Wednesday, March 2, 2011

Chảy ra ngoài và lặn vào trong

Chảy ra ngoài và lặn vào trong
(Dân trí) - Nước mắt - như ai kia đã từng nói là “Hạt châu của loài người". Nước mắt đó còn là lăng kính biến hình của vũ trụ”.
Nước mắt sinh ra là khi mẹ nhìn thấy con đỏ hỏn và thôi nôi trong vòng tay mẹ.

Nước mắt sinh ra là khi cha nhìn thấy con đã trưởng thành và chững chạc hơn bởi những tháng ngày rèn luyện và lớn lên trong quân ngũ.

Nuớc mắt sinh ra là khi tôi ôm bạn vào lòng chỉ để đơn giản nói với bạn rằng: “Tôi yêu bạn".

Nước mắt sinh ra là để khóc cùng với những số phận hay khóc cho những mảnh đời, những kiếp người.

Là để ta cảm nhận nỗi đau đến cùng cực của một nguời mẹ câm. Người mẹ ấy phải giả vờ câm bởi bà không thể ngờ rằng đứa con trai do bà dứt ruột đẻ ra lại có thể đối xử với bà tàn nhẫn và tồi tệ đến thế.

Là để khóc cho một tình yêu đầy tội lỗi của một người con gái. Một người phụ nữ nhưng có đến hai người đàn ông trong cuộc đời. Một chồng chị. Một chú của chị. Đúng thế, chính là chú của chị .

Khóc cùng với những số phận hay cũng là khóc cho riêng mình. Nhưng. Lạ

Khóc cho người - nuớc mắt chảy ra ngoài

Khóc cho mình - nước mắt lặn vào trong

Hay nước mắt chảy ra ngoài mà mình không hề hay biết? Không.
Nếu nuớc mắt chảy ra ngoài mình sẽ cảm nhận được vị mặn của nó.

Nếu nước mắt chảy ra ngoài mình sẽ cảm nhận được cái đắng chát của nó.

Nếu nước mắt chảy ra ngoài mình sẽ cảm nhận được “nhịp đời nóng hổi” lăn trên đôi gò má.

Nhưng. Không. Nước mắt mình lặn vào trong.

"Chảy ra ngoài và lặn vào trong" đều là những giọt nước mắt .Thế nhưng. Khác nhau nhiều lắm!

Đúng thế. Khác nhiều lắm!

Nuớc mắt chảy ra ngoài - là để nhẹ vơi đi cõi lòng.
Nước mắt lặn vào trong - là để lòng thêm nặng trĩu.

Nước mắt chảy ra ngoài - là sẽ có ai đó biết mình đang khóc, ai đó biết mình yếu đuối.

Nước mắt lặn vào trong - là sẽ không ai biết mình đang khóc , không ai biết mình yếu đuối.

Nuớc mắt chảy ra ngoài - là để tôi cô đơn lên dốc với bạn.
Nước mắt lặn vào trong - là để tôi cô đơn lên dốc với chính tôi.

Khóc cho riêng mình để nhận ra mình đã từng sống thật vô tâm, đã từng sống thật khô cằn. Bởi vô tâm. Bởi khô cằn nên mình đã làm trái tim một người phải đau khổ.

Khóc cho riêng mình là để nhận thấy mình bất lực. Khóc cho riêng mình là để nhận ra mình đã từng sống quá ích kỷ, đã từng sống quá bon chen. Để dặn lòng mình phải sống khác đi .Sống cần phải cho đi nhiều hơn nữa, sẻ chia nhiều hơn nữa, thật lòng hơn nữa và bao dung nhiều hơn nữa.


