Wednesday, March 2, 2011

BIỂN TRÍ HUỆ-Đức Đạt Lai Lạt Ma

BIỂN TRÍ HUỆ (2)
Nguyên tác: Đức Đạt Lai Lạt Ma
Chuyển ngữ: HT.Thích Trí Chơn
Trích từ cuốn sách: “Ocean of Wisdom”
(tiếp theo)
Theo khoa tâm lý học Phật Giáo, phần lớn sự đau khổ đều do lòng dục vọng của con người tham đắm vào các đồ vật mà chúng ta lầm tưởng là chắc thực bền lâu. Nhằm theo đuổi các đối tượng của lòng ham muốn con người thường có hành động tranh chấp và xâm lược được xem như các phương pháp hữu hiệu. Những ý tưởng chiến tranh này đã xuất hiện trong tâm con người từ thời xa xưa nhưng sự thực hiện các điều ác trên đã trở nên khốc liệt hơn trong thời đại tân tiến ngày nay. Làm sao chúng ta có thể kiểm soát ba ác tính: lòng tham, sự dối trá và xâm lược ? Chính ba loại thuốc độc này là nguồn gốc đã gây nên hầu hết các cuộc khủng hoảng và chiến tranh trên toàn thế giới.
Tánh kiêu ngạo và tâm hận thù đã cản trở sự phát triển lòng từ bi của các bạn. Chúng làm hại và hủy diệt tình thương của con người. Do đó, chúng ta không nên để chúng phát sinh mà cần khống chế và ngăn chận các tánh xấu này. Sự giận dữ, tranh chấp và tánh ngã mạn, kiêu căng là những kẻ thù đích thực của quý vị. Không ai thỉnh thoảng mà không nổi cơn tức giận, nhưng với kinh nghiệm bản thân mình, các bạn đều biết rằng không người nào cảm thấy hạnh phúc khi sanh tâm giận dữ. Có bác sĩ nào dùng hận thù làm thuốc chữa trị bất cứ thứ tâm bịnh gì? Có vị thầy thuốc nào nỗi cơn tức giận mà cảm thấy lòng mình hạnh phúc?
Sự thù hận, giận dữ và ganh ghét không thể giúp tâm con người an lạc. Nhờ tình thương và lòng từ bi, chúng ta có thể giải quyết nhiều vấn đề khó khăn, cũng như có được hạnh phúc và việc giải trừ quân bị chân thực. Một trong những điều quan trọng nhất là tâm từ bi. Chúng ta không thể mua nó tại các tiệm lớn ở Nữu Ước (New york). Các bạn cũng không thể dùng máy móc để sản xuất lòng từ bi mà do sự tu tập từ nội tâm. Nếu lòng mọi người thiếu sự an lạc thì thế giới sẽ không có hòa bình.
Giờ đây tôi nói đến bằng cách nào để phát triển lòng từ bi. Trước hết, điều quan trọng là các bạn nên hiểu rằng giữa chúng ta và mọi người thì những người khác quan trọng hơn vì họ là số đông. Để hiểu vấn đề, xin hảy tưởng tượng trong đầu óc quý vị một bên gồm có rất nhiều người, còn phía kia chỉ có một mình bạn, một cá nhân ích kỷ. Bây giờ hảy tưởng tượng bạn như là người thứ ba. Nếu suy nghĩ kỹ, bạn chọn đi theo phe này với duy nhất có một người hay phía kia rất đông người? Hẳn nhiên quý vị sẽ ngả về bên có số đông người.
Nhưng cả hai phía đều cùng là con người giống nhau. Cả hai đều mong ước sống trong hạnh phúc, chỉ có khác về con số. Cho nên nếu số đông là quan trọng hơn, thì tất nhiên bạn sẽ theo về phía nhiều người đó. Như vậy quý vị có thể nhận thấy rằng số đông người quan trọng hơn cá nhân bạn, do đó chúng ta nên hành động để phục vụ cho lợi ích của nhiều người khác.
