Wednesday, March 2, 2011

Ngày 30 tháng Tư nhìn về tương lai

Ngày 30 tháng Tư nhìn về tương lai
Ian Timberlake
AFP Việt Nam

Từ bao năm nay, dinh Thống Nhất là một nơi thịnh hành được các cặp thuê để tổ chức tiệc cưới
Nhân ngày 30 tháng Tư, BBC xin giới thiệu bài của Phái viên Ian Timberlake, AFP gửi đi từ thành phố Hồ Chí Minh:
Dưới bóng mát của hàng cây trong công viên trước dinh Thống Nhất , mà nay được cho thuê để tổ chức các lễ lạc khác nhau, các cặp thanh niên thiếu nữ ngồi tán tỉnh nhau, trong lúc các sinh viên chăm chú học bài chuẩn bị cho mùa thi.
Họ chỉ biết qua sách sử những gì đã xảy ra tại dinh này 34 năm về trước vào đúng ngày này, khi chiếc xe của bộ đội cộng sản Bắc Việt mang số 843 ủi cổng chính, chấm dứt nhiều thập niên chiến tranh và thống nhất đất nước vào ngày 30 tháng Tư năm 1975.
Hôm nay, hai phần ba dân số Việt Nam có đội tuổi bình quân dưới 35. Họ không biết chiến tranh là gì, họ không biết có nhiều người "chết thật tình cờ" và nổi nhọc nhằn mà người dân phải gánh chịu ngay sau đó.
Thanh niên thiếu nữ lớn lên trong những năm phát triển kinh tế thời bình nói rằng họ chú tâm tới thành quả mà đất nước đạt được.
Cô Trần Mỹ Lan, 22 tuổi, hiện đang bán áo quần trong một trung tâm thương mại tại Sàigon, nói :" Tôi rất tự hào là người Việt Nam đã đánh bại được hai siêu cường Pháp Mỹ, nhưng tôi không nghĩ rằng có nhiều người ngày nay, nhất là giới trẻ, muốn nói về quá khứ".
Anh Nguyễn Công Trường, 28 tuổi, tư vấn về đầu tư nói: "Tôi muốn Việt Nam sẽ trở thành một nước Singapore trong vòng 20 năm tới".

Với một mức thu nhập bình quân theo đầu người trên dưới một ngàn đôla, tức là thấp hơn Singapore đến 37 lần, Việt Nam còn phải nỗ lực hơn nữa trong một thời gian dài, vì đa số người dân còn sống về nghề nông.

Ngày nay xe gắn máy vẫn là phương tiện di chuyển chính
Tại thành phố Hồ Chí Minh, xe gắn máy, chứ không xe hơi, là phương tiện di chuyển thông dụng nhất, mặc dù thỉnh thoảng, người ta có thấy xe Ferrari hoặc xe Porsche chạy trên đường phố.
Đường Đồng Khởi, trước đây trong thời chiến có tên là đường Tự Do, đã bắt đầu trông giống như một góc phố của Singapore với các cửa hiệu bán hàng hiệu và các vật dụng xa xỉ khác.
Các cờ xí có in hình búa liềm cộng sản đã được treo lên nhân dịp này để đánh dấu ngày lễ 30 tháng Tư.

Anh Trường, mà song thân hiện vẫn làm nghề nông tại Tây Ninh, nói : " Cha mẹ nói hồi năm 1968 đời sống rất cơ cực, nhiều người phải ăn khoai mì".
Anh cho biết cha mẹ anh ngày nay chỉ kiếm được một trăm đôla mổi tháng trong lúc lương tháng của anh cao gấp sáu lần.
Nhìn về tương lai
"Tôi ra đời trong thời bình, và tôi có cơ hội phát triển khả năng của tôi", một thanh niên khác, anh Lê Thế Huân, 20 tuổi, sinh viên luật ngồi tại công viên này bên cạnh một máy vi tính xách tay và một máy nghe nhạc Pod, cho biết như trên.
Anh Huân nói tiếp: "Ngay cha mẹ tôi cũng không nói nhiều đến chiến tranh vì lúc đó, họ mới có 12 hay 13 tuổi, khi cuộc chiến kết liễu".
Cũng tại công viên này, anh Trần Trọng Nguyên, sinh viên cao học vật lý, tâm sự : "Tôi nghĩ rằng về mặt vật chất mà nói, đời sống của tôi tốt hơn cha mẹ tôi rất nhiều".
Anh Nguyên mà cha mẹ cũng là nông dân nói: "Chúng tôi có nhiều cơ hội để học lên, dịch vụ chăm sóc y tế, giáo dục tốt hơn và cuộc sống hôm nay vững chãi hơn trước nhiều".