Nỗi lòng người xa xứ

Đăng ngày: 16:15 03-08-2009
Trong cuộc sống đôi lúc chúng ta bắt gặp những mảnh đời tha hương và chắc hẳn các bạn cũng không ít người phải rơi lệ hay ít nhất là cũng xót thương cho số phận của họ. Người Việt Nam chúng ta bây giờ không ít người được đi định cư ở nước ngoài mà Hoa Kỳ là điểm đến quen thuộc của chúng ta. Cái danh từ Việt Kiều nghe có vẻ kiêu sa và đáng để cho nhiều người ước ao. Tôi cũng từng ngưỡng mộ cái danh từ mỹ miều đó nhưng giờ đây tôi lại cảm thấy sợ hãi khi nghe đến 2 tiếng “Việt Kiều”. Tôi đã định cư ở Hoa Kỳ được gần 2 năm rồi, khi vừa vẫy tay chào tạm biệt trường lớp cấp 2, kết thúc 4 năm trung học đó cũng là lúc tôi phải chia tay với quê hương và bạn bè mà đến với một đất nước khác.
Tôi! Một kẻ từng ước mơ được đi khỏi đất nước Việt Nam xinh đẹp nơi gắn liền với tuổi thơ tôi, nơi tôi sinh ra và lớn lên và cũng là nơi tôi cất giấu những kỉ niệm buồn vui lẫn lộn. Nhưng giờ đây tôi lại ước ao được lội ngược dòng thời gian để tìm về những kỉ niệm hôm nào khi tôi còn ở trên quê hương mình. Các bạn – những người vẫn được sinh sống, học tập trên đất nước của mình chắc sẽ không hiểu được cảm giác của những người xa xứ như tôi đâu! Tôi luôn nghĩ mình sẽ vui vẻ hơn khi đi định cư ở thành phố San Jose xinh đẹp thuộc tiểu bang California nơi được mệnh danh là thung lũng hoa vàng. Nhưng sự thật thì hòan toàn ngược lại, cuộc sống tôi vốn dĩ đã tràn đầy nước mắt và tuyệt vọng nay lại càng gắn kết với nhớ thương và chua xót. Tôi tưởng lúc mình dứt nước mắt đi khỏi quê hương là lúc tôi có thể bắt đầu một cuộc sống mới, tìm được niềm vui mới và một cuộc sống đầy đủ hơn. Quả thực đời sống đã được cải thiện nhưng tâm hồn lại thiếu sót. Con người chúng ta thường biết trân trọng một cái gì đó sau khi đã đánh mất nó. Tôi cũng vậy, đến lúc này đây khi không còn được đi trên con đường đất quen thuộc không còn phải lấm lem bùn đất mỗi khi trời mưa và cũng không còn được lang thang khắp nơi trên chiếc xe đạp cũ kỹ nữa, tôi mới biết những thứ tôi luôn nghĩ là tầm thường nhỏ bé thì lúc này đây tôi mới nhận ra rằng chúng thật đáng trân trọng biết bao!
Tôi tiếp tục cuộc sống bằng cách gặm nhấm những kỉ niệm khi còn ở quê nhà, mỗi lần ngồi đối diện với màn hình vi tính để được chat với bạn bè ở Việt Nam tôi lại cảm thấy lòng mình ấm áp và những dòng nước mắt cứ âm thầm lặng lẽ tuôn ra. Đến lúc này đây tôi mới hiểu rằng cuộc sống khó nghèo ở Việt Nam thiệt đáng quý trọng, vì dù nghèo, dù khốn khó con người ta vẫn giữ trọn cho nhau tình làng nghĩa xóm. Cuộc sống nơi đất nước phồn hoa giàu có khiến con người ta tất bật chạy đua với đồng tiền, thời gian và rồi quên đi nghĩa vụ của mình. Con người nơi đây không giàu tình cảm như những người tôi quen biết ở Việt Nam. Những con số về tiền bạc, thời gian luôn xoay vòng bên cạnh cuộc sống của họ để rồi con người họ khô cằn dần đến mức đánh mất chính chính bản thân mình.

