Wednesday, March 2, 2011

Roma-Hãy đến và trở lại

Roma-Hãy đến và trở lại
Fri, 08/20/2010 - 22:41 — songchi
Tôi đã yêu Paris từ khi chưa đặt chân đến Paris. Với Roma cũng vậy. Khen Paris hay Roma thì bằng thừa. Và với một người chỉ ghé qua Roma một tuần, viết về Roma thật không đơn giản, bởi chắc chắn đã có nhiều người viết rất hay về thành phố này. Nhưng dù sao thì tôi cũng muốn ghi lại những cảm nhận của mình về Roma.
Để tham quan Roma, khi thời gian không có nhiều như tôi, người ta có thể chọn cách mỗi ngày đi theo một tour khác nhau do các văn phòng du lịch ở Roma tổ chức. Ví dụ như một tour du lịch bằng xe bus loại stop&go, chỉ tốn 15 euros, bạn sẽ được đi tham quan 12 thắng cảnh và di tích khác nhau từ sáng đến chiều tối: nhà ga trung tâm Termini, lâu đài Quirinal, Colosseo-đấu trường của La Mã ngày xưa, Bocca della veriata, piazza (địa điểm) Venezia, piazza Vavona, piazza Cavour, San Pietro, Ara Pacis, via (đường) Veneto, Fontana di trevi, villa Borghese. Cứ đến mỗi điểm như vậy, xe bus dừng lại thả bạn xuống, bạn tha hồ đi tham quan đến khi nào chán thì tìm đến điểm đỗ của loại xe bus này để leo lên đi tiếp. Ngày kế tiếp lại chọn tour Vatican City, tour đi thăm La Mã cổ xưa…chẳng hạn. Hoặc nếu muốn tự mình khám phá Roma thì mua một tấm bản đồ, một quyển hướng dẫn du lịch rồi chia thành phố thành từng vùng mà đi. Tôi chọn cách kết hợp cả hai.
Roma là một thành phố ngồn ngộn di tích lịch sử, phong phú, dày dặn về văn hóa nghệ thuật. Nhiều người đã từng ví cả thành phố Roma là một bảo tàng lớn, mỗi góc đường, mỗi viên đá là một chứng tích của thời gian. Thành phố vẫn còn đầy đủ trong lòng nó những dấu vết của từng thời đại, từ những di tích còn sót lại từ thời La Mã trước công nguyên, qua thời trung cổ, thời Phục Hưng đến thời hiện đại. Đi giữa Roma nhiều lúc có cảm giác như đang đi giữa một thời đại nào xa xưa.
Coliseum (tiếng Ý là Colosseo) là một trong những di tích nổi tiếng của Roma-đó là đấu trường của những đấu sĩ La Mã thời xưa. Đây là biểu tượng cho sự hoành tráng và vĩnh cửu của nền văn minh La Mã. Rõ ràng người La Mã trước kia xây cái gì cũng thích thật đồ sộ, thật hoàng tráng. Tất cả những di tích còn lại từ Colosseo, Circo Massimo-nơi đua xe ngựa thời La Mã, nhà tắm công cộng dành cho giới quý tộc Caracalla, cổng thành S. Giovanni, các quảng trường…đều chứng tỏ điều đó.
Fontana di Trevi là một thắng cảnh nổi tiếng khác, một kiến trúc tuyệt đẹp từ tòa nhà cho đến những bức phù điêu, những quần tượng trên những tảng đá cao thấp, một hồ nước xanh trong vắt và nước phun lên ở khắp nơi. Đây cũng là nơi đạo diễn Federico Fellini Fellini nổi tiếng của Ý quay bộ phim La Dolce Vita (The sweet life) năm 1960. Vào mùa này ở đây đông nghịt khách du lịch đến chụp hình, ngồi chơi ngắm cảnh trên những tảng đá cao thấp. Nhiều người ném những đồng xu vào hồ nước. Hình như có một huyền thoại rằng bất cứ ai uống hay ném một đồng xu vào đài phun nước Trevi chắc chắn sẽ quay trở lại Roma.
