Monday, February 28, 2011

Trái đậu bắp trong công dụng điều trị bệnh tiểu đường

Trái đậu bắp trong công dụng điều trị bệnh tiểu đường
Quỳnh Như, phóng viên RFA
2011-02-25

Mới đây trên báo Sàigòn Tiếp Thị có đăng tải bài viết với nội dung “Uống nước đậu bắp trị tiểu đường?” Vấn đề này thực hư ra sao?

Screen capture fr. Youtube

Bệnh tiểu đường. Screen capture fr. Youtube

Gần đây trên mạng Internet có phổ biến một tài liệu giới thiệu về công dụng của trái đậu bắp trong việc điều trị Bệnh Tiểu đường. Ngay khi những thông tin này vừa được phổ biến, lập tức có rất nhiều người hưởng ứng và thực hành theo chỉ dẫn “chỉ cần uống nước ngâm của hai trái đậu bắp mỗi ngày, sau hai tuần sẽ chữa được căn bệnh tiểu đường, lượng đường trong máu sẽ hạ xuống mức bình thường.”
Theo tài liệu nầy, lấy hai quả đậu bắp, cắt bỏ một tí ở khúc đầu và đuôi, rồi cắt đôi trái đậu bắp theo chiều dọc. Xong cho vào một ly nước uống để nguội đậy lại, ngâm qua đêm. Sáng hôm sau, vớt bỏ xác của hai trái đậu bắp, và uống hết ly nước ngâm đậu bắp trước khi ăn sáng.
Tác dụng của trái đậu bắp

Theo các nhà Đông Nam dược, thật ra, từ lâu trong dân gian nhiều người đã có kinh nghiệm dùng đậu bắp hoặc phối hợp đậu bắp với một số thảo dược khác trong việc điều trị ổn định đường huyết, kết quả cho hiệu quả rất tốt. Người mắc bệnh tiểu đường hàng ngày sử dụng nhiều đậu bắp trong thức ăn hay dùng thân, lá hoặc chính trái đậu bắp phơi khô, rồi sắc uống để chữa bệnh tiểu đường. Cũng có thể dùng phối hợp với một số thảo dược như khổ qua, lá ổi, lá sakê…. trong việc điều trị bệnh này.

“chỉ cần uống nước ngâm của hai trái đậu bắp mỗi ngày, sau hai tuần sẽ chữa được căn bệnh tiểu đường, lượng đường trong máu sẽ hạ xuống mức bình thường.” ?

Trái đậu bắp có tên khoa học Abelmoschus esculentus, thuộc họ Malvaceae, tiếng Anh còn gọi là Okra. Về mặt dinh dưỡng, đậu bắp là một loại rau quả phổ biến có nhiều chất bổ dưỡng bao gồm những hợp chất polyphenol, chất chống oxy hóa, các thành phần sinh tố, khoáng chất như: vitamin C, A, B1, B2, B6, chất kẽm, sắt, calci và nhiều chất xơ, chất nhầy, đặc
Cây đậu bắp
Cây đậu bắp. Source Wikipedia
biệt không có cholesterol.

Hạt đậu bắp cũng là nguồn cung cấp chất đạm và chất béo tốt. Từ xưa trong dân gian nhiều nơi đã biết sử dụng rễ, thân, lá, và quả non của đậu bắp để trị một số bệnh trong đó có chứng tiểu khó, ho khan, viêm họng, giúp tiêu hoá tốt chữa trị loét dạ dầy, giúp cơ thể bài trừ độc tố bảo vệ gan.
Lương Y Võ Hà, người có nghiên cứu một số cách chữa bệnh từ các loại hoa quả, thảo dược theo phương cách dân gian. Ông cho hay những thí nghiệm do Khoa Y học Cổ truyền, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành trên chuột thí nghiệm hồi gần đây cho thấy, chất cao được chế biến từ thân và lá của đậu bắp có tác dụng hạ đường huyết trên chuột trắng thí nghiệm.

Các nhà nghiên cứu đã xác định được liều dùng từ 10g đến 40g trên 1kg thể trọng có tác dụng hạ đường huyết. Đồng thời qua so sánh với insulin, tác dụng của đậu bắp tuy không mạnh bằng insulin, và không có tác dụng hạ giảm đột ngột như insulin nhưng ổn định hơn và không có nguy cơ gây tụt huyết áp xuống dưới mức bình thường.
Vị Lương Y này cũng giải thích rằng chất nhầy trong đậu bắp có thành phần chất xơ hòa tan và những hoạt chất giúp ổn định đường huyết. Chất này tiết ra ngoài thông qua những mặt cắt ngang, dọc thân quả và dễ hòa tan vào môi trường nước, kể cả nước ở nhiệt độ thường. Qua nhiều giờ ngâm, chất nhầy hòa tan vào nước thể hiện rõ qua độ sánh trong nước tăng lên. Đông Y sĩ Võ Hà cũng nhấn mạnh, rằng điểm mới trong thông tin đăng tải trên mạng là chỉ cần tận dụng chất nhầy tự nhiên của khoảng hai trái đậu bắp tươi, bằng cách cắt và để tiết ra nước ngâm qua đêm, cũng đủ tác dụng ổn định đường huyết thay vì phải sắc uống hoặc ăn đến vài trăm gam như trước đây, và nếu dùng 2 hoặc 3, 4, 5 trái đậu bắp là tùy thuộc vào trái lớn nhỏ và cơ địa mỗi người.

từ lâu trong dân gian nhiều người đã có kinh nghiệm dùng đậu bắp hoặc phối hợp đậu bắp với một số thảo dược khác trong việc điều trị ổn định đường huyết, kết quả cho hiệu quả rất tốt. Người bệnh hàng ngày sử dụng nhiều đậu bắp trong thức ăn hay dùng thân, lá hoặc chính trái đậu bắp phơi khô, rồi sắc uống để chữa bệnh tiểu đường.

Khi uống hàng ngày như vậy nên theo dõi lượng đường huyết để đối chiếu kết quả và tìm ra liều lượng tối thiểu phù hợp với bản thân. Vì đậu bắp là loại rau quả bổ dưỡng, nên nếu dùng nhiều hơn số cần thiết vẫn không gây độc hại. Ngoài ra, người sử dụng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị trong việc phối hợp và gia giảm liều lượng với các loại thuốc tây đang dùng.
Món thứ hai trong dân gian cũng hay dùng trong việc chữa trị Bệnh Tiểu đường là Khổ qua, mà người Bắc còn gọi là mướp đắng. Lương Y Võ Hà cho biết nó cũng là một loại rau quả bổ dưỡng Với thành phần chất xơ, chất khoáng và chất chống oxy hóa cao, khổ qua là một loại thực phẩm tốt có tác dụng tích cực trong việc cải thiện lượng mỡ trong máu, và bảo vệ màng tế bào trong các chứng bệnh về tim mạch. Đặc biệt, mướp đắng có thành phần của những hoạt chất mà người ta gọi là những insulin thực vật có tác dụng làm hạ lượng đường trong máu ở những người bị Bệnh Tiểu đường, vì khổ qua vừa gia tăng sự xuất tiết insulin vừa làm tăng độ nhạy của tế bào cơ thể đối với insulin.
Trái đậu bắp trong công dụng điều trị bệnh tiểu đường
Trái đậu bắp trong công dụng điều trị bệnh tiểu đường
Nhà nghiên cứu Đông Nam dược này cũng giới thiệu một nghiên cứu được tiến hành trên 100 người mắc Bệnh Tiểu đường loại II ở Ấn độ từ 1999. Trong 2 ngày, người bệnh được thử độ đường lúc đói và sau khi được uống nước đường. Đến ngày thứ hai, những người nầy được cho uống từ 150 đến 200cc nước khổ qua ép. Kết quả thử nghiệm ngày thứ hai đã cho thấy 86% người tham gia thí nghiệm đã hạ đường huyết trung bình 14% so với lúc bình thường, cũng như sau khi dùng nước đường. Nhiều nghiên cứu sau đó cũng cho biết khổ qua có thể nâng cao khả năng hấp thu đường glucose của tế bào và gia tăng việc xuất tiết insulin cũng như hiệu quả hoạt động của loại hormon nầy. Các nhà nghiên cứu đã xác định được ba hợp chất chính trong Khổ qua có liên quan đến việc cải thiện đường huyết là Charantin, Polypeptide P, Acid Oleanolic.
Hiệu nghiệm nhất thời

Tuy nhiên, Lương Y Võ Hà cũng rất dè đặt đưa ra kết luận về công dụng chữa trị bệnh tiểu đường của tất cả các loại thuốc dù thuốc Bắc, thuốc Tây, hay thảo dược đều chỉ có tác dụng giúp ổn định đường huyết trong nhất thời, mà không thể chữa dứt căn bệnh ngay tức khắc. Nhưng chúng khác nhau ở chỗ, có gây ra những phản ứng phụ hay không, hoặc có đem lại tác dụng giúp cải thiện chức năng của các cơ quan, hoặc tăng cường sức đề kháng của cơ thể hay không. Việc chữa trị bệnh tiểu đường về lâu về dài cần phối hợp với việc thường xuyên vận động, sử dụng các thực phẩm tự nhiên có nhiều chất xơ, hạn chế đồ ngọt và các loại thực phẩm chế biến sẳn.

Thật sự nó có hiệu nghiệm, chớ không phải là không nhưng đó chỉ là sự hiệu nghiệm nhất thời, chứ không có cái nào có thể chữa khỏi bệnh một cách có hiệu quả cả.
Đông Y sĩ Hải Thước

Đề cập đến thông tin về công dụng chữa trị Bệnh Tiểu đường của trái đậu bắp, Đông Y sĩ Hải Thước cho biết:
“Trước khi có đậu bắp, thì đã có cái gì?Trước đây không lâu thì người ta đồn với nhau là phải uống lá dưá, rồi trước lá dưá người ta đồn phải uống khổ qua, sau lá dứa và khổ qua thì người ta đồn phải uống hồ-lô-ba, đây là một loại hạt mà người Hy Lạp hay sử dụng trong việc chế biến thức ăn. Trong mỗi thời khoảng khác nhau người ta sử dụng cái này hay cái kia do sự đồn đại, nói là uống vào sẽ hết Bệnh Tiểu đường.

Thật sự nó có hiệu nghiệm, chớ không phải là không nhưng đó chỉ là sự hiệu nghiệm nhất thời, chứ không có cái nào có thể chữa khỏi bệnh một cách có hiệu quả cả. Giả sử một bệnh nhân mắc bệnh Tiểu đường, nghe tôi bảo nấu khổ qua hoặc làm
Cây và trái mướp đắng. Wikipedia
Cây và trái mướp đắng. Wikipedia
trà khổ qua uống, thì lượng đường trong máu có thể giảm xuống nếu họ đi Tây Y để đo lượng đường. Nhưng chỉ một thời gian sau thì cho dù có ăn bao nhiêu, uống bao nhiêu khổ qua thì lượng đường vẫn cứ lên cao. Rồi đến hạt hồ-lô-ba, có lẽ trước khi tới Okra (đậu bắp) thì nó là cây quế, loại quế cay. Họ cũng đồn như thế, cũng có người uống và cũng có người bớt. Nhưng hiệu quả, như tôi nói chỉ là nhất thời mà thôi.”

Khi cơ thể cảm nhận có một chất lạ thì nó sẽ giảm bớt các hoạt động của nó lại, do đó nó làm cho lượng đường đi xuống. Cho nên người ta nghĩ rằng nó có hiệu quả.
Đông Y sĩ Hải Thước

Giải thích lý do của hiện tượng giảm đường huyết chỉ mang tính nhất thời, Lương Y Hải Thước cho biết:
“Vì trong cơ thể con người có một phản ứng tự nhiên, đó là sự co cụm của cơ thể, như khi chúng ta rờ đến một vật nóng hay lạnh tự nhiên chúng ta co lại. Khi cơ thể cảm nhận có một chất lạ thì nó sẽ giảm bớt các hoạt động của nó lại, do đó nó làm cho lượng đường đi xuống. Cho nên người ta nghĩ rằng nó có hiệu quả. Thật sự, như tôi đã trình bày, khổ qua, lá dưá, hạt hồ-lô-ba của Đông Y, rồi cây quế, và bây giờ là Okra, tất cả chỉ là sự đồn đại. Tôi nhìn nhận nó có ảnh hưởng, nhưng không ảnh hưởng lâu dài, và không có công hiệu để chữa một chứng bệnh có quá nhiều sự tàn phá trong cơ thể. Đó là Bệnh Tiểu đường.
Do đó muốn chữa Bệnh Tiểu đường, chúng ta phải nhìn thật rõ vào căn bệnh đó, xem xét nguyên nhân, có thể là do di truyền có thể là do ăn uống, rồi xem tạng phủ nào bị suy yếu thì chúng ta bồi bổ nó để quân bình lại cơ thể thì con người sẽ sống khoẻ mạnh. Chứ tôi không tin rằng, có một vị thuốc nào đơn độc để có thể chữa được một chứng bệnh mà cả Đông Y lẫn Tây Y đều đã gặp khó khăn trong việc chữa trị.”
Cùng quan điểm với Đông Y sĩ Hải Thước, Lương Y Võ Hà nhấn mạnh rằng, “chúng ta không nên có ảo tưởng về một loại thực phẩm chức năng, một loại thảo dược hoặc một bài thuốc gia truyền nào có thể chữa dứt căn Bệnh Tiểu đường mà không cần cải thiện lối sống."
Thưa quí vị, cuộc sống công nghiệp bận rộn hiện nay, người ta có xu hướng hay sử dụng các thức ăn nhanh thường chứa nhiều đường, chất bột và chất béo, cung cấp dư thừa lượng calori cần thiết cho cơ thể. Bên cạnh đó việc vận động luyện tập thể dục, thể thao cũng ít được chú ý, vì có ít thời gian do đó dễ khiến người ta mắc chứng bệnh tiểu đường. Bệnh này xảy ra ở người lớn tuổi và cả trung niên, thậm chí có khi là trẻ em nên đây là một vấn đề nan giải trong xã hội hiện nay. Ngoài vấn đề dinh dưỡng ra, yếu tố di truyền từ trong gia đình cũng là một nguyên nhân có thể dẫn đến Bệnh Tiểu đường. Việc điều trị bệnh này rất tốn kém, và đòi hỏi phải có sự quyết tâm và kiên nhẫn rất lớn ở người bệnh.
Đông Y sĩ Hải Thước, hiện đang hành nghề tại Tiểu bang Virginia, Hoa kỳ giải thích Bệnh Tiểu đường theo quan niệm của y học cổ truyền như sau:

Tôi nhìn nhận nó có ảnh hưởng, nhưng không ảnh hưởng lâu dài, và không có công hiệu để chữa một chứng bệnh có quá nhiều sự tàn phá trong cơ thể. Đó là Bệnh Tiểu đường.
Đông Y sĩ Hải Thước

“Bệnh Tiểu đường là một chứng bệnh mà theo Đông Y gọi là bệnh Tiêu khát, gồm 3 phần: thượng tiêu, trung tiêu và hạ tiêu. Chữ Tiêu ở đây có nghiã là tiêu huỹ, tiêu đốt sẽ làm cho người bệnh bị khô khát, nếu phần bị ảnh hưởng là ở phiá trên thì gọi là thượng tiêu, gồm tim, phổi, xuống đến phần trung tiêu thì sẽ làm cho người ta đói gồm có bao tử, tụy tạng, tới phần hạ tiêu ở phiá dưới là thận, bàng quang. Nếu thận, bàng quang bị suy yếu hoặc có sự xáo trộn thì người ta sẽ bị đi tiểu nhiều lần.”
Ông Hải Thước nói thêm:
“Thành ra để chữa Bệnh Tiểu đường không thể dùng một độc vị thuốc là có thể chữa khỏi được, mà phải xem nguyên nhân của bệnh thuộc về thượng tiêu,hay trung tiêu bị ảnh hưởng, hoặc có khi cả thượng tiêu, trung tiêu và hạ tiêu đều bị ảnh hưởng hết, có người bị dương suy, có người bị âm suy, không giống nhau, thì cách điều trị khác nhau, cho nên Bệnh Tiểu đường có người mập, người ốm.”
Chương trình Sức khoẻ và Đời sống tuần này xin dừng ở đây. Cám ơn qúy vị đã theo dõi. Quỳnh Như xin hẹn gặp lại quý vị vào tuần tới.