Mỗi con người Việt Nam khi bước chân qua Hoa Kỳ đều thật thà chất phát, cũng thấm đượm đầy tính chất nhân văn, nhưng thời gian thấm thoát trôi, ai cũng đã thích nghi với cuộc sống bận rộn và cuộc chạy đua với đồng tiền. Những người trong gia đình ít khi gặp mặt, một bữa cơm gia đình ấm áp cũng là một chuyện ít khi xảy ra. Đôi lúc tôi ngồi lặng lẽ nhìn căn nhà trống vắng bóng người lại khiến lòng tôi nhói đau khi nghĩ đến cảnh đông vui khi còn khó nghèo. Tuy biết cha mẹ phải làm việc để có tiền nuôi con cái nhưng cảm giác như công việc và đồng tiền đang kéo họ xa dần đứa con của mình. Tôi thường thấy các cụ già ngồi lặng lẽ bên mâm cơm hay đôi mắt luôn hướng về phía xa xăm, tôi biết rằng họ đang hướng đến quê hương và đang đợi chờ cuộc sống đầm ấm. Chúng tôi! Những người xa xứ luôn thèm khát được ăn uống đồ ăn quê nhà, được tự tin giao tíêp bằng tiếng mẹ đẻ của mình, nhưng ít có ai có được sự khao khát đó. Phải hòa nhập với nhiều dân tộc sử dụng ngôn ngữ của đất nước xa xăm, đối với tuổi trẻ thì là một việc không khó khăn là mấy nhưng với những người trưởng thành đó là một việc vô cùng gian truân.
Các du học sinh như các bạn của tôi thường tụ tập để kể cho nhau nghe những kỉ niệm khi ở VN, một câu chuyện có thể được kể đi kể lại hàng chục lần nhưng chẳng có ai cảm thấy nhàm chán. Vì qua những câu chuyện ấy chúng tôi bắt gặp hình ảnh trường lớp, bạn bè và hàng ngàn kỉ niệm thân yêu. Tuổi học trò thường đầy thơ mộng và niềm vui nhưng với mỗi người xa xứ như chúng tôi thì tuổi học trò nơi đất khách trôi qua quá nhàm chán và vô vị. Chúng tôi cùng đi chơi, ăn uống cũng có nhiều hòa đồng như thời học trò ở Việt Nam nhưng sao trong tận đáy lòng mỗi người chúng tôi lại thấy xa cách và khác nhau đến thế. Thật may mắn vì chỗ tôi định cư tạo cho tôi điều kiện để giao tiếp bằng tiếng Việt khá nhiều và cũng có cơ hội được ăn thức ăn ở quê nhà. Chỉ nghĩ tới rằng nếu tôi sống ở những tiểu bang khác liệu tôi có còn đủ sức để đi tiếp con đường đầy chông gai này không thì tôi đã thấy chán nản và thương tiếc cho những mảnh đời kém may mắn đó.

Nhìn chung những người xa xứ như tôi thường luôn vui vẻ luôn cười nói và một số người còn nói rằng “Ở đây hơn Việt Nam nhiều”. Nhưng quay mặt đi đằng sau những nụ cười thường là nước mắt sau lưng những niềm vui là những nổi buồn khó tỏ cùng ai chỉ biết cố gắng vui vẻ cho qua ngày, cố gắng giữ nụ cười trên môi để không động chạm đến nỗi đau chung của toàn tập thể. Nhưng ai cũng tự hiểu rằng xa quê hương thì thật đau khổ và thương nhớ biết bao. Đây chỉ là một số tâm trạng của tôi và một vài bạn bè cùng trường nhưng tôi nghĩ nó đủ để đại diện cho cảm xúc chung của toàn thể người dân Việt xa xứ, xa quê. Nó là một niềm đau chung, một nỗi buồn và hơn hết là một sự thương tiếc, ước ao được đi khỏi đất nước quê hương mình để tìm thấy một tương lai tươi sáng để rồi cuộc đời bước qua một trang mới. Đó cũng là lúc mọi người trong mỗi chúng tôi xây dựng một góc trong tim mình để cất giữ những nỗi buồn, sự đau thương và nước mắt khi nghĩ đến quê nhà. Không một ai có thể hiểu được nỗi đau của ai cả nhưng nổi niềm của người xa xứ thật dễ dàng để nhận biết.

Có ai mất đi quê hương mà không đau khổ? Có ai phải xa bạn bè mà không luyến tiếc? Có ai vứt bỏ những thói quen, cảnh vật quen thuộc mà không phải đau buồn? Tôi xin nói cho các bạn biết rằng khi rời xa quê hương mình dù với bất kì lý do gì thì mọi người đều mang cho mình một nỗi đau khi ra đi. Nhưng chúng tôi biết rằng tuy xa nhưng gần gũi, vì quê hương không nơi nào khác nhưng đang ở trong tim mỗi chúng tôi – những người xa xứ.

No comments:

Post a Comment