Tôi rất thích những khu phố và những quảng trường của Roma như piazza S.Pietro, piazza Venezia, piazza Navona, piazza di Dpagna, piazza del Popolo, piazza de l’Espagne…Quảng trường nào cũng có những công trình kiến trúc hoặc điêu khắc rất đẹp và những khu phố xung quanh quảng trường rất nhộn nhịp, đông vui. Ngồi uống nước tại một quán café bar ở một quảng trường nào đó ngắm nhìn người qua lại hoặc đi dạo lang thang trên những con phố xung quanh để cảm nhận đời sống của thành phố này là một trong những niềm vui của du khách trong đó có tôi.
Ở các thành phố khác nhau của châu Âu, quảng trường là không gian thư giãn của mọi người, là nơi có nhiều sinh hoạt, hoạt động đường phố, nhất là vào mùa hè. Ở Roma cũng vậy. Nhiều người kiếm sống tại các quảng trường của Roma như quảng trường Navona có chợ tranh tầm tầm và khách hàng nếu thích có thể ngồi cho các họa sĩ đường phố vẽ ngay tại chỗ một bức chân dung với giá chỉ có 10 euros, các nghệ sĩ đường phố cũng hay chọn các quảng trường để biểu diễn-có nhóm nhảy hip hop, có nhóm đàn, đánh trống, có nhóm làm xiếc, tung hứng…đơn giản hơn, có người chọn cách hóa trang làm đấu sĩ La Mã, pho tượng Ai Cập, tượng thần tự do… cho khách đứng cạnh chụp hình, vậy là có vài đồng lẻ. Đó là loại công việc không cần bất cứ điều kiện gì từ vốn cho đến kiến thức, trình độ…nhưng ngó vậy mà cũng mệt-bạn cứ thử đứng hàng tiếng đồng hồ bất động trên những cái bục, mặt mũi hóa trang, trong những tư thế nhiều khi rất mỏi như tay giơ cao cây kiếm chẳng hạn.
Nhiều khi tôi cứ lẩn thẩn nghĩ đúng là mình đi du lịch thì mỗi ngày là một sự khám phá, mỗi ngày là những niềm vui, trong khi đó có những việc mà người ta phải làm hết ngày này qua ngày khác thì sẽ trở thành rất chán. Khi đến Amsterdam vào bảo tàng Rijk tôi đã từng thấy có người làm một công việc nhàm chán kinh khủng, đó là đứng trong một cái hộp gỗ-phải gọi nó là cái hộp vì nó chỉ cao hơn đầu người và hẹp vừa đủ cho một người đứng bên trong-một nửa trên bốn mặt là kiếng mờ, mặt trước vẽ một cái vòng đồng hồ với hai cây kim, công việc duy nhất của người đó chỉ là cách một phút lại chùi cây kim phút vẽ lại cây kim nhích thêm một phút. Và cứ làm như thế suốt ngày.
Hay khi vào các bảo tàng, nhìn thấy trong mỗi phòng đều có người ngồi làm nhiệm vụ lặng lẽ quan sát khách ra vào, cũng là một công việc rất buồn tẻ. Ngay cả người hướng dẫn viên du lịch trong những tour du lịch như tour du lịch thăm Vatican city, ngày nào cũng dẫn khách đi đúng mấy địa điểm đó, nói bao nhiêu câu đó, nhắc nhở khách những điều giống hệt nhau. Chẳng thà như mấy người nghệ sĩ biểu diễn ngoài đường phố còn vui, dù là cũng lặp đi lặp lại một số bản nhạc, một số bài biểu diễn nhưng tự mình có thể thay đổi, hôm nay bài này mai bài khác.
Cũng như Paris, Roma vào mùa hè tràn ngập khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới. Chỗ nào cũng nhìn thấy những người khách đủ mọi màu da, quốc tịch, trang phục mùa hè mát mẻ, thoải mái, balô trên vai hoặc túi xách khoác vai, thỉnh thoảng lại dừng lại nhìn vào tấm bản đồ cầm trên tay rồi lại đi tiếp.