Tình thương là một thiện tánh của con người. Khi gặp khó khăn, bạn sẽ cảm thấy bực tức và sinh tâm thù hận. Muốn thực hành đức tính khoan dung, trước tiên chúng ta cần kiểm soát sự giận dữ. Một số người nghĩ rằng cách hay nhất bạn nên bày tỏ sự tức giận hơn là kiềm chế nó. Nhưng theo kinh nghiệm của tôi, nếu chúng ta đè nén được cơn nóng giận, quý vị có thể cải đổi nội tâm của chính mình. Hơn nữa, các bạn còn biết nghĩ đến phúc lợi của những kẻ khác và hành động tìm cách giúp đỡ cho họ. Nhờ vậy mà chúng ta thành tựu được nhiều phước đức. Nếu quý vị thực sự ích kỷ nhưng ích kỷ sáng suốt, các bạn sẽ cảm thấy tâm mình an lạc và do đó, chúng ta có thể giải quyết được nhiều vấn đề khó khăn trong cuộc đời.
Trong đời sống con người đức tính khoan dung rất quan trọng. Nếu có lòng khoan dung, bạn dễ dàng khắc phục, vượt qua mọi thử thách gian lao. Nếu thiếu hay không có lòng khoan dung, một việc nhỏ nhất xảy ra không vừa ý, cũng khiến cho quý vị bực tức phiền muộn. Theo kinh nghiệm của riêng tôi, lòng khoan dung là một đức tính được nhiều người cố gắng thực hành trong xã hội con người chúng ta.
Ai dạy quý vị lòng khoan dung? Đôi khi, trẻ nít có thể chỉ dẫn các bạn đức tính kiên nhẫn, nhưng kẻ thù luôn luôn dạy quý vị lòng khoan dung. Cho nên, kẻ thù mới đích thực là thầy của chúng ta. Nếu bạn biết kính trọng chứ không giận ghét kẻ thù của mình, lòng từ bi nơi quý vị sẽ được phát triển. Tình thương bao la này mới thực là lòng từ bi chân chính được đặt nền tảng trên niềm tin vững chắc.
Bạn thường bày tỏ sự ân cần, tử tế đối với các người thân trong gia đình. Lòng tốt này phát xuất từ sự trìu mến và lòng ham muốn. Do đó, khi đối tượng của lòng từ bi thay đổi, tình cảm của quý vị cũng thay đổi theo. Lòng từ bi và tình thương đó không chân thực. Cho nên, ngay từ đầu chúng ta cần phải tu tập các thiện tính này. Theo quan điểm của tôi, tất cả chúng ta đều giống nhau là muốn sống hạnh phúc chứ không thích khổ đau. Nhưng bạn chỉ là một, còn những người khác là số đông, do đó bạn không quan trọng bằng nhiều kẻ khác.
Sự tiếp xúc với các tiện nghi của đời sống vật chất rất cần thiết cho quốc gia, dân tộc và xã hội con người. Chúng thực sự tuyệt đối hết sức cần thiết. Nhưng cùng lúc, sự tiến bộ và giàu có vật chất không thể giúp con người có tâm an lạc. Sự bình an đến từ bên trong chứ không phải ở ngoài con người. Cho nên, điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào thái độ của chúng ta đối với cuộc sống, những kẻ khác và đặc biệt đối với các vấn đề khó khăn. Khi hai người cùng gặp một việc buồn phiền như nhau, nhưng kẻ này nhờ sức mạnh tinh thần đã vượt qua dễ dàng hơn người kia có ý chí kém thua. Do đó năng lực tâm linh là điều rất quan trọng.
Tình thương và lòng từ bi là những vật quý báu nhất trong đời sống. Chúng không phức tạp mà rất đơn giản, nhưng lại khó áp dụng. Lòng từ bi có thể thực hành khi bạn nhận biết rằng mọi người đều là thành viên trong gia đình con người và của nhân loại, không phân biệt tôn giáo, văn hóa, màu da hay chủng tộc. Nếu suy nghĩ thực kỹ thì chẳng có gì khác biệt giữa con người với nhau.
Là con người chúng ta có bộ óc hiểu biết và khả năng không giới hạn. Ngay loài thú vật, với sự kiên nhẫn, các bạn dần dần có thể luyện tập cho chúng trở nên thuần thục được. Tâm con người từng bước quý vị cũng có khả năng tu sửa để trở thành người hiền lương. Nếu bền chí thực hành tu tập, chúng ta có thể nhận biết kết quả qua kinh nghiệm bản thân của chính mình. Nếu ai dễ dàng nỗi cơn giận dữ nên cố gắng kiềm chế đừng để cho điều xấu ấy xảy ra. Sự thật này cũng đúng cho người ích kỷ, trước tiên họ cần thấy rõ các điều sai quấy của kẻ có tâm hẹp hòi và lợi ích của người có lòng tốt muốn giúp đỡ tha nhân. Khi nhận thức được như vậy, hành giả cố gắng tu tập, ngăn tránh hành động xấu ác và tích cực làm các việc lành. Bằng cách đó, sau một thời gian thực hành, chúng ta sẽ đạt được kết quả tốt.
