Wednesday, March 2, 2011

Hội chứng anh hàng giầy

Hội chứng anh hàng giầy
• Tác Giả: Nguyễn-Khoa Thái Anh
• Đăng ngày 14.07.08
• Quan Điểm
• Xếp hạng:
Nguyễn-Khoa Thái Anh

View all articles by Nguyễn-Khoa Thái Anh

David-Jaques Louis
1748-1825
Vào thời Nã phá Luân (Napoleon Bonaparte) ở Pháp có một họa sĩ vẽ tranh sơn dầu nổi tiếng: Jacques-Louis David (1748-1825) Ông được ủy nhiệm vẽ hoàng đế Pháp. Kết quả là năm phiên bản của bức tranh dầu nổi tiếng Vượt Đèo Saint Bernard ở rặng núi Alpes (Napoleon Crossing the Alps/Le Premier Consul franchissant les Alpes au col du Grand Saint-Bernard).
Jacques-Louis David là một họa sĩ tận thiện tận mỹ, thường hay dùng đích thực hiện vật hoặc người mẫu khi họa tranh, vẽ xong ông trưng bày và thường lẫn tránh gần bức tranh để nghe ngóng những lời phê bình, họa may có thể thu thập ý kiến, hoàn chỉnh tác phẩm của mình chăng?
Khi đó, có một anh hàng giầy, bất kể những lời dèm pha về nhân dáng cao ráo, vẻ đẹp trai của Napoleon hay con ngựa trắng (1) mà họa sĩ vẽ, chỉ chú trọng vào chiếc giầy của Napoleon, bảo rằng giầy cỡi ngựa không thể nào có một khuyên sắt (buckle) như thế được. Họa sĩ David về chữa lại, ngày sau anh hàng giầy lại đến xem tranh, thấy họa sĩ xóa đi vòng khuyên đúng ý mình, anh huyên thuyên khoe với đám bạn; "Thấy chưa, tao đã bảo giầy cỡi không thể như thế được..." Ngắm nghía một hồi, anh lại phê bình, da giầy hia (boot/botte v. bottine) cứng quá, giầy bốt đi núi (chaussure de montagne) vào mùa Đông không thể cao đến mắt cá, v.v.. Mấy ngày sau, anh thợ giầy lại dắt bạn đến, mừng như mở cờ khi thấy giầy đã được vẽ đúng như ý mình bèn huênh hoang phê phán lung tung. Nào là chê trang phục, chê cả mũ mão của Napoleon, những vật dụng mà ông David hoàn toàn có trong tay do hoàng đế giao cho. Biết anh thợ giầy nói hươu nói vượn những chuyện ngoài phạm vi hiểu biết của mình, ông họa sĩ vội bước ra, chỉ vào mặt anh thợ giầy, dõng dạc nói :
"Này anh hàng giầy, xin anh chớ leo trên nơi hàng giầy dép! ..."