Mua một cái thẻ Roma Pass là được tham quan miễn phí 2 di tích lịch sử hoặc bảo tàng và được sử dụng miễn phí mọi loại phương tiện giao thông công cộng như xe bus, xe điện, metro…trong 3 ngày. Với một cái bản đồ trên tay là tha hồ đi và khám phá Roma. Mệt thì dừng lại kiếm một xe bán nước bên đường, hoặc vào một quán bar café hay nhà hàng nhỏ, có đủ loại sandwiches trình bày rất đẹp mắt, những món ăn quen thuộc của Ý: spaghetti, pasta, pizza…Sau đó gọi một ly kem tráng miệng. Kem Ý ngon. Một ly kem lớn là đã đủ no. Nếu chơi sang có tiền thì hãy vào nhà hàng lớn còn không như thế này so với dân Tây du lịch bụi, vẫn còn là sang chán. Một trong những lần hỏi đường tôi lại hỏi trúng một khách du lịch khác-đó là một người phụ nữ còn trẻ chẳng biết từ nước nào đến, khi nghe trả lời điểm mà chúng tôi định đến cách khoảng 45 phút đi bộ, tôi nói xa quá và quyết định lại leo lên xe bus, cô ta cười và bảo 3 ngày nay cô ta toàn đi bộ, lưng đau nhừ…rồi cô ta chào tôi và đi tiếp. Trước khi quay đi tôi còn kịp thấy cô dừng lại bên một vòi nước công cộng giữa đường, xòe tay vốc một ngụm uống và đi tiếp-đúng tính chất “du lịch balô”, “du lịch bụi” là phải như vậy đó. Vả lại nước từ những vòi nước công cộng ở Roma phải nói là rất sạch vả ngon.
Đến Roma là phải đi thăm Vatican (Vaticano). Vào mùa này có thể nhìn thấy ngày nào cũng hàng dãy người xếp hàng dài dằng dặc hết cả bốn mặt tường bao quanh khu Vatican dài mấy cây số để chờ vào bên trong. Để tránh phải xếp hàng, chúng tôi chọn cách mua tour du lịch thì được vào luôn theo từng nhóm, nhưng đi như vậy thì bị lệ thuộc vào giờ giấc-chỉ có 4 giờ đồng hồ để vừa xem bảo tàng Vatican, nhà nguyện Sistine (tiếng Ý là La Cappella Sistina), vương cung thánh đường St. Peter’s Basilica (Basilica Papale di San Pietro in Vaticano), và Vatican city-khu phụ cận bên ngoài Vatican.
Nếu xem kỹ bảo tàng Vatican chắc phải vài ngày. Nhưng chúng tôi chỉ có khoảng một tiếng! Tiếp đó là nhà nguyện Sistine nổi tiếng. Tôi “gặp lại” nhà điêu khắc, danh họa tài ba Michelangelo qua những công trình tuyệt tác của ông mà tôi đã được xem trong những cuốn sách về mỹ thuật từ hồi còn sinh viên, như tác phầm The scenes from Genesis phủ khắp vòm trần nhà nguyện Sistine ông vẽ mất 4 năm, bức tranh lớn The Last Judgment trên tường với hơn 400 nhân vật ông vẽ mất 5 năm hay bức tượng Pietà (Đức Mẹ ẵm chúa Giêsu bị nạn trong lòng) tại vương cung thánh đường San Pietro.
Vương cung thánh đường San Pietro là một công trình kiến trúc và điêu khắc tuyệt đẹp. Khắp nơi từ vòm trần, các bức tường đều trang trí bằng những bức tranh hoặc tượng, phù điêu lộng lẫy và hầu hết đều có kích thước đồ sộ. Phía sau là quảng trường San Pietro và khu phụ cận bên ngoài bức tường Vatican. Tại đây có nhiều shop lưu niệm bán nhiều nhất là thánh giá, tranh ảnh, đồ trang sức có những biểu tượng, hình ảnh liên quan đến Thiên chúa giáo.
Ở Roma có khá nhiều nhà thờ lớn và đẹp, ngoài vương cung thánh đường San Pietro in Vaticano tôi chỉ kịp đi vài nơi như nhà thờ S. Giovanni in Laterano, nhà thờ P.S. Croce in Jerusalem.
Lá phổi xanh của Roma là công viên Borghese rộng mênh mông. Những con đường trong khu công viên rợp bóng cây. Nắng ấm áp và gió nhẹ. Không khí thơm mùi nắng, mùi lá, mùi cỏ khô. Yên tĩnh, chỉ có tiếng ve râm ran trên đầu, tiếng những viên đá cuội và lá khô lạo xạo dưới chân người bước qua. Cảm giác thật bình yên. Tưởng chừng có thể ngả mình xuống bất cứ chỗ nào và nằm ngủ một giấc thật thảnh thơi.