Cơ hội làm giàu cho thế hệ trẻ
Cô Đặng Thị Bích Nga, 21 tuổi, rời nhà ở miền Trung để vào Sàigon theo học ngành kinh tế, nói rằng "cuộc sống mới đã mở ra rất nhiều cơ hội".
Cô hy vọng điều này cũng xảy ra cho nước Việt Nam.
Với đôi bông xinh đẹp lủng lẳng bên vành tai, Nga nói : "Tôi hy vọng nước tôi sẽ phát triển như là các nước khác trên thế giới".
Trong lúc đó, ông Phạm Thành Công, 52 tuổi : " Giới trẻ có thể chú tâm và hiện tại và tương lai, nhưng chúng cũng ý thức đến sự hy sinh của bậc cha anh".
Ông Công nói tiếp: " Đa số giới trẻ không bao giờ quay lưng lại quá khứ, vì lịch sử không thể chối cãi được".
Ông đã từng là du kích quân và nay là giám đốc bảo tàng viện Mỹ Lai tàng trữ các di tích của hàng trăm dân làng bị binh sĩ Mỹ tàn sát hồi năm 1968.
Ông Công nói tiếp: "Tôi dành toàn thời gian cho nhà bảo tàng này vì tôi muốn giới trẻ biết thêm về tội ác chiến tranh".
Nhưng một thanh niên, 27 tuổi, hiện đang quản lý một công ty về công nghiệp thông tin, xin được dấu tên, nói máu của những người đã đổ cho Việt Nam được độc lập, sẽ chẳng còn có ý nghĩa gì nếu như cầm quyền hiện nay "không minh bạch, bớt ăn hối lộ và hành xử vì quyền lợi đất nước".
Một thanh niên khác, anh Nguyễn Hoàng Quân, 28 tuổi, đồng ý đất nước phải đổi mới chính trị để có thể phồn thịnh.
Anh Quân, hiện là nhân viên bảo vệ một cửa hàng nói: "Tôi hy vọng giới lãnh đạo sẽ mở cửa để cho đất nước được phát triển nhanh hơn".


Gửi người con gái Hà Nội08:56' 30/04/2009 (GMT+7)
(VietNamNet) - Tôi thuộc thế hệ những người cầm súng ở giai đoạn quyết liệt nhất. Đó là vào những năm 1971-1972. Giai đoạn có hàng ngàn học sinh, sinh viên rời ghế nhà trường nhập ngũ.
Ngày ấy cứ sau ba tháng huấn luyện, những chàng “lính tò te” sẽ lại hành quân vào Nam. Chúng tôi tập hành quân, tập bắn súng, tập chiến thuật và cả bồi dưỡng chính trị. Đến ngày chuẩn bị hành quân thì đùng một cái cấp trên bảo chúng tôi được ra Hà Nội. Mơ chăng? Không. Đúng là thật. Cả đợt tân binh của tôi được ra Hà Nội.