Sunday, February 27, 2011

VÀI KỶ NIỆM VỀ THỦ KHOA NGHĨA, CHÂU ĐỐC

VÀI KỶ NIỆM VỀ THỦ KHOA NGHĨA, CHÂU ĐỐC

Năm nay đào lại nở,
Không thấy ông đồ xưa,
Những người muôn năm cũ,
Hồn ở đâu bây giờ?
Vũ Đình Liên

Tôi về dạy học tại Trung Học Thủ Khoa Nghĩa một thời gian tương đối ngắn ngủi : từ tháng 9-1963 đến khoảng tháng 11-1964 thì tôi từ giã Châu Đốc. Tuy nhiên, thời gian ngắn ngủi này là thời gian vui nhất trong quãng đời dạy học của tôi, chấm dứt vào tháng 12/1980 khi tôi vượt biển trốn khỏi Việt Nam. Tôi không hiểu có phải vì đó là năm đầu tiên khi tôi vừa mới tốt nghiệp trường Đ H S P, hay vì các em học sinh của tôi năm ấy đã cư xử rất đàng hoàng như những thanh niên đã trưởng thành và đã dành cho tôi những tình cảm vô cùng tốt đẹp.
Châu Đốc,hồi đó là quận Châu Phú, một thành phố tương đối nhỏ, chỉ có một số ít nhà gạch phần lớn được xây cất đã lâu, ít khu nhà mới cất, khang trang và các đại lộ thênh thang như ở Long Xuyên. Khi vào thành phố xe chạy dọc theo sông Châu Giang. Bên phải xe chạy ngang qua nhà thờ Công Giáo, Lê Phủ Từ Đường, còn gọi là Nhà Lớn. Vào trung tâm thành phố có một công viên gọi là Bồ Đề Đạo Tràng, buổi chiều tối có loa phóng thanh đọc kinh. Về một phía của công viên là nhà hàng Nam Hiệp, khu chợ và dãy phố buôn bán, có hiệu sách Thanh Sơn. Phía bên kia công viên có khách sạn An Biên. Đi tới nữa qua cầu sắt rồi rẽ tay mặt là con đường có trường Thủ Khoa Nghĩa.
Tôi cùng ba người bạn được đổi về trường niên học ấỵ Việc thuê nhà rất khó khăn, một phần vì ở Châu Đốc ít nhà cửa cho thuê, một phần vì có tới bốn người bạn muốn ở chung với nhau. Cuối cùng chúng tôi thuê được một căn nhà sàn vách ván, đối diện với trường Thủ Khoa Nghĩa. Nếu đứng ở cổng trường nhìn ra thì nhà ở xế về mé trái độ hai mươi mét. Sàn gỗ đã cũ, có chỗ vỡ khá lớn, đủ để chúng tôi thả cần câu xuống bắt mấy chú cá nhỏ. Tuy nhiên, có điều thuận tiện là chúng tôi được riêng một căn nhà, tha hồ tự do chuyện trò thoải máị Chúng tôi cả bốn người đều còn độc thân nên cũng không đòi hỏi tiện nghi nhiều lắm. Ăn uống thì may có cô Năm, vợ thày Năm y tá, nấu giùm. Cô Năm dáng người mảnh khảnh, hiền lành, thày Năm đẫy người hơn, họ có cô con gái tên Lành, năm ấy độ 13, 14 tuổi, rất dễ thương. Chúng tôi có bốn người nên cũng không buồn. Sau giờ dạy thì lại cùng nhau tán dóc và cũng ít khi đi đâu. Đến tối khuya thường có hàng sực tắc (xe bán mì) đi ngang khua inh ỏi làm chúng tôi thấy đói bụng. Ở đây được vài tháng thì có một em học sinh giới thiệu cho một căn nhà gạch ở ngoài phố, đối diện với Bồ Đề Đạo Tràng. Ở đây tiện nghi và thoải mái hơn. Niên học sau chúng tôi lại phải dọn nhà và thuê nhà của một bà cụ, mẹ một em học sinh.
Tôi được giao cho dạy môn Anh Văn sinh ngữ 2 cho các lớp 2A1, 2A2, 2B1 và Pháp Văn sinh ngữ chính cho lớp 1A. Môn Anh Văn SN2 các em học sinh chỉ mới học từ năm Đệ Tam, nghĩa là mới chỉ học có một năm, nên ôn lại căn bản rất dễ. Cuối niên học , trong kỳ thi Tú Tài I các em phải làm một bài khảo sát, hỏi những kiến thức cơ bản về văn phạm, ngữ vựng và phát âm. Tôi đã chú trọng dạy kỹ cho các em cách dùng các thì của động từ, các câu so sánh dùng tính từ, các âm trong Anh ngữ và dấu nhấn mạnh trong mỗi chữ. Các em đã tiếp thu dễ dàng và trả lời đúng các câu hỏi trong bài khảo sát. Tâm lý chung khi đi học là nếu hiểu bài thì mình rất ham học, nên dù chỉ là môn sinh ngữ phụ các em cũng chuyên chú học giờ của tôi rất đều đặn. Nhưng ngược lại, môn Pháp Văn sinh ngữ chính ở lớp Nhất A, chỉ có 3 giờ một tuần, mà chương trình lại khá nặng và không liên hệ với nhau: phần giảng văn thì là văn thơ lãng mạn Pháp ở thế kỷ 19, đồng thờ lại phải tự chọn tập cho các em làm các bài khảo sát có tính cách khoa học. Chương trình cao quá đối với các em mà tôi lại cứ cố gắng làm sao phải hoàn tất chương trình, cho nên bài giảng của tôi không lôi cuốn được các em, và gần cuối niên học chỉ còn một số nữ sinh trung thành như Thúy Hoa, Thanh Hồng v..v...Giá mà tôi chỉ chú trọng dạy các em các bài khảo sát và văn phạm thì chắc tôi đã thành công hơn.
Đối với thày, cô giáo trong một lớp học không tránh khỏi có một vài em ngỗ nghịch làm mất trật tự, có khi còn hỗn hào, khiến thày cô buồn. Thế nhưng trong cả bốn lớp tôi dạy năm đó không hề có, dù chỉ là một trường hợp đơn độc, không một học sinh nào thuộc trường hợp kể trên. Thật lạ lùng, nhưng mà đúng như vậy: các em rất đàng hoàng, có cái vui nhộn của tuổi trẻ, nhưng rất chín chắn, và phải nói rằng giữa các em và tôi đã có một quan hệ rất tốt đẹp. Nói riêng về từng lớp: Lớp Nhị A2 là một lớp toàn nam sinh. Các em vui nhộn, hồn nhiên. Gần tết năm ấy, các em có tổ chức một một buổi liên hoan tất niên. Em Trần Chung Tân , trưởng lớp, có tặng tôi một tấm hình buổi liên hoan ấy, mà hiện tôi vẫn còn giữ, phía sau hình còn có mấy hàng chữ của Tân :" Đây là một hình ảnh tươi trẻ, là một kỷ niệm khó phai mờ, để đôi khi thày nhớ đến 2A2 của niên khóa 63-64 thì thày sẽ hình dung lại những khuôn mặt "tếu" của chúng em. TKN ngày 25/2/64. Đại diện 2A2, Trần Chung Tân". Các em rất vui, rất nhộn. Tôi nhớ có một lần tôi mới may một chiếc quần hơi rộng, một em tới gần, xòe hai bàn tay đo vòng chân tôi, phía trên đầu gối vừa cười vừa nói : Chân thày nhỏ quá!, em nói rất tự nhiên và tôi cũng không thắc mắc gì. Thế nhưng mỗi khi tôi bắt đầu giảng bài thì các thôi nói chuyện và chú ý nghe Đến khi tôi giảng bài xong, cho làm bài rồi thì ai muốn hỏi gì, nói gì thì nói, các em không hề làm mất trật tư.. Thày, trò rất thân mật. Các em có rủ tôi đi chơi núi Sam, rất vui.
Lớp Nhị B1 con trai và con gái học chung, lớp này nghiêm chỉnh hơn, có lẽ vì con trai, con gái học chung. Các em rất chăm chỉ và có nhiều học sinh xuất sắc. Vì các em có tinh thần tự giác, có lúc vui chơi, nhưng không bao giờ sao nhãng việc học, nên tôi hay thông cảm và không khó khăn với các em. Thí dụ vào dịp gần tết các em thường xin tổ chức liên hoan tất niên, đó là một thông lệ mà tôi cho là hay, để các em phát triển khả năng tổ chức và bày tỏ tình cảm bạn bè, thày trò. Tôi thường chấp thuận vì nghĩ rằng giáo dục không phải là chỉ học chữ. Năm đó có một vị giáo sư sẽ tổ chức văn nghệ tất niên toàn trường, nên không muốn các em làm riêng rẽ, để tập trung vào một buổi. Tôi không đồng ý, cho như thế là hy sinh niềm vui của các em, vì thế đã có một sự va chạm giữa tôi và vị giáo sư đó ở trong lớp học. Trong lúc tôi và vị giáo sư kia tranh cãi một số em nét mặt rất nghiêm trọng. Sau khi vị giáo sư kia đi khỏi các em nói rằng các em sẽ can thiệp nếu vị kia làm dữ. Tôi cám ơn các em nhưng không nghĩ là sẽ có chuyện đáng tiếc xảy ra. Các em đã bênh vực tôi nhiệt thành..Một số em thân với tôi nhất mà tôi vẫn còn nhớ la Tri Phương, Trung Nga, Trí Thành, Tấn Thành ( được biết em Tấn Thành đã mất, tôi vô cùng thương tiếc), và phía nữ sinh thì có Kim Lang và Phúc, Nga v..v..
Lớp Nhị A1 là một lớp toàn nữ sinh. Các cô này "cậy đông" và thường hay "ăn hiếp" những người "cô thế" như tôi. Quả thực lần đầu tiên đứng trên bục gỗ nhìn xuống đội quân áo dài trắng tôi cũng hơi khớp, nhưng sau thấy các cô cũng hiền lành, chỉ hơi tinh nghịch một chút thôi, nhưng mà tinh nghịch dễ thương. Thực ra, nói là thày trò, nhưng tôi chỉ hơn các cô từ 5 tới 7 tuổi, nên tôi cũng chỉ coi các cô như những người em gái. Có lẽ các cô cũng mến tôi vì thấy cái ông thày dạy cũng đàng hoàng và không hắc búa. Hồi đó theo chương trình của Bộ Giáo Dục học sinh học cuốn Practice Your English. Trong cuốn này có bài Miami, Florida. Trong lớp lại có một cô tên là Mai, nên mỗi khi tôi đọc tới chữ Miami thì các cô lại cười khúc khích. Chắc là các cô chọc tôi với Mai và dường như các cô còn đặt tên tôi là Miami. Có một lần chúng tôi đi picnic ngoài ruộng dưa, Hạnh còn đòi tôi phải "nhất bộ nhất bái" nữa.
Một hôm, một số bạn giáo chức tổ chức một buổi tối vui chơi, có mời một vài cô gái ở đâu không biết, có lẽ là có lối sống phóng túng, về nhảy đầm sao đó. Tôi cũng được mời. Sáng hôm sau tôi tới lớp các cô không chịu vào lớp. Hỏi ra tôi mới biết là vì chuyện tối hôm qua, các cô giận vì thấy tôi đi chơi với những người mà các cô cho là không đứng đắn. Tôi nghĩ rằng các cô coi tôi như một người thân, một người anh chẳng hạn, và buồn khi thấy người ấy làm một điều sai. Tôi quả thực cảm thấy mình không xứng đáng với lòng tin cậy và quí mến của các cô.
Rồi niên học hết, tôi không còn gặp các em nữa. Sau các kỳ thi Tú Tài, người thi đậu thì lên Đại Học, hoặc lên lớp trên, người không đậu thì bỏ trường để bước vào cuộc đời. Niên học sau đó tôi trở về dạy với một nỗi trống vắng vô hạn. Đột nhiên có những rắc rối xảy đến cho tôi. Lúc đầu chỉ có vài sự va chạm nho nhỏ giữa tôi và ban Giám Hiệu, mà tôi cũng không quan tâm lắm. Rồi một chuyện xảy ra làm thay đổi cả cuộc đời tôi: Ông Hiệu Trưởng lúc ấy dường như có thành kiến với các giáo chức mới đổi về. Trong một buổi họp ông đã nói với các giáo sư một câu:"Quí vị là thuộc hạ của tôi, quí vị phải tôn trọng tôi." Tôi cảm thấy bực mình về câu nói đó, tuy không biết ông ấy ám chỉ ai. Tôi đã lên tiếng phản đối " Ông Hiệu Trưởng dùng chữ không đúng. Chúng tôi là đồng nghiệp chứ không phải thuộc hạ của ông" Tôi không ngờ câu nói của tôi lại có một hậu quả quá nghiêm trọng. Vài tuần sau có văn thư từ nha trung học gửi về ra lệnh đình chỉ công tác của tôi và gọi tôi về trình diện ở Nha. Về sau tôi mới biết ông hiệu trưởng báo cáo rằng tôi hay đi trễ về sớm và công khai phỉ báng ban Giám Đốc, ông đề nghị sa thải đó là lý do tôi bị thuyên chuyển đi khỏi Châu Đốc.
Thế là sự gắn bó của tôi với Châu Đốc đã kết thúc. Tôi không ngờ nhanh như thế. Tôi không trách cứ ai cả, mà cho rằng đó là số mệnh. Nếu ông Hiệu Trưởng không dùng từ "thuộc hạ" và nếu tôi ôn tồn sửa lời ông thì chắc không bị đổi khỏi Châu Đốc, thế thì cuộc đời tôi sẽ ra sao? Tôi tin số mệnh đã sắp xếp cho tôi được biết Châu Đốc, nhưng chỉ cho tôi ở đó có hơn một năm thôi . Sau này tuổi đời càng cao, tôi càng tin con người ai cũng có "cái số", tôi là một người chỉ thích một cuộc sống trầm lặng, ít tham vọng, ít thích thay đổi nhưng số phận lại đưa tôi tới một cuộc đời trôi nổi, tôi bị đưa từ Châu Đốc, tới Huế, Dilinh, Đalạt, rồi cuối cùng về Nha Khảo Thí Saigon. Sau 30/4 tôi làm ở Sở Giáo Dục rồi về Đại Học Sư Phạm Saigon. Hai năm 1977-78 tôi đi cào cá ở Trà Nóc, Bình Thủy, Cần Thơ. Tuy long đong vất vả, nhưng số mệnh cũng cho tôi nhiều may mắn. Thân hình chỉ có hơn 43kgs, phải kéo lưới khá nặng nhưng tôi không có lần nào bị té xuống sông. Đến khi vượt biên, người ta phải năm, bảy lượt, nhưng tôi chỉ đi một lần là thoát và còn sống sót đến hôm nay.
Có một điều tôi còn ân hận đến hôm nay là khi tôi giã từ Châu Đốc tôi đã âm thầm, lặng lẽ ra đi. Nghĩ lại tôi thấy mình tệ quá, vì đã ra đi mà không một lời từ giã các học sinh mà tôi quí mến. Thực ra, lúc đó tôi mới chỉ có 24 tuổi, như một thư sinh non nớt, chưa đủ từng trải và khôn khéo. Bây giờ, tôi viết mấy giòng này để tạ lỗi và gửi lời thăm đến tất cả các học sinh cũ của tôi và rất ước mong trời cho chúng ta còn gặp lại nhau một lần, dù là lần cuối cùng.

DƯƠNG DANH KHOA

HÌNH BÓNG CŨ

HÌNH BÓNG CŨ
*Dương Văn Chung

Tôi không thể nào tả hết được sự cảm kích của tôi đối với vợ chồng anh chị đồng hương Châu Đốc Hoàng Ngọc Vương và Hồ Lệ Thủy. Đọc bản tin ngắn về anh Phi, một đồng hương chưa hề quen biết gặp hoạn nạn, đăng trên trang nhà Thatsonchaudoc, anh chị đã đến ngay Nursing Home Garden Park Care Center- Garden Grove-Nam California thăm anh. Hình anh Phi tươi cười khi tiếp chuyện với anh chị Vương-Thủy gợi lại cho tôi nhiều kỷ niệm vui.

Anh Phi tuy trông có già đi theo năm tháng nhưng gương mặt và nụ cười của anh không khác mấy mươi năm trước. Lúc còn đi học, người con trai Tân Châu và là người học trò Thủ Khoa Nghĩa Châu Đốc đó rất vui tánh, học hành rất chăm chỉ, nhưng trong giờ nghỉ giải lao, anh rất hoạt náo. Anh hay đứng trên cái sạp gỗ đặt trước bảng đen, gần bục giảng của thầy, kể chuyện vui để chọc cười các bạn hoặc đánh nhịp để các bạn khác hát theo những bài hát sửa lời như “ ò e cây me đánh đu, Tạc-zăng nhảy dù, Zô-rô bắn súng…”. Anh cao lớn, mắt to, nhưng mỗi khi cười mắt nhắm lại “không thấy tổ quốc ở đâu”, rồi từ từ mí mắt chớp chớp mở ra, cả lớp vui với sự hồn nhiên vui tánh của anh.
Ở nursing home, chung quanh anh đều là người già cả, èo uột, bệnh tật khó nuôi, ngất nga ngất ngưởng, anh cũng bệnh, nhưng còn tỉnh táo, có thể anh phải chịu một áp lực tinh thần rất nặng. Chắc anh chỉ có được một nụ cười tươi như đã thấy trong hình khi có đồng hương hay đồng môn đến thăm nom, an ủi.

