Truyện ngắn *
NHẬT HỒNG Ba người đàn ông Thứ bảy, 20/06/2009 20 giờ 28 GMT+7
Từ nhỏ Tư Hằng đã đẹp. “Người ta muốn làm đẹp mà không được, còn con Tư Hằng muốn làm cho xấu mặc đồ cũ mèm mà không giấu được vẻ đẹp trời cho. Da mặt mịn trơn, mắt sáng rực nói năng từ tốn, tui là phụ nữ còn mê huống hồ gì đàn ông con trai”. Lối xóm nói như vậy!
Những lời khen như vậy quá quen đối với Tư Hằng. Từ lúc lên bảy lên tám cô đã thường nghe người lớn nói : “Con nhỏ này lớn lên đẹp cho mà coi, mà gái đẹp thường bị phần số ghen tỵ, duyên tình trắc trở”.
Không biết nghe những lời ấy ông Tư Dần có tin hay không, mà năm cô mười chín tuổi, ông đã gả Tư Hằng cho Hai Tường, người ở làng bên cạnh. Mỗi lần uống rượu, ông Dần nói:
- Có con gái như hũ mắm treo đầu giàn để làm gì? Vả lại thời buổi chiến tranh biết sống nay chết mai lỡ có gì còn có con cháu nối dõi, còn bọn trẻ sớm biết mùi đời.
Về nhà chồng không được bao lâu cô Tư Hằng chịu hai cái tang ông bà già chồng cùng một lúc, vì trái đạn một trăm lẻ năm rớt trên nóc nhà. Tư Hằng dẫn đứa con về ngoại. Ông Tư Dần chiều chiều bên mâm rượu nhìn cháu ngoại và con gái mắng:
- Tổ cha bây! Rốt cuộc cũng về tao. May phước, bữa đó nếu tao không nhắn về ăn bánh xèo thì mẹ con bây chui xuống đất rồi đâu còn ngồi đây.
***
Ông Tư Dần đang ngồi trên bộ ván, nghe chó sủa vang. Đám lính tràn vào nhà gắt gỏng:
- Cô nầy là ai?
- Con gái của tui đó mấy chú ơi!
- Sao qua lại đây hoài tôi không gặp!
- Tôi gả nó về Cầu Nhiếm, bên chồng chết hết rồi nay về ở với tui đó.
- Tại sao chết.
- Bị pháo...
- Còn chồng đâu?
- Cũng chết rồi!-Tư Hằng chen vô:
- Sao chết.
- Đi lính chết.
Trung sĩ Phát ra lệnh:
- Ngày mai cô đem giấy căn cước ra trình cho ấp xã biết nghe chưa? Nghĩ tình ông Tư Dần có nhậu nhẹt đôi lần nên tui không làm khó dễ, chớ chuyện này phải ra cuộc cảnh sát đó nghe!
Hỏi là hỏi vậy chớ đám lính đã nắm được chồng Tư Hằng là ai? Làm gì? Còn chuyện chết thật hay không còn xem lại đã. Trung sĩ Phát nói với ông Dần:
- Bữa nay con xin phép được ngồi nhậu với ông nghen!
- Chà! Chú Phát nay hơi khách sáo đó, Tư Dần có bao giờ chạy ai đâu? Một mình cũng tới bến hoài.
Ông hối Tư Hằng nướng trui con cá lóc rọng trong lu:
- Mau lên con ơi! Sẵn lôi luôn cái hũ rượu nếp trong kẹt vách ra.
Tư Hằng bưng con cá lóc để trên bàn có sẵn rau ngò nước mắm me làm cho trái cổ của gã trung sĩ chạy lên chạy xuống. Trung sĩ Phát khi đỡ chén nước mắm chạm vào tay Tư Hằng. Cái va chạm phớt nhẹ mà cũng làm cho trung sĩ Phát cảm thấy rất dễ chịu. Tư Hằng mặc bộ quần áo thùng thình lem luốc mủ chuối như bà già trầu mà không che được cái dáng eo thon thon cặp đùi nở nang. Hai con mắt hắn nhướng lên nhướng xuống:
-Ông Tư, thằng rể ông đã chết rồi nay con xin làm rể ông nghen!