Một địa chỉ nổi tiếng nữa của Roma mà du khách không thể bỏ qua là đền Patheon, nơi chôn cất những vị vua và nghệ sĩ nổi tiếng nhất của Ý, được xây dựng từ năm 27 trước công nguyên. Ngôi đền nằm trong một con đường hơi nhỏ hẹp, không may gặp hôm đóng cửa, chúng tôi chỉ có thể chụp hình ở bên ngoài. Gần đền Patheon là khu Campo de’Fiori với các cửa hàng giá cả tương đối bình dân, và một cái chợ trời bán đủ các thứ quần áo, khăn choàng, đồ trang sức tầm tầm. Phía sau là khu ghetto cũ một thời của Ý-một khu vực với những con đường lát đá chật hẹp, tăm tối vì bị hai dãy nhà cao hai bên chặn hết nắng, những ngôi nhà cũ kỹ, trông nặng nề, không có chút gì thân thiện. Vẫn còn đó một ngôi nhà đá đổ nát một phần với tấm biển đề phía trước: Jewish Info Point-Jewish Community of Rome.
Đến Roma tôi cứ hy vọng sẽ được đi tham quan bảo tàng tranh của Leonardo da Vinci nhưng không có, những bức tranh đáng giá nhất của ông lại nằm ở một số bảo tàng của các nước khác như các bức Mona Lisa, Bữa tiệc cuối cùng (The last supper)…nằm tại bảo tàng Louvre của Pháp chẳng hạn. Thay vào đó tôi lại được tham quan bảo tàng những công trình thử nghiệm về khoa học, máy móc…của Leonardo da Vinci. Khoa học là niềm đam mê lớn chẳng thua gì nghệ thuật hay hội họa của ông. Và thêm một niềm an ủi là ở đây còn lưu giữ khá nhiều những bức vẽ phác thảo các máy móc mà Leonardo da Vinci chế tạo, có cả bút tích chữ viết tay của ông, hay những bức vẽ về cơ thể người cho thấy một sự nghiên cứu tỉ mỉ về cơ thể con người từ bên ngoài vào trong của nhà danh họa và nhà khoa học tài ba một thời.

Uploaded with ImageShack.us
Di tích Colosseo Hình: Joyce Anne Nguyen
Muốn nhìn bao quát thành phố có thể trèo lên đồi Capitol. Đứng ở đây nhìn xuống thấy thành phố Roma ngổn ngang từng từng lớp lớp cao thấp khác nhau, có những khu phế tích với những cổng thành vĩ đại còn sót lại, dấu tích của một nền văn hóa văn minh rực rỡ một thời, bên cạnh những khúc cột, tảng đá đổ ngổn ngang…trong ánh chiều tà. Du khách đứng nhìn bâng khuâng hoài cổ.
Hầu hết những con đường của Roma đều lát đá có từ hàng ngàn năm trước và không rộng, chỉ vừa đủ hai làn xe, cảm giác lại càng chật chội hơn vì những ngôi nhà, những di tích lớn, đồ sộ hai bên đường. Thành phố có những con đường loanh quanh, trên cao dưới thấp, đi bộ thú vị nhưng đi một hồi thì dễ mỏi chân, có những khu như Spanish steps phải trèo lên hàng trăm bậc thang, một số di tích, thắng cảnh cũng thế.
Khi đi chán, có thể leo lên một chuyến xe bus bất kỳ để xe chạy một vòng hết tuyến đường của nó, với vài tuyến đường khác nhau như vậy bạn sẽ lại nhìn thấy Roma ở những khu vực khác nhau, cả nội thành và ngoại thành. Phải nói thật, ra khỏi nội thành thì ngoại ô Roma chẳng đẹp tí nào, điều đó cho thấy đất nước với một quá khứ huy hoàng này hiện tại vẫn chưa phải là giàu có nên chưa đủ tiền xây dựng ngay cả vùng ngoại ô các thành phố lớn cho đẹp. Kể cả trong nội thành, Roma vẫn tạo cảm giác chật chội và khá là cũ kỹ. Nhưng với du khách thì có lẽ chẳng lấy đó làm điều vì thành phố có tuổi đời 28 thế kỷ này đã đem lại cho họ những sự giàu có, phong phú khác về văn hóa, tinh thần.