Hôm qua tôi đã gởi tặng anh Phi quyển truyện ngắn “Nội Ngoại Đều Thương”. Mặc dầu bài vở trong sách không có gì xuất sắc, nhưng có bài “Tiếng khóc bên kia vách ván” viết theo chuyện có thật ngoài đời, tôi xin tiết lộ, anh Phi là người đóng vai anh Phán, “Cậu Sáu” của chàng rể tưởng tượng tên Tươi vượt biên để lại cái bầu cho Cô Đẹp, con ông chủ quán cà-phê. “Cậu Sáu” là người dõng dạc tuyên bố “kiến nghĩa bất vi vô dõng giả, lâm nguy bất cứu mạc anh hùng” (thấy việc nghĩa không làm thì không phải là người mạnh, thấy người bị nguy khốn không cứu không phải là anh hùng), rồi anh cùng với một số bạn thân khác tổ chức đám cưới giả để rửa mặt rửa mày cho gia đình có con gái có chửa hoang. Trong đám cưới “Cậu Sáu” đã ngỏ lời với họ đàng gái:

-Kính thưa anh chị Tám và quý ông bà, cô bác họ đàng gái, hôm nay là ngày lành tháng tốt, chúng tôi đại diện cho chị Tư tôi là má của cháu Tươi, mang sính lễ đến xin phép cưới cháu Đẹp cho cháu chúng tôi là Tươi. Cháu Tươi đã cùng với gia đình đi làm ăn xa (không dám nói vượt biên) mấy tháng nay. Trước khi đi, chị tôi có căn dặn chúng tôi phải đến xin phép anh chị Tám và quý vị cho tiến hành lễ cưới cho hai cháu. Sính lễ gồm có sáu mâm quả và một đôi bông tai. Xin anh chị Tám và quý vị hoan hỉ chấp nhận cho.

Tôi rất cảm ơn bạn Quách Sến đã cho Thatsonchaudoc và tôi biết tin tức anh Phi, cảm ơn hai bạn Hoàng Ngọc Vương và Hồ Lệ Thủy đã đến nursing home thăm, an ủi anh Phi.

Chúng tôi rất hy vọng anh Phi sẽ được quý đồng hương và đồng môn tiếp tục thăm viếng và ủy lạo.

Sydney, 03/12/2010
Dương Văn Chung

TƯỜNG THUẬT VÀ CẢM TẠ VỀ BUỔI HỌP MẶT KỶ NIỆM 50 NĂM THÀNH HÔN

TƯỜNG THUẬT VÀ CẢM TẠ
VỀ BUỔI HỌP MẶT KỶ NIỆM 50 NĂM THÀNH HÔN
CỦA DƯƠNG VĂN CHUNG VÀ NGUYỄN NGỌC PHẤN

Người ta thường phân ra nhiều hạng tuổi như tuổi thơ, tuổi thiếu niên, tuổi dậy thì, tuổi thanh niên, tuổi trung niên, tuổi già …v.v. Tuổi dậy thì là tuổi cơ thể phát triển, bắt đầu nghĩ đến tình yêu, còn tuổi thanh niên là tuổi biết yêu và có thể yêu say đắm. Tôi tự hỏi có phải chăng hai hạng tuổi đó là tuổi dại?

Ai cũng biết lập gia đình là ràng buộc. Có người còn bi quan cho rằng con là nợ, vợ là oan gia, chồng là nghiệp báo. Biết như vậy, nghe như vậy mà hầu hết mọi người vẫn vướng vào tình yêu, đều lập gia đình, có phải là dại hay không? Tình yêu đã che mắt, bịt tai mọi người?

Theo điển tích, Nguyệt Lão dùng sợi xích thằng, tức là sợi dây đỏ (xích là màu đỏ. thằng là sợi dây) để buộc cho trai gái dính chung nhau thành vợ chồng. Cũng có chuyện tích Ông Trương Gia Trinh có năm người con gái, ông muốn gả một người cho Đặng Nguyên Chấn, nhưng không biết chọn cô nào. Ông Trinh bảo năm cô ngồi ẩn sau tấm màn và buộc vào tay mỗi cô một sợi chỉ tơ, năm màu khác nhau. Đặng Nguyên Chấn đứ ng bên ngoài, chọn sợi dây màu hồng, tức là dây tơ hồng, cưới được cô gái xinh đẹp nhứt. Phải chăng việc hôn nhân là do tiền định?

Cũng có người nói hôn nhân là do cái nghiệp truyền giống, tự nhiên thúc đẩy trai gái thương yêu nhau để tạo ra lớp người sau. Nhưng tại sao lại chọn người này, không chọn người khác để lập gia đình, người ta lại đi lòng vòng trở về với thuyết định mệnh của Nho giáo hay thuyết nhân quả luân hồi của Phật giáo cho rằng vợ chồng là có duyên nghiệp với nhau..

Đó là chuyện xưa tích cũ và triết lý cao siêu về hôn nhân mà mình không có đủ khả năng để lạm bàn. Bây giờ tôi xin trở về với chuyện cụ thể của chúng tôi.

Chúng tôi thành hôn năm 1959, thời tuổi dại, tính đến năm 2009 được 50 năm. Ba đứa con cùng dâu rể chúng tôi, uống nước nhớ nguồn, đã tổ chức một bữa cơm tại nhà hàng Phước Lộc Thọ ở Sydney-Úc Đại Lợi, để kỷ niệm 50 năm ngày thành hôn của chúng tôi, với sự tham dự đông đảo bạn bè cũ mới và đặc biệt có sự tham dự của Thầy Trần Thiện Hiếu, cựu Giáo sư Trường Trung học Thủ Khoa Nghĩa Châu Đốc, các bạn Thất sơn Châu Đốc là anh Lâm Võ Huỳnh, Cô Đặng Thị Tùng (con của Ông Đặng Văn Thuận, Thầy cũ của tôi), anh Trần Ngọc Liễu, Chị Liên (cháu Thầy Thái Văn Thân và Bà Đốc Nguyễn Thị Mót, đều là thầy cũ của tôi).

Theo tục lệ của người phương tây, lễ kỷ niệm ngày thành hôn mỗi năm có tên khác nhau, như: năm thứ nhất Lễ Giấy, năm thứ 2 Lễ Vải…, năm thứ 25 Lễ Bạc…, năm thứ 30 Lễ Ngọc Trai, năm thứ 35 Lễ Cẩm Thạch, năm thứ 40 Lễ Hồng Ngọc, năm thứ 45 Lễ Bích Ngọc, năm thứ 50 Lễ Vàng, năm thứ 55 Lễ San Hô, năm thứ 60 Lễ Kim Cưong…

Thầy Trần Thiện Hiếu và anh Trần Ngọc Liễu mỗi vị có một bài thơ chúc mừng. Anh Lâm Võ Huỳnh, có cô Tùng bên cạnh, ca tặng chúng tôi, ca sĩ tuy đã già nhưng hơi còn dài, giọng trầm ấm, gợi cảm.

Bạn bè rất vui, luân phiên nhau lên chúc mừng và tặng quà cho chúng tôi.



Tôi ví mình như một lực sĩ chạy bộ, vừa về đến mức 50 năm, trải qua một con đường trường đầy cát bụi. Có con đường nào không có chỗ gập ghềnh, có sông biển nào không có chút sóng gợn lăn tăn, có vợ chồng nào không bao giờ có ý kiến bất đồng. Sự cảm thông và tha thứ mới là điều đáng nói, chớ có ai giỏi gì hơn ai.

Tôi cảm ơn Thầy Trần Thiện Hiếu, bè bạn đã đến chung vui và chúc mừng, cảm ơn các con, dâu rể và các cháu nội ngoại đã hiếu thảo tưởng nghĩ đến chúng tôi mà tổ chức bữa họp mặt vui vẻ cũng như giữ cho đại gia đình được trên thuận dưới hoà, hạnh phúc, các cháu ngoan hiền, chăm chỉ học hành. Tôi cảm ơn các sui gia đã sanh dưỡng, giác dục dâu rể biết hòa nhập vào nếp sống gia đình chúng tôi. Sau cùng, tôi cảm ơn nhà tôi đã cùng tôi năm mươi năm qua chia sẻ vui buồn, cùng nhau gầy dựng được một đại gia đình hạnh phúc, khởi đầu chỉ có hai người, bây giờ đã có ba con có hiếu, hai dâu hiền, một rể thảo, năm cháu nội, hai cháu ngoại rất ngoan, vị chi là mười lăm người, lời gấp năm bảy lần. Nhớ mới ngày nào hai đứa lễ gia tiên, lễ cha mẹ, họ hàng, giở mâm trầu, bây giờ đã đầu bạc răng long, một ngày gần đây sẽ lên chức ông cố bà cố. Cuộc đời sao nhanh quá là nhanh!

Tôi không quên cảm ơn hai em Đoàn Đông, Lộc Tưởng đã giới thiệu hình ảnh ngày vui của chúng tôi trên trang nhà Thatsonchaudoc và các bè bạn khắp nơi đã gởi lời chúc mừng trong một thâm tình nồng ấm.

Khiêm Cung Dương Văn Chung


*************************
Trích một số thiệp chúc mừng:

Năm chục xuân trường đượm lửa hương
Khối tình Chung Phấn ngát mười phương
Mệnh trời Châu Đốc sinh nhân kiệt
Hậu duệ Dương quân rạng tổ đường

Trần Thiện Hiếu
Sydney NSW
Ngày 19/09/2009


50 năm khói lửa
50 năm mặn nồng
Mong còn nhiều năm nữa
Để Anh chị…vui chung

Thương chúc Anh Chị
Hạnh phúc mãi mãi

Thanh Tùng
Lâm Võ Huỳnh
Montreal Canada
10.2009

Năm mươi năm ngày cưới trôi qua
Ân nghĩa phu thê vẫn mặn mà
Con hiếu mến thương tình bố mẹ
Cháu ngoan trân trọng nghĩa ông bà
Tổ chức tiệc tùng vui kỷ niệm
Vinh danh công đức của mẹ cha
Hạnh phúc trên đời ai sánh kịp
Đá vàng gắn bó mãi thiết tha.

Liên Liễu
Sydney NSW

… Em rất cảm động khi đọc tấm thiệp mời của các cháu, em nghĩ Anh Chị đã giáo dục các con hay quá, cộng với tấm lòng sẵn có của các cháu, em nghĩ Anh Chị đã tạo thành một đại gia đình ở xứ lạ quê người thật dễ thương.

Một nghìn lời chúc mừng Anh Chị cũng chưa đủ. Em xin gởi tấm lòng thành đến Anh Chị và gởi lời khen ngợi đến các cháu.

With all my love.

CỎ XỨ MÌNH CỎ XỨ NGƯỜI

CỎ XỨ MÌNH CỎ XỨ NGƯỜI
Dương Văn Chung


An Phú, ngày 12 tháng 07 năm 2009

Kính gởi Anh Hai Kinh Xáng Bốn Tổng,

Trước hết vợ chồng tôi kính thăm anh chị và cảm ơn anh luôn luôn nhớ đến bạn bè.

Thư anh nhắc đến bao nhiêu loại cỏ làm tôi nhớ những kỷ niệm thiếu thời với cỏ. Cỏ xứ mình công dụng quá, phải không anh Hai ?



Cỏ tranh ở xứ người dùng làm kiểng


Xứ mình phơi rễ cỏ tranh
để sinh nhai

Hồi nhỏ tôi thấy nhiều nhà lợp bằng cỏ tranh, một loại cỏ lá dài, dẹp mà cứng. Nước rễ cỏ tranh nấu với mía lau vừa ngọt vừa mát. Lúc bà già tôi còn sống hay hái lá cỏ mực, giống như lá bông cúc, vò ra vắt lấy nước, màu xanh đen, để thoa đẹn hoặc rơ lưỡi cho mấy đứa trẻ mới sanh.

Cỏ mần trầu thân mảnh như cây tăm nhang, cao bốn năm tấc, ở chót thân cỏ có bông chia làm nhiều cánh nhỏ. Thử bứt một cọng cỏ mần trầu, ngắt bỏ bông, tét cọng cỏ ra làm đôi, lấy móng tay xước cho tơi đầu cọng cỏ để làm cây ráy tai, ráy rất êm. Cỏ mần trầu cũng là một vị thuốc.

Hồi nhỏ tôi cũng hay chơi đá gà với cỏ mồng gà, là loại cỏ mà ở cuối cọng tụ lại thành một cục. Mỗi đứa cầm một cọng cỏ, đánh mạnh cái đầu cọng cỏ của mình vào đầu cọng cỏ của đứa kia, đầu cọng cỏ của đứa nào bị đứt thì đứa đó thua.

Mấy đứa con gái hay hái bông cỏ sâu rọm để kết lại thành cây kiềng cổ. Mấy đứa nó cũng luôn mặc quần dài, đi càn qua đám cỏ, bị bông cỏ may ghim dính vào ống quần, gỡ rất lâu.

Lúc nầy là mùa nước đổ, nước đục ngầu, chảy rất xiết từ trên Miên đổ xuống, qua ngã Bình Di, Bắc Nam, bà-con An Phú chuẩn bị “nghinh đón” nước lên. Nhà nào cũng có cái lu, cái khạp chứa nước sông, bỏ vô một chút phèn chua quậy cho đều, một lát sau đất lắng xuống, phần nước ở trên rất trong. Hồi xưa người mình hay nói giỡn:

“Thân gái mười hai bến nước, trong nhờ đục…lóng phèn”, thay vì trong nhờ đục chịu.

Ở miền tây mình quen gọi là nước lên hay nước ngập, vì nước dâng lên từ từ, khác với lũ lụt đột ngột dâng cao, phải không anh Hai? Khi đã ngập tràn đồng thì có lẽ vì phù sa đã lắng xuống, hòa nhập với đất cũ, nước trong vắt, gọi là nước cỏ. Nhìn xuyên qua khối nước trong, mình thấy cỏ vẫn sống, cá lớn, cá ròng ròng đang lội chung quanh hoặc luồn lách trong đám cỏ.

Chỉ trừ những khi cần dùng, người mình mới đi tìm và thấy quý cỏ, chớ ở Úc thì khác, cỏ là tiền đó, anh Hai. Vợ chồng tôi có lần được sắp nhỏ bảo lãnh qua thăm cho biết nước Úc, tôi thấy nội cái loại cỏ ở sân trước, sân sau nhà cũng làm cho mình thấy lạ rồi. Cỏ đó nhà vườn trồng bằng hột, cỏ lên rất đều, mịn màng, xanh mướt. Ai muốn trồng nhà vườn sẽ cắt từng miếng lớn, cuộn lại như tấm thảm. Sân trước, sân sau nhà được ủi cho bằng, trải thảm cỏ lên trên, tưới nước cho đều, rễ cỏ bám chặt vào đất, cỏ tăng trưởng, toàn một màu xanh trông rất đẹp mắt. Ở các công viên, các sân “gôn” cũng trồng cỏ theo cách nầy. Các bãi cỏ công cộng thường có cắm bảng “Cấm đi trên cỏ”. Cỏ quý như vậy đó, anh Hai à. Khoảng nữa tháng hay một tháng, mỗi nhà phải tự cắt cỏ hoặc mướn người ta cắt bằng máy. Thỉnh thoảng phải bón phân, tưới nước cho cỏ xanh tươi, khác với ở quê mình, coi cỏ là đồ rác rưởi. Tôi nghĩ thầm “cỏ sân nhà người ta đẹp hơn cỏ sân nhà mình”. Nhưng lúc sau này nước Úc bị hạn hán, các đập chứa nước thiếu nước dự trữ, lệnh hạn chế tưới cây cỏ được ban hành, cỏ dần dần bị tàn lụn, héo úa. Tôi nghĩ lại, ở miệt sông sâu nước chảy như An Phú hay Kinh Xáng Bốn Tổng, nếu mình tưới bón thường xuyên thì “cỏ xứ mình vẫn đẹp như cỏ xứ người”. Tôi bèn rủ nhà tôi:
-Thôi! Mình về chăm sóc cỏ sân nhà mình đi em!
Qua Úc chơi một thời gian ngắn mà mình thấy không thoải mái bằng sống ở quê mình, phần thì ngôn ngữ bất đồng, vừa ngọng vừa điếc tiếng Anh, ta về ta tắm sông nhà vẫn hơn, nhà tôi cũng đồng ý về thôi.

Tôi nói cà kê dài dòng, chắc anh đọc mệt lắm, phải không anh Hai? Tôi muốn bắt chước anh, viết cái gì cũng cặn kẽ, xúc tích, nhưng tôi chưa làm được, viết như người bị nấc cụt mới khổ đó anh Hai. Còn khu vườn nhà anh nữa, vừa gọn vừa đẹp đẽ, chiều chiều ra sân ngắm cảnh, xem hoa, gió hiu hiu thổi mát, đầu óc thư dãn, văn chương ồ ạt.

Muốn xin anh truyền bí kíp mà không có gì để cúng tổ, tôi chỉ có cái bông hồng vàng trồng trước ngõ dâng tặng anh để tỏ chút lòng.



Chuyện cà kê đã dài, tôi xin tạm dừng bút và kính chúc anh chị cùng sắp nhỏ được vạn sự hanh thông.
Khi nào rảnh anh chị qua An Phú chơi để vợ chồng tôi có dịp hàn huyên với anh chị.