Tàn tiệc rượu, trung sĩ Phát đứng lên vỗ vai ông Dần lè nhè:
- Thằng Phát này ít khi nói chơi, ông liệu bề dàn xếp cho êm.
***
Ông Dần tổ chức ngày giỗ đầu tiên của Hai Tường. Đám giỗ chỉ có mặt chục ngoài người thân cận láng giềng. Tiệc rượu nửa chừng ông tuyên bố:
- Con rể tui chết vừa giáp năm. Thương cảnh neo đơn côi cút của cháu ngoại nên tôi đồng ý cho con Hằng bước thêm bước nữa, sẵn đây xin giới thiệu với mọi người: cháu Nguyễn Văn Thành đứng bên cạnh tôi là chồng con Hằng- rể mới của tui. Hằng, ra đây chào mọi người đi con!
Sau đám giỗ ra mắt vài bữa, đám lính ập vào nhà gặng hỏi. Trung sĩ Phát cầm tờ giấy giải ngũ của Nguyễn Văn Thành lật qua lật lại:
- Đi lính gì?
- Nghĩa quân.
Bị thương ở đâu?
- Ở bụng.
- Giở áo lên coi...
Vết khâu còn mới vắt ngang qua bụng dài cả gang tay còn ửng đỏ, trung sĩ Phát dịu giọng, trả giấy lại cho Thành:
- Mầy tốt số lắm đó nghen!
Trung sĩ Phát lườm con mắt ganh tỵ.
Bụng của Tư Hằng ngày một đội cao. Thành siêng năng lao động, đồng áng rảnh tay là anh đi giăng câu đặt trúm nên nhà khỏi mua cá ăn, còn đôi khi đem ra chợ bán. Ngày đứa con chào đời, Thành chăm sóc vợ hết tình.
Một lần nghe Tư Hằng nhắc cá trê vàng kho khô, Thành nói:
- Đêm nay anh chống xuồng vô đất sâu giăng một giác câu mặc sức về kho khô. Em cần ăn nhiều mới có sữa con bú...
Đêm nước nổi. Tiếng súng vang vọng lan xa làm cho đứa bé non tháng chợt giấc nửa khuya. Tư Hằng ôm con vào lòng nhìn bóng đèn lắt lay trên vách cho tới sáng không ngủ được.
Sáng ra, cả xóm nhốn nháo với tin:
- Thành bị lính bắn chết rồi!
Người ta xúm lại lại nhà ông Tư Dần. Thành nằm vắt ngang trên xuồng máu ra đỏ vệ, ngực ghim đầy vết đạn. Ông Tư Dần lem nhem nước mắt. Tư Hằng nằm liệt trên giường cử. Người ta ra xem chiếc xuồng thấy mũi bể nát, máu còn đọng trong khoang, trong sạp. Giở sạp lên thấy một khoang cá trê, cá lóc bắt lên chừng năm sáu ký, cá trê vàng nghính ú na ú nần.
Mỗi khi lên mâm cơm, nước mắt Tư Hằng chảy ròng ròng. Người lối xóm khuyên: “ Còn trên giường cử mà khóc hoài không nên nghe con!”.
Nỗi đau dần mòn theo mưa nắng, đứa bé dần biết trườn, biết bò, ông Dần ôm cháu ngoại, Tư Hằng cầm phảng, cầm cuốc làm ruộng y như đàn ông. Người lối xóm nói: “Không ngờ con Hằng giỏi như vậy? Nhưng mà cái số nó bất hạnh làm sao á! Đẹp vậy, hai đời chồng chết bằng súng đạn nghĩ cũng đáng thương”.