Là khách du lịch từ xa đến, chúng tôi mê tít Roma vì lịch sử, kiến trúc, văn hóa…nhưng khi tôi nói với một, hai người Ý rằng tôi thích Roma thì họ lại nhún vai hỏi lại: Cô/chị thích Roma à? Chúng tôi thì không. Khi tôi hỏi tại sao, một người nói: Roma chật hẹp, và bẩn. Người khác thì than phiền về đời sống, thuế thì đóng cao nhưng các thứ an sinh xã hội chưa thật tốt v.v…Bao giờ mà chả vậy. Người sống ở đây thì thích được sống ở nơi khác và nghĩ là nơi khác tốt hơn. Cũng là chuyện bình thường.
Cũng đừng bỏ qua những những hầm mộ (catacombe) ở Roma. Quanh con đường Appia Antica có những hầm mộ như hầm mộ Domitilla, hầm mộ S. Calisto, S. Sebastiano…Nằm sâu dưới lòng đất, những hầm mộ được xây bằng gạch, đá cách đây hàng chục thế kỷ. Những lối đi hẹp quanh co như lạc vào mê cung, hai bên vách đá lồi lõm, nhìn lên cao có những khoảng sáng từ những ô cửa kính tít trên cao. Du khách vừa ngắm nhìn những họa tiết và những dòng chữ khắc trên những bức tường đá vừa lắng nghe người hướng dẫn viên nói tiếng Anh với giọng Ý nhanh du dương đang kể về lịch sử của hầm mộ và lai lịch những người chết.
Người Ý quý trọng lịch sử, quý trọng quá khứ. Có những lúc đứng nhìn những di tích đổ nát nằm giữa những khoảng đất rộng mênh mông giữa lòng thành phố chật hẹp đất quý như vàng này, tôi lại chạnh nghĩ nếu là ở Việt Nam chắc chắn sẽ bị dẹp sạch, phân lô, xây cao ốc cho người nước ngoài thuê ngay. Hay những tòa nhà to đồ sộ, đẹp đẽ được dùng làm viện bảo tàng nghệ thuật với mỗi căn phòng chỉ để trưng bày vài bức tranh. Ở Việt Nam nếu có được những tòa nhà như thế này chắc lại dùng vào việc khác sinh lợi trước mắt.
Lần đầu đến Roma tôi không kịp thời gian đi tham quan nhiều bảo tàng vì chỉ riêng các di tích lịch sử đã quá nhiều, đi không hết. Tôi chỉ kịp ghé qua vài nơi như bảo tàng Vatican, bảo tàng lâu đài S. Sant Angelo, Bảo tàng nghệ thuật cổ (Ancient Art National Gallery) ở khu Barberini, với hàng trăm bức tranh hầu hết là sơn dầu thế kỷ XV, XVI…lấy cảm hứng từ chủ đề tôn giáo và thần thoại Hy Lạp. Bảo tàng nghệ thuật hiện đại Modern Art National Gallery, trưng bày tranh, tượng thế kỷ XIX, XX. Có thể gặp ở đây tranh từ tranh của Cezanne, Gauguin, Van Gogh, Claude Monet cho tới Mondrian, Gustav Klimt, các tác phẩm nghệ thuật của Marcel Duchamp…Chỉ riêng bảo tàng và gallery, ở Roma có đến hàng mấy chục cái đáng để xem. Khi tôi nói mình sẽ đi Roma một tuần, bạn bè người quen của tôi đã từng đến Roma ai cũng bảo một tuần thì không thể đủ được, muốn khám phá kỹ thành phố này thì còn phải trở lại nhiều lần nữa, quả đúng là như vậy.
Paris hay Roma đều là những thành phố đẹp, giàu có về lịch sử, văn hóa nghệ thuật, là những thành phố mà trong đời người ta cần phải đến ít nhất là một lần. Tạm biệt Roma, dù không ném đồng xu nào xuống lòng hồ tại thác nước Trevi, tôi biết rằng chắc chắn mình sẽ trở lại thành phố này nhiều lần nữa.