Thân,
Chung An Phú

ANH E HÀN MẶC TỬ
Dương Văn Chung

Tôi học lớp Đệ Lục tại trường Thủ Khoa Nghĩa Châu Đốc niên khóa 1951-1952. Phần đông học sinh trong lớp là những người đi học trễ, tuổi sắp xỉ 17-18, mộng mơ và nhạy cảm. Thời đó có phong trào nhạc trữ tình như Sơn Nữ Ca, Dư Âm, thơ lãng mạn của Hàn Mặc Tử.
Thầy Phan Cao Nhựt dạy Việt văn thường hay giảng về nhà thơ nầy.
Ai cũng biết Hàn Mặc Tử là một nhà thơ trữ tình, bị bệnh phong đơn, được nhiều cô thương như Hoàng Cúc, Mai Đình, Mộng Cầm, Thương Thương, Ngọc Sương, Thanh Huy, Mỹ Thiện, trong số đó có người ông đã giáp mặt, có người chỉ biết nhau qua thư từ. Hàn Mặc Tử quê ở Quảng Bình, mất tại Qui Nhơn lúc mới 28 tuổi.
Trùng hợp trong lớp có anh E, bị di truyền bệnh phong đơn từ cha anh. Anh cao ráo, mặt rất trắng, ửng lên một vài vết hồng, hai bàn tay anh không có trái tràm. Anh thường trầm tư, ít nói., ít bạn nào trong lớp chơi với anh vì sợ bị lây bệnh, họ lén đặt tên cho anh là E Hàn Mặc Tử. Khác với Hàn Mặc Tử, E sống cô đơn, ai cũng xa lánh, không một bạn đồng học nào, nam cũng như nữ, dám chuyện vãn với anh. Hôm nọ có lẽ muốn thử lòng bạn bè, anh mua một gói kẹo mời các bạn trong lớp, không ai dám ăn. Chẳng những không nhận kẹo mà các bạn thấy anh vừa đến, đám họ đang tụm năm tụm ba nói chuyện trước sân trường trong giờ nghỉ, tự động tản ra, mỗi đứa một nơi, không nói chuyện với anh. Anh rất buồn tủi.
Một hôm thầy Phan Cao Nhựt cho làm văn, đề tài tự do, ai viết gì thì viết, anh E có dịp tâm tình, tả một con người bạc phước bị lây nhiễm bệnh nan y, bạn bè xa lánh. Anh than thở: có ai chọn được chỗ không có bệnh di truyền để sanh ra? Bài anh viết rất cảm động. Bài văn đó cũng là lời từ giả thầy bạn lần cuối cùng, vì bệnh của anh bộc phát, anh ở nhà điều trị một thời gian rồi mất trong âm thầm, lúc đó tuổi anh chưa đầy 20.

Sydney, mùa thu 2009

ĐỌC SÁCH

ĐỌC SÁCH

Tôi có thói quen đọc sách rất chậm, đọc một quyển sách khoảng hai trăm trang cả tháng trời mới xong. Nhưng đọc sách chậm cũng có cái hay, đọc càng chậm càng thấy được ý nghĩa thâm sâu của tác phẩm, cũng giống như ăn gạo lứt muối mè theo phương pháp Osawa, phải nhai cho thật kỹ, càng kỹ càng tốt, nhai cho đến khi nào gạo lứt biến thành nước mới nuốt vào, càng nhai càng thấy béo, càng bổ dưỡng.

Xuất thân từ nông thôn, tôi rất thích đọc những chuyện thuộc loại hoa đồng cỏ nội, những sinh hoạt thường nhựt mà tôi từng làm hay từng chứng kiến người dân quê mình ngày xưa đã làm, như loạt bài “Chợt Nhớ về Những Mùa Màng Ngày Cũ” của Nhà văn Lương Thư Trung khởi đăng trên Trang nhà Thất Sơn Châu Đốc. Tôi đọc rất chậm.

Được biết loạt bài gồm trên 50 mùa màng. Đến nay Thất Sơn Châu Đốc đã đăng được bảy mùa: Mùa xoài, Mùa cày bừa và phát cỏ, Mùa làm lóng, tát mương và tát đìa, Mùa làm mắm, làm khô, Mùa dưa leo, dưa hấu, dưa gang, Mùa chuột, Mùa bắt lươn và bắt lịch. Đọc qua bảy mùa đó, tôi có những cảm nhận đầu tiên là thấy những chuyện nầy có vẻ tầm thường lắm, nhưng không phải dễ viết. Lý do là va chạm đến những vấn đề thực tế và phổ quát, nhiều người ở thôn quê đã từng làm các công việc mùa màng nầy rồi, mặc dầu họ không có khả năng viết để diễn tả lại cái gì họ đã làm, nhưng nếu ai viết không đúng thì bao nhiêu người đó nhận thấy ngay chỗ viết sai.

Nhà văn Lương Thư Trung là người được sanh ra và sống trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, thực hành nhiều năm công việc đồng áng, ruộng vườn, nên đã mô tả các mùa màng rất tỉ mỉ và hấp dẫn. Hãy nghe tác giả nói về mùa xoài, đưa chúng ta đi xem bông xoài, ngửi mùi hương đặc biệt của bông xoài, quan sát xoài mới đậu trái trứng cá nhỏ như hột cườm rồi lớn dần bằng đầu đũa ăn, bằng ngón tay út, ngón tay cái, ngón chưn cái và bằng cườm tay. Tác giả cũng đã từng nếm thử vị chua chua chát chát của xoài “trứng cá”, vị chua của xoài xanh, vị ngọt của xoài chín. Tác giả đã cho chúng ta ngửi mùi thơm và nếm vi chua, vị ngọt của rất nhiều loại xoài, xoài giấm, xoài thanh ca, xoài voi, xoài tượng, xoài gòn, xoài khoai lang, xoài cát Hòa Lộc…, xoài nào cơm có sớ, xoài nào không có sớ. Tác giả cũng nói đến kỹ thuật trồng xoài, xoài ương bằng hột hoặc xoài tháp nhánh. Tác giả nhắc lại ngày xưa mua bán xoài tính theo chục 10 trái hoặc chục 12, 14, 16, 18 hoặc 20, bây giờ thì tính theo kí lô. Còn nhà vườn thường hay bán mão cho lái buôn tức là bán ước tính số lượng của nguyên cây hay nguyên vườn xoài.

Đến mùa cày bừa và phát cỏ, tác giả tỏ rõ dày dạn kinh nghiệm với việc cày bừa, mô tả từng chi tiết các nông cụ cày, bừa, hai nông cụ này phải làm bằng vật liệu gì, kích thước ra sao cho thích hợp, giải thích cho người đọc thế nào là phá, là ví mà khi chúng ta đi ngang qua một thửa ruộng nghe nguời nông phu hò hét để điều khiển đôi trâu. Tác giả cũng giải thích sự quan trọng của việc mở vạt cày…Phải từng lăn lộn nơi ruộng đồng mới biết cặn kẻ như vậy và mới nhớ được như vậy sau mấy mươi năm không còn cày bừa nữa.

Trong Mùa bắt lươn và bắt lịch, tác giả phân biệt lươn vàng, lươn bông, phân biệt con lươn với con lịch, cách bắt và dụng cụ để bắt hai loại thủy sản này. Tác giả cũng nói rõ “dấu tích mà chúng để lại cho dân ruộng biết nơi nào mà chúng đang ở là những vệt bùn non từ dưới đất trào lên thành một vòng tròn đường kính vài ba tấc tùy theo lươn và lịch lớn hoặc nhỏ”. Tác giả cũng cẩn thận nhắc mọi người coi chừng rắn hổ đất thường ẩn trong các mô lươn để bắt lươn ăn.

Đối với những mùa màng còn lại, tác giả đều diễn tả một cách chi ly và sinh động như vậy.

Phải nói rằng tác giả có trí nhớ dai, có lẽ khi nhìn sự vật thì phân tích sự vật đó thật kỹ, sự phân tích kỹ lưỡng giúp cho trí nhớ rất nhiều. Thử nghĩ nếu quan sát hời hợt thì qua mấy mươi năm chúng ta còn nhớ được sự vật rõ ràng hay không hoặc chỉ nhớ mơ hồ?

Loạt bài viết về mùa màng nầy giúp cho người đọc, già cũng như trẻ, nhứt là người ở thành thị thấy cái gian khổ, cơ cực của người nông dân, họ phải lao động hết sức vất vả để tự nuôi bản thân và gia đình, đồng thời làm ra lương thực, thực phẩm cho xã hội. Bình thường thì “nhất sĩ nhì nông”, đến khi “hết gạo chạy rong, nhất nông nhì sĩ”. Nông thôn dù là ở nước nào cũng đều chịu thiệt thòi hơn thành thị, thiếu điện, thiếu phương tiện vệ sinh, thiếu tiện nghi giáo dục, y tế, thông tin…v.v., nhưng thường thường người nông dân có những thú vui mà người thành thị không có được, như đi săn chuột , bắt lươn, bắt lịch, làm lóng, tát mương, tát đìa bắt cá.

“Chợt nhớ về những mùa màng ngày cũ” đã gợi lại cho người đọc những kỷ niệm khó phai mờ trong tâm trí. Bản thân tôi cũng vậy, sau khi đọc những bài nầy, nhớ ơi là nhớ bao nhiêu hình ảnh buổi thiếu thời ở thôn quê, nhứt là khoảng thời gian đầu đời, đất nước thanh bình, “ngó qua đám bắp trỗ cờ, đám dưa trỗ nụ, đám cà trỗ bông”, đẹp làm sao!

Đọc Mùa xoài, tôi nhớ làm sao cái vườn xoài phía sau hè của ông cố tôi. Loại xoài trồng bằng hột và đã cổ lắm rồi, gốc nào gốc nấy hai người lớn ôm không giáp. Đi lượm xoài rụng quả là một thú vui, nhứt là đi lượm xoài ban đêm, phải thắp đuốc bằng dầu chai hoặc đuốc tẩm dầu cá để đi tìm xoài rụng, đứa nầy thổi tắt đuốc của đứa kia để không thấy đường lượm. Xoài rụng nghe bịch ở chỗ nầy, bịch ở chỗ khác, đứa nào cũng quýnh lên, quờ quạng trong bóng tối để tìm xoài, tiếng kêu réo chí choé, đến nỗi người lớn phải lên tiếng can thiệp. Xoài rụng ban đêm thường là xoài chín cây, thơm phức, mấy con dơi quạ đánh mùi đáp xuống, dùng móng bấu vào rồi dùng răng gặm nhắm trái xoài. Thường thì khi con dơi quạ vừa chạm trái xoài thì xoài rụng. Ăn xoài chín mà thỉnh thoảng nhai luôn một miếng vỏ xoài, mới thấy vỏ xoài thơm đậm đà. Không tin thì các bạn thử xem.

Bắt hôi là một thú vui khác. Chủ đìa đã cho người nhà tát nước đìa bằng gàu, rồi dùng lưới để bắt cá, xong thì người ngoài xuống đìa “bắt hôi”. Mỗi người lấy một cái nôm úp xuống bùn, rồi thò tay vào nôm để tìm coi có con cá nào còn sót. Có khi may mắn chộp được vài con cá trê hay cá rô mề hoặc tôm càng. Tôi đã đi bắt hôi cá đìa lần sau cùng chỉ mấy ngày trước khi cha tôi cho tôi ra tỉnh Châu Đốc học tại Trường Nam Tiểu Học.

Dân miền Tây Nam bộ thường làm cá bỏ đầu, bỏ ruột, cái mình cá dùng để làm khô, làm mắm. Sau này bà-con tận dụng đầu cá để làm mắm đầu cá, chắc ai ở Sài-gòn cũng có ăn hoặc nghe nói đến bún mắm đầu cá Chợ Bình Tây, còn ruột cá thì làm mắm ruột ăn béo ngậy. Nhớ có lần nọ, anh bạn đồng học Thủ Khoa Nghĩa-Châu Đốc, lên Sài Gòn ở trọ cùng chung một căn gác với tôi, hai đứa đóng tiền ăn cơm tháng tại một quán cơm. Cuối tháng hai đứa hết tiền để đóng trước tiền cơm, anh bạn đang chờ tiền ở nhà gởi lên tiếp tế, còn tôi thì chờ lãnh lương kèm trẻ tại tư gia, bèn rủ nhau ăn cơm bữa, ăn bữa nào trả bữa nấy. Chúng tôi kêu một tô canh chua đầu cá lóc, nghĩ rằng đầu cá rẻ hơn khúc giữa hay khúc đuôi. Khi tính tiền, chúng tôi giựt mình, chủ quán tính giá gấp đôi giá bình thường. Chúng tôi thắc mắc, chủ quán giải thích:
-Ở đây đầu cá quý lắm, một cái đầu cá nhậu được mấy xị lận!
Còn Mùa chuột làm tôi nhớ đến chuột. Nhưng loại chuột mà nhà văn Lương Thư Trung nói là loại chuột đồng, ăn lúa, ăn lá cây, mập tròn, mùa nước nổi hay leo lên mấy bụi tre lót ổ. Loại nầy lột da, ướp sả hoặc ướp hành tỏi đem chiên vàng, rất thơm ngon. Còn loại chuột mà tôi liên tưởng là loại chuột cống, sống chui rúc trong cống rãnh nơi thành thị, ăn dơ uống dáy. Vậy mà có một thời kỳ anh em ở trại “học tập” Trảng Lớn Tây Ninh, cả một hai chục người, kẻ cầm gậy gộc thủ sẵn ở một miệng hang, người đi lấy cỏ tranh đốt ngay trên các miệng hang khác, người thì quạt khói, không có con chuột nào chạy thoát. Bác sĩ “đi học tập” nói cái gì có chất prô-tê-in là bổ rồi, chỉ sợ không có mà ăn.

Tác giả còn đưa chúng ta đi thăm viếng bao nhiêu mùa màng khác nữa. Với lời văn bình dị thích hợp với sinh hoạt và nêp sống chất phác, hiền hòa ở nông thôn, hứa hẹn những bài sắp tới của tác giả sẽ dễ hiểu và lôi cuốn. Chúng ta sẽ từ từ thưởng lãm giống như “ăn mắm nó thắm về lâu”.
Sydney , tháng 10/2008

TÔI BỎ HÚT THUỐC LÁ

TÔI BỎ HÚT THUỐC LÁ
Dương Văn Chung

Cuối năm 1965, tôi nhập ngũ và được huấn luyện tai trường Bộ Binh Thủ Đức. Cũng từ lúc đó, tôi bắt đầu hút thuốc lá. Để chiến trường bớt đổ máu, nơi thao trường tất cả khóa sinh đều tận lực luyện tập đổ mồ hôi. Chín tuần huấn nhục, gia đình không được viếng thăm, khóa sinh không được liên lạc với bên ngoài, phải sống gò ép như một nhà tu, ly gia cát ái, ăn cơm nhà bàn do nhà thầu cung cấp đổi bữa theo chu kỳ bò, gà, cá, heo. Chích thuốc T.A.B. để ngừa cảm mạo, phong đòn gánh…hai mũi đầu mấy thằng bạn bị run lập cập, mình cười, nói:
-Tụi bây dở quá, tao có sao đâu.
Khi chích mũi thứ ba thì mấy đứa nó tỉnh bơ, còn mình thì run như làm cử rét, chạy nhảy, múa may như thế nào cũng không hết run, cái lạnh từ trong lạnh ra, làm sao cho hết lạnh? Tới phiên mấy đứa nó chế nhạo mình.
Thuốc ngấm vào da thịt, con người khỏe mạnh, tập dợt quân sự, thể dục, diễn hành, dày dạn phong sương, nước da đen sạm, sung sức.
Là lính mới, bị phạt dã chiến liên hồi, không lý do gì cũng phạt, phạt để khóa sinh quen tuân hành, “thi hành trước khiếu nại sau”, nhưng có bị phạt oan, đố ai dám khiếu nại, khiếu nại thì bị phạt nặng hơn nữa. Mấy anh sĩ quan cán bộ “dê” hay bắt khóa sinh bị phạt dã chiến cầm miếng giấy chạy bao nhiêu vòng chung quanh trại, rồi chạy đến xin chữ ký của cô bán hàng xinh đẹp ở Câu lạc bộ Thanh Hoa. Cô bán hàng rất bận rộn, nhưng đã quen với cách chọc phá của mấy sĩ quan cán bộ nầy và thông cảm với khóa sinh bị phạt chạy có tính giờ, khi thấy khóa sinh chìa miếng giấy thì cô lẹ làng cầm viết ký tên. Trung đội của tôi do Thiếu úy Hoàng, là huấn luyện viên trường Đồng Đế đổi về làm trung đội trưởng, ông nầy là vua phạt dã chiến. Một màn phạt dã chiến nổi tiếng của ông ta gọi là “Vũ khúc leo đồi”, giữa cái nắng như thiêu như đốt bưổi trưa, bắt khóa sinh trùm “pong sô”, tức là áo mưa bằng “ni-lông”, đội nón sắt không có lớp nhựa cách nhiệt bên trong, súng “ga-răng” kẹp dọc bên hông, từ dưới chân đồi bò lên tới đỉnh, rồi từ đỉnh ôm súng lăn xuống chân đồi. Mấy anh chàng “có da có thịt” xỉu lia lịa.
Những buổi học trên bãi đất trống giữa đồng, trời nắng chang chang, đầu đội lớp nón nhựa hoặc những buổi đi địa hình hay đi di hành dã trại trong cơn mưa như thác đổ, dù có tôi luyện cách mấy, con người cũng cảm thấy mệt mỏi. Nửa giờ nghỉ giải lao, cùng với bạn đồng đội, lấy ba lô gối đầu, ngả lưng bên bụi rậm, móc gói thuốc Ruby Quân Tiếp Vụ màu xanh-có in hình anh lính chiến mặc quân phục tác chiến nhảy cao lên, súng cầm tay, sẵn sàng chiến đấu dưới lá cờ vàng ba sọc đỏ-rút ra một điếu mời thằng bạn, rồi tự đốt cho mình một điếu, hít vào một cái, từ từ nhả ra những cụm khói trắng, tan dần, tan dần trong không gian. Thư dãn làm sao! Càng mệt tôi càng hút thuốc nhiều.