Trận địa pháo tại Hoàng Mai những năm chiến tranh chống Mỹ. Ảnh tư liệu.
Chả là đơn vị tôi toàn những học sinh, sinh viên của các trường đại học nên được cấp trên bổ sung vào đơn vị bộ đội tên lửa để bảo vệ bầu trời Thủ đô. Đó là vào giữa năm 1972 lịch sử, trước khi B52 đánh vào Hà Nội. Bây giờ nghĩ lại mới thấy cấp trên chuẩn bị cho chiến dịch “Điện Biên phủ trên không” này chu đáo như thế nào.
Nhưng đó là chuyện của các bạn tôi. Tôi không có cái may nắm ấy vì trong danh sách được ra Hà Nội lại không có tên mình. Anh Hạnh, Trung đội trưởng bảo tôi được cấp trên “chấm” để đưa đi đào tạo cán bộ khung chuyên huấn luyện chiến sỹ chi viện cho chiến trường. Đây là một vinh dự vì những người xuất sắc mới được chọn. Chả biết xuất sắc là thế nào nhưng trường hợp này tôi không thích cái “xuất sắc” ấy. Nỗi buồn dâng lên đến ăn cũng không ngon, Anh Hạnh động viên nhưng tôi vẫn muốn xin được đi. Tình cảm không xong, anh liền xẳng giọng: Đây là mệnh lệnh phải chấp hành. Trong quân ngũ khi đã là mệnh lệnh thì không thể nào làm khác được, “quân lệnh như sơn” mà.
Nghĩ bạn bè được ra thành phố, mình ru rú ở lại cái xứ miền Trung đầy nắng và gió mà lòng se lại.
Rồi những ngày học tập làm anh cán bộ “đầu bình, cuối cán” cũng qua nhanh. Có thể nói ba tháng tân binh không thấm vào đâu với nửa năm học làm “cán bộ”.
Nhưng thôi, trong đời lính, chuyện gian khổ, chuyện thiếu thốn vật chất và tinh thần là điều rất bình dị. Cả dân tộc ta chịu đựng, cả nhiều thế hệ chịu đựng thì chúng tôi có thấm vào đâu. Tuy nhiên có những mong ước, có những điều bình dị mà nếu trong hoàn cảnh bình thường thì quá ư đơn giản, nhưng vào thời gian đó là cao siêu, vượt ra khỏi khả năng của con người.
Đó là chuyện về anh Tám, một cán bộ của Nông trường Sao Vàng, và mong ước có một lần ra thăm Thủ đô. Anh Tám là chiến sỹ của tiểu đội tôi.
Ngày đó lần đầu tiên làm cán bộ, cái A2 (tiểu đội 2) của tôi toàn những bậc đàn anh. Các anh đều là những cán bộ được tổng động viên vào lính. Nếu đợt nhập ngũ của chúng tôi toàn những cậu học sinh, sinh viên thì đợt này toàn là cán bộ đang công tác. Có anh đã là cán bộ của huyện hoặc Trưởng một trạm xá. Cho đến bây giờ tôi không nghĩ, mặc dù ít tuổi nhất, là em út của tiểu đội nhưng lại là “thủ trưởng” của các anh và được các anh quí mến đến thế.
Tám không phải là người duy nhất trong đơn vị chưa một lần ra thăm Hà Nội. Tuy vậy ở Tám trái tim luôn hướng về Hà Nội. Chả là ngày còn công tác ở Nông trường, Tám đã yêu một cô giáo người Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp đại học cô được phân công về Nông trường của Tám dạy học. Chuyện tình của họ cũng trầm bổng, lúc thăng, lúc giáng như bản nhạc nhưng chưa đạt đến cao trào. Cô trở về Hà Nội khi “giải yến chưa bắc xong cầu” để chàng được một lần về thăm. Tuy thế, dẫu xa cách nhưng trong tim họ vẫn luôn luôn hướng về nhau.