Napoleon Crossing the Alp
Trên đây là một giai thoại đã xảy ra trên 200 năm nay - nhưng nghiệm lại, rất tương xứng với những hành động và não trạng quốc-cộng (Bolsavik-công an mạng) đang gây hoang mang, phân tán trong cộng đồng hải ngoại gần đây.
Trong một thế giới toàn cầu hóa, chuyện đóng góp ý tưởng, gợi ý tìm một đồng thuận, một tiếng nói hướng về một giải pháp chung cho hiện trạng Việt Nam, những người viết lách không khỏi bực mình vì những thái độ thấp kém, nhỏ mọn, những phong thói đố kỵ, quy chụp thiển cận và nhiều lúc lỗ mãng của những người kém hiểu biết trên những diễn đàn liên mạng. Người cầm bút nhiều lúc phải cố làm ngơ, vượt qua sự tức bực rất người của mình, mong tìm đến những tâm hồn trong sáng, những tấm lòng thành mang ý tưởng xây dựng, bất chấp những oan nghiệt của thân phận Việt trong buổi giao thời Cộng sản-Tư bản.
Khổ nỗi, những tâm hồn trong sáng, những người tử tế ở đâu? Hoặc giả, vì ngán ngẩm, họ đã trở thành số đông thầm lặng? Hay là họ đã rút lui khỏi những sân chơi (diễn đàn) bát nháo, để mặc cho một số người hung hăng nhất tạo nên một văn hóa kém cỏi, không lành lặn -- sỉ vả hoặc vuốt ve nhau -- thao túng? Khác với những chủ ý hẹp hòi quá khích, người viết lách nghiêm túc không ai lại tự cho quan điểm của mình là lời vàng thước ngọc, yêu cầu người khác phải chấp thuận hay đồng ý.
Chính ra, khi bày tỏ một ý tưởng, một đề tài gì -- như ông họa sĩ Jacques-Louis David -- họ đều muốn lắng nghe những lời phê bình, chỉ trích để hoàn thiện hay tự kiểm, xét lại tư duy (có thể chủ quan) của mình. Ngặt nỗi, trong một bầu không khí nhiễm độc thành kiến hận thù và một tâm lý chiến bại (phía hải ngoại quá khích), hay do một ác ý dã tâm nào (phía Cộng sản quyền lực) đã không có một cuộc đối thoại, tranh luận hay góp ý nào khả dĩ gọi là đứng đắn, thành tâm hay xây dựng.
Đương nhiên, người viết không chủ trương tìm một vị thế trung dung/trung lập giữa hai cái sai, hầu lẫn tránh tránh một lập trường phải có của mình. Nói nôm na kiểu Mỹ: 'Two wrongs don't make a right', hai cái sai không làm cho ta đúng, nhưng điều đó không có nghĩa là phải từ bỏ một lý tưởng sắt son ta hằng đeo đuổi bao nhiêu năm nay: một chính nghĩa quốc gia dân tộc, nhằm tìm đến chuyện công bằng, dân chủ - nhất là cho những người bị chèn ép từ trước đến giờ. Tin tưởng mãnh liệt vào chính nghĩa và con đường ta đi không có nghĩa là người ta phải diệt trừ hay loại bỏ những ý tưởng khác với mình. Nhất là khi ý tưởng khác biệt với mình lại nằm trong tay phe đối lập có thế lực cầm quyền. Diệt trừ họ bằng cách nào?
Trong một không gian toàn cầu hóa, tinh thần nhân bản đang trở thành một lý tưởng phổ cập được tuyệt đại đa số dân tộc chấp nhận, người ta không thể toan tính, thực hành chuyện vũ lực hay bạo quyền để đàn áp những dân oan, thấp cổ bé miệng. Người ta lại càng phải tránh hẳn những lời lẽ thô bạo, ác độc khi chính người ta là thành phần thiểu số, không có một chút thế lực nào trong tay, ngoài cái mồm to và rỗng toét. Những chuyện ném đá dấu tay, hô hoán thô tục và bỉ ổi của một số người hải ngoại nhiều khi chỉ chứng tò sự bất lực, hèn hạ, vô nghĩa lý của mình. Họ phải nhận thức rõ hai điều:
1) Phần đông cộng đồng không ai muốn hoặc không thể dùng bạo lực/binh quyền để giành lại nền Cộng hòa cũ hay bất cứ một chính nghĩa dân chủ, trong sáng mới mẻ nào.
2) Người Việt cần tìm một hướng đi ngắn nhất, ít đau thương nhất cho dân tộc để mỗi người có thể tự giác góp sức xây dựng một nước Việt-Nam tươi sáng và dân chủ hơn.
Sau bao nhiêu năm chiến tranh giết chóc và hận thù, hậu quả là sự ra đi vô tiền khoáng hậu của hơn ba triệu người Việt trên khắp toàn cầu, tạo nên một hội chứng Cộng sản, chia rẽ trong và ngoài nước. Nhưng bắt đầu vào đầu thập niên '90, một sự kiện khiến nhiều người Việt lâm vào một tình huống khó xử và thử thách nhưng cũng mang nhiều hứa hẹn: chuyện rapprochement (xáp lại gần), bang giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, chuyện giao du giữa người trong và ngoài nước. Một khi đã vượt qua được hội chứng nghiệt ngã này, người Việt hải ngoại phải đương đầu với một chuyện hiển nhiên không thể chối cãi được:
Việt Nam trong thế kỷ 21 may thay không phải là Cuba hay Bắc Triều Tiên đã bị loại khỏi vòng hội nhập của thế giới, Việt Nam dù muốn dù không đã được Hoa Kỳ và thế giới công nhận, và cho dù chuyện cô lập hóa Việt Nam có đem lại sự xụp đổ của Đảng Cộng sản hay không, cá nhân tôi và tuyệt đại đa số người Việt hải ngoại không thể thay đổi được chuyện giao thương đã rồi này. Ngưởi ta không thể bóp cổ 85 triệu người Việt trong nước để mong cắt cổ, làm dãy chết đảng Cộng sản Việt Nam.
Tuy nhiên, người Việt có thể khẳng định hai điều: 1) sức ép của người Việt hải ngoại và thế giới dân chủ sẽ chi phối nhiều nguồn đầu tư của thế giới, 2) Trung quốc và chủ trương bá quyền của họ không bao giờ phù hợp với quyền lợi của dân tộc Việt-Nam.
Và một điều hiển nhiên nữa ít ai nói ra: Trào lưu hội nhập giữa người Việt trong và ngoài nước ̣(theo thiển ý) phần lớn đã mang lại một thay đổi khả quan cho tiến trình dân chủ và văn minh của đất nước. Cách hành xử biết điều, lịch sự, tử tế trọng lẽ phải của phần đông Việt kiều khi về nước - cũng như sự thu thập và hấp thụ những nền văn minh pháp trị và xã hội dân sự qua mạng lưới toàn cầu/internet hay xuyên qua những những du sinh, những người Việt du lịch nước ngoài đã góp phần không ít trong chuyện thay đổi tư duy tiệm tiến này.
Hy vọng rằng lập luận trên đây không khiến ai phải thét lên: "Này anh hàng giầy, xin anh chớ leo trên nơi hàng giầy dép! " Nếu có, tôi xin sẵn sàng lĩnh hội cao kiến của quý vị.
© 2008 danchimviet.com

No comments:

Post a Comment