Sau chín tuần huấn nhục, một đêm nơi vũ đình trường rực rỡ pháo bông, cả khóa được gắn al-pha để chính thức công nhận là sinh viên, rồi được nghỉ phép hai ngày, đứa về với vợ, đứa du dương với bồ, khi hết phép, trở lại quân trường, đi diễn hành”xà lai, xà lai”, không so hàng ngang, chẳng nhìn hàng dọc, hàng ngũ xệu xạo. Lại bị phạt dã chiến tập thể..

Từ đó về sau, mỗi cuối tuần nhà tôi dẫn hai đứa con trai, đứa bốn tuổi đứa hai tuổi, lên quân trường thăm tôi, đem theo nhiều kẹo. Nhà tôi nói:
-Ăn kẹo đi anh. Đừng hút thuốc nữa.
Tôi ăn kẹo xong thì thấy chua miệng. Chua miệng thì hút thuốc. Hút thuốc hôi miệng, lại ăn kẹo. Càng ăn kẹo nhiều thì càng hút thuốc nhiều hơn. Nhựa thuốc đóng vàng ngón trỏ và ngón giữa bàn tay mặt. Từ hút chơi trở thành hút thiệt, rồi đến hút ghiền, thiếu thuốc không chịu nổi.

Người ghiền thuốc lập luận theo kẻ đam mê, cho rằng hút thuốc làm hưng phấn, viết một văn thư, suy nghĩ mãi mà viết không ra câu, hút một điếu thuốc vào thì ý tứ phát ra ào ào. Cũng giống như một người ghiền rượu thường nói những câu:
-Vô tửu bất thành lễ (Không có rượu là không thành lễ),
-Nam vô tửu như kỳ vô phong (Đàn ông con trai không uống rượu giống như cờ không có gió),
Và khi uống thì phải uống cho thật nhiều:
-Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu (Rượu gặp bạn tri kỷ thì ngàn chén còn ít)…
Tôi có anh bạn thân khi có rượu vào thì vui lắm, anh đưa bàn tay lên chận ngang môi, phía trên miệng và nói:
-Tôi hứa từ đây trở lên không uống rượu nữa.
Anh chừa cái miệng ra để tiếp tục uống rượu.

Xin kể thêm một chuyện vui có thật về một anh chàng “nhậu xỉn”. Anh lạng quạng đạp xe tới con đường hẹp, dừng lại bên lề đối diện căn nhà tôi ở, xuống xe “tiểu đường” một cách tự nhiên, xong rồi leo lên xe đạp tiếp, nhưng mà đạp không đi, chiếc xe cứ lủi vô bờ lề, mắt anh đờ đẫn, miệng anh lẩm bẩm:
-Không có con đường nào khác hơn!
Mấy anh nhậu rất thảo ăn, người ta nói:
Có thằng chồng say trong chai ngoài bội(?),
Ngó vô nhà như hội tầm dương
Người ta cũng ngạo mấy người hút thuốc phiện:
Có thằng chồng ghiền như ông tiên nho nhỏ,
Ngó vô nhà đèn đỏ như sao.
Bây giờ thì những “nàng tiên nâu”, đã chìm vào dĩ vãng, chỉ còn “chích choác” và “phê” với nàng tiên trắng mà thôi. Ghiền thuốc lá như tôi là chuyện nhỏ, hút chút chút cũng đủ nám phổi rồi.

Năm 1973, một lần tôi cảm ho, bác sĩ khuyên bớt hút thuốc. Tôi nghỉ bớt làm gì cho mất công, thôi thì bỏ hút luôn cho gọn, dù bạn bè có rủ rê hay mời mọc cách mấy, tôi cũng không hút lại điếu nào. Nhờ đó mà trong thời gian nằm trong ‘trại cải tạo” tôi khỏi bị cơn ghiền thuốc lá hành hạ như một số bạn khác. Một anh lâu ngày không có thuốc lá để hút, được một người bạn cho mượn cái điếu cầy và cho một liều thuốc lào, anh đốt điếu lên, rít một hơi dài rồi ngả lăn ra đất, mặt xanh dờn, mắt lim dim, không phải anh xỉu mà anh đang “phê” đó.

Bỏ hút thuốc được mấy năm khỏi tốn tiền, ăn ngon ngủ yên, bà xã không than phiền miệng hôi thuốc lá, hạnh phúc lắm rồi. Nhưng không, khói thuốc lá vẫn còn quyện theo tôi. Sau khi ở trại “cải tạo” về, tôi đi làm rẫy một thời gian thì một người quen kêu tôi vào làm kế toán cho Công ty Sanyo, lúc đó chưa quốc doanh. Đi giao thiệp với ngân hàng và cơ quan tài chánh, vật giá… phải “ngoại giao bằng thuốc lá”. Tôi mua một gói thuốc lá ngoại quốc để sẵn trong túi, đến nói chuyện với nhân viên ngân hàng vài câu thì móc gói thuốc ra, xé bao lấy một điếu mời anh, một điếu cho mình. Khi đi ra tôi “cố tình bỏ quên” gói thuốc lại trên bàn để anh nhân viên ngân hàng “không quên cất vào trong ngăn tủ”. Mối quan hệ thật là “hữu nghị, thắm thiết”. Đi làm việc nhiều nơi mà nơi nào cũng điếu anh điếu tôi như vậy thì làm sao không ghiền lại. Càng ngày tôi càng hút nhiều thêm, gần như hút bù cho thời gian mấy năm trước đây tôi không hút.

Mãi cho đến khi được đi định cư nước ngoài, tôi mới nghỉ làm kế toán cho Sanyo, không còn phải ngoại giao bằng thuốc lá. Tôi quyết định để lại quê hương cái nghiệp “phì phà” đã đeo đẳng tôi hàng chục năm qua, tôi bỏ thuốc ngay ngày đầu khi đặt chân lên đất nước định cư.

Nhưng đâu phải dễ dàng, cả năm sau ngày bỏ thuốc, tôi vẫn nằm mơ thấy mình đang cầm một điếu thuốc hút ngon lành. Thì ra tôi đã bỏ thuốc nhưng tiềm thức của tôi vẫn còn hút. Nghe mùi thuốc lá của một người đi đường hút, tôi nghe thơm và thèm thuốc lá. Người xưa đã nói chiến thắng địch quân thật khó, nhưng chiến thắng bản thân còn khó gấp bội phần. Các thứ thuốc để cai nghiện thuốc lá không có hiểu lực bằng sự quyết tâm và kiên trì, mình phải vật lộn với chính mình và nhứt định cuối cùng mình chiến thắng.

Sydney, 25/09/2008

NGHIÊM ĐƯỜNG

NGHIÊM ĐƯỜNG
Dương Văn Chung

Nghiêm là có uy thế làm cho kẻ khác sợ, đường là nhà, là cung thất. Xưa kia từ “nghiêm đường” dùng để chỉ người cha. Cha còn được gọi là nghiêm phụ. Nói đến cha, người ta thường liên tưởng đến uy quyền của một bậc gia trưởng đối với con cái, trong khi mẹ đầy lòng từ ái, đùm bọc chở che các con.

Trong mùa Vu Lan nhiều người nhắc đến mẹ, còn cha thường bị bỏ quên. Lễ cài hoa hồng căn cứ vào người mẹ còn hay mất, mẹ còn thì gắn hoa hồng đỏ, mẹ mất thì gắn hoa hồng trắng. Có màu hoa hồng nào hay có loại hoa đặc biệt nào dành cho cha? Phải chi trên thế gian nầy có loại “hoa nghiêm đường” tôi đề nghị dùng làm biểu tượng cho người cha, hoa chỉ có một màu dù cha còn hay mất.

Mùa Vu Lan sắp tới, tôi chạnh nhớ đến cha tôi. Người thật là thương con, nhưng lại rất nghiêm. Cha mẹ tôi một cột một kèo, nhà nghèo, con đông. Xin lỗi, tôi lại “khoe” cái nghèo. Nhưng nghĩ lại nghèo thì nói nghèo có gì đáng xấu hổ, phải không quý bạn? Cha tôi thường dạy Nghèo cho sạch, rách cho thơm, có gì đâu phải giấu giếm?

Người ta thường nói:
Nhà nghèo mới hay con thảo,…
Con nhà nghèo ăn một món ngon, nó nhớ đến cha mẹ không có tiền mua món đó để ăn, nó sẽ nhín lại để phần ăn ngon cho cha mẹ. Trái lại, cha mẹ nghèo bao giờ cũng hy sinh tất cả cho con mình. Còn những kẻ dư ăn dư để có chắc gì nghĩ đến nhau, người nầy nghĩ rằng người kia đã có quá dư thừa vật chất, thiếu thốn gì mà phải lo. Một câu chuyện nhỏ mà người cha nghèo đã lo cho anh chị em chúng tôi. Dưới sông trước nhà tôi dạo đó có trải đáy bắt cá. Cha tôi dặn mấy người bạn ghe đáy khi nào bắt được một con cá chạch lấu lớn thì để cho cha mua. Lúc giữa khuya, cha mua được con cá chạch, đem nướng trui, làm nước mắm me chín, đánh thức các con dậy ăn, cá còn nóng ăn mới ngon. Cha biết các con thèm cá chạch lắm, nướng cá tươi cho con ăn cho đã thèm.

Tuy lo miếng ăn cho con cái, nhưng cha tôi dạy con cái về cách ăn uống rất kỹ, dĩ nhiên là dạy theo cách riêng của ông. Mỗi bữa ăn, các chị tôi dọn thức ăn chung quanh một cái mâm tròn bằng nhôm hay bằng thau, chính giữa mâm là một chén nước mắm đồng. Cha dạy ăn coi nồi, ngồi coi hướng. Muốn bới cơm thêm, nên liếc nhìn cái nồi coi còn cơm hay không. Nếu cơm còn ít thì đừng bới nữa hoặc bới ít thôi để nhường phần cơm cho người khác. Khi vẽ cá thì không được vẽ cái lườn cá, vì lườn cá là chỗ béo, ăn trước người lớn là ăn hỗn, phải đợi người lớn vẽ cho. Gắp thức ăn chỗ gần mình nhứt, khi nào chỗ gần hết mới được gắp chỗ xa. Không được vẽ cá bằng “đũa nằm”, nghĩa là không để nghiên đôi đũa sát xuống con cá mà vẽ, vẽ như vậy hết phân nữa con cá rồi.

Khi có khách dùng cơm với gia đình, trẻ con phải ăn theo cách của người lớn, và một miếng cơm, gắp một miếng thịt hoặc cá rồi để đũa xuống, vừa nhai không hả miệng vừa nghe khách và người lớn nói chuyện. Đến khi khách bắt đầu và cơm và gắp thức ăn nữa thì mình mới làm theo. Không được nói chen vào câu chuyện của khách và người lớn, vì nói như vậy là nói “ăn cơm hớt”. “Ăn theo nghi lễ” thật là phiền phức và mất thời giờ, nên mỗi khi có khách dùng cơm, tôi thường trốn trong bếp để ăn cho thoải mái.

Cha cũng căn dặn trong mâm cơm, chỉ nói chuyện gì vui, tránh tranh cải làm mất hòa khí, ăn mất ngon.

Cha tôi ít đánh đòn con cái. Khi cần đánh đòn, ông lựa cái roi mỏng, có bề bản lớn để đánh vào đít trẻ con nghe rát thôi chớ không gây thương tật. Ông nói trời sanh ra cái đít con nít để dành đánh đòn, không nên đánh vào chỗ khác có thể gây nguy hiểm.

Khi con cái phạm lỗi lầm, ông bắt cúi xuống để nghe ông hài tội. Đặc biệt là ông cho con giải bày và tự biện hộ. Khi nào con cái đuối lý, ông mới kết tội lần cuối rồi cảnh cáo hay đánh một roi thôi để nhớ đời.

Thuở nhỏ tôi có tánh hay lập công. Mỗi khi hai chị tôi gây gổ với nhau hay phạm lỗi lầm gì, tôi thèo lẻo, méc cha tôi. Thấy hai chị tôi bị rầy, tôi khoái chí lắm. Một làn nọ, cha tôi bảo hai chị tôi cúi xuống và kêu tôi đi kiếm roi.Tôi xông xáo đi tìm và trong phút chốc đem cây roi đến dâng cho cha tôi. Cha tôi không khen tôi tiếng nào mà còn lớn tiếng ra lệnh cho tôi:
-Còn mầy nữa, cúi xuống!
Tôi ngơ ngác nhìn cha tôi. Ông giục:
-Cúi xuống!
Tôi lẹ làng cúi xuống bên cạnh hai chị tôi.
Xử hai chị tôi xong, cha tôi hỏi tôi:
-Mày có biết tội gì chưa?
Tôi trả lời:
-Dạ chưa.
Ông nói:
-Cái tội xăng xái lập công mà không thương tưởng tình chị em, không biết đến nỗi đau đớn của hai chị.
Tôi nhận một roi sau khi nghe giảng bài học luân lý khá dài.

Các mẫu chuyện trên đây tuy nhỏ, nhưng đối với tôi là những bài học làm người có giá trị rất lớn lao, đó là hành trang mà cha tôi đã chuẩn bị cho con cái mang vào đời.

Con xin cúi đầu mặc niệm đấng nghiêm đường đã một đời làm lụng vất vả để nuôi con, một mực yêu thương và chăm lo giáo dục con cái.


Dương Văn Chung
An Phú, ngày 06 tháng 06 năm 2008

Thư gởi Cô Út Lượm,

Về việc: Bà không tha

Nghe em kể chuyện Ông tha Bà không tha, anh chi cũng toát mồ hôi hột. Trận bão miền Trung lớn nhứt mười mấy năm về trước hình như cũng có dính ngày mồng 3 tháng 10 trong đó. Sao mà Bà quá cố chấp, Ông tha Bà không tha, nên mới đánh nhau một trận mùng 3 tháng 10, làm dân tình sơ vơ sửng vửng. Anh mù tịt, không biết tại sao Bà tức tối dữ vậy, không biết Ông có lăng nhăng tình ái gì làm Bà ghen hay không. Anh nghĩ nếu Bà ghen thì Bà đâu có quơ đũa cả nắm như vậy, mà chỉ nhằm vào một tình địch mà thôi.
Ngày xưa không có a-xít, Hoạn Thư chỉ nhẹ nhàng làm điêu đứng Thúc Sinh và Thúy Kiều.

“Làm cho nhìn chẳng được nhau,
Làm cho đầy đọa cất đầu chẳng lên!
Làm cho trông thấy nhãn tiền,
Cho người tham ván, bán thuyền biết tay.”

“Làm cho, cho mệt, cho mê,
Làm cho đau đớn ê chề cho coi!”
Hình như Hoạn Thư vừa nói vừa nghiến răng (?)

Nói về Thúc Sinh
Vốn người huyện Tích, châu Thường,
Theo nghiêm đường mở ngôi hàng Lâm Chuy.

Say mê Thúy Kiều đang ở lầu xanh. Có tiếng đồn thấu tai vợ đang ở quê nhà là Hoạn Thư, con quan Lại Bộ. Hoạn Thư tin lời người nào thông tin việc đó cho nàng, nhưng ra tuồng như không tin, cho gia nhân vả miệng người đó. Khi Thúc Sinh về thăm, Hoạn Thư vẫn ngọt ngào với chồng. Biết Thúc Sinh nhớ Thúy Kiều, Hoạn Thư bảo khéo là chàng nên trở về Lâm Chuy thăm cha.
Thúc Sinh về Lâm Chuy bằng đường bộ thì xa, trong lúc đó Hoạn Thư cho gia nhân đi tắt bằng đường thủy đến Lâm Chuy trước, bắt trói Thúy Kiều, xông thuốc mê, đưa xuống thuyền, lấy xác chết của một phụ nữ khác bỏ vào phòng của Thúy Kiều, rồi đốt nhà nàng. Thúc Ông, thân phụ của Thúc Sinh tưởng Thúy Kiều đã chết cháy. Thúy Kiều được đưa về nhà Hoạn Thư.
Thúc Sinh tưởng Thúy KIều chết rồi, buồn quá, trở về quê cũ. Hoạn Thư kêu Thúy Kiều ra tiếp. Hai người gặp nhau mà không dám nhận quen nhau, thật là đau khổ vô cùng.

