và nội giỏi nấu ăn nên trong nhà bếp không biết cơ man nào là gia vị, mắm muối, mỗi cái đựng trong một lọ xếp hàng dài trên giá chén.
Bếp nhà tôi cùng lúc bắc được ba nồi: nồi cơm, thức ăn và một nồi nước nóng. Khi ông táo cũ thì cha nặn cái mới bằng đất sét chín lửa đỏ sậm màu gạch nung. Cứ bốn giờ sáng mẹ lại dậy nấu cơm để chúng tôi ăn cho kịp giờ đi học, đi làm. Thỉnh thoảng mẹ lấy khoai lang xếp vào nồi đất, nước xăm xắp, rải hoa bưởi lên trên, đậy nắp nồi lại hấp đến khi nước quánh lại như mật, khoai lang cháy một lớp bên dưới, mở nắp nồi khói xông mùi hoa bưởi thơm phức...
Đông về mẹ luôn giữ cái bếp hồng lửa than bằng những rễ cây, cành củi. Tối nội hay lụm cụm lấy cái cà ràng nhỏ un muỗi để dưới chõng tre chỗ anh em tôi học bài vừa đuổi muỗi vừa để sưởi ấm, tiếng than nổ tí tách nghe thật vui. Rồi nội kể chuyện ông Táo.
Mùa hạn mẹ tôi đi chặt củi về phơi chật cả khoảng sân lớn, số củi này đủ cho gia đình đốt lò quanh năm, kể cả giỗ chạp, ngày Tết. Khi cha gánh mạ ra đồng và gánh phân đem bón hay tranh thủ đào thêm mấy gốc cây làm củi đun gánh về, dù củi dừa của mẹ chất đầy sau bếp. Trong đôi quang gánh buổi chiều trở về thế nào cũng có vài chục ốc bươu, cua đồng, có khi là những con cá rô hột mít mắc cạn trong một vũng nước nào đó. Những con ấy tôi thảy cả vào bếp. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn không thể nào quên mùi cua cháy, mùi vỏ ốc bị lửa than làm nứt quyện mùi ngai ngái của bùn bốc lên, mùi thơm của những con rô non và mùi khoai nướng ngòn ngọt, mùi sắn cháy bùi bùi...
Mỗi khi đi đâu xa về thấy chái bếp nhà mình lừng lững khói cơm chiều trên cái nền trời màu tím sẫm là thấy lòng ấm lại. Ở đó mẹ tôi rồi chị tôi đang cặm cụi kho cá, nấu cơm. Bữa cơm dọn ra cả nhà vừa ăn vừa nói chuyện râm ran. Năm tháng cứ trôi qua nhưng trong lòng tôi vẫn còn đó tươi nguyên hình ảnh và tình cảm một chái bếp; dù trong ngày hè oi nồng hay giữa tiết đông lạnh căm gió mùa, ngọn lửa chẳng bao giờ tắt. Cái chái bếp ấy đã tạo ra tình cảm gia đình trong tôi và giờ nó vẫn tiếp tục gợi thương, gợi nhớ...

No comments:

Post a Comment