Lòng dân và vận nước
Fri, 08/20/2010 - 19:24 — songchi
Song Chi

Uploaded with ImageShack.us
Hồ Gươm, Hà Nội
Từ nhiều năm nay một trong những mối bận tâm lớn nhất của người Việt là quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Cứ mỗi khi có chuyện gì đó xảy ra trong mối quan hệ vô cùng phức tạp giữa hai quốc gia này là từ báo chí hải ngoại, các diễn đàn độc lập cho đến các trang blog cá nhân lại “nóng” hẳn lên trong khi báo chí quốc doanh hoặc im lặng hoặc nhà nước cho phép nói đến đâu thì nói đến đó! Có thể kể ra hàng loạt ví dụ như vậy: vụ sinh viên học sinh Sài Gòn, Hà Nội biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa Trường Sa vào tháng 12.2007, vụ rước đuốc Olympic Bắc Kinh ngang qua Sài Gòn vào tháng 4.2008, những vụ tàu Trung Quốc bắt giữ, đánh cướp, đòi tiền chuộc các ngư dân Việt Nam, xung quanh dự án cho phép Trung Quốc khai thác bauxite ở Tây Nguyên hay dự án cho Trung Quốc thuê rừng đầu nguồn của một số tỉnh miền Bắc, bài viết “Một cách nhìn khác về tinh thần dân tộc” gây nhiều tranh cãi của bà “chuẩn bị là Tiến sĩ” Đỗ Ngọc Bích đăng trên BBC tháng 4.2010, hay gần đây là những dấu hiệu cho thấy sự trở lại của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á và châu Á nói chung đã làm cho Trung Quốc tức giận ra sao và người Việt đa số đã hồ hởi như thế nào…
Vì vậy không có gì lạ khi gần đây, dư luận lại “nóng” lên trước các sự kiện: Một: Bà Hillary Clinton, Ngoại trưởng Mỹ khi đến Hà Nội tham dự hội nghị khu vực ASEAN và một số hoạt động kỷ niệm 15 năm quan hệ Ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ vào tháng 7.2010, đã có những lời phát biểu mạnh mẽ thách thức Trung Quốc trên hồ sơ biển Đông đồng thời cho thấy sự thay đổi trong đường lối chính sách ngoại giao của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á. Hai: trong tháng 8 vừa qua, một loạt các tàu chiến Mỹ đến thăm Việt Nam và có những hoạt động hợp tác với hải quân Việt Nam, thể hiện mối quan hệ đang phát triển theo chiều hướng tích cực giữa hai nước cựu thù. Không chỉ người Việt trong và ngoài nước mà cả báo chí khu vực, báo chí quốc tế cũng quan tâm đến những sự kiện này. Tất nhiên, thế giới quan tâm không phải vì một nước Việt Nam nhỏ bé mà vì Mỹ và Trung Quốc-bất cứ động thái nào trong mối quan hệ giữa hai cường quốc này cũng sẽ làm ảnh hưởng rất lớn, thậm chí thay đổi toàn cục thế giới. Điều đó đã từng diễn ra cách đây gần 40 năm, khi Henry Kissinger đến Bắc Kinh năm 1971 để thực hiện sứ mệnh ngoại giao thay đổi mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc, đưa đến một loạt thay đổi trong cục diện cuộc Chiến tranh lạnh trên thế giới, cuộc chiến tranh Việt Nam lúc bấy giờ cũng như mở đường cho việc Trung Quốc mở cửa về kinh tế, góp phần định hình thế giới ngày nay. Và bây giờ, những lời phát biểu của bà Hillary Clinton cho thấy thái độ của Mỹ với Trung Quốc đã khác và Mỹ dường như vừa kịp nhận ra họ đã bỏ quên khu vực này đủ lâu để cần phải sửa sai về điều này.
Còn đối với người Việt Nam, rõ ràng là phải quan tâm những sự kiện này vì vận mệnh của đất nước, dân tộc.
Điều đầu tiên có thể nhận thấy đó là về phía Việt Nam, từ báo chí quốc doanh, báo chí hải ngoại cho đến ý kiến của người dân trên các trang blog cá nhân đều tỏ ra khá là đồng thuận trước sự trở lại của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á cũng như Việt Nam cần phải phát triển mối quan hệ với Mỹ và các nước tự do dân chủ nói chung.