Không có tình thương, xã hội con người tương lai sẽ phải đối đầu với nhiều vấn đề khó khăn và rơi vào tình trạng đau khổ. Tôi tin rằng các tôn giáo lớn trên thế giới như Phật Giáo, Thiên Chúa, Ấn Độ, Hồi, Khổng, Lão, Kỳ na (Jainism) và Bái Hỏa Giáo đều có chung một lý tưởng đề cao tình thương, mục đích giúp ích cho nhân loại qua sự hành trì tu tập và cải đổi các tín đồ trở thành những con người đạo đức hơn. Tất cả mọi tôn giáo đều dạy chúng ta giữ gìn thân, khẩu, ý thanh tịnh, không nói dối, trộm cắp và sát sinh v.v... Mục đích chung của những lời khuyên răn đạo đức mà nhiều vị đại giáo chủ thuyết giảng là không tham lam và ích kỷ. Các ngài muốn hướng dẫn mọi người tránh xa những hành động xấu ác phát xuất từ vô minh và khuyến khích họ nên làm các việc lành.
Tôi tin rằng kẻ nào hành động đối xử với bạn như kẻ thù là vị thầy tốt nhất của quý vị. Nhờ họ mà chúng ta có thể học hỏi được đức tính nhẫn nhục, nhưng khó gặp cơ hội để thực hành. Tuy nhiên, khi gặp người thù sẽ giúp bạn dễ dàng thể hiện tính nhẫn nhục.
Khi chúng ta hiểu rõ sự đồng nhất thể của nhân loại, quý vị sẽ nhận thấy rằng điều khác biệt giữa con người là thứ yếu. Với tinh thần biết kính trọng và yêu thương mọi người, các bạn cảm thấy lòng mình ngập tràn hạnh phúc. Nhờ vậy quý vị có thể xây dựng tình huynh đệ và sự hòa hợp chân thực cũng như thay đổi tâm hồn của mình. Nếu tiếp tục thực hành, chúng ta có thể hoàn toàn cải đổi cuộc sống. Tâm con người có khả năng thực hiện điều ấy.
Nếu bạn có tình thương và lòng từ bi bao trùm khắp mọi chúng sinh, đặc biệt là đối với kẻ thù, đó là tình thương và lòng từ bi chân thực. Nếu tình thương và lòng từ bi chỉ nhằm hướng đến bạn bè hay vợ chồng con cái của mình, thì căn bản không phải tình thương chân chính. Đó là lòng tham đắm. Tình thương ấy không thể tồn tại lâu dài.
Tôi tin rằng vì hâm mộ nền văn hóa và nghệ thuật Tây Tạng, nhiều du khách ngoại quốc đến viếng thăm các cơ sở Tây Tạng xây dựng tại Ấn độ và Nepal để gặp gỡ những người Tây Tạng. Ngay lúc đầu chính chúng ta không nhận biết rõ nếp sống và lối suy nghĩ của họ như thế nào, nhưng sau khi viếng thăm và gặp gỡ, những du khách ngoại quốc này đã hỏi: “Tại sao người Tây Tạng các bạn đã có được đời sống chất phác và hạnh phúc, một cuộc sống mặc dù đau khổ nhưng vô cùng an lạc. Điều bí mật của quý vị là do đâu?”
Nhưng tôi tự nghĩ, không có gì bí mật, mà do bởi nền văn hóa của Tây Tạng được xây dựng trên nền tảng của lòng từ bi. Chúng tôi lúc nào cũng luôn luôn bảo rằng: “Tất cả mọi chúng sanh đều là cha mẹ của chúng ta”. Ngay cả những tên côn đồ và tướng cướp, trong ý tưởng của họ cũng nghĩ rằng: “Tất cả chúng sanh là cha mẹ của các bạn” Do đó, chính tôi vẫn luôn luôn thực tập suy nghĩ như vậy. Tôi tin đó là cội nguồn của sự an lạc và hạnh phúc đích thực.

No comments:

Post a Comment