Biết tôi có anh chị công tác ở Hà Nội, và đã được ra Thủ đô, Tám cứ suýt xoa: Thế là nhất cậu rồi đấy nhé. Được ra thăm Hà Nội, được dạo trên đường Thanh Niên, được ngắm Tháp Rùa và nhất là được nhìn Kỳ đài, nơi Bác Hồ đứng đọc Tuyên ngôn độc lập và đọc diễn văn mỗi dịp 2-9 thì dẫu có chết cũng sướng.
Chả là năm 1970, nhân kỷ niệm 2-9, bố mẹ tôi “thưởng” cho một chuyến ra Thủ đô nhân kết quả học tốt.
Dạo ấy ta vừa ký Hiệp định ngừng bắn với Mỹ. Và từ vĩ tuyến 20 trở ra chúng đã ngừng ném bom.
Tôi vẫn nhớ như in cái đêm tàu đưa chúng tôi ra Hà Nội. Dạo đó đường sắt đã được khôi phục nhưng tàu thì cũ kỹ và bò chậm như rùa. Từ quê ra Hà Nội có hơn trăm cây số mà đi mất gần hai mươi giờ. Đi từ tối hôm trước mãi đến 9 giờ sáng hôm sau mới đến ga Hàng Cỏ. Lần đầu đi tàu cái gì cũng lạ. Tàu thì tối như bưng, phải dùng đèn dầu…
Mặc dù thời gian ở Hà Nội ít song tôi cũng đến được nhiều nơi. Nhớ nhất là lần đầu tiên dự đám cưới của người Hà thành. Thấy cô dâu đánh son phấn tôi hỏi chị tôi: đám cưới cũng có biểu diễn văn nghệ hay sao hả chị. Vì tôi thấy mấy cô giống như các diễn viên văn công ấy. Chị tôi cười bảo đó là cô dâu và người phù dâu. Thật là ngố. Ở quê có bao giờ thấy ai khi cưới đánh phấn bôi son đâu. Nhất là lại thấy mấy cái mái tóc “phi-dê” thì lạ lắm. Cứ như cái tổ cò ở quê tôi vậy.
Thường vào những đêm chủ nhật không phải sinh hoạt, anh Tám thường hay rủ tôi lên quả đồi gần đơn vị để đón ánh trăng và hóng gió. Đời lính cũng có những giây phút thật nên thơ. Hai đứa thường ngồi trên bãi cỏ mà đón những làn gió từ phía đồng bằng thổi về.
Khu vực đơn vị đóng quân rất nhiều hoa Giẻ. Mùa hoa nở, hương cứ như mời gọi, man mát dịu dàng. Những cơn gió đem hương hoa ban phát cho cả một vùng. Quả đồi chúng tôi lên cũng toàn cây Giẻ. Dạo đấy đang mùa hoa. Cả quả đồi ngào ngạt hương. Tóc chúng tôi như được đằm trong hương hoa. Thỉnh thoảng tiếng chim Đa Đa “khó khăn khắc phục” lại cất lên, đưa trời đất về cõi hồng hoang của thuở cha ông đi khai sơn phá thạch. Những lúc như thế, Tám thường khẽ hát bài “Hướng về Hà Nội” của nhạc sỹ Hoàng Dương. Tâm trạng của anh lúc đó cũng giống như tâm hồn người nhạc sỹ đi kháng chiến vẫn luôn ngóng về Hà Nội. Giọng Tám thật da diết:
“…Hà Nội ơi, hướng về thành phố xa xôi; Ánh đèn giăng mắc muôn nơi áo màu tung gió chơi vơi; Hà Nội ơi, phố phường dài ánh trăng mơ; Liễu mềm nhủ gió ngây thơ thấu chăng lòng khách bơ vơi; Hà Nội ơi, những ngày vui đã ra đi, Biết người có nhớ nhung chi; Hết rồi giây phút phân ly; Hà Nội ơi, dáng huyền tha thướt đê mê; Tóc thề thả gió lê thê; Biết đâu ngày ấy anh về".
Biết tôi có cô bạn cùng học phổ thông hiện là sinh viên của Trường Tổng hợp. Tám bảo chỉ còn mấy ngày nữa là kỳ nghỉ hề sẽ đến, cậu phải viết thư mời cô lên thăm đơn vị. Chỉ còn hơn tháng nữa là chúng mình sẽ rời hậu phương hành quân vào Nam. Chia tay gặp được người từ Hà Nội về là món quà quí giá đó. Tám bảo tôi nhất định phải mời bằng được cô bạn gái.