Kể cũng lạ mà không lạ. Rằng ít nhất với một nửa dân số Việt Nam sống ở miền Bắc trước năm 1975 thì Mỹ là kẻ thù mà trong nhiều năm dài mọi người đã được giáo dục, tuyên truyền nhồi nhét đủ mọi điều xấu xa, mọi tội ác để căm thù Mỹ, trong khi mối quan hệ hữu nghị Việt Trung hay Việt Xô thì được ca ngợi hết lời. Sau năm 1975, các thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam lại tiếp tục được dạy dỗ theo chiều hướng này, chỉ có giai đoạn xảy ra cuộc chiến tranh biên giới Việt Trung 1979 hay 1988 thì những lời ca ngợi tình hữu nghị Việt Trung đời đời bền vững mới lặng tắt đi, để rồi sau khi Đảng cộng sản Việt Nam quay trở lại xin làm lành với Đảng cộng sản Trung Quốc thì mối quan hệ ấy đã được nâng lên thành 16 chữ vàng! Nhà Nước thì “dạy dỗ” con dân như vậy, nhưng người dân thì vẫn chỉ nghe theo lý trí lẫn tình cảm của mình. Cho đến bây giờ, có thể nói rằng số người Việt Nam không thích, thậm chí ghét hay thù hận chính quyền Mỹ, nhà nước Mỹ vẫn có, nhưng chắc chắn rằng số người Việt Nam không thích nhà cầm quyền Trung Quốc và e ngại đường lối, chính sách đối ngoại của họ đối với Việt Nam cao hơn nhiều. Điều đó cũng dễ hiểu thôi. Những kinh nghiệm cay đắng ngàn đời trong lịch sử khiến cho người Việt Nam luôn luôn có một tinh thần cảnh giác cao đối với mọi động thái của nước láng giềng. Chưa kể cho đến tận bây giờ, trong cách hành xử với nước đàn em nhỏ bé hơn nhiều lần, Trung Quốc đã không chứng tỏ được tư cách nước lớn mà ngược lại. Mặc cho nhà cầm quyền Việt Nam vì quyền lợi của Đảng và của các nhóm lợi ích cam tâm cúi đầu nhịn nhục Đảng và nhà nước Trung Quốc, người dân Việt Nam từ lâu đã hiểu rất rõ rằng là bạn với Trung Quốc chỉ có thua thiệt đủ đường cho đến mất nước mà thôi, ngược lại chơi với các nước phương Tây trong đó có Mỹ thì chả ai lấy mất của mình một mẩu đất hay có âm mưu đồng hóa, tiêu diệt văn hóa Việt Nam gì cả.

Uploaded with ImageShack.us
Photo courtesy of Dũng Đô Thị's blog.
Thanh niên sinh viên Việt Nam biểu tình trước Tòa đại sứ Trung Quốc hôm 9-12-2007 để phản đối việc Bắc Kinh hợp thức hóa việc quản lý các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Những sự kiện gần đây vô hình chung là một phép thử cho cả nhà nước Việt Nam cũng như người dân Việt Nam. Không nói đến báo chí trong và ngoài nước, nếu chỉ theo dõi các diễn đàn độc lập, các trang blog cá nhân là nơi người Việt thuộc đủ mọi thành phần, lứa tuổi…viết lên những suy nghĩ, quan điểm của mình, sẽ thấy lòng dân nghĩ gì về Việt Nam trong mối quan hệ với Trung Quốc và Mỹ, về sự lựa chọn con đường phải đi trong tương lai. Có khá nhiều ý kiến phân tích những cái lợi, cái hại trong việc tiếp tục ngả hẳn về phía Trung Quốc là con đường mà nhà cầm quyền Việt Nam đã chọn trong nhiều năm qua, hay chơi trò “đu dây” để hưởng lợi từ sự đối đầu giữa hai cường quốc trong tương lai hoặc dứt khoát đứng hẳn về phía thế giới tự do dân chủ. Đa số người dân kêu gọi nhà nước Việt Nam hãy tỉnh táo đặt quyền lợi đất nước và dân tộc lên trên quyền lợi của Đảng, của một thiểu số tầng lớp có đặc quyền đặc lợi với chế độ. Trong suốt chiều dài mấy chục năm cướp chính quyền và giữ chính quyền, Đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam chưa bao giờ làm được điều này và đã luôn luôn có những sự lựa chọn sai lầm chỉ vì tầm nhìn ngắn, tư duy hẹp hòi, bảo thủ, cộng với lòng tham vô đáy của các thế hệ lãnh đạo Việt Nam nối tiếp nhau. Giờ đây đất nước và dân tộc Việt Nam lại đang đứng trước một ngã rẽ mới-sẽ là thời cơ, là vận hội nếu biết nắm lấy và thay đổi chế độ để tập hợp được lòng dân, dựa vào dân và dựa vào thế giới bạn bè đồng minh là các nước dân chủ mà giữ nước, hồi sinh và phát triển đất nước hay sẽ lại một lần nữa nhỡ tàu, đẩy đất nước gần hơn tới họa Bắc thuộc, điều đó là trách nhiệm của họ, những người đang nắm quyền lãnh đạo đất nước. Nhưng trách nhiệm ấy cũng thuộc về mọi người dân Việt Nam.
