Sunday, May 30, 2010

Con tin

Truyện ngắn Con tin
NGUYỄN KIM
Chủ nhật, 05/07/2009 06 giờ 44 GMT+7
Cái công viên gần chợ thị xã có lẽ được xây dựng một cách tùy tiện, cẩu thả nên sau gần ba năm nghe bàn dân thiên hạ phản ảnh, dè bỉu, rốt cũng được khai tử bằng quyết định san bằng. Trong khi chờ đợi một sáng kiến chuyển đổi hoặc một công trình nào đó thì mảnh đất trống hơn 600 mét vuông ấy được giới bình dân tận dụng triệt để. Xe cháo lòng, gánh bún chả, bàn giải khát... tha hồ bày binh bố trận, khỏi lo chuyện vi phạm trật tự lòng lề đường. Đối tượng phục vụ là các bác xe ôm, nhân công bốc xếp, vé số dạo... và những người lao động phổ thông mới xuất hiện, đa số từ vùng nông thôn ra. Dân tìm việc làm rất dễ nhận biết: kè kè túi xách, mặt dàu dàu, mắt ngó quanh quất. Sự chờ đợi, hy vọng chỉ kéo dài từ sáng sớm tới quá trưa là tàn lụi. Những người bị rảnh rỗi bất đắc dĩ gượng gạo chia tay nhau tìm chỗ tạm trú để sớm sau lại đóng tiếp vai chờ việc...
Tư Bảnh gia nhập đạo quân “bó gối” ấy gần tuần lễ nay bởi tình thế quá ngặt. Quê biển anh năm nay gặp vận xấu, ảnh hưởng đến biết bao người làm thuê mướn kiếm sống dạng thời vụ. Hai cơn bão liên tiếp nhau, mấy ông chủ ghe tàu đánh bắt ở xã cứ trông trời thở vắn than dài. Ruộng lúa đã năng suất thấp lại vướng dịch sâu rầy nặng, vô phương cứu chữa, thất trắng. Các sân bãi nuôi nghêu sò bỗng dưng bị bùn sình lấp kín, chết từng đám thúi hoắc, ai cũng méo mặt. Tư Bảnh trước nay vẫn bán sức lao động để lấy đồng tiền phụ vợ nuôi bốn đứa con đang sức lớn, miệng ăn như xáng xúc. Sản xuất khó khăn, hỏi ai còn thuê mướn nhân công làm gì? Bàn tới bàn lui với vợ xong, anh nhảy xe ôm lên thị xã mong kiếm được chân cu-li, móc cống, đào mương chi cũng được, cho qua hồi bĩ cực này...
Quấn điếu thuốc rê hút chưa tàn, Tư Bảnh ngáp dài uể oải ngó mặt trời lên khá cao, chắc cỡ chín giờ chứ chẳng ít. Chợt mắt anh sáng lên, đứng bật dậy dợm bước lại chỗ ông khách ăn mặc bảnh bao đang chống tay cạnh sườn nhìn quanh dò xét. Bảy, tám người thất nghiệp nhanh chân vây kín ông khách hỏi han, chào mời. Ông ta thờ ơ lắc đầu, vẹt đám đông đến thẳng chỗ Tư Bảnh. Có lẽ dáng vẻ rầu rĩ, chịu đựng của anh đã gợi lòng trắc ẩn trong ông chăng? Ra hiệu cùng vào quán nước bên kia đường, gọi thức uống cho hai người xong, ông hỏi vài câu rồi vô đề luôn:
- Tôi tên Phước, chú gọi anh Ba được rồi... Nhà ở gần đây thôi. Tôi đang cần người bố trí lại các chậu cây cảnh vườn và tạo dựng một cái thảo bạt như ý để có chỗ thích hợp, đại khái là tạo không gian tĩnh lặng cho các bạn thơ họp mặt xướng họa, ngâm vịnh. Chú liệu cáng đáng được không? Công việc kéo dài cũng khá lâu đấy!
Mừng rơn, Tư Bảnh lắp bắp trả lời:
- Dạ... anh Ba có lòng giúp đỡ, em làm được hết mọi chuyện. Ở quê, em chuyên thiết kế, thi công... chuồng trại, hầm bi-ô-ga rất mỹ quan, ai cũng khen!
Đưa tay ngăn lại, Ba Phước nói rành mạch:
- Một ngày công tôi trả chú tám mươi ngàn, thêm tiền ăn trưa. Chấp nhận hay không chấp nhận?
Tim đập thình thịch, Tư Bảnh gật đầu lia lịa:
- Dạ... anh Ba cho vậy là quý lắm, em xin chịu ạ!