***
Người lối xóm lại thì thầm:
- Tui thấy con Tư Hằng nó... cần cổ... chừng như...
- Nghĩ bậy bạ bà ơi! Chồng con đâu mà có...
- Tui xem tướng không trật, để rồi coi!
Bụng Tư Hằng ểnh ngược đội áo.
- Chửa hoang rồi!
Lại một phen nữa đàn bà bàn tán nhau về chuyện ông Bảy Phận cắm chiếc xuồng dưới bến Tư Hằng. Mấy tháng gần đây thấy nhà Tư Hằng hết gạo ông Phận bơi xuồng đến vác lúa đi xay, xay xong đem lúa về vác lên cho Tư Hằng.
Người ta nhìn ông Bảy Phận ngày cặm cụi vác lúa ở nhà máy, chiều về nhà nấu cơm ăn tội nghiệp. “Đàn ông có hiếu lo nuôi mẹ, mẹ chết ông vẫn ở vậy!”.
Nhưng người ta vẫn thắc mắc:
- Không biết làm sao mà Bảy Phận ve được con Hằng cũng lạ, con người vừa hiền vừa ít nói, tối ngày không mở miệng. Ve bằng cách nào?
- Kẻ cô đơn người chiếc bóng, lửa gần rơm phải bén có gì lạ!
- Thằng trung sĩ Phát còn ớn không dám nhào vô. Nghe nói con Hằng có ẩn nốt ruồi sát phu, Bảy Phận không sợ hay sao?...
Chẳng bao lâu thằng con trai ra đời bụ bẫm, Bảy Phận ngày vác lúa, tối về chụm lửa, bơi xuồng đi chích thuốc cho vợ con. Chuyện đời rồi cũng trôi theo dòng nước lớn, nước ròng. Không ai thèm nói đến ai nữa, vả lại giữa lúc chiến tranh ác liệt nhà cửa tan nát, chết chóc chia lìa diễn ra thường bữa, chuyện người gần gũi nhau ai cũng dễ thông cảm.
***
Ngày giải phóng náo nức lòng người, từ thành phố đến nông thôn rực rỡ cờ hoa. Thấy nhà của ông Tư Dần đầy bộ đội về, người ta hỏi:
- Bộ đội nào về đông vậy?
- Bộ đội Hai Tường.
- Ủa! Hai Tường còn sống hả?
- Chết chóc gì sờ sờ ra đó!
- Hổng biết, rồi đây Hai Tường giải quyết làm sao với người đàn bà trắc nết. Người ta chờ đợi... nhưng chuyện lại êm ru.
Ông Hai Tường luôn nhắc về những tình cảm của bà con đã đùm bọc cưu mang, có những người đã hy sinh cho ông hoàn thành được nhiệm vụ. Trong những người đó, gần gũi nhất là ông Tư Dần - ông già vợ mưu trí.
Chuyện như vầy: Sau khi tiệc rượu tan, đêm đó trung sĩ Phát mò mở cửa sau chun vô mùng vợ tôi. Ông già vợ tôi núp sau bệ cửa đánh một đòn trí mạng sau gáy thằng Phát ngã chúi, ông trói thúc ké nhét giẻ vô miệng thằng Phát, đợi nó tỉnh lại ông ra ba điều kiện: một là từ nay không được bén mảng ve vãn con gái ông, hai là ông đem bỏ vô ruộng cho Việt Cộng xử lý, ba là ông đem bỏ ngoài đường sáng ra lính Quốc Gia sẽ còn tin mày hay không?. “Nếu như mầy chấp nhận điều một, tao hứa tuyệt đối không hé răng cho ai. Mầy có thể trở lại bắn tao, súng đạn mầy ngoài gốc dừa đó, cái mạng già này tao đã giao cho mầy từ lâu rồi!”- Ông nói với trung sĩ Phát.
Vậy mà ông già vợ tôi thắng cuộc , kể ra ông già liều mạng thiệt!