Lính đặc công trên đường vào Sài Gòn - Nguồn ảnh: imageshack.us
Không biết có phải sự mong mỏi của Tám, hay vì một “đáng minh quân” nào đó ban phát cho mà cô bạn tôi đã lên đơn vị thật. Cứ như là có bàn tay của ai đó đã sắp đặt. Vì nói với Tám là sẽ làm nhưng tôi có viết thư mời bạn lên thăm đâu.
Hôm đó tôi đang lên lớp một bài về quân sự cho cả đơn vị. Tám trực ban. Thấy anh xăm xăm chạy vào lớp, tôi đã hơi ngạc nhiên, tưởng có chuyện gì hệ trọng lắm. Anh ghé tai tôi báo tin: Bạn gái lên. Nghe mấy tiếng đó, trong tôi như có luồng điện chạy qua sống lưng. Mặt bừng đỏ. Cố dấu sự lúng túng trước mọi người, tôi nhờ anh tiếp “khách” hộ. Giảng xong bài tôi sẽ về ngay.
Hôm ấy cả tiểu đội vui như Tết. Ngoài tôi ra phải là anh Tám.
Sau này tôi đã đi nhiều nơi, ở nhiều cơ quan, nhưng cái tình của người lính ngày ấy vẫn theo tôi đi suốt cuộc đời. Đồng đội tôi coi khách trong tiểu đội cũng là người thân yêu của mình. Họ đều quí mến và trân trọng lắm. Không chỉ trong tiểu đội, mà cả anh em trong Đại đội, cả Thủ trưởng của tôi cũng vậy. Các anh đều đến thăm và chia vui cùng tôi. Lại còn tạo mọi điều kiện vật chất để chúng tôi tiếp khách.
Ngoài nhiệm vụ chỉ huy ban “hậu cần lâm thời", anh Tám còn là nhà “ngoại giao” tài ba đối với bạn gái của tôi. Vì bạn tôi có rất ít thời gian nên muốn ra về. Thế mà anh đã “thuyết khách” thành công và bạn tôi đã ở lại ăm cơm cùng đơn vị.
Trong khi “tiệc tùng thịnh soạn” anh mới có dịp để “Hướng về Hà Nội”. Anh hỏi rất nhiều, nào là Trường Tổng hợp, nơi có khoa văn đào tạo những “nhà văn” tương lai của đất nước mà bạn tôi đang học, anh hỏi cả về đường Thanh niên, nơi Hồ Tây lộng gió… Rồi anh ước ao có một chiều thả bộ bên những hàng “liễu rũ như mơ” trên con đường ấy. Có lẽ cái xóm Cầu Mới là nơi anh dành để hỏi nhiều nhất…chỉ có tôi mới hiểu tại sao Tám lại hỏi kỹ đến thế. “Cô giáo của anh” sinh ra ở đấy. Anh hỏi nhiều đến nỗi anh em trong tiểu đội phải nhắc: Thôi dành thời gian để “Thủ trưởng” còn “hỏi thăm người Hà Nội” chứ.
Dịp đấy cũng là kỳ anh "thu hoạch" về Hà Nội nhiều nhất. Bởi vì sau đó chúng tôi hành quân đi chiến đấu, ít có dịp nói về Hà Nội nữa.
Không cùng đơn vị vì do phải chia đi các hướng khác nhau, nhưng chúng tôi vẫn cùng địa bàn hoạt động và vẫn biết tin tức của nhau.
Tôi nhận được tin Tám hy sinh vào cái buổi chiều cuối tháng 2 năm 1975. Đơn vị của anh nhận nhiệm vụ nghi binh đánh địch ở hướng Kon Tun để cho đại quân bí mật chuyển hướng vào Buôn Ma Thuột, thực hiện đòn đánh chiến lược. Trong một trận nổ súng nghi binh, Tám đã anh dũng hy sinh. Anh ngã xuống mảnh đất Ngọc Hồi, nơi ngã ba Dông Dương, mái nhà của tình đoàn kết Việt - Lào - Căm pu chia.
Nghe tin bạn hy sinh, tôi không thể nào cầm được nước mắt. Dù cố kìm lòng nhưng nó cứ chảy hoài, chảy mãi. Ôi thế là cái ao ước cuối cùng của bạn tôi không thể nào thực hiện được. Chỉ một chiều vàng Hồ Tây, được đi dưới những hàng liễu rũ…Tôi chợt nghĩ về người bạn gái của anh. Giờ này cô đang ở đâu giữa lòng Thủ đô yêu dấu.
Bây giờ thì mơ ước như của bạn tôi ai cũng rất dễ thực hiện. Từ những nơi rất xa xôi của cả nước, chỉ một vài giờ bay, bạn cũng có thể sẽ được đi dưới bóng những hàng cơm nguội, được đằm trong hương hoa sữa, được ngắm chiều vàng Hồ Tây và với những con thuyền bạn có thể vào phủ Tây Hồ hay đi dạo khắp mặt hồ mênh mông sóng nước ấy bằng con đường thủy.
Nhưng có được như vậy, cả thế hệ chúng tôi đã ra đi, rất ít người được quay lại để thực hiện được cái mơ ước mà bây giờ bạn tưởng như cỏn con ấy.
Tôi đã ra Hà Nội, đã được đi trên những con đường mà ngày nào bạn tôi ao ước, được thấy một Hà Nội "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn", tuy còn nhiều điều phải trăn trở... Vâng bây giờ Hà Nội không chỉ là của Hà Nội, Hà Nội là của cả nước. Hà Nội phải làm tất cả để xứng đáng với những người ngã xuống không phải tủi lòng.
Trong tôi lại vang lên những giai điệu mà Tám vẫn hát và muốn gửi gắm: “Hà Nội ơi, nỗi lòng gởi gấm cho nhau, nhớ hoài chỉ biết thương đau, đắng cay chờ những kiếp sau”.
Người bạn gái của anh có còn nhớ những giai điệu này không.

Hà Nội ngày đầu hạ

No comments:

Post a Comment