Phải nói thật tôi chưa bao giờ tin vào sự thay đổi cũng như quan trí của những người lãnh đạo Đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam. Trước những biến chuyển của thời cuộc thái độ của nhà nước Việt Nam ra sao? Họ sẽ lại tiếp tục “một bước tiến hai bước lùi”, chơi trò đi xiếc trên dây giữa các nước như từ xưa đến giờ vẫn thế. Thậm chí, nếu đọc lại những lời phát biểu của trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ quốc phòng về những chuyến viếng thăm của tàu chiến Mỹ tới Việt Nam vừa qua hay đường lối, chính sách quốc phòng của Việt Nam thì đủ rõ phe thân Tàu trong Bộ chính trị Việt Nam vẫn còn mạnh lắm. Nhưng tôi tin vào lòng dân và vận nước. Nhớ một lần đến Warszawa tôi đã được tận mắt chứng kiến những dấu tích còn lại từ những trang lịch sử bi thương của dân tộc anh hùng này. Cũng giống như Việt Nam, Ba Lan phải nằm cạnh nước láng giềng khổng lồ là nước Nga, một thời là Liên Bang Xô Viết đứng đầu phe xã hội chủ nghĩa. Người Ba Lan đã từng có nhiều kinh nghiệm cay đắng trong mối quan hệ với Liên Xô. Chiến tranh giữa Ba Lan và Nga Xô viết đã từng diễn ra trong thời gian 1919-1921, cũng chính Liên Xô mà cụ thể là Xtalin đã “đi đêm” với phát xít Đức bán đứng Ba Lan trong chiến tranh thế giới lần thứ hai dẫn đến việc Đức và Liên Xô cùng xâm lược Ba Lan năm 1939 và lãnh thổ Ba Lan bị chia thành hai vùng thuộc quyền kiểm soát của Đức Phát xít và Liên Xô, hay việc Xtalin hạ lệnh hành quyết hơn 22 ngàn sĩ quan cao cấp và công dân Ba Lan trong khu rừng Katyn vào mùa xuân năm 1940 v.v… Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, dân tộc này cũng như nhiều dân tộc khác của Đông Âu phải nằm dưới sự kiểm soát, cai trị của Liên Xô .Vậy mà cũng chính Ba Lan là quốc gia mà đảng cộng sản phải chịu sụp đổ đầu tiên góp phần to lớn vào sự sụp đổ nhanh chóng sau đó của chủ nghĩa cộng sản trên khắp Đông Âu. Ngày nay Ba Lan là một quốc gia tự do, dân chủ, có nhiều cải thiện về nhân quyền, với nền kinh tế trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất vùng Trung Âu. Và nhiều thành tựu khác về vị trí chính trị trên thế giới.
Khi nghĩ về Ba Lan, tôi lại nghĩ về dân tộc tôi đất nước tôi. Số phận cũng đặt Việt Nam nằm sát bên cạnh một nước khổng lồ xấu chơi như Trung Quốc, số phận cũng đẩy đưa khiến Việt Nam cứ phải rơi vào bàn cờ chính trị giữa các nước lớn, chỉ cay đắng rằng những người lãnh đạo Việt Nam không có đủ dũng, nhân, trí và dân tộc Việt Nam thì chưa kịp hiểu hết nỗi cay đắng của một nước nhỏ để mà tự thay đổi vận mệnh của đất nước mình. Nhưng dù sao tôi vẫn tin rằng một dân tộc không bị diệt vong bởi họa ngàn năm Bắc thuộc hay những cuộc chiến tranh với những nước lớn mạnh hơn gấp nhiều lần thì ngày hôm nay cũng không thể bị diệt vong.

No comments:

Post a Comment