Lại một vụ Bà ghen nữa, xãy ra ở Hà Tiên. Tương truyền rằng Ái Cơ Phù Cừ (Nguyễn Thị Xuân), tức là vợ thứ hai của Tổng Trấn Hà Tiên Mạc Thiên Tích (Mạc Thiên Tứ) bị bà vợ lớn nhốt trong một cái lu úp lại, giữa vô số lu để hứng chứa nước mưa. Ông Mạc Thiên Tích từ quan ải trở về không thấy Ái cơ, đi lục tìm, thấy bao nhiêu lu đều có nắp đậy và chứa đầy nước, chỉ có một cái úp xuống và có tiếng rên khóc trong đó, dở ra xem mới thấy Ái Cơ. Buồn đời, nàng xin Ông Mạc Thiên Tích cho đi tu. Ông đã xây cho nàng ngôi chùa gọi là Chùa Phù Dung, dưới chân núi Phù Dung, thuộc dãy Bình Sơn hồi thế kỷ thứ 18. Ngày xưa chùa này còn gọi là Am Bà Dì tự hay là Chùa Am.

Nghe nói mới đây ở Việt Nam có một bà vì quá ghen, tạt a-cít làm cho mặt mày ông chồng tàn tạ.

Cái ghen tuy âm thầm, nhưng cũng đáng sợ quá, nào kém chi những đợt sóng thần (tsunami) hén Út Lượm!

Ông tha mà Bà không tha!

CHUNG AN PHÚ

DU NGOẠN HÀ TIÊN

DU NGOẠN HÀ TIÊN
Dương Văn Chung

Non nước Việt Nam có nhiều cảnh đẹp để đi du ngoạn, chuyến này tôi chọn Hà Tiên, đi bằng đường bộ từ Sài Gòn về miền Tây, ngang qua ngả Tri Tôn. Tuyến đường này gợi lại cho tôi nhiều kỷ niệm tuổi học trò và trong thời gian tại ngũ. Tôi cũng muốn nhân chuyến đi, nhìn lại những nơi mình từng sống thay đổi ra sao. Vì đi đoàn, nhà tôi và tôi không chủ động đi thăm tất cả các nơi mình muốn, về giờ giấc cũng không hoàn toàn theo ý của mình.

Đoàn ghé thăm nhiều nơi. Tôi xin chỉ lược ghi một số nơi tiêu biểu.

Ở Châu Đốc đoàn được dịp đến thăm làng Chăm ở Hà Bao, phía Cồn Tiên-Đa Phước.
Mọi người thích thú xem mấy cô người Chăm sử dụng khung cửi tay bằng gỗ, dệt hàng để may những chiếc xà-rong, khăn choàng tắm sọc, khăn đội đầu và quàng cổ…nhiều màu sắc rực rỡ, đẹp mắt. Nơi đây cũng bày bán nhiều món quà lưu niệm.



Người Chăm rất chất phác, hiền hòa, vui vẻ, hiếu khách. Đoàn du ngoạn rời làng Chăm mà lòng còn nhớ mãi sự tiếp đón niềm nở của bà-con trong làng.

Tiếp theo, đoàn đi Núi Sam viếng Miểu Bà Chúa Xứ, Chùa Tây An và Lăng Thoại Ngọc Hầu. Vùng này đã phát triển thành khu du lịch qui mô, náo nhiệt, có nhà trọ, khách sạn với đầy đủ tiện nghi, những quày hàng bán đồ cúng, nhang đèn và hoa để chung một gói. Có những bảng quảng cáo “Nhận quay heo”, xe lôi trực sẵn bên đường để đưa khách. Tiếng rao hàng và tiếng trò chuyện không dứt. Người thập phương, tứ xứ quy tụ đến vay tiền của Bà và đến ngày vía Bà đến cúng để trả lễ.

Sự hiển linh của Bà Chúa Xứ, huyền cơ và đức độ của Đức Phật Thầy Tây An, cũng như công trạng của Ngài Thoại Ngọc Hầu có nhiều tác giả đã nói rất đầy đủ, cho nên trong khuôn khổ hạn hẹp của bài tường thuật này, nếu nhắc lại, chắc chắn sẽ thiếu sót so với những tài liệu đã có sẵn.

Có điều lạ đáng ghi nhận là phía trước miếu Bà bây giờ có hai pho tượng sư tử, hồi trước không có. Nhiều người đến đó khấn vái, lấy tay rờ đầu, rờ cổ sư tử, rồi vuốt vào đầu cổ, mình mẩy của mình để cho hết bệnh. Phải chăng đây là một “hệ luận” giống như trong toán học, Bà linh thì tượng sư tử giữ miếu cũng linh. Biết đâu sự tin tưởng, dù mê tín hay chánh tín, có thể làm cho người ta an tâm, bớt bệnh?

Ngày thứ nhì đoàn khởi hành đi Hà Tiên qua ngả Tri Tôn. Tôi háo hức trong lòng vì sẽ được nhìn lại Nhà Bàng, Núi Két, Trung Tâm Huấn Luyện Chi Lăng và Tri Tôn, quê nhà của Phong Hưng Lưu Nhơn Nghĩa.

Thay đổi nhiều quá. Tôi cố tìm cái quán hủ tiếu rất đông khách nơi góc chợ Nhà Bàng, ngay mặt tiền đường, mà chiếc xe đò chở tôi đến nhận công tác tại Trung Tâm Huấn Luyện Chi Lăng đã ngừng lại đó để khách ăn sáng, quán cột cây, vách ván, mái tôn. Nay nơi đó là một dãy phố lầu, nhà cửa đều cất lại.

Xe chạy tiếp qua ngang Núi Két, trước kia con đường này nhiều lúc bị đấp mô, phải đợi công binh đến phá mô xe mới chạy qua được. Phải có cuộc hành quân mở đường mới vận chuyển lương thực, tiền bạc đến được Trung Tâm Huấn Luyện Chi Lăng. Nay không còn chiến tranh, đi lại dễ dàng hơn. Vùng Núi Két cũng được chỉnh trang thành khu du lịch.





Qua khỏi Văn Giáo thì tới khu Trung Tâm Huấn Luyện Chi Lăng cũ. Bên ngoài trung tâm lúc bấy giờ là Chợ Voi thuộc xã Tú Tề huyện Tri Tôn. Nhà cửa chợ này cũng cất lại. Cây cối và cái cổng doanh trại bộ đội che khuất khu Trung Tâm Huấn Luyện Chi Lăng.

Qua khỏi khu Chợ Voi, đoàn dừng lại nơi một quán bán nước thốt nốt bên đường. Mỗi người uống một ly vừa nước vừa cái thốt nốt. Cái thốt nốt trắng đục, nước thốt nốt rất trong, nhưng không có mùi khói. Nhớ ngày xưa, người Miên thường gánh những ống tre màu đen, ống dài cỡ 5 tấc, ống ngắn cỡ 1 tấc rưỡi, đựng nước thốt nốt nguyên chất, rất ngọt và thơm mùi khói. Nhân khi nấu nước thốt nốt, ngưới ta để hơ các ống tre chung quanh lò nấu cho ống khô. Do đó ống đựng nước thốt nốt có mùi khói. Không có mùi khói thì nước thốt nốt chỉ có vị ngọt giống như nước đường, “hữu vị vô hương”. Nước thốt nốt dùng để làm đường tảng, đọc trại ra thành đường táng, đúc thành từng bánh tròn, dẹp, thơm hơn đường mía. Cây thốt nốt mọc ở biên giới Việt-Miên hoặc ở trên đất Miên, sâu trong nội địa Việt Nam không có cây thốt nốt.




Rời quán thốt nốt, xe chạy khoảng 5 km nữa tới thị trấn Tri-Tôn. Xe chạy thoáng qua. Nhưng nếu xe có ngừng lại, tôi cũng không thế nhận ra đây là “Xà-Tón” tôi đã từng đi qua trong những chuyến công tác ở Long Xuyên. Hèn gì sau khi về thăm quê lần đầu, anh Lưu Nhơn Nghĩa cho biết đã thất vọng, không tìm thấy một dấu vết kỷ niệm nào. Rồi xe quẹo phải, chạy dọc theo kinh Tám Ngàn trực chỉ Hà Tiên.

Đến Hà Tiên đoàn đến thăm Chùa Hang, xem Hòn Phụ Tử. Nay thì Hòn Phụ đã gãy ngang, chỉ còn Hòn Tử đứng trơ một mình. Người ta nói đùa là đã quá già nên phụ chết, còn để lại đứa con mồ côi.



Đoàn được đi thăm lăng của Mạc Cửu và gia đình họ Mạc, những công thần của nhà Nguyễn, đã mở mang bờ cõi nước ta về phương Nam. Từ khu mộ người ta có thể nhìn thấy phía sau là non Bình san, phía trước là Đông hồ và hai ngọn núi Tô châu, Tô châu nhỏ và Tô châu lớn. Nhắc đến những địa danh nầy, tôi chợt nhớ đến bài thơ song thất lục bát Nhớ Rằm Tháng Hai của Đông Hồ Lâm Tấn Phác, vừa nhẹ nhàng, vừa tình tứ, lãng mạn:
Non Bình san lững lờ bóng nguyệt,
Nước Đông hồ man mác hơi may.
Cũng rằm năm ngoái tháng này,
Cũng trăng, cũng nước non này năm xưa…

Có hai nơi đoàn đến mang một ý nghĩa đặc biệt đối với riêng vợ chồng tôi: Mũi Nai và Thạch Động. Sau ngày cưới, chúng tôi đã đi Hà Tiên và có đến thăm hai nơi này.

Ở Mũi Nai ngày đó chỉ có hai đứa tôi trên bãi biển. Tôi hỏi một bà người Miên, cư dân nơi đó, sao hôm nay bãi biển vắng người, bà nói:
-Hôm nay là ngày hai mươi ba, tam nương, không ai dám đi chơi bãi biển.



Nơi đến kế đó là Thạch Động. Nhớ lần đó chúng tôi từ xa ngước nhìn lên cửa Thạch động, có một cụ già mặc áo màu vàng của một nhà tu đạo Phật, nhưng để râu, để tóc bạc phơ. Gió hiu hiu thổi, lay động nhẹ tà áo và râu tóc của cụ, trông như một vị tiên. Chúng tôi vừa lên đến cửa thạch động, cụ hỏi chúng tôi từ đâu đến. Chúng tôi nói từ Châu đốc. Cụ cho biết cũng có một người bạn thân ở đó. Hỏi tới hỏi lui được biết người bạn của cụ là em ruột của ông nội tôi.

Trong Thạch động có một cái hang. Người ta nói hang ăn thông ra biển. Nếu bỏ một trái dừa xuống hang, trái dừa sẽ trôi ra biển. Chuyện này chưa ai kiểm chứng. Thạch động còn dính liền với truyền thuyết có một nàng công chúa bị chằn tinh bắt đưa xuống hang thạch động, được Thạch Sanh cứu về.

Bốn mươi chín năm nhìn lại, tính từ chuyến đi Hà Tiên sau ngày cưới đến chuyến đi lần này, thấy con người có thay đổi nhiều theo thời gian, nhưng tinh thần vẫn như ngày nào, vẫn hai người thuở trước đứng trên bãi biển Mũi Nai và leo lên Thạch Động, chỉ tiếc không còn gặp được ông cụ mặc áo màu vàng.

Sydney, tháng 05/2008

THĂM ĐÌNH LÀNG

THĂM ĐÌNH LÀNG
Dương Văn Chung

Về thăm quê hương chuyến này tôi đi thăm được đình làng “Bắc Nam”. Làng này thuộc tỉnh Kandal, lãnh thổ Miên, giáp giới với tỉnh Châu Đốc cũ. Tôi sanh ra tại đó. Nay đất “Bắc Nam” chỉ còn người Miên ở, đình làng và mồ mả ông bà tôi phải dời về Cồn “Bắc Nam”.

Tôi theo chú Út tôi đi xe hơi về hướng Long Bình, biên giới Việt-Miên, có cô em họ của tôi chỉ đường. Từ chợ An Phú xe chạy khoảng 15 km tới chợ Đồng Cô Ki, gọi là chợ Quốc Thái.

Lúc tôi còn nhỏ, nơi này không có chợ, nay chợ Quốc Thái to quá, nền nhà dùng để cất tiệm quán rất nhiều, hứa hẹn một khu chợ sầm uất.

Nói đến Đồng Cô Ki, tôi chạnh nhớ đến cha tôi, lúc người còn trẻ, mặc dầu biết lo làm ăn, buôn bán, nhưng cũng mê chơi đánh me, một lối cờ bạc, trong đó nhà cái bày ra một đống tiền xu bằng đồng, lấy cái chén úp lại, rồi cào ra, xong đếm số tiền cào được trong chén, cứ mỗi lần 4 đồng xu, số lẻ còn lại:

• Nếu là 1 gọi là “yêu”
• Nếu là 2 gọi là “lượng”
• Nếu là 3 gọi là “tam”
• Nếu là 4 gọi là “túc”

Nếu tay con đặt trúng cửa nào thì 1 trúng 2,3 gì đó, tôi không nhớ rõ.

Tay con có quyền đặt một lần liên kết 2 cửa gọi là “liễm”, ví dụ : lượng liễm tam. Nếu me xổ ra lượng, tay con đặt 1 đồng trúng 1 đồng. Nếu xổ ra tam thì huề (hòa), không trúng cũng không thua.

Cha tôi bắt chị Hai (chị cả) tôi bơi xuồng đưa ông qua Đồng Cô Ki đánh me, chị tôi phải buộc xuồng nơi bến đò, đợi ông đi chơi cả buổi, có khi cả ngày. Khi nào cha tôi trở về vui vẻ, chị tôi biết cha tôi ăn, cha tôi buồn là thua. Cha tôi buồn nhiều hơn vui. Chị tôi cũng buồn theo. Cha con lặng lẽ bơi xuồng ngang qua sông cái trở về nhà ở “Bắc Nam”.

Lần nọ, sau bao lần buồn liên tiếp, giữa sông cái, chị Hai tôi than:
-Ba ơi! Em đông quá, Ba chơi thua hoài, tiền đâu nuôi mấy em?

Cha tôi tỉnh ngộ, ông thề:
-Giữa con sông cái này, có Bà Cậu chứng minh, tôi thề từ nay không chơi bài bạc nữa.

Quả thật từ đó về sau, ông không hề lai vãng đến sòng bài, chí thú làm ăn nuôi gia đình. Chị Hai tôi đã cứu gia đình ra khỏi tai hoạ do cờ bạc mang đến.

Qua khỏi chợ Quốc Thái một đổi, xe chạy ngang qua một chiếc cầu ván tới cồn “Bắc Nam”, quẹo trái, chạy theo một con đường mòn hẹp, gồ ghề, tài xế phải cẩn thận lắm mới khỏi lọt xuống ruộng, thỉnh thoảng anh phải xuống xe, kéo chiếc xe đạp hay hon-đa vào dựng sát lề, xe hơi mới chạy qua được.

Xe tới trước đình. Đình vừa xây xong, nền cao hơn một mét, tưỡng gạch, lợp ngói, khá khang trang. Đối diện là ngôi đình cũ đã hư dột.

Vừa bước xuống xe, chúng tôi gặp một người có dáng vẻ nông dân, mặc bộ đồ bà ba đen, cổ quấn chiếc khăn choàng tắm sọc.

Chú tôi hỏi:
-Anh Tư có nhận ra tôi hay không?
-Hình như anh Tám móm chớ ai. Người kia đáp.
Chú Út tôi năm nay 81 tuổi, còn khỏe mạnh, răng còn chắc, nhưng bẩm sinh hơi móm duyên.
Cô em họ của tôi giới thiệu người mặc bà ba đen là chú Tư Đinh, con ông Hai Phát. Tôi nhớ rồi! Có một thời ông Hai làm Hương văn trong Ban Hương chức Hội tề và cũng là thầy đồ dạy tôi học chữ nho hồi tôi còn nhỏ, ông dạy chúng tôi thiên trời, địa đất, nhơn người, phụ cha, mẫu mẹ, sư thầy, quân vua…, đọc âm một chữ, kèm theo là nghĩa. Đoc thì thuộc vanh vách mà viết chữ thì không nhớ nét. Ông Hai lấy roi cá đuối ra, cưa nghe rột rột trên cạnh bộ ván ngựa, học trò sợ điếng hồn. Ông dọa như thê chớ không bao giờ đánh ai.

Lúc bấy giờ ông Hai râu tóc đã bạc phơ, đêm đêm những ngày lễ vía, thường đặt bàn phía trước nhà, bày lễ vật, hoa quả, thắp nhang cúng kiếng. Một lần nọ ông vừa khấn vái xong, quay vào trong nhà, ở ngoài nay một toán thiếu niên đã núp sẵn, nhảy đến chộp bánh trái cúng trên bàn rồi dông mất. Không phải bọn trẻ này đói khát gì, nhưng rắn mắt, phá phách vậy thôi.

Chúng tôi lễ bàn thờ thần ở chính giữa, bàn thờ Quan Thánh Đế Quân bên phải và bàn thờ Ông Oanh ở bên trái.

Nghe nói ông Oanh là một quan đàng cựu, chỉ huy đội súng đại bác, lập được nhiều chiến công hiển hách. Không có hình tượng của ông Oanh để thờ. Quan Thánh Đế Quân là ông Quan Công, oai nghi lẫm liệt, mặt đỏ, râu đen và dài, hai bên có hai cận tướng là Châu Xương và Quan Bình đứng hầu.