Thành là cơ sở của ta gài vào nghĩa quân để đánh đồn ông Dựa, đồn lấy xong thì Thành bị thương, anh em không tìm gặp. Sáng lính vô chở Thành vô nhà thương chữa trị, may vết thương. Thành giải ngũ có giấy hẳn hoi nên tổ chức để Thành ở ngoài hoạt động. Tôi lúc đó ém sát nách Quận lỵ để chuẩn bị cuộc tấn công mới. Tư Hằng có chửa, sợ bị lộ... Tổ chức phân công Thành về nhà tôi ở làm chồng giả Tư Hằng, mặt khác để chú ấy bí mật hoạt động gầy dựng cơ sở. Đêm trung sĩ Phát bắn Thành, tôi ở cách đó vài trăm thước chớ đâu. Nếu chận đường về của nó, mình vét không còn một con. Nhưng làm như vậy sẽ bị lộ, để dành làm những việc khác lớn hơn quan trọng hơn.
Câu chuyện Hai Tường kể lại khiến những người nghe trầm ngâm. Một lúc sau, Hai Tường nói:
- Chú Thành chết làm cho cơ sở hụt hẫng và tôi cũng kẹt vì vợ lại có... Tổ chức tính tới tính lui chỉ còn cách tìm đến anh Bảy Phận. Anh vui vẻ nhận lời đóng giả rất tốt qua mắt được bọn làng lính. Kể ra anh là người ơn của gia đình tôi. Chỉ buồn và thương cho chú Thành chưa có vợ con gì hết. Hồi đó, chú đôi lần tâm tình với tôi:
- Thấy anh có vợ con bận bịu quá, em để hòa bình mới tính. Hòa bình! Chỉ còn không tròn một năm mà chú ấy đợi không được!
Hai Tường thân mật nói chuyện với Bảy Phận ở phòng khách, Tư Hằng dưới bếp đi lên vui vẻ hỏi:
- Nè! anh Bảy, đêm đó anh làm gì lụi hụi dưới mé mương cho lính bắt vậy?
- Cái gì ngủ không được? Nhớ nhà của cô sáng hết gạo nên bốn giờ tôi đi tắt qua nhà lấy xuồng chở lúa đi xay, vừa tát nước xuồng thì bị bắt. Hình như nó có nghi nên đánh tôi dữ quá.
- Sao anh chịu đựng nổi hay vậy?
- Mỗi lần chết đi sống lại tôi nhớ đến mẹ con cô, nhớ đến chú Hai Tường, tôi quên đi đau đớn. Chỉ trả lời: “không biết!”. Nè! Nó tra khảo bẻ lọi hai ngón tay giờ này ngay chò.
Tư Hằng cầm bàn tay của Bảy Phận đưa lên thấy hai ngón trơ vơ không khép lại được cảm động:
- Anh già rồi, một mình ở dưới đêm hôm đau ốm rồi sao? Từ lâu vợ chồng em luôn coi anh như anh ruột, còn các cháu coi như ba nuôi. Thôi thì anh thu xếp lên đây sống với vợ chồng em.
Bảy Phận đưa mắt nhìn ra sân:
- Thấy gia đình chú thím hạnh phúc, con cái đỗ đạt là tôi mừng.
Hai Tường chậm rãi nói với Tư Hằng:
- Hôm nay, ngày giỗ của chú Thành đó, bà lên đốt cây nhang mời chú ấy về. Đi đi bà!
Ông Hai Tường rót ba chung rượu: cho ông, cho Bảy Phận, còn một để nơi cái chén của Thành, rồi nói:
- Chú Thành ơi, ở nơi đâu về cùng nâng ly với anh nghen!
Tư Hằng đốt nhang xong xuống bếp bưng lên ba con cá trê vàng nướng thơm phức, chừng như hai gò má có nước mắt. Tư Hằng vội vàng quay đi. Dường như không phải chỉ có hai mà đến ba người đàn ông đang tâm sự...
No comments:
Post a Comment