Ngồi sau xe ông khách, Tư Bảnh còn chưa hết vui mừng vì vận may bất ngờ này. Đồng tiền lúc này kiếm được rất vất vả, nay làm một ngày công được hơn giạ lúa thì còn gì bằng? Cho xe chạy chầm chậm qua các dãy phố sầm uất, Ba Phước vui miệng giải thích cho anh chàng tìm việc ngờ nghệch về giá cả đất đai, giá vàng, giá đô la, thị trường kinh doanh các mặt hàng điện tử, xe máy... Nghe thì nghe chứ thật ra Tư Bảnh chẳng hiểu và chẳng cần hiểu chi về những vấn đề quá xa lạ với anh. Chỉ một nhận xét rằng ông lịch sự này chắc mẫm là tay tổ làm ăn lớn trong thị xã. Đến trước một ngôi nhà bề thế khóa kín cổng, nền cao, kiến trúc hiện đại với mảnh sân rộng đầy hoa cảnh xanh tốt, Ba Phước dừng xe mò mẫm các túi áo quần rồi sửng sốt kêu lên:
- Ý trời! bỏ quên chìa khóa ở cửa hàng rồi, làm sao đây ta?
Đang chăm chú ngó tấm bảng đính trước cánh cổng lớn vẽ đầu con chó ngoại to sù lè lưỡi, nhe răng đe dọa, Tư Bảnh rụt rè hỏi:
- Dạ... cửa hàng nào anh Ba?
Chưa vội trả lời, Ba Phước ngẫm nghĩ rồi tươi ngay nét mặt như đã tìm ra giải pháp. Ông ta móc điện thoại di động gọi đâu đó một hồi, búng tay đắc ý:
- Ô-kê! giải quyết nhanh gọn, mọi lúc mọi nơi. Tôi với chú lại quán ngoại ô súc miệng vài lon chơi. À quên nói chú biết, bây giờ mà trở lại shop thời trang Toàn Cầu của vợ tôi để lấy chìa khóa sẽ bị xạc một trận. Đành gọi con bé giúp việc về mở cổng cho tiện đôi bề. Người làm thơ hay đãng trí lắm chú ơi!
Bụng đói sôi ùng ục, nhưng đang lềnh bềnh sóng nước, bám được mảnh ván bự thì phải đeo tới cùng, Tư Bảnh tặc lưỡi nghĩ bụng: “Sếp này phóng khoáng, chịu chơi đúng phong cách... nhà thơ. Thây kệ, nhậu tới đâu hay đó, mình có gì để mất đâu!”.
Lần đầu tiên vào một quán ăn sang trọng, Tư Bảnh hơi choáng ngợp và tự ti cho sự quê kệch của mình. Ngược lại, Ba Phước tỏ ra lịch lãm, đĩnh đạc gọi vài món nướng đặc sản, tiếp viên nữ tươi cười bâu quanh, lăng xăng bật bia bôm bốp. Thấy Tư Bảnh lúng túng né người khi được cô tiếp viên mập trắng thân mật choàng vai lau mặt bằng chiếc khăn lạnh thơm phức, Ba Phước cười phá lên khoái trá, nói nửa đùa nửa thật:
- Cậu em tôi ở quê mới thu hoạch tôm được có vài trăm triệu, lên đây chơi còn lạ nước lạ cái. Mấy em tận tình phục vụ sẽ được thưởng xứng đáng đấy!
Nạp được ba lon Tiger, với cái đầu lâng lâng men bia trộn chút phấn khích, lên gân giả tạo, Tư Bảnh không cải chính mà chỉ cười vô tư và “phát hiện” rằng trong quan hệ giữa ông chủ và người làm vẫn có thể cởi mở, ân cần cùng nhau. Liếc xéo anh chàng bạo gan vuốt má, nựng nịu một cô, Ba Phước gù gật chùng giọng triết lý:
- Đời lắm việc lạ lùng! Tôi gặp chú chẳng qua như mây trôi gió thoảng, nhưng cơ trời xui khiến tôi mến chú hiền lành, thiệt thà. Ờ... giàu có nứt tường nứt vách như tôi để làm gì nếu không biết... trải lòng ra cùng thiên hạ? Vô trăm phần trăm!
Chuông điện thoại di động réo rắt. Ba Phước nghiêm mặt lắng nghe rồi hỏi lại liên tục:
- Sao? nhà thơ Địa Phủ tới thăm à? Ôi trời! có cả cây búa lý sự phê phán Thăng Thiên nữa thì còn gì hân hạnh bằng. Mấy huynh đệ tệ quá, cứ mời vào nhà giúp tôi. Chà... chỗ thi hữu với nhau cũng bày đặt sĩ diện hão! Nô... nô... tập thơ “Mặt trời và Sao chổi”, nhà xuất bản họ trả dưới mười triệu thì tôi không liên kết đâu!
Lắng nghe thêm vài giây, Ba Phước cười khà khà:
- Ờ... tôi đang bay bổng ở quán Bồng Lai đây! Nhà còn cặp uýt-ky sì-cốt để tính sau, giờ chơi bia trước nghen quý vị. Tôi về ngay... Bai!