Hai bên bàn thờ thần có hai hàng lễ bộ gươm dáo, có lộng che, trên có treo những bức hoành trướng màu đỏ, thêu bông nhiều màu và có gắn kim tuyến. Trước bàn thờ thần có một cái bàn thấp hơn bằng xi-măng, trên đó có để 2 con hạc trắng đặt đối nhau và cách nhau chừng 6 tấc. Cặp hạc ở đình làng “Bắc Nam” xưa kia đã mất, cặp hạc này mới đúc. Mặt trước của bàn xi-măng có vẽ một con cọp lông vàng, sọc đen, giống y như hình vẽ con cọp nơi ngôi đình cũ.

Chú Tư Đinh nói có sắc chỉ của vua Tự Đức phong thần. Chú Út tôi hỏi:
-Trên sắc chỉ có ghi tên của vị thần thờ tại đình hay không?
Chú Tư Đinh đáp:
-Không. Chỉ ghi là Thần hoàng bổn cảnh, tức là vị thần của địa phương. Sắc thần hiện còn giữ thờ tại nhà tôi.


Lúc ông cố tôi còn sống, ông là Hương cả trong làng, giữ sắc thần đó.

Mỗi khi cúng thần, sắc thần được dân làng cung nghinh bằng kiệu, có chiêng trống rầm rộ. Khi rước đến đình, sắc thần được đặt chính giữa 2 con hạc. Cúng xong thì thỉnh sắc trở về nhà của hương chức có trách nhiệm giữ gìn và thờ phượng.

Tôi cũng thắc mắc tại sao sắc phong thần mà không ghi tên vị thần, cho nên trong đám giỗ người chú thứ Tư ở Vĩnh Long, tôi có hỏi một nhà nho là chú Hai Viên, chú Hai nói:
-Đúng vậy. Tôi đã có dịp đọc trên 30 sắc thần, không có sắc nào ghi tên vị thần, mà chỉ ghi Thần hoàng Bổn cảnh.

Lễ đình xong, tôi xin Chú Tư Đinh đưa tôi ra mé cồn “Bắc Nam”. Chú Tư chỉ tay về phía cây cổ thụ ở xa tít và nói:
-Làng “Bắc Nam” ở đó.
Tôi nhìn theo tay chú Tư Đinh, qua con sông nhỏ, đến một thảm cây cỏ xanh tươi ngút ngàn mới tới cây cổ thụ chú Tư chỉ. Nỗi nhớ quê xưa bừng dậy. Đình làng và mồ mả tổ tiên tôi đã dời, nhưng nhũng kỷ niệm của tôi thuở thiếu thời vẫn còn trong tâm trí, có lẽ nơi đó cây cỏ vẫn xanh tươi, mây trắng vẫn bay trong bầu trời trong, lòng tôi se lại và thấm thía đồng cảm với Thôi Hiệu, một thi sĩ Trung Quốc đời Nhà Đường qua bài thơ

Hoàng Hạc Lâu
Tích thiên dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Nhất mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

Ý nói:
Người xưa đã cỡi hạc bay đi rồi.Nơi này chỉ còn trơ lại Lầu Hoàng Hạc. Hoàng hạc đã một đi không trở lại. Mây trắng ngàn năm vẫn bay. Khi trời lạnh bên dòng sông, hàng cây đất Hán Dương trông rất rõ. Trên bãi Anh Vũ cỏ thơm mơn mởn xanh tươi. Ngắm cảnh trời chiều, tự hỏi quê nhà mình ở đâu? Trên sông sóng gợn, gợi buồn trong lòng.

Tản Đà dịch:
Lầu Hoàng Hạc
Hạc vàng ai cỡi đi đâu?
Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ!
Hạc vàng đi mất từ xưa,
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay.
Hán Dương sông tạnh cây bày
Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non.
Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?

Tôi chào tạm biệt chú Tư Đinh và hẹn thu xếp năm sau sẽ về cúng đình.

BỐC MỘ

BỐC MỘ
Dương Văn Chung

Chân thành cảm tạ Bà Hai Ty-An Phú

Chiến tranh. Gia đình tôi tản cư về quê ngoại, gần chợ huyện An Phú-An Giang.
“Không có đất để cắm dùi”, làm gì có nơi để chôn người chết. Đứa em dâu của tôi mất năm 1983, Bà Hai Ty ở lối xóm là một người rất tốt bụng, không đợi ai xin, Bà tự nguyện cho một miếng đất để chôn. Rồi em trai tôi mất theo vợ nó, đến lượt mẹ và cha tôi. Bà Hai Ty tiếp tục cho đất để chôn bốn cái mộ song song, kế cận nhau.

Sau đó con Bà Hai Ty bán đất cho người khác. Bà Hai yêu cầu đàng mua phải dành khu đất mộ của gia đình tôi, y đồng ý.

Hứa thì hứa như vậy chớ chủ mới gần đây làm nhiều trò gây khó dễ như chắn ngõ ra vào và phóng uế lên mộ, làm cho gia đình tôi phải bốc mộ cha mẹ và vợ chồng em tôi đi cải táng nơi khác.

Bà Hai Ty nói với chúng tôi, lúc bốc mộ, mấy đêm nay Bà buồn không ngủ được.

Tường thuật hơi dài dòng để mọi người hiểu được tấm chân tình Bà Hai Ty, một người dân ở thôn quê rất tốt bụng mà tôi không bao giờ quên ơn.

Ngày nay người ta thường hỏa táng tức là thiêu xác người chết, rồi hốt xương, tro thả xuống sông, xuống biển hoặc đựng trong một cái hũ gởi thờ trong chùa. Nhiều gia đình khi bốc mộ thân nhân cũng đem thiêu theo cách đó.

Các chị và em gái cũng như các cháu của tôi nói rằng:
-Không nên thiêu như người Miên, nóng lắm.
Người Việt mình thường ngạo người Miên chết đốt

Tôi đành nghe theo gia đình, mua bốn cái quách, xây mộ, để cải táng cha mẹ và vợ chồng đứa em.

Chuyện coi ngày coi giờ, tuổi hạp tuổi kỵ cũng làm cho gia đình hục hặc. Chị hai (chị cả) tôi thì muốn chọn ngày tốt cho tôi, vì tôi là con trai trưởng của cha mẹ tôi, mấy đứa cháu tôi thì muốn chọn ngày tốt cho anh chị em chúng nó. Tôi nói với chị tôi:

-Người ta nói bốc, sửa hay tảo mộ trong tiết thanh minh, ngày nào cũng tốt, khỏi coi ngày giờ, khỏi sợ kỵ tuổi. Hơn nữa, em đã có tuổi rồi, sống chết là lẽ thường, chị để ưu tiên cho các cháu chọn ngày.

Vậy mà khi bốc mộ, một đứa cháu nội của cha mẹ tôi, con của em trai tôi, lúc cha mẹ tôi còn sống, nó lo phụng dưỡng ông bà nghe người ta nói nó kỵ tuổi, không dám bén mãng đến nơi bốc mộ.

Tôi chịu thua. Những vấn đề về tâm linh và tín ngưỡng, đối với chị em và các cháu tôi thật không thể nghĩ bàn.

LẠC LOÀI NƠI CHỐN CŨ

LẠC LOÀI NƠI CHỐN CŨ
Dương Văn Chung


Thân gởi: Anh Chị Lương Thư Trung
Và hai em Đoàn Đông, Lộc Tưởng,

Người ta nói sanh nghề tử nghiệp. Kế toán là nghề của tôi. Tôi không chết, nhưng có phần lận đận vì con số, phải chuẩn bị bàn giao công việc mà mình làm công quả ở chùa gần hai mươi năm qua. Phần đã già, đầu óc không còn minh mẫn như xưa, khi quên khi nhớ, sợ mình nhầm lẫn, thất thoát của tam bảo, phần thì giữa con người với con người, dù tăng hay tục, quan điểm lắm lúc dị đồng, mặc dầu nhà Phật có thuyết bất nhị (không hai). Thôi thì xin từ nhiệm cho xong. Làm việc không ăn lương thì nghỉ việc có gì mất mát!

Công việc bàn giao kéo dài, Cô Út Lộc Tưởng nói tôi lặn quá lâu. Thấy anh Hai và các bạn viết dồn dập, hết sức ngứa tay, nhưng cầm viết lên để viết xuống, “nhấm bút hồ đen một khúc lòng”, đầu óc toàn con số, lấy ý đâu mà viết.

Đọc Chốn Cũ của anh Hai bì bà bì bõm, đến khi ngồi máy bay từ Úc về Việt Nam tám tiếng đồng hồ mới đọc xong hết. Nơi chốn cũ anh gom góp lại rất nhiều những mảnh vụn cuộc đời, tình cảm chứa chan của một người sống xa quê hương. Tuy không hẳn là khúc ruột ngàn dặm, nhưng chúng ta là những người nhớ cội, nhớ nguồn.

Ngày xưa Lưu Thần, Nguyễn Triệu đi hái thuốc, lạc đến động Thiên Thai, vui với cảnh thần tiên, sống ở đó hai năm mà bằng thời gian 400 năm ở trần thế. Khi trở về mọi vật đã đổi thay, không còn người thân, cảnh cũ. Lưu, Nguyễn ra đi không có mang theo những tình cảm như anh em mình. Chúng ta đã chào giả biệt quê hương tưởng là lần cuối, dồn vào tim óc bao nhiêu khối tình nhỏ, khối tình to, đem theo hình ảnh thân thương của xóm làng, cây cầu, chòm cây, ngọn cỏ, thửa ruộng nương khoai, cái mương, con rạch, con sông, cái ao, cái đìa, cái lờ, cái lợp…v.v.

Anh em mình nhớ quê hương, nhưng không bao giờ yếu đuối rên rỉ khóc than là kiếp lưu đày. Tại sao lại than, chúng ta là những người tự quyết định lấy vận mệnh của mình. Anh về thấy lại những quả mận da người, những con đường gập ghềnh anh đã đi qua, gặp lại những người thân quen với tình hương thôn còn đó.., chắc chắn lòng anh vừa rộn rã niềm vui, vừa chen lẫn một chút ngậm ngùi nhớ nhung quá khứ.

Tôi về Việt Nam ba lần. Năm 1992 về thăm cha tôi, không ngờ là lần cuối, vì khi trở ra nước ngoài sáu tháng sau, người mất vì nhồi máu cơ tim. Lúc đó thủ tục an ninh còn rườm rà, từ An Phú tôi phải đi ngược về Long Xuyên để đăng ký tạm trú, vì ở tỉnh mới có Phòng Quản Lý người Nước Ngoài. Năm 2003 tôi về một lần nữa, thủ tục giản đơn hơn, chỉ đăng ký tại Sân bay Tân Sơn Nhứt, sau đó chỉ trình sơ với địa phương. Chuyến về năm 2008 này để bốc mộ cho cha mẹ và vợ chồng em trai tôi, thủ tục cũng đơn giản như vậy.

Năm 1992 không có gì thay đổi lớn. Nhưng chuyến về năm 2003 và 2008, tôi thấy mình như người nhà quê ra tỉnh. Tôi có hai chốn cũ, chốn cũ quê quán ở Châu Đốc và chốn cũ làm việc ở Sài Gòn.

Chốn cũ Châu Đốc khá nhiều thay đổi. Trường Trung Học Thủ Khoa Nghĩa đã dời, khang trang, tráng lệ hơn xưa, kinh Ông Cò đã cạn nước, nhà cửa cất lan tràn trên đất cạn của lòng kinh, đường xá mở mang rộng rãi, cầu Cồn Tiên vừa xây, nối tiếp theo là con lộ tráng nhựa chạy từ Cồn Tiên đến Long Bình, biên giới Việt Miên. Tuy nhiên, Cầu Cồn Tiên làm giảm bớt cơ hội lao động kiếm cơm của một số cô lái đò đưa khách qua lại Cồn Tiên và bến chợ Châu Đốc, xe hon đa ôm, xe đò cũng đồng cảnh ngộ. Cũng giống như cây cầu Mỹ Thuận đã làm mất công ăn việc làm của bao nhiêu người, chủ quán hai bên bờ Mỹ Thuận, công nhân phà, người bán hàng rong…v.v. Trái lại, cầu Mỹ Thuận là con đường huyết mạch cho việc chuyển vận nông hải sản ở miền Tây lên Sài Gòn và cả nươc bằng đường bộ. Trở lại chốn cũ nơi quê quán, tôi thấy mừng cho bà con mình có những tiện nghi cho cuộc sống, nhưng không khỏi bùi ngùi trước những đổi thay, cuống theo những dấu vết kỷ niệm của tôi thuở xuân thời.

Sau khi về thăm Châu Đốc, tôi trở lại sống một thời gian ở Sài Gòn, chốn cũ nơi làm việc.

Có hai vấn đề làm tôi ngỡ ngàng nhứt là về lưu thông và xây dựng.

Về lưu thông, năm 1992 chưa có nhiều xe như sau này. Nhưng chuyến về đó, tôi chứng kiến một chiếc xe jeep, chở ba bốn thanh niên, chạy trên đường Nguyễn Đình Chiểu (Phan Đình Phùng cũ), gặp một chiếc xe gắn máy chạy trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Công Lý cũ) băng ngang qua đường Phan Đình Phùng, bọc phía trước đầu xe Jeep. Mấy thanh niên trên xe Jeep kêu thất thanh:
- Trời, trời…!!!
Một thanh niên trên xe Jeep nhảy xuống phía sau xe Jeep kéo xe chậm lại, thắng xe Jeep không ăn. Tai nạn không xảy ra. Hú hồn!

Chuyến về năm 2003 tôi thấy tổ chức lưu thông có phần cải tiến hơn, nhứt là hệ thống xe buýt trong thành phố tương đối thụân tiện và an ninh. Tôi có dịp đi xe buýt chợ Bến Thành-Chợ Lớn để mua sách, mấy người bán vé xe buýt cũng là an ninh, không cho những thành phần bất hảo mà họ biết mặt lên xe. Hành khách nhờ đón ít bị giựt giọc, móc túi. Tuy nhiên xe gắn máy chạy nghẹt đường, loạn xà ngầu, lòn lách, bọc đầu, vượt đen đỏ, qua chỗ dành cho người đi bộ, có người đang băng qua, cũng không dừng. Tôi thấy chiếc taxi đang chở tôi cũng từ từ lướt tới, vượt đèn đỏ tỉnh bơ. Thật là rối loạn, thật là khiếp đảm! Nhà tôi nhát quá, không bao giờ dám băng qua lộ một mình. Còn tôi, băng qua lộ là một sự liều lĩnh, một hành động cảm tử, tôi vừa tiến tới vừa niễng người liếc bên phải, vừa đi vừa né xe cộ để coi mình sẽ chết vì chiếc xe nào, vừa niệm “Quán Thế Âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn”. Cũng may xe tránh mình nên còn sống để viết ngày hôm nay.

Chuyến về năm 2008 thấy có cải tiến thêm một bước nữa. Tại thành phố Sãi Gòn, có đèn xanh đèn đỏ, xe cộ tuân hành, có đường dành cho người đi bộ băng qua đường, có đường dành cho cho xe hai bánh, nhưng vẫn còn quá nhiều xe gắn máy chạy lạn, len, lách, bọc đầu. Đặc biệt tất cả những người ngồi xe gắn máy đều phải đội nón bảo hiểm, nếu vi phạm sẽ bị phạt nặng. Những nơi không có đèn dành cho người đi bộ băng qua đường, việc băng qua đường vẫn còn khó khăn.

Về xây dựng, ngay chuyến về năm 2003 thành phố Sài Gòn xây cất mới quá nhiều, tôi cảm thấy hết sức lạc lỏng nơi chốn cũ mà tôi đã đi học và làm việc 34 năm, từ năm 1955 đến năm 1989. Căn phố nhỏ của tôi ở đầu đường hàng keo Nguyễn Lâm, gần góc đường Phan Đăng Lưu (Chi Lăng cũ), vẫn còn đó, nhưng tôi không nhận ra lối vào. Trường Lasan Taberd, góc đường Hai Bà Trưng-Nguyễn Du, thuở trước hai đứa con trai của tôi học, đã trở thành trường Trần Đại Nghĩa. Phía sau trường đó là sở làm cũ của tôi, bây giờ đã xây cất lại không còn dấu tích xưa. Đặc biệt năm đó có một số nhà lầu cất cao hơn giấy phép, phải đập phá những từng vượt trội.

Nhà xây mới trông tráng lệ nguy nga, nhưng hệ thống thoát nước thải và nước mưa chưa cải tiến. Hệ thống cống rãnh của thành phố Sài Gòn hầu hết đã có từ thời Pháp thuộc, thích ứng với khối lượng dân cư và thiết kế đô thị thuở đó. Năm 1961, tôi đưa nhà tôi từ Châu Đốc lên Sài Gòn ở, vợ chồng son mướn phía sau một căn nhà ở đường Trần Quang Khải Tân Định, vợ chồng anh chủ nhà cũng chưa có con, ở phía trước cho thuê sách truyện. Khi dọn về đó tôi mới thắc mắc tại sao tất cả giường tủ, tủ chén, bếp núc đều có chân cao hơn một mét, chỗ cửa hông bước ra ngoài hẽm xây bằng xi măng cao độ 6 tấc. Một hôm trời mưa tôi mới thấy nước mưa ngập lên gần tới nệm giường, giày dép trôi lềnh bềnh trong nhà. Mưa tạnh cả tiếng đồng hồ sau nước mới rút hết. Vợ chồng tôi phải tìm gấp nơi khác để dời.

Hạ tầng cơ sở từ trước đã tệ như vậy. Bây giờ xây cất chồng chất lên quá nhiều cho nên nước thải, nước mưa không thông thoát. Mưa không lớn lắm mà xe taxi chạy trên đường Hàng Xanh đã ngập đến nửa bánh xe.

Tôi đang đi lạc giữa Hòn Ngọc Viễn Đông nên nói chuyện cà kê cũng hơi dài, xin tạm ngưng nơi đây để kể tiếp chuyện khác.

Thân chúc anh chị Hai và hai em Đoàn Đông, Lộc Tưởng vui khỏe.

Thân,
CHUNG AN PHÚ

SÔNG BASSAC

SÔNG BASSAC

Dương Văn Chung

Châu Đốc xưa kia là tỉnh lỵ tỉnh Châu Đốc, nay là một thị xã thuộc tỉnh An Giang. Thị xã này nằm bên bờ Hậu Giang, một nhánh của sông Cửu Long.

Sông Cửu Long phát nguyên từ Cao nguyên Tây Tạng, chảy qua các nước Trung Hoa, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.

Đây là một con sông dài, khoảng 4.880 Km. Con sông chảy qua nước nào thì nước đó đặt cho nó một cái tên. Tên khởi đầu do người Tai-Tây Tạng đặt là Mae Nam Khong, gọi tắt là Mae Khong , có nghĩa là Kong River, “Mẹ của các sông”. Trung Quốc gọi là Mégòng Hé hoặc Lancang giang. Miến Điện gọi là Mae Khaung, Thái gọi là Mae Nam Khong, Lào gọi là Mènam Khong, Campuchia gọi là Mékông hoặcTonle Thom và Việt Nam gọi là Sông Cửu Long. Đến Campuchia, con sông chia ra làm 2 nhánh lớn; nhánh bên trái là sông Mekong và nhánh bên phải là sông Bassac (phiên âm từ tiếng Campuchia Ba Thắc).

Vào đến địa phận Việt Nam, nhánh Mekong gọi là Tiền Giang, chảy qua các địa phương Tân Châu (tỉnh An Giang), Hồng Ngự và Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp), đến Cai Lậy (Tỉnh Tiền Giang) chia ra làm 4 sông đổ ra biển bằng 6 cửa:
• Sông Mỹ Tho, chảy qua thành phố Mỹ Tho và phía Nam Gò Công, nơi đó tẽ ra thành 2 con sông , sông Cửa Tiểu chảy ra biển bằng Cửa Tiểu và sông Cửa Đại chảy ra biển bằng Cửa Đại.
• Sông Ba Lai chảy qua phía Bắc tỉnh Bến Tre (tên cũ Kiến Hòa), ra cửa Ba Lai.
• Sông Hàm Luông chảy qua phía Nam tỉnh Bến Tre, ra cửa Hàm Luông.
• Sông Cổ Chiên làm thành ranh giới tỉnh Bến Tre-Trà Vinh (tên cũ Vĩnh Bình), chảy ra biển bằng hai cửa Cổ Chiên và Cung Hầu.
Nhánh Bassac hay Ba Thắc là Hậu Giang chảy qua Châu Đốc, Long Xuyên (An Giang), thành phố Cần Thơ, Sóc Trăng và chảy ra biển bằng 3 cửa là Cửa Định An, Cửa Ba Thắc (Bassac), Cửa Tranh Đề. Từ thập niên 1970 cửa Ba Thắc bị bồi lấp, nên ngày nay Hậu Giang chỉ còn hai cửa chảy ra biển. ( Theo Bách Khoa Toàn Thư mở Wikipedia)

Tóm lại, con sông chảy ra biển bằng chín cửa mà ngày xưa học sinh Tiểu học phải học thuộc lòng là Cửa Tiểu, Cửa Đại, Cửa Ba Lai, Cửa Hàm Luông, Cửa Cổ Chiên, Cửa Cung Hậu, Cửa Định An, Cửa Ba Thắc (xưa gọi là Cửa Bassac), Cửa Tranh Đề, do đó nó được đặt tên là Sông Cửu Long hay Cửu Long Giang. Long là rồng, một trong tứ quý Long, Lân, Qui, Phụng. Chữ Long cũng mang ý nghĩa con sông dài uốn khúc như con rồng.

x
x x

Tôi muốn dùng từ ngữ Bassac mà thuở nhỏ tôi đã học để chỉ con sông chảy ngang qua bên này là bến chợ Châu Đốc và bên kia là bến đò CồnTiên-Đa Phước. Mặc dầu sinh hoạt của cư dân ở hai bên bờ sông có ít nhiều thay đổi, nhưng dòng sông vẫn tiếp tục chảy, lục bình vẫn bập bềnh trôi và ký ức về những sinh hoạt nhộn nhịp một thời ở hai bên bờ sông cũng như trên dòng sông vẫn thường bừng dậy trong tâm tưởng của bao nhiêu người con Châu Đốc xa xứ.

Bến sông bên chợ chen chúc tàu ghe từ các nơi đến, đậu cập các cầu tàu nổi, đóng bằng ván, phía dưới độn thùng phuy hoặc độn tre. Bà-con ở thôn quê đem cá mắm, gà vịt, nông sản ra chợ bán, rồi mua về những mặt hàng thiết dụng hàng ngày như vải vóc, mùng mền, dầu hôi, khí đá, lưỡi câu, lưới cá…v.v. Chiếc tàu đò nào cũng có treo cờ ở phía sau lái, hồi Pháp thuộc là cờ Tây ba màu, xanh dương, trắng, đỏ hoặc thời Việt Nam Cộng Hòa, cờ quốc gia màu vàng ba sọc đỏ. Mùa Vía Bà vào khoảng tháng tư ta, những chiếc tàu đò chở khách đầy ắp, trên mui tàu có treo hai hàng cờ đuôi nheo hình tam giác, đủ màu, bay láy pháy trong gió.

Trên bờ, theo thứ tự từ Kinh Vĩnh Tế đi xuống, có lò nấu rượu, đến thành lính, bên hông trường Nam Tiểu học Châu Đốc, dinh Trường Tiền, Vàm Kinh Ông Cò, chợ gà, dãy quán ăn ở bờ sông đối diện với khu phố chính của người Hoa bán đủ thứ, đồ sắt thép, bù lon, đinh ốc, tạp hóa, tiệp thuốc Bắc, Chùa Ông…v.v. Tiếp theo các quán ăn dọc bờ sông là chợ cá, cất gie ra bờ sông, con đường trước chợ cá thường ướt át, lầy lội, mùi cá tanh xông lên ngộp thở. Nhắc đến đây tôi không quên được cảnh tượng não nùng của một ông thầy thuốc rắn, đem một giỏ rắn ra chợ cá Châu Đốc bán, ông vừa đưa tay vào giỏ để bắt một con rắn hổ đất, bị nó cắn ngay hổ khẩu tay, ông lại để quên gói thuốc rắn ở nhà, ông kéo đờm, chết liền tại chỗ, đứa cháu ngoại khoảng sáu bảy tuổi đi theo ông kêu khóc thảm thiết, chiếc xuồng ba lá chở xác ông, được một chiếc tàu đò dòng đi về hướng Bắc Đai,Vung Thăng. Có người nói :

-Thật là sanh nghề tử nghiệp.

Kế đến là bến đò Châu Phú – Châu Giang. Nơi đó có đình thờ Ngài Nguyễn Hữu Cảnh, được vua sắc chỉ phong thần. Tiếp theo là Ty Bưu Điện, Tòa Hành Chánh, còn gọi là Tòa bố, Tòa Án, Nhà Lớn của gia tộc họ Lê, nhà thương, lò heo, bến bắc để đưa xe qua Châu Giang, chạy về Tân Châu. Đối diện với bến bắc là Nhà nuôi trẻ mồ côi và nhà thờ.

Bên kia sông là Bến đò Cồn Tiên, cũng không kém nhộn nhịp, xe lôi, xe gắn máy, thỉnh thoảng có một hai chiếc xe đò nhỏ chực chờ để đón khách vừa từ chiếc đò ngang bước xuống. Tiếng bắt mối nghe rất ồn náo :
- Về An Phú không dì hai, lên xe hơi kìa, chạy nhanh, ít dằn.
- Về Vĩnh Nguơn không, lên xe lôi đi, bác.
- Đi xe ôm nhanh lắm, cô bác ơi.
Tiếng mấy cô lái đò :
- Mời bà con xuống đò, đi liền, một người cũng đi.
- Khách của tao, mầy đừng giành mối nghe mậy, hồi nãy tao đưa chú qua đó.
Xe hơi, xe gắn máy bắt đầu nổ máy, khói bốc lên mùi khét khét.

Tại bến đò này, đò chia ra hai loại : « đò nhỏ » và « đò lớn », còn gọi là « đò chủ ». Đò nhỏ là đò tư nhân, thường là một chiếc xuồng tam bản, có hai cây chèo ở phía sau, không có bánh lái. Mấy cô lái đò hai tay cầm hai cán chèo tréo nhau phía trước ngực, một chân bước tới, hai tay ấn đầu cán chèo xuống để hai mái chèo quạt nước ra phía sau, đẩy chiếc xuồng tam bản chạy về phía trước. Xong thì rút chân trở về, kéo cho hai mái chèo về phía trước, lên gần mặt nước, lại bước một chân tới, ấn hai cán chèo xuống như lần trước. Những động tác đó cứ lặp đi lặp lại rất nhịp nhàng, giống như đang khiêu vũ với vũ điệu cha-cha-cha. Đò nhỏ chỉ cần một hai người khách là có thể đưa được rồi. Khách đi đò nhỏ ngoài tiền mua vé ở quầy bán vé của chủ đò, còn phải trả thêm tiền công cho người lái đò. Có khi gặp được « khách sộp » mấy cô lái đò được tặng thêm một ít tiền để uống nước. Để tránh tranh giành khách, đò nhỏ được sắp thành tài, tức là sắp thứ tự, chiếc nào về bến trước là tài nhứt, kế đó là tài nhì, tài ba…, đò tài nhứt được đưa khách đi trước, rồi mới tới đò tài nhì, tài ba.

Còn đò chủ là đò của người trúng thầu đưa đò. Hàng năm Tòa Hành chánh tỉnh tổ chức cuộc đấu thầu đưa đò gồm chung các bến, chợ Châu Đốc-Cồn Tiên, chợ Châu Đốc-Châu Giang, Bến Bắc Châu Đốc-Châu Giang. Người trúng thầu thường được gọi là chủ đò, phải nộp cho chánh quyền sở tại một số tiền nhứt định hằng năm. Trái lại, người đó được quyền thu tiền bán vé đò, lời ăn lỗ chịu. Đò chủ lớn, phải đợi nhiều khách mới đi một lần, nhưng nếu quá một tiếng đồng hồ không có khách, mà bến bên kia có khách đợi thì đò chủ vẫn phải đi để đón khách bên bờ kia qua. Lúc đầu đò chủ chèo tay, một cây chèo phía trước, một cây chèo phía sau, có bánh lái, về sau đò nầy được gắn máy đuôi tôm, nhanh hơn.
Xe đạp, xe gắn máy qua đò cũng phải có vé.

Đặc biệt có nhiều chiếc ghe, lớn có, nhỏ có buôn bán hàng xáo, chở gạo, neo giữa dòng sông để bán cho khách ở Cồn Tiên hoặc ở các làng phụ cận. Gạo được đong bằng thùng 20 lít gọi là cái táo, hai táo thành một dạ. Người bán gạo hàng xáo biết mánh đong gạo như thế nào cho có lợi, họ bưng thúng gạo lên, rót xuống cho đều và mạnh giọt, khi gạo trong thúng gần hết, họ đổ ụp xuống cái táo, hột gạo dựng đứng lên, rất đẹp, lấy ống cán gạt gạo thừa chung quanh miệng cái táo. Gạo ở trên mặt, chính giữa cái táo có hơi lõm xuống, khối lượng gạo hơi non một táo mà người mua không để ý.

Dọc hai bên bờ sông, ban ngày có mấy người vừa bơi xuồng vừa rao :
- Úmmmmmm…
Không ai biết tiếng rao bán hàng gì ? Hỏi ra mới biết đó là bún nước lèo.
- (Ai)…(ăn)…bún… (hôn) … ?
Bún nước lèo ở Châu Đốc nấu với cá nấu rục và ngải bún, nêm mắm hoặc mắm bò-hóc của người Miên. Khi chan nước lèo lên chỉ thấy xác cá ở phía trên bún, để thêm một ít rau giá, dưa leo bằm, ớt xanh.
Ban đêm có xuồng bán chè với ngọn đèn bão leo lét. Trong thanh vắng, tiếng cô bán hàng cất lên trong trẻo:
- Ai ăn chè đậu xanh bột khoai nước dừa đường cát hôn… ?

Nơi bờ sông cạnh bến đò Cồn Tiên, khoảng giữa thập niên 40 có một cái nhà bè đầu tiên, khung đóng bằng gỗ ván, dưới độn tre, trên lợp lá. Nhà bè này kéo từ xứ rạch Xa-Nô ở Miên về. Chủ nhà bè này là dì dượng tôi. Người ta thường gọi dượng tôi là ông Xa-Viên Hai. Theo tiếng Miên, Xa-Viên là người trúng thầu khai thác thủy sản ở một vùng sông rạch. Về sau nhà bè này được dời qua vàm Kinh Ông Cò. Năm 1949 dượng tôi trúng thầu khai thác đò các bến Châu Đốc. Về sau nầy dì dượng đổi qua nghề mua bán vật liệu xây cất, chằm lá buông để vừng vách, lá dừa để lợp nhà, bán cây tràm, cây đước để làm cột…v.v.

Tre độn lâu ngày bị đóng rong. Cá rô biển ở dưới nhà bè rất nhiều, chen ở giữa các cây tre để ăn rong. Trong xóm có anh Ngàn, nhà nghèo, mẹ góa con côi, thường lặn xuống dưới nhà bè, lấy hai tay ốp vào kẽ tre bắt cá rô biển. Có nhiều con cá rô lớn bằng bàn tay. Sau này anh Ngàn có phước, cưới được người vợ hiền là chị Bê, cũng đồng cảnh ngộ, mẹ góa con côi, vợ chồng chí thú làm ăn, sang được một quán ăn ở bờ sông Châu Đốc lấy hiệu là Văn Ngàn.

Nhắc Châu Đốc, ai cũng nhớ đến cá mắm. Cá rất nhiều và dễ câu, dễ bắt. Lúc còn đi học, tôi thường bó nhánh cây khô thật chặt, ngâm dưới nước. Đến giờ nấu cơm, tôi kéo bó chà lên bờ, cá rô, cá heo da màu xanh, vàng, đuôi và kỳ màu đỏ và một vài loại cá khác nhảy xoi xói trên mặt đất.

Dòng sông Bassac này đã đem lại cho nông dân những ruộng lúa phì nhiêu nhờ đất phù sa từ thượng lưu đổ về. Một năm người ta chỉ trồng một mùa lúa xạ, tức là khỏi cấy, sau khi cày đất cho xốp, rải hột giống cho đều, lúa lên rất nhanh. Lúa xạ còn gọi là lúa nổi, vì nước lên đến đâu thì lúa cao đến đó. Tuy nhiên, có những năm nước lên nhanh quá, lúa không lên kịp, bị lút, thất mùa. Dòng sông cũng cho rất nhiều cá tôm. Cá ăn tươi, làm khô, làm mắm. Đầu cá lóc nấu canh chua ăn rất ngon, nhiều quá làm sao ăn cho hết, đem làm mắm đầu cá. Cá lóc đen, cá lóc bông làm ra phơi khô hoặc thái làm mắm thái, ruột cá làm mắm ruột ăn béo ngậy. Cá linh, cá chốt, cá trèn con cũng làm mắm.

Không phải tôi nhiều chuyện chớ một vài bà vợ công chức thời bấy giờ lúc chồng đi làm, ở nhà rảnh rổi, không biết làm gì, rủ nhau đánh bài tứ sắc, gọi là “đánh bài giờ”, canh cho đến khi nào ông chồng gần tan sở, nghỉ đánh bài về nhà lo cơm nước. Như vậy cũng xong. Nhưng đặc biệt có nhiều bà có chồng là giáo chức, biết dùng thời giờ rảnh làm mắm bán: Mắm thái Bà Giáo Khỏe, Mắm thái Bà Giáo Mãng... Còn mắm cá trèn, cá chốt không ai làm ngon bằng Bà Năm, thân mẫu của Bác Ba Tiếng, tức là Ông Quách Chiêu Điển, con mắm rất mềm và rất vừa ăn.

Nghe chuyện mắm nhiều quá, chắc bà-con khát nước. Tôi xin ngừng ở đây để mời quý vị đi giải khát.
Sydney, tháng 12/2007