Chưa đầy năm phút sau, một thanh niên áo thun, quần lửng, bắp tay đầy hình xăm gớm ghiếc phóng chiếc Wave đậu xịch cửa quán chờ đợi. Quay sang Tư Bảnh cùng hai cô tiếp viên đang nhìn mình với ánh mắt kính nể, ngưỡng mộ, Ba Phước nói như ra lệnh:
- Các em vô lấy 4 thùng Tiger, nửa cây ba số và ít mồi nhắm đặc biệt cho anh đãi khách quý. Còn chú Bảnh chút nữa theo tôi về nhà chơi tiếp, lại được may mắn diện kiến các nhà thơ lớn. Đừng lo vấn đề tôi nhờ chú khi nãy, mai làm cũng được...
Cùng gã mới đến chất tất cả lên hai xe xong, Ba Phước trở vào. Tờ hóa đơn được đưa ra, ông chủ shop thời trang Toàn Cầu kiêm nhà mần thơ bĩu môi, dõng dạc từng tiếng:
- Gấp lắm rồi! tôi phải mang bia về trước kẻo chư vị thi sĩ cổ thụ giận thì khổ. Chú Bảnh ngồi đây, ba mươi giây sau tôi quay lại thanh toán, puốc-poa hai em gái rồi rước chú đi luôn. Ô-kê... ông chủ đầm tôm?
Sáu chai bia chứa trong cái bao tử lép kẹp quần đảo Tư Bảnh muốn quên hết sự đời để hưởng thụ niềm vui từ trên trời rơi xuống. Anh vỗ tay lên bàn, giọng nhừa nhựa:
- Ô thì ô! Ông chủ... à quên... anh Ba cứ yên trí đi cho nhanh, để đây em. Thằng này dư sức qua... cầu khỉ mà!
Ngó hai chiếc xe xa dần, hai cô tiếp viên trầm ngâm, nghi ngại liếc chừng “con tin” bèo nhèo, đờ đẫn từ từ gục xuống bàn...
Mặt trời đứng bóng. Ông chủ quán Bồng Lai to béo, mặt đỏ gay như gà chọi, phục phịch tới chỗ Tư Bảnh, hầm hầm xòe bàn tay hộ pháp kéo cổ anh lay tỉnh. Ông hất hàm xẵng giọng:
- Nào... anh bạn làm ơn trả tiền cho tôi còn dọn dẹp!
Tư Bảnh dụi mắt ngáp dài, bàng hoàng nhớ lại diễn biến từ sáng tới giờ rồi hốt hoảng:
- Anh... ông Ba Phước chủ “sốp” Toàn Cầu chưa đến thanh toán sao? Ổng bảo về gặp các nhà thơ...
Chủ quán cau mày vung nắm đấm lên, gầm gừ:
- Thơ với thẩn! cả mấy phường xã quanh đây chẳng ai biết tên cha căng chú kiết Ba Phước nào cả... Xùy tiền ra rồi mặc sức đi tìm hắn!
Bủn rủn tay chân, tâm trí rối bời, Tư Bảnh luống cuống mở bung giỏ đệm ra, phân trần:
- Ông chủ thông cảm! tôi đi làm thuê rồi được mời vô đây nhậu, đâu biết ất giáp gì? Ổng có cái biệt thự vẽ hình đầu chó...
Trợn trừng cặp mắt ốc nhồi, ông chủ quán thô bạo ấn vai anh buộc ngồi xuống, quát to:
- Hừ... biệt thự cóc khô! Loại hợp đồng chơi quỵt này còn dám mạo nhận chủ đầm tôm để cọ vai, vuốt má tiếp viên, thiệt ứa gan. Định giả ngây giả dại tìm cơ hội đánh bài chuồn theo hử? Ngồi yên đấy, tao sẽ mời công an tới xử lý. Nằm nhà đá vài tháng cho biết thân!
Mồ hôi lạnh túa ra sống lưng, giỏ đệm tuột khỏi tay Tư Bảnh xổ ra nền gạch bộ quần áo cũ, cái ca nhựa sứt quai cùng mớ vật dụng linh tinh. Anh rơm rớm nước mắt tự trách mình ngây ngô, dại dột đến nỗi bị lừa một vố đau điếng, nhận lãnh tất cả hậu quả đắng cay. Biết làm sao đây nè trời? Liếc ông chủ quán quạu quọ đặt mạnh ống điện thoại xuống cái cộp, Tư Bảnh giật mình thót ruột, lầm bầm: “Ba Phước ơi! Tôi với ông như mây trôi gió thoảng, không nợ nần nhau, sao lại nỡ trải lòng... gài tôi dính độ ngặt nghèo như vầy? Trước lúc lên đây, vợ mình đã dặn mẻ răng là bôn ba giữa chốn xô bồ thị phi nên cẩn trọng... Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều... Giờ hiểu ra đã muộn!”.

No comments